sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 3) - Phần 11 - Chương 25 + 26

Phần XI

Chương - 25 -

Vào khoảng gần bốn giờ trưa, quân đội của Mura tiến vào Moskva. Đi trước là một chi đội phiêu kỵ Vurtemberg, và tiếp theo là đích thân "quốc vương thành Napoli"(1) cưỡi ngựa cùng đi với một đoàn tuỳ giá rất đông.

(1) Mura

Vào khoảng giữa Arbat, gần Lilolai Yaivlenny, Mura dừng lại chờ tin tức của đạo tiến quân loan tin báo về tình hình của thành "Kremlin".

Một tốp người gồm những cư dân ở lại Moskva tụ tập lại xung quanh Mura. Mọi người đều rụt rè và ngỡ ngàng ngắm nghía ông chỉ huy kỳ quặc để tóc dài, quân phục thêu thùa đầy những kim tuyến, mũ cắm đầy những lông chim.

- Thế nào, Sa hoàng của họ đấy à? Trông cũng bảnh đấy chứ! - Trong đám đông có tiếng nói khẽ.

Một viên thông ngôn cưỡi ngựa lại gần. Trong đám đông có tiếng giục nhanh:

- Cất mũ đi. Cất.

Viên thông ngôn hỏi một người gác cổng già, xem từ đây đến thành Kreml có còn xa không? Lão gác cổng nghe cái giọng Ba Lan lạ tai quá, không nhận ra rằng đó là tiếng Nga không hiểu viên thông ngôn muốn nói gì, và lẩn ra sau lưng mấy người khác.

Mura cho ngựa bước lại gần viên thông ngôn, và bỗng có tiếng người cùng trả lời một lúc. Một viên sĩ quan Pháp từ đạo tiến quân trở lại báo với Mura rằng cổng thành đã đóng và hình như có quân mai phục bên trong.

- Được! - Mura nói, đoạn quay về phía một sĩ quan trong đoàn tuỳ tùng, ra lệnh đem bốn khẩu khinh pháo bắn vào cổng thành.

Đội pháo binh từ đạo quân đi sau Mura tiến ra vào đoàn xe kéo pháo chạy dọc theo phố Arbat. Đi đến cuối phố Vorevienka, đội pháo binh dừng lại và xếp thành thế trận trên quảng trường.

Mấy viên sĩ quan Pháp cho bố trí các khẩu đại bác và bắc ống nhòm nhìn vào thành Kreml.

Trong thành bỗng vẳng ra tiếng chuông nguyện buổi chiều.Hồi chuông làm cho quan Pháp hoang mang lo lắng. Họ tưởng là hồi chuông báo động kêu gọi dân chúng cầm vũ khí chạy về phía cổng Kutafiev. Cổng này có chống thêm những khúc gỗ và những tấm ván. Người sĩ quan vừa dẫn đội bộ binh chạy lại phía cổng thì từ phía trong cổng nổ ra hai phát súng trường. Viên tướng đứng cạnh bốn khẩu pháo liền ra lệnh cho viên sĩ quan dẫn tốp lính chạy lùi lại.

Trong cổng còn nghe thêm ba tiếng súng nổ. Một phát súng trường bắn trúng chân một người lính Pháp, phía sau đống gỗ ván chống ở cạnh cổng bỗng vang lên mấy tiếng reo kì lạ của một nhóm người không đông lắm. Vẻ vui tươi và điềm tĩnh trên gương mặt tên tướng Pháp, các sĩ quan và binh lính Pháp, bỗng cùng một lúc, răm rắp như một mệnh lệnh nhường chỗ cho một vẻ mặt đăm chiêu biểu lộ tinh thần sẵn sàng chiến đấu và chịu đựng đau khổ. Đối với họ, kể từ viên thống soái cho đến người lính thường chỗ này không phải là Vozdvizenka, Mokhovaya, Kutuafia hay là cửa ô Troixki mà là một địa điểm mới của chiến trường mới, nơi có, lẽ sắp xảy ra một chận huyết chiến. Và mọi người đều chuẩn bị bước vào trận chiến đấu này: những tiếng reo trong cổng đã im bặt. Bốn khẩu pháo đã được đẩy tới. Mấy người pháo binh thổi cho bùi nhùi cháy to lên.

Viên sĩ quan hô to: "Bắn!" và hai tiếng đạn rít kế tiếp nhau. Loạt đạn ria vỗ đôm đốp vào nền đá và đống gỗ ván ở cổng thành; và hai đám khói lớn từ quảng trường bốc lên.

Tiếng vang của loạt đạn từ bức thành đá của điện Kremli dội ra im đi được một lát thì trên đầu quân Pháp bỗng nghe có một âm thanh kỳ lạ. Một đám quạ đông hàng nghìn con bay lên lượn vòng trên thành, kêu quang quác và vỗ cánh rào rào. Đồng thời từ cánh cổng vang lên một tiếng cười thét đơn độc và từ sau làn khói hiện ra một bóng người mặc kaftan không đội mũ. Người đó cầm một khẩu súng chĩa vào quân Pháp.

Bắng viên sĩ quan pháo binh lại hô và một phát súng trường cùng hai phát đại bác cùng nổ vào một lúc. Khói lại phủ kín cổng thành.

Sau đống gỗ ván không thấy động đậy gì nữa và đám quân lình và sĩ quan Pháp lại gần cổng. Trước cổng thành có ba người bị thương và bốn người chết nằm ngổn ngang. Hai người mặc áo kaftan chạy dọc theo bức thành, về phía Znamenka.

Viên sĩ quan chỉ đống gỗ và mấy xác chết, nói:

- Hốt đi!

Quân Pháp bắn mấy người bị thương cho chết hẳn và quăng xác qua tường. Những người ấy là ai, thì chẳng có người nào biết.

Người ta chỉ có: "Hốt đi!" rồi quẳng đi; về sau họ lại được mang đi lần nữa, cho khỏi thối. Chỉ có một mình Tyer dành cho vong hồn họ mấy dòng chữ bao hàm nhiều ý nghĩa:

"Những kẻ khốn nạn ấy đã xông vào thành Kreml thần thánh kiếm được mấy khẩu súng trong kho vũ khí và bắn (cái quân khốn nạn) vào người Pháp. Người ta đã chém chết mấy tên và quét sạch chúng ra khỏi điện Kremli".

Họ báo cáo với Mura là đường vào thành đã mở. Quân Pháp tiến vào cổng thành và bắt đầu đóng thành doanh trại ở quảng trường nguyên lão viện. Quân lính vứt ghế ra cửa sổ nguyên lão viện để nhóm bếp.

Những đội quân khác kéo qua điện Kreml và chia nhau hạ trại ở Mozaixeyka, Lebianka, Tverkaya, Nikolxkaya. Chẳng có nơi nào còn chủ nhà nữa nên quân Pháp không đóng như khi trú quân ở nhà dân, mà lại đóng thành một doanh trại dải rộng ra trong thành phố.

Mặc dầu rách rưới đói khát, mệt lả và chỉ còn được một phần ba quân số cũ, quân Pháp vẫn tiến vào Moskva thành đội ngũ chỉnh tề.

Đó là một quân đội đã mỏi mệt, kiệt quệ nhưng vẫn là một quân đội thiện chiến hùng mạnh. Nhưng chỉ còn là một quân đội cho tới khi các đơn vị phân tán ở rải rác trong các khu phố: quân lính vừa chia nhau vào ở các toà nhà trống trải và sang trọng trong thành thì quân đội đã vĩnh viễn mất đi, và thay vào đó là một thứ gì chẳng phải là dân, chẳng phải là lính, mà là một hạng trung gian, thường gọi là những kẻ đi hôi của. Năm tuần sau, khi chính những con người đó ra khỏi Moskva, thì họ không còn là một quân đội nữa. Đó là một đám người đi hôi của, trong đó ai nấy đều chở hay mang theo một đống đồ đạc mà họ cho là quý giá hay cần dùng. Mục đích của mỗi người khi ra khỏi Moskva không còn là chinh phục đất người như trước kia nữa, mà chỉ là làm sao giữ lại những của cải đã vớ được.

Giống như con khỉ thò tay vào hũ bốc được một nắm hạt dẻ rồi không rút tay ra được vì miệng hũ quá hẹp, nhưng vẫn không chịu thả hạt dẻ ra, cứ thế mà chịu chết, quân Pháp khi rút khỏi Moskva hẳn là cũng sẽ phải chết vì cứ cố mang theo những vật đã cướp được mà không thể nào bỏ những vật ấy lại, cũng như con khỉ không thể nào bỏ lại nắm hạt dẻ. Mười phút sau khi một trung đoàn Pháp tiến vào một khu phố nào đấy ở Moskva và đã không còn lại một người lính hay một sĩ quan nào nữa trong các khung cửa sổ có thể thấy thấp thoáng những con người mặc áo ca-pốt và đi ghệt, cười ha hả đi lang thang khắp các phòng; trong các gian chứa thức ăn và trong các hầm rượu cũng có những người như vậy đang tha hồ sử dụng các thứ lương thực; trong các sân cũng có những người như vậy đang mở và đập phá các cửa vựa thóc và tàu ngựa; trong các bếp họ nhóm lửa, xắn tay áo lên, luộc, nấu, rán, nhào bột, doạ nạt đàn bà trẻ con, trêu cho họ cười, vuốt ve họ. Và những người ấy thì dâu đâu cũng có rất nhiều, trong các cửa hiệu trong các nhà; nhưng quân đội thì không còn nữa.

Ngay hôm ấy các sĩ quan chỉ huy Pháp đã ra hết lệnh này đến lệnh nọ cấm các đơn vị không được phân tán trong thành phố, nghiêm cấm việc hành hung cư dân và trộm cắp của cải, ấn định ngay tối hôm ấy sẽ tổng kiểm điểm quân số; nhưng dù có tiến hành biện pháp gì đi nữa thì những con người mà trước đây đã từng làm thành một quân đội, đều vẫn cứ tràn dần ra khắp cái thành phố trống trải giàu có và lắm tiện nghi, lắm thức ăn uống này.

Moskva không còn dân cư nữa, và như nước thấm vào cát, quân lính bị hút sâu vào các phố phường từ điện Kreml là nơi họ vào trước tiên, toả ra bốn phía như những cánh sao, không gì cưỡng lại được. Mấy người lính kỵ mã vào nhà một người lái buôn còn nguyên đồ đạc, tầu ngựa rộng rãi thừa chỗ buộc ngựa, nhưng vẫn sang choán thêm ngôi nhà bên cạnh vì họ có cảm tưởng là nhà này còn tốt hơn nữa. Nhiều người chiếm đến ba bốn nhà, lấy phấn viết tên mình ở trước cổng, cãi cọ và thậm chí còn đánh nhau với đơn vị khác để tranh nhà. Chưa kịp dọn xong chỗ ở, quân lính đã chạy ra ngắm cảnh phố phường và khi nghe đồn là dân cư đã bỏ hết của cải lai, họ ùa nhau chạy đến những nơi nào có thể vớ được nhiều đồ vật quý giá. Các sỹ quan chỉ huy đi gọi quân lính trở về, cũng bất giác làm theo họ ở khu Karetny Riad có những cửa hàng đóng xe còn để lại rất nhiều xe cộ, thế là các tướng tá tấp nập kéo đến để chọn xe.

Những người dân còn ở lại mời các sỹ quan chỉ huy về nhà, mong dựa vào họ để khỏi bị quân lính cướp bóc. Của cải nhiều vô số tưởng chừng không sao kể xiết; quanh những nơi có quân Pháp đóng, đâu đâu cũng thấy còn những nơi chưa khám phá, chưa bị chiếm và quân Pháp cứ có cảm giác là những nơi ấy, lại còn có nhiều của cải hơn. Và Moskva nỗi lúc một hút sâu quân Pháp vào lòng. Khi đổ nước xuống đất khô, thì nước cũng biến mất, mà đất khô cũng không còn; khi một quân đội đói khát tiến vào một thành phố trù phú bị bỏ trống cũng vậy; quân đội cũng biến mất, mà thành phố trù phú cũng chẳng còn: chỉ còn lại rác rưởi, trộm cắp và hoả hoạn.

Người Pháp gán việc đốt cháy Moskva cho lòng ái quốc hung tàn và Raxtovsin; người Nga gán việc đó cho sự tham tàn dã man của quân Pháp. Thật ra không có và không thể có nguyên nhân nào gây nên vụ hoả hoạn Moskva, nếu hiểu nguyên nhân đây là phần trách nhiệm của một người hay một số người nào đó tới Moskva cháy là vì nó được đặt vào những điều kiện mà bất cứ thành phố nào làm bằng gỗ cũng phải cháy, bất luận trong thành phố đó có hay không có một trăm ba mươi cái vòi chữa cháy hạng tồi, Moskva tất phải cháy là vì dân cư đã đi hết. Nó cũng cháy một cách tất nhiên như một đống vỏ bào tất phải cháy nếu cứ có những tán lửa liên tiếp rơi xuống trong mấy ngày liền. Một thành phố làm bằng gỗ mà ngay khi các dân cư các chủ nhà còn ở lại và trong thành phố còn có một đội cảnh sát, hầu như ngày nào cũng có đám cháy, thì không thể nào không cháy khi trong thành phố không có dân ở nữa mà chỉ có những đội quân hút thuốc, lấy ghế của viện nguyên lão ra đun bếp trên quảng trường của viện, mỗi ngày hai lần thổi nấu. Vào thời bình, chỉ cần có những đơn vị bộ đội trú quân ở trong các làng thuộc một địa phương nhất định là số đám cháy trong địa phương ấy tăng lên. Thế thì khả năng xảy ra hoả hoạn còn tăng lên đến chừng nào khi một đội quân ngoại quốc đóng trong một thành phố bằng gỗ không dân? Cái lòng ái quốc hung tàn của Raxtovsin và sự tham tàn dã man của quân Pháp không hề dính dáng gì ở đây cả.

Moskva cháy là vì những tẩu thuốc, những cái bếp, những đống lửa, vì sự cẩu thả của quân lính địch, của những kẻ ở trong nhà nhưng không phải là chủ nhà. Và chăng dù có những kẻ cố tình đi đốt chăng nữa. - Điều này rát khó tin, vì chẳng có lý do gì để đốt nhà, và dù sao đốt nhà như vậy cũng là một công việc khó khăn và nguy hiểm, thì cũng không thể xem những người đó là nguyên nhân, bởi vì không có họ thì cơ sự cũng vẫn thế.

Dù người Pháp lấy làm thích thú buộc tội cho tính hung tàn của Raxtopsin, dù người Nga lấy làm thích thú buộc tội cho tên giặc Bonaparte, rồi về sau lại cho rằng bàn tay nhân đạo họ đã giơ ngọn đuốc anh hùng lên đốt cháy kinh đô, thì cũng không thể nào không thấy rằng vụ hỏa hoạn này không thể có một nguyên nhân trực tiếp như vậy, bởi vì thế nào rồi Moskva cũng phải cháy, như bất cứ làng nào, bất cứ nhà máy nào, bất cứ ngôi nhà nào mà các chủ nhà đã bỏ đi để cho người lạ vào làm chủ và tha hồ nấu nướng. Moskva đã bị dân đốt cháy, quả đúng như vậy; nhưng đây không phải là những người dân ở lại trong thành phố mà là những người dân đã bỏ đi.

Khi bị địch quân chiếm đóng, Moskva không còn nguyên vẹn được như Berlin, Viên và các thành phố khác, chỉ vì dân cư của nó không bưng bánh mỳ và muối(2), không mang chìa khóa(3) ra đón quân Pháp, mà lại bỏ thành phố ra đi.

(2) Tượng trưng cho lòng mến khách (theo phong tục Nga)

(3) Chìa khóa tượng trưng của thành phố, để tỏ ra rằng thành phố mở cửa không chống cự.

Phần XI

Chương - 26 -

Suốt ngày mồng hai tháng chín, quân Pháp ngấm dần vào Moskva, tỏa rộng ra bốn phía như những cánh sao. Đến tối ngày hôm ấy nó mới ngấm đến tận khu vực mà Piotr hiện trú ngụ.

Sau hai ngày vừa qua sống cô độc trong một trạng thái gần như bệnh điên, một ý nghĩa độc nhất đang ám ảnh chàng. Chàng cũng không biết ý nghĩ này đến với chàng như thế nào và từ bao giờ, nhưng bây giờ nó khống chế chàng dến nỗi chàng không còn nhớ gì những việc xảy ra trong quá khứ, mà cũng chẳng hiểu tí gì về những việc đang diễn ra hiện nay; và tất cả những điều mà chàng thấy trước mắt và nghe bên tai đều mờ ảo như trong giấc mộng.

Piotr bỏ nhà ra đi chỉ vì muốn thoát khỏi những yêu cầu rối ren hỗn tạp của cuộc sống đang vấy bọc lấy chàng như một màng lưới mà trong tình trạng hiện nay chàng không sao đủ sức gỡ ra được…

Chàng đến nhà Ioxif Alekxeyevich lấy cớ là để chọn sách vở giấy tờ của người quá cố, nhưng thực ra chỉ là để tìm cách khuây khỏa những mối lo âu bứt rứt của cuộc sống. Và trong tâm trí chàng, những kỷ niệm về Ioxif Alekxeyevich gắn liền với cái thế giới của những tư tưởng vĩnh hằng yên tĩnh và trang nghiêm, hoàn toàn trái ngược với những nỗi lo lắng rối ren mà chàng đang cảm thấy mình bị lôi cuốn vào. Chàng tìm ra một nơi trú ẩn tĩnh mịch, và quả nhiên đã tìm thấy chỗ ẩn náu đó trong gian phòng làm việc của Ioxif Alekxeyevich. Trong căn phòng im phăng phắc, khi chàng ngồi xuống, chống hai khuỷu tay lên cái bàn giấy phủ bụi của người quá cố trong tưởng tượng của chàng lần lượt hiện ra, thanh thản và đầy ý nghĩa, những kỷ niệm của những ngày vừa qua, đặc biệt là của trận Borodino và cái cảm giác mà chàng không sao cưỡng nổi. - rằng mình vô nghĩa và dối trá quá chừng so với sự chân thật, giản dị và mạnh mẽ của lớp người đã in sâu vào lòng chàng thành một chữ giản đơn: họ. Khi Geraxim vào phòng đột ngột làm cho chàng sực tỉnh, chàng bỗng nảy ra ý nghĩ mình sẽ cùng nhân dân tham dự vào công cuộc phòng thủ Moskva sắp tới mà chàng biết là đã được dự định. Và để thực hiện ý định ấy chàng lập tức bảo Geraxim kiếm cho chàng một chiếc áo kaftan và một khẩu súng ngắn, và cho người lão bộc biết rõ là chàng sẽ giấu kín tên tuổi và ở nhà Ioxif Alekxeyevich. Rồi, trong cái ngày đầu sống cô độc và nhàn rỗi (Piotr dã mấy lần cố gắng lưu ý đến cái bản thảo viết tay của hội Tam điểm, nhưng không được), chàng nhiều lần nhớ đến ý nghĩa thần bí của cái quan hệ giữa tên chàng với bên Bonaparte. Russie Besuhof(1), là người có sứ mệnh chấm dứt sự hoành hành của con ác thú ấy. Trước đây chàng cũng đã nhiều lần nghĩ đến điều này, nhưng đó chỉ là một ước mơ vụt thoáng qua trong tưởng tượng một cách vô cớ và không để lại dấu vết gì.

(1) Người Nga Beduhop

Sau khi mua được chiếc áo kaftan (chỉ nhằm mục đích tham dự vào việc bảo vệ Moskva và nhân dân), Piotr đã gặp gia đình Roxtov, và khi Natasa đã nói với chàng: "Anh ở lại à? Chà, hay quá!" thì chàng bỗng có ý nghĩ rằng quả cũng hay thật, dù Moskva có thất thủ thì chàng cũng nên ở lại để hoàn thành cái nhiệm vụ tiền định cho chàng.

Ngày hôm sau, với một ý nghĩ duy nhất là quyết không tiếc thân cho mình và không thua kém họ chút nào, Piotr đã ra cửa ô Trigorư. Nhưng khi chàng quay về nhà vì đã biết rõ người ta không bảo vệ thì điều mà trước kia chàng xem như một khả năng thôi nay đã trở thành một việc tất nhiên phải làm và không sao tránh khỏi.

Chàng nhất định phải dấu kín tên họ ở lại Moskva tìm cách gặp Napoléon và giết hắn đi: một là chết, hai là chấm dứt cơn hoạn nạn của toàn thể châu Âu, cơn hoạn nạn mà Piotr cho là chỉ do một mình Napoléon gây ra. Piotr biết rất rõ vụ mưu sát Napoléon do người sinh viên Đức(2) tiến hành ở Viên năm 1809, và cũng biết người sinh viên đó đã bị xử bắn. Và điều nguy hiểm có thể hy sinh cả tính mạng, trong khi thực hiện ý định lại càng cổ vũ Piotr thêm.

Hai tình cảm có sức mạnh ngang nhau không sao cưỡng nổi đang lôi cuốn Piotr tới chỗ thực hiện ý định đó. Trước hết, Piotr thấy mình nhất thiết phải hy sinh và đau khổ khi đã nhận thức được tai hoạ chung: Đó chính là cái tình cảm đã khiến chàng đến Mozaisk vào ngày hai mươi nhăm tháng trước và dấn thân vào nơi lửa đạn, rồi đến nay bỏ nhà ra đi, từ giã cảnh sinh hoạt sang trọng và xa xỉ đến ngủ trên một chiếc đi-văng cứng không cởi áo ngoài, và cũng chia sẻ bữa ăn với Geraxim; tình cảm thứ hai là lòng khinh miệt mơ hồ mà chỉ riêng người Nga mới có đối với tất cả những cái gì ước lệ giả dối, nhân tạo, đối với tất cả những cái gì mà người đời thường xem là hạnh phúc tuyệt dỉnh của nhân loại. Lần đầu tiên, Piotr có cái tình cảm kỳ lạ và đầy sức quyến rũ ở cung Xlobodxki, khi mà chàng chợt hiểu rằng của cải, quyền binh, tính mệnh, tất cả những điều mà con người ta ra sức xếp đặt và giữ gìn. - Tất cả những thứ đó nếu có chút giá trị gì thì chẳng qua cũng là ở cái khoái cảm mà người ta có được khi vứt bỏ nó đi. Đó chính là cái tình cảm khiến người lính chí nguyện đem nướng đồng kô-pếch cuối cùng của mình trong quán rượu, khiến người quá chén vô cớ đập vỡ gương và kính, tuy cũng biết rằng sẽ phải đem những đồng tiều cuối cùng trong túi ra đền. Đó là cái tình cảm khiến người ta làm những việc điên rồ (theo con mắt người tục) như để thử thách sức mạnh và quyền lực của mình, cái tình cảm chứng tỏ rằng có một toà án cao cả đứng ở bên trên những quy ước của nhân loại và xét xử cuộc sống.

(2) Tên là Phridrich Sttap (1792 - 1809)

Từ ngày Piotr thử nghiệm lần đầu tiên cái tình cảm này ở cung Xlobodxki, chàng đã luôn luôn chịu ảnh hưởng của nó, nhưng mãi đến bây giờ chàng mới có khả năng thoả mãn tình cảm đó một cách trọn vẹn. Hơn nữa, trong giây phút này việc mà Piotr đã làm theo hướng ấy khiến chàng giữ vững ý định và không cho phép chàng từ bỏ nó nữa. Việc chàng bỏ nhà ra đi, chiếc áo kaftan, khẩu súng ngắn, những lời chàng nói với gia đình Roxtov rằng chàng sẽ ở lại Moskva, tất cả những điều đó không những sẽ mất hết ý nghĩa, mà còn lại đâm ra đáng khinh và lố bịch nữa (Piotr rất sợ điều này), nếu như sau đó chàng lại rời Moskva ra đi như những người khác.

Cơ thể của Piotr lúc bấy giờ - Đó là lệ thường đối với bất kỳ ai. - Cũng phù hợp với tâm trạng của chàng. Những thức ăn thô tạp mà chàng vốn không quen ăn, những cốc rượn vodka mà chàng uống mấy hôm nay, tình trạng thiếu rượu nho và xì-gà, bộ đồ lót bẩn lâu ngày không thay, hai đêm gần như mất ngủ trên chiếc đi-văng ngắn thay giường, tất cả những cái đó khiến cho Piotr luôn luôn ở trong tình trạng thần kinh khích động gần như điên.

Bấy giờ đã hơn một giờ trưa. Quân Pháp đã tiến vào Moskva. Piotr biết thế, nhưng chàng vẫn chưa hành động, mà chỉ ngồi nghĩ đến ý định của mình, suy đi tính lại thật tỉ mỉ những việc sẽ làm.

Trong khi mơ tưởng như vậy, chàng không hình dung được rõ rệt khi chàng hoạt động, khi Napoléon chết sẽ ra sao, nhưng lại hình dung được cảnh mình bị sát hại và thái độ dũng cảm của mình một cách rõ rệt lạ thường, và thấy khoái trá nhưng cũng buồn buồn khi nghĩ đến cảnh ấy.

"Phải, vì mọi người, một mình ta phải làm tròn việc đó, hay là chết! - Pier thầm nghĩ. - Phải, ta sẽ đi… rồi đột nhiên… Dùng súng hay dùng hay dao găm?… thì cũng thế thôi. Đây không phải là cá nhân ta, đây là bàn tay của Thượng đế trừng phạt ngươi… ta sẽ nói thế (Piotr sắp sẵn những lời sẽ đem ra nói khi giết Napoléon) - "Thôi được các ngươi bắt ta đi, hay hành hình ta đi" - Piotr nhẩm nói một mình vẻ mặt buồn rầu nhưng rắn rỏi, đầu cúi gằm.

Trong khi Piotr đứng ở giữa phòng suy nghĩ mình như vậy thì cửa phòng bỗng mở toang ra và Makar Alekxeyevich xuất hiện trên ngưỡng cửa. Cái dáng dấp xưa nay vẫn rụt rè của hắn ta bây giờ đã thay đổi hẳn. Chiếc áo dài của hắn phanh rộng ra; mặt hắn đỏ gay và trông rất dễ sợ. Rõ ràng là hắn đang say rượu. Thoạt mới trông thấy Piotr, hắn luống cuống một lúc, nhưng khi nhận thấy vẻ mặt chàng cũng có vẻ luống cuống, hắn dạn dĩ lên ngay và bước loạng choạng trên đôi chân khẳng kheo tiến vào giữa phòng.

- Chúng nó sợ rồi. - Makar Alekxeyevich nói, giọng khàn khàn, có vẻ tin cậy. - Tôi đã bảo là tôi không hàng, tôi đã bảo mà… có phải không thưa ngài?- Hắn ngẫm nghĩ một lát rồi chợt trông thấy khẩu súng ngắn để trên bàn, hắn chộp lấy một cách nhanh nhẹn không ngờ và chạy ra hành lang.

Geraxim và người gác cổng chạy theo Makar Alekxeyevich và cố giật khẩu súng ra. Piotr ra hành lang, nhìn theo lão dở điên dở dại, vừa thấy thương vừa ghê tởm. Makar Alekxeyevich nhăn nhó vì đang cố lấy gân giữ khẩu súng lại, cất tiếng khàn khàn quát tháo huyên thuyên, chắc là đang tưởng tượng ra một việc gì long trọng lắm.

- Báo động! Xung phong! Chỉ láo, không tước được súng của tao đâu! - Hắn quát.

- Thôi xin ông thôi cho, ông làm ơn bỏ súng ra cho. Kìa, ông!…- Geraxim tìm cách đẩy hắn vào trong nhà.

- Mi là ai? Bonapate? - Makar Alekxeyevich quát lên.

- Như thế không tốt đâu; ông ạ. Xin mời ông về phòng nghỉ một chút. Xin ông thả khẩu súng ra cho.

- Xéo ngay, hỡi tên nô lệ đáng khinh kia! Chớ có chạm vào người ta! Người thấy chưa?- Makar Alekxeyevich quát, tay hoa khẩu ngắn. - Xung phong!

Geraxim nói thầm với người gác cổng:

- Nắm lấy!

Họ chộp lấy hai cánh tay Makar Alekxeyevich và kéo vào phía cửa.

Trong phòng ngoài vang lên những tiếng rú khàn khàn của người say rượu đang kêu thất thanh và tiếng người lôi kéo nhau huỳnh huỵch.

Bỗng một tiếng rú khác, một tiếng rú the thé của một người đàn bà từ ngoài thềm đưa vào, rồi bà nấu bếp chạy vào phòng ngoài.

- Chúng nó đấy! Cha mẹ ơi! Đúng là chúng nó rồi… Bốn đứa cưỡi ngựa! - Bà ta thét.

Geraxim và người gác cổng thả Makar Alekxeyevich ra và trong dãy hành lang bây giờ im phăng phắc nghe rõ mồn một tiếng mấy bàn tay gõ lên cánh cửa ra vào.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx