sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Phần 1: Ngoài Biển - Quyển 4: Tellmarch - Chương 1: Trên Đỉnh Cồn Cát

Lão già đợi cho Halmalo đi khuất, rồi nịt chặt chiếc áo khoác đi biển vào người và bước đi. Lão bước thong thả, có vẻ suy nghĩ. Lão rẽ về phía Huisnes, trong khi Halmalo đi về phía Beauvoir.

Đằng sau lão là núi Saint-Michel, một hình tam giác khổng lồ đen sẫm, nổi lên giữa biển cả như kim tự tháp Chéops giữa sa mạc, với ngôi nhà thờ hình ngọc miện và thành lũy, với hai tháp lớn về phía đông, một tròn, một vuông, giúp cho núi chịu đựng sức nặng của nhà thờ và làng mạc.

Những luồng cát di động của vịnh núi Saint-Michel chuyển dịch những đụn cát dần dần không thấy nữa. Thời kỳ đó, ở giữa Huisnes và Ardevon có một cồn cát rất cao ngày nay đã biến mất. Cồn cát ấy, đã bị một luồng gió từ xích đạo san bằng, thật hiếm có vì đã lâu đời mà trên đỉnh lại có một cái cột mốc bằng đá dựng lên từ thế kỷ thứ mười hai để kỷ niệm Hội nghị giáo hội ở Avranches chống lại bọn giết thánh Thomas ở Cantorbéry. Đứng trên cồn cát có thể nhìn khắp vùng và định hướng được.

Lão già bước tới cồn cát và leo lên.

Lên tới đỉnh, lão dựa lưng vào cái cột mốc, ngồi lên một trong bốn tảng đá đặt ở chân cột, rồi lão bắt đầu quan sát cảnh tượng bày ra dưới chân lão, như một bản đồ. Hình như lão đang tìm một con đường trong một địa phương đã quen thuộc từ trước. Cảnh bao la ấy mờ mờ trong bóng hoàng hôn, chỉ còn thấy rõ đường chân trời, đen sẫm trên nền trời trắng.

Từ đỉnh núi người ta thấy rõ từng cụm mái nhà của mười một thị trấn và làng mạc; cách mấy dặm cũng phân biệt rõ các gác chuông vùng bờ biển xây rất cao, để có thể dùng làm tiêu điểm cho những người ở ngoài khơi nữa.

Lát sau, lão già như đã thấy trong bóng tối nhập nhoạng cái mà lão định tìm; mắt lão dừng lại một nơi xung quanh có cây cối, tường và mái nhà, nom còn hơi mờ mờ ở giữa cánh đồng bằng và rừng cây, chỗ đó là một cái ấp; lão gật gù, với vẻ thỏa mãn của một người tự bảo thầm: Kia rồi! Xong, lão lấy ngón tay phác ra trong không gian một con đường đi xuyên qua bờ lũy và đồng ruộng. Chốc chốc, lão lại chăm chú nhìn một vật không rõ hình thù và mờ mờ đang lay động trên ngôi nhà chính của ấp, và lão như tự hỏi: Cái gì kia? Vì giờ này đã tối nên không còn rõ màu sắc và hình nét; không phải là cái phong tiêu vì nó bay phấp phới. Nhưng cũng không thể là một lá cờ.

Lão thấy mệt mỏi muốn ngồi mãi trên tảng đá, lão buông mình trong cái quên lãng mà những người mệt nhọc thường cảm thấy vào phút đầu tiên được nghỉ ngơi.

Trong một ngày có khoảng thời gian như không tiếng động, đó là giờ phút thanh tịnh lúc chiều hôm. Bấy giờ đúng là lúc ấy. Lão tận hưởng; lão nhìn, lão nghe. Nhìn và nghe cái gì nhỉ? Cái yên tĩnh. Những kẻ hung dữ vẫn có những phút giây ưu tư. Đột nhiên, có tiếng người, tiếng nói không làm náo động bầu không khí đang yên tĩnh mà càng làm cho quạnh quẽ thêm; đó là tiếng nói của đàn bà và trẻ con. Đôi khi, trong bóng tối lại có những tiếng vui bất ngờ vang lên. Vì bụi rậm che khuất nên không trông rõ đám người đang nói, nhưng họ đang đi dưới chân cồn cát về hướng cánh đồng và rừng cây. Những tiếng nói trong trẻo, mát rượi vọng đến tai lão già đang trầm mặc; tiếng nói rất gần nên lão nghe tất cả.

Một giọng đàn bà bảo:

— Nhanh lên, chị Fléchard. Có phải lối này không?

— Không, lối kia.

Rồi hai giọng nói, một cao, một rụt rè đang trao đổi câu chuyện.

— Cái ấp ta đang ở tên là gì nhỉ?

— Herbe-en-Pail.

— Còn xa không?

— Đến mười lăm phút nữa kia đấy.

— Nhanh lên còn về ăn bữa chiều.

— Chắc chắn là ta về muộn rồi.

— Phải chạy thôi. Nhưng mà mấy đứa trẻ mệt rồi. Có hai chị em mình làm sao cõng được ba đứa bé. Mà chị cũng bế một đứa rồi. Thật nặng như chì. Đã cai sữa cho con bé phàm ăn ấy rồi mà chị vẫn cứ bế nó mãi. Chị làm nó quen thói mất. Cứ để nó đi cho tôi. Ái chà, mặc kệ, canh sẽ nguội mất.

— Này, đôi chị cho tôi thật tốt! Y như đóng cho tôi vậy.

— Tốt hơn lê chân không.

— Nhanh lên con, René-Jean.

— Chỉ tại chú này làm chị em mình trễ thôi. Gặp cô bé nào cậu ta cũng gạ chuyện. Ra dáng người lớn rồi.

— Thì nó sắp lên năm đấy.

— Này, René-Jean, tại sao lúc nãy cháu lại bắt chuyện với con bé trong làng ấy?

Một giọng trẻ con, giọng con trai, trả lời:

— Vì cháu quen nó mà.

Người đàn bà tiếp:

— Sao quen nó à?

— Vâng - Đứa con trai đáp - Vì sáng nay nó đem cho cháu mấy con vật.

— Tay này khá thật! - Người đàn bà kêu lên - Mới tới đây có ba hôm, người bằng nắm tay ấy mà đã có nhân ngãi rồi! Tiếng nói xa dần. Mọi tiếng động vụt biến mất.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx