sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương V -

Chợ lèo tèo ngay giữa phố, gió lùa đùng đùng. Bánh ngô, bánh đúc bị táp cát, ăn nhai cả sạn, thì vẫn ăn thế. Một chốc chợ tan, các cọc lêu được nhổ lên, đàn vịt lại uà vào rúc cái bãi trống. Chỉ còn lại một hiệu ảnh người xúm đông xúm đỏ xem bác phó nháy lúi húi tô màu. Khách chụp ảnh thích ngồi ghế, môi má tô màu đỏ, áo hồng sau lưng có phông chậu hoa và hồ Hoàn Kiếm.

Trong kháng chiến, bộ đội tỉnh đã tấn công san bằng bốt Diêm Điền, không biết bốt ở chỗ nào. Chắc hỏi thì cái Hến, thằng Toàn cũng chẳng biết. Tây về đóng lại, xây đồn sang Quang Lang. Một lần xuống khu Ba công tác hậu địch đồng bằng sông Hồng, Hoàng Trung Thông- tổ trưởng Thông của chúng tôi đã đi với đoàn cán bộ vào tận Quang Lang này. Thông kể: Quang Lang có tề hai mang, ngày ở hầm, tối lên gặp và họp với cán bộ cơ sở, ngay cạnh đồn. Trông ra biển, ngọn hải đăng Hòn Dáu và đèn điện bên Đồ Sơn nhấp nháy. Hoàng Trung Thông đã bí mật ở Quang Lang cả tháng. Khi trờ ra, đóng vai người thuyền buôn các nơi về chợ Diêm.

Đã toan kể cho Toàn và Hến nghe chuyện bác Thông hồi còn bốt Tây, đã công tác bí mật vào Quang Lang, Diêm Điền. Nhưng lại thôi. Bấy giờ chúng họ chắc mới chập chững biết đi, hay là chưa sinh. Cái lạ, chúng nó sắp cưới mà từ lúc đi đen xẩm tối về, toàn nói trống không, nhát gừng rồi lẳng lặng, như phải khó chịu đi với nhau. Hay là tôi không hiểu và tôi làm chúng nó ngại. Tôi về kể cho ông Ngải nghe tổ trưởng Thông đã vào công tác tận bốt Quang Lang. Ông Ngải nói: “Việt Minh cao cấp đi bợm nhỉ? "

Bỏ một buổi lấy lá ủ phân, hôm sau lại ra gò ngoài tha ma sớm. Quản đã về nhanh hơn mọi khi, Quán ra bờ ràọ đỡ tôi ngắt lá, cắt dây. Các bờ rào gần đã kiệt lá, phải đi kiếm những gò xa.

Tôi hỏi Quán:

- Gặp may thế nào mà về sớm thế?

Quán quẳng cái gánh không xuóng tử nãy.

- May rủi quái gì, ra muộn, hết sạch.

- Thức đêm mò mẫm ả nào, con Vĩnh hay con Răm?

- Cái con khỉ khô. Ngủ say quá, sáng nào cũng phải nhờ chủ nhà gọi. Không khí trong lành mà.

Rồi Quán kể lể:

- Anh không biết cái lệ trong làng chỉ có ông già, bà già mới đi gắp phân. Các cố ít ngủ, từ gà gáy đã chực đấy. Con trâu vừa cho ra, các cố chiếm ngay. Mấy bãi thì cắm que giữ sẵn. Thanh niên ở đây không đi hót cứt, dù là cứt trâu.

Tôi lên giọng:

- Chúng ta đi lao động thì việc nào cũng bằng nhau.

Tôi nghĩ sẵn: Thằng này lại sắp chơi mình một câu đại khái anh thử đi gắp cứt như tôi xem việc bằng nhau thế nào. Nhưng Quán giơ tay, cười cười:

- Mưu Gia Cát! Gia Cát Khổng Minh Phùng Quán đương tính ra một kế tuyệt diệu.

Những hôm sau, tôi cũng không hỏi Quán có tranh được phân trâu hay không. Cái hố gần đầy, được hay chẳng được cũng thế, chúng tôi đủng đỉnh buổi đực buổi cái. Quán gánh về hai sọt nhoe nhoét bủn.

Tôi hỏi thờ ơ:

- Bùn à?

Quán đặt gánh, giơ tay cắt nghĩa:.

- Anh đừng coi bùn là xoàng nhé. Bùn khác đất vách, bủn mà ngấu với lá làm phân xanh thì tốt bằng mười đất vách bồ hóng nhà ông Ngải.

- Sao cậu biết?

Quán trợn mắt:

- Anh viết văn phải giàu tưởng tượng lăm, mà anh chưa phân tích được bùn là cứt tháo tỏng của ông trời, cứt của trời ném xuống thì nhất định hảo hạng rồi. Nói đùa chứ tôi đã đi hỏi nhiều người bảo bùn khá.

Rồi Quán lại lấy phân của trời hay phân trâu, phân giun dế, không biết. Những cái dây leo mà mỗi hôm tôi ôm về, dây mồng tơi, dây tơ hồng, dây lạc tiên, dứt mãi cũng quang cả. Ngoài tha ma gò đống mồ mả trụi hết, phải ra bờ tre đầu đồng. Cái hố của chúng tôi đã cao lùm lùm, lổn nhổn nhoét bùn, đắp ôm lá lên, xanh rã rượi như cái mả mới. Tôi bàn phải đào cái bố khác.

Nhưng Quán gàn:

- Khoan, khoan đã. Hố này cũng chưa biết tiêu thụ thế nào. Hẵng đợi chỉ thị của tổ trưởng. Mà gặt hái xong, hợp tác còn khối việc mó. Ta giúp bà con làm gì hơn là làm mãi cái con khỉ này.

Quả là Quán thạo và thiết thực nhiều. Sáng kiến của tôi đem bỏ sọt ngay được. Những dự định tìm hiểu vùng này cho ra tấm ra miếng, tôi đem cả sổ tay đi mà đã làm được đâu.

Vào bên búi tre lép tôi đứng lại. Giống như ông Ngải. Và ông Ngải ngồi tựa lưng vào thân tre từ bao giờ. Hai ống chân lấm bùn đã cọ đen nhoáng. Ông này chân tay bắt nắng mà mặt lúc nào cũng bềnh bệch, nắng không bắt, tôi lại so sánh. Như da mặt ông Phan Khôi thật. ở trong bếp, cái Hến đưong vùi nồi cá kho, món ăn làm tốn cơm nhất với tôi. Không đâu kho cá ngon bằng đây. Kể cả món cá chuối kho khan, rắn đanh lại lúc ăn phải vắt chanh, như ở Đại Hoàng quê Nam Cao ngày trước, cũng không dễ ăn hơn. Hay là vì cả tháng độc có cơm với muối rang mỡ ngỡ thế. Người đi làm đồng về, trong cái rỏ đeo lưng, được con săn sắt, con lươn, con rắn nước, mùa mưa thì xuống ruộng tràn chộp con rô., con chạch, đem mổ moi ngoài câu ao rồi bỏ và o cái nồi đất với củ riềng để cả tảng ướp muối một lượt. Nồi chát bùn miết kín mép vung. Gạt mấy ông đầu rau ra, đặt nồi giữa bếp, quấn rơm rồi đắp ụ tro quanh. Ninh suốt đêm, đến bữa mới bưng ra, con cá, con rắn xương đã nục nhủ bột.. Thơm thế, bùi thế.

ông Ngải hỏi:

- Hôm qua xuống chợ Diêm mua được gì không?

- ăn cái bánh đúc ngô.

ông Ngải lại hỏi:

- Đám lá phân xanh đã trương lên mặt hố. Bao giờ ông Thông đến thu?.

- Chẳng thu đâu, ông ạ.

- Thế thì các anh ủ phân làm gì?

- Học tập lao động ấy mà.

Rõ buồn cười.

- Thật đấy ạ.

- Vậy để cho tôi. à hỏi xin ông Thông đã chứ.

Tôi nói:

- Bác Thông cũng chẳng biết đổ đi đâu. Ông cứ lấy.

ông Ngải rỡ đất tường bồ hóng ra san lấp lên đống lá mùng tơi đã óp xuống rồi xúc thêm bùn ao phủ lên, như miết bùn nồi cá kho. Ông bảo làm thế cho thật kín, phân ngấu đều, ra giêng hai ông đem một gốc chè chiết cắm vào, chỉ một năm nhất định ra lá. Thế là nhóm tôi xong được công tác cái hố ủ phân.

Kể ra thì khối việc của hợp tác, ngày nào chả có việc, như Quán nói- nghề nông quánh năm lắm việc, nghĩ ra mà làm chứ đâu có nông nhàn trong tưởng tượng, trong sách vở. Nhưng bây giờ toàn việc chẳng bận đến chúng tôi. Các tổ hợp tác vẫn gay go cung cách chia bôi. Gặt hết rồi, chỉ còn một ít dự. Nhưng những đống thóc đã kéo xong vẫn còn chất rải rác, ngày ngày có người đến phơi rồi vun lại, vạch vôi đánh dấu. Lão “củ soát” Ngải đảo lại mấy lần nhòm nhòm ngó ngó. Thóc phơi sân nhà mình mà không phải của mình, nghĩ tức lộn ruột. Đã đành được cân tạm về ăn, nhưng chưa tính rành rẽ, những thắc mắc cứ nặng nề thêm. Các bà nhiều lo hơn, cứ nhà nọ thậm thụt sang nhà kia. Chẳng biết có phải người chồng đã nhòm trộm sổ kế toán, về bảo vợ: “Vài ba điểm được mấy cân thóc chết tiệt, phen này bán sới, bị gậy đi kiếm phương khác thôi! ”. Chủ nhiệm Sự nói ang áng: “Số công điểm là thế, là thế, lo con bò trắng răng a! ”. Người ta vặn là thế là thế, là thế nào... Sự cũng lúng túng không biện bạch kiểu “đến mai lại đúng” được. Vợ chi uỷ Quốc chì chiết chồng thâu đêm. Mọi năm, quây cót chật buồng ra kín thềm hè, năm nay thóc đi đâu, thóc còn lang thang sân nhà người ta. Đến tối, Sự vào nhà kế toán, mở sổ ra, cộng trừ tính, càng rối xoè mù mịt. Vợ Sự vẫn giữ một miếng ruộng ngoài, nhưng chẳng dứt nghiến ngả chồng: bỗng dưng sinh ra cái hợp tác, chỉ phá rối.

Từ hôm có kế hoạch đổ thóc ra phơi nốt một nắng rồi dồn lại sắp chia thì cũng đỡ ồn. Nhưng lúc nào cũng lại nẩy ra lắm cái lôi thôi, lung tung khác. Mấy con gà của nhà Sự ăn thóc đến nghẹn tắc cổ. Sự tưởng gà lên cơn giật chết dây. Đến lúc con gà trống cong cổ ựa ra rãi lẫn thóc, mới biết. Chẳng ai nhìn thấy con gà mổ trộm, vợ Sự cũng cứ bô bô nói trống không: “Ngày mùa, cúng cho con gà con qué kiếm miếng, mất của ai”. Sự gánh thóc về, đổ ra sân, đánh dấu chen giữa một hàng gạch. Hai chị em thằng con ở nhà xúc trộm. Sự xem lại thấy mất dấu, chửi toáng lên rồi vào buồng bê thúng thóc nhà ra toan đổ bù. Thằng con với đứa con gái giằng lại, vợ Sự lăm lăm cầm cái đòn gánh, trợn mắt, mắm môi. Sự đành đứng ơ. Nhà nào cũng lục đục. Chồng đi làm mạ, về hỏi: “ ở nhà nắng thế mà không trang thóc a?”. Vợ chao mặt một cái: "Thóc của thiên hạ đâu vẫn đấy, ai dám mó vào, con hùm chưa vồ mất hạt nào đâu". Không thổi cơm tối, vợ bảo chưa có thóc thì đi cướp gạo ở đâu mà thổi.

Nhiều điều tiếng rên rỉ rêu rao: “Cốc mò, cò xơi"- ý nghi ngờ người này người kia ở ban quản trị, ở những nhà có sân cho phơi nhờ.

Các nơi quanh đấy và trong làng vẫn lảng vảng, dò hỏi. Người ta đồn thế nào nơi nào rồi cũng phải lên hợp tác, lại càng hãi những đồn đại. Cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn chống bệnh toi gà, cũng xúm lại hỏi đủ thứ. Anh cán bộ quen giải thích tào lao buông một câu: “ôi dào, tôi đi nhiều nơi đã biết hợp tác nào lúc đầu cũng nát như tương, ấy vậy mà rồi đâu lại vào đấy. Yên chí”. Yên chí thế nào, người ta rủa anh cán bộ gà chỉ biết ăn như mỏ khoét.

Trong làng, mỗi xóm, mỗi nơi một khác. Các nhà làm riêng, nhất là những nhà được xuống thành phần mấy năm nay, lặng lẽ êm ả gặt hái rồi đợi mai kia đến Tết. Tổ đổi công thì nhộn nhịp gánh thóc về nhà như chọc tức, trêu ngươi. Thóc rơm còn đánh đống vàng rực ngoài sân, mỗi tổ đã ăn mung đụng ăn chia một con lợn. Còn để vào vụ cày xong mổ con nữa rồi có phải lên hợp tác mới lên. Có lúc nói: “Sào ruộng tôi đổi công năm nay kém năm ngoái ba gánh, thật đấy” Nhưng lại rỉ tai người khác: nói thế để hợp tác thấy họ hơn, cho họ sướng. Nhưng ta lại cứ ăn, cứ mừng.

Những nhà làm đổi công thì tiếc ruộng tốt, không muốn cộng ruộng vào hợp tác. Cứ rối xoè lên.

Lại vẫn lôi thôi cấy dày cấy thưa. Cái dạo tổ trưởng Thông thử mấy thước cấy dày, bị cả xóm cười làm trò trẻ con. Còn hợp tác đi trên huyện học cấy dày kỹ thuật mới. Cả Quốc với Sự lên hội nghị. Hôm về, Quốc nói: “Ban kỹ thuật huyện đi ngắt một bông thóc ruộng đổi công, một bông ruộng hợp tác. Ruộng cấy thưa được một trăm hai mươt hạt. Ruộng hợp tác mới cấy dày nửa vời, đếm đã được một trăm tám mươi, tuy hạt nhỏ nhưng đều mặt, cân lên nặng hơn bên kia. Cũng không phải lúa cấy thưa ngon cơm hơn. Cái ấy là tại giống". Người ta nghe tai nọ sang tai kia, cũng chẳng ai để ý hỏi cặn kẽ cái kỹ thuật mới. Dường như cả chân trong và chân ngoài đều cứ chờ đợi thế nào.

Những đêm sương sa, sáng ngày ra nắng đã hoe nhạt. Chớm vào thu rồi. Cây cau trước sân bỗng rơi xuống nghe ình một tàu lá vàng óng. Ông Ngải nói:

- Tàu cau đã rụng thế vầy chỉ mùa sang năm thì bói được.

Gió giải đồng rạt rào, miên man. Nước sông Diêm trong veo thấp thoáng lưa thưa sau rặng hóp đá, nhìn ra mới ngắm được cái tài tình của những chữ “nước chảy lơ thơ".

Bắt đầu tính hết công điểm chia thóc từng nhà. Chưa chia đã rắc rối, bây giờ lại rẽ sang những nói ra nói vào khác. Bà Ngải phàn nàn mớ thóc, mớ rơm như cái chổi cùn. Cứ thấy quảy lúa về kéo rồi phơi ở sân nhà mình rồi lại cùn cụt đội thóc đi đâu.

- Tôi đi chợ, người ta hỏi. Có phải một mình bà phải chăm mười con trâu? Được ăn bao nhiêu công điểm?

- Thế bà nói hoang mang a? - Không, tôi bảo tôi lên hợp tác rồi thì tôi không biết hoang mang, thắc mắc cái gì cả. Thế là chẳng đứa nào mở mồm hỏi khích bác nữa.

ông Ngải thì hăng hái một cách rạch ròi. Ai vào bên búi tre lép ăn thuốc nhờ, ông nói như đọc trong báo ra:

- Có muốn biết thì tôi dẫn cho mà biết. Thóc thuế đóng rồi, phân than, công trâu bò gác ra rồi, tính cộng lại thì sản lượng được chia nhỉnh hơn mọi khi. Có thế mới lên hợp tác xã chứ. ấy là năm nay còn chưa làm có kinh nghiệm, mà cái dự, cái di, cái hom cấy vặt vãnh chưa tính. Con gà con qué ngày mùa nhặt vài hạt thóc đã chết ai mà chúng nó đồn láo hợp tác phải giết hết gà vịt để khỏi thắc mắc. Những đứa nào ăn nói phản động thế?

Ông râu vểnh nhả khói thuốc:

- Ông dẫn ra vầy thì tôi hiểu ngay. Sắp lên hợp tác cả rồi, tôi phải hiểu biết chứ. Nhưng thế nào, mùa này sao mức thu nhà ông chỉ nhỉnh thôi. Như mọi khi, mình làm mình ăn cả, thì nhà ông được bao nhiêu ấy cơ.

Nó nói ngóc ngách, ông Ngải im. Rồi sang câu khác:

- Vào hợp tác thì phần tăng phần giảm trông vào lao động. Bao giờ chẳng như vầy, người chịu khó thì chẳng lo. Chết những thằng ngay xương, bây giờ hợp tác làm ăn có chúng có bạn, thằng lười trơ mặt ra. Tôi sướng nhất cái ấy.

ông nọ cũng không còn hỏi vặn vẹo vào đâu, lảng chuyện.

- Rõ rồi. Tối qua, trong làng có đám suýt cháy nhà. Tình nghi đứa ném bùi nhùi, cháy từ ngoài nóc vào, ông biết không?

Sự ở đâu vào, nói chen:

- Lúc đương tiến lên thế này, phải cảnh giác. Thù nhau đốt nhà, bắt đứng ở đổi công a? Không được. Mỗi người lại kéo mồi thuốc, rồi mỗi người đi mỗi việc. Người lùa vịt ra đồng cho xốc thóc mót, người vào tổ cân thóc chia. Người lên quán nước trên đê...

ông Ngải tính nhẩm hình như công điểm nhà ông có dôi ra. Dôi ra thì lợi chứ sao, nhầm lõm vào mới là thiệt. Nhưng không, nhà mình được, nhà khác mất, rồi người ta moi đến thì lôi đuôi. Cứ phân minh trước sau. “Cả đời tôi chẳng ăn không của ai bao giờ". Suốt đến chặp tối, ba bố con xướng lần lượt từng điểm, tôi ngồi làm tính cộng, cộng đi cộng lại. Thấy cái lúa dua hom, con số công gặt của cái Hến vào sổ hai lần, không biết đúng không.

ông Ngải xách cái đèn chai đến ngay nhà kế toán.

Anh kế toán đương bò chổng mông tính sổ dưới ánh cái đèn cày. Kế toán đã vẫy mấy chú bé đương ngồi học bài ngoài hiên vào soát các sổ cho nhanh. Xem đến sổ nhà ông Ngải thấy thừa ra mười công ở sổ điểm cô Hến. Ông Ngải gật gù bảo kế toán: “Tôi thế đấy anh biết chưa?”

ông Ngải yên tâm. Nhưng ông Ngải còn băn khoăn:

“Cái bụng mình như chiếc bánh bóc ra mà thiên hạ cứ bảo quản trị ăn cắp. Chẻ hoe ra đấy nhé". Bà Ngải cằn nhằn: "Thèm nhạt đâu vài điểm công với xá. Ngày trước kéo lúa ủng hộ bộ đội cả năm đấy sao". Nhưng cũng lắm cái cứ bực mình. Lúa ruộng tốt ruộng của nhà chia đi đâu, toàn gánh về cái táp nham của những nhà đứa nào ấn cho.

ông Ngải nói khe khàng với tôi, như tiếng thở dài:

- Thì cũng chỉ vì thằng ốc, cái Hến. Cứ như chúng tôi cả ngày một niêu cũng xong, chứ vào hay ra làm gì cho mỏi chân, có phải không anh?

Mỗi khi ông Ngải dường như nghĩ nỗi sau này, hay nói với tôi tương tự câu ấy.

Cũng không nhờ tổ chúng tôi còn ở xóm Đồng bao nhiêu lâu, rồi cả bọn về một lúc hay đi lẻ tẻ dần. Bởi tôi lại một mình trở về, chẳng biết đã ai về trước chưa. Cũng chẳng vì công tác cơ quan gọi. Đợt đi này không có hạn ngày, không biết Hoàng Trung Thông có phải về vì công tác chờ đợi thế nào, còn thì lắm lúc nghĩ tôi cảm thấy tôi cũng như cái đinh long, đóng vào cũng được để vậy cũng thôi- cái nghĩa bề nổi, không chữ nghĩa thâm thuý như câu chèo cổ “nát ván, long đinh” đâu. Tôi đương muốn lên mấy nơi trên Hải Dương có những tổ các anh Bùi Hiển, Đào Vũ rồi về. Tổ trưởng Thông bảo: “ừ, về thì về". ở lâu, tuy chẳng có gì giữ chân, mà cũng ngại đến lúc rời đi cũng nhớ. Anh em biết tôi sắp về, đi qua, tạt vào, mỗi hôm lại hỏi: “Khi nào về?”- "Cũng chưa định". Nhưng thấy người cứ hỏi, tôi cũng đâm sốt ruột. Thế là quyết định mai đi. Quán sang chơi. Ông Ngải với tôi đương mổ, làm lòng con vịt dưới cầu ao. Quán tựa lưng búi tre, hút thuốc, hỏi:

- Gà hay vịt đấy?

Tôi nói:

- Hay quá. ở đây làm vài chén “trường đình".

ông Ngải vẫn cúi, té nước lên lưng con vịt.

- Thịt vịt, con vịt bị rắn cắn. Anh Tư trông thấy con hổ mang trong hang bờ ao vừa nhoài ra. Còn đánh tiết canh được cơ mà. Xong hết rồi, chỉ còn bỏ nồi luộc. Vơ hộ nắm lá tre dóm bếp. Quét qua chỗ ấy rồi vào bảo cái Hến dọn mâm bát ra. à hũ rượu trong gâm giường hãy còn.

ông Ngải đều quí hai chúng tôi. Nhưng xem ra ông ý tứ với mỗi người một vẻ. Như cung cách và người ngợm tôi, ông Ngải trọng như một ông giáo làng, ông thầy đồ ở trọ. Ông nói thời Tây có cái trường học trên chợ Phố có thày giáo trông cũng giống tôi, nên ông nhớ. Còn Quán thì mồm miệng chân tay đều xốc vác, có hôm ông bảo Quán vần trả cái cối đá to bằng cái vại ông Ngải mượn trong làng. Lại chỉ có cái súng gỗ, mà Quán đẽo răng cưa, gọt mổ cò dạy dân quân ốc như bắn súng thật. Ông bà Ngải thân tình với Quán như người trong nhà, như thằng Toàn con rể.

Quán bần thần nói:

- Tiếc quá, cháu đã hẹn đụng chó với anh em rồi.

- Bao giờ?

- Chốc nữa chén.

- Nhà ai đấy?

- Nhờ lão quán nước chợ Phố. Ông Ngải biết đấy, lão này chùm chó. Cháu đi nhé. Cái thịt chó là hết cỡ, không thịt nào địch được, đừng để phần cháu.

Rồi Quán đi luôn. Tổ trưởng Thông “chạy” con vịt rái cá cắn hôm trước đã “lặn” đi họp cũng nhanh như thế. Tôi với Quán ra đầu ngõ. Quán nháy mắt, phân trần:

- Có chó má nào ở đâu. Tôi đã đánh nhau giáp lá cà với các thứ Tây ở mặt trận Huế. Nhưng cái giống gà vịt bị rắn mổ này thì tôi khiếp, anh ạ.

Tôi cười:

- Thôi, đi đi.

Tôi trở vào bắc bếp. Ông Ngải nói như vạch bụng anh chàng ra:.

- Chú Quán sợ thịt vịt rắn cắn. Sợ quái gì!

Tôi không vào chuyện với ông Ngải mà tán về rắn:

- Cái rượu ngâm tam xà, ngũ xà chữa bách bệnh, đau xương thấp khớp, liệt âm liệt dương, khỏi hết.

Rượu rắn bổ nhất trần đời. Ngoài bờ sông bờ ao sẵn rắn, ông nên ngâm vài vò, rồi hũ chôn hũ uống, dùng cả năm.

- Biết thế, mà tôi bỏ rượu đã lâu. Giờ, đứng gần người say ngửi hơi rượu cũng lợm giọng.

Rồi ông Ngải cười khà khà xách ngược con vịt đã rửa sạch bóng.

- Anh xem, da dẻ nó hon hỏn thế này. Dại quá, cái nhà chú Quán...

Những ngày ấy, xa gần mịt mờ như chiêm bao chắp nối trong giấc ngủ đêm qua. Tiếng rằng ở Thái Bình về Quán công tác ở phòng Văn hoá Quần chúng, nhưng cũng là làm vì và dông dài chẳng khác khi ở xóm Đồng.

Rồi lại đi, lại đi. Bị kỷ luật ba năm không hội viên hội nhà văn, nhưng rồi ba mươi năm mới có lời làm lễ giải hạn. Không cấm sáng tác, nhưng viết thì không đâu in. Những nơi này có cán bộ cơ quan khác đến làm công tác theo dõi, những câu nói cuối cùng của ông theo dõi này về bài báo, về quyển sách, nhất là nếu lại dẫn chứng cấp trên “anh ấy, anh ấy đã bảo thế” thì còn sinh sát hơn quyền hành những người phụ trách nhà xuất bản và tờ báo ấy.

Tôi đã xem mấy bài các bạn Quán viết về Quán tập câu cá rồi câu cá hồ Tây vào loại tay nghề. Một Lã Vọng bất đắc dĩ, trò chơi mà hoá thật. ở thành phố, những năm ấy chẳng phải chỉ có mình Phùng Quán câu cá đợi thời. Khối các ông Lã Vọng khác nhau. Những ông chủ bỗng trắng tay, thất nghiệp và biết bao những nông nỗi thế nảo nữa, chỉ còn trông vào đống rác, cái cần câu, bắt cóc, bắt chuột... và những cung cách kiếm cơm không nói hết thành tên được. Ông Kỷ cậu họ tôi, nhà buôn sơn ngoại lâu năm có tiếng trong thành phố. Mấy hôm ấy, Tây ở Hà Nội chỉ còn ngồi đợi rút xuống Hải Phòng. Người được tự do vào thành phố, nhưng có trật tự. Lính Pháp thờ ơ gác, tôi đứng trên đường Mai Lĩnh, trông thấy dòng người nghìn nghịt qua cánh đồng Văn Quán lên thị xã Hà Đông. Ông bà Kỷ lái xe riêng lên thị xã Sơn Tây- tôi đương làm phóng viên báo Nhân Dân đi xuống nhà thờ Phúc Nhạc viết bài về tình hình bà con công giáo di cư vào Nam. Tôi ghé lại Sơn Tây, ông bà lên chơi. Năm sau, Hà Nội cải tạo tư sản, ông âm thầm bán ô tô, bán biệt thự, còn huyến hàng sơn cuối cùng ở Pháp về thì vướng lại cảng Nhà Rồng trong kia. Hết của, ông Kỷ thành tay sát cá hồ Tây. Những thung thổ cá mú vòng hồ chẳng chỗ nào ông không thuộc. Lại các ông Ba, ông Tư trong làng nội, các người hôm qua chủ lò bánh mỳ giàu có chất của lên được, bây giờ mất cửa hàng, mất lò, nhà dọn xuống ở bãi Nghĩa Dũng. Hai ông đóng khố, vác chũm đi đơm đó ven sông, thực sự kiếm miếng hàng ngày.

Những tâm sự trầm uất và cái sức viết đương bởi của lứa tuổi Quán đã vẩn vương tôi. Tôi mà còn bải hoải nữa là. Đi lâu thế, tôi cũng thao tác mọi việc viết, thế mà chẳng tả nổi về cái xóm Đồng một chữ. Phùng Quán vẫn chịu khó cặm cụi mà sau này bè bạn đã tổng kết sáu chữ cho cái giai đoạn bi đát ấy: câu chui, rượu chui, viết chui. Những năm này Quán đương sức viết Không đâu in, nhưng Quán vẫn viết. Nhà xuất bản Kim Đồng in truyện thiếu nhi Tâm Trọc về thăm nhà. Có tiếng xì xào của Phùng Quán ký tên khác.

Chẳng biết nhà xuất bản có ai bị kiểm điểm, bị hạ bậc lương, bị mất việc không. Chắc không. Vì quyển sách mỏng và viết về kháng chiến chống Pháp, mà vốn Phùng Quán xưa nay sở trường tráng ca, anh hùng ca. Phùng Quán gửi bài thi viết về Lê Nin. Truyện của Quán - tất nhiên, lại ký tên khác, được xếp giải nhất. Cũng chẳng biết tác giả có đi lĩnh thưởng không và làm thế nào nhận được cái đồng hồ báo thức quà tặng. Con người chăm viết, viết khoẻ mà chỉ đôi khi in ra được dăm ba chữ. Tâm trạng bức bối kéo dài còn đau hơn sự cấm đoán. Mấy năm gần đây, Phùng Quán làm nhiều thơ, viết báo và đưa in những bộ truyện đồ sộ như hồi ký Tuổi thơ dữ dội vẫn là nối tiếp một Phùng Quán ba mươi năm trước, một tay sử thi có hạng. Nhưng người thì chưa bao giờ trẻ, mà chẳng còn trẻ trung đâu nữa. Phùng Quán đã vào năm mươi rồi. Thân hình bơ phờ mảnh khảnh, lại ăn mặc kiểu các cụ áo năm thân rộng nhuộm cậy màu hoa hiên, bộ râu chuột lưa thưa. Làng văn đã có Nguyên Hồng xống áo và râu ria cũng tương tự. Nhưng tôi chẳng bao giờ nhận ra Nguyên Hồng đã lão thế và không thể thấy cụ Phùng Quán lụ khụ nâu sồng này khác hồi cụ Phùng Quán chạc hai mươi tuổi ở xóm Đồng. Quần áo và bộ râu có việc của nó. Có phải vì tôi hơn Quán cả con giáp cứ thấy người không bằng tuổi mình thì lúc nào cũng vẫn tưởng như ngày xưa. Có thể vậy, tôi cứ nhớ như vừa mới đây. Thật thì chốc đà đã là hơn ba mươi năm qua - những cách quãng phi hoài đời người của Phùng Quán.

Những lần gặp giữa phố, Phùng Quán bảo tôi:

“Anh lên chơi nhà tôi. Có cái rượu uống được". Tôi không lên. Chẳng vì ngại đi, mà cứ thế nào. Tôi đánh chén thịt chó Hàng Bè với Lê Đạt mà không lên hồ Tây, dù cái máu rượu ông phó bí thư chi bộ cũ của tôi thì chán chết, khề khà với Phùng Quán thú vị nhiều. Rượu vui, rượu buồn đều cần, nhưng phải tuỳ lúc. Cho mãi đến hôm mừng Nguyễn Hữu Đang thượng thọ tám mươi tuổi - hai ông em kết nghĩa Phùng Quán, Phùng Cung của Đang bảo tôi, tôi mới lên nhà Quán. Gặp lại bạn Đang già mình vốn qui trọng, thế mà lại buồn. Nhưng cái nhà vườn bên hồ Tây của vợ chồng Phùng Quán hôm ấy đông khách đến mừng cụ Đang quá, có đám đông thì tôi cảm thấy mất vui. Đành vào nhấc hũ rưọu, làm một chén chia vui rồi về.

Tôi ở xóm Đồng đi nửa buổi đến cầu Phú Lương. Tổ của Đào Vũ ở thôn Vũ La ven đê bên kia cầu. Buổi tối nhìn lên thấy quầng đèn sáng thành phố Hải Dương. Bác Tú Mỡ ngày ngày chăm chút lau cái xe đạp rồi buộc thừng treo lên, không để bánh xe chịn đất. Lâu nay chỉ còn trông thấy người có tuổi lau xe đạp. Cả Sỹ Ngọc, không nhớ các anh ở cùng nhà hay đến chơi.

Vũ La nhộn nhịp, đông nhộn. Bên trong khoanh tre, những khoảnh vườn mơn mởn cà chua đương vào lứa phấn mỡ. Khác làng mạc Thái Bình, chỉ có mấy cây chè khẳng khiu sau bờ tường đất u ám như tổ mối.

Vũ La cũng đương xếp ải. Nhiều chỗ đất phơi đã được nắng trắng nhạt như làn sóng đất lăn tăn. Các chủ nhiệm hợp tác xã toàn tỉnh đương về họp ở đây.

Cả hội nghị với lớp kế toán hôm ấy cũng đi xếp ải giúp hợp tác xã. Tiếng trống tom tom gọi xã viên đi làm đồng. Cửa hàng hợp tác xã mua bán mở sớm. Vải xanh Sỹ Lâm, vỏ áo bông, chăn bông tiết kiệm trần ô trám. Còn sớm mà người đã ra vào xúm xít. Cả tổ Đào Vũ cũng trong nhộn nhịp này. Tôi cảm như chúng tôi ở dưới kia chểnh mảng chẳng nên trò gì. Nghe chuyện cánh Kim Lân đi công trường thủy lợi Bắc Hưng Hải bên Hưng Yên, cả ngày đào đất, gánh đất bằng dân công.

Đào Vũ đi làm đồng trong tiếng trống giục đầu xóm. Đào Vũ khoác bừa lên vai, tay cầm thửng dắt con trâu. Như những người đi cày và mấy con trâu vừa đi qua cổng. Tôi bỗng nhớ Quán, lẩn thẩn đoán con trâu này bĩnh trong chuồng chưa, nếu ra đường đồng mới ỉa thì Quán gắp được.

Nhà văn Đào Vũ, một người làm ruộng. Không ngẫu nhiên mà sau chuyến đi ấy Đào Vũ ở lại Vũ La, bắt đầu bộ tiểu thuyết Cái sân gạch miêu tả cuộc đấu tranh sản xuất và con người ở Vũ La những ngày đầu hợp tác hoá.

Nghĩ lại, mình lêu têu ghê. Nhưng biết thế thôi, cũng chẳng ân hận. ở đời mỗi người một mánh, một tật. Tôi nghỉ lại Hải Dương, Hải Dương cũng tương tự các thị trấn khác, lỗ đỗ lốm đốm dấu vết thời sự và thời gian: những dãy phố, những cãn nhà bị rỡ cái năm tiêu thổ kháng chiến đã được vá nham nhở các bức tường và cửa hàng mặt tiền quét vôi, ốp mấy hàng gạch hoa duyên dáng như cô gái trong làng diện áo phin trắng mà lại đi chân đất. Các phố nhỏ, khúc khuỷu vẫn lặng lẽ quê quê. Đương có đợt đăng ký lại các hộ công thương. Đồn ầm lên rồi những nhà nào không được cấp môn bài lại thì phải dọn về quê làm nông dân.

ở đầu tỉnh, đồ sộ một nhà máy làm đồ sứ. Năm trước, đây còn là một bãi hoang. Trong cải cách ruộng đất chỗ ấy là nơi các làng xung quanh lên mượn làm mít tinh đấu địa chủ. Đội tôi ở Cẩm Bình đã đưa dân đi dự nhiều lần. Những chuyện đấu tố chỉ chợt nhớ đến đã thấy sượng mặt.

Nhưng tôi nhờ có lần ấy Nguyễn Công Hoan rủ tôi về Hải Dương, Nguyễn Công Hoan nói: “Trong tiều thuyết Đống rác cũ của tôi anh bảo anh thương cái người đàn bà phải đi làm dâu khổ cực trăm bề, tôi đưa anh về nhà nhân vật ấy". Chúng tôi xuống tàu hoả rồi qua phố chính vào một cái ngõ lát gạch nghiêng như đường làng. Căn nhà một tầng, mái ngói rêu phủ đen xì. Lỗ tròn mắt bò mở hé, sau cánh cửa, một ông cũng trạc Nguyễn Công Hoan ra mời chúng tôi vào. Ông không cao lớn, mà thấp người, mặt tai tái đến độ không trông rõ bộ ria mép, như một cụ làng bẹp ngày trước. Phản giữa trải chiếu, chủ nhà mở chiếc lồng bàn úp trên mâm đồng thau. Một mâm cỗ thịt gà thịnh soạn. Chủ nhà cười. “Mười giờ chưa thấy các xừ, chưa nghe còi tàu về, đã lo lo". Ra chủ khách đã có hẹn, và cách nói thân tình.

Trong bữa chén, hai ông toàn nói chuyện dạy học ở Kinh Môn, ở Vũ Tiên, ở Lào Cai. Ông ấy ngày trước cũng là nhà giáo trường huyện. Đến chiều về cũng không thấy anh Hoan trò chuyện gì với tôi về nhân vật người đàn bà bạc phận. Anh Hoan hay tư lự những cái anh đương nghĩ, có khi hỏi thì lại trả lời lạc sang điều khác.

Nhưng rồi tôi cũng phải hỏi. Thì anh nói:

- Tôi đã bảo rồi mà. Nhà người ta đấy.

Chẳng hiểu ra sao, nhưng tôi cũng không hỏi thêm.

Hỏi anh lại nói khác nữa, thì chịu, rồi tôi phải đoán lấy Nhưng cũng không nghĩ ra được đấy là nhà người ấy khi còn con gái hay là nhà chồng, hay là nhà ai.

Cứ cho đấy là nhà người ấy trước khi về nhà chồng. Cho đẹp và buồn những kỷ niệm của người viết.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx