1
La Tourgue
Bốn mươi năm trước đây, ai qua khu rừng Fougères, vào theo lối Laignelet và ra lối Parigné, khi tới ven khu rừng sâu thẳm này sẽ gặp một cảnh tượng thật ảm đạm. Ra khỏi khu rừng rậm thì La Tourgue hiện lên đột ngột trước mặt họ.
Không phải là La Tourgue lúc còn phồn thịnh mà là La Tourgue đã điêu tàn. La Tourgue đã nứt nẻ, thủng dột, sứt mẻ, đổ nát. Một dinh cơ điêu tàn. Không còn quang cảnh nào thê lương hơn thế nữa. Chỉ còn lại một cái tháp tròn cao đứng lẻ loi ở một góc rừng như một tên gian phi. Cái tháp nát dựng trên một khối đá tảng dốc đứng, gần như xây theo kiểu kiến trúc La Mã, trông cũng có vẻ chững chạc và vững chắc; cái khối lực lưỡng ấy là hình ảnh của một cái gì hùng mạnh lẫn với cái điêu tàn. Trông nó gần giống với kiểu kiến trúc La Mã, bởi vì nó thuộc kiểu Roman, khởi công từ thế kỷ thứ chín, và hoàn thành vào thế kỷ thứ mười hai, sau cuộc viễn chinh thập tự thứ ba. Cứ nhìn những cửa tò vò xây bằng đá cũng biết cái tháp ấy dựng vào thời đại nào. Tới gần tháp, leo lên dốc, người ta sẽ nhìn thấy một lỗ tường thủng, chui vào trong thì thấy rỗng không. Nó tựa như một chiếc kèn trận bằng đá đặt đứng trên mặt đất. Trong lòng tòa lâu đài, từ trên xuống dưới nom thông thống, không có mái, không có trần, không có sàn chỉ có những mảnh vòm cuốn và ống khói lò sưởi cùng những khung cửa tạc hình chim ưng; nhìn lên cao, thấy còn sót lại những đàn quạ khắc trong đá hoa cương và mấy cây đà để lại dấu vết những tầng lầu cũ; trên những cây đà ấy đầy cứt chim đêm; tường đồ sộ, dưới chân dầy tới năm mét và trên nóc dầy bốn mét; đây đó, dấu vết những khung cửa cũ còn để lại những lỗ thủng, qua đó có thể nhìn thấy những bậc cầu thang mờ mờ ở mé trong bức tường tối om. Đi vào đây lúc chiều hôm thì người ta nghe tiếng cú mèo, chim huýt gió, sếu và dơi, dưới chân thì toàn gai góc, đá, rắn rết; trên đầu, qua cái vành tròn tối đen của đỉnh tháp giống như một cái miệng giếng lớn, thì thấy trời cao.
Theo truyền thuyết địa phương, trên tầng thượng của tháp có những cửa bí mật bằng một tảng đá lớn như các cửa mộ vua chúa xứ Juda, tảng đá quay xung quanh một cái trục, mở ra rồi khép lại, và lẩn kín vào trong tường; lối kiến trúc này được nhập cảng qua các cuộc viễn chinh thập tự cùng với kiểu kiến trúc hình cung nhọn. Khi các cửa ấy đã đóng thì không tài nào tìm ra được vì nó lẫn với đá xây tường. Ngày nay, người ta còn thấy các cửa ấy trong các đô thị bí ẩn vùng núi Anti-Liban, những đô thị thoát khỏi nạn động đất ở mười hai tỉnh thành dưới thời Tibère.
2
Lỗ tường thủng
Lỗ tường thủng, có thể chui qua để vào di tích hoang tàn này vốn là một lỗ mìn. Với một người nào hiểu cách đánh mìn như các ông Errard, Sardi và Pagan, thì cái lỗ mìn ấy phá rất khéo. Hốc đặt thuốc nổ, hình mũ giáo sĩ, có sức công phá tương đương với sức chịu đựng của tòa tháp mà người ta định phá. Hốc ấy đựng được đến gần hai tạ thuốc nổ. Người ta đi vào bằng một con đường hẻm ngoằn ngoèo tốt hơn đường thẳng; mìn nổ phá khối đá làm lộ ống dẫn mồi lửa, đường kính cỡ quả trứng gà. Sức nổ đã phá bức tường tạo thành một lỗ sâu, đủ cho quân bao vây có thể vào lọt. Qua nhiều thời đại, tháp canh này đã chịu đựng nhiều cuộc bao vây đúng quy cách và mang trên mình nhiều vết thương; các vết đạn ấy không cùng một thời gian; mỗi kiểu đạn in dấu riêng lên mặt thành, từ đạn bằng đá ở thế kỷ mười bốn đến đạn bằng sắt của thế kỷ mười tám - tất cả đã khắc sâu vào tháp canh. Lỗ tường thủng mở đường vào nơi trước đây là tầng cuối cùng của tòa tháp. Đối diện với lỗ tường thủng, mặt tường bên kia lộ ra một cái cửa huyệt, cái huyệt ấy đục trong đá và ẩn sâu dưới chân móng tháp tận phía dưới tầng cuối cùng.
Cái huyệt đó bị lấp đến ba phần tư, năm 1855 nhờ công lao của ông Auguste Le Prévost, nhà nghiên cứu đồ cổ ở Bernay, mới được bới ra.
3
Ngục tối
Huyệt này là một ngục tối. Lâu đài nào cũng có ngục tối. Cũng giống kiểu các hầm hành hình khác xây cùng thời. Huyệt này có hai tầng; tầng trên, qua cửa huyệt vào là một gian phòng xây cuốn khá rộng, ngang tầm với tầng dưới của lâu đài. Trong phòng tường bị cày lên hai đường song song với nhau từ bên này sang bên kia qua cả vòm trần, vết hằn rất rõ khiến ta liên tưởng đến hai vết bánh xe. Quả thật, chính là hai vết bánh xe. Chính là hai bánh xe đã đào thành hai cái rãnh đó. Xưa kia, dưới thời phong kiến, chính phòng này là nơi hành hình xé xác bằng một phương pháp ít huyên náo hơn lối ngựa xé. Ở đây có hai bánh xe vừa khỏe vừa lớn đến nỗi chạm sát tường và vòm trần; người ta buộc vào mỗi bánh xe một chân và một tay kẻ bị hành hình, rồi người ta quay hai bánh xe ngược chiều nhau, xé xác người ấy ra. Phải quay thật mạnh để bánh xe chạm vào đá ở chỗ nào thì đào thành rãnh ở chỗ đó. Ngày nay, ở lâu đài Vianden vẫn còn một cái phòng như thế.
Bên dưới căn phòng này có một căn phòng khác nữa. Phòng ấy mới thật là ngục tối. Vào đó không phải qua cửa mà qua một lỗ hổng; nạn nhân, trần truồng, bị buộc dây vào hai nách và dòng dưới qua một lỗ thông khoét trên nền đá với căn phòng bên trên. Nếu như kẻ kia còn sống thì người ta ném thức ăn xuống cái lỗ thông ấy. Ngày nay ở lâu đài Bouillon vẫn còn một lỗ thông như thế.
Gió lùa vào từ lỗ thông đó. Phòng bên dưới đào dưới tầng cuối của tòa lâu đài giống một cái giếng hơn là một căn phòng, ăn ra chỗ mạch nước, do đó gian phòng tràn ngập gió lạnh buốt. Ngọn gió ấy giết chết người tù bên dưới và nuôi dưỡng người tù bên trên. Nó khiến cho nhà ngục dễ thở. Người tù bên trên, mò mẫm dưới vòm mái chỉ được hưởng không khí từ lỗ thông ấy mà thôi. Vả lại, kẻ nào vào đó hoặc rơi xuống đó thì không bao giờ ra nữa. Ở đó người ta mặc cho người tù liệu mà tránh cái lỗ đó. Bước chân hụt một cái, thì người tù ở tầng trên trở thành người tù ở tầng dưới. Điều đó là tùy mình. Với kẻ nào ham sống thì cái lỗ thông kia là tai họa; kẻ nào buồn nản thì cái lỗ thông ấy lại là phương tiện giải thoát. Tầng trên là nhà ngục, tầng dưới là nhà mồ. Hình thái chồng chéo giống hệt cái xã hội thời đó.
Ông cha chúng ta gọi cái đó là “cái chôn hố”. Ngày nay, cái đó đã mất đi, cái tên ấy đối với chúng ta chẳng có ý nghĩa gì nữa. Nhờ Cách mạng, chúng ta nghe mấy tiếng đó với vẻ thản nhiên.
Bên ngoài tháp, trên lỗ tường thủng, bốn mươi năm trước đây là lối ra vào duy nhất, ta nhìn thấy một khuôn cửa to hơn các cửa châu mai xung quanh, ở đó còn treo một tấm rèm sắt đã bị bật tung ra và sụt xuống.
4
Ngôi nhà trên cầu
Đối diện với lỗ tường thủng, một cái cầu đá ba nhịp không hư hỏng lắm nối với tháp. Trên cầu có một ngôi nhà giờ đây chỉ còn sót lại ít di tích. Ngôi nhà ấy mang dấu vết của một đám cháy nay chỉ còn lại khung nhà đen xịt, ánh sáng lọt qua và ngôi nhà bên cạnh tháp ấy giống như một bộ xương đứng ngay cạnh một con ma.
Ngày nay, cái dinh cơ hoang tàn bị tàn phá hết, chẳng còn lại dấu vết gì nữa. Cái mà bao thế kỷ, bao vua chúa đã dựng nên, chỉ cần một người dân quê phá trong một ngày.
La Tourgue, dân quê gọi tắt như thế có nghĩa là ThápGauvain, cũng như người ta gọi La Jupelle thay cho La Jupellière và tên một tướng cướp lưng gù Pinson-le-Tort là Pinson-le-Tortu.
La Tourgue, bốn mươi năm trước đây là một dinh cơ hoang tàn, nay chỉ còn là một cái bóng ma nhưng năm 1793 lại là một pháo đài. Đó là cái pháo đài cũ kỹ của dòng họ Gauvain, nó chắn ở phía tây con đường vào khu rừng Fougères; khu rừng ấy ngày nay không còn rậm rạp như xưa.
Người ta đã xây dựng thành trì ấy trên một khối diệp thạch, loại đá tảng này có rất nhiều giữa Mayenne và Dinan, nằm rải rác ở khắp các cánh rừng y như thể là có những thần khổng lồ xưa kia đã quăng đá vào đầu nhau.
Tháp là pháo đài; dưới chân tháp là một khối đá tảng, dưới chân khối đá là một dòng nước, cứ tháng một thì biến thành thác và đến tháng sáu thì cạn khô.
Xây dựng giản đơn như thế, pháo đài ấy, thời trung cổ, gần như không thể nào hạ nổi. Cái cầu đã làm cho thành trì yếu thế đi. Trước kia, dòng họ Gauvain không xây cầu. Từ bên ngoài vào người ta đi qua một tấm ván rệu rã, khi cần chỉ một nhát rìu là sập. Lúc dòng họ Gauvain mới chỉ là tử tước thì họ cho thế là được; nhưng khi họ được phong tước hầu, và khi họ rời bỏ cái hang hốc này để vào triều thì họ xây ba nhịp cầu trên dòng thác, như vậy thì từ phía cánh đồng đi vào dễ dàng, đồng thời từ đó đi lại với vua chúa cũng dễ dàng. Các ông hầu tước hồi thế kỷ mười bảy và các bà hầu tước hồi thế kỷ mười tám không muốn là con người bất khả xâm phạm nữa. Họ không muốn tiếp tục truyền thống của cha ông nữa; họ rập theo Versailles [164].
Trước mặt tháp, về phía tây, có một cao nguyên nối với cánh đồng; cao nguyên này nằm gần tháp, chỉ còn cách có một cái hào rất sâu có dòng nước chảy, một nhánh của sông Couesnon. Cái đầu nối pháo đài với cao nguyên, xây trên những cột trụ rất cao. Trên những cột trụ ấy, người ta xây một tòa nhà theo kiểu kiến trúc Mansard như ở Chenonceaux ở thoải mái hơn bên tháp. Nhưng tập quán thời đó hết sức gò bó; các ông lớn vẫn giữ tục lệ ở trong những phòng trên vọng lầu giống như những căn ngục tối. Ngôi nhà trên cầu cũng là thứ lâu đài nhỏ, ở lối vào có một hành lang dài gọi là phòng canh, trên phòng canh là thư viện và trên thư viện là vựa rơm rạ. Nhiều cửa sổ dài kính nhơ bằng thủy tinh Bohême, giữa các cửa sổ có một hàng cột, trên tường chạm trổ hình huy chương; có ba tầng: tầng dưới cùng chứa súng và giáo mác; tầng giữa chứa sách, tầng trên cùng chứa những bao lúa mạch và rơm rạ; cách sắp đặt ấy hơi man rợ và cũng rất quý phái.
Cạnh đó, tòa tháp trông dữ tợn.
Nó cao đến dễ sợ át hẳn ngôi nhà diêm dúa kia. Từ trên sân thượng, có thể xả súng xuống cầu.
Hai công trình ấy, cái thì thô lỗ, cái thì xinh xắn, mâu thuẫn với nhau hơn là đi đôi với nhau. Hai kiểu kiến trúc không ăn nhịp với nhau; hai vòng bán nguyệt tưởng là phải giống nhau, nhưng còn gì khác nhau hơn là kiểu vòm rômăng với kiểu vòm cổ điển. Ngôi tháp ấy xứng với núi rừng lại thật xa lạ với cái cầu kề bên chỉ xứng với cung đình. Khác nào một tướng lục lâm khoác tay hoàng đế. Nhìn toàn cụm thật ghê rợn. Từ hai dáng nghi vệ hòa vào nhau ấy toát ra một cái gì thật hung bạo.
Về mặt quân sự, cái cầu khiến cho tòa tháp dễ thất thủ, tô điểm thêm nhưng lại làm mất khả năng tự vệ; được phần trang trí thì mất sức mạnh. Cái cầu khiến cho tòa tháp ngang tầm với cao nguyên. Từ phía khu rừng đánh vào thì tòa tháp ấy vẫn rất kiên cố, nhưng từ phía cánh đồng đánh vào thì tháp rất dễ bị hạ. Xưa kia chưa có cái cầu thì tòa tháp chi phối qua cao nguyên nhưng nay thì, ngược lại, tòa tháp bị cao nguyên chi phối; kẻ địch chiếm được cao nguyên thì chẳng mấy chốc làm chủ cái cầu. Thư viện và vựa rơm rạ lợi cho địch và bất lợi cho pháo đài. Thư viện và vựa rơm rạ giống nhau ở chỗ là sách và rơm đều dễ bốc cháy. Đối với kẻ bao vây định dùng chiến thuật hỏa công thì đốt Homère hoặc đốt một bó rơm cũng vậy thôi, miễn cháy là được. Khi người Pháp đốt cháy thư viện Heidelberg, họ đã chứng minh cho người Đức chân lý ấy, và người Đức khi đốt cháy thư viện Strasbourg cũng chứng minh cho người Pháp chân lý ấy. Tháp Tourgue có thêm cái cầu ấy về mặt binh pháp thật là một sai lầm; nhưng thế kỷ thứ mười bảy, dưới thời Colbert và Louvois [165], các vị hoàng thân Gauvain ấy cũng như các hoàng thân De Rohan hoặc De La Trémoille cho rằng họ không bao giờ bị vây nữa. Tuy thế, những người xây dựng cầu cũng đã dự phòng ít nhiều. Trước hết, họ đã dự kiến hỏa hoạn; ở bên dưới ba cửa sổ ngảnh về mé hạ lưu con sông, họ đã treo nằm ngang một chiếc thang cấp cứu lớn vào những móc sắt mà cách đây nửa thế kỷ vẫn còn thấy, chiếc thang ấy dài bằng chiều cao của hai tầng nhà mé cầu và vượt quá ba tầng nhà bình thường; sau nữa, họ cũng dự kiến bị đột kích nên họ đã ngăn cầu và lâu dài bằng một cửa sắt nặng và thấp. Cửa sắt ấy nằm lọt trong khung vòm cửa tò vò và khóa bằng một chiếc chìa khóa rất lớn cất kín một chỗ, chỉ có chủ nhân biết mà thôi. Và một khi cửa đã đóng, thì nó có thể bất chấp đòn húc và gần như coi thường cả đạn đại bác.
Phải qua cái cầu mới tới cửa sắt ấy, và qua cửa sắt ấy mới vào bên trong tháp được, không có lối nào khác.
5
Cái cửa sắt
Tầng thứ hai của lâu đài nhỏ xây trên cầu nhờ có những trụ đá nên cao ngang tầm với tầng thứ hai của tháp.
Chính ở tầm cao ấy mà cái cửa sắt đã được đặt cho thêm chắc chắn.
Về phía cầu, cửa sắt mở lối vào thư viện, và về phía tháp, thì mở lối vào một gian phòng lớn, trần xây cuốn, có cột trụ ở giữa. Gian phòng này, như đã nói, là tầng thứ nhì của vọng lầu. Nó cũng tròn như hình tháp. Ánh sáng bên ngoài chỉ lọt qua những lỗ châu mai dài nhìn ra cánh đồng. Tường trông rất thô lậu, không trát, để lộ các lớp đá xếp rất cân đối. Từ tầng dưới người ta leo lên bằng một cầu thang xoáy trôn ốc xây trong tường, cách bố trí này rất đơn giản, vì bức tường dầy tới năm mét. Vào thời trung cổ, người ta đánh chiếm từng phố một để chiếm cả thành phố, đánh chiếm từng ngôi nhà một để chiếm một đường phố, đánh chiếm từng phòng một để chiếm một ngôi nhà. Đối với một pháo đài cũng phải bao vây chiếm dần từng tầng một. Về mặt này tháp Tourgue đã được bố trí khôn khéo, lên xuống rất quanh co, khó khăn. Từ tầng này đi lên tầng khác, người ta phải qua một cầu thang xoáy trôn ốc rất khó bước lên, các cửa lớn đều nằm chéo góc và không cao quá tầm người, phải cúi đầu xuống mới qua được; mà cúi đầu tức là giơ sọ cho người ta nện, vì ở mỗi cửa, kẻ bị vây sẵn sàng chờ đợi quân bao vây.
Bên dưới phòng tròn có trụ có hai phòng tương tự, đó là tầng gác thứ nhất và tầng nhà dưới bên trên còn ba tầng nữa. Trên cùng sau phòng chồng lên nhau ấy là sân thượng lát đá, và lên sân thượng phải đi qua một cái chòi hẹp.
Người ta đã phải đục bức tường dầy năm mét để đặt tấm cửa sắt, và tấm cửa gắn chặt vào đó, như bị bó trong một đường ống khum, như vậy là khi cửa đóng lại thì ở hai bên cửa lối sang cầu cũng như lối lên tháp, hình thành một cái cổng sâu tới hai mét; khi cửa mở các cổng ấy thông với nhau thành một lối vào có nóc xây cuốn.
Dưới vòm cổng phía cầu, có một cửa nhỏ đục trong tường ở chân cầu thang xoắn ốc dẫn vào hành lang tầng thứ nhất phía dưới thư viện; đây lại thêm một trở ngại nữa cho quân bao vây. Về phía cao nguyên lâu đài nhỏ xây trên cầu kết thúc bằng một bức tường dốc đứng và cầu bị cắt ở đấy. Một cầu rút, tựa vào cái cửa thấp làm cho cầu thông với cao nguyên, và do mặt đất bên ngoài cao hơn nên khi hạ xuống bao giờ cầu rút cũng nghiêng vào trong; cầu rút ấy dẫn vào hành lang tức là phòng canh gác. Khi quân bao vây chiếm lĩnh được hành lang đó, chúng phải ra sức chiếm lĩnh cái cầu thang xoắn ốc dẫn lên tầng hai.
6
Thư viện
Thư viện là một gian phòng dài và rộng ngang với cầu và chỉ có một cửa vào là cửa sắt, phía trong có một cánh cửa giả bọc dạ xanh, che khuất cổng vòm và chỉ cần đẩy nhẹ là đi vào tòa tháp. Tường thư viện, suốt từ trên xuống dưới và từ trên trần xuống tận sàn đều có tủ kính đóng theo kiểu đồ mộc đẹp thế kỷ thứ mười bảy. Sáu cửa sổ lớn, mỗi bên tường ba cửa trên mỗi nhịp cầu một cửa, chiếu sáng thư viện. Qua những cửa sổ đó từ bên ngoài và từ cao nguyên người ta nhìn thấu vào trong thư viện. Trên tường, giữa hai cửa sổ, trên những bệ bằng gỗ sồi chạm trổ, đặt sáu bức tượng của các nhân vật cổ Hy Lạp và danh nhân Pháp bằng cẩm thạch.
Trong thư viện toàn những sách tầm thường. Chỉ một cuốn nổi tiếng. Đó là một cuốn sách cổ, khổ giấy gấp tư, với những trang khắc gỗ, nhan đề in chữ lớn: Thánh Barthélémy, phụ đề: Kinh phúc âm theo lời kết của thánh Barthélémy, có lời bạt của nhà triết học Cơ Đốc giáo Pantœnus về vấn đề bản phúc âm này có phải là ngụy thư không và thánh Barthélémy có phải chính là Nathanaël không. Cuốn sách này, coi như bản độc nhất, được đặt trên một cái bàn ở giữa phòng. Hồi thế kỷ trước, người ta hay tò mò đến xem.
7
Vựa rơm rạ
Vựa rơm rạ cũng như thư viện, dài bằng cầu và sát mái nhà, như một gian chợ lổn ngổn rơm rạ, ánh sáng lọt vào qua sáu khung cửa sổ, không có vật trang trí nào khác ngoài hình chạm trổ. Khuôn mặt thánh Barnabé trên cửa vào phía dưới có đề câu thơ này.
Barnabus sanctus falcem jubet ire per herbam [166]
Như vậy đây là một tòa tháp cao và rộng có sáu tầng với mấy lỗ châu mai rải rác; lối ra vào duy nhất là một cái cửa sắt thông với một cái cầu trên đó xây một lâu đài nhỏ có cầu rút đóng lại; đằng sau tòa tháp là rừng rậm, đằng trước là cao nguyên thạch thảo, cao hơn cầu và thấp hơn tháp, dưới gầm cầu là một cái hào sâu và hẹp ngăn cách cao nguyên với tháp, mọc đầy cỏ rậm, mùa đông biến thành thác lũ, mùa xuân thành con suối, mùa hè thành cái hố đá lởm chởm. Tháp Gauvain, còn gọi là tháp Tourgue, là như thế.
@by txiuqw4