Từ ngày bỏ nhà ra đi mất tích, nghĩa là đã hai hôm nay, Piotr trú ở gian nhà trống trải của Bazdeyev, vị ân nhân quá cố. Nguyên đầu đuôi như thế này.
Sáng hôm ấy, sau khi trở về Moskva và gặp bá tước Raxtovsin, Piotr ngủ dậy và ngơ ngác hồi lâu không hiểu mình đang ở đâu và người ta muốn gì mình. Đến khi người nhà vào báo cho chàng biết tên những nhân vật đang đợi chàng ở ngoài phòng khách, trong đó có một người Pháp mang đến cho một bức thư của bá tước phu nhân, Elena Vaxilievna, chàng bỗng thấy có cảm giác bàng hoàng và tuyệt vọng đã nhiều lần khống chế tâm hồn chàng. Chàng bỗng hình dung giờ chẳng còn gì nữa, mọi vật đều hỗn loạn, sụp đổ, không còn có cái gì là phải, cái gì là trái, trước mắt chàng sẽ không còn có triển vọng gì nữa, và không thể có một lối nào thoát ra khỏi tình trạng hiện nay. Chàng mỉm cười gượng gạo, lắp bắp mấy tiếng trong miệng, rồi ngồi phịch xuống đi-văng, người như rã rời ra, rồi lại đứng dậy đến ghé mắt vào khe cửa nhìn ra phòng tiếp khách, rồi lại khoát tay một cái trở về chỗ cũ và vớ lấy một quyển sách.
Người quản gia vào bảo Piotr một lần nữa rằng cái người Pháp đem thư của bá tước phu nhân lại khẩn khoản xin gặp chàng, dù chỉ một phút cũng được, và có người nhà bà quả phụ ở L.A Bazdeyev đến mời chàng lại nhận sách, vì bản thân bà Bazdeyev thì đã về quê rồi.
- À phải, tôi ra ngay, khoan đã… Hay là thôi… à không, anh ra nói với họ là tôi sẽ ra ngay, - Piotr nói với viên quản gia.
Nhưng viên quản gia vừa ra khỏi phòng làm việc thì Piotr liền với lấy cái mũ đặt trên bàn và đi cửa sau ra khỏi phòng làm việc.
Trong hành lang không có ai cả. Piotr đi hết dãy hành lang đến cầu thang nhăn mặt, đưa tay lên xoa trán rói đi xuống thang gác cho đến chỗ trạm hàng thứ nhất. Người gác cổng đang đứng ở trước cửa chính. Từ chỗ đầu cầu thang Piotr đang đứng, có một cái thang khác đưa ra ngoài cửa sau, Piotr đi theo cầu thang ấy và ra sân. Không có ai trông thấy chàng cả. Nhưng ở ngoài phố, khi chàng vừa ra khỏi cổng, thì mấy người xà ích đứng bên xe và người gác cổng nhận ra chủ nhân và cất mũ chào chàng. Cảm thấy mắt họ đang đổ dồn vào mình, Piotr liền hành động như con đà điểu rúc đầu vào bụi để cho người ta đừng trông thấy mình: chàng cúi đầu và rảo bước đi thật nhanh ra ngoài phố.
Trong tất cả các công việc mà Piotr phải làm sáng hôm ấy, chỉ có việc đến lựa chọn sách vở và giấy tờ của Ioxif Bazdeyev là quan trọng hơn cả.
Gặp một chiếc xe thuê, chàng gọi ngay và bảo đánh đến đầm Patnarsi, nơi bà quả phụ Bazdeyev ở.
Ngồi trên xe, chàng cứ đưa mắt chung quanh nhìn những đoàn xe đang kéo ra ngoài thành Moskva, và chốc chốc lại ngồi lại cho ngay ngắn để cho cái thân hình to béo của chàng khỏi tụt ra ngoài chiếc xe cũ kỹ chạy lắc lư. Chàng có một cảm giác vui mừng như cảm giác một dứa trẻ vừa chốn học ra khỏi trường học. Piotr bắt chuyện với người xà ích.
Người xà ích kể cho chàng nghe là hôm nay ở điện Kreml sẽ phát vũ khí, và đến mai người ta sẽ lùa hết dân ra cửa ô Trigorư, và ở đấy sẽ có một trận đánh lớn.
Đến đầm Patriarsi, Piotr đi tìm căn nhà của Bazdeyev, nơi mà đã lâu nay chàng không lui tới. Chàng đến gần cổng vườn Geraxim, ông già vàng võ, thấp bé mà năm năm về trước Piotr đã từng gặp đi với Ioxif Bazdeyev ở Torzok, nghe chàng đấm cổng liền chạy ra.
- Có ai ở nhà không? - Piotr nói.
- Thưa đại nhân, vì tình hình hiện nay, bà Sofia Danilovna đã đưa các cháu về làng Torzok rồi ạ.
- Tôi cũng cứ vào, tôi phải đến lựa sách, - Piotr nói.
- Xin ngài cứ vào ạ, xin mời ngài, - người lão bộc nói. - Người em trai của ông Ioxif Bazdeyev hiện ở lại đây, và như ngài cũng rõ, ông ấy… dở hơi.
Piotr biết rằng Makar Alekxeyevich, em trai của Ioxif Bazdeyev, là một người dở hơi điên dại, suốt ngày uống rượu.
- Phải, phải, tôi biết. Ta vào đi, ta vào đi… - Piotr nói đoạn bước vào nhà.
Một ông già to lớn, đầu hói, mũ đỏ, đi chân không trong đôi giày bọc đang đứng ở cửa ra vào, trông thấy Piotr, ông ta có vẻ phật ý, càu nhàu mấy tiếng gì không rõ và đi vào hành lang.
Geraxim nói:
- Trước kia ông ấy thông minh lỗi lạc, nhưng bây giờ, ngài cũng thấy đấy, bây giờ ông ấy dở hơi. Vào phòng làm việc chứ ạ?
Piotr gật đầu.
- Phòng này đã được niêm phong, bây giờ vẫn y nguyên. Nhưng bà Sofia Danilovna đã dặn hễ có người nhà ngài đến thì giao sách lại.
Piotr bước vào. Đây chính là căn phòng làm việc âm u mà hồi vị ân nhân còn sống cứ mỗi lần vào, chàng lại bồi hồi xúc động. Căn phòng ấy bây giờ đã phủ bụi và không có ai dộng đến từ ngày Ioxif Alekxeyevich qua đời, nên lại càng có vẻ u ám thêm.
Genraxim mở một cánh cửa sổ và rón rén bước ra khỏi phòng.
Piotr đi quanh căn phòng làm việc, lại gần chiếc tủ đựng các thủ cảo và lấy ra một tập giấy. Đây là một trong những thành tích quý giá nhất của hội: tập hiến chương Scotland chính bản có những lời ghi chú và thuyết minh của vị ân nhân. Chàng ngồi xuống trước cái bàn giấy phủ bụi và đặt tập thư cảo trước mặt giở ra, gấp lại một lát rồi ẩy ra xa, chống khuỷu tay ôm đầu suy nghĩ.
Đã mấy lần Genraxim thận trọng ghé nhìn vào phòng mà vẫn thấy Piotr ngồi ở tư thế đó. Hơn hai giờ trôi qua, Genraxim đánh bạo làm ồn ở ngoài cửa để Piotr chú ý. Nhưng Piotr không nghe thấy gì cả.
- Thưa ngài cho chiếc xe thuê đi chứ ạ?
- À phải, - Piotr sực tỉnh và vội vàng đứng dậy. - Này bác Geraxim, - chàng nói, rồi nắm lấy khuy áo ngoài của người lão bộc, chàng đưa đôi mắt ướt sáng long lanh và hứng khởi từ trên cao nhìn xuống Geraxim. - Này bác, bác cũng biết ngày mai có một trận đánh nhau chứ?
- Nghe họ bảo thế, - Geraxim đáp.
- Tôi yêu cầu bác đừng nói cho ai biết tôi là ai. Và bác hãy làm theo những điều tôi bảo…
- Xin vâng lệnh, - Geraxim nói. - Bẩm ngài có muốn tôi dọn thức ăn không ạ?
- Không, tôi cần cái khác kia. Tôi cần một bộ áo nông dân và một khẩu súng ngắn, - Piotr nói đoạn bỗng đỏ mặt.
Geraxim ngâm nghĩ một lát rồi nói:
- Xin vâng lệnh ạ.
Suốt ngày hôm ấy, Piotr ngồi lại một mình trong gian phòng làm việc của vị ân nhân, bứt rứt đi từ góc này sang góc nọ (Geraxim nghe rõ bước chân của chàng và đoán biết như vậy), mồm lắp bắp nói một mình, và đêm đó chàng ngủ lại trong chiếc giường dọn cho chàng ngay trong phòng làm việc.
Với thói quen của một người đày tớ đã từng trông thấy nhiều điều kỳ lạ trong đời mình, Geraxim không ngạc nhiên khi thấy Piotr đến như vậy, lão lại còn có vẻ hài lòng là đã có một người để mà hầu hạ. Ngay tối hôm ấy, không hề tự hỏi xem tại sao Piotr lại cần những thứ đó làm gì, lão đi kiếm cho chàng một cái áo kaftan, một cái mũ chụp và hứa là đến mai sẽ kiếm khẩu súng ngắn.
Tối hôm ấy, Makar Alekxeyevich hai lần đi giày bọc lẹp bẹp đến gần của sổ rồi đứng lại nhìn Piotr có vẻ khúm núm. Nhưng Piotr vừa quay mặt lại thì hắn ta lộ vẻ xấu hổ và tức giận, khép vạt áo dài ngủ và vội vàng lảng đi. Trong khi Piotr mình mặc chiếc áo kaftan của anh xà ích mà Geraxim đã kiếm được và đã dùng hơi nước giặt cho chàng, cùng người lão bộc đến tháp Xukharev để mua súng ngắn, chàng đã gặp gia đình Roxtov.
18.
Đêm mồng tám tháng chín Kutuzov ra lệnh cho quân đội Nga rút qua Moskva kéo ra con đường Ryazan.
Những đoàn quân đầu tiên khởi hành từ lúc đang đêm. Trong đêm tối, các đạo quân bước không vội vã, chậm rãi và tuấn tự chuyển đi; nhưng vào lúc tờ mờ sáng, khi tiến đến gần cầu Dorogomilov, họ trông thấy ở phía trước mặt, bên kia sông, có những đoàn quân đông nghìn nghịt đang vội vã chen chúc nhau bên cầu kéo lên ùn ùn chật cả đường phố và ngõ hẻm, và ở phía sau lại có những đám quân dày đặc đang thúc họ. Và một cảm giác sốt ruột, hối hả, một nỗi hoang mang vô cớ bỗng tràn vào đám quân phía trước, về phía cầu, chạy lên cầu, đổ xuống những chiếc cầu, đổ xuống những chiếc thuyền và những chỗ nông có thể lội qua được, Kutuzov ra lệnh dẫn ông đi vòng qua những phố chu vi, sang bờ bên kia Moskva.
Vào khoảng mừơi giờ sáng ngày mồng hai tháng chín, trong khu ngoại Dorogomilov rộng thênh thang, người ta chỉ thấy còn lại những đơn vị của đạo hậu quân. Đại quân đã kéo hết sang bên kia sông và ra khỏi thành Moskva.
Cũng vào lúc ấy, hồi mười chín giờ sáng ngày mồng hai tháng chín, Napoléon đang đứng ở giữa các đạo quân trên đồi Poklonny đưa mắt nhìn cái quanh cảnh đang mở rộng ra trước mặt mình. Kể từ ngày hai mươi sáu tháng tám cho đến khi quân địch tiến vào Moskva, suốt trong tuần lễ rộn ràng và đáng ghi nhớ ấy, ngày nào cũng có cái thời tiết mùa thu khác thường bao giờ cũng làm cho lòng người phải bỡ ngỡ, khi mặt trời như thấp xuống, toả một ánh nắng ấm hơn mùa xuân, và trong làn không khí loãng và trong, mọi vật đều ánh lên sáng ngời trông chói cả mắt; khi mà lồng ngực thấy khoẻ khoắn và mát mẻ vì thở làn không khí thơm ngát của mùa thu; khi mà ngay cả ban đêm trời vẫn ấm áp, và trong những đêm tối tăm ấm áp ấy những ngôi sao hên tiếp đổi ngôi toả thành những vệt bụi vàng khiến lòng người sợ hãi và vui mừng.
Ngày mồng hai tháng chín, hồi mười giờ sáng, khí trời cũng như vậy. Ánh sáng ban mai thật là thần diệu. Từ ngọn đồi Poklonny trông xuống, Moskva trải rộng ra bát ngát với con sông, với những khu vườn, những ngôi nhà thờ của nó, và tưởng chừng như đang sống cuộc sống mọi ngày, với những ngon tháp mái vòm rung rinh trong ánh nắng, lấp lánh như những vì sao.
Đứng trước cái thành phố kỳ lạ với những đường nét chưa hề thấy của một kiểu kiến trúc khác thường, Napoléon có cái cảm giác hiếu kỳ phảng phất lòng lo âu và ganh tị mà người ta thường trộng thấy những hình thức sinh hoạt xa lạ không hề biết đến mình.
Rõ ràng là thành phố này đang sống với tất cả sức sống mãnh liệt của nó. Có những dấu hiệu khó nói rõ, nhưng cho phép người ta dù ở cách xa vẫn có thể phân biệt không lầm lẫn một thân thể đang sống với một thây ma. Từ ngọn đồi Poklonny, Napoléon trông thấy cuộc sống đang rộn ràng trong thành phố và cảm thấy cái thân thể lớn lao và đẹp đẽ ấy như đang thở phập phồng.
Ai đã là người Nga, khi nhìn vào Moskva cũng phải cảm thấy rằng đây là người mẹ của mình; một người ngoại quốc thì khi nhìn tuy không hiểu cái ý nghĩa mẹ hiền của nó, cũng phải cảm thấy cái bản sắc phụ nữ của thành phố này. Napoléon cũng cảm thấy điều đó.
Cái thành phố Á đông với vô số nhà thờ này, Moskva thành phố thần thánh! Nó kia rồi, cái thành phố lừng lẫy ấy! Thật đã đến lúc! Napoléon nói đoạn ngồi xuống ngựa và sai trải ra trước mặt một bản địa đồ của cái thành phố Moscou này, rồi cho gọi phiên dịch viên Leorn Didivl lại.
"Một thành phố bị địch chiếm đóng cũng giống như một người con gái đã mất danh tiết" - ông nghĩ thầm (trước đây ở Smolensk, ông cũng đã từng nói với Tutskov như vậy). Và dưới nhãn quan ấy ông ngắm nhìn nàng mỹ nữ phương Đông đang nằm trước mặt ông ta, nàng mĩ nữ mà xưa nay ông chưa từng được nom thấy. Bản thân ông ta cũng phải lấy là quái lạ rằng niềm ước vọng mà ông ta hằng ấp ủ từ lâu và vẫn có cảm tưởng như không thể nào thực hiện được bây giờ đã thành sự thực. Trong ánh sáng trong trẻo của buổi ban mai, ông đưa mắt hết nhìn vào thành phố lại nhìn tấm địa đồ, kiểm tra lại từng chi tiết trong thành phố. Và lòng tin tưởng chắc chắn là mình sắp chiếm hữu được thành phố này khiến ông bồi hồi và kinh hãi.
"Nhưng có thể nào lại khác đi được? - ông thầm nghĩ. - Nó đây rồi, cái kinh đô ấy đang nằm dưới chân ta, chờ đợi người ta định đoạt số phận của nó. Bây giờ vua Alekxandr ở đâu? Ông ta nghĩ gì? Thật là một thành phố kì dị, đẹp đẽ và hùng vĩ! Và giây phút này cũng đẹp đẽ và hùng dũng làm sao! - Nghĩ đến quân sĩ, Napoléon tự hỏi - Họ sẽ nhìn ta như thế nào đây? Nó đây rồi, món quà thưởng cho tất cả những kẻ thiếu lòng tin ấy, - Napoléon thầm nghĩ trong khi nhìn bọn cận thần và những đoàn quân đang tiến lại gần và dàn thành hàng ngũ. - Chỉ cần ta nói một lời, chỉ cần ta vẫy tay một cái, thì cả kinh đô cổ kính của các Sa hoàng sẽ thành tro bụi. Nhưng lòng khoan dung của ta bao giờ cũng sẵn sàng soi xuống những kẻ chiến bại". Ta phải có đại lượng và hoạt động như một vĩ nhân chân chính… Nhưng không, không phải ta đã ở Moskva thật đâu, - ý nghĩa đó vụt thoáng qua trí óc Napoléon.
- Thế nhưng chính nó đang nằm dưới chân ta, với những mái tháp vòm khum và những chiếc thập tự thiếp vàng đang lung linh trong ánh nắng. Nhưng ta sẽ để cho nó được nguyên vẹn. Trên những di tích cổ kính của man rợ và chuyên chế, ta sẽ viết lên hai chữ công lý và khoan hồng cao cả… Chính cái đó sẽ làm cho Alekxandr thấm thía và xót xa hơn cả, ta biết rõ con người ấy. (Napoléon có cảm tưởng là ý nghĩa chủ yếu của những việc đang xảy ra bao gồm trong cuộc tranh chấp cá nhân giữa mình với Alekxandr). Từ trên điện Kreml cao chót vót - phải, đó chính là điện Kreml, - ta sẽ ban cho họ những đạo luật của công lý, ta sẽ làm cho con cháu những người boyar(1) phải nhắc nhở một cách trìu mến tên tuổi của những người đã chinh phục họ. Ta sẽ nói với phái đoàn của họ rằng trước kia cũng như bây giờ ta không hề muốn chiến tranh; rằng sở dĩ ta tiến hành một cuộc chiến tranh chỉ là vì muốn chống lại cái chính sách man trá của triều đình họ, rằng ta yêu quý và kính trọng Alekxandr và ở Moskva ta sẽ chấp nhận các điều khoản hoà ước xứng đáng với ta và với các dân tộc được ta trị vì.
Ta không muốn lợi dụng những thắng lợi trong cuộc chiến tranh để làm nhục nhà vua đáng kính. Ta sẽ nói với họ: Hỡi các vương công, ta không muốn chiến tranh, ta muốn hoà bình và hạnh phúc, cho tất cả các thần dân của ta. Vả chăng ta cũng biết rằng khi có mặt họ, lòng ta sẽ cảm hứng, và ta sẽ nói với họ như ta vẫn thường nói xưa nay: rõ ràng, trang trọng và cao cả. "Nhưng thế ra ta đến Moskva thật ư? Phải, chính nó kia rồi!"
Truyền cho dẫn các boyar Nga đến gặp ta! - Napoléon quay lại nói với đoàn tuỳ tùng. Một viên tướng lập tức phi ngựa đi tìm đoàn boyar, cùng với một tốp sĩ quan hầu cận quan trọng.
Hai giờ trôi qua, Napoléon ăn điểm tâm sáng rồi trở lại đứng ở chỗ cũ, trên đồi Poklonny, đợi đoàn đại biểu đến. Những lời sẽ nói với các vương công kia đã hình thành rõ rệt trong trí tưởng tượng của Napoléon, Bài diễn từ ấy sẽ có đủ các tư cách chững chạc, cái phong vị cao cả đúng như Napoléon quan niệm.
Cái giọng khoan dung mà Napoléon định sử dụng ở Moskva làm cho bản thân ông ta thấy say sưa, trong tưởng tượng, ông ấn định những ngày hội họp trong cung điện các Sa hoàng trong buổi họp ấy, các vương công Nga sẽ gặp mặt các đại thần của hoàng đế Pháp. Ông bổ nhiệm trong trí óc một viên tổ chức biết cách lấy lòng dân. Được biết rằng ở Moskva có nhiều tổ chức từ thiện, ông quyết định trong tưởng tượng là sẽ ban cấp rất nhiều ân huệ cho các tổ chức này. Ông nghĩ rằng nếu ở châu Phi phải mặc áo burnu ngồi trong đền Hồi Giáo, thì ở Moskva cũng phải có lòng từ thiện như các Sa hoàng. Và để làm cho người Nga cảm động đến tận đáy lòng - cũng như mọi người Pháp, ông không thể tưởng tượng ra một cái gì cảm động mà lại không nhắc nhở đến người mẹ yêu dấu, người mẹ dịu hiền, người mẹ đáng thương của tôi - Napoléon quyết định là trên tất cả các toà nhà từ thiện ấy sẽ ra lệnh đề bằng chữ lớn: Toà nhà này dâng mẹ tôi. Không chỉ nên đề: "Nhà của mẹ tôi" - ông tự chủ như vậy. - "Nhưng thế ra ta ở Moskva thật rồi ư? Phải, đây, nó đang ở trước mắt ta. Nhưng sao đoàn đại biểu thành phố mãi vẫn chưa thấy đến?"
Trong khi đó, ở các hàng phía sau của đoàn tuỳ giá, các tướng quân và thống soái của hoàng đế được phái đi tìm đoàn đại biểu đã trở về báo tin rằng Moskva nay không còn lấy một bóng người, dân cư đều đã bỏ đi hết, kẻ đi xe, người đi bộ. Gương mặt của những người đương bàn tán đến tái mét và lộ vẻ khích động. Họ kinh hãi không phải vì thành Moskva đã bị dân chúng dời bỏ (tuy biến cố này cũng có vẻ rất quan trọng), và lại vì không biết nên báo tin này với hoàng đế như thế nào cho khỏi đặt ngài vào cái tình trạng đáng sợ mà người Pháp gọi là le ridicule (lố bịch), không biết làm thế nào để tâu lại với ngài là người chờ đợi bọn boyar lâu như vậy chỉ uổng công, là quả có những đám người say rượu ở trong thành, nhưng ngoài ra chẳng còn ai nữa. Người thì nói rằng thế nào cũng phải tập hợp cho kỳ được một đoàn đại biểu nhì nhằng gì đó, người thì bác lại ý kiến này và bảo rằng cần phải khôn khéo và thận trọng chuẩn bị tư tưởng cho hoàng thượng rồi tâu rõ sự thật để ngài biết.
- Dù sao thì cũng phải tâu để ngài rõ… - các vị trong đoàn tuỳ giá nói - Nhưng, thưa các ngài… tình thế lại càng nan giải hơn nữa là vì hoàng đế bây giờ đang kiên nhẫn đi đi lại lại trước tấm bản đồ suy nghĩ đến những kế hoạch phô trương lòng khoan dung đại độ của mình, thỉnh thoảng lại đưa tay lên che mắt nhìn xuống con đường dẫn vào Moskva, môi mỉm một cười vui vẻ và kiêu hãnh.
- Nhưng không thể như vậy được! - Các ngài trong đoàn tuỳ tùng nhún vai nói, họ không sao dám nói lên cái chữ kinh khủng mà họ đều nghĩ thầm trong bụng: ridicule (lố bịch).
Trong khi đó hoàng đế chờ mãi chẳng thấy gì đã phát chán, và với các trực giác bén nhạy của người kép hát, ngài đã cảm thấy rằng cái phút uy nghi này kéo dài quá lâu nên đã bắt đầu mất cái tính chất uy nghi của nó. Ngài liền vẫy tay ra hiệu. Một phát súng lệnh đơn độc nổ vang, và các đoàn quân đang vây bọc Moskva liền tiến về các cửa ô Tver, Kaluga và Dorogomilov. Các đoàn quân tiến mỗi lúc một nhanh, đơn vị này vượt qua đơn vị kia, bộ binh thì chạy, kỵ binh thì phóng nước kiệu, che phủ trong những hàng bụi mù mịt do họ tung lên, và reo hò vang dậy, tiếng reo hò hoà lẫn vào nhau, làm chấn động cả một góc trời.
Bị thế quân tiến ào ạt lôi cuốn theo, Napoléon cùng quân sĩ cưỡi ngựa đến cửa ô Dorogomilov. nhưng đến đây ông ta lại dừng lại xuống ngựa, và đi đi lại lại hồi lâu trước bức thành của toà Kamer Kolesxki, chở đoàn đại biểu.
Chú thích:
Phần ...
Phần ...
Phần ...
@by txiuqw4