Người nông dân có hai chỗ dựa; đồng ruộng nuôi sống họ, rừng rú che giấu họ.
Rừng rú xứ Bretagne như thế nào có lẽ người ta khó tưởng tượng nổi; đó chính là những thành thị. Không gì âm thầm hơn: câm lặng và man rợ hơn những đám chằng chịt gai góc và cành lá rối bời đó; những bụi to, rậm là những chỗ ẩn náu im lìm và lặng lẽ; không có cảnh hoang vắng nào lại có cái vẻ chết chóc và sởn gai ốc hơn; nếu bất ngờ và nhanh như chớp có thể chặt sạch cây cối đi đột nhiên người ta sẽ thấy trong bóng tối đó một ổ người đông như kiến.
Những cái hầm tròn và hẹp, có nắp bằng đá và bằng cành cây che kín bên ngoài, đào thẳng xuống rồi xiên ngang ra, mở rộng dưới đất hình miệng phễu và thông đến những căn buồng tối tăm, đó là cái mà xưa kia Cambyse [136] đã tìm thấy ở Ai Cập và hiện nay Westermann [137] tìm thấy ở xứ Bretagne; những cái hầm kia ở giữa sa mạc, những hầm này ở trong rừng; hầm ở Ai Cập chứa những xác chết, hầm ở Bretagne lại chứa những người sống. Một trong những khoảnh rừng thưa hoang vu nhất, trong cánh rừng Misdon, đào chi chít những đường hầm và ngõ ngách, ở trong đó thường có một loại người bí mật qua lại, gọi là “thành phố lớn”. Một khoảnh rừng thưa khác, bên trên không kém hoang vắng, nhưng bên dưới không kém đông đúc, gọi là “hoàng thành”.
Ở xứ Bretagne, cảnh sống dưới đất như vậy có đã lâu đời. Từ xưa đến nay, ở đây con người vẫn phải lẩn trốn trước con người. Do đó mà có những hang rắn đào dưới gốc cây. Cái đó bắt đầu từ thời các tu sĩ và một số những hầm mộ đó cũng cổ sơ như những mộ đá. Những âm hồn trong truyền kỳ và quái vật trong lịch sử, tất cả đều đã sống qua trên cái xứ sở đen tối này nào Teutatès, César, Hoël, Néomène, Geoffroy nước Anh, Alain-Gant-de-Fer, Pierre Mauclerc, hoàng tộc Pháp Blois, hoàng tộc Anh Montford, các vua và quận công, chín nam tước xứ Bretagne, các quan thẩm phán những phiên tòa lớn, các bá tước thành Nantes xung đột với các bá tước thành Rennes, bọn lính cướp, bọn cướp đường, những dòng tu sĩ lớn, René II, tử tước De Rohan, những tổng trấn thay mặt nhà vua, ông “quận công phúc hậu De Chaulnes” đã từng treo cổ dân quê lên cây trước cửa sổ nhà bà De Sévigné, những cuộc chém giết giữa các lãnh chúa hồi thế kỷ thứ mười lăm, những cuộc chiến tranh tôn giáo hồi thế kỷ thứ mười sáu, mười bảy, ba vạn con chó được tập để săn người hồi thế kỷ thứ mười tám; bị dày xéo kinh khủng như vậy, nhân dân đã liệu cách biến đi. Lần lượt những thổ dân ở hang, cốt thoát tay người Celte, rồi đến người Celte cốt thoát tay người La Mã, người Bretagne cốt thoát tay người Normandie, người theo tân giáo cốt thoát tay người thiên chúa giáo, bọn buôn lậu cốt thoát tay lính đoan, trước hết trốn vào rừng, rồi sau chui xuống dưới đất. Phương sách của thú vật. Chính sách bạo ngược đã dìm nhân dân đến nông nỗi đó. Từ hai nghìn năm nay đủ loại chuyên chế, nào nạn xâm lược, nào phong kiến, nào cuồng tín, nào thuế má đã vây nã cái xứ Bretagne khốn khổ này đến xớn xác, một cuộc săn đuổi khốc liệt chỉ chấm dứt ở hình thức này để tiếp tục bằng hình thức khác. Con người đã lẩn xuống dưới đất.
Nỗi kinh hoàng cũng là một thứ giận dữ, đã có sẵn trong mọi tâm hồn, và hang hố đã sẵn sàng trong rừng, thì vừa lúc đó nền cộng hòa Pháp xuất hiện. Xứ Bretagne nổi loạn vì cảm thấy mình bị đè nén bởi cuộc giải phóng ép uổng này. Những kẻ nô lệ thường hay có những ngộ nhận như vậy.
@by txiuqw4