Đêm hôm ấy Piotr không ngủ được, chàng đi đi lại lại trong phòng, khi thì cau mày nghĩ đến một việc gì khó khăn, rồi bỗng so vai rùng mình, khi thì mỉm cười vui sướng.
Chàng nghĩ đến công tước Andrey, đến Natasa, đến tình yêu của hai người và khi thì ghen với dĩ vãng của nàng, khi thì trách mình đã tự dung thứ ý nghĩ đó. Đã sáu giờ mà chàng vẫn đi đi lại lại trong phòng.
"Thôi thì biết làm thế nào, nếu không thể tránh được? Biết làm thế nào? Như vậy tức là phải thế mới được", - chàng tự nhủ, rồi vội vã cởi áo lên gường nằm, lòng sung sướng và bồi hồi xúc động nhưng không còn ngờ vực và hoang mang nữa.
"Dù cái hạnh phúc ấy có kỳ lạ, có vô lý đến đâu chăng nữa, vẫn phải làm hết cách để nàng với ta nên vợ chồng" - chàng tự nhủ.
Trước đây mấy hôm Piotr đã định ngày thứ sáu sẽ đến Petersburg.
Hôm thứ năm, khi chàng tỉnh dậy, Xavelits vào phòng chàng xin sửa soạn hành lý để lên đường.
"Sao lại đi Petersburg? Petersburg là cái gì nhỉ? Có ai ở Petersburg? - chàng bất giác tự hỏi một mình. - Phải, trước khi việc này xảy ra khá lâu ta đã định đi Petersburg, chả biết để làm gì, - chàng nhớ lại. - Tại sao lại không nhỉ? Ta sẽ đi cũng nên. Chà bác ấy tốt bụng và chu đáo quá, cái gì cũng nhớ? - chàng nghĩ thầm trong khi nhìn khuôn mặt Xavelits - mà nụ cười mới dễ chịu làm sao! - chàng nghĩ.
- Này thế bác, vẫn không muốn được giải phóng à? - Piotr hỏi.
- Để làm gì kia ạ? Từ sinh thời cụ bá tước - Chúa đón linh hồn cụ - Tôi đã hầu hạ ở đây và đến đời ngài tôi cũng không có điều gì phải than phiền.
- Thế còn con cái bác thì sao?
- Con cái tôi cũng thế, ngài ạ. Được ở với những vị chủ nhân như ngài còn đòi hỏi gì nữa?
- Thế rồi đến đời con cháu tôi thì sao - Piotr nói - Nhỡ tôi có cưới vợ cũng có thể như thế lắm, - chàng nói tiếp, bất giác mỉm cười.
- Xin ngài bỏ quá cho: được như vậy thì tốt lắm ạ.
"Bác ta nghĩ đến việc ấy một cách dễ dàng thật - Piotr nghĩ. Bác ta không biết nó đáng sợ, nguy hiểm đến chờng nào. Còn sớm quá hay đã muộn quá rồi… Thật đáng sợ!".
- Thế ngài dạy sao ạ? Ngày mai lên đường chứ ạ? - Xavelits hỏi.
- Không, để ít hôm nữa đã. Lúc nào cần tôi sẽ nói. Làm phiền bác quá, bác bỏ qua cho nhé, - Piotr nói, và nhìn nụ cười của Xavelits, chàng nghĩ thầm: "Nhưng kể cũng lạ, sao bác ta lại không biết rằng bây giờ không còn có Petersburg nào hết, và trước tiên là phải làm sao giải quyết cho xong việc ấy. Vả lại chắc bác ta cũng biết nhưng giả vờ thế thôi. Nói với bác ấy chăng? Bác ta nghĩ thế nào? - Piotr tự nhủ - Không, rồi sau này sẽ nói".
Đến bữa ăn sáng, Piotr kể lại với nữ công tước Katerina rằng hôm qua chàng đến nhà công tước tiểu thư Maria và đã gặp, cô thử tưởng tượng xem gặp ai nào? - Cô Natasa Roxtova đấy.
Nữ công tước làm ra vẻ như chẳng thấy điều này có gì lạ hơn việc gặp Piotr một bà Anna Xemionovna nào đấy.
- Cô có biết cô ấy không? - Piotr hỏi.
- Tôi có gặp công tước tiểu thư, cô ta đáp - Tôi có nghe nói là họ đang làm mối tiểu thư cho bá tước Roxtov. Được việc này thì hay cho gia đình Roxtov lắm, nghe nói nhà họ khánh kiệt rồi.
- Không, cô có biết cô Roxtov không kia!
- Dạo trước tôi chỉ nghe kể lại chuyện ấy. Thật là đáng thương.
"Không, cô ta không hiểu, hoặc giả vờ không hiểu, - Piotr nghĩ - Chi bằng cũng đừng nói với cô ta nữa".
Nữ công tước cũng đang soạn thức ăn đi đường cho Piotr.
"Họ đều tốt thật, - Piotr nghĩ, - Bây giờ thì chắc hẳn là những việc ấy không còn có gì thú vị đối với họ nữa, thế mà họ vẫn làm. Và tất cả những việc đó chỉ vì ta, thế mới lạ chứ!
Hôm ấy có viên cảnh sát trưởng đến gặp Piotr đề nghị chàng cho người nhà đến điện Granovitia nhận những đồ đạc đang được hoàn lại cho các chủ nhân. "Cả anh này nữa, - Piotr nghĩ thầm trong khi nhìn gương mặt viên ảnh sát trưởng, - Thật là một viên sĩ quan đẹp trai, đáng yêu, mà lại tốt bụng quá! Bây giờ mà anh ta vẫn chịu khó lo đến những vtệc không đâu như thế. Thế mà người ta còn bảo anh ta không thật thà, anh ta lợi dụng. Anh ta đã được giáo dục như thế. Và ai cũng đều làm như thế cả. Chà, khuôn mặt mới hiền lành, dễ chịu làm sao, lại nhìn ta mà mỉm cười nữa chứ?".
Piotr đến nhà công tước tiểu thư Maria ăn bữa chiều. Đi qua các dãy phố, giữa những toà nhà bị cháy, chàng ngạc nhiên vì vẻ đẹp của cảnh hoang tàn ấy. Những ống khói, những bức tường đỏ kéo dài ra, che lấp nhau trên những khu phố cháy dở làm thành một quanh cảnh ngoạn mục gợi lại những lâu đài đổ nát trên bờ sông Ranh hoặc hí trường Coliseum hoang tàn. Dọc đường, những người xà ích và những người đi xe, những người thợ mộc đang đẽo xà nhà, những nhà bán hàng và những ông chủ hiệu, mọi người đều nhìn Piotr với gương mặt tươi roi rói, tựa như muốn nói: "A, anh ta đây rồi! Để xem kết quả sẽ ra sao đây!".
Khi bước vào nhà tiểu thư Maria, Piotr bỗng đâm ra ngờ vực không biết hôm qua có thật là mình đã đến đây đã gặp Natasa và nói chuyện với nàng không. "Có lẽ ta tưởng ra cũng nên, có thể là bây giờ ta vào nhà chẳng trông thấy ai hết". Nhưng chàng chưa kịp bước vào phòng thì cả linh hồn và thể xác chàng đều cảm thấy có nàng ở đây, vì trong khoảnh khắc chàng đã thấy mình không còn ung dung thoải mái nữa. Nàng vẫn mặc chiếc áo dài đen với những nếp gấp mềm mại; đầu chải như hôm qua, nhưng nàng đã là một người khác hẳn. Giả sử hôm qua nàng cũng như thế này thì khi bước vào phòng chàng không thể không nhận ngay ra nàng được.
Nàng bây giờ hệt như hồi chàng biết nàng, khi nàng còn là một cô bé lớn lên, rồi khi nàng là vợ chưa cưới của công tước Andrey.
Mắt nàng ánh lên vui vẻ và như dò hỏi, gương mặt Natasa dịu dàng và có vẻ gì âu yếm và tinh nghịch lạ lùng. Piotr ăn bữa chiều và đã định ngồi lại suốt buổi tối, nhưng công tước tiểu thư Maria phải đi chầu lễ chiều, nên Piotr cũng ra về một thể.
Ngày hôm sau Piotr đến sớm, ăn bữa chiều và ở lại suốt buổi tối.
Mặc dầu tiểu thư Maria và Natasa rõ ràng đều vui sướng được tiếp chàng, mặc dầu bao nhiêu hứng thú của đời Piotr nay đã tập trung vào ngôi nhà này, đến tối họ cũng vẫn chẳng còn chuyện gì để nói với nhau nữa, và câu chuyện cứ luôn luôn chuyển từ một đề tài không đâu sang một đề tài không đâu khác, và chốc chốc lại bị đứt quãng. Tối hôm ấy, Piotr ngồi lâu đến nỗi nữ công tước Maria và Natasa đưa mắt nhìn nhau, rõ ràng là băn khoăn không biết chàng đã sắp về chưa. Piotr biết thế nhưng không ra về được. Chàng thấy khó khăn ngượng ngùng, nhưng chàng vẫn ngồi, bởi vì chàng không sao đứng dậy ra về được.
Công tước tiểu thư Maria mãi không thấy chàng cáo từ, bèn đứng dậy trước và kêu nhức đầu xin đi nghỉ.
- Thế ngày mai anh đi Petersburg à? - nàng nói.
- Không, tôi không đi, - Piotr hấp tấp nói, có vẻ ngạc nhiên và dường như có ý giận. - À, đi Petersburg ấy à? Mai tôi sẽ đi, nhưng tôi chưa từ biệt hai tiểu thư. Tôi còn ghé lại xem hai tiểu thư có gửi gì không - chàng đứng trước tiểu thư Maria, mặt đỏ bừng, và vẫn không ra về.
Natasa đưa tay cho chàng rồi lui ra. Công tước tiểu thư Maria thì ngược lại, không lui ra mà lại gieo mình xuống ghế bành và đưa đôi mắt trong sáng, sâu thẳm nhìn Piotr nghiêm nghị và chăm chú.
Vẻ mệt mỏi rõ rệt của nàng lúc này đã mất hẳn. Nàng buông một tiếng thở dài nặng trĩu, dường như sửa soạn nói một câu chuyện dài.
Khi Natasa đã ra ngoài, tất cả vẻ bối rối và ngượng nghịu của Piotr biến đi trong khoảnh khắc, nhường chỗ cho vẻ phấn khích và xúc động. Chàng hấp tấp dịch ghế lại gần tiểu thư Maria.
- Vâng chính tôi cũng muốn nói với tiểu thư, - chàng nói để đáp lại cái nhìn của nàng như đáp lại một câu hỏi - Tiểu thư giúp tôi với. Tôi cần phải làm gì? Tôi có thể hy vọng được không? Tiểu thư ạ, hãy nghe tôi nói. Tôi biết hết. Tôi biết rằng tôi không xứng đáng với nàng, tôi biết nàng hiện nay không thể nói đến việc ấy được. Nhưng tôi muốn làm một người anh của nàng. Không, không phải thế… tôi không muốn, tôi không thể…
Chàng dừng lại, giơ tay lên vuốt mặt và dụi mắt:
- Thế này tiểu thư ạ, - chàng nói tiếp, hẳn là đang cố tự chủ để nói cho có mạch lạc - Tôi không biết tôi yêu nàng từ lúc nào. Nhưng tôi chỉ yêu có một mình nàng, suốt đời chỉ yêu nàng, và tôi yêu tha thiết đến nỗi tôi không thể nào hình dung một cuộc sống không có nàng được. Ngỏ lời cầu hôn bây giờ thì không dám nhưng khi nghĩ rằng có lẽ nàng có thể thành vợ tôi mà tôi lại bỏ lỡ mất: khả năng ấy khủng khiếp quá. Chị ạ, tôi cần phải làm gì?… Tiểu thư thân mến ạ, - chàng nói sau một lát im lặng và chạm vào tay nàng, vì không thấy nàng trả lời.
- Tôi đang nghĩ về việc anh vừa nói, - công tước tiểu thư Maria đáp, - Ý tôi thế này anh ạ. Anh nghĩ thế là phải, bây giờ mà nói chuyện tình yêu với Natasa… - công tước tiểu thư ngừng bặt.
Nàng muốn nói: bây giờ mà nói chuyện tình yêu với Natasa thì không thể được, nhưng nàng dừng lại, và đã ba ngày nay sự thay đổi của Natasa đã cho nàng thấy rõ rằng nếu Piotr thổ lộ tình yêu, không những Natasa sẽ không phật lòng, mà thậm chí đó còn là điều duy nhất nàng mong mỏi. Tuy vậy nàng vẫn nói:
- Bây giờ mà nói với Natasa… thì không được.
- Nhưng tôi cần phải làm gì?
Anh cứ để tôi thu xếp cho - công tước tiểu thư Maria nói - Tôi biết.
Piotr nhìn vào mắt tiểu thư Maria.
- Thế thì, thế thì…
- Tôi biết rằng cô ấy yêu… sẽ yêu anh, - tiểu thư Maria chữa lại.
Nàng chưa kịp nói hết câu thi Piotr đã đứng phắt dậy và vẻ mặt hoảng hốt, chàng nắm lấy tay tiểu thư Maria.
- Tại sao chị nghĩ như thế? Chị cho rằng tôi có thể hy vọng được ư? Chị nghĩ thế thật à?
- Vâng tôi nghĩ như thế, - tiểu thư Maria mỉm cười nói, - Anh viết thư cho hai cụ đi. Và cứ để tôi lo liệu. Có dịp tôi sẽ nói với cô ấy. Tôi cũng mong thế. Và lòng tôi đã cảm thấy rằng điều đó sẽ thực hiện.
- Không, không thể như thế được! Tôi sung sướng quá! Nhưng lẽ nào lại có thể như thế. Tôi sung sướng quá! Không, không thể được! - Piotr vừa nói vừa hôn tay tiểu thư Maria.
- Anh đi Petersburg đi, như thế tốt hơn. Tôi sẽ viết thư cho anh, nàng nói.
- Đi Petersburg ư? Vâng, tôi sẽ đi. Nhưng ngày mai tôi có thể đến đây chứ?
Ngày hôm sau Piotr đến chào hai người để lên đường. Natasa không có vẻ sôi nổi như mấy ngày trước, nhưng hôm ấy thỉnh thoảng nhìn vào mặt nàng, Piotr thấy mình như tan biến đi, chẳng còn chàng, chẳng còn nàng nữa, mà chỉ còn một niềm hạnh phúc tràn trề. "Có lẽ nào? Không, không thể được", - cứ mỗi khoé nhìn, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói của nàng Piotr lại tự nhủ, lòng tràn đầy hạnh phúc.
Khi từ biệt nàng, Piotr cầm lấy bàn tay thon gầy của nàng và bất giác giữ lại lâu lâu trong tay mình.
"Có lẽ bàn tay này, khuôn mặt này, tất cả những cái kiều diễm quý giá vô ngần trong một người đàn bà xa lạ đối với ta, có lẽ nào tất cả những cái ấy sẽ vĩnh viễn là của ta, sẽ thành một cái gì quen thuộc như bản thân ta đối với ta? Không, không thể như thế được!"
- Thôi bá tước đi nhé, - nàng nói to - Tôi sẽ nóng lòng chờ anh - nàng thì thầm nói thêm.
Và những lời đơn giản này, khoé nhìn và vẻ mặt của nàng khi nói ra những lời ấy, trong hai tháng trời đã làm một cội nguồn không bao giờ cạn của những hổi tưởng, những cách lý giải và những ước mơ êm đẹp của Piotr. "Tôi sẽ nóng lòng chờ anh. Ô, ta sung sướng quá! Làm sao thế nhỉ, ta sung sướng quá" - Piotr tự nhủ.
Chú thích:
(1) Một hí trường khán đài vòng tròn rất đồ sộ ở La Mã, ngày xưa dùng làm nơi đấu võ đua xe ngựa hoặc để thú dữ ăn thịt tội nhân cho công chúng xém. Hí trường Coliseum xây dưới hai triều Vespasien và Titus vào khoảng thế kỷ đầu Công nguyên
19.
Trong tâm hồn Piotr lúc này không thề thấy diễn ra một cái gì giống như trong thời gian chàng đính hôn với Elen, tuy hoàn cảnh có thể tưởng chừng như tương tự.
Bây giờ chàng không thầm nhắc đi nhắc lại những lời đã nói ra với một nỗi hổ thẹn da diết như dạo ấy, chàng không tự nhủ: "Ờ, tại sao ta lại không nói như thế, và tại sao, tại sao lúc ấy ta lại nói "Tôi yêu cô". Bây giờ thì trái lại, mỗi lời nói của nàng hay của chàng, Piotr đều nhắc lại trong tưởng tựng cùng với tất cả những chi tiết của gương mặt, nụ cười, và chàng không hề muốn thêm bớt gì vào đấy cả: chàng chỉ muốn nhắc lại mãi. Những nỗi ngờ vực không biết việc mình đang làm là tốt hay là xấu bây giờ không còn lấy một dấu vết nào nữa. Chỉ còn một nỗi nghi hoặc khủng khiếp thỉnh thoảng hiện lên trong tâm trí chàng. Tất cả những điều đó là chiêm bao chăng? Công tước tiểu thư Maria nhầm chăng? Ta có hợm mình và tự tin quá chăng? Ta cứ tin tưởng thế này, rồi bỗng nhiên - mà chắc rồi cơ sự phải như thế - rồi một hôm công tước tiểu thư sẽ nói với nàng, thế là nàng cười mỉm và đáp: "Lạ quá! Chắc anh ấy nhầm. Chả nhẽ anh ấy không biết rằng anh ấy là một con người, chỉ là một con người mà thôi, còn tôi? Tôi là một cái gì khác hẳn cao hơn".
Chỉ có nỗi ngờ vực ấy thường đến với Piotr. Bây giờ chàng cũng không dự tính trước điều gì cả. Chàng thấy hạnh phúc trước mắt có vẻ khó tin đến nỗi chỉ riêng điều đó thực hiện là đủ rồi, còn về sau không thể có gì khác nữa. Tất cả đều đã kết thúc.
Một trạng thái điên rồ hoan hỉ, bất ngờ mà Piotr tưởng mình không thể có được, làm chủ tâm hồn chàng. Tất cả ý nghĩa cuộc sống, không phải đối với mình chàng mà đối với cả thế giới chàng thấy đều bao hàm trong tình yêu của chàng và cái khả năng được nàng yêu lại. Đôi khi chàng có cảm tưởng mọi người đều chỉ bận tâm nghĩ đến một điều duy nhất: hạnh phúc tương lai của chàng.
Đôi khi chàng có cảm tưởng họ cũng vui mừng như chính chàng, chẳng qua họ cố che giấu nỗi vui mừng đi và giả vờ như đang bận lo đến những việc khác mà thôi. Trong mỗi lời nói, mỗi cử chỉ chàng đều thấy họ có ý ám chỉ đến hạnh phúc của chàng. Chàng thường làm cho những người gặp chàng phải ngạc nhiên vì những cái nhìn và nụ cười sung sướng đầy ý nghĩa biểu lộ sự thoả thuận thầm kín giữa chàng và họ. Nhưng những khi chàng hiểu rằng người ta có thể không biết đến hạnh phúc của chàng, chàng thành tâm thương hại họ và muốn tìm cách cắt nghĩa cho họ rằng tất cả những điều đang khiến họ bận tâm đều là những điều hoàn toàn nhảm nhí, vô nghĩa, không đáng cho họ lưu ý.
Những khi người ta đề nghị chàng ra làm việc nhà nước, hoặc những khi người ta bàn luận những vấn đề chung chung về tổ quốc, về chiến tranh, làm như là hạnh phúc của mọi người đều lệ thuộc vào kết quả này nọ của các biến cố, chàng lắng nghe với: một nụ cười thương hại dịu dàng và làm cho những người nói chuyện với chàng phải ngạc nhiên vì những lời nhận xét kỳ quặc của chàng.
Nhưng dù là những người mà Piotr cho là hiểu rõ ý nghĩa chân chính của cuộc sống - tức là tình yêu của chàng - hay là những kẻ bất hạnh hiển nhiên không hiểu nổi điều đó cũng vậy, trong thời gian ấy mọi người đều hiện ra trước mắr chàng dưới ánh hào quang của cái tình cảm đang chói lọi trong lòng chàng, cho nên hê gặp người nào, là chàng thấy rõ ngay, không phải cố gắng một mảy may nào, tất cả những gì tốt đẹp và đáng mến trong con người đó.
Xem xét những công việc và giấy tờ của người vợ quá cố, chàng không thấy có cảm xúc gì ngoài lòng thương hại đối với nàng, vì nàng không biết cái hạnh phúc mà chàng đang được hưởng. Công tước Vaxili, bấy giờ đang rất hãnh diện vì mới được thăng chức và được thưởng bội tinh, chàng lại thấy là một ông già tốt bụng hiền lành, đáng thương.
Về sau. Piotr hay nhớ lại thời gian điên rồ đầy hạnh phúc này. Tất cả những điều phê phán của chàng về người và việc trong thời gian ấy, mãi mãi về sau chàng vẫn thấy là đúng. Về sau không những chàng không từ bỏ cách nhìn ấy đối với người và ưiệc, mà trái lại trong những lúc ngờ vực và mâu thuẫn nội tâm, chàng còn tìm đến cách nhìn của chàng trong thời gian điên rồ ấy, và cách nhìn ấy bao giờ cũng tỏ ra đúng đắn.
"Có lẽ hồi ấy ta có kỳ quặc buồn cười thật, - chàng thường nghĩ, nhưng hồi ấy ta không đến nỗi điên rồ như họ có thể tưởng. Trái lại, hồi ấy ta thông minh và sắc sảo hơn lúc nào hết, và hiểu được tất cả những gì đáng hiểu trong cuộc sống, bởi vì hồi ấy ta sung sướng". Sự điên rồ của Piotr là ở chỗ chàng không chờ đợi tìm thấy như trước kia những lý do cá nhân, mà chàng gọi là giá trị của con người rồi sau mới yêu mến họ, mà tình yêu mến tràn ngập lòng chàng, chàng yêu mọi người một cách vô cớ, và tìm thấy những lý do chắc chắn khiến cho họ xứng đáng được yêu mến.
Phần ...
Phần ...
Phần ...
@by txiuqw4