sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chờ Đợi Giọng Nói Của Em - Chương 31 - 32

Chương 31. Trạm dừng chân của con

Trịnh Dương, nữ, 17 tuổi, học sinh cấp ba

Năm nay tôi mười bảy tuổi, đang học cấp ba. Trước đây, tôi là một đứa con gái ngoan, biết nghe lời, biểu hiện ở trường lớp rất tốt, thành tích học tập cũng rất khá. Các thầy cô đều rất thích tôi, thường xuyên khen ngợi tôi trước lớp. Nhưng tất cả những điều này đã là chuyện quá khứ. Không hiểu sao sau khi lên cấp ba, tôi lại cảm thấy chuyện học hành thật vất vả. Còn nhớ lúc lên cấp hai, niềm vui lớn nhất của tôi là được nghe thầy giáo công bố kết quả thi, bởi vì lúc nào tôi cũng là học sinh xếp thứ nhất hoặc thứ nhì của lớp. Thế nhưng bây giờ, số lần thi cử tăng lên chóng mặt, tôi không những không vui vẻ mà còn cảm thấy có một gánh nặng rất lớn về mặt tâm lí. Kết quả học tập của tôi không còn dẫn đầu lớp như trước nữa; rất nhiều bạn (nhất là các bạn nam) trước đây học không bằng tôi, nay đều lần lượt vượt mặt tôi. Đầu óc tôi như đang rơi vào một trạng thái mơ hồ không xác định, thậm chí tôi còn lo rằng bản thân mình không thi đỗ đại học. Điều đó đối với tôi cực kì đáng sợ, bởi thầy cô giáo và bố mẹ gửi gắm vào tôi quá nhiều kì vọng, các bạn trong lớp ai cũng tin chắc rằng tôi sẽ đỗ đại học. Nếu chẳng may để mọi người thất vọng, tôi còn mặt mũi nào sống trên đời này nữa?

Tình hình học tập của tôi ngày một thảm hại. Cô giáo chủ nhiệm cho gọi tôi lên hỏi han tình hình. Cô hỏi tôi lí do của sự sa sút này, tôi nói tôi cũng không biết, không hiểu được là vì sao nữa, chỉ cảm thấy mình học sút đi. Cô chủ nhiệm đột nhiên nhắc đến chuyện tôi qua lại với một anh lớp trên, nghe giọng điệu có vẻ như đang dò xét tôi vậy. Tôi rất bực bội. Tôi và anh ấy chẳng qua chỉ là quan hệ bạn bè bình thường. Anh ấy là anh họ của bạn thân tôi. Tôi quen và chơi với anh ấy trong một dịp nhà trường tổ chức đi tham quan hai ngày. Chúng tôi thường xuyên nói chuyện điện thoại, thỉnh thoảng còn viết thư cho nhau. Mặc dù cùng học một trường nhưng chúng tôi rất thích liên lạc với nhau bằng thư từ, bởi có rất nhiều điều không tiện nói thẳng trước mặt, nhưng lại rất dễ dàng nói ra khi viết thư. Trong thư chúng tôi không bao giờ đề cập đến vấn đề yêu đương; quan hệ giữa chúng tôi vẫn chưa phát triển đến mức đó. Tôi nói sự thật cho cô giáo chủ nhiệm nghe, nhưng cô hoàn toàn không tin lời tôi, còn cảnh cáo tôi rằng: “Đây là thời kì rất quan trọng, đừng để những thứ tình cảm trẻ con đó làm ảnh hưởng đến chuyện học hành!”.

Lúc tôi về đến nhà, bố tôi đã ngồi đợi tôi rồi. Hóa ra cô giáo chủ nhiệm đã gọi điện nói chuyện đó với bố tôi. Bố tôi là một người tình tính nóng nảy, bình thường tôi cũng hơi sợ bố. Mặc dù bố hay nổi cáu với mọi người nhưng bố rất yêu thương tôi. Vậy mà hôm nay, tôi vừa bước chân vào nhà, bố đã quát tháo ầm ĩ, còn nói những điều rất khó nghe. Tôi cảm thấy mình chẳng còn chút tự trọng nào nữa. Tôi không nói bất cứ điều gì để biện hộ cho mình, bởi tôi biết dù tôi có nói gì thì người lớn cũng không tin. Bố mắng tôi một thôi một hồi, cấm tôi không được chơi bời với con trai. Tôi đành phải ậm ừ cho qua chuyện. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, bố chưa nguôi cơn giận, bố còn xông vào phòng tôi, bắt tôi phải mở ngăn kéo tủ của mình, mang tất cả thư từ, thiệp chúc mừng, cả nhật kí, băng đài của tôi nữa. Tôi nhìn bố như nhìn một bạo chúa. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy thất vọng và hụt hẫng về gia đình mình. Ở đây, tôi không có quyền tự do biện hộ cho mình, bất cứ lúc nào cũng có thể bị cướp đi lòng tự trọng, ngay kể cả những đồ vật mà tôi yêu quý cũng bị cho là những thứ xấu xa, đáng vứt bỏ hết... Hôm đó, tôi nhốt mình trong phòng và khóc rất to. Mặc cho mẹ gọi cửa, tôi nhất định không chịu ra. Bố còn ở đó quát lên: “Mặc kệ nó, cho nó chết đói. Tôi không cần một đứa con gái kém cỏi như vậy!”.

Mọi chuyện rồi cũng qua đi, tôi nghĩ rằng thế là xong. Nhưng nửa tháng sau, một bạn gái học cùng tôi gọi điện đến, bố nhấc máy, nói với bạn ấy bằng giọng điệu rất khó chịu, thậm chí còn cúp máy khi bạn ấy vẫn chưa nói hết. Đã vậy lúc ăn cơm, bố còn nói tôi: “Không hiểu sao con có thể chơi được với những đứa bạn như vậy?”. Tôi không nhịn được, bèn giải thích vài câu, thế là bố lại quát vào mặt tôi, nói tôi không chịu tiếp thu ý kiến phê bình, không tôn trọng bố. Trời đất ơi! Có phải bố tôi đã quá vô lí rồi không?

Tôi ngày càng chán ghét gia đình mình, nhất là bố tôi. Cứ động một chút là bố tôi lại nổi cáu, cứ uống rượu vào là mắng mọi người xung quanh. Tôi cảm thấy gia đình mình như địa ngục vậy, không còn chút cảm giác đầm ấm nào, chỉ còn lại sự giày vò mà thôi. Tôi hết chịu nổi rồi. Còn về việc học hành của tôi, chắc không cần nói mọi người cũng biết. Làm sao tôi có thể học được trong hoàn cảnh như vậy cơ chứ?

Bố bạn đang ở độ tuổi trung niên, trên có già, dưới có trẻ, phải gánh trên vai những trọng trách hết sức nặng nề; chính vì thế, con gái cần phải hiểu và thông cảm cho sự nóng nảy của bố. Cho dù có xảy ra mâu thuẫn với bố mẹ đi chăng nữa, bạn cũng cần phải học cách giải quyết mâu thuẫn và biết cách thuyết phục bố mình. Có thể nói, đây cũng chính là cơ hội tốt cho bạn rèn luyện bản lĩnh của mình.

Lên cấp ba, có rất nhiều bạn nữ học kém hơn các bạn nam, họ cho rằng mình học tập sa sút, thực ra cũng không hẳn là như vậy. Khả năng tư duy trừu tượng của con trai thường tương đối tốt, thích hợp với các môn khoa học tự nhiên; trong khi con gái lại có khả năng tư duy hình ảnh cao, thường học giỏi các môn học như: văn học, ngoại ngữ, lịch sử. Tôi cho rằng, các bạn nữ hoàn toàn có thể sánh ngang với các bạn nam. Chỉ là trong giai đoạn này, do quá trình dậy thì đến sớm hơn con trai nên con gái thường quan tâm nhiều đến thế giới nội tâm. Điều này đã ảnh hưởng đến việc mở rộng tầm nhìn và tư duy của con gái. Vì thế, chỉ cần chú ý hơn một chút thì các bạn nữ hoàn toàn có thể vượt xa các bạn nam.

Nếu hai bố con Trịnh Dương vẫn không thể hiểu nhau, tôi khuyên bạn nên biến những buồn phiền trong suy nghĩ thành động lực học tập. Gia đình, xét cho cùng cũng chỉ là một trạm dừng chân trong quá trình trưởng thành của chúng ta. Sau một vài năm nữa, khi đôi cánh của bạn đã đủ cứng cáp, bạn có thể bay đi tìm cho mình một bầu trời riêng. Đến lúc đó, cảm giác của bạn về gia đình của mình sẽ chỉ còn lại hai chữ “ấm áp” mà thôi!

Chương 32. Tạo điều kiện cho cuộc sống tự do

SW, nữ, 17 tuổi, sinh viên trường dạy nghề

Tôi đang là sinh viên của một trường dạy nghề. Cuộc sống của tôi tương đối vui vẻ. Thế nhưng, gần đây tôi gặp phải chút chuyện buồn phiền.

Trong đợt thi học kì trước, môn ngữ văn ngoài thi viết còn tăng cường thêm nội dung học thuộc lòng và phần thi này chiếm ba mươi phần trăm tổng số điểm của bài thi. Tôi là lớp trưởng, là người đầu tiên thi qua phần thi này. Sau khi thi xong, cô giáo giao trách nhiệm cho tôi kiểm tra phần “học thuộc lòng” của tất cả các bạn trong lớp.

Bài học thuộc lòng thường là những bài văn cổ vừa dài vừa khó. Mọi người ai nấy đều xin tôi hãy “giơ cao đánh khẽ”. Tôi đắc ý cười nói: “Đừng nhiều lời, cố mà học đi!”. Có năm hay sáu bạn học kém đến kì lạ, làm thế nào cũng không thể thuộc bài. Nhìn khuôn mặt méo xệch của họ, tôi lại không nỡ nhẫn tâm. Thế là tôi liền cho họ qua hết. Mọi người ai nấy đều vui mừng. Cô giáo tôi cũng tỏ ra rất hài lòng!

Thế nhưng trong lớp đã có người mách cô giáo chủ nhiệm. Cô gọi tôi lên nói chuyện. Tôi không giải thích gì vì biết mình là người có lỗi. Tôi cũng không định trốn tránh, hay mong thoát tội, cũng không có cách nào giải thích với cô giáo.

Cô giáo chủ nhiệm tuyên bố trước lớp rằng tôi bao che cho các bạn khác nên sẽ bị cách chức lớp trưởng. Mấy người bạn làm tôi bị liên lụy cảm thấy áy náy, liền chạy đến xin lỗi tôi. Nhưng tôi chẳng thấy buồn, bởi vì tôi hiểu bản thân hơn ai hết. Từ trước đến nay tôi không phải là một đứa con gái ngoan ngoãn, chẳng qua chỉ có vài tài lẻ mà thôi. Tôi lại có thói quen việc ta ta làm, không chịu học mấy chiêu nịnh nọt, đưa đẩy giống người khác. Thực ra không phải là tôi không biết nịnh, mà chỉ là vì tôi không thích làm vậy mà thôi. Chính vì thế, tôi đã sớm biết mình không hợp với vị trí cán bộ lớp, thôi thì để ai thích làm lớp trưởng thì đi mà làm vậy!

Học kì mới lại bắt đầu. Cô giáo gọi tôi lên văn phòng để nói chuyện phục chức của tôi. Nhưng tôi không muốn được phục chức, tôi không muốn nhận trách nhiệm đầy phiền phức ấy nữa. Tôi chỉ muốn được là một người bình thường, sống thật vui vẻ! Kết quả là tôi bị cô giáo mắng cho một trận, cô nói tôi không có tinh thần phấn đấu, chỉ biết hài lòng với những thứ tầm thường trước mắt. Nhưng đến khi lớp tôi bỏ phiếu bầu ban cán sự lớp, tôi vẫn “bất hạnh” trúng cử chức lớp trưởng. Sau khi tuyên bố kết quả, cô giáo nhắc nhở tôi trước lớp rằng phải biết “rút kinh nghiệm”, khiến cho tôi rất mất mặt.

Điều làm tôi cảm thấy buồn phiền nhất chính là tương lai. Mặc dù trường tôi là trường dạy nghề, nhưng lại có quy định thi lên đại học bằng hình thức thi vấn đáp. Do kết quả học tập kì trước của tôi rất cao (tôi toàn nước đến chân mới nhảy, sát ngày thi mới chịu học thuộc), thế nhưng sang đến học kì này, kết quả bài kiểm tra lần một của tôi lại không lọt được vào tốp ba của lớp. Điều này dẫn đến sự “quan tâm đặc biệt” của thầy cô và bố mẹ. Họ luôn để mắt đến tôi, ca cẩm bên tai tôi, nói tôi nào là nhát gan, nào là không có tinh thần cầu tiến, tôi đã nghe đến chán cả tai. Mặc dù tôi biết họ nói vậy cũng chỉ vì họ rất kì vọng vào tôi, nhưng tôi thật sự không có chí hướng và hoài bão lớn lao đến thế, tôi muốn làm một người thật bình thường. Tôi chỉ cần có thể vui vẻ đón chào một ngày mới, như vậy chẳng lẽ còn chưa đủ sao? Tôi không muốn học giỏi để lập nên công trạng cho đất nước. Tôi chỉ muốn tìm một công việc nho nhỏ (lương thấp cũng không sao, chỉ cần vui vẻ, thoải mái là được), thuê một căn nhà nhỏ ở cùng bạn bè. Tôi muốn ngủ trên giường, lúc nào rảnh rỗi thì đọc sách, nghe đài, xem ti vi, cố gắng hết mình giúp đỡ bạn bè xung quanh, tìm một người chồng yêu thương tôi thật sự, xây dựng một gia đình nhỏ hạnh phúc. Nhưng tất cả những điều đó chỉ là giấc mơ của tôi mà thôi, tôi sợ rằng sau khi biết được giấc mơ này của tôi, bố mẹ sẽ vô cùng thất vọng.

Tôi cũng không hề cảm thấy buồn phiền về chuyện tình cảm bởi vì tôi mắc chứng “sợ yêu”, cứ nghĩ đến chuyện hai người qua lại với nhau là tôi sởn hết cả da gà, thật chẳng ra làm sao! Tôi không muốn thế, cũng không thích như thế! Nhìn thấy các bạn trong lớp đã có đôi có cặp (mặc dù họ chẳng bao giờ thừa nhận điều đó), tôi cảm thấy khó chịu thay cho họ. Tôi nghĩ yêu đương là một chuyện vô cùng mệt mỏi. Tại sao lại có người muốn sớm phải chịu mệt mỏi như vậy nhỉ? Đúng là không thể tưởng tượng nổi!

Bây giờ, điều tôi sợ nhất chính là thầy cô giáo và bố mẹ luôn tìm cách cướp đi khoảng thời gian thư giãn và vui chơi của tôi. Họ chỉ mong tôi dành tất cả thời gian cho việc học tập. Ôi! Sao bố mẹ tôi không nghĩ, nếu như tôi muốn thi vào đại học thì năm đó tôi đã chẳng thi vào trường này. Nhưng tôi cũng cảm thấy có phần có lỗi với bố mẹ, bởi vì tôi không sao nói thật được những suy nghĩ của mình với họ. Mà cho dù tôi có nói ra thì có thể họ cũng sẽ không hiểu, đó chính là “khoảng cách giữa hai thế hệ” mà mọi người thường nhắc đến.

Có thể thấy SW là một người rất cá tính, vừa thẳng thắn lại rất thích sự tự do. Tính cách đó quả là đáng quý. Tuy nhiên, hài lòng với thực tại thì có thể duy trì được ước mơ ấy trong bao lâu? Xã hội ngày nay chứa đầy những thách thức và cạnh tranh; kiến thức và khả năng của một người có vai trò quyết định đến sự tự do trong cuộc sống về sau của bản thân người đó. SW vẫn chưa bước vào xã hội, chưa hiểu được điều này; thế nhưng thầy cô và bố mẹ bạn lại hiểu rất rõ, chính vì vậy họ mới tìm mọi cách thuyết phục SW. Tôi nghĩ, SW yêu tự do hơn bất cứ bạn gái nào, hết mình với cuộc sống. Điều này trong con mắt của nhiều người trưởng thành là một sự xa xỉ khó mà có được. Chính vì vậy, SW cần phải nỗ lực để tạo cơ sở thực tế cho mục tiêu về một cuộc sống như vậy.

Rất nhiều sinh viên trung cấp sau khi mất đi cơ hội học cao hơn đã cảm thấy vô cùng hối tiếc. SW thật sự rất may mắn, vậy mà bạn lại định bỏ lỡ một cơ hội tốt như vậy thì quả là đáng tiếc!

SW muốn có được một cuộc sống bình dị, nhưng không biết cô bé có hiểu được ý nghĩa sâu xa ẩn giấu dưới lớp vỏ bọc ngôn ngữ kia không? Người xưa có câu: “Nhạt nhòa là đỉnh điểm của rực rỡ”; chưa bắt đầu đi đến đỉnh cao của sự “rực rỡ” thì làm sao mong có được sự “nhạt nhòa” về sau? Nhà biểu diễn nghệ thuật Hề Mỹ Quyên đã từng nói, tôi nghĩ rằng, chỉ có những người đã thành công trong sự nghiệp mới có quyền nói câu “không màng danh lợi”; nếu không, anh có tư cách gì mà nói đến từ “không màng” đây? Mong SW sẽ đọc và rút ra được một điều gì đó!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx