sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Phần XV : Chương - 2 -3

Ngoài cái càm giác bao quát thấy mình xa lạ với mọi người, trong thời gian này Natasa còn thấy mình xa hẳn những người thân trong nhà nữa. Tất cả những người thân thuộc: cha nàng mẹ nàng, Sonya đối với nàng đều gần gũi. quen thuộc, thường ngày, đến nỗi tất cả những lời lẽ, những tình cảm của họ, nàng đều có cảm tưởng như là một sự xúc phạm đối với cái thế giới nàng đang sống trong thời gian gần đây, cho nên nàng không những dửng dưng đối với họ, mà còn nhìn họ với con mắt thù địch nữa. Nàng có nghe thấy những lời Dunusia nói về Piotr IIyts, về chuyện chẳng lành, nhưng nàng không hiểu.

"Chuyện gì mà chẳng lành, họ thì có chuyện gì mà chẳng lành? Đối với họ tất cả đều vẫn như cũ, quen thuộc và êm thấm", - Natasa thầm tự nhủ.

Khi nàng bước vào phòng khách, cha nàng đang từ phòng bá tước phu nhân hấp tấp bước ra. Mặt ông mếu máo và giàn giụa nước mắt. Hẳn là ông chạy ra khỏi phòng phu nhân để có thể trút hết những tiếng nấc nghẹn ngào trong cổ. Trông thấy Natasa, ông dang mạnh hai tay ra rồi khóc nấc lên từng cơn đau đớn, khiến cho khuôn mặt tròn trĩnh hiền dịu của ông biến dạng hẳn đi.

- Pe… Petya… Con vào, vào đi con… mẹ con… đang gọi con. Và ông khóc nức nở như đứa trẻ, hai chân bủn rủn loạng choạng bước gấp từng bước ngắn đến một chiếc ghế tựa rồi hầu như rơi phịch xuống đấy, hai tay bưng lấy mặt.

Chợt như có một luồng điện truyền khắp người Natasa. Có một cất gì đánh mạnh vào tim nàng nhói buốt. Nàng thấy đau ghê gớm: nàng ngỡ như có một cái gì vỡ nát trong lòng và tưởng như mình hấp hối. Nhưng ngay sau cơn đau, nàng thấy thoát hẳn ra khỏi sự cấm đoán nặng nề không cho phép nàng sống. Trông thấy cha và nghe vẳng qua cánh cửa tiếng rú kinh khủng, man rợ của mẹ, trong khoảnh khắc nàng đã quên bản thân mình và nỗi buồn của nàng.

Nàng chạy đến cạnh cha, nhưng ông bủn rủn giơ tay lên và chỉ vào cửa phòng mẹ nàng. Công tước tiểu thư Maria, mặt tái mét, hàm dưới run run, từ trong cửa bước ra nắm lấy tay Natasa và nói với nàng mấy tiếng gì không rõ. Natasa không thấy nàng, không nghe nàng nói gì. Nàng bước nhanh vào cửa, dừng lại một giây như đang giằng co với bản thân rồi chạy đến cạnh mẹ.

Bá tước phu nhân nằm trên ghế bành, người rướn thẳng ra một cách vụng về trông rất kỳ quặc, đầu cứ đập vào tường. Sonya và mấy người đày tớ gái đang giữ tay bà.

- Natasa! Natasa! - bá tước phu nhân hét lên - Không phải thế, không phải thế… ông ấy nói dối… Natasa! - bà vừa hét vừa ẩy những người xung quanh ra - Đi hết! Không phải thế! Họ giết chết nó rồi! ha - ha - ha… không phải thế!

Natasa quỳ gối lên ghế bành, cúi xuống ôm lấy mẹ và với một sức mạnh không ngờ, nàng nâng đầu bà lên và đỡ cho mặt bà quay về phía nàng rồi áp sát người vào bà.

- Mẹ! Mẹ yêu của con! Con đây mẹ ạ. Mẹ ơi, mẹ yêu quý - nàng thì thầm nói liên hồi, không ngót lấy một giây. Nàng không buông mẹ, dịu dàng giằng co với mẹ, gọi bảo đưa gối lại, bảo lấy nước, cởi khuy và xé áo hộ mẹ.

- Mẹ! Mẹ của con! Mẹ yêu… mẹ, - nàng luôn mồm thì thầm, hôn lên đầu, lên tay, lên mặt bá tước phu nhân, và cảm thấy những giọt nước mắt không sao nén nổi cứ chảy giàn giụa, khiến nàng thấy buồn buồn trên mũi và trên má.

Bá tước phu nhân siết chặt tay con, nhắm mắt lại và lặng đi một lát. Bỗng bà nhổm người dậy một cách nhanh nhẹn lạ thường, bàng hoàng đưa mắt nhìn quanh và, trông thấy Natasa, bà ráng hết sức ôm lấy đầu nàng ghì thật chặt. Rồi bà quay khuôn mặt nàng đang nhăn nhó vì đau đớn về phía mình và nhìn nàng hồi lâu.

- Natasa, con có yêu mẹ không? - bà nói thì thầm khe khẽ, giọng tin cậy - Natasa, con không lừa mẹ chứ? Con nói hết sự thật cho mẹ rõ nhé!

Natasa nhìn bà với đôi mắt đẫm lệ, và trong đôi mắt cũng như trên gương mặt nàng chỉ có một lời van xin tha thứ và yêu thương.

- Mẹ, mẹ yêu của con - nàng nhắc lại, cố tập trung tất cả sức mạnh của tình thương yêu, mong sao trút bớt một phần đau khổ của mẹ sang mình.

Và một lần nữa, trong cuộc vật lộn vô hiệu với thực tế, người mẹ, không chịu tin rằng mình có thể sống khi đứa con yêu quý, tràn đấy sức sống lại bị giết chết, người mẹ lại thoát khỏi thực tại để trốn vào thế giới điên rồ.

Natasa không nhớ ngày hôm ấy, đêm hôm ấy, ngày hôm sau và đêm hôm sau đã trôi qua như thế nào. Nàng không ngủ và không rời mẹ một bước. Tình yêu thương của Natasa, klên trì, nhẫn nại, không phải là một lời khuyên nhủ, không phải một lời an ủi, mà là một tiếng gọi trở về cuộc sống, từng giây từng nhút như ôm ấp bá tước phu nhân từ khắp mọi phía. Đến đêm thứ ba, bá tước phu nhân yên lặng được vài phút, và Natasa gối đầu lên tay ghế bành nhắm mắt lại. Bên gường của mẹ nàng có tiếng động. Natasa mở bừng mắt. Bá tước phu nhân đang ngồi trên gường nói khe khẽ.

- Con trai của mẹ đã về, mẹ mừng quá. Con mệt lắm nhỉ, con uống chén trà nhé? - Natasa đến cạnh mẹ - con bây giờ đẹp trai và cứng cáp hẳn ra - phu nhân cầm tay con gái nói tiếp.

- Mẹ ơi, mẹ nói gì thế…

- Natasa, em nó không con nữa, không còn nữa rồi! - và ôm chầm lấy con gái, lần đầu tiên bá tước phu nhân oà lên khóc.

3.

Công tước tiểu thư Maria hoãn chuyến đi lên Moskva, Sonya, bá tước cố gắng thay thế Natasa, nhưng không được. Họ thấy rõ ràng rằng chỉ một mình nàng có thể ngăn mẹ nàng khỏi lâm vào tuyệt vọng điên rồ. Ba tuần lễ Natasa ở liền cạnh mẹ, nằm trên một chiếc ghế bành ngủ trong phòng phu nhân, cho bà ăn uống và thủ thỉ với bà suốt ngày, bởi vì chỉ có giọng nói dịu dàng, mơn trớn của nàng mới có thể an ủi bá tước phu nhân.

Vết thương tinh thần của người mẹ không thể khỏi được. Cái chết của Petya đã làm tan vỡ mất một nửa cuộc đời phu nhân. Hôm được tin Petya chết, phu nhân còn là một người đàn bà năm mươi tuổi tươi tắn khoẻ mạnh, nhưng một tháng sau, khi bước ra khỏỉ phòng riêng, phu nhân chỉ còn là một con người chết dở và không còn tham dự gì vào cuộc sống nữa - một bà già. Nhưng chính vết thương đã làm cho bá tước phu nhân chết mất một nửa người, chính vết thương ấy đã gọi Natasa trở về với cuộc sống.

Vết thương do sự đổ vỡ của cuộc sống tinh thần gây nên - kể cũng lạ - dần dần khép lại chẳng khác gì một vết thương của thể xác. Và sau khi vết thương sâu đã đâm da non và miệng đã có vẻ liền lại, thì cũng như một vết thương trên cơ thể, chỉ có sức sống từ bên trong thôi thúc mới làm cho vết thương tinh thần khỏi hẳn được.

Vết thương của Natasa cũng khỏi như vậy. Nàng đã tưởng đời nàng thế là hết. Nhưng bỗng tình thương yêu đối với mẹ làm cho nàng thấy rõ rằng cái chất căn bản của đời nàng - tình thương yêu - vẫn còn sống trong nàng. Tình thương yêu đã bừng tỉnh, và sức sống cũng bừng tỉnh theo.

Những ngày cuối cùng của công tước Andrey đã gắn bó Natasa với tiểu thư Maria. Tai hoạ mới lại càng làm cho hai người gần nhau hơn nữa. Tiểu thư Maria hoãn việc lên Moskva và suốt ba tuần lễ nàng chăm sóc Natasa như chăm một đứa trẻ đang ốm.

Những tuần lễ sau cùng mà Natasa túc trực trong phòng mẹ nàng đã làm cho sức lực thể chất của nàng suy sụp.

Một hôm vào buổi trưa, tiểu thư Maria nhận thấy Natasa sốt run lên cầm cập liền dẫn nàng về phòng riêng và đặt nàng lên giường mình. Natasa nằm xuống, nhưng khi tiểu thư Maria buông rèm toan lui thì Natasa gọi nàng lại.

- Em không buồn ngủ, chị Maria ạ, chị ngồi với em một lát!

- Natasa mệt rồi đấy? Cô ngủ đi một chút.

- Không, không. Tại sao chị lại đưa em về đây? Mẹ em đang cần em.

Natasa nằm yên trên giường, và trong bóng tối mờ của gian phòng, nàng nhìn khuôn mặt tiểu thư Maria.

"Chị ấy có giống chàng không - Natasa thầm nghĩ - có cũng giống mà cũng không. Nhưng chị ấy đặc biệt, xa lạ, hoàn toàn mới mẻ, chưa biết. Và chị ấy yêu mình. Trong tâm hồn chị ấy có những gì? Chỉ toàn những điều tốt. Nhưng sao? Chị ấy nghĩ thế nào? Chị ấy nhìn mình như thế nào? Phải, chị ấy tốt quá"

- Masa - nàng vừa nói vừa rụt rè kéo bàn tay bạn vào lòng - Masa, chị đừng nghĩ rằng em xấu xa quá. Đừng chị nhá? Masa yêu quý của em. Em yêu chị quá. Chúng mình sẽ yêu nhau thật nhiều, mãi mãi như đôi bạn tâm tình thực sự.

Và Natasa ôm lấy Maria, hôn lên tay, lên mặt nàng. Tiểu thư Maria, vưa ngượng nghịu vừa vui mừng trước sự bộc lộ tình cảm của Natasa.

Từ hôm ấy, giữa công tước tiểu thư Maria và Natasa hình thành cái tình bạn thiết tha và đằm thắm chỉ có thể có được giữa hai người đàn bà. Họ hôn nhau không biết chán, thủ thỉ với nhau những lời âu yếm và phần lớn thời giờ đều ở bên nhau. Người này đi đâu thì người kia đứng ngồi không yên và vội vã bỏ đi tìm. Khi ở cạnh nhau, họ thấy tâm hồn họ hoà hợp hơn là khi mỗi người ngồi riêng một mình. Giữa hai người đã hình thành một tình cảm mạnh hơn tình bạn: đó là cái cảm giác khiến họ thấy rằng chỉ ở bên cạnh nhau họ mới có thể sống được.

Đôi khi họ ngồi lặng thinh suốt mấy tiếng đồng hồ; đôi khi họ đã nằm vào gường rồi nhưng lại bắt đầu nói chuyện và cứ thế chuyện trò mãi cho đến sáng. Phần nhiều họ chỉ nói đến thời dĩ vãng xa xưa nhất. Tiểu thư Maria kể lại những hồi ức về thời thơ ấu của nàng, về cha mẹ nàng, về những ước mơ của nàng; và Natasa, trước kia vẫn bình thản quay lưng với cuộc sống, tận tuỵ, phục tòng, trước cái thi vị của sự hy sinh cơ đốc giáo mà nàng không hiểu, bây giờ lại cảm thấy tình thương yêu đã gắn bó nàng với tiểu thư Maria đến nỗi nàng yêu cả quá khứ của bạn và hiểu được cả cái khía cạnh của cuộc sống trước kia xa lạ đối với nàng. Nàng không nghĩ rằng mình cũng sẽ sống nhẫn nhục và hy sinh như vậy, vì nàng đã quen đi tìm những niềm vui khác, nhưng nàng đã hiểu và biết yêu ở một người khác cái đức hạnh mà trước kia nàng không hiểu. Về phần công tước tiểu thư Maria, trong khi nghe kể lại thời thơ ấu và thiếu niên của Natasa, nàng cũng thấy mở ra trước mắt một khía cạnh của cuộc sống, mà trước kia nàng không hiểu, nàng đã thấy được thế nào là tin tưởng vào cuộc sống vào những thú vui của đời người.

Họ vẫn như cũ, không nhắc đến "chàng" để khỏi dùng ngôn ngữ xúc phạm - họ thấy thế - Nhưng tình cảm cao cả ở trong lòng họ, và sự im lặng có dần dần làm cho họ quên chàng, tuy họ không thể nào tin như vậy.

Natasa gầy đi, xanh đi và thể chất nàng suy nhược đến nỗi mọi người đều tỏ ý lo lắng cho sức khoẻ của nàng, và điều đó làm cho nàng thấy dễ chịu. Nhưng đôi khi nàng bất chợl thấy mình sợ, không những sợ chết, mà còn sợ đau yếu, sợ nhan sắc phai tàn, và đôi khi nàng bất giác chăm chú nhìn cánh tay trần của mình, ngạc nhiên khi thấy nó gầy gò như vậy, sáng sáng nàng lại đến đứng trước gương ngắm khuôn mặt hốc hác và thiểu não của mình - nàng có cảm tưởng như thế. Nàng có cảm tưởngsự tình phải như vậy, nhưng đồng thời nàng cũng thấy sợ và buồn.

Có lần nàng lên thang gác rất nhanh và chợt thấy rằng mình thở hổn hển. Nàng bất giác nghĩ ra một việc gì cần phải làm ở dưới nhà, rồi chạy lên thang gác để thở sức và tự quan sát xem sao.

Có một lần khác nàng gọi Dunusia và thấy giọng mình run run.

Nàng cất tiếng gọi một lần nữa, mặc dầu đã nghe tiếng chân Dunusia bước tới, - nàng gọi với cái giọng ngực mà nàng thường dùng để hát, và lắng nghe giọng mình.

Nàng không biết, và giá có nghĩ đến nữa, nàng cũng sẽ không tin, nhưng dưới lớp bùn dày phủ lên tâm hồn nàng mà nàng có cảm tưởng là không sao chọc thủng được, đã nhú lên những ngọn cỏ mảnh và mềm, những ngọn cỏ đó sẽ bắt rễ sâu và những những chồi non ấy sức sống của nó sẽ bao phủ lên nỗi buồn nặng trĩu trong lòng nàng, và chẳng bao lâu nỗi buồn ấy sẽ phai mờ không còn trông thấy rõ, không còn cảm giác được nữa. Vết thương đang đâm da non từ bên trong.

Vào cuối tháng giêng công tước tiểu thư Maria lên đường đi Moskva, và bá tước một mực xin cho Natasa cùng đi với nàng để nhờ các bác sĩ khám bệnh.

Phần ...

Phần ...

Phần ...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx