sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Phần 3: Tại Vendée - Quyển 6: Sau Chiến Thắng Nổ Ra Cuộc Đấu Tranh - Chương 2: Gauvain Tư Lự

Niềm suy tưởng của Gauvain khó mà dò được.

Một sự thay đổi vừa xảy đến, thật lạ lùng.

Lão hầu tước De Lantenac đã biến dạng.

Gauvain đã chứng kiến sự biến dạng ấy.

Anh ta chưa bao giờ ngờ những chuyện như thế lại dẫn đến những sự việc phức tạp như thế. Ngay trong giấc mơ anh ta chưa bao giờ tưởng tượng là có thể xảy ra những việc tương tự. Cái bất ngờ, một cái gì kiêu kỳ đùa giỡn với con người, đã chi phối Gauvain. Trước mặt Gauvain, cái không có thể xảy ra đã trở nên thực tế, trông thấy được, sờ mó được, không tránh được, không cưỡng lại được.

Gauvain nghĩ gì về cái đó?

Không chần chừ được nữa; phải kết luận.

Một câu hỏi đã đặt ra; anh ta không thể trốn tránh trước câu hỏi đó.

Ai đặt ra?

Các biến cố.

Và không phải chỉ các biến cố.

Vì khi sự cố là cái luôn luôn biến chuyển đặt ra câu hỏi nào đó, thì công lý là cái bất di bất dịch thúc bách ta phải trả lời.

Đằng sau đám mây tỏa bóng đen, có ngôi sao tỏa ra ánh sáng.

Không thể tránh được ánh sáng cũng như không thể thoát khỏi bóng đen.

Gauvain đang bị thẩm vấn.

Anh ta đang đối diện trước người nào đó.

Trước người nào đó rất đáng sợ.

Lương tâm anh.

Gauvain cảm thấy tất cả đang lung lay trong anh ta. Những ý định vững vàng nhất, những hứa hẹn chắc chắn nhất, những quyết đoán bất di bất dịch của anh, tất cả đang lảo đảo trong đáy sâu nghị lực của anh.

Tâm hồn có những rung chuyển.

Càng nghĩ đến những việc mắt anh vừa thấy, lòng anh càng bồn chồn.

Gauvain, con người cộng hòa, nghĩ rằng mình đang ở trong cái tuyệt đối; anh đã thật sự ở trong cái tuyệt đối. Một cái tuyệt đối cao hơn vừa xuất hiện.

Việc đã xảy ra, không thể lẩn tránh được; sự việc thật nghiêm trọng; Gauvain có dính líu vào đó; đã dính líu, anh không thể tự rút ra được và mặc dầu Cimourdain đã nói với anh: “Việc đó không can gì tới anh nữa”. Anh tự cảm thấy một cái gì giống như cảm giác của cái cây lúc bị bứt ra khỏi rễ.

Mọi người đều có một cơ sở; lay chuyển đến cơ sở ấy thì gây ra một sự rối loạn sâu sắc; Gauvain cảm thấy sự rối loạn ấy.

Anh lấy hai tay bóp chặt đầu như muốn cho chân lý vọt ra. Xác định rõ một tình huống như vậy không phải là dễ; có gì khó bằng đơn giản hóa cái phức tạp, trước mặt anh có những con số đáng sợ mà phải tìm ra tổng số; làm cái tính cộng của số mệnh ư, thật là choáng váng! Anh làm thử; anh cố tìm hiểu; anh gắng tập trung tư tưởng, ghìm những phản ứng trong bản thân và tổng hợp các sự kiện.

Anh tự vấn mình.

Ai chẳng có lúc phải tự vấn mình, tự đặt câu hỏi với chính mình, trong một hoàn cảnh trọng đại để tìm hướng đi, để tiến hoặc lùi?

Gauvain vừa chứng kiến một chuyện thần kỳ.

Cùng lúc với cuộc chiến đấu trần tục, đã xảy ra một cuộc chiến đấu siêu phàm.

Cuộc chiến đấu của cái thiện chống lại cái ác.

Một trái tim dữ tợn vừa thất bại.

Con người vốn dĩ xấu xa, hung hãn, dễ phạm sai lầm, mù quáng, cố chấp, kiêu ngạo, ích kỷ, vậy mà Gauvain lại vừa chứng kiến một phép màu.

Nhân đạo chiến thắng con người.

Nhân đạo chiến thắng bất nhân.

Mà thắng bằng phương tiện nào? Bằng cách nào? Làm sao quật ngã được con vật khổng lồ hiện thân của hung hãn và hằn thù? Nhân đạo đã sử dụng loại vũ khí nào? Phương tiện chiến tranh nào? Chiếc nôi.

Một cái gì chói lọi vừa soi vào Gauvain. Giữa lúc xã hội đang xâu xé gắt gao, giữa lúc mọi thứ oán cừu và thù hận đối địch nhau, giữa lúc hỗn độn, tối tăm và điên cuồng nhất, giữa lúc tội ác và căm hờn thả sức gieo rắc lửa hồng và ám muội, giữa lúc mà vật gì cũng thành tên đạn, giữa lúc hỗn loạn tang tóc khiến ta không phân biệt được đâu là công lý, đâu là trung thực, đâu là chân lý, đột nhiên một thế lực huyền bí tỏa luồng ánh sáng vĩnh cửu lên con người với những cái vinh và cái nhục của kiếp người.

Bên trên cuộc xung đột âm thầm, giữa cái giả và cái tương đối thì bộ mặt của cái chân thật bỗng hiện lên trong cõi sâu thẳm.

Đột nhiên sức mạnh của những kẻ yếu đã can thiệp vào.

Người ta đã thấy ba đứa trẻ tội nghiệp, vất vưởng, côi cút, cô đơn, tươi cười, mà đã phải đương đầu với nội chiến, với phục thù, giết chóc tàn sát, và ba trẻ đó đã thắng; người ta được chứng kiến một đám cháy nhen lên để gây tội ác, nhưng đã thất bại; người ta được thấy những mưu mô tàn khốc bị vỡ lở; người ta đã thấy tính chất tàn bạo của xã hội phong kiến, mớ kinh nghiệm giả tạo về những tất yếu của chiến tranh, lợi ích tối cao của nhà nước, những thiên kiến kiêu căng của tuổi già hung hãn, tiêu tan trước ánh mắt xanh của trẻ thơ; và điều đó rất đơn giản, bởi vì những trẻ chưa bước vào đời thì chưa làm điều ác, chúng tiêu biểu cho công lý, chân lý, cho sự trong trắng, chúng là những thiên thần.

Cảnh tượng hữu ích; một lời khuyên, một bài học; những kẻ cuồng chiến tàn khốc bỗng thấy hiện lên - đối diện với những tội ác, những cảnh cuồng tín, tàn sát dã man đang nhen thêm lửa hận thù vào các dàn thiêu; đối diện với thần chết xuất hiện với bó đuốc trong tay trên các xác chết do tội ác gây nên - một thế lực tuyệt đối, sự thơ ngây.

Và thơ ngây đã thắng.

Và ta có thể nói rằng: nội chiến, man rợ, hằn thù, tội ác, bóng tối đều không tồn tại được; muốn xua tan những bóng ma ấy, chỉ cần có ánh rạng đông này: tuổi thơ.

Không bao giờ, trong một cuộc chiến đấu, Satan và Chúa Trời cùng thể hiện rõ ràng như thế.

Cuộc chiến đấu đã diễn ra trong lương tâm của một con người.

Lương tâm của Lantenac.

Giờ đây nó lại tái diễn, có lẽ còn dữ dội và quyết liệt hơn trong một lương tâm khác.

Lương tâm của Gauvain.

Còn chiến trường nào gay go hơn con người!

Chúng ta bị tư tưởng của chúng ta, những vị thần ấy, những yêu quái ấy, những động vật khổng lồ ấy trói buộc chúng ta.

Những chiến binh dữ tợn ấy dày xéo tâm hồn chúng ta.

Gauvain ngẫm nghĩ.

Lão hầu tước De Lantenac, bị bao vây, bị uy hiếp, bị kết án, bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, bị xiết chặt như con thú trong trường đấu, như cái đinh trong hai gọng kìm, bị nhốt trong nhà của lão đã biến thành nơi giam lão, giữa bốn bức tường thành sắt và lửa, rồi tìm được cách thoát thân. Lão đã thành công một cách kỳ lạ. Lão đã làm nên một kiệt tác, một kiệt tác khó thực hiện nhất trong một cuộc chiến tranh như thế: tẩu thoát. Lão đã chiếm lại được rừng núi để trốn tránh, trở về với làng mạc để chiến đấu, lấy lại bóng tối để dễ biến đi. Lão lại trở thành kẻ ngược xuôi đáng sợ, kẻ lang thang ghê rợn, kẻ cầm đầu đoàn quân vô hình, thủ lĩnh bọn người sống dưới mặt đất, vị chúa rừng. Gauvain thắng trận, nhưng Lantenac vẫn tự do. Từ nay, lão được yên ổn, mặc sức tung hoành, tha hồ chọn nơi trú ẩn. Không ai bắt được lão, tìm ra lão, đụng đến lão nữa. Con sư tử đã sa bẫy rồi lại thoát ra.

Thế mà con sư tử ấy lại trở vào bẫy.

Lão hầu tước De Lantenac đã hoàn toàn chủ động, hoàn toàn tự ý từ bỏ núi rừng, bóng tối, yên ổn, tự do, dũng cảm quay trở lại những cảnh ngộ cực kỳ nguy hiểm: lần thứ nhất, Gauvain đã trông thấy lão liều thân nhảy bổ vào đám cháy, lần thứ hai Gauvain lại thấy lão bước xuống thang nộp mình cho kẻ thù, cái thang cứu mạng cho kẻ khác đã thành cái thang nộp mạng lão.

Tại sao lão hành động như vậy?

Để cứu ba đứa trẻ.

Và bây giờ người ta định làm gì lão?

Chém đầu lão.

Ba đứa trẻ kia phải chăng là con lão? Không. Họ hàng lão? Không. Cùng đẳng cấp với lão? Không; vì ba đứa trẻ nghèo khổ, cầu bơ cầu bất, bỏ rơi bên đường, xa lạ, rách rưới, đi chân đất, mà con người quý tộc kia, vị hoàng thân kia, người già cả kia, đã được cứu thoát, đã thắng thế - vì thoát thân là thắng thế - một lần nữa liều lĩnh rước lấy hiểm nghèo, đảo lộn tình thế, và kiêu hãnh biết bao khi đem trả lại bọn trẻ lão cũng đồng thời nộp cả cái đầu lão, cái đầu trước đây thật ghê gớm, bây giờ lại thật là cao cả.

Và người ta sẽ làm gì?

Nhận cái đầu ấy.

Lão hầu tước De Lantenac đã lựa chọn giữa cái sống của kẻ khác với cái sống của mình; trong cuộc lựa ấy, lão đã chọn cái chết cho lão.

Và người ta sắp cho lão được chết.

Người ta sắp giết lão.

Cử chỉ hào hùng được đền đáp như thế đấy!

Đáp lại một hành vi hào hiệp bằng một hành vi man rợ!

Hạ thấp cách mạng như thế đấy!

Làm cho chính thể cộng hòa nhỏ bé đến như thế!

Trong lúc con người của thành kiến và nô lệ, đột nhiên đổi thay, trở về với nhân đạo thì họ, những con người của tự do và giải phóng lại hãm mình trong cảnh nội chiến, giết chóc và huynh đệ tương tàn!

Không giành lấy phần cao thượng được ư? Chịu thua cuộc để đang là kẻ mạnh nhất trở thành kẻ yếu nhất, đang là kẻ chiến thắng trở thành kẻ giết người, và để cho thiên hạ nói được rằng phe bảo hoàng có những người cứu con trẻ, còn phe cộng hòa có những kẻ giết người già!

Người ta sẽ chứng kiến người quân nhân vĩ đại kia, lão già tám mươi hùng mạnh kia, người chiến sĩ tay không kia, bị chộp trộm hơn là bị bắt, bị tóm trong khi đang làm một việc nghĩa cử, trán còn đẫm mồ hôi của một sự hy sinh cao cả, bước lên đoạn đầu đài như bước lên bậc thang hiển thánh! Thế rồi người ta đặt đầu lão dưới lưỡi máy chém, xung quanh cái đầu đó sẽ có ba linh hồn, những thiên thần bé nhỏ được cứu sống, bay lượn, khẩn cầu! Và trước cảnh hành hình nhục nhã cho bọn đao phủ người ta sẽ thấy trên mặt của con người ấy nở một nụ cười và bộ mặt nền cộng hòa đỏ ửng!

Và cảnh đó sẽ diễn ra trước mặt Gauvain, người chỉ huy!

Và đáng lẽ có thể ngăn cản được việc đó anh lại sẽ làm thinh! Và anh ta sẽ đành lòng với sự ngăn chặn kiêu hùng: “Chuyện đó không can hệ gì đến anh nữa!” Và anh cũng sẽ không nghĩ rằng trong trường hợp này im lặng là đồng lõa! Và anh ta sẽ không nhận thấy rằng trong một việc lớn như thế, giữa người thực hiện và người để mặc cho kẻ khác thực hiện thì người thứ hai thật xấu xa hơn nhiều, vì như vậy là kẻ hèn nhát!

Nhưng chính anh ta đã tán thành việc giết Lantenac cơ mà? Gauvain, con người khoan hồng ấy chẳng đã tuyên bố phải đặt Lantenac ra ngoài chính sách khoan hồng, và anh sẽ nộp Lantenac cho Cimourdain xử trí đó sau?

Anh ta nợ cái đầu ấy, vậy anh ta phải trả. Thế thôi.

Nhưng có phải vẫn là cái đầu ấy chăng?

Cho đến nay, Gauvain chỉ thấy ở Lantenac kẻ chiến đấu man rợ, kẻ cuồng tín của nền quân chủ và chế độ phong kiến, kẻ tàn sát tù binh, kẻ khát máu giết người bừa bãi. Anh ta không sợ con người đó; đối với kẻ bạo ngược đó, anh ta sẽ dùng bạo ngược để xử sự, kẻ ác nghiệt đó sẽ gặp sự ác nghiệt của anh. Không còn gì đơn giản hơn, con đường đã vạch ra như thế thật là dễ theo mọi điều đã được dự đoán, phải giết kẻ giết người, cứ việc đi theo con đường thẳng kinh khủng ấy. Không ngờ, con đường thẳng đó bị gãy, một khúc ngoặt đột ngột mở ra một chân trời mới, một biến động đã xảy ra.

Một Lantenac mới lạ bước lên sân khấu. Một anh hùng thoát ra từ con quái vật; còn hơn một anh hùng một con người còn hơn một linh hồn, một trái tim, không còn là kẻ giết người trước mặt Gauvain nữa mà là kẻ cứu người. Gauvain bị khuất phục trước một luồng ánh sáng cao siêu. Lantenac vừa giáng cho Gauvain một đòn sấm sét, lòng nhân từ.

Lẽ đâu Lantenac biến đổi mà không ảnh hưởng đến Gauvain. Lẽ nào luồng ánh sáng ấy lại không có tác dụng phản quang! Lẽ nào con người của quá khứ tiến lên phía trước mà con người của tương lai lại lùi về phía sau! Lẽ nào con người của man di và mê tín dị đoan bỗng mọc lên đôi cánh rộng lớn và bay lượn trên không trung để nhìn xuống con người của lý tưởng bò lê trong bùn lầy và đêm thẳm! Lẽ đâu Gauvain chịu nằm ép trong cái vết xe cũ rích trong lúc Lantenac vẫy vùng ở cõi cao siêu!

Lại còn chuyện khác nữa.

— Dòng họ.

Dòng máu mà Gauvain sắp để cho chảy ra - vì để mặc cho nó chảy thì có khác nào chính mình làm cho nó chảy ra - há chẳng phải là dòng máu của chính mình? Ông nội đã chết, nhưng ông chú còn sống; ông chú chính là lão hầu tước De Lantenac. Liệu người anh nằm trong mồ có đứng dậy ngăn không cho người em xuống đấy? Lẽ nào ông nội lại chẳng ra lệnh cho đứa cháu trai phải kính trọng từ nay vành tóc bạc ấy, chị em của vành hào quang của chính ông?

Tại sao cái nhìn bất bình của một bóng ma lại không thể len vào giữa Gauvain và Lantenac?

Lẽ nào mục đích của cách mạng lại làm cho con người biến chất? Phải chăng cách mạng xuất hiện để phá hoại gia đình, để bóp nghẹt nhân loại? Đâu phải thế. Cách mạng 89 vùng lên là để khẳng định chứ không phải để phủ nhận những thực tế cao cả ấy. Lật đổ các ngục tù chính là giải thoát nhân loại, hủy bỏ chế độ phong kiến chính là thiết lập gia đình. Đấng sinh thành là khởi điểm của quyền lực và quyền lực nằm trong tay đấng sinh thành, cho nên không có quyền lực nào khác ngoài cha mẹ; tính chất hợp pháp của ong chúa là ở đó; vì là mẹ đẻ ra cả bầy, nên mới được công nhận là chúa, tính chất bất hợp lý của cha là ở đó, vì không phải là cha đẻ thì không thể là chủ nhân. Do đó phải phế vua; phải thành lập nền cộng hòa. Tất cả những cái đó là gì? Là gia đình, là nhân loại, là cách mạng. Cách mạng là nhân dân cầm quyền; và nhân dân chính là người.

Bây giờ chúng ta hãy xét xem khi Lantenac trở về với nhân loại thì Gauvain có trở về với gia đình không.

Hai ông cháu sẽ gặp nhau ở nơi xán lạn cao cả hay là khi người ông tiến một bước thì người cháu lùi một bước.

Trong cuộc tranh luận bi đát giữa Gauvain với lương tâm mình câu hỏi sẽ đặt ra như vậy và phương pháp giải quyết sẽ là cứu Lantenac.

Được, nhưng còn nước Pháp thì sao?

Đến đây, vấn đề bỗng thay đổi.

Lúc này nước Pháp đã lâm nguy! Nước Pháp đang bị dâng cho địch, biên thùy bỏ ngỏ, nội địa chia cắt! Không còn hào sâu để ngăn chặn quân Đức vượt qua sông Rhin nữa; không còn thành lũy nữa, nước Ý vượt qua dãy núi Alpes và nước Tây Ban Nha dãy Pyrénées. Chỉ còn lại vực thẳm rộng lớn là đại dương. Nước Pháp có thể dựa lưng vào đó và, vốn là một nước rộng lớn, nước Pháp có thể dựa vào cả đại dương để chống lại cả lục địa. Cái thế ấy suy đến cùng là không thể nào xâm phạm. Nhưng không, nó sắp mất nốt rồi. Đại dương ấy không còn là của nước Pháp nữa. Trên đại dương đó đã có nước Anh. Thật ra, nước Anh chưa biết qua đại dương ra sao. Tuy nhiên có một người sắp bắc cầu cho họ qua, giơ tay đón họ, nói với bọn kẻ cướp Pitt, Craig, Cornwallis, Dundas: Xin mời qua! Có một người sắp kêu lên: Hỡi người Anh, hãy chiếm lấy nước Pháp! Và người ấy là lão hầu tước De Lantenac.

Người ấy đã bị bắt. Sau ba tháng săn đuổi người ta đã chộp được hắn. Bàn tay của cách mạng, vào thời điểm 93, đã chẹt lấy cổ tên sát nhân bảo hoàng. Kẻ vong tổ giờ đây đang chờ hình phạt ngay trong nhà ngục của tổ tông hắn; con người phong kiến đang bị nhốt trong cái hầm giam phong kiến; đá xây lâu đài đứng lên chống lại hắn, vây kín hắn, và kẻ mưu toan bán nước phải nộp mạng ngay trong nhà mình. Giờ phút công minh đã điểm, cách mạng đã cầm tù tên hại dân hại nước; hắn không còn chiến đấu được nữa, không còn chống cự được nữa, không còn phá phách được nữa; trong cái vùng Vendée đông tay chân này, hắn là khối óc duy nhất; mất hắn là nội chiến tan; người ta đã tóm được hắn, kết cục bi đát nhưng đáng mừng. Sau bao cuộc tàn sát giết chóc, hắn đã ở đây, đến lượt kẻ giết người phải đền tội.

Thế mà lại còn có kẻ muốn cứu hắn!

Cimourdain, tức là cao trào 93, đã chộp được Lantenac, tức là chế độ quân chủ, thế mà có một kẻ toan gỡ cái mồi ấy khỏi cái vuốt kia! Lantenac, người tiêu biểu cho cái quá khứ đầy tai họa, lão hầu tước De Lantenac đã nằm trong mồ, cánh cửa nặng nề vĩnh cửu đã khép lại, thế mà có kẻ toan đến kéo chốt cửa ra! Kẻ phá hoại xã hội đã chết, cùng với cái chết của hắn là sự chấm dứt cuộc nổi loạn, cuộc huynh đệ tương tàn, cuộc chiến tranh thú vật, thế mà có kẻ muốn hắn sống lại!

Ôi! Rồi cái đầu lâu ấy sẽ cười ngất nghểu!

Rồi con ma đó sẽ nói: Tốt lắm, ta sống lại đây rồi, đồ ngốc.

Rồi hắn lại tiếp tục sự nghiệp ghê tởm của hắn. Rồi tàn nhẫn và vui sướng, Lantenac lại ngụp vào trong cái vực sâu của hằn thù và chiến tranh! Rồi từ ngày mai cảnh cháy nhà, tàn sát tù binh, thương binh, phụ nữ lại tiếp diễn!

Mà nói cho cùng, liệu Gauvain có khuếch đại quá mức cái hành vi đã làm anh ta mê muội không?

Ba đứa bé bị nguy khốn; Lantenac đã cứu chúng. Nhưng ai đã làm cho chúng nguy khốn?

Há chẳng phải là Lantenac?

Ai đã đem những cái nôi ấy đặt vào trong đám cháy?

Há chẳng phải là Imânus?

Imânus là ai?

Người thừa hành của lão hầu tước.

Trách nhiệm là ở người cầm đầu.

Vậy kẻ đốt nhà và giết người chính là Lantenac.

Hắn đã làm gì đáng khâm phục đến thế?

Hắn đã chùn tay. Có thế thôi.

Sau khi đã gây nên tội ác, hắn đã lùi bước. Hắn đã kinh tởm chính bản thân hắn. Tiếng kêu của người mẹ đã thức tỉnh trong lòng hắn cái tình thương người cố hữu, cái kết tinh của cuộc sống muôn thuở, vốn có trong mọi tâm hồn, kể cả những tâm hồn tàn ác nhất. Nghe tiếng kêu đó, hắn đã quay lại. Từ chỗ đang dấn sâu vào đêm tối, hắn đã trở về với ánh sáng. Sau khi gây nên tội ác hắn đã gỡ ra. Tất cả ưu điểm của hắn chỉ là thế này: hắn đã không làm con quái vật cho đến cùng.

Không lẽ vì một chút ít như thế mà phải trả lại cho hắn tất cả! Trả lại không gian, đồng ruộng, không khí, ánh sáng, trả lại núi rừng để cho hắn đeo đuổi nghề cướp bóc, trả lại tự do để cho hắn đẩy người vào vòng nô lệ, trả lại kiếp sống để cho hắn gây ra chết chóc!

Còn như có thương lượng với hắn, muốn điều đình với cái đầu óc kiêu ngạo ấy, hứa tha hắn có điều kiện muốn hỏi hắn có chịu đổi mạng bằng cách từ bỏ mọi hành động thù địch và phiến loạn; thì đó là một chủ trương sai lầm chỉ có lợi cho hắn, sẽ bị hắn miệt thị, và đập lại một cách thích đáng; hắn sẽ trả lời như tát vào mặt đối phương. Hắn sẽ bảo: Các anh hãy giữ lấy phần ô nhục cho các anh! Giết ta đi!

Thật vậy, đối với hắn chỉ có giết hoặc thả, không còn cách nào khác nữa. Con người ấy rất ngang ngạnh. Lúc nào cũng sẵn sàng cất cánh bay hoặc chịu chết; tự mình hoặc là đại bàng, hoặc là vực thẳm. Một tâm hồn kỳ dị.

Giết hắn ư? Tàn nhẫn! Thả hắn ư? Trách nhiệm lớn lao!

Lantenac thoát chết, tình hình Vendée sẽ trở lại như cũ, như con mãng xà chưa bị chặt đầu. Chỉ trong nháy mắt, nhanh như chớp, ngọn lửa đã hoàn toàn bị dập tắt khi mất con người ấy lại bùng lên. Lantenac sẽ không ngừng tay nếu như hắn chưa hoàn thành cái mưu đồ đáng nguyền rủa là đem cái nắp mồ quân chủ chụp lên nền cộng hòa và đem nước Anh chụp lên đầu nước Pháp. Cứu Lantenac tức là hy sinh nước Pháp; Lantenac sống thì vô số người vô tội, đàn ông, đàn bà, con trẻ sẽ chết, vì nội chiến sẽ tái diễn, quân Anh sẽ đổ bộ, cách mạng sẽ lùi bước, các đô thị sẽ bị cướp phá, dân chúng sẽ bị xâu xé, xứ Bretagne sẽ đẫm máu, và Gauvain, giữa những nguồn tư tưởng mung lung và ngược chiều nhau, thấy mang máng phác họa trong suy tư và đặt ra trước mình vấn đề này: thả hổ về rừng.

Thế rồi, vấn đề trở lại như lúc đầu; không có gì nặng nề bằng mình tự chất vấn mình; vậy Lantenac có phải là con hổ không?

Có thể trước kia lão là con hổ, nhưng giờ đây lão còn có là con hổ nữa không? Đầu óc Gauvain cứ lẩn quẩn xung quanh câu hỏi ấy. Xét cho cùng liệu người ta có thể phủ nhận sự tận tụy của Lantenac, sự xả thân và vô tư cao quý của lão không? Lão đã chẳng thể hiện lòng nhân đạo trước cảnh xâu xé của cuộc nội chiến, đem chân lý cao siêu đặt lên trên những chân lý tầm thường của cuộc xung đột ư! Lão đã chẳng chứng minh rằng bên trên các vua chúa, bên trên các cuộc cách mạng, trên các vấn đề trần tục còn có sự rung động bao la của tâm hồn con người, còn có trách nhiệm của kẻ mạnh phải che chở kẻ yếu, của kẻ đã thoát nạn phải cứu vớt những kẻ đang lâm nguy, còn tình phụ tử của tất cả người già với tất cả các trẻ em ư! Lão đã chẳng hiến cái đầu của lão để chứng minh những khả năng phi thường của con người ư! Mặc dù là tướng, lão đã chẳng từ bỏ chiến lược, chiến cuộc, mưu đồ phục thù đó sao? Là một người bảo hoàng, lão đã đặt lên cán cân một bên là vua nước Pháp, nền quân chủ đã tồn tại mười lăm thế kỷ, những luật lệ phục hồi một xã hội cũ phải hưng phục, và bên đĩa cân kia là ba đứa trẻ dân quê tầm thường, và lão đã thấy rằng vua, ngai vàng, quyền trưởng và mười lăm thế kỷ quân quyền nhẹ hơn ba tuổi thơ kia! Lẽ nào tất cả những cái đó không đáng kể! Và kẻ đã hành động như thế vẫn chỉ là một con hổ và phải được đối xử như một con thú dữ ư! Không! Không! Không! Con người vừa lấy hành động thần thánh soi sáng cái vực nội chiến không phải là con quái vật! Kẻ cầm kiếm đã biến thành kẻ cầm đuốc soi đường. Quỷ Satan đã trở lại là Lucifer [181] trên thiên đường.

Lantenac đã chuộc lại mọi hành vi man rợ bằng một hành động hy sinh; mất phần thể xác, lão đã cứu vãn được phần hồn; lão đã trở thành trong trắng; lão đã tự ân xá cho lão. Liệu con người có quyền tự xá tội cho mình không? Từ nay lão thật đáng kính.

Lantenac vừa trở nên phi thường. Bây giờ đến lượt Gauvain.

Gauvain có nhiệm vụ phải đối chọi với lão.

Cuộc xung đột giữa những ước mơ cao đẹp và những dục vọng xấu xa lúc đó đang làm rối loạn cả thế giới; Lantenac, vượt lên trên cuộc hỗn loạn đó, đã cứu vãn được tình nhân loại; đến lượt Gauvain bây giờ phải cứu vãn tình gia đình.

Anh ta sẽ làm gì?

Liệu Gauvain có phụ lòng tin của Chúa không?

Không. Và anh ta tự nhủ:

— Phải cứu Lantenac.

Thế thì được. Hãy làm tay sai cho bọn Anh đi. Đảo ngũ đi. Hãy đầu hàng địch. Cứu Lantenac và phản bội nước Pháp đi.

Và Gauvain rùng mình.

Hỡi con người mơ mộng! Giải pháp của anh chẳng giải quyết được gì cả! Gauvain như thấy trong bóng tối cái nụ cười ghê rợn của con nhân sư [182].

Tình huống ấy như một ngã ba đường đáng sợ, nơi đó các chân lý xung đột nhau dữ dội, nơi đó ba khái niệm lớn của con người, nhân loại, gia đình, tổ quốc chạm nhau nảy lửa.

Ba khái niệm ấy, ba tiếng nói ấy đều lần lượt nói lên chân lý. Chọn sao đây? Cả ba đều nói lên lẽ phải và công lý: Hãy làm như thế này. Có phải nên làm như vậy không? Nên. Không nên. Lý lẽ nói một đường; tình cảm bảo một nẻo hai lời khuyên trái ngược nhau. Lý lẽ chỉ là lẽ phải; tình cảm thường là lương tâm; lý lẽ từ con người mà ra, tình cảm từ trên cao dội xuống.

Điều đó làm cho tình cảm kém sáng suốt nhưng lại mãnh liệt hơn.

Song lẽ phải khắc nghiệt cũng không kém phần sức mạnh.

Gauvain do dự.

Những dằn vặt đáng sợ dày vò anh.

Hai vực thẳm mở ra trước mặt Gauvain. Bỏ mặc lão hầu tước? Hay là cứu lão? Thế nào cũng phải lao xuống vực này hoặc vực kia.

Hai bên vực thẳm ấy, bên nào là nghĩa vụ?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx