sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 3) - Phần 11 - Chương 04 + 05 + 06

Phần XI

Chương - 4 -

Trong một căn nhà gỗ rộng rãi, căn nhà đẹp nhất của bác mu-gich Andrey Xovoxtyanov. Lúc hai giờ có phiên họp hội đồng quân sự. Bao nhiêu đàn ông đàn bà và trẻ con trong cái gia đình nông dân đông đúc ấy đều chen chúc cả trong gian nhà phụ sát phòng ngoài.

Chỉ có một mình con bé Malasa, đứa cháu gái lên sáu của bác Andrey vừa được đức ông âu yếm vuốt ve và cho một miếng đường khi dùng trà, là ở lại trong gian nhà lớn. Ngồi trên lò sưởi, Malasa bẽn lẽn và vui mừng ngắm nghía mặt mày, quân phục và huân chương của các vị tướng bấy giờ đang lần lượt bước vào nhà và ngồi lên mấy chiếc ghế dài rộng rãi đặt ở góc thờ, dưới các tượng thánh. Còn ông cụ (Malasa thầm gọi Kutuzov như vậy) thì ngồi riêng ra, trong các góc tối bên lò sưởi. Ông ngồi thụt sâu vào chiếc ghế bành xếp đằng hắng luôn mồm và xốc mãi chiếc cổ áo tuy đã mở phanh ra nhưng vẫn có vẻ như đang chẹn ngang cổ. Những người mới vào lần lượt đến chào vị thống soái, và có người thì ông bắt tay, có người thì ông gật đầu chào lại. Viên sĩ quan phụ tá Kaixarov định vén bức màn trên cửa sổ, cạnh chỗ Kutuzov ngồi, nhưng ông giận dữ khoát tay một cái, và Kaixarov hiểu rằng đức ông không muốn cho ai trông thấy mặt mình.

Chung quanh chiếc bàn gỗ mộc mạc đặt đầy những bản đồ, giấy má, bút chì, có nhiều người đứng đến nỗi những người lính hầu phải mang thêm một chiếc ghế dài đến đặt bên bàn. Ba người mới đến là Yermolov, Kaixadov và Toll ngồi xuống chiếc ghế ấy. Ngay phía dưới các bức ảnh thánh, Barclay de Tolly ngồi ở chỗ danh dự, cổ đeo huân chương Georges, khuôn mặt xanh xao ốm yếu, vầng trán cao lẫn với mái đầu hói. Đã hai ngày nay ông ta bị sốt, và lúc bấy giờ ông cứ run từng cơn. Ngồi cạnh ông ta là Uvatov, đang nói khẽ lúc bấy giờ (mọi người đều nói khẽ) với Barclay điều gì, lay hoa lên lia lịa. Tướng Dokhturov người bé nhỏ và tròn trĩnh, lông mày giương cao, hai tay đặt trong bụng, đang chăm chú lắng nghe.

Ở phía bên kia, bá tước Oxtemlan Toletoy hai tay chống đầu, khuôn mặt rộng có những đường nét táo bạo và đôi mắt sáng quắc, đang ngồi im có vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Raievxki, vẻ sốt ruột, lấy tay vê mớ tóc đen láy phủ lên thái dương với một cử chỉ quen thuộc. khi thì nhìn Kutuzov, khi thì nhìn ra cửa. Khuôn mặt rắn rỏi, tuấn tú và hiền hậu của Konovnitxyn sáng bừng lên trong một nụ cười dịu dàng và ranh mãnh. Ông ta bắt gặp mắt Malasa đang nhìn lại liền nháy mắt ra hiệu, khiến cho con bé mỉm cười.

Mọi người đang chờ đợi Benrigxen, bấy giờ đang lấy cớ là đi xem xét lại địa thế để ăn nốt bữa ăn chiều ngon lành. Họ đợi ông ta, từ bốn đến sáu giờ, và suốt trong thời gian đó không thảo luận gì chỉ khe khẽ nói chuyện riêng.

Mãi đến khi Benrigxen bước vào nhà gỗ, Kutuzov mới từ trong góc nhích ghế đến gần bàn, những vẫn chú ý ngồi sao cho ánh sáng của mấy ngọn nến vừa đặt trên bàn đừng soi vào mặt.

Benrigxen khai mạc cuộc hội nghị bằng một câu hỏi: "Nên bỏ thủ đô thiêng liêng và cổ kính của nước Nga hay nên cố giữ lấy?"

Tiếp theo đó mọi người đều im lặng một hồi lâu. Tất cả các gương mặt đều cau lại, và trong không khí im lặng có thể nghe rõ tiếng ho hắng và tiếng hừ hừ bọc dọc của Kutuzov. Mắt mọi người đều đổ dồn về phía ông ta. Malasa cũng nhìn ông cụ của nó. Nó ngồi gần ông hơn cả và thấy rõ mặt ông đang nhăn nhó: hệt như ông sắp khóc. Nhưng đều đó chỉ thoáng trong một lát.

- Thủ đô thiêng liêng và cổ kính của nước Nga. - Kutuzov bỗng nói, giọng bực tức, ông nhắc lại lời của Benrigxen, khiến cho mọi người rõ cái giọng giả dối của câu này. - Thưa đại nhân, xin đại nhân cho phép tôi thưa rằng câu hỏi đó đối với một người Nga không có nghĩa gì cả. (ông chồm cả cái thân hình nặng nề của mình ra phía trước). Đó là một câu hỏi không thể đặt ra được một câu hỏi vô nghĩa. Sở dĩ tôi mời các ngài đây đến họp là để giải quyết một vấn đề khác, một vấn đề quân sự. Vấn đề đó như sau: "Cứu tinh của nước Nga là quân đội. Khởi chiến để rồi có cơ mất cả quân đội lẫn Moskva lợi hơn, hay là bỏ Moskva không khởi chiến lợi hơn? Đây, tôi muốn biết được ý kiến của các ngài về vấn đề đấy". (ông ngả người ra phía sau dựa vào lưng ghế).

Cuộc tranh luận bắt đầu. Benrigxen chưa chịu thua. Tuy vẫn chấp nhận ý kiến của Barclay và của một số người khác rằng không thể mở một trận chiến dấu phòng ngự ở Fili được, nhưng ông ta vì quá thấm nhuần lòng ái quốc Nga và vì quá yêu Moskva nên đề nghị đang đêm điều quân từ sườn phải sang sườn trái và đến hôm sau đánh mạnh vào cánh phải của quân Pháp. Ý kiến các tướng chia làm hai phe, phe thì bênh vực phe thì phản đối. Yermolov, Dokhturov và Raievexki đứng về phía Benrigxen.

Không biết vì họ cảm thấy phải hy sinh ít nhiều trước khi rời bỏ thủ đô, hay vì những lý do riêng nào khác, nhưng các vị tướng ấy đường như không hiểu rằng phiên họp hội đồng này không thể nào thay đổi được hướng diễn biến tất yếu của sự việc và ngay từ bây giờ Moskva đã bị bỏ ngỏ rồi. Các vị tướng khác đều hiểu rõ điều đó, nên gác vấn đề Moskva sang một bên và bàn đến hướng đi của quân đội khi rút lui. Malasa chăm chú theo dõi những việc đang diễn ra trước mắt nó: nó hiểu ý nghĩa của phiên họp hội đồng này một cách khác. Nó tưởng rằng đây chỉ là một cuộc cãi vã riêng giữa "ông cụ" và "cái ông mặc áo vạt dài kia". Nó thấy hai người có vẻ rất hằn học khi nói với nhau, và trong khi lòng nó đứng về phía ông cụ: Giữa chừng cuộc tranh cãi, nó để ý thấy anh cụ đưa nhanh về phía Benrigxen một cái nhìn ranh mãnh, rồi nó lại vui mừng nhận thấy ông cụ nói một câu gì làm cho cái "ông mặc áo vạt dài" kia rất bẽ: Benrigxen đề nghị nhằm chuyển quân từ sườn phải sang sườn trái để tấn công cánh hữu của quân Pháp.

Giọng bình tĩnh và nhẹ nhàng. Kutuzov nói:

- Thưa các ngài, tôi không thể tán thành kế hoạch của bá tước đại nhân đây được. Chuyển quân ở sát cạnh quân địch bao giờ cũng nguy hiểm, lịch sử quân sự đã xác minh điều đó. Chẳng hạn… (Kutuzov làm ra vẻ như đang ngẫm nghĩ để tìm một dẫn chứng, mắt đưa về phía Benrigxen một cái nhìn trong sáng và ngây ngô). Ta, ta hẵng cứ lấy trận Fridland chẳng hạn, tôi chắc trận này thì bá tước nhớ rõ lắm; kết quả trận này không được… mỹ mãn cho lắm chỉ vì quân ta bố trí lại trong khi đang ở gần quân địch quá… - Tiếp theo là một phút im lặng mà mọi người đều có cảm giác là rất dài.

Cuộc tranh luận lại tiếp diễn, nhưng chốc chốc lại có những khoảng im lặng, và mọi người đều cảm thấy chẳng có gì để mà nói nữa.

Trong một khoảng im lặng như thế, Kutuzov thở dài một tiếng nặng nề như sắp nói điều gì. Mọi người đều nhìn về phía ông ta.

- Ấy thế thưa các ngài! Tôi biết rằng cốc vỡ thì chính tôi phải đền. - Kutuzov nói, đoạn chậm rãi đứng dậy và bước lại gần bàn. - Thưa các ngài, tôi đã được nghe ý kiến của các ngài. Trong số các ngài sẽ có những người không đồng ý với tôi. Nhưng tôi… (ông dừng lại một lúc) xin sử dụng cái quyền hạn. - Mà hoàng thượng và tổ chức giao cho tôi, tôi ra lệnh lui quân. - Các tướng bắt đầu giải tán với cái vẻ thận trọng, lặng lẽ và trang nghiêm như khi người ta giải tán sau một đám tang.

Vài viên tướng đến nói khẽ với vị tổng tư lệnh điều gì, giọng nói khác hẳn khi họ thảo luận trong phiên họp hội đồng.

Malasa, đáng lẽ phải về ăn tối từ lâu, thận trọng trườn từ trên giàn lò xuống, đôi chân bé nhỏ để trần bám vào những cái u trên lò sưởi và luồn qua chân các vị tướng mà chạy ra cửa.

Sau khi các tướng đã ra về, Kutuzov vẫn ngồi chống khuỷu tay lên bàn hồi lâu. Ông vẫn nghĩ tới cái vấn đề kinh khủng ấy: "Việc bỏ ngỏ Moskva đã được định đoạt từ lúc nào? Cái việc có tác dụng quyết định vấn đề này đã xảy ra từ lúc nào? Ai là người có lỗi trong việc này?"

Đêm đã khuya. Khi viên sĩ quan phụ tá Snaider bước vào phòng, Kutuzov nói với ông ta:

- Thật không ngờ, thật tôi không ngờ như vậy? Tôi không thể ngờ!

Snaider nói:

- Thưa đại nhân, ngài cần nghỉ ngơi một chút.

Kutuzov không đáp, dang nắm tay phốp pháp đặt lên bàn quát dập lên bàn quát:

- Ồ không đâu! Rồi chúng nó sẽ phải ngốn thịt ngựa như bọn Thổ Nhĩ Kỳ, chúng nó sẽ phải ăn cho mà xem, miễn là…

Phần XI

Chương - 5 - 6-

Cùng lúc ấy, trong một sự kiện còn quan trọng hơn việc rút quân không chiến đấu, là việc bỏ ngỏ và đốt cháy Moskva.

Raxtovsin, mà chúng ta xem là người chỉ đạo sự việc này, đã hành động trái hẳn với Kutuzov.

Sự việc ấy. - Bỏ ngỏ và đốt cháy Moskva. - Cũng tất yếu như việc rút quân về phía sau Moskva, không đánh trận nào.

Mỗi người Nga, không phải trên cơ sở suy luận, mà trên cơ sở cái tình cảm vẫn sống trong lòng chúng ta và trong lòng cha ông chúng ta, chắc cũng đã tiên đoán được những điều ấy diễn ra.

Bắt đầu từ Smolensk trong tất cả các thành phố và làng mạc của đất nước Nga, không hề có sự tham dự của bá tước Raxtovsin và những lời tuyên cáo của ông ta, thế mà sự việc đều diễn ra đúng như ở Moskva. Nhân dân điềm tĩnh đợi quân thù đến, không nổi loạn, không nhốn nháo, không hành hung người nào cả. Họ bình tĩnh chờ đợi vận mệnh, cảm thấy rằng đến giờ phút khó khăn nhất họ sẽ có thể biết rõ mình phải làm gì, và hễ quân địch gần đến nơi, là những người giàu có nhất trong dân cư bỏ đi, để của cải lại; những người nghèo nhất thì ở lại, phá huỷ và đốt cháy những gì còn sót.

Trong tâm hồn của người Nga, xưa kia cũng như bây giờ, đều có ý thức rằng sự thể sẽ như thế nào, và bao giờ cũng vẫn như thế. Và cả xã hội Nga ở Moskva năm 1812 đều có ý thức đó, hơn nữa, còn có cái tình cảm rằng Moskva bị chiếm. Những người đang lục tục rời bỏ Moskva ngay từ tháng bảy và đầu tháng tám đã chứng tỏ rằng họ đã đoán trước việc đó. Khi ra đi với những thứ có thể vơ theo, bỏ nhà cửa và một nửa tài sản, họ hoạt động theo một lòng yêu nước tiềm tàng, một lòng yêu nước không biểu lộ bằng lời nói, bằng việc hy sinh con cái để dâng lên bàn thờ tổ quốc hay những hoạt động giả tạo tương tự thế, mà là một lòng yêu nước bộc lộ ra một cách thầm lặng, đơn giản hữu cơ và vì vậy bao giờ cũng có những kết quả rất mạnh.

"Chạy trốn trước nguy cơ là một điều đáng hổ thẹn: chỉ có những kẻ hèn nhát mới bỏ Moskva và chạy trốn" - Người ta bảo vậy. Trong các tờ tuyên cáo, Raxtovsin cũng gợi ý cho họ thấy rằng rời bỏ Moskva là nhục nhã. Họ rất hổ thẹn khi phải nhận cái danh hiệu là kẻ hèn nhát, họ rất hổ thẹn khi phải ra đi, nhưng họ vẫn cứ ra đi, vì biết rằng cần phải làm như vậy. Tại sao họ phải ra di? Không thể nói rằng họ khiếp sợ vì tin lời Raxtovsin kể lại về những chuyện kinh khủng mà Napoléon đã làm trong các vùng bị chinh phục. Họ ra đi, và những người ra đi trước nhất là những người giàu sang, có học thức, vốn biết rất rõ ràng Viên và Berlin vẫn nguyên vẹn và khi Napoléon chiếm đóng hai thành này thì dân cư ở đây sống rất vui vẻ với người Pháp, những con người rất có duyên mà thời ấy người Nga rất thích, nhất là phụ nữ Nga.

Họ ra đi vì đối với người Nga không thể có vấn đề: dưới quyền cai trị của Pháp thì ở lại Moskva sướng hay khổ. Dưới quyền cai trị của Pháp thì không thể nào sống được: đó là điều tệ hơn cả. Trước trận Borodino họ đã bỏ đi, và sau trận Borodino họ còn bỏ đi nhanh chóng hơn nữa, bất chấp những lời kêu gọi phòng thủ, bất chấp những lời tuyên bố của quan tư lệnh Moskva là sẽ rước ảnh Đức Bà Iverya ra đánh giặc, bất chấp những quả khinh khí cầu mà người ta định dùng để tiêu diệt quân Pháp và bất chấp tất cả những lời lẽ nhảm nhí mà Raxtovsin viết trong các bản tuyên các của ông ta.

Họ biết rằng quân đội có nhiệm vụ phải chiến đấu, và một khi quân đội đã không làm được việc đó thì không thể đem các cô tiểu thư cùng các gia nhân lên khu Trigorư đánh nhau với Napoléon được, cho nên họ đành phải bỏ đi, mặc dù rất xót xa khi phải vứt của cải lại. Họ ra đi, không hề nghĩ đến cái ý nghĩ lớn lao của việc rời bỏ chốn thủ đô giàu có, đồ sộ này, phó mặc nó cho mồi lửa (một thành phố lớn nhà cửa toàn bằng gỗ mà dân cư bỏ đi thì thế nào cũng phải cháy); mỗi người ra đi như vậy vì bản thân mình, nhưng đồng thời chỉ riêng việc họ bỏ đi thôi cũng đã làm nên cái sự kiện lớn lao mãi mãi sẽ là sự kiện vẻ vang nhất của dân tộc Nga. Một bà lớn đã cùng mấy người đầy tớ da đen và mấy anh hề rời Moskva đi về vùng quê Xaratov từ hồi tháng sáu, với một ý thức mơ hồ là mình không thể ở lại làm đầy tớ cho Bonaparte vừa đi vừa sợ bị chặn lại giữa đường theo lệnh của bá tước Raxtovsin, con người cũng có lúc thoá mạ những ai bỏ đi, đã có lúc cho các cơ quan hành chính phân tán ra ngoài thành, đã từng phát những vũ khí không còn dùng được nữa cho kẻ say rượu, đã từng cho dỡ các tượng thánh ra, đã có lúc cấm cha Auguxtin đưa các thánh tích và các ảnh tượng ra khỏi Moskva, đã từng sung công tất cả các xe tải của tư nhân, đã dùng một trăm ba mươi sáu chiếc xe tải chở quả kinh khí cầu do Leppich làm ra, lại đã từng nói bóng gió rằng mình sẽ đốt cháy Moskva, đã từng kể lại rằng mình đã đốt nhà riêng và đã thảo ra một bản tuyên cáo gửi cho quân Pháp, long trọng trách móc họ đã phá mất cái cô nhi viện của mình, đã từng đứng ra nhận lấy cái vinh quang của việc đốt Moskva, rồi lại chối rằng mình không làm việc đó, đã ra lệnh cho nhân dân bắt hết bọn do thám giải đến cho mình, rồi lại trách móc nhân dân đã làm theo lệnh ấy, đã trục xuất tất cả các Pháp kiều ra khỏi Moskva. nhưng lại để bà Ober Salme ở lại thành phố, trong khi bà ta là trung tâm của cái xã hội Pháp ở Moskva, đồng thời lại vô cớ ra lệnh bắt và đày biệt xứ viên giám đốc bưu chính Klustarev, một con người già cả và đáng kính, đã từng triệu tập dân chúng lên khu Trigorư đánh nhau với Pháp, rồi để thoát khỏi đám dân chúng này, lại ẩy ra một người để cho họ đánh chết còn mình thì chuồn ra cửa sau, đã có lúc nói rằng Moskva mà rơi vào tay giặc thì mình cũng không sống sót lại làm gì, đã từng viết vào album những câu thơ bằng tiếng Pháp để chứng tỏ rằng mình tham gia vào việc này. - Con người đó không hiểu được ý nghĩa của sự việc xảy ra, lại cứ muốn tự mình làm một việc gì, muốn tự làm cho mọi người ngạc nhiên, muốn hoàn thành một cái gì cho thật xứng đáng với một trang anh hùng cứu quốc, và như một đứa trẻ con, người đó chơi đùa với những biến cố lớn iao và tất yếu là việc bỏ ngỏ và đốt cháy Moskva, và cứ đưa bàn tay nhỏ bé của mình ra, khi thì thúc dẩy, khi thì ngăn chặn luồng nước lũ ồ ạt của nhân dân đang cuốn mình theo.

6.

Khi cùng với triều đình từ Vilna trở về Petersburg, Elen lâm vào một tình cảm gay go khó xử.

Ở Petersburg, Elen được một vị đại thần vào bậc nhất trong nước đặc biệt che chở cho. Còn ở Vilna thì nàng lại kết thân với một hoàng thân ngoại quốc trẻ tuổi. Khi nàng trở về Petersburg thì vị hoàng thân và vị đại thần đều đang ở đấy, cả hai đều đòi hưởng quyền được nàng chiếu cố, thế là Elen đứng trước một bài tính chưa từng gặp trên bước đường sự nghiệp của nàng: làm thế nào để duy trì quan hệ gần gũi với cả hai người, mà không ngưòi nào phật ý.

Cái việc mà một người đàn bà khác sẽ thấy là một khó khăn và thậm chí không thể nào làm được nữa, thì lại chẳng hề khiến bá tước phu nhân Bezukhov phải bận tâm suy nghĩ gì: rằng được tiếng là người đàn bà thông minh nhất, hẳn cũng không phải là không có căn cứ. Giả sử nàng giấu giếm các hành tung của mình, cố dùng mưu mẹo để thoát ra khỏi tình thế khó khăn này thì như vậy chẳng khác nào tự mình thú tội, và câu chuyện sẽ hỏng bét. Nhưng nàng không làm như vậy; ngay từ đầu, như một vĩ nhân chân chính có khả năng thực hiện tất cả những gì mình muốn, nàng đã tự mình đặt mình vào địa vị của người chính trực và cũng thành thật tin rằng mình chính trực, còn bao nhiêu người khác thì nàng đặt vào địa vị của người có lỗi.

Lần đầu tiên khi nhân vật ngoại quốc trẻ tuổi kia dám đưa lời trách móc nàng, nàng đã kiêu hãnh cất cao mái đầu tuyệt mỹ của nàng lên, và chỉ hơi ngoảnh về phía ông ta, nàng nói giọng rắn rỏi:

- Đấy đàn ông họ ích kỷ và tàn nhẫn như vậy đấy! Tôi cũng biết từ trước. Đàn bà người ta hy sinh cho các ông, người ta đau khổ, thế mà các ông đều đáp lại như thế đấy. Thưa điện hạ, ngài có quyền gì chất vấn tôi về những tình bạn, những tình quyến luyến của tôi? Người đó đối với tôi còn hơn là người cha.

Nhân vật kia định nói lại một câu gì, nhưng Elen đã chặn lời nói tiếp:

- Phải, có thể đối với tôi, ông ta còn có những tình cảm khác hơn là tình cảm của một người cha, nhưng đó không phải là một lý do để tôi cấm cửa ông la. Tôi có phải là đàn ông đâu mà vong ân bội nghĩa như lậy. Xin điện hạ biết cho rằng về tất cả những gì liên quan đến tình cảm sâu kín của tôi thì chỉ có Thượng đế và lương tâm tôi chứng giám! - Nàng kết luận, tay đặt nhẹ lên bộ ngực đẹp đẽ đang phập phồng nâng cao, mắt ngước nhìn trời.

- Nhưng xin phu nhân nghe tôi nói đã, tôi van phu nhân.

- Ngài hãy kết hôn với tôi đi, rồi tôi sẽ là nô lệ của ngài.

- Nhưng không thể được.

- Ngài không thèm hạ cố đến tôi, ngài… Elen vừa khóc vừa nói.

Nhân vật kia ra sức an ủi nàng: còn Elen thì vừa khóc sụt sùi vừa nói như đã mất hết tự chủ, rằng không còn gì để ngăn trở nàng đi lấy chồng, rằng có nhiều trường hợp hồi ấy cũng chưa có được mấy trường hợp, nhưng nàng vẫn kể được Napoléon và một vài nhân vật quyền quý khác; nàng nói nàng chưa bao giờ là người vợ thật sự của chồng nàng, rằng nàng đã bị đưa ra làm vật hy sinh.

- Nhưng còn luật pháp, tôn giáo… - Nhân vật kia nói, trong lòng đã thấy xiêu xiêu.

- Pháp luật, tôn giáo… Những thứ đó bày ra để làm gì, nếu không phải là để thu xếp những chuyện như thế này? - Elen nói.

Nhân vật quan trọng kia ngạc nhiên, không hiểu sao một điều suy luận đơn giản như thế mà mình lại không nghĩ ra, bèn đến hỏi ý kiến của dòng tu sĩ Gia-tô(1) mà ông vẫn có quan hệ mật thiết.

(1) Một dòng tu sĩ công giáo thành lập vào thế kỷ XVI một công cụ đắc lực của Giáo hoàng để chống lại phái cải cách và các lực lượng tiến bộ khác. Vốn chủ trương rằng "mục đích biện hộ cho phương tiện", dòng này dùng những biện pháp tôn giáo để tổ chức do thám ám sát và hủ hoá

Sau đó ít hôm, vào một buổi dạ hội rất nhã thú mà Elen tổ chức trong biệt thự của nàng ở Jamenny Oxtrov, người ta giới thiệu nàng cho một người đứng tuổi rất có duyên, tóc trắng như tuyết, măt đen và sáng: đó là ông De Jober, một tu sĩ dòng Gia-tô mặc áo ngắn.

Trong khu vườn của toà biệt thự, dưới ánh đèn lồng và trong tiếng nhạc, ông ta đã nói chuyện rất lâu với Elen về lòng kính yêu Đức Chúa trời, kính yêu đấng Cơ đốc, kính yêu trái tim đức thánh của Đức mẹ Chúa trời, và về những niềm an ủi mà chỉ có một chân lý duy nhất có thể đưa lại cho ta trong cuộc sống hiện tại và cuộc sống sau này: chân lý của Công giáo(2) - Elen nghe nói rất cảm động, và đã mấy lần nàng và ông De Jober mắt đều rớm lệ và giọng nói run run.

(2) Cơ đốc giáo (Christianisme) gồm có nhiều tôn giáo khác nhau trong đó có công giáo (catholisme) của một số nước Tây Âu và Chính giáo (orthodoxie), tôn giáo của người Nga.

Một khách đến mời Elen nhảy khiến cho câu chuyện giữa Elen và người chỉ đạo lương tâm của nàng phải tạm ngừng; nhưng tối hôm sau ông De Jober lại đến một mình gặp Elen và từ đấy cứ đến thăm nàng luôn.

Một hôm ông ta dẫn bá tước phu nhân vào nhà thờ công giáo; nàng quỳ xuống trước bàn thờ. Người Pháp đứng tuổi rất có duyên kia để tay lên đầu nàng, và về sau này nàng kể lại rằng lúc ấy nàng có cảm giác như một làn gió mát rượi thổi vào tâm hồn. Người ta giảng giải cho nàng hiểu đó là phước lành.

Rồi người ta dẫn đến cho nàng một giáo sĩ mặc áo chùng. Vị giáo sĩ nghe nàng xưng tội và rửa sạch tội lỗi cho nàng. Ngày hôm sau họ mang lại cho nàng một cái tráp đựng mình thánh và để lại cho nàng dùng lại gia. Được mấy hôm Elen thích thú được biết rằng bây giờ mình đã gia nhập giáo hội công giáo, giáo hội chân chính, và nay chính là giáo hoàng sẽ biết đến trường hợp nàng, sẽ gửi cho nàng một thứ văn kiện gì đấy.

Tất cả những việc diễn ra ở xung quanh nàng và có nàng tham dự, tất cả sự chăm sóc của những con người thông minh như vậy đối với nàng, một sự chăm sóc biểu lộ dướí những hình thức thật dễ chịu, tinh tế, và cái trạng thái trong sạch như chim bồ câu trắng của nàng bây giờ (suốt thời gian nàng mặc toàn đồ trắng, thắt dải trắng), tất cả những điều đó làm nàng thích thú: nhưng không giây phút nào nàng vì sự thích thú đó mà sao nhãng mục đích của nàng.

Về mưu mẹo thì thường người ngu vẫn lừa được người khôn hơn mình, do đó nàng hiểu rằng mục đích của tất cả những lời lẽ, những việc lo toan ấy chủ yếu để nàng theo công giáo rồi quyên tiền của nàng cho các tổ chức của dòng Gia-tô (người ta cũng nói xa nói gần với nàng về việc này). Trước khi có tiền, Elen một mực đòi họ phải tiến hành những thủ tục cần thiết để giải thoát nàng khỏi cuộc hôn nhân cũ. Trong quan niệm của nàng, ý nghĩa của bất cứ tôn giáo nào cũng thế, chẳng qua là làm thế nào giữ được một số nghi thức bề ngoài cho tươm tất trong khi thoả mãn những dục vọng của con người. Và với mục đích ấy, trong một buổi nói chuyện với một vị giáo sĩ nàng một mực đòi ông ta phải cho nàng biết rõ cuộc hôn nhân cũ của nàng có thể ràng buộc nàng đến mức nào.

Họ đang ngồi trong phòng khách, bên cạnh cửa sổ. Trời sâm sẩm tối. Từ cửa sổ đưa vào những mùi hoa thơm ngát. Elen mặc áo đài trắng, ngực và hoa thêu rua. Vị giáo sĩ là một người béo tốt phương phi, râu cạo nhẵn, có cái miệng rắn rỏi dễ yêu và hai bàn tay trắng trẻo đặt lên đầu gối một cách rất hiền lành, ngồi gần sát Elen và môi mỉm cười một nụ cười tế nhị, chốc chốc lại nhìn khuôn mặt nàng, cái nhìn tán thưởng một cách điềm tĩnh sắc đẹp của nàng, và trình bày cho nàng nghe quan điểm của ông ta về vấn đề đang khiến hai người quan tâm. Elen mỉm cười băn khoăn, đưa mắt nhìn bộ tóc quăn và đôi má phinh phính cạo nhẵn có ánh biêng biếc của ông ta và từng phút chờ đợi ông ta đổi hướng câu chuyện. Nhưng vị giáo sĩ mặc dầu có vẻ rất hân thưởng sắc đẹp của người tiếp chuyện, vẫn say sưa với cát nghệ thuật điêu luyện của mình trong những công việc như thế này.

Lý luận của vị chỉ đạo lương tâm là như sau: vì không hiểu rõ ý nghĩa của việc mình làm, phu nhân đã phát thệ làm người vợ trung thành của một người; nhưng người này, vì trong khi kết hôn không tin vào ý nghĩa tôn giáo của hôn nhân, đã phạm tội báng bổ. Cuộc hôn nhân đã không có được cái ý nghĩa hai mặt mà lẽ ra nó phải có. Nhưng tuy thế, lời thề của phu nhân vẫn ràng buộc phu nhân. Phu nhân đã vi phạm lời thề ấy. Làm như vậy có phạm tội gì Tội nhẹ hay tội trọng? Tội nhẹ, là bởi vì trong khi làm như vậy phu nhân không có ý định gì xấu. Nếu bây giờ, vì muốn có con, phu nhân bước đi bước nữa, thì tội của phu nhân có thể tha thứ được. Nhưng vấn đề lại tách ra làm hai: thứ nhất là…

- Nhưng tôi thiết tưởng. - Elen nghe đã thấy chán bỗng nói xen, với nụ cười mê hồn của nàng, - Tôi thiết tưởng rằng sau khi đã theo một tôn giáo chân chính thì tôi không còn bị một tôn giáo sai lầm ràng buộc nữa.

Vị chỉ đạo lương tâm kinh ngạc trước cách đặt vấn đề đơn giản như chuyện dựng đứng quả trứng của Colombo(3) đó. Ông ta rất thán phục sự tiến bộ nhanh chóng không ngờ của cô học trò, nhưng cũng không thể từ bỏ toà lâu đài luận chứng mà ông đã dầy công bóp óc xây dựng nên.

- Chúng ta phải thoả thuận với nhau mới được, bá tước phu nhân ạ, - và ông ta bắt đầu phản bác những lý luận cuả người con gái tinh thần của ông ta.

(3) Quả trứng của Columbo thường dùng để chỉ những sáng kiến hay và đơn giản nhưng không ai nghĩ đến


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx