Phần VI
Chương - 11 -
Tuy đã ở nông thôn tình hình tiền nong của nhà Roxtov trong vòng hai năm vẫn không khả quan hơn.
Mặc dầu Nikolai Roxtov giữ vững ý định của mình, vẫn tiếp tục phục vụ trong một binh đoàn đã chiến tối tăm, tiêu liền tương đối ít, lối sinh hoạt ở Otradnoye và nhất là cách quản lý công việc của Mitenka đã làm cho công nợ của nhà Roxtov mỗi năm một tăng.
Lão bá tước cho rằng chỉ còn một cách cứu vãn duy nhất nữa là đi làm việc nhà nước, cho nên ông đã lên Petersburg xin một chức quan; đi xin một chức quan và đồng thời như ông nói, cũng để cho các tiểu thư tiêu khiển một lần cuối cùng nữa.
Ít lâu sau khi gia đình Roxtov lên Petersburg, Berg đến dạm hỏi Vera và được chấp thuận.
Hồi ở Moskva, họ Roxtov vốn thuộc giới xã giao cao nhất, tuy họ cũng không biết và không hề nghĩ xem mình thuộc vào giới nào. Nhưng khi đến ở Petersburg thì môi trường giao thiệp của họ trở nên phức tạp và không rõ ràng. Ở Petersburg họ được coi là người "các tỉnh" và ngay cả những người trước đây đến ăn uống trong nhà Roxtov ở Moskva, mà gia đình Roxtov không hề hỏi xem thuộc giới nào, bây giờ cũng không thèm hạ mình xuống giao du với họ.
Ở Petersburg gia đình Roxtov cũng giống như ở Moskva, nghĩa là họ rất sẵn lòng đãi khách, và khách khứa đến ăn tối ở nhà họ thuộc đủ các hạng người: những người láng giềng của họ Otradnoye, những lão trang chủ nghèo cùng đến với mấy cô con gái của họ và ngự tiền phu nhân Peronxkaya, Piotr Bezukhov và con trai ông trưởng trạm bưu vụ huyện bây giờ lên làm việc ở Petersburg. Trong các tân khách nam giới chẳng bao lâu có một số trở thành người nhà của họ Roxtov: Boris, Piotr (một hôm lão bá tước gặp anh ta ở giữa phố liền kéo về nhà) và Berg. Berg suốt ngày ngồi chơi ở nhà gia đình Roxtov và có những cử chỉ săn sóc ân cần đối với bá tước tiểu thư Vera đúng như một chàng thanh niên có ý định cầu hôn.
Berg đã không uổng công khi cho mọi người xem cánh tay phải bị thương trong trận Austerlix và cầm gươm bằng tay trái, tuy chẳng để làm gì cả. Giọng kiên trì và quan trọng chàng đã kể lại cho mọi người nghe câu chuyện chàng bị thương đến nỗi mọi người đều tin rằng hành động của chàng là hợp lý và đáng khen, - và cuối cùng Berg đã được thưởng hai huân chương về trận Austerlix.
Trong cuộc chiến Phần Lan Berg cũng đã tìm được cách tỏ ra xuất sắc. Chàng nhặt một mảnh tạc đạn đã giết chết một viên sĩ quan phụ tá đứng cạnh quan tổng tư lệnh và đem về cho thủ trưởng.
Cũng như sau trận Austerlix, chàng kể cho mọi người nghe một cách kiên trì và dai dẳng đến nỗi mọi người đều tin rằng làm như thế là rất phải; - và nhân chiến dịch Phần Lan, Berg lại được thưởng hai huân chương nữa. Năm 1808, chàng đã là đại uý cận vệ, có nhiều huân chương và được giữ những chức vụ rất thuận lợi ở Petersburg.
Mặc dầu một số người có tính hoài nghi thường cười mỉm khi nghe nói đến những đức tính cửa Berg, nhưng người ra không thể không thừa nhận rằng Berg là một sĩ quan cần mẫn, can đảm được cấp trên rất tín nhiệm và là một thanh niên có tư cách, có một tương lai tốt đẹp và ngay bây giờ cũng đã có một địa vị vững vàng trong xã hội.
Bốn năm về trước, gặp một anh bạn người Đức trong một kịch viện ở Moskva, Berg đã chỉ Vera Roxtov cho người ấy và nói bằng tiếng Đức: "Das son mein Weib werden"(1) và từ phút đó Berg đã quyết định là sẽ lấy nàng. Bây giờ, ở Petersburg sau khi đã suy xét gia cảnh của họ Roxtov và địa vị của mình chàng cho rằng đã đến lúc ngỏ lời bèn đến dạm hỏi Vera.
Lời dạm hỏi của Berg lúc đầu được tiếp nhận với một vẻ ngạc nhiên không lấy gì làm vinh dự cho anh ta. Lúc đầu người ta còn lấy làm lạ rằng con của một anh quý tộc vô danh ở Liiland(2) lại dám đi hỏi bá tước tiểu thư Roxtov; nhưng Berg vốn có một nét đặc biệt là vị kỷ một cách ngây thơ và thật thà đến nỗi cuối cùng ông bà Roxtov cũng nghĩ rằng nếu anh ta đã tin chắc rằng như thế là tốt, thậm chí rất tốt nữa là khác, thì chắc sẽ tốt thật. Hơn nữa gia cảnh họ Roxtov bây giờ đã sa sút lắm, và chú rể không phải không cần biết điều đó, nhất là vì Vera đã hai mươi bốn tuổi đầu, đi đã khắp nơi, thế mà mặc dầu chắc chắn là nàng đẹp, lại đứng đắn song cho đến nay vẫn chưa có ai đến hỏi nàng. Gia đình Roxtov bèn ưng thuận.
(1) "Đấy sẽ là vợ tôi"
(2) Ladvia và Estoni ngày nay.
- Đấy anh thấy không. - Berg nói với một sĩ quan cùng đơn vị mà chàng gọi là bạn chẳng qua cũng chỉ vì chàng biết rằng người ta ai cũng có bạn. - Đấy anh thấy không, tôi đã cân nhắc đã suy tính cặn kẽ đâu đấy, và nếu tôi chưa nghĩ hết mọi lẽ hoặc thấy có chỗ chưa có lợi thì tôi chưa lấy vợ đâu. Nhưng bây giờ thì ổn cả rồi, cha mẹ tôi thế là từ nay yên chí rồi, tôi đã thu xếp cho ông cụ bà cụ một cái ấp ở vùng Oxtzai(3), còn tôi thì có thể sống ở Petersburg với số lương của tôi. Với của hồi môn của cô ta và với cái tính ngăn nắp của tôi, có thể sống khá giả. Tôi lấy vợ không phải vì tiền, tôi cho rằng như thế là cao thượng; nhưng vợ cũng đóng góp plần mình, chồng cũng đóng góp phần mình, như thế mới phải. Tôi có công việc nhà nước, cô ta thì có những người quen có thế lực và một ít của cải. Thời buổi này cái đó phần nào cũng đáng kể đấy chứ, phải không nào? Và cái chính là cô ta xinh đẹp, đứng đắn lại yêu tôi…
(3) Vùng duyên hải Baltic (theo cách gọi cũ của người Đức).
Berg đỏ mặt và mỉm cười:
- Tôi cũng yêu cô ấy thật vì tính cô ấy rất đứng đắn và rất tốt. Còn như em gái cô ta thì khác hẳn. - Cũng cùng một nhà, sao lại khác tính đến thế… tính nết thật khó chịu, chẳng khôn ngoan tý nào, không thể sánh với chị được, lại thế này thế khác… anh biết đấy chứ… Thật khó chịu… Còn như vị hôn thế của tôi thì… Anh đến nhà tôi… - Chàng định nói: đến nhà tôi ăn bữa trưa, nhưng liền nghĩ lại và nói tiếp:" Uống nước chè" rồi uốn lưỡi rất nhanh phun ra một đám khói thuốc lá hình vòng tròn thể hiện một cách trọn vẹn những ước mơ hạnh phúc của chàng.
Sau cảm giác ngạc nhiên lúc ban đầu do lời cầu hôn của Berg gây nên, trong gia đình bấy giờ lại có cái không khí vui vẻ tưng bừng thường thấy trong những trường hợp như thế, nhưng đó chỉ là không khí vui vẻ bề ngoài, không thật. Đối với cuộc hôn nhân này những người trong nhà không khỏi cảm thấy ngượng ngùng và hổ thẹn. Dường như bây giờ họ thấy xấu hổ vì họ không quý Vera lắm nên mới sẵn lòng tống khứ nàng đi như vậy. Người cảm thấy bối rối nhất là lão bá tước. Có lẽ nếu hỏi vì sao ông bối rối thì ông không biết trả lời sao, nhưng sự thật thì chính vì tình cảnh tiền nong của ông hiện nay. Lão bá tước tuyệt nhiên không thể biết mình còn được bao nhiêu, nợ bao nhlêu và có thể cho Vera những gì làm của hồi môn. Mỗi lần sinh con gái, bá tước đều cắt ra một thôn ba trăm nông nô làm của hồi môn; nhưng một thôn đã bán đi rồi còn một thôn nữa thì đã đem cầm cố, đến nay đã quá hạn chuộc nên cũng phải bán nốt, vì vậy không thể cho con gái một điền trang nào. Mà tiền thì không có.
Berg đã đính hôn được hơn một tháng, và chỉ còn một tuần nữa là đã đến ngày cưới, thế mà bá tước vẫn chưa giải quyết xong vấn đề của hồi môn và chưa có lần nào tự mình bàn việc này với vợ. Khi thì bá tước định cắt cho Vera điền trang Ryazan khi thì muốn bán rừng, khi lại muốn vay tiền bằng ngân phiếu.
Vài ngày trước lễ cưới, một buổi sáng sớm Berg vào phòng làm việc của bá tước và mỉm cười rất nhã nhặn kính cẩn xin ông nhạc tương lai cho biết bá tước tiểu thư sẽ được nhận những gì làm của hồi môn. Nghe câu hỏi này, một câu hỏi mà ông đã đoán trước từ lâu, bá tước luống cuống đến nỗi không kịp suy nghĩ gì nữa nói bâng quơ:
- Tôi rất thích, cậu biết lo như thế là tôi thích lắm, cậu sẽ được hài lòng.
Rồi bá tước vỗ vai Berg và đứng dậy, định chấm dứt câu chuyện. Nhưng Berg nở một nụ cười rất dễ ưa và phân trần rằng nếu chàng không được biết chắc chắn số hồi môn của Vera và không được nhận trước, ít nhất một phần, trong số của cải dành cho nàng chàng sẽ buộc lòng phải từ bỏ cuộc hôn nhân này.
- Vì rằng, xin bá tước xét cho, nếu bây giờ tôi dám cưới vợ mặc dầu không có những phương tiện chắc chắn để chu cấp cho vợ, thì như vậy là tôi đã xử sự một cách đê hèn.
Cuối cùng bá tước muốn tỏ ra mình hào phóng và để khỏi nghe những lời đòi hỏi khác, bèn nói rằng ông sẽ trao cho chàng một ngân phiếu tám vạn rúp. Berg dịu dàng mỉm cười, cúi xuống hôn vào vai bá tước và nói rằng anh ta rất biết ơn, nhưng hiện nay anh không thể nào xếp đặt cuộc sống gia đình cho ổn thỏa nếu chưa nhận được ba vạn tiền mặt.
- Ít ra là hai vạn, thưa bá tước, Berg nói thêm, - và nếu được thế thì về sau chỉ cần một ngân phiếu sáu vạn nữa.
- Ừ được rồi bá tước nói thật nhanh, - Chỉ xin anh bỏ qua, anh bạn nhé, tôi sẽ đưa hai vạn tiền mặt, ngoài ra sẽ thêm một ngân phiếu tám vạn nữa. Thế đấy, thôi anh hôn ông nhạc đi nào!
Phần VI
Chương - 12 -
Natasa đã mười sáu tuổi; bấy giờ là vào năm 1809 đúng cái thời gian mà bốn năm về trước nàng bấm đốt ngón tay ước hẹn với Boris sau khi hôn chàng. Từ dạo ấy nàng không lần nào gặp lạị Boris. Trước mặt Sonya và mẹ, mỗi khi câu chuyện đả động đến Boris, Natasa nói một cách rất ung dung như nói về mọi việc đã xong xuôi, rằng tất cả những việc trước kia đều là những chuyện trẻ con đã quên từ lâu, không việc gì phải nói đến nữa. Nhưng trong thâm tâm, Natasa vẫn băn khoăn tự hỏi không biết lời ước hẹn của nàng với Boris chỉ là một trò đùa hay là một lời hứa quan trọng có thể ràng buộc đời nàng.
Từ năm 1805, kể từ ngày Boris rời khỏi Moskva lên đường đến đơn vị chàng không có lần nào gặp lại gia đình Roxtov nữa. Chàng có trở lại Moskva mấy lần, có đi qua vùng Otradnoye nhưng chưa có lần nào ghé lại nhà Roxtov.
Natasa đôi khi có ý nghĩ rằng chàng không muốn gặp nàng, và cái giọng buồn buồn của người lớn trong nhà mỗi khi nói đến Boris càng xác nhận thêm những điều phỏng đoán này.
- Thời bây giờ người ta không mấy khi nhớ tới bạn cũ, - Bá tước phu nhân nói khi có người nhắc đến Boris.
Anna Mikhailovna gần đây ít đến nhà Roxtov bà cũng có một thái độ đặc biệt đạo mạo, và hễ nhắc đến Boris bà lại nói một cách hân hoan và cảm kích đến những đức tính của con trai và đến con đường công danh vẻ vang mà chàng đang theo đuổi. Khi gia đình Roxtov lên Petersburg, Boris đến thăm.
Chàng đến nhà Roxtov, lòng không khỏi bồi hồi xúc động.
Natasa là kỷ niệm nên thơ nhất của Boris. Nhưng đồng thời chàng cũng đến với một ý định quả quyết là sẽ cho nàng cũng như cho cha mẹ nàng hiểu rõ rằng những quan hệ thời trẻ giữa chàng và Natasa không có gì có thể ràng buộc gì nàng cũng như mình. Nay chàng đã có một nhiệm vụ xuất sắc trong xã hội, nhờ có liên hệ thân mật với phu nhân Bezukhov, một địa vị xuất sắc trên bước đường công danh, nhờ sự nâng đỡ của một nhân vật quan trọng hoàn toàn tin cậy chàng, cho nên chàng đã bắt đầu thoáng có ý định là sẽ kết hôn với một trong những đám giàu có nhất ở Petersburg, một ý định rất dễ thực hiện đối với chàng.
Khi Boris bước vào phòng khách nhà Roxtov, Natasa đang ở phòng mình. Nghe nói có Boris đến, nàng đỏ mặt lên và bước vội vã gần như chạy vào phòng khách, gương mặt sáng bừng lên một nụ cười trong đó có một cái gì còn hơn là lòng trìu mến.
Boris vẫn còn nhớ rõ cô bé Natasa mặc váy ngắn, có đôi mắt đen long lanh dưới mớ tóc quăn và tiếng cười giòn giã, ngây thơ và liều lĩnh mà bốn năm trước đây chàng đã từng quen thuộc, cho nên khi thấy một cô Natasa khác hẳn bước vào, chàng luống cuống, và gương mặt chàng lộ vẻ ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Vẻ mặt ấy của Boris làm cho Natasa vui mừng.
- Thế nào, anh có nhận ra cô bạn nhỏ tinh nghịch của anh ngày trước không? - Bá tước phu nhân nói.
Boris hôn tay Natasa và nói rằng chàng rất ngạc nhiên thấy Natasa đã thay đổi nhiều như vậy.
- Cô xinh lên nhiều quá!
- Còn phải nói! - đôi mắt tươi cười của Natasa đáp. - Thế ba tôi có già đi nhiều không. - Nàng hỏi.
Natasa ngồi xuống và im lặng, không chen vào câu chuyện giữa Boris với bá tước phu nhân, chỉ ngồi nhìn chàng vị hôn phu thời trẻ thơ của mình đến từng chi tiết một. Chàng cảm thấy sức nặng của khóe nhìn chăm chú và âu yếm phủ lên người mình, và thỉnh thoảng chàng lại đưa mắt nhìn nàng.
Quân phục, cựa giầy, khăn quấn cổ và kiểu chải tóc của Boris - Tất cả đều hợp thời trang và rất chĩữg chạc. Natasa nhận thấy điều đó ngay. Chàng ngồi hơi nghiêng người trên chiếc ghế bành cạnh bá tước phu nhân, dùng tay phải sửa lại ngay ngắn chiếc găng tay trắng muốt bó sát bàn tay trái, môi mím lại đặc biệt tế nhị trong khi nói chuyện về những cuộc vui chơi của giới thượng lưu Petersburg và giọng bỡn cợt nhẹ nhàng chàng nhắc lại thời cũ và những người quen cũ ở Moskva. Natasa cảm thấy rằng không phải tình cờ mà trong câu chuyện về giới quý tộc thượng lưu, chàng thuật lại buổi vũ hội của đại sứ quán mà chàng có dự và nhắc đến N.N và S.S đã có nhã ý mời chàng.
Suốt buổi Natasa ngồi im lặng đưa mắt nhìn trộm chàng. Cái nhìn đó mỗi lúc một làm cho Boris bối rối và lo lắng. Chàng quay sang nhìn Natasa nhiều hơn và đôi khi đang kể chuyện bỗng ngừng bặt. Ngồi chưa được mười phút chàng đã đứng dậy cáo từ ra về. Vẫn đôi mắt tò mò, có vẻ thách thức và hơi chế giễu ấy nhìn chàng.
Sau buổi đến thăm đầu tiên này Boris tự nhủ rằng Natasa vẫn có sức quyến rũ mình như xưa, nhưng chàng không được chiều theo cảm xúc này, vì nếu lấy Natasa. - một cô gái hầu như chẳng có tí của cải gì - Thì sự nghiệp của chàng ắt sẽ tiêu ma, còn nếu đi lại như cũ mà không có ý định cầu hôn thì đó là một hành vi không cao thượng. Boris quyết định tự mình sẽ tránh gặp Natasa, nhưng mặc dầu đã quyết định như thế, ít hôm sau chàng lại đến và từ đó bắt đầu đi lại luôn, có khi chơi cả ngày ở nhà Roxtov. Chàng thấy mình nhất thiết phải bày giải với Natasa, nói cho nàng biết rằng tất cả những chuyện cũ nay phải quên đi, rằng dù sao… nàng cũng không thể trở thành vợ chàng được rằng chàng chẳng có tài sản gì và không đời nào cha mẹ nàng lại gả nàng cho một người như chàng. Nhưng Boris vẫn thấy ngại ngùng không sao nói được. Càng ngày chàng lại cảm thấy khó xử. Mẹ Natasa và Sonya nhận thấy nàng vẫn có vẻ yêu Boris như xưa. Nàng hát cho chàng nghe những bài hát chàng ưa thích, cho chàng xem tập tranh của mình; bắt chàng viết vào đấy không cho chàng nhắc đến quá khứ, ngụ ý là hiện tại cũng đẹp lắm rồi; và mỗi khi ra về chàng cứ như trong mây mù, chưa nói ra được những điều chàng đã định nói, bản thân cũng chẳng biết mình đang làm gì, mình đến làm gì và sự tình sẽ kết thúc ra sao.
Boris thôi đến nhà Elen. Ngày nào chàng cũng nhận được những dòng chữ trách móc của Elen, nhưng ngày nào chàng cũng ngồi suốt buổi ở gia đình Roxtov.
@by txiuqw4