sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Phần XVI : Chương - 6 -7

Đầu mùa đông, công tước tiểu thư Maria đến Moskva. Nhờ những tin đồn đại trong thành phố, nàng biết tình cảnh gia đình Roxtov và việc người con trai "hi sinh cho mẹ" - trong thành phố người ta vẫn nói như vậy.

"Mình vẫn biết chàng không thể nào khác được" - tiểu thư Maria tự nhủ, lòng vui sướng cảm thấy rõ hơn bao giờ hết mình yêu chàng. Hồi tưởng lại những quan hệ thân mật và gần như ruột thịt với tất cả gia đình, nàng cho rằng mình có bổn phận phải đến thăm họ. Nhưng khi nhớ đến những quan hệ với Nikolai ở Voronez nàng lại càng đâm sợ không dám đến. Tuy vậy mấy tuần sau khi đến Moskva, nàng cố gắng tự nhủ, và đến nhà Roxtov. Nikolai là người đầu tiên ra đón nàng, vì muốn đến phòng bá tước phu nhân phải đi qua phòng chàng. Thoạt mới nhìn chàng, gương mặt Nikolai chẳng hề lộ vẻ gì vui mừng như tiểu thư Maria hằng mong đợi, mà lại có vẻ lạnh lùng, khắc khổ và kiêu hãnh, điều mà trước đây nàng không bao giờ thấy ở chàng. Nikolai hỏi thăm sức khoẻ của nàng, đưa nàng đến gặp mẹ, và sau khi ngồi năm phút chàng bỏ ra ngoài.

Khi công tước tiểu thư ở phòng bá tước phu nhân đi ra, Nikolai lại tiếp nàng và đưa nàng ra ngoài với một thái độ đặc biệt khách khí và lãnh đạm. Chàng không nói một lời nào để đáp lại những nhận xét của nàng về sức khoẻ của bá tước phu nhân. "Việc này có quan hệ gì đến cô kia chứ? Cô cứ mặc xác tôi" - cái nhìn của chàng như muốn nói.

- Cô ta lảng vảng đến đây làm gì? Cô ta cần cái gì kia chứ? Tôi không chịu nổi các bà tiểu thư với những thái độ ân cần ấy!

Chàng nói to lên với Sonya, hẳn là không sao nén nổi bực tức, sau khi công tước tiểu thư đã ra khỏi nhà mình.

- Sao anh lại nói như vậy, anh Nikolai - Sonya nói, chật vật lắm mới giấu nổi niềm vui sướng trong lòng - Cô ấy tốt thế, mẹ quí cô ấy lắm kia mà!

Nikolai không đáp. Chàng chỉ muốn đừng ai nói gì đến công tước tiểu thư nữa. Nhưng từ khi nàng đến thăm, lão bá tước phu nhân mỗi ngày lại mấy lần nhắc đến nàng.

Phu nhân khen ngợi nàng, bảo con trai đến thăm nàng, tỏ ý muốn gặp nàng luôn, nhưng đồng thời bao giờ cũng tỏ ra bực bội mỗi khi nói đến nàng.

Nikolai cố gắng lặng thinh khi phu nhân nói đến công tước tiểu thư, nhưng thái độ yên lặng của chàng làm cho phu nhân phát bẳn.

- Tiểu thư là một cô gái rất đứng đắn và rất đáng yêu, - phu nhân nói - Con phải đến thăm đáp lễ chứ. ít nhất con cũng sẽ được gặp gỡ chuyện trò với một người, chứ không cứ suốt ngày ở nhà với mẹ và Sonya thế này, mẹ chắc con buồn lắm.

- Nhưng con không muốn chút nào mẹ ạ.

- Trước đây con muốn gặp, thế mà bây giờ con lại không muốn. Mẹ chẳng hiểu con nghĩ ra làm sao cả con ạ. Khi thì con buồn chán, khi thì con bỗng dưng không muốn gặp ai cả.

- Nhưng con có nói là con buồn chán đâu?

- Ô kìa con vừa nói là con không muốn gặp tiểu thư nữa đấy thôi. Tiểu thư là một cô gái rất đứng đắn và xưa nay con vẫn có thiện cảm với tiểu thư, ấy thế mà đột nhiên lại có những lí do gì. Cái gì người ta cũng giấu mẹ.

- Giấu giếm gì đâu, thưa mẹ.

- Nào mẹ có bảo con làm việc gì khổ sở cho cam, đằng này mẹ chỉ xin con đến thăm tiểu thư. Phép lịch sự cũng đòi hỏi như vậy Mẹ đã xin con nhưng bây giờ mẹ không can thiệp vào đấy nữa, một khi con đã có những điều cần giấu mẹ.

- Thôi mẹ đã muốn thế thì con sẽ đi.

- Mẹ thì thế nào cũng được, mẹ muốn là muốn cho con.

Nikolai thở dài, cắn ria mép và đem bài ra sắp để cho mẹ nghĩ sang việc khác.

Ngày hôm sau và hai ngày kế tiếp theo, cũng cuộc nói chuyện này giữa hai mẹ con lại được tái diễn.

Sau khi đến thăm gia đình Roxtov và được Nikolai tiếp một cách lạnh nhạt không ngờ, công tước tiểu thư Maria tự nhủ rằng trước đây mình không muốn đến gia đình Roxtov trước là phải. "Ta đã biết từ trước - Nàng tự nhủ, cầu cứu đến lòng tự trọng của mình - Ta không hề để ý gì đến chàng cả, chỉ muốn thăm lão bá tước phu nhân vì phu nhân xưa nay vẫn tử tế với ta và ta chịu ơn phu nhân nhiều".

Nhưng những điều suy luận ấy làm nàng yên tâm: một tình cảnh giống như hối hận cứ dằn vặt nàng, khi nàng nghĩ đến cuộc đi thăm. Mặc dầu đã quyết định dứt khoát không đến thăm gia đình Roxtov nữa và quên hết mọi chuyện, nàng vẫn luôn luôn cảm thấy mình ở trong một tình trạng mập mờ và khi tự hỏi cái gì đang dằn vặt mình, nàng phải thú nhận rằng đó là những mối quan hệ giữa nàng với Roxtov. Giọng nói lạnh lùng, lễ phép của chàng không phải xuất phát từ tình cảm của chàng đối với nàng (nàng biết rõ như vậy) giọng ấy che dấu một điều gì đấy. Điều đó nàng cần phải hiểu rõ, và nàng cảm thấy không sao yên tâm được khi chưa hiểu được điều đó

Một hôm, vào giữa mùa đông, khi nàng đang ngồi trong phòng học của đứa cháu trai theo dõi buổi học của nó, thì người nhà vào báo có Roxtov đến. Với ý định nhất quyết không để lộ điều bí ẩn của lòng mình, và không tỏ ra xúc động, nàng gọi cô Burien và cùng cô ta bước ra phòng khách:

Mới thoạt nhìn gương mặt của Nikolai, nàng đã thấy ngay rằng chàng đến đây chỉ là đáp lễ và nàng quyết định cũng tiếp chuyện với cái giọng khách khí mà chàng đã dùng để nói với nàng. Hai người nói chuyện về sức khoẻ của bá tước phu nhân, về những người quen chung, về những tin tức cuối cùng của chiến sự, và sau thời hạn mười phút mà phép xã giao đòi hỏi khách phải ngồi nói chuyện rồi mới có thể ra về, Nikolai đứng dậy cáo từ.

Công tước tiểu thư, với sự giúp đỡ của cô Burien nãy giờ đã giữ cho câu chuyện được liên tục, nhưng đến phút cuối cùng, khi chàng đứng dậy, nàng cảm thấy mệt mỏi vì phải nói đến những điều mà mình chẳng hề quan tâm, và ý nghĩ không biết tại sao cuộc đời lại dành cho nàng ít niềm vui như thế lôi cuốn nàng đến nỗi trong lúc lơ đãng, đôi mắt trong sáng của nàng thẫn thờ nhìn về phía trước, nàng ngồi im lìm không thấy rằng, chàng đã đứng dậy.

Nikolai nhìn nàng, và muốn làm như không nhận thấy vẻ thẫn thờ của nàng, chàng nói mấy câu với Burien, rồi lại liếc nhìn công tước tiểu thư. Nàng vẫn ngồi yên như cũ và gương mặt dịu dàng của nàng lộ vẻ đau đớn. Đột nhiên, chàng cảm thấy thương hại nàng và có một cảm giác mơ hồ rằng có lẽ chính mình đã gây nên vẻ đau buồn đang hiện rõ trên gương mặt nàng. Chàng muốn giúp đỡ nàng, muốn nói với nàng một đôi lời ôn tồn, nhưng chàng không sao nghĩ ra được một điều gì để nói.

- Xin chào công tước tiểu thư, - Chàng nói.

- À xin lỗi, - Nàng nói như vừa sực tỉnh - Bá tước về rồi sao, thôi xin chào bá tước vậy! Nhưng còn cái gối của phu nhân.

- Xin đợi một lát để tôi đem lại ngay - Cô Bunen nói đoạn bước ra khỏi phòng.

Hai người im lặng, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn nhau.

- Vâng, thưa tiểu thư - Cuối cùng Nikolai nói, miệng mỉm cười buồn bã - Tôi cảm thấy hình như việc mới xảy ra gần đây thôi, ấy thế mà bao nhiêu nước đã chảy qua cầu từ khi chúng ta gặp nhau lần đầu ở Bogutsarovo. Lúc bấy giờ chúng ta hình như đều gặp cảnh gian nan, nhưng tôi sẽ chịu trả một giá rất đắt để cái thuở ấy trở lại. Nhưng không thể quay về dĩ vãng được.

Công tước tiểu thư đưa đôi mắt trong sáng nhìn đăm đăm vào mặt chàng trong khi chàng nói. Hình như nàng đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa bí ẩn của những lời chàng nói, vì ý nghĩa ấy sẽ có thể nói rõ tình cảm của chàng đối với nàng.

- Vâng, vâng, - Nàng nói, - Nhưng bá tước không nên luyến tiếc thời đã qua, theo như tôi được biết về cuộc sống hiện tại của bá tước thì sau này bá tước sẽ phải hài lòng mỗi khi nghĩ đến nó, bởi vì tấm lòng hy sinh của bá tước hiện nay.

- Tôi không dám nhận những lời khen ngợi của tiểu thư - chàng vội vã ngắt lời nàng - Trái lại, tôi vẫn luôn luôn tự trách mình, nhưng đó là một câu chuyện chẳng có gì thú vị và vui vẻ.

Rồi nét nhìn của chàng lại trở lại khắc khổ và lạnh lùng như trước. Nhưng công tước tiểu thư đã gặp lại chàng ở con người mà nàng biết và đã yêu, bây giờ nàng chỉ nói với con người ấy.

- Trước đây tôi cứ tưởng bá tước cho phép tôi nói điều đó với bá tước - nàng nói - tôi đã được gần gũi bá tước và gia đình bá tước, nên tôi trộm nghĩ rằng bá tước sẽ không cho lòng thông cảm của tôi là đúng chỗ, nhưng tôi đã lầm, - Giọng nàng bỗng run run - Tôi không hiểu tại sao - nàng trấn tĩnh lại và nói tiếp, - trước kia bá tước khác và.

- Có hàng ngàn lý do tại sao (chàng đã biết nhấn mạnh chữ này). Tôi cảm ơn tiểu thư, - chàng hạ thấp giọng nói khẽ - Đôi khi cũng rất khổ.

"À ra chỉ vì thế! Lý do là vì thế! Một tiếng nói đâu từ bên trong tâm hồn tiểu thư Maria vang lên - Không, ta yêu chàng không phải chỉ vì vẻ đẹp bên ngoài, ta đã đoán thấy cái tâm hồn cao quý, bây giờ chàng nghèo, mà ta thì giàu. Phải, đó là lý do duy nhất. Phải, nếu không có điều đó".

Rồi nàng sực nhớ đến thái độ dịu dàng của chàng ngày trước, và bây giờ, nhìn gương mặt trung hậu và rầu rĩ của chàng, nàng chợt hiểu tại sao chàng lại lãnh đạm với mình.

- Tại sao, bá tước, tại sao? - Nàng bất giác gần như kêu lên và bước lại gần chàng - Xin bá tước cho tôi biết tại sao. Bá tước phải cho tôi biết.

Chàng im lặng.

- Bá tước ạ, tôi không hiểu tại sao bá tước… - Nàng nói tiếp - Nhưng tôi thấy khổ tâm, tôi… tôi xin thú thật. Vì một lý do mà tôi không được biết, bá tước muốn làm cho tôi mất tình bạn của bá tước ngày xưa. Và điều đó làm cho tôi đau xót.

Mắt nàng rưng rưng và giọng nói nghẹn ngào.

- Đời tôi rất ít được hạnh phúc, nên mỗi tổn thất đều làm tôi đau khổ… Xin bá tước bỏ qua cho, xin chào bá tước. - Và nàng bỗng khóc rưng rức, bước ra khỏi phòng.

- Tiểu thư! Khoan đã, trời ời! - Chàng kêu lên, tìm cách giữ nàng lại. - Tiểu thư!

Nàng ngoảnh lại. Trong mấy giây họ nhìn nhau yên lặng, mắt nhìn vào mắt, và đột nhiên cái xa xôi, cái không thể bỗng trở nên gần gũi, có thể có được và không sao tránh khỏi.

7.

Mùa thu năm 1814, Nikolai cưới công tước tiểu thư Maria và cùng với vợ, mẹ và Sonya dọn đến ở Luxye Gorư.

Sau ba năm, không phải bán chác gì trong gia sản của vợ, chàng đã trả hết món nợ còn lại và sau khi thừa hưởng một gia tài nhỏ của người chị em mới chết để lại, chàng còn trả được số tiền vay của Piotr nữa.

Ba năm sau nữa, 1820, Nikolai khéo thu xếp công việc tiền nong đến nỗi chàng đã mua được một điền trang nhỏ gần Lưxye Gorư và đang điều đình chuộc lại điền trang Otradnoye của cha chàng, điều ước mơ thiết tha nhất của chàng.

Sau khi bắt tay vào cai quản điền trang vì hoàn cảnh bắt buộc, chẳng bao lâu chàng đã say mê nghề nông đến nỗi nghề đó đã trở thành công việc thích thú nhất và gần như là công việc duy nhất của chàng.

Nikolai là một trang chủ giản dị, chàng không thích cải cách, đặc biệt là những cải cách theo lối Anh lúc bấy giờ đanh thịnh hành, chàng chế nhạo những tác phẩm lí luận về canh nông - không thích những trại ngựa giống, không thích những sản vật đắt tiền, không thích gieo những giống lúa đắt tiền, và nói chung không chú ý riêng đến một bộ phận nào trong nông nghiệp. Trước mắt chàng bao giờ cũng là toàn bộ cái điền trang chứ không phải một bộ phận riêng biết nào của nó. Và ở đó trong điền trang cái chính không phải là chất đạm, cũng không phải là chất dưỡng khí của đất và của không khí, không phải là một kiểu lưỡi cày hay một thứ phân mới, mà là cái công cụ chủ yếu thông qua đó chất đạm, dưỡng khí, phân bón cũng như lưỡi cày có tác dụng, tức là con người nông dân lao động. Khi Nikolai bắt tay vào quản lý cơ ngơi và bắt đầu khảo sát từng bộ phận một của nó, thì người nông dân đặc biệt khiến chàng chú ý, đối với chàng người nông dân không những là một công cụ mà còn là mục đích và là người quan toà nữa. Thoạt tiên, chàng quan sát người nông dân, cố gắng tìm xem họ cần gì, họ cho cái gì là xấu cái gì là tốt chàng giả vờ chỉ dẫn và sai khiến, nhưng kỳ thực, chàng chỉ học nông dân, học những cách làm của họ, ngôn ngữ của họ và cách họ phán đoán cái gì là tốt, cái gì là xấu. Và mãi đến khi chàng đã hiểu những thị hiếu và những mong muốn, hoài bão của nông dân, đến khi chàng biết nói cái ngôn ngữ của họ và hiểu được cái ý nghĩa kín đáo của nó, đến khi chàng cảm thấy mình đã là một người thân đích thực của họ, lúc bấy giờ chàng mới bắt đầu điều khiển họ một cách mạnh dạn, tức là chấp hành cái nhiệm vụ mà nông dân đòi hỏi ở chàng. Và cách quản lí của Nikolai đã đưa đến những kết quả hết sức tốt đẹp.

Vừa bắt tay vào việc cai quản điền trang, Nikolai đã chỉ định ngay những người làm quản lí, thôn trưởng, đại biểu và nhờ một thứ thiên bẩm nào đấy chàng chọn không sai một người nào: đó chính là những người mà bản thân nông dân cũng sẽ lựa chọn nếu được quyền lựa chọn, và chàng không bao giờ phải thay đổi những người này. Trước khi phân tích những thành phần hoá học của phân, trước khi đi sâu vào các "trái khoán" và "tín dụng" (như chàng vẫn thích nói với một giọng giễu cọt), chàng điều tra số gia súc của nông dân và tìm mọi cách đề tăng số gia súc này lên. Chàng tìm cách làm cho nông dân duy trì đại gia đình, không để cho họ phân tán ra. Chàng trục xuất những kẻ lười biếng, phóng đãng, yếu ớt và cố xua đuổi họ ra ngoài điền trang.

Lúc gieo hạt, cắt cỏ hay gặt lúa mì chàng chú ý đồng đều đến ruộng của mình và ruộng của nông dân, không chút thiên vị. Và ít có trang chủ nào mà ruộng được gieo và được gặt hái nhanh, tốt và thu hoạch được nhiều như Nikolai.

Chàng không thích có quan hệ gì với gia nhân, chàng gọi họ là bọn ăn bám và, như mọi người đều nói, chàng để họ quá phóng túng và quá nuông chiều họ, khi có việc cần phải xử trí đối với một gia nhân nào đó, nhất là khi cần phải trừng phạt thì chàng thường lưỡng lự và hỏi ý kiến mọi người trong nhà: nhưng khi nào có thể cho một gia nhân đi lính thay cho một nông dân thì chàng làm ngay, không chút do dự. Bất cứ một điều cắt đặt nào của chàng - chàng cũng biết như vậy - cũng sẽ được mọi người tán thành chỉ trừ một hay vài người nào đấy.

Chàng không cho phép mình bắt ai làm việc quá nhiều hay xử phạt người ta chỉ vì ý thích riêng, cũng như không giảm nhẹ công việc cho ai và ban thưởng cho người ta chỉ vì đó là sở thích cá nhân của mình. Chàng không thể nào nói rõ tiêu chuẩn gì cho phép chàng phân định cái gì nên làm và cái gì không nên làm, nhưng trong tâm trí chàng thì tiêu chuẩn ấy rất vững chắc và bất di bất dịch.

Khi có việc gì hư hỏng hay rối ren chàng thường nói một cách bực bội: "Với dân Nga ta", và chàng tưởng tượng mình không chịu nổi người mu-gich.

Nhưng chàng lại yêu mến hết sức thiết tha người "dân Nga ta" ấy và cách sống của họ, và chính vì vậy nên chàng hiểu và nắm được cách kinh doanh duy nhất có thể đưa đến những kết quả tốt.

Bá tước phu nhân Maria ghen với tình yêu này của chàng và lấy làm tiếc rằng mình không được tham dự vào đó: nhưng nàng không thể nào hiểu niềm vui sướng và những nỗi buồn bực mà cái thế giới kia, một thế giới riêng biết, xa lạ đối với nàng, có thể đưa đến cho chàng. Nàng không hiểu nổi vì sao chàng lại đặc biệt phấn chấn và sung sướng đến thế, khi thức dậy từ sớm tinh mơ, suốt buổi sáng ở ngoài đồng hay trên sân đập lúa, rồi trở về uống trà với nàng sau khi đi coi nông dân gieo hạt, cắt cỏ hay gặt lúa.

Nàng không hiểu cái gì làm cho chàng hồ hởi đến thế khi chàng nói chuyện say sưa về anh nông dân giàu Matvey Ermisin chí thú đã suốt đêm cùng gia đình lo chuyên chở lúa về, và trong khi chưa ai gặt cả thì rơm anh ta đã chất thành đụn. Nàng không hiểu tại sao chàng lại vui sướng như vậy trong khi đi đi lại lại từ cửa, sổ đến bao lơn, mỉm cười đưới bộ râu mép và nheo nheo con mắt khi một trận mưa nhỏ ấm và nặng hạt rơi trên những mầm yến mạch đã khô héo, hay tại sao khi một đám mây đến đáng sợ bị gió thổi bạt đi vào lúc làm cỏ hay gặt hái. Nikolai ở sân đập lúa về, mặt đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại, tóc sực mùi ngải đắng và mùi bạc hà, vừa vui vẻ xoa tay vừa nói: "Ấy cứ cho một ngày nữa thôi là tất cả mùa màng của ta và của dân cày đều sẽ vào kho hết".

Nàng lại càng không hiểu tại sao con người tốt bụng và luôn luôn sẵn sàng đón trước những điều nàng muốn như chàng, lại nổi cáu lên khi nàng mở miệng xin hộ cho một người nông dân được nghỉ việc, tại sao anh Nikolai tốt bụng lại một mực cự tuyệt và giận dữ yêu cầu nàng đừng xen vào những việc không là việc của mình. Nàng cảm thấy chàng có một cái thế giới riêng, được chàng yêu tha thiết, trong đó có những quy luật riêng nào đấy mà nàng không hiểu.

Đôi khi, trong lúc cố gắng hiểu chàng, nàng nói đến những điều thiện mà chàng đang làm cho những người thuộc hạ, thì chàng nổi sung lên nói: "Hoàn toàn không phải thế, không bao giờ tôi có ý nghĩ như thế, tôi làm như vậy không phải cốt để cho họ sướng đâu. Tất cả những chuyện làm điều thiện cho đồng loại kia chỉ là chuyện thơ mộng viển vông, chuyện đàn bà. Điều tôi cần là làm sao cho con cái tôi đừng phải bị gậy lên đường, tôi phải tổ chức cho chu đáo cái cơ ngơi của nhà ta trong khi tôi còn sống, chỉ có thế thôi. Và muốn thế cần phải có trật tự, cần phải nghiêm khắc thế đấy!" - chàng nói, bàn tay lực lưỡng nắm chặt lại. "Và cần phải công bằng nữa, cố nhiên. - Chàng nói thêm, - vì nếu người nông dân đói rách và chỉ có một con ngựa khổ thôi thì hắn không thể nào làm việc cho hắn và cũng không thể nào làm việc cho tôi được".

Và chính vì Nikolai không cho phép mình nghĩ rằng làm một điều vì cho những người khác vì nhân nghĩa, cho nên tất cả những việc chàng làm đều có kết quả, tài sản của chàng tăng lên nhanh chóng, nông dân những vùng lân cận đến yêu cầu chàng mua họ và một thời gian dài sau khi chàng chết, nhân dân còn giữ một kỷ niệm trân trọng về cách cai quản của chàng. "Thật là một ông chủ của nông dân trước đã, rồi sau mới đến mình. Nhưng cũng không phải là tay nhu nhược đâu. Tóm lại - thật là một ông chủ!".

Phần ...

Phần ...

Phần ...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx