sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 3) - Phần 10 - Chương 10 + 11 + 12

Phần X

Chương - 10 -

Một giờ sau, Dunyasa đến bẩm với công tước tiểu thư rằng Dron đã trở lại và theo lệnh của nàng, nông dân đều tụ tập cạnh kho lúa và xin được gặp nàng để thưa chuyện.

- Nhưng tôi có gọi họ đến đâu. - Công tước tiểu thư Maria nói. - Tôi chỉ bảo Dron chia lúa mì cho họ thôi kia mà.

- Tiểu thư ơi, vì Chúa con xin tiểu thư hãy hạ lệnh đuổi chúng nó đi và đừng ra gặp chúng nó. - Dunyasa nói. - Toàn là trò bịp cả đấy; Yakob Alpatyts về là chúng ta đi… nhưng xin tiểu thư thì đừng ra…

- Bịp bợm cái gì chứ? - Công tước tiểu thư ngạc nhiên hỏi.

- Xin tiểu thư nghe con, vì Chúa, con có biết mới dám nói. Tiểu thư cứ hỏi u già mà xem. Chúng nó bảo là chúng nó không chịu đi như tiểu thư đã ra lệnh.

- Chị nhầm rồi. Tôi có bảo họ đi bao giờ đâu… Bảo Dron vào đây.

Dron xác nhận lời Dunyasa: nông dân đã kéo đến theo lệnh của công tước tiểu thư.

- Nhưng tôi có gọi họ đến bao giờ đâu. - Nàng nói. Lão truyền đạt sai rồi. Tôi chỉ bảo lão chia lúa mì cho họ thôi chứ.

Dron thở dài không đáp.

- Nếu tiểu thư ra lệnh thì họ sẽ giải tán. - Lão nói.

- Không, không, tôi sẽ ra gặp họ.

Mặc dầu Dunyasa và u già đã ra sức can ngăn, công tước tiểu thư Maria vẫn bước ra thềm. Dron, Dunyasa, u già Nikhan Ivanovich ra theo. "Chắc họ tưởng đâu mình cho họ lúa mì để bắt họ ở lại còn mình thì bó đi, để họ ở lại cho quân Pháp tha hồ muốn gì thì làm. Mình sẽ hứa phát lúa mì cho họ hàng tháng và cho họ trú ngụ ở điền trang của nhà ở ngoại thành Moskva; ở địa vị mình, anh Andrey còn làm hơn nữa". Nàng thầm nghĩ trong khi đến gần nơi đám đông tụ tập, trên bãi cỏ cạnh nhà kho, trong lúc trời đã nhá nhem.

Đám đông đứng sát vào nhau, nhốn nhác lên và vội vàng cất mũ. Công tước tiểu thư Maria, hai mắt nhìn xuống, đôi bàn chân vướng víu trong chiếc áo dài, bước đến gần đám đông. Bao nhiêu cặp mắt đổ dồn vào nàng, trẻ có, già có, bao nhiêu bộ mặt khác nhau quay về phía nàng làm cho nàng không phân biệt được một ai; và thấy cần phải ngỏ lời với tất cả mọi người cùng một lúc, nàng chẳng biết làm thế nào nữa. Nhưng ý thức mình là đại diện cho cha và anh lại một lần nữa lại làm cho nàng vững tâm, và nàng mạnh dạn cất tiếng nói:

- Tôi rất hài lòng là bà con đã đến đây. - Nàng nói, mắt không nhìn lên, tai nghe trống ngực đập thình thịch rất nhanh. - Dron có cho tôi biết chiến tranh đã làm cho bà con khánh kiệt. Đó là tai hoạ chung của chúng ta, tôi sẽ không tiếc bất cứ cái vì để giúp đỡ bà con. Tôi đi vì ở đây rất nguy hiểm… và quân địch đã đến gần… vì… tôi biếu bà con tất cả, tôi xin bà con lấy tất cả lúa mì, để cho khỏi thiếu thốn. Còn nếu có người bảo tôi biếu bà con lúa mì để bà con ở lại đây thì điều đó không đúng. Trái lại, tôi xin bà con mang hết của cải theo mình và cùng đi đến ấp của chúng tôi ở gần Moskva ở đấy tôi nhân hết trách nhiệm, tôi cam đoan rằng bà con sẽ chẳng phải thiếu thốn. Chúng tôi sẽ cung cấp cho bà con nhà ở, bánh ăn. - Tiếng thở dài.

- Tôi làm thế không phải là tự ý tôi. - Nàng lại nói tiếp mà nhân danh cha tôi vừa qua đời: sinh thời Người đối với bà con bao giờ cũng nhân hậu, nhân danh anh tôi và cháu trai tôi nữa.

Nàng lại ngừng. Trong khi nàng im lặng, chẳng ai lên tiếng.

- Tai hoạ là tai hoạ chung, chúng ta chia đôi cho nhau tất cả. Tất cả những gì của tôi là của bà con. - Nàng vừa nói vừa nhìn nhưng bộ mặt ở ngay phía trước nàng.

Bấy nhiêu cặp mắt chăm chú nhìn nàng đều có một sắc thái như nhau mà nàng không tài nào hiểu rõ ý nghĩa. Tò mò chăng, hay trung thành, hay biết ơn, hay khiếp sợ và nghi ngờ. Chỉ thấy gương mặt nào cũng đều một vẻ như nhau.

Một giọng nói cất lên từ các hàng cuối:

- Chúng tôi rất lấy làm mừng vì lòng hảo tâm của tiểu thư, nhưng chúng tôi không tiện lấy lúa mì của chủ nhân.

- Nhưng tại sao? - Công tước tiểu thư hỏi. Chẳng ai trả lời, và tiểu thư Maria thấy rằng bây giờ hễ nàng nhìn đến ai là người ấy liền cúi mặt xuống.

- Nhưng tại sao bà con không muốn lấy? - Nàng lại hỏi.

Chẳng ai đáp lại.

Sự im lặng ấy bắt đầu làm cho nàng thấy nặng nề khó chịu; nàng cố bắt gặp một ánh mắt của một người nào đấy.

- Tại sao cụ không nói gì cả? - Nàng hỏi một cụ già chống gậy đứng trước mặt. - Cụ thấy bà con cần gì nữa thì cứ nói. Tôi sẽ hết sức. - Nàng nói khi bắt gặp cái nhìn của ông lão, nhưng ông lão có vẻ không bằng lòng vì cái nhìn ấy, bèn cúi đầu xuống và nói:

- Chúng tôi nhận làm gì, chúng tôi có cần lúa mì đâu?

- Thế là phải vứt bỏ tất cả mà đi à? Không nhận đâu. Không nhận đâu. Chúng tôi không chịu đâu. Chúng tôi ái ngại cho tiểu thư, nhưng chúng tôi không chịu đi. Tiểu thư có đi thì cứ đi một mình…

Những tiếng nói lao nhao trong đám đông. Rồi vẫn cái sắc thái giống hệt nhau ấy lại hiện lên trên tất cả các gương mặt, và lần này thì chắc chắn không phải thể hiện ý tò mò và biết ơn mà là một ý định hung dữ.

Công tước tiểu thư Maria mỉm cười buồn rầu nói:

- Nhưng bà con chưa hiểu đúng ý tôi. Tại sao bà con không muốn đi? Tôi xin hứa là sẽ có đủ nhà ở, bánh ăn cho bà con. Ở đây quân giặc sẽ làm cho bà con khánh kiệt…

Nhưng tiếng nàng liền bị những tiếng nhao nhao của đám đông át đi.

- Chúng tôi không chịu đi, chúng nó cứ việc làm cho chúng tôi khánh kiệt! Chúng tôi không nhận lúa mì, chúng tôi không chịu đi!

Công tước tiểu thư cố bắt gặp lại một đôi mắt nữa trong đám đông, nhưng chẳng ai nhìn nàng cả; rõ ràng là họ đều tránh cái nhìn của nàng. Nàng thấy ngỡ ngàng và lúng túng quá.

Từ đám đông, những tiếng nói lại nhao nhao:

- Nào, thấy chưa, cô ấy khuyên ta những lời hay quá nhỉ: đi theo cô ấy để làm nô lệ! Đế mặc cửa nhà tan hoang để nhận lấy cái kiếp tôi đòi. Nói hay quá nhỉ: "Tôi cho bà con bánh mì!".

Công tước tiểu thư Maria cúi đầu, ra khỏi đám đông và trở vào nhà. Sau khi dặn lại Dron là ngày mai phải có ngựa để đi, nàng lui về buồng riêng và ngồi tư lự một mình.

Phần X

Chương - 11 -

Đêm ấy, mãi đến khuya, công tước tiểu thư Maria vẫn ngồi cạnh cửa sổ mở toang, lắng tai nghe tiếng nông dân nói từ dưới làng vọng lên, nhưng không hề nghĩ đến họ. Nàng cảm thấy dù cố gắng đến đâu nàng cũng không thể hiểu được họ. Lúc nào nàng cũng chỉ nghĩ đến một điều, đến nỗi khổ của nàng và cái này đã bị những nỗi lo lắng về hiện tại gạt ra một bên cho nên nay đã trở thành dĩ vãng.

Bây giờ thì nàng có thể nhớ lại, có thể khóc và cầu nguyện. Gió đã ngừng thổì từ khi mặt trời lặn. Trời đêm thanh vắng và mát mẻ. Đến nửa đêm, những tiếng nói im dần, một con gà cất tiếng gáy, vành trăng tròn hiện lên từ phía sau rặng bồ đề, một làn sương khói trắng dục và mát mé bốc lên, toà nhà và thôn xóm đều chìm trong im lặng.

Lần lượt nàng thấy diễn lại những hình ảnh của mấy ngày vừa qua: cơn bệnh và những phút cuối cùng của cha nàng. Với một niềm vui đượm buồn, nàng nhớ lại những hình ảnh ấy, nàng chỉ xua đuổi những hình ảnh ghê sợ cuối cùng, hình ảnh cái chết của cha nàng; nàng thấy mình không đủ can đảm thấy lại nó, dù là bằng tưởng tượng, trong giờ phút thanh tĩnh và huyền ảo này của đêm khuya. Và những hình ảnh ấy hiện lên trước mắt nàng rõ rệt, nhiều chi tiết, đến nỗi nàng tưởng đó là những sự việc diễn ra trong thực tế khi thì diễn ra trong quá khứ, khi thì sẽ diễn ra trong tương lai.

Nàng hình dung rõ rệt cái hôm ở Lưxye Gorư, khi công tước vì bị cơn bệnh quật ngã: người ta xốc nách dìu công tước từ vườn vào nhà và công tước thì mấp máy đôi môi nhưng lưỡi líu lại không nói nên lời, đôi lông mày bạc trắng giật giật, đôi mắt nhìn nàng rụt rè, lo lắng.

"Lúc đó cha đã muốn nói với mình điều mà cha nói trước khi mất. - Nàng nghĩ. Cha vẫn nghĩ đến điều mà cha nói với mình". Và bây giờ nàng nhớ lại cặn kẽ cái đêm ở Lưxye Gorư trước khi công tước lại lên cơn; cái đêm mà nàng linh cảm thấy tai hoạ có thể xảy ra và nàng đã làm trái ý cha, cứ ở lại bên cạnh ông cụ. Đêm ấy không ngủ được, nàng rón rén bước xuống gác, đến gần cánh cửa phòng ủ hoa là nơi công tước nghỉ, và lắng tai nghe tiếng nói của cha. Giọng mệt nhọc, công tước nói với Tikhôn về miền Krym, về những đêm hè, về nữ hoàng. Rõ ràng công tước đang cần nói chuyện. Lúc ấy nàng đã nghĩ và bây giờ nàng lại nghĩ: "Tại sao cha không gọi mình vào? Tại sao cha không cho phép mình thay Tikhôn? Cha sẽ mãi mãi không còn nói với ai được nữa về tất cả những gì đã diễn ra trong lòng cha. Đối với cha, và đối với mình cũng vậy, sẽ mãi mãi không còn trở lại cái giây phút mà cha có thể nói tất cả những điều cha muốn nói, cái giây phút mà đáng lẽ chính mình chứ không phải Tikhôn được nghe cha nói và hiểu ý cha. Tại sao lúc đó mình lại không vào? Có thể ngay lúc ấy, cha có thể nói với mình điều mà cha nói hôm cha mất. Nhưng dù nói với Tikhôn, cha cũng đã hỏi mình hai lần. Cha muốn gặp mình, mà mình thì đứng đấy, sau cánh cửa. Nói chuyện với Tikhôn cha buồn lắm, khổ lắm và Tikhôn không hiểu cha. Mình còn nhớ là cha nói với Tikhôn về chị Liza như thể chị ấy còn sống; cha quên là chị ấy đã chết. Tikhôn nhắc lại cho cha biết thì cha mắng là "đồ ngốc". Cha đau khổ quá, sau cánh cửa mình nghe tiếng cha rên khi đuổi mình trên giường, và tiếng cha kêu to: "Trời ơi!". Tại sao bấy giờ mình lại không vào? Vào thì cha có làm gì đâu mà sợ? Có thể là mình vào thì cha đỡ ngay lúc ấy và sẽ nói chuyện với mình". Nói to lên khi nhắc lại lời nói âu yếm của công tước trước khi tắt nghỉ: "Con yêu quý của cha" - Rồi nàng khóc nức nở, càng khóc càng thấy đỡ đau lòng. Bây giờ nàng thấy hiện lên gương mặt của cha ngay trước mặt mình. Không phải gương mặt mà nàng từng quen thuộc từ thuở ấu thơ và bao giờ nàng cũng chỉ thấy từ xa, mà gương mặt rụt rè, yếu đuối, hôm cuối cùng nàng cúi xuống gần cha để nghe cha nói rõ, nàng đã ngắm kỹ lần đầu tiên, nhìn rõ từng nếp nhăn từng chi tiết.

"Con yêu quý của cha". Nàng nhắc lại, rồi đột nhiên nàng lại tự hỏi: "Khi nói câu ấy cha nghĩ gì? Bây giờ thì cha nghĩ gì? - Và như để đáp lại, nàng thấy hiện lên khuôn mặt của cha buộc chiếc khăn trắng, nằm trong quan tài. Khi nàng sờ vào người cha và nhận thấy rằng đó không những không phải là cha nàng nữa mà là một vật gì huyền bí và ghê rợn, nàng đã khiếp sợ; bây giờ nỗi khiếp sợ ấy lại trở về chiếm lấy lòng nàng. Nàng muốn nghĩ đến việc khác, nàng muốn cầu nguyện, nhưng nàng không thể làm gì được. Đôi mắt mở to, nàng nhìn ánh trăng sáng và những bóng tối từ các đồ vật hắt xuống, tưởng chừng chỉ giây phút nữa sẽ thấy hiện lên khuôn mặt đã chết của cha và tự thấy như bị trói chặt vào cõi tĩnh mịch đang bao phủ lên cả toà nhà.

Nàng thì thầm: "Dunyasa" rồi kêu lên một tiếng khủng khiếp: "Dunyasa" Nàng cố dứt mình ra khỏi cảnh tĩnh mịch và chạy xô về phía buồng các đầy tớ gái: u già và các đầy tớ gái vội chạy ra đón nàng.

Phần X

Chương - 12 -

Ngày mười bảy tháng tám. Roxtov và Ilya từ trại trú quân ở Yonkovo cách Bogutsarovo mười lăm dặm, cưỡi ngựa đi chơi để thử con ngựa Ilya vừa mua và xem trong các làng có cỏ cho ngựa ăn không. Đi theo hai người có Lavruska, vừa bị địch bắt và được tha về và một người lính phiêu kỵ.

Từ ba hôm nay, Bogutsarovo đã ở vào giữa hai đạo quân thù địch, cho nên có thể dễ dàng được hậu quân Nga cũng như tiền quân Pháp ghé thăm. Vì vậy, là một viên đại đội trưởng kỵ binh cần mẫn, Roxtov muốn lấy hết chỗ lương thực còn lại ở đây, trước khi quân Pháp đến.

Roxtov và Ilya đang ở vào một tâm trạng hết sức vui vẻ. Trong khi đi về phía Bogutsarovo, trang ấp của một vị vương công, nơi họ hy vọng gặp một số gia nhân đông đúc có cả những cô nữ tỳ xinh đẹp họ hỏi chuyện Lavruska về Napoléon và cười cợt về những chuyện hắn ta kể lại, hoặc họ thi nhau phi nước đại để thử sức con ngựa của Ilya.

Roxtov không ngờ rằng điền trang mà chàng đang đi đến là của Bolkonxki, người trước kia đã đính hôn với em gái chàng.

Hai người cho ngựa chạy đua với nhau một lần cuối, phi vào khu ấp ở phía trước làng Bogutsarovo, và Roxtov vượt qua mặt Ilya phóng vào đường làng trước tiên.

- Anh vượt tôi rồi đấy. - Ilya đỏ mặt nói.

- Đúng, mình lúc nào cũng về nhất, trên bãi cỏ cũng như ở đây.

Roxtov vừa đáp vừa lấy tay vuốt ve con ngựa sông Đông đang sùi bọt mép.

- Tôi cưỡi con ngựa cái Pháp này. - Lavruska đi ở phía sau nói (hắn gọi con ngựa xác kéo xe của hắn là ngựa cái Pháp) - Thì thừa sức vượt đại nhân xa, nhưng tôi chẳng muốn làm đại nhân ngượng.

Họ cho ngựa đi bước một đến gần một cái kho, nơi một đám đông nông dân đang tụ tập.

Vài người bỏ mũ chào, những người khác chỉ đứng nhìn. Hai ông già cao lêu nghêu, mặt nhăn nhúm, râu lưa thưa, từ trong quán rượu bước ra, miệng cười nhăn nhở, chân nam đá chân chiêu, lẩm nhẩm hát một bài lạc điệu và đến gần hai viên sĩ quan.

- Chà, các ông mãnh! Có cỏ chongựa không? - Roxtov mỉm cười hỏi.

- Mà hai ông sao giống nhau như đúc thế… Ilya chêm vào.

Một trong hai ông lão mỉm cười hể hả cất tiếng hát:

Bbầu, bbạn… vu… u… u… i… th… ay… ay.

Một nông dân tách khỏi đám đông, tiến về phía Roxtov hỏi:

- Các ông là ai?

- Quân Pháp, - Ilya vừa cười vừa đáp, - rồi chỉ Lavruska nói thêm. - Và đây chính là Napoléon.

- Thế ra các ông là người Nga à? - Người nông dân lại hỏi.

- Các ông ở đây có đông không? - Một người nữa, bé nhỏ, cũng đến gần.

- Đông chứ, đông chứ. - Roxtov đáp và nói thêm. - Nhưng các ông họp nhau làm gì ở đây? Ngày hội à?

- Các cụ họp nhau có việc làng. - Người nông dân vừa nói vừa bỏ đi.

Vừa lúc ấy, trên con đường vào nhà trang chủ, thấy hai người đàn bà và một người đàn ông đội mũ trắng tiến về phía các sĩ quan.

Trông thấy Dunyasa chạy đến, vẻ quả quyết, Ilya nói:

- Cô nàng áo hồng là của tớ, liệu hồn đừng có phỗng của tớ đấy nhé.

- Của cả bọn ta đấy! - Lavruska vừa nói vừa nháy mắt với Ilya.

- Cô em muốn gì đấy? - Ilya mỉm cười hỏi.

- Công tước tiểu thư sai tôi ra hỏi các ngài là ở trung đoàn nào và quý danh là gì?

- Đây là bá tước Roxtov tiểu đoàn trưởng phiêu kỵ, còn ta thì là kẻ phụng sự tận tình của cô em. - Ilya đáp.

Vẫn mỉm cười hể hả. Ông lão say rượu ngắm Ilya đang nói chuyện với người nữ tỳ và hát:

- Bầu, bầu, bạ… ạn…

Theo sau Dunyasa, Alpatyts đi về phía Roxtov và từ xa bỏ mũ chào.

Lão ta nói với một thái độ tôn kính, nhưng có pha lẫn ý coi thường tuổi trẻ của viên sĩ quan, và bàn tay cứ đút trong áo gi-lê không rút ra:

- Xin đại nhân thứ lỗi nếu chúng tôi dám làm phiền đại nhân. Nữ chủ của chúng tôi là con gái của cố tướng quân tổng tư lệnh, công tước Nikolai Andrevich Bolkonxki, vừa từ trần ngày mười lăm tháng này. Tiểu thư hiện đang gặp khó khăn do sự ngu dốt của bọn người này, - Lão chỉ hai người nông dân, - Nữ chủ của chúng tôi mong ngài vui lòng quá bộ… - Lão lại nói thêm với một nụ cười buồn buồn. - Xin phép ngài, mời ngài lánh ra đây một tí… thật không tiện… ngay trước những… - Alpatyts chỉ hai người nông dân đang loay hoay quanh lão như những con ruồi bâu quanh một con ngựa.

- A! Alpatyts… A! Yakob Alpatyts!… Ghê thật! Lạy chúa, tha lỗi cho chúng tôi nhá. Ghê thật! Hừ! - Họ vừa nói vừa mỉm cười vui vẻ với lão Roxtov nhìn hai người say rượu rồi cũng mỉm cười theo.

Yakob Alpatyts đưa bàn tay không đút vào áo gi-lê chỉ hai lão gỉà nói nghiêm trang:

- Hay là cái trò này làm cho Đại nhân thích thú?

- Không, trò này chẳng hay ho gì. - Roxtov vừa nói vừa cho ngựa lùi lại, rồi hỏi. - Việc gì thế?

- Chúng tôi xin phép báo để Đại nhân rõ là đám dân thô bỉ ở đây không muốn để nữ chủ của chúng tôi đi khỏi ấp này, chúng doạ tháo ngựa ra, vì vậy mọi thứ đã đóng hòm xong từ sáng nay mà công tước tiểu thư vẫn chưa lên đường được.

- Vô lý! - Roxtov thốt lên.

- Những điều chúng tôi được hân hạnh thưa lại với ngài là hoàn toàn đúng sự thật. - Alpatyts nhắc lại.

Roxtov xuống ngựa, trao dây cương cho người lính phiêu kỵ rồi cùng Alpatyts đi vào nhà, vừa đi vừa hỏi chi tiết về những việc xảy ra. Số là, sau khi công tước tiểu thư đề nghị ban cấp lúa mì hôm qua, sau khi nàng biện bạch với Dron và với đám nông dân, thì mọi việc đâm ra hỏng bét, đến nỗi Dron nhất quyết trả hẳn chìa khoá để đi theo nông dân và nhận được lệnh đòi của Alpatyts hắn cũng không chịu đến; sáng hôm ấy khi công tước tiểu thư cho thắng ngựa để lên đường, nông dân lại tụ tập rất đông cạnh nhà kho và cử người đến báo lại là họ không để cho nàng đi, là có lệnh không cho nàng đi là họ sẽ tháo ngựa ra. Alpatyts ra khuyên họ nên biết điều, nhưng họ trả lời rằng họ không thể để cho công tước tiểu thư đi được, rằng đã có lệnh như vậy và công tước tiểu thư cứ việc ở lại, họ sẽ hầu hạ và một mực vâng lời công tước tiểu thư như cũ. Người nói nhiều nhất là Karp, còn Dron thì tránh mặt, lẩn vào đám đông.

Trong khi Roxtov và Ilya phi ngựa vào làng thì công tước tiểu thư Maria bất chấp những lời can ngăn của Alpatyts, của u già và của các thị nữ, cứ ra lệnh thắng ngựa vào xe và sửa soạn lên đường; nhưng khi trông thấy đoàn ngựa đi qua, mọi người đều tưởng là quân Pháp, bọn xà ích bỏ chạy tán loạn, trong nhà thì đàn bà con gái khóc rú lên.

- Ôi! Tôn ông phúc đức quá! Cha đẻ của chúng tôi! Thật là Chúa đã phái người đến. - Những tiếng xuýt xoa cảm kích nổi lên khi Roxtov vào đến phòng ngoài.

Khi người nhà đưa Roxtov vào phòng khách lớn, công tước tiểu thư đang ngồi thừ người ra như người mất hồn. Nàng không hiểu chàng là ai, tại sao chàng đến đây và rồi sẽ xảy ra việc gì? Trông thấy vẻ mặt người Nga, nhìn cử chỉ, dáng điệu, nghe những lời chào hỏi đầu tiên của chàng, và nhận ra rằng đây là người cùng giới với mình, nàng nhìn chàng với đôi mắt sâu xa và trong sáng rồi bắt đầu nói, giọng ngắt quãng và run run vì xúc động. Roxtov thấy ngay trong cuộc gặp gỡ này có một cái gì ly kỳ như tiểu thuyết. Vừa nhìn nàng, vừa nghe câu chuyện rụt rè của nàng, chàng nghĩ thầm: "Một thiếu nữ không người bảo vệ, nặng gánh đau thương, lại một thân một mình giữa đám nông dân thô lỗ đang nổi loạn, có thể bị chúng tha hồ hành hung! Số phận lạ lùng nào đã đưa ta đến chốn này! Và dịu dàng biết bao, cao quý biết bao dung mạo và phong thái của nàng".

Đến khi nàng nói rằng những việc đó đã xảy ra sau lễ an táng phụ thân nàng chỉ có một ngày, giọng nàng run lên. Nàng quay mặt đi nhưng rồi e rằng Roxtov nghĩ là nàng có ý muốn làm cho chàng thương hại, nàng nhìn chàng có ý lo sợ và dò hỏi. Roxtov rưng rưng nước mắt. Công tước tiểu thư Maria trông thấy và đưa đôi mắt trong sáng nhìn chàng, cái nhìn chan chứa lòng cảm kích, khiến người ta quên hẳn những nét không đẹp trên mặt nàng.

Roxtov đứng dậy nói:

- Thưa tiểu thư, tôi không biết nói thế nào cho hết những nỗi vui sướng của tôi nhân tình cờ qua đây lại được tiểu thư sai khiến. Mời tiểu thư cứ lên đường, và nếu tiểu thư cho phép chúng tôi hộ tống thì xin lấy danh dự cam đoan là không còn một ai dám phiền nhiễu tiểu thư nữa.

Đoạn chàng cúi mình cung kính như người ta vẫn cúi mình trước các công chúa thuộc dòng dõi hoàng gia, rồi đi ra cửa…

Với thái độ cung kính ấy, Roxtov dường như muốn tỏ ra rằng tuy chàng sẽ rất sung sướng nếu được quen biết nàng thêm, chàng vẫn không muốn lợi dụng tình cảm của nàng để tìm cách làm thân với nàng.

Công tước tiểu thư Maria hiểu ý chàng và lấy làm cảm kích.

- Muôn vàn đội ơn đại nhân. - Nàng đáp lại bằng tiếng Pháp. - Nhưng tôi mong rằng việc này chỉ là một sự hiểu lầm và không ai có lỗi cả. - Bỗng nàng khóc oà lên rồi cố nói tiếp. - Xin đại nhân bỏ qua cho.

Roxtov cau mày, cung kính cúi chào lần nữa rồi đi ra.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx