sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 3) - Phần 10 - Chương 36 + 37 + 38

Phần X

Chương - 36 -

Một bác sĩ ở trong lều bước ra. Chiếc áo choàng trắng cũng như hai bàn tay nhỏ nhắn của ông đều vấy máu. Một tay ông ta cầm điếu xì gà giữa ngón tay cái và ngón tay út để cho nó khỏi dây bẩn.

Ông ngẩng đầu đưa mắt nhìn quanh nhưng lại nhìn qua đầu những người bị thương. Hẳn là ông ta đang muốn nghỉ ngơi một chút. Ông ngoảnh đầu sang trái, sang phải một lúc rồi thở một hơi dài và đưa mắt nhìn xuống.

- Được tôi làm ngay đây! - Ông trả lời ngay y tá đang chỉ công tước Andrey, và ra lệnh đưa chàng vào lều.

Có tiếng xì xào vang lên trong số những người bị thương đang đợi từ nãy đến giờ:

- Thì ra ngay ở thế giới bên kia, cũng chỉ có các quan mới có quyền được sống mà thôi. - Một người nói.

Người ta đưa công tước Andrey vào lều và đặt chàng lên một cái bàn vừa được rảnh mà người y tá mới rửa xong. Công tước Andrey không thể phân biệt được tách bạch những vật ở trong lều.

Đâu đâu cũng nghe tiếng rên la. Cảm giác đau đớn dữ dội ở hông, ở bụng và ở lưng làm chàng không sao tập trung tư tưởng được. Tất cả những gì chàng trông thấy ở chung quanh đều hoà lại làm một trong tâm trí chàng thành một biểu tượng duy nhất: hình ảnh của một thân thể trần truồng và đẫm máu choán hết cả gian lều thấp hẹp, cũng như cách đây mấy tuần, vào một ngày tháng tám nồng nực, chính cái thân thể ấy đã tràn đầy cả cái ao tù trên con đường Smolensk. Phải, đây cũng chính là cái thân thể ấy, cũng chính là thứ thịt làm mồi cho đại bác hồi ấy đã làm cho chàng ghê rợn, dường như thế vì nó báo trước việc xảy ra hôm nay.

Trong lều có ba cái bàn, hai cái đã có người. Người ta đặt công tước Andrey lên cái bàn thứ ba. Họ để mặc chàng nằm một lát và chàng vô tình nhìn thấy những việc đang diễn ra ở hai bàn kia.

Một người Tatar ngồi trên cái bàn gần nhất, chắc hẳn anh ta là một người lính cô-dắc, vì thấy có một bộ quân phục cô-dắc vắt ở bên cạnh. Bốn người lính đang giữ chặt lấy anh ta. Một bác sĩ đeo kinh đang rạch cái lưng lực lưỡng và rám nắng của anh ta.

- U u u! - Người Tarta rên đều đều như tiếng cuốc kêu rồi đột nhiên anh ta ngẩng cái khuôn mặt gân guốc rám nắng với đôi lưỡng quyền cao và cái mũi tẹt, nhe ra hai hàm răng trắng nhởn ra, bắt đầu giãy giụa và gào lên những tiếng kéo dài lanh lảnh.

Trên một cái bàn khác, nhiều người xúm quanh một người cao lớn đẫy đà: Anh ta nằm ngửa, đầu hất ngược ra đằng sau. Công tước Andrey có cảm giác kỳ lạ là mái tóc quăn, màu da và hình dáng cái đầu có một cái gì quen quen. Mấy người y tá ra sức đè lên ngực người đó và giữ chặt lấy anh ta. Mọt bên chân to lớn, trắng trẻo và mập mạp của anh ta cứ luôn luôn giật bắn lên. Người ấy khóc nấc lên, quằn quại và sặc sụa. Không nói một tiếng, hai bác sĩ - Một người mặt tái mét và run lẩy bẩy. - Đang lúi húi làm gì trên cái chân kia của anh ta đỏ lòm những máu.

Sau khi đã mổ người Tarta và phủ chiếc áo khoác lên mình anh ta, người bác sĩ đeo kính lau tay và đến cạnh công tước Andrey.

Ông ta nhìn vào khuôn mặt công tước Andrey rồi bỗng vội vã ngoảnh mặt đi.

- Cởi áo cho ông ta! Sao lại đứng đực cả ra đấy? - Ông giận giữ quát hai người y tá.

Trong khi người y tá, ống tay áo xắn lên, hấp tấp mở hết các khuy cúc, cởi áo quần cho công tước Andrey, những kỷ niệm xa xôi nhất của thời thơ ấu đầu tiên vụt hiện lên trong ký ức của chàng.

Bác sĩ cúi xuống, lấy tay nắn nắn vết thương và thở dài một tiếng nặng nề.

Đoạn ông ta ra hiệu cho một người khác. Một cơn đau khủng khiếp ở bụng làm cho công tước Andrey ngất đi. Khi chàng tỉnh dậy thì những mảnh gẫy của xương hông đã được lấy ra, những mảnh thịt đã được cắt bỏ đi và vết thương được băng bó lại. Người ta vã nước lên mặt chàng. Công tước Andrey vừa mở mắt thì bác sĩ cúi xuống mình chàng và lặng lẽ hôn lên môi chàng, không nói một lời rồi vội vã bỏ đi.

Sau những cơn đau vừa phải chịu đựng, công tước Andrey có một cảm giác thư thái dễ chịu mà lâu nay chàng không hề thể nghiệm. Tất cả những giờ phút tốt đẹp, sung sướng nhất của đời chàng, nhất là của thời thơ ấu xa xôi nhất, khi người ta cởi áo cho chàng và đặt chàng nằm trên chiếc giường nhỏ, khi người vú em hát để ru chàng ngủ, khi chàng vùi đầu vào gối, và cảm thấy mình sung sướng chỉ vì biết mình đang sống, những giờ phút ấy hiện ra trong tưởng tượng của chàng không phải như những việc đã qua mà như một sự thực đang diễn ra trong hiện tại.

Chung quanh người bị thương mà hình dáng cái đầu chàng thấy có vẻ quen quen, các bác sĩ đang bận rộn lui tới, họ vực người đó dậy, an ủi anh ta.

- Đưa cho tôi xem… ôôôô! Ôôôô. - Có thể nghe rõ tiếng rên sợ hãi và cam chịu đau đớn, luôn luôn bị ngắt quãng vì tiếng khác.

Nghe những tiếng rên ta kia, công tước Andrey muốn khóc. Phải chăng vì chàng phải chết không chút vinh quang? Phải chăng vì chàng còn luyến tiếc cuộc đời, hay là vì những kỷ niệm của thời thơ ấu không bao giờ còn trở lại nữa, hay là vì chàng đau khổ khi thấy người khác đau khổ, vì người kia đang rên rỉ thảm thiết trước mặt chàng. Dù sao chăng nữa thì chàng cũng muốn khóc những giọt nước mắt thơ ngây, hiền hậu, gần như những giọt nước mắt vui mừng.

Người ta đưa cho người bị thương cái chân của anh ta cái chân vừa bị cưa, máu đông lại, còn nguyên cả chiếc ủng.

- Ô ôôôô! - Người kia khóc rống lên nhưmột người đàn bà.

Vị bác sĩ nãy giờ đứng trước người bị thương và che lấp mặt anh ta, bỗng bỏ đi nơi khác.

- Trời ơi! Làm sao thế này? Tại sao hắn lại ở đây? - Công tước Andrey tự nhủ. Chàng nhận ra con người bất hạnh kiệt sức đang khóc nức nở kia, mà người ta vừa cưa mất một chân, là Anatol Kuraghin. Người ta xốc nách đỡ Kuraghin dậy và đưa cho hắn một cốc nước. Nhưng đôi môi run bần bật và sưng phù của hắn không áp được vào miệng cốc. Anatol khóc rưng rức. "Đúng rồi! Chính hắn rồi, đúng rồi, có một cái gì ràng buộc ta với con người này một cách chặt chẽ và đau đớn". Công tước Andrey nghĩ thầm, trong lòng vẫn chưa hiểu rõ điều trông thấy trước mắt. "Mối liên hệ giữa con người này với thời thơ ấu của ta, với cuộc đời của ta thế nào?" - Chàng tự hỏi, nhưng không tìm thấy câu trả lời. Và đột nhiên, một kỷ niệm mới mẻ bất ngờ từ trong cái thế giới trong sáng và chan chứa yêu đương của thời thơ ấu hiện ra trong ký ức chàng. Chàng sực nhớ tới Natasa in hệt như khi chàng thấy nàng lần đầu trong tối khiêu vũ năm 1810, với cái cổ thon thon và hai cánh tay mảnh dẻ, với gương mặt sợ hãi và sung sướng, sẵn sàng hân hoan, và trong lòng chàng, tình yêu đằm thắm đối với nàng lại sống dậy mãnh liệt và sôi nổi hơn bao giờ hết. Bây giờ chàng đã nhớ ra mối liên hệ giữa chàng với con người này trong khi hắn đưa cặp mắt sưng vù nhìn chàng qua làn nước mắt. Công tước Andrey nhớ lại tất cả, và một niềm trắc ẩn và thương yêu tha thiết đối với con người này tràn ngập cõi lòng sung sướng của chàng.

Công tước Andrey không thể tự chủ được nữa, chàng khóc, những giọt nước mắt thương yêu, tự ái đối với mọi người, đối với mình, đối với những lầm lạc của họ và những lầm lạc của mình.

"Lòng trắc ẩn, tình thương yêu đối với anh em đồng loại, đối với những người yêu ta, lòng thương yêu đối với những người thù ghét ta, đối với kẻ thù, phải, cái lòng thương yêu mà Chúa đã truyền phán trên trái đất này, và nữ Công tước Maria đã dạy cho ta mà ta không hiểu; chính nó đã làm ta luyến tiếc cuộc đời, đó là điều duy nhất còn lại với ta nếu ta còn sống. Nhưng bây giờ thì đã muộn rồi. Ta biết lắm!".

Phần X

Chương - 37 -

Nhìn cảnh tượng khủng khiếp của bãi chiến trường ngổn ngang những chiếc xác chết, những người bị thương, trong khi đầu óc còn choáng váng vì được tin hai mươi viên tướng quen thuộc của mình đã bị thương và tử trận, và nhận thức rõ rệt rằng cánh tay bấy lâu vô địch của mình đã trở thành bất lực, Napoléon thể nghiệm một ấn tượng không ngờ, mặc dầu thường ngày ông vẫn thích nhìn những người tử trận và bị thương, để thử thách sức mạnh tinh thần của mình (như ông ta vẫn tưởng). Nhưng hôm nay cảnh tượng ghê rợn của chiến trường đã thắng cái sức mạnh tinh thần mà ông ta cho là đã làm và nên làm những công đức và vì sự vĩ đại của mình. Ông vội vã rời khỏi chiến trường và trở về đồi Sevadino. Mặt vàng võ sưng húp, người nặng nề, mắt đục ngầu, mũi đỏ gay và tiếng nói khản đặc, ông ta ngồi trên chiếc ghế xếp, bất giác lắng nghe tiếng súng, mắt ngước lên. Ông ta bồn chồn lo lắng chờ giờ kết thúc trận chiến đấu mà ông tưởng mình đã nhúng tay vào, nhưng thực ra thì ông không thể nào bắt nó dừng lại được.

Trong giây lát, một tình cảm bầm sinh của con người đã thắng cái ảo ảnh dối trá về cuộc đời mà lâu nay ông vẫn phụng sự ông hình dung chính mình đang chịu những nỗi đau khổ và chết chóc mà ông đã thấy trên chiến trường. Cái cảm giác như có một cái gì đè nặng lên đầu và lên ngực ông khiến ông nhớ ra rằng mình cũng có thể đau khổ và chết như mọi người.

Trong giây phút này, ông không còn muốn chiếm Moskva, không còn muốn thắng trận, không còn muốn vinh quang nữa (ông còn cần thứ vinh quang gì nữa?). Bây giờ ông chỉ mong ước được nghỉ ngơi, yên tĩnh và tự do. Nhưng khi ông đứng trên cao điểm Xemonovkoye thì viên tư lệnh pháo binh đề nghị ông bố trí một vài đội pháo ở đấy để tăng cường hoả lực của những đội đang nã vào các đạo quân Nga tập trung ở Knyazkovo. Napoléon đồng ý và ra lệnh phải báo cho ông ta biết kết quả ra sao. Viên sĩ quan phụ tá đến nói rằng theo lệnh của hoàng đế, hai trăm khẩu pháo đã nã vào quân Nga, nhưng quân Nga vẫn giữ vững.

- Hoả lực của chúng ta đã quét sạch từng hàng quân, nhưng chúng vẫn giữ vững. - Viên sĩ quan phụ tá nói.

- Chúng còn muốn ăn đạn nữa đấy. - Napoléon nói, giọng khản đặc.

- Tâu bệ hạ? - viên sĩ quan phụ tá chưa nghe rõ bèn hỏi lại.

- Chúng còn muốn ăn đạn nữa, - Napoléon cau mày. - Bồi thêm cho chúng.

Không có lệnh của ông thì ý muốn của ông vẫn cứ được thực hiện, và sở dĩ ông ra lệnh chẳng qua vì ông nghĩ rằng người ta đợi lệnh của mình. Thế rồi, ông lại quay trở về cái thế giới giả tạo trước kia, cái thế giới đầy những ảo ảnh về võ công vĩ đại. Cũng như một con ngựa quay bánh xe nước tưởng đâu rằng nó đang làm một cái gì cho bản thân nó, ông ta lại ngoan ngoãn thực hiện cái vai trò tàn ác, đáng buồn và khổ sở, phi nhân tính mà số phận đã định trước cho ông ta.

Không phải chỉ trong vài ngày ấy, giờ ấy, trí óc và lương tâm của con người này. - Một con người mang cái trách nhiệm nặng nề hơn ai hết trong tất cả những việc đã xảy ra. - Mới bị mờ tối đi, mà mãi cho đến khi nhắm mắt, không bao giờ con người ấy có thể hiểu được cái gì là thiện, cái gì là mỹ, cái gì là chân, và đâu là ý nghĩa những hành vi của mình, những hành vi trái ngược hẳn với chữ ấy không thể nào chối cãi những hành vi của mình đã được nửa thế giới ca ngợi, cho nên ông ta đành phải từ bỏ cái chân và cái thiện cũng như tất cả cái bản chất của con người.

Không phải chỉ có ngày hôm ấy, trong khi cưỡi ngựa qua bãi chiến trường ngổn ngang những xác chết và những người bị tàn phế, (ông ta tưởng đó là do ý muốn của mình), và đưa mắt nhìn họ, ông mới tính xem cứ mỗi tử thi người Pháp thì có năm tử thi người Nga.

Không phải chỉ hôm ấy ông mới viết thư gửi về Paris nói rằng "Chiến trường thật là hùng vĩ bởi vì trên bãi chiến trường có năm vạn tử thi", mà ngay ở đảo Saint Helen trong cảnh tĩnh mịch cô đơn mà ông đã định dùng những năm còn lại để tường thuật những việc vĩ đại mà mình đã làm, ông viết:

"Cuộc chiến tranh với Nga phải là một cuộc chiến tranh được lòng nhiều người nhất của thời đại: đó là cuộc chiến nanh của lương tri; và của sự an toàn của mọi người; nó có tính chất thuần tuý hoà bình và báo thù".

"Đó là cuộc đấu tranh vì đại nghĩa, để chấm dứt những sự ngẫu nhiên và để mở đầu cho sự an toàn. Một chân trời mới sẽ mở ra, những công trình mới sẽ được thực hiện đem lại vô số phúc lợi và sự phồn vinh cho tất cả mọi người. Hệ thống châu Âu đã có cơ sở, bây giờ vấn đề còn là tổ chức nó nữa mà thôi".

"Thoả mãn về tất cả vấn đề lớn này, đâu đâu cũng được yên lòng, tôi cũng sẽ có đại hội của tôi, và Liên minh thần thánh của tôi. Đó là những tư tưởng mà người ta đã ăn cắp của tôi. Trong cuộc hội họp các vị đế vương, chúng tôi sẽ bàn đến quyền lợi của chúng tôi như trong một gia đình và sẽ báo cáo với quốc dân như người thư ký báo cáo với ông chủ".

"Như thế, Âu châu chẳng bao lâu sẽ thực sự trở thành một dân tộc duy nhất, và bất kỳ ai trong khi đi du lịch khắp nơi cũng sẽ luôn luôn cảm thấy mình ở trong tổ quốc chung. Tôi sẽ yêu cầu các sông ngòi được hưởng tự do giao thông, bốn bè là cộng đồng, không chia hải phận, và những đạo quân lớn thường trực từ nay sẽ giảm hẳn đi, chỉ còn lại những đội vệ binh của các quốc trưởng mà thôi".

"Khi trở về Pháp, trở về tổ quốc vĩ đại, cường tráng, tráng lệ, thái bình, quang vinh, tôi sẽ tuyên bố rằng biên giới nước ta là bất di bất dịch, mọi cuộc chiến tranh sau này sẽ thuần tuý chiến tranh tự vệ; mọi sự mở mang bờ cõi sau này đều là phản dân tộc, tôi sẽ cho con tôi cùng trị vì đế quốc, thời kỳ chiến trinh của tôi sẽ chấm dứt, thời kỳ được hiến của con tôi sẽ bắt đầu".

"Paris sẽ là thủ đô của thế giới, và địa vị của người Pháp sẽ được mọi dân tộc ước ao".

"Sau đó, trong thời kỳ tập sự làm vua của con tôi, tôi sẽ dành ngày giờ nhàn rỗi và tuổi già của con tôi để cùng hoàng hậu, như một cặp vợ chồng thôn dã thật sự, thong dong cưỡi ngựa nhà đi thăm tất cả những nơi sơn cùng thuỷ tận của đế quốc, để tiếp nhận những lời khiếu nại, trừ bỏ những điểm bất công và đến đâu cũng xây dựng lâu đài và ban thí ân đức".

Con người mà ý trời đã tiến định cho đóng cái vai trò thảm hại của tên đao phủ đối với các dân tộc, lại muốn biện hộ rằng mục đích những hành động của mình là lợi ích của các dân tộc, và mình có thể thao túng số phận hàng triệu con người, và có thể dùng quyền lực để tạo nên hạnh phúc cho họ.

Về cuộc chiến tranh với Nga ông còn viết:

"Trong số 400.000 người vượt qua sông Vixla, một nửa là người Áo, người Phổ, người Xắc-xôn, người Ba Lan, người Beyer, người Vuyrtemberg, người Mecklemberg, người Tây Ban Nha, người Ý, người Napôli. Quân đội hoàng gia thực ra là gồm những người Hà Lan, người Bỉ, những cư dân ở trên bờ sông Ranh, ở Piemont, ở Thuỵ Sĩ, ở Geneva, ở Toxcan, ở La Mã, cư dân của quân khu thứ 32, cư dân các thành phố Brem, Hamburg v.v…, nó gồm không đầy 140.000 người nói tiếng Pháp. Cuộc viễn chinh sang Nga làm hao tổn của người Pháp hiện thời không đến năm vạn người. Quân đội Nga, khi rút lui từ Vilna đến Moskva, trong các trận giao chiến đã tổn thất bốn lần nhiều hơn quân đội Pháp; Việc Moskva phát hoả đã làm cho 100.000 người Nga phải chết rét, chết đói ở trong rừng; cuối cùng trong một cuộc hành quân từ Moskva đến sông Oder, quân đội Nga cũng bị thời tiết ác nghiệt làm tổn hại, khi đến Vilna nó chỉ còn có 50.000 người và khi đến Kalis chỉ còn non 18.000".

Ông ta tưởng rằng cuộc chiến tranh với Nga đã xảy ra do ý muốn của mình, thế mà cái biến cố thủ khủng khiếp đã diễn ra không làm cho tâm hồn ông mảy may xúc động. Ông ta mạnh dạn nhận lấy tất cả trách nhiệm về biến cố ấy, và đầu óc mờ tối của ông ta lại muốn hiện cho bằng cách nêu ra rằng trong số hàng chục vạn người tử trận, số người Pháp ít hơn số người xứ Hess và xứ Bayer.

Phần X

Chương - 38 -

Mấy vạn người chết và bị thương nằm ở những tư thế khác nhau và trong những bộ quân phục khác nhau, ngổn ngang trên những bãi cỏ và những cánh đồng thuộc quyền sở hữu của họ Duvydov hay của những nông dân của hoàng gia. Trên những cánh đồng và những bãi cỏ này, mấy thế kỷ nay, nông dân các làng Borodino. Gorki, Sevardino và Xemenovxkoye đã từng gặt lúa và chăn gia súc. Ở các trạm cứu thương, cỏ và đất đều sũng máu trên một khoảng rộng hàng mẫu đất. Từng tốp người bị thương hay còn lành lặn thuộc nhiều đơn vị khác nhau, vẻ mặt hốt hoảng, rút về phía sau, người thì chạy về Mozaisk, kẻ thì chạy về Valuyvro. Những tốp khác, mặc dầu mệt nhoài và đói lả vẫn tiến lên dưới sự chỉ huy của thủ trưởng họ. Lại có những người vẫn đứng tại chỗ tiếp tục bắn.

Bãi chiến trường vừa mới đây còn tráng lệ và tươi vui với những ánh lưỡi lê lấp lánh và những đám khói toả lên trong ánh nắng ban mai, thì bây giờ đã tối sầm lại trong làn sương mù ẩm ướt pha lẫn khói súng, và trong không khí phảng phất cái mùi khét rất lạ của diêm sinh và máu. Những đám mây ùn ùn kéo đến, một cơn mưa nhỏ bắt đầu đổ xuống các thây ma, những người bị thương, những con người hoảng hốt, kiệt sức và đã đến lúc hoài nghi hết thảy. Hình như nó muốn bảo họ rằng: "Thôi đủ rồi, các người ạ. Chấm dứt đi thôi… hãy nghĩ lại mà xem, các người đang làm gì thế?"

Binh sĩ hai bên kiệt sức vì không được ăn và không được nghỉ cũng bắt đầu ngờ vực không biết có nên tiếp tục bắn giết nhau nữa hay không. Trên tất cả các gương mặt đều lộ rõ tâm trạng dao động và một câu hỏi được gợi lên trong lòng mọi người: "Ta giết người và chết để làm gì và cho ai? Chúng bay muốn giết ai thì giết, muốn làm gì thì làm, nhưng ta thì ta không làm nữa đâu!". Đến chiều, ý nghĩ này đã chín muồi trong lòng mỗi người. Bất cứ phút nào tất cả những người này cũng có thể thấy ghê sợ những việc họ đã làm, cũng có thể vất bỏ tất cả mà chạy, bất kỳ chạy đi đâu.

Nhưng mặc đầu đến gần cuối trận đánh, mọi người đều thấy rõ hành động của mình ghê tởm đến nhường nào, mặc dầu họ sẽ vui mừng nếu được ngừng lại, nhưng có một sức mạnh gì huyền bí không thể hiểu được, vẫn chế ngự họ. Những người pháo binh, mồ hôi nhễ nhại, mình mẩy nhem nhuốc những thuốc súng và máu, ba người chỉ còn lại một, tuy đã lảo đảo và thở hổn hển vì mệt nhọc, vẫn tiếp tục mạnh dạn đến, nạp đạn, nhắm đích, châm ngòi; từ cả hai phía, đạn vẫn bay ra dồn dập và tàn nhẫn như trước, xé tan thân thể người ta ra, và cái công việc khủng khiếp kia vẫn tiếp tục, nó diễn ra không phải do ý muốn của con người mà là do ý muốn của Đấng ngự trị tất cả mọi người và mọi thế giới.

Ai nhìn vào những hàng hậu quân rối loạn của quân đội Nga cũng sẽ nói rằng quân Pháp chỉ cần cố gắng một chút nữa là quân đội Nga sẽ bị tiêu diệt; ai nhìn vào những hàng hậu quân của quân Pháp cũng sẽ nói rằng quân Nga chỉ cần cố gắng một chút nữa là quân đội Pháp cũng sẽ tan tành. Nhưng cả quân Pháp lẫn quân Nga đều không thực hiện sự cố gắng ấy, và ngọn lửa của trận chiến đấu cứ dần dần tàn lụi.

Quân Nga không thực hiện sự cố gắng ấy bởi vì không phải họ tấn công quân Pháp. Lúc trận đánh bắt đầu, họ chỉ đóng trên con đường vào Moskva, để chặn con đường ấy, và họ vẫn giữ nguyên vị trí ban đầu cho đến khi trận chiến đấu kết thúc.

Nhưng dù cho mục đích của họ là đánh đuổi quân Pháp chăng nữa thì họ cũng không thể thực hiện được sự cố gắng cuối cùng này, bởi vì tất cả các đạo quân Nga đều tan rã, không có một bộ phận nào không bị tổn thất trong trận đánh này, và trong khi giữ nguyên trận địa, quân Nga đã mất một nửa quân số.

Còn quân Pháp vốn được kỷ niệm của mười năm chiến thắng cổ vũ, vốn tin tưởng vào tài năng vô địch của Napoléon và có ý thức rằng họ đã làm chủ được một bộ phận của chiến trường mà chỉ mất một phần tư quân số và đạo vệ binh hai vạn người thì vẫn còn nguyên vẹn, quân Pháp có thể thực hiện sự cố gắng ấy một cách dễ ràng. Quân Pháp tấn công quân Nga với mục đích đánh bật quân Nga ra khỏi vị trí của nó, đáng lý phải thực hiện sự cố gắng ấy vì hễ quân Nga còn chặn con đường vào Moskva thì quân Pháp vẫn còn chưa đạt được mục đích, và tất cả những cố gắng cũng như những tổn thất của họ đều thành ra vô ích. Nhưng quân Pháp đã không thực hiện sự cố gắng ấy.

Một vài sử gia nói rằng Napoléon cho đội cận vệ nguyên vẹn của ông ra chiến trường là có thể thắng trận. Nhưng nói về những việc sẽ diễn ra Napoléon cho đội cận vệ của mình nhập trận thì cũng chẳng khác gì nói về những việc sẽ xảy ra nếu mùa thu bỗng chốc biến thành mùa xuân. Điều đó không thể có được. Sở dĩ Napoléon không tung đội cận vệ của mình ra không phải vì ông ta không muốn, mà là vì ông ta không thể làm như thế được. Tất cả các tướng tá và quân sĩ đều biết rằng không thể làm như vậy, bởi vì tinh thần quân đói đã suy sụp không cho phép làm như vậy.

Không phải chỉ riêng Napoléon mới có cảm tưởng là cánh tay mình đang giơ lên bỗng rụng rời buông thõng xuống trong cơn ác mộng, mà tất cả các tướng tá và quân sĩ của quân đội Pháp đã tham chiến hay không tham chiến, sau tất cả những kinh nghiệm rút được từ những trận chiến đấu trước đây (trong đó chỉ cần cố gắng bằng một phần mười so với bây giờ cũng đủ khiến cho quân địch bỏ chạy), đều cảm thấy kinh hãi như nhau khi đứng trước một kẻ địch đã mất một nửa quân số mà vẫn giữ vững trận địa đến cùng mà vẫn đáng sợ như lúc mới lâm trận.

Sức mạnh tinh thần của quân đội Pháp, là quân đội tấn công, đã tiêu ma hết rồi. Thắng lợi của quân Nga ở Borodino không phải là một thắng lợi có thể đánh giá bằng những mảnh vải buộc vào gậy mà người ta gọi là quân kỳ, hay bằng những khoảng đất này làm cho đối phương hiểu rõ ưu thế của kẻ địch và sự bất lực của mình. Cũng như một con vật điên cuồng đang dở dà sau một vết thương trí mạng, quân xâm lược Pháp cảm thấy mình bước vào chỗ chết, nhưng nó không thể nào dừng lại, cũng như quân đội Nga, vì yếu hơn nó hai lần nên không thể nào nhường bước.

Theo đà sẵn có, quân đội Pháp còn có thể lăn mãi đến Moskva, nhưng ở đây, mặc dù quân đội Nga không có những cố gắng mới, quân đội Pháp vẫn nhất định phải gục vì vết thương chí mạng ở Borodino đã làm nó kiệt hết máu. Kết quả trực tiếp của trận Borodino là việc Napoléon vô cớ bỏ chạy khỏi Moskva, việc ông ta rút lui theo con đường cũ - Con đường Smolensk - việc một đạo quân xâm lược năm mươi vạn người bị tiêu diệt, việc đế chế Napoléon của Pháp cáo chung; chính ở Borodino lần đầu tiên nền đế chế ấy đã chịu cái đòn nặng nề từ cánh tay kẻ địch mạnh nhất về phương diện tinh thần.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx