Ngày thứ bảy ba mươi mốt tháng tám, trong nhà Roxtov mọi thứ đều như đảo lộn cả lên. Tất cả các cửa đều mở toang, bàn ghế đều bị khuân đi hay xếp ra một chỗ khác, gương soi, tranh ảnh đều được tháo cất. Trong các phòng la liệt các rương hòm; rơm rạ, giấy gói và dây dợ bừa bãi giữa nền nhà. Những người nông dân và gia nô bước nặng trên sàn gỗ vác đồ đạc ra ngoài. Ngoài sàn ngổn ngang những chiếc xe tải của nông dân, có chiếc đã chất đầy và đã ràng dây, có chiếc hãy còn bỏ không.
Ngoài sân và trong nhà rộn rịp những tiếng nói và tiếng chân đi lại của đám gia đình của những người nông dân vừa đánh xe đến.
Từ sáng, bá tước đã đi đâu vắng. Bá tước phu nhân nhức đầu vì cảnh ồn ào nhộn nhịp nên phải nằm trong phòng đi-văng mới, đầu chườm khăn tẩm giấm, Petya không ở nhà (cậu ta đến nhà một người bạn bấy giờ đang cùng cậu bàn cách chuyển từ dân binh sang bộ đội chủ lực). Sonya đứng trong phòng lớn để trông coi người nhà dọn đồ pha lê và đồ sứ. Natasa ngồi bệt giữa căn buồng tan hoang, giữa những chiếc áo dài, những chiếc khăn choàng, những dải lụa vứt ngổn ngang, đôi mắt đờ đẫn nhìn xuống nền nhà, tay cầm một chiếc áo dài khiêu vũ đã cũ, chính chiếc áo đài nàng đã mặc hôm đi dự vũ hội lần đầu tiên ở Petersburg, kiểu áo này đã không còn hợp thời trang nữa.
Natasa thấy ngượng vì trong khi cả nhà đều bận rộn mà nàng thì chẳng làm gì, nên từ sáng nàng đã thử cố bắt tay vào làm việc.
Nhưng tâm hồn nàng cứ để đâu đâu, mà tính nàng thì không thể và không biết làm một việc gì mà lại không đem lại hết tâm hồn và sức lực dốc vào việc đó. Nàng đứng một lúc với Sonya trong khi xếp dọn các đồ dùng bằng sứ, nàng cũng muốn giúp đỡ một tay, nhưng rồi lại bỏ đấy chạy về phòng thu xếp dồ đạc của mình. Lúc đầu, nàng thấy vui vui khi ngồi phân phát áo dài và dải lụa cho các cô hầu gái, nhưng về sau, khi thấy rằng những thứ còn lại cũng vẫn phải xếp sắp nàng bắt đầu thấy chán. Dunusia, chị xếp hộ tôi nhé! Chị nhé!
Và khi Dunusia vui lòng hứa với nàng là sẽ làm tất cả, Natasa ngồi xuống sàn nhà, cầm chiếc áo khiêu vũ ngày trước và suy nghĩ miên man, nhưng những ý nghĩa của nàng hoàn toàn không có liên quan đến những việc lẽ ra bấy giờ phải khiến nàng bận tâm. Tiếng nói chuyện của những người đầy tớ gái ở phòng bên và tiếng chân họ bước vội ra thềm sau đưa nàng trở về cõi thực. Natasa đứng dậy và nhìn ra cửa sổ. Ngoài phố có một đoàn xe rất dài chở đầy thương binh vừa dừng lại.
Những người đầy tớ gái, những người nô bộc, bà quản gia, bà u già, mấy ông đấu bếp, mấy chủ xà ích, quản mã, mấy cô phụ bếp đều ra đứng ở cổng xem thương binh.
Natasa trùm chiếc khăn vuông trắng lên đầu, hai tay cầm hai khăn mùi xoa và đi ra đường.
Bà già Mavra Kuzminisna, bà quản gia cũ của gia đình Roxtov, tách ra khỏi đám gia nhân đứng ở cổng, lại gần một chiếc xe tải trên có phủ một tấm diềm bằng thứ vỏ cây và nói chuyện với một viên sĩ quan trẻ tuổi xanh xao nằm trong xe. Natasa bước mấy bước đến cạnh chiếc xe va rụt rè dừng lại, tay vẫn giữ hai múi khăn, lắng tai nghe xem bà quản gia nói những gì.
- Thế ông chẳng có ai thân thuộc ở Moskva cả à? - Mavra Kuzminisna nói. - Giá ông vào nhà nào mà nằm thì hơn… Hay ông vào nhà tôi cũng được. Chủ nhà sắp đi rồi.
- Không biết họ có cho không, - Viên sĩ quan nói, giọng yếu ớt. - Kìa thủ trưởng của tôi kia kìa… bà thử hỏi xem. - nói đoạn viên sĩ quan chỉ một ông thiếu tá to béo bấy giờ đang đi ngược trở lại dọc theo đoàn xe.
Natasa đưa mắt hoảng sợ nhìn vào mặt viên sĩ quan bị thương và lập tức đến gặp viên thiếu tá. Nàng hỏi:
- Cho thương binh ghé vào nhà chúng tôi được không?
Viên thiếu tá mỉm cười đưa tay lên vành lưỡi trai, nháy mắt hỏi:
- Thưa, tiểu thư có lòng chiếu cố đến ai ở đây ạ?
Natasa điềm tĩnh nhắc lại câu nói, và tuy hai bàn tay nàng vẫn cầm hai dầu mũi chiếc khăn vuông, vẻ mặt và dáng điệu của nàng nghiêm trang đến nỗi viên thiếu tá không cười nữa và im lặng suy nghĩ một lát như tự hỏi xem có thể làm như vậy được không, và có thể làm đến mức nào, rồi đáp:
- Ô được chứ, sao lại không, được chứ.
Natasa khẽ cúi đầu rồi quay gót bước nhanh về phía Mavry Kuzminisna đang đứng nói chuyện với viên sĩ quan, vẻ cảm thông và thương xót.
- Được đấy ông ấy bảo là được! - Natasa nói thầm.
Chiếc xe có diềm của viên sĩ quan được vào sân nhà Roxtov và mấy chục chiếc xe chở thương binh, theo lời mời của dân phố cũng bắt đầu được đánh vào các sân và đến đỗ ở trước thềm các nhà ở phố Povarxkaya. Natasa hình như thấy làm vui thích được giao thiệp với những con người mới lạ trong một hoàn cảnh khách thường. Cùng với bà Maria, nàng cố sức đưa vào sân nhà hàng cho thật nhiều xe chở thương binh.
Mavra Kuzminisna nói:
- Dù sao cũng phải thưa với cụ nhà.
- Không sao, không sao, thì có mất gì đâu nào! Chỉ còn có một ngày nữa, chúng tôi có thể dọn sang bên phòng khách mà ngủ cũng được. Có thể nhường cho họ tất cả các gian của chúng tôi.
- Chà tiểu thư bày vẽ lắm trò thật! Dù là trong các dãy nhà dọc, trong phòng gia nhân, trong phòng u già cũng được xin phép.
- Được rồi tôi sẽ xin.
Natasa chạy vào nhà và kiễng chân đi qua cánh cửa hé mở vào phòng đi-văng. Từ trong phòng đưa ra mùi giấm và mùi thuốc giọt Hoffman.
- Mẹ ngủ hở mẹ?
- Ờ mẹ vừa mê ngủ sợ quá! - bá tước phu nhân lúc bấy giờ vừa chợp mắt được một lúc, tỉnh dậy nói.
Natasa quỳ xuống bên cạnh mẹ và ghé mắt vào sát mặt bá tước phu nhân nói:
- Mẹ ạ, mẹ yêu dấu của con, con xin lỗi mẹ nhé, con đã làm mẹ thức giấc, từ rày con sẽ không bao giờ làm như thế nữa, mẹ tha lỗi cho con nhé. Marra Kuzminisna bảo con đến. Ngoài kia có mấy người thương binh, họ mới chở đến, mấy người sĩ quan. Mẹ cho phép mẹ nhé? Họ chẳng có chỗ nào mà ở cả; con biết mẹ sẽ cho phép… - Natasa nói nhanh một hơi không dừng lại thở.
- Sĩ quan nào? Họ cho ai đến? Mẹ chẳng hiểu sao cả. - Bá tước phu nhân nói.
Natasa bật cười, bá tước phu nhân cũng mỉm cười yếu ớt.
- Con biết thế nào mẹ cũng cho… con sẽ bảo họ thế.
Natasa hôn mẹ, đứng dậy ra ngoài.
Trong phòng lớn nàng gặp bá tước nói với giọng bực bội.
- Câu lạc bộ thì đóng cửa rồi, cảnh sát thì đang rút lui.
- Ba ạ, con mời mấy người bị thương vào nhà, không việc gì chứ ba? - Natasa nói.
- Cố nhiên là không việc gì. - bá tước lơ đễnh trả lời con - nhưng việc ấy chả có gì quan trọng, bây giờ thì ba yêu cầu con đừng có lo đi làm những việc vớ vẩn như thế, phải lo giúp đưa đồ đạc lên xe, mai đã đi rồi… Và bá tước cũng ra lệnh cho người quản gia và các gia nhân như vậy. Đến bữa ăn chiều, Petya về nhà và cũng kể lại tin tức vừa nghe được.
Petya kể lại rằng hôm nay dân chúng đã đến nhận vũ khí ở điện Kreml, rằng tuy trong tờ yết thị của Raxtovsin có nói là ông ta sẽ có lời kêu gọi trước hai ngày, nhưng bây giờ chắc người ta đã thu xếp đến ngày mai và toàn dân sẽ cầm khí giới lên Trigorư, và ở đấy sẽ diễn ra một trận đánh lớn.
Trong khi Petya nói, bá tước phu nhân đưa mắt sợ hãi và e dè nhìn khuôn mặt vui mừng, phấn khởi của đứa con trai. Bà biết rằng hễ mình nói một lời nào để xin Petya đừng đi đánh trận (bà biết rằng cậu ta rất vui mừng để trận đánh sắp tới này), thì cậu ta sẽ nói một cái gì về các đấng trượng phu, về danh dự, về tổ quốc, - một cái gì rất vô nghĩa, rất đàn ông, rất lì lợm mà bà không sao cãi lại được, và câu chuyện sẽ hỏng bét. Cho nên bà hy vọng có thể thu xếp thế nào để ra đi trước khi xảy ra trận đánh này và lừa cho Petya cũng đi theo với tư cách là kẻ bảo vệ và che chở cho bà; sau bữa ăn chiều bà cho mời bá tước lại và khóc lóc van xin bá tước cho bà đi ngay, đi ngay đêm nay nếu có thể được. Tuy từ trước đến nay bá tước phu nhân không hề có chút sợ hãi về nỗi phải ở lại Moskva, nhưng bây giờ, với cái tính đa mưu không tự giác của người mẹ thương con, bà lại nói rằng mình sẽ khiếp sợ đến chết mất nếu không được đi ngay đêm ấy. Và bây giờ bà đâm ra sợ tất cả, sợ thật chứ không phải giả vờ nữa.
14.
Bà Schoss hôm đi thăm cô con gái về có kể lại những việc bà ta trông thấy ở ty rượu ngoài phố Myasnixkaya lại càng làm cho bá tước phu nhân hoảng sợ hơn nữa: đang đi về nhà qua phố ấy bà gặp phải một lũ say rượu đang quấy phá ở trước cửa ty, bà phải thuê một chiếc xe chở khách đi vòng vào một ngõ hẻm trở về nhà.
Người xà ích có kể cho bà nghe rằng dân chúng đã chọc thủng các thùng rượu trong kho, rằng trên có lệnh cho họ làm như vậy.
Sau bữa ăn chiều, trong nhà Roxtov mọi người đều bắt tay vào việc thu xếp đồ đạc và chuẩn bị ra đi một cách hối hả khác thường.
Lão bá tước, đột nhiên tháo vát hẳn lên, sau bữa ăn chiều cứ từ trong nhà đi ra sân rồi lại từ ngoài sân đi vào nhà, mồm quát tháo huyên thuyên làm cho gia nhân đã vội lại càng vội thêm. Petya đứng sai bảo ở ngoài sân. Nghe những lời sai bảo mâu thuẫn lung tung của bá tước, Sonya luống cuống chẳng còn biết làm gì nữa.
Các gia nhân cãi nhau, gọi nhau í ới, chạy ầm ầm trong các gian phòng và trong sân. Natasa, với cái tính hăng say đặc biệt của nàng đối với những việc nàng làm, cũng bắt tay vào sửa soạn thu xếp.
Thoạt tiên thấy nàng xông vào sắp xếp đồ đạc, mọi người đều có ý nghi ngại. Ai cũng nghĩ rằng nàng chỉ biết đùa nghịch thôi, nên chẳng ai chịu nghe những lời sai bảo của nàng; nhưng nàng kiên trì và say sưa dòi hỏi mọi người phải phục tòng nàng; nàng nổi giận, suýt khóc lên vì họ không chịu nghe nàng, và cuối cùng họ đã phải tin rằng nàng muốn làm thật chứ không phải đùa. Kỳ công đầu tiên của nàng, một kỳ công đã khiến nàng phải hao hơi tổn sức rất nhiều và đã làm cho nàng có uy tín, là việc xếp sắp các tấm thảm. Trong nhà bá tước có nhiều tấm thảm Gôbơlah và thảm Ba-tư rất đắt tiền.
Khi Natasa bắt tay vào việc, trong phòng lớn có hai chiếc thùng gỗ đang mở nắp, một chiếc đã xếp đồ sứ đầy gần lên đến miệng, một chiếc thì đựng thảm. Trên các bàn hãy còn nhiều đồ sứ, và họ vẫn còn bưng ở nhà kho ra nhiều nữa. Cần phải xếp vào một chiếc thùng nữa mới đủ; người nhà đã chạy đi kiếm thùng. Natasa nói:
- Khoan đã, Sonya ạ, ta sẽ xếp tất cả hai thùng này cũng đủ.
- Không được đâu, tiểu thư ạ, đã thu xếp rồi mà không được. - Người chủ thiện nói.
- Không, để yên tôi xem đã.
Và Natasa bắt đầu lấy những chiếc đã ăn và đã tách bọc giấy ở trong thùng ra. Nàng nói:
- Đĩa ăn phải để vào đây này, để vào giữa các tấm thảm ấy.
Chỉ riêng các tấm thảm không thôi cũng đã chiếm hết ba thùng rồi còn gì.
- Thì cứ để yên tôi xem nào.
Và Natasa bắt đầu dỡ đồ đạc ra với những động tác nhanh nhẹn và khéo léo, - Cái này không cần, - Natasa nói khi đỡ mấy bộ đĩa Kiev, - cái này thì cần, cho vào thùng đựng thảm, - nàng nói khi cầm đến mấy bộ đĩa sứ Xacxoni.
- Thôi đi Natasa, để cho chúng tôi xếp, - Sonya nói giọng trách móc.
Người quản gia cũng nói:
- Thôi, tiểu thư ạ!
Nhưng Natasa không chịu thua. Nàng dỡ hết đồ đạc ra và bắt đầu xếp lại rất nhanh, quả quyết gạt những tấm thảm và những bộ đĩa thừa ra. Và quả nhiên, sau khi đã gạt bỏ bớt những đồ đạc rẻ tiền không đáng mang theo, bao nhiêu đồ quý đều xếp gọn vào hai thùng. Nhưng cái thùng đựng thảm không sao dậy nắp được. Lúc bấy giờ có thể lấy bớt ra một ít, nhưng Natasa cứ một mực không chịu. Nàng đi xếp, xếp lại, giẫm, ấn, bắt người quản gia và cậu Petya mà nàng huy động đến làm việc với nàng phải đè thật mạnh lên nắp thùng, và chính nàng cũng đem hết sức lực ra ấn nó xuống.
- Thôi Natasa ạ, - Sonya nói, - Mình thấy rồi, Natasa làm thế là phải, nhưng hãy bớt tấm thảm trên cùng đi.
- Không, - Natasa kêu lên, một tay đưa lên vén mái tóc xoã xuống khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi của nàng, một tay ấn nắp thùng - Ấn mạnh đi Petya! Vaxitits, ấn mạnh đi nào!
Mấy tấm thảm đã ép chặt xuống. Nắp thùng đã đóng lại được.
Natasa vỗ tay reo lên mừng rỡ, ứa cả nước mắt ra. Nhưng chỉ một lát sau nàng đã bắt tay vào một công việc khác. Bây giờ thì mọi người đã hoàn toàn tin rằng, và bá tước không hề phật ý khi người nhà nói với ông rằng Natasa đã bảo làm khác hẳn lời sai phái của ông, và các gia nhân đã đều hỏi Natasa xem xe chất như đã đủ chưa và nên chằng dây chưa. Nhờ những cách thu xếp của Natasa, mọi việc đều được giải quyết gọn gàng: những đồ không cần dùng được bỏ lại, còn những đồ quý nhất thì được sắp xếp thật chặt chẽ.
Tuy mọi người đã ra sức xếp đặt cho thật nhanh nhưng đến khuya vẫn chưa xếp hết được. Bá tước phu nhân ngủ thiếp đi. Lão bá tước đành hoãn đến sáng mai mới lên đường, và đi ngủ.
Natasa và Sonya để nguyên áo dài ngủ trong phòng đi-văng.
Đêm đó có thêm một người bị thương được chở qua phố Pavarkaya, và bà Mavra Kizminisna bấy giờ đang đứng ở cổng, liền cho xe của họ rẽ vào sân nhà Roxtov. Theo ý bà Mavra thì người bị thương này là một nhân vật trọng yếu. Họ chở người ấy trên một chiếc xe song mã phủ diềm, mui trên buông kín. Trên ghế đánh xe, bên cạnh người xà ích, có một người nội bộc đã già trông rất oai vệ ở phía sau có một chiếc xe chở một viên bác sĩ và hai người lính đi theo.
- Xin mời ngài vào nhà chúng tôi, xin mời quý vị. Chủ chúng tôi sắp đi rồi cả nhà bỏ trống, - bà Mavra nói với người lão bộc.
- Thôi cũng đành, - người hầu phòng thở dài đáp, - cũng không mong gì về đến nhà được! Chúng tôi cũng có nhà ở Moskva, nhưng xa lắm, mà nay nhà chẳng còn ai.
Mavra Kizminisna nói:
- Xin cứ vào nhà chúng tôi, chủ chúng tôi cái gì cũng có đủ, xin cứ vào - Rồi bà nói thêm - Thế nào, bị thương nặng lắm à?
Người lão bộc khoác tay ra dáng tuyệt vọng:
- Không mong gì đưa về đến nhà! Phải hỏi bác sĩ mới được - và lão bỏ ghế xà ích bước xuống. lại gần chiếc xe sau.
- Được! - viên bác sĩ nói.
Người hầu phòng lại trở về sau song mã, ghé mắt nhìn vào trong xe, lắc đầu, rồi bảo người đánh xe quay vào sân, và đứng lại bên cạnh Mavra Kizminisna.
- Trời ơi! Lạy chúa Jesus! - Bà Mavra thốt lên.
Bà đưa người bị thương vào nhà, nói:
- Các chủ nhân không nói gì đâu…
Nhưng không thể đem người bị thương lên gác được nên họ đưa vào dãy nhà dọc và đặt người ấy nằm trong gian phòng cũ của bà Schoss. Người bị thương ấy chính là công tước Andrey Bolkonxki.
Phần ...
Phần ...
Phần ...
@by txiuqw4