sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Phần 2: Ở Paris - Quyển 2: Quán Hàng Phố Con Công - Chương 1: Ba Vị Quan Tòa Dưới Âm Phủ

Ở phố Con Công có một quán cà phê. Quán đó có một hậu phòng, ngày nay đã được ghi vào lịch sử. Tại phòng này, thời ấy, thỉnh thoảng có cuộc gặp gỡ gần như bí mật của những người có rất nhiều quyền lực và được mọi người hết sức theo dõi đến nỗi họ rất ngại trò chuyện với nhau trước công chúng.

Chính ở đó, ngày 23 tháng 10 năm 1792 đã có một cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa giữa hai phái Montagnard và Girondin. Chính ở đó, Garat tuy không thú nhận trong cuốn Hồi ký của ông, đã tới lấy tin tức trong cái đêm hãi hùng ấy, và sau khi đã giam giữ Clavière ở phố Beaune, ông ta dừng xe trên cầu Pont-Royal để nghe chuông cấp báo [75].

Đến ngày 28 tháng 6 năm 1793, lại có ba người tụ họp quanh một chiếc bàn trong hậu phòng này. Ghế họ ngồi không sát nhau; mỗi người ngồi một phía để trống ở phía bàn thứ tư. Lúc đó độ tám giờ tối; ngoài phố trời còn sáng, nhưng trong phòng đã tối sẫm, một ngọn đèn dầu treo trên trần, xa xỉ phẩm hồi đó, tỏa ánh sáng xuống bàn.

Người thứ nhất trong bộ ba đó xanh rớt, còn trẻ, nghiêm nghị, có đôi môi mỏng dính và cặp mắt lạnh lùng. Má có tật giật giật nên cười hơi khó. Ông ta xoa phấn, mang tất tay, trang phục chải chuốt, cài kín khuy áo; màu xanh nhạt không một nếp nhăn, quần chẽn lụa Nam Kinh, tất trắng, cà-vạt thắt cao, phía ngực sơ-mi có nếp, có khuy bạc.

Hai người kia, một người cao lớn, một người lùn. Người cao lớn mặc xuề xòa một chiếc áo dạ rộng màu đỏ, cổ hở, quàng một chiếc cà-vạt không thắt nút trễ xuống phía ngực, chiếc áo khoác phanh ra để mất vài khuy, chân đi cổ bẻ, tóc bờm xờm; tuy còn thấy chút ít dấu vết chải chuốt, bộ tóc giả của ông ta vẫn có vẻ như bờm ngựa. Mặt ông ta rỗ hoa, lông mày nhíu lại như giận dữ, nếp nhăn hiền hậu ở bên mép, môi dày, răng to, nắm tay chắc nịch, mắt sáng quắc. Người bé nhỏ, nước da vàng khè, khi ngồi có vẻ dị tướng; đầu ông ta ngả ra sau, mắt đỏ ngầu, mặt có từng vệt xanh nhợt, một chiếc khăn mùi xoa buộc mái tóc láng và dẹt, trán thấp tẹt, còn miệng lại rộng trông phát sợ. Ông ta mặc quần dài, đi vải, chiếc gi-lê hình như trước đây là xatanh trắng và ngoài chiếc gi-lê là một chiếc áo rộng, dưới áo hằn lên một đường cứng và thẳng, người ta đoán đó là một chiếc dao găm.

Người thứ nhất là Robespierre, người thứ hai là Danton, người thứ ba là Marat.

Chỉ có họ trong căn phòng này. Trước mặt Danton đặt một cái cốc và một chai rượu vang phủ đầy bụi, làm ta nhớ đến cốc rượu bia của Luther [76]; trước mặt Marat có một tách cà phê, trước mặt Robespierre là những giấy tờ.

Bên tập giấy tờ có một lọ mực bằng chì, hình tròn có nhiều đường xoi dọc, ai đã là học sinh hồi đầu thế kỷ này đều nhớ đến kiểu lọ mực ấy. Một cái bút đặt bên cạnh giá bút. Trên tập giấy tờ có một con dấu bằng đồng có khắc mấy chữ đã làm và hình ngục Bastille.

Một bản đồ nước Pháp trải trên bàn.

Ngoài cửa phòng, có người hộ vệ của Marat là Laurent Basse đứng cạnh; anh này đảm nhiệm những việc linh tinh ở nhà số 18 phố Cordelier; ngày 13 tháng 7, sau ngày 28 tháng 6 này chừng nửa tháng, chính anh ta đã giáng một chiếc ghế lên đầu người đàn bà tên là Charlotte Corday [77], lúc bấy giờ đang ở Caen. Laurent Basse là người liên lạc chuyển bản in thử của báo Bạn dân. Tối ấy, anh được theo chủ đến quán cà phê phố Con Công để làm nhiệm vụ canh phòng họp cho Marat, Danton và Robespierre, không để một ai vào, trừ người của Ủy ban cứu quốc, của Công xã, hay của phái Tòa giám mục.

Robespierre không muốn đóng kín cửa đối với Saint-Just, Danton không muốn đóng kín cửa đối với Pache và Marat không muốn đóng kín cửa đối với Gusman.

Cuộc hội đàm kéo dài đã lâu rồi. Nội dung cuộc hội đàm đã ghi trong những giấy tờ trải trên bàn mà Robespierre đã thuyết trình. Họ đã bắt đầu to tiếng. Hình như ba người đã cáu kỉnh với nhau.

Bên ngoài, thỉnh thoảng lại nghe những lời chan chát dội ra. Thời ấy, người ta quen dự những cuộc bàn cãi công khai nên hình như người ta có quyền nghe tất cả. Đó là thời mà viên thư ký Fabricius Pâris ghé mắt qua lỗ khóa nhìn công việc của Ủy ban cứu quốc. Nhân tiện nói qua là việc đó cũng không phải vô ích vì chính Pâris đã báo trước các sự việc cho Danton đêm 30 rạng 31 tháng 3 năm 1794 khi nghe có quyết định hại tính mạng ông.

Lúc này, Laurent Basse dán tai sau cánh cửa phòng ba người đang họp. Laurent Basse hộ vệ Marat, nhưng lại là người của phái Tòa giám mục.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx