Từ khi được tin quân Pháp rút khỏi Moskva cho đến khi chiến dịch kết thúc, toàn bộ hoạt động của Kutuzov chỉ nhằm làm sao dùng quyền hành, dùng mưu mẹo, dùng những lời cầu xin để giữ cho quân đội khỏi lao vào những cuộc tấn công, những cuộc chuyển quân, những cuộc xung đột vô ích với một kẻ địch đang trên con đường diệt vong. Dokhturov tiến về phía Maly Yaroxlav; nhưng Kutuzov cứ chần chừ và ra lệnh rút khỏi Kaluga, cho rằng rất có thể còn phải rút xa hơn nữa.
Khắp các nơi Kutuzov đều rút lui, nhưng quân địch không đợi cho ông rút quân đã bỏ chạy về phía ngược lại.
Các sử gia của Napoléon kể lại cho chúng ta nghe cuộc hành quân khôn khéo của ông ta về phía Tarutino và Maly Yaroxlav, giả thiết những việc sẽ diễn ra nếu Napoléon kịp đem quân tới những tỉnh trù phú ở miền Nam.
Nhưng các sử gia đó quên mất rằng thật ra không có gì ngăn trở Napoléon tiến vào các tỉnh miền Nam này (vì quân đội Nga để cho ông ta đi lại tự do, họ lại còn quên rằng không có gì có thể cứu vãn được quân đội Napoléon, vì ngay từ lúc ấy nó đã mang trong người nó những điều kiện tất yếu của sự dồi dào ở Moskva nhưng không gìn giữ mà lại giẫm nát ra, một quân đội khi đến Smolensk đã không chịu chia lương cho quân lính mà lại phá huỷ đi, làm sao một quân đội như thế lại có thể phục hồi sinh lực ở tỉnh Kaluga, nơi mà dân cư vẫn là những người Nga như ở Moskva, và ở đấy lửa cũng có cái thuộc tính chung là đốt cháy những vật đưa vào.
Quân đội ấy dù ở nơi nào cũng không thể phục hồi sinh lực được. Từ trận Borodino và từ khi cướp phá Moskva, nó dường như dã mang trong mình đủ các điều kiện hoá học của sự giải thể rồi.
Bây giờ thì các quân đội ấy chỉ còn là một đám người bỏ chạy với những kẻ cầm đầu, chẳng biết mình chạy đi đâu, và chỉ mong có một điều (từ Napoléon cho đến từng tên lính một): làm thế nào cho bản thân mình thoát ra khỏi cái tình trạng mà do một trực giác mơ hồ họ đều biết là tuyệt vọng. Vì thế cho nên trong buổi họp hội đồng Maly Yaroxlav sau khi các tướng Pháp đưa ra nhiều ý kiến khác nhau rồi giả vờ tranh luận, thì ý kiến cuối cùng của tướng Mutong chất phác và ngây thơ, nói lên cái điểm mà ai nấy đã đang nghĩ là phải làm sao chuồn đi cho nhanh, ý kiến ấy đã làm cho mọi người câm miệng, và không có ai, ngay cả Napoléon, có thể nói một câu nào để bác lại cái sự thật mà mọi người đều công nhận.
Tuy ai nấy đều biết rằng cần phải rút đi, nhưng người ta vẫn xấu hổ khi nghĩ rằng mình phải bỏ chạy. Cần phải có một sức đẩy ở bên ngoài mới có thể thắng được sự xấu hổ ấy. Và cái sức đẩy đó đã đến đúng lúc. Đó chính là cái mà người Pháp gọi là "tiếng hô Ura của hoàng đế".
Sau hôm họp hội đồng, vào lúc sáng sớm Napoléon giả vờ muốn kiểm tra lại quân đội và quan sát cái địa điểm đã xảy ra và sắp xảy ra chiến trận, cùng với đoàn tuỳ giá gồm các thống chế và đội vệ binh cưỡi ngựa đi giữa tuyền quân. Một toán cô-dắc đang sục sạo để tìm chiến lợi phẩm tình cờ vấp phải hoàng đế và chỉ thiếu một ly nữa là bắt được ông ta. Sở dĩ lần này quân cô-dắc không bắt được Napoléon là vì cái đã đưa quân đội Pháp đến chỗ chết lại chính là cứu thoát ông ta: đó là chiến lợi phẩm. Ở đây cũng như ở Tarutino, quân cô-dắc đã bỏ người lao vào cướp chiến lợi phẩm cũ. Họ không để ý đến Napoléon, chỉ chú tâm vào chiến lợi phẩm cho nên Napoléon đã trốn thoát kịp.
Khi mà những đưa con đẻ của sông Đông đã có thể suýt bắt được đích thân vị hoàng đế ngay ở giữa quân đội của ngài, thì người ta có thể thấy rõ rằng không còn có thể làm gì khác hơn là chạy trốn cho nhanh theo con đường quen thuộc gần nhất.
Napoléon, với cái bụng phệ của một người tứ tuần, không còn cảm thấy mình tháo vát và gan dạ như trước, và đã hiểu được tầm quan trọng của sự kiện này. Do ảnh hưởng của nỗi sợ hãi mà toán quân cô-dắc đã gieo vào lòng ông ta, Napoléon lập tức đồng ý với Mutong và ra lệnh, như các sứ giả vẫn nói, rút lui về con đường Smolensk không có nghĩa là ông ta đã ra lệnh làm như thế, mà có nghĩa là những sức mạnh đang tác động vào toàn quân, hướng nó về con đường Mozaisk đồng thời cũng đã chi phối cả Napoléon.
19.
Khi con người đang ở trong trạng thái chuyển động, bao giờ nó cũng nghĩ ra cho mình một mục tiêu của sự chuyển động đó. Muốn đi một nghìn dặm, con người cần phải nghĩ rằng cuối đoạn đường một nghìn dặm đó sẽ có một cái gì rất hay, phải tưởng tượng ra một "cõi đất hứa hẹn" mới có đủ sức mà đi như vậy được.
Cõi đất hứa hẹn của quân Pháp trong khi tấn công là Moskva còn trong khi rút lui thì lại là tổ quốc họ. Nhưng tổ quốc họ xa quá, và đối với một con người đang đi một nghìn dặm nhất thiết cần phải quên cái mục đích cuối cùng đi mà nghĩ rằng: "Hôm nay ta sẽ đến chỗ nghỉ đêm, sau khi đã đi bốn mươi dặm", và trong chặng đường đầu tiên, cái trạm nghỉ đêm ấy che lấp cả cái đích cuối cùng và thu hút hết mọi ước mong và hy vọng của người đi đường. Những ước vọng được biểu hiện trong từng người một bao giờ cũng khuyếch đại lên trong một đám đông.
Đối với cái đám người Pháp đang rút lui theo con đường Smolensk cũ, cái đích cuối cùng - tổ quốc - xa xôi quá, cho nên cái đích trước mắt tập trung tất cả những ước mong và hy vọng tăng lên gấp bội trong đám đông, cái đích trước mắt ấy là Smolensk. Như thế không phải vì họ biết rằng ở Smolensk có nhiều lương thực và nhiều quân dự trữ; không phải vì người ta nói với họ như vậy (trái lại, các giới cao cấp trong quân đội và cả Napoléon nữa cũng biết rằng ở đây rất ít lương thực), mà bởi vì chỉ có như thế họ mới có sức cử động và chịu đựng những nỗi thiếu thốn hiện tại. Những người biết sự thật cũng như những người không biết đều tự dối mình như nhau để hướng về Smolensk như hướng về một cõi đất hứa hẹn.
Trẩy ra con đường cái lớn, quân Pháp lao về cái mục tiêu do họ nghĩ ra với một quyết tâm phi thường, với một tốc độ chưa từng thấy. Ngoài cái nguyên nhân nói trên gắn bó đám binh sĩ Pháp thành một khối và cấp cho nó ít nhiều sức mạnh, thúc nó về một phía, còn có một nguyên nhân khác gắn bó họ với nhau. Đó là số lượng của họ. Khối người to lớn đó, dường như theo quy luật hấp dẫn trong vật lí học, thu hút vào bản thân nó những con người riêng lẻ như những nguyên tử. Cái khối hàng chục vạn người ấy chuyển động như cả một quốc gia.
Trong đám người ấy mỗi người đều có một mong ước là được quân địch bắt làm tù binh, thoát khỏi tất cả những nỗi khổ cực và tai ương khủng khiếp. Nhưng một mặt thì sức thu hút của mục tiêu Smolensk lôi kéo mọi người cùng lao về một phía, và mặt khác thì một quân đoàn không thể nào đi đầu hàng một đại đội, và tuy lính Pháp hễ có cơ hội thuận tiện là lập tức kiếm cách tách rời nhau ra, và hễ tìm được một lý do gì ổn ổn một chút là lập tức đầu hàng, song những cơ hội và lý do đó không phải bao giờ cũng có. Ngay cái số lượng của họ cũng như cuộc di chuyển nhanh chóng của họ làm cho họ mất cái khả năng đó và khiến người Nga không những khó lòng mà còn không thể nào ngăn chặn được cuộc di chuyển ấy, một cuộc di chuyển mà khối quân Pháp đã dồn hết sức lực của mình vào để thực hiện. Việc cắt xé một cơ thể ra bằng phương pháp cơ học không thể nào xúc tiến quá trình giải thể diễn ra nhanh hơn quá một giới hạn nào đấy.
Một khối tuyết không thể nào đun tan trong chốc lát được. Trong một giới hạn thời gian nhất định, dù có tăng nhiệt độ lên bao nhiêu cũng không thể làm cho tảng tuyết tan ra được, trái lại càng nóng thì chỗ tuyết còn lại càng rắn hơn.
Trong số các tướng Nga, chỉ có Kutuzov hiểu được điều đó.
Khi hướng tẩu thoát của quân Pháp trên con đường Smolensk đã rõ, thì cái việc mà Konovnitxyn đã dự đoán đêm mười một tháng mười bắt đầu thực hiện. Tất cả các tướng tá trong quân đội đều muốn lập công, muốn cắt đứt, muốn đuổi đánh, muốn tiêu diệt, muốn bắt sống quân Pháp, và tất cả đều đòi tấn công.
Chỉ riêng một mình Kutuzov là dốc hết sức lực (sức lực của một vị tổng tư lệnh nào cũtng vậy chẳng có được bao nhiêu) cưỡng lại chủ trương tấn công.
Ông không thể nói với họ cái điều mà ngày nay chúng ta vẫn nói: việc gì phải mở trận, phải chặn đường, phải mất quân lính và tàn sát những con người khốn khổ kia một cách vô nhân đạo? Việc gì phải làm như vậy, một khi từ Moskva đến Vyazma, tuy không đánh trận nào, đạo quân ấy cũng đã tiêu tan mất một phần ba? Nhưng ông đã dùng cái trí khôn già dặn của mình, lựa những điều mà họ có thể hiểu được để nói với họ: Ông kể cho họ nghe chuyện cái cầu vàng. Và họ liền chế nhạo ông ta, vu cáo ông ta, họ lăng xăng, cuống quýt, lên mặt anh hùng trước cái xác con thú đã chết.
Ở gần Vyazma, Yermolov, Miloradovich, Platov và một số tướng khác thấy quân Pháp gần quá, không sao cưỡng nổi ý muốn cắt đứt và đánh bật hai lữ đoàn Pháp. Để báo cáo cho Kutuzov biết việc này, họ gửi cho ông ta một phong bì đựng một tờ giấy trắng thay cho bản báo cáo.
Và tuy Kutuzov đã ra sức kìm giữ quân đội lại, quân đội vẫn tấn công, vẫn cố chặn đường quân Pháp. Như người ta vẫn thường kể, các trung đoàn bộ binh trong tiếng quân nhạc và tiếng trống trận, tiến lên công phá quân địch; họ giết chết và bị tổn thất hàng nghìn người.
Nhưng họ cắt được đường, mà cũng không đánh bật được ai. Và quân đội Pháp đứng trước nguy cơ, đã xiết chặt hàng ngũ lại, tiếp tục cuộc hành trình tai hoạ về Smolensk, trong khi vẫn tan rã một cách đều đặn.
Phần ...
Phần ...
Phần ...
@by txiuqw4