sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chờ Đợi Giọng Nói Của Em - Chương 37 - 38

Chương 37. Mẹ cần bờ vai của bạn

Hiểu Nghiên, nữ, 15 tuổi, học sinh cấp hai

Tôi là một cô bé mười lăm tuổi, luôn được sống yên bình trong vòng tay bao bọc của bố mẹ, hưởng thụ sự ngọt ngào, hạnh phúc trong mái ấm gia đình. Tuy nhiên, một chuyện bất hạnh đã ập đến.

Tôi còn nhớ rất rõ, đó là vào một buổi tối mùa hạ, tôi đang ngủ ngon lành thì bị tiếng kêu của mẹ đánh thức. Tôi nhìn thấy bố đang nằm ở trên giường, nôn ra rất nhiều máu. Mẹ ở bên cạnh bố, vừa hét gọi tên bố, vừa bảo tôi lúc ấy hãy còn ngái ngủ: “Mau, mau đi tìm bác cả!”.

Bác cả là anh trai ruột của bố, nhà ở ngay sát vách với nhà tôi. Tôi chạy thục mạng, đập cửa nhà bác ầm ĩ khiến cho cả nhà bác tỉnh giấc. Họ cùng chạy tới nhà tôi, vội vàng gọi cấp cứu, nhưng không hiểu sao điện thoại không liên lạc được. Tôi liền chạy ra đường để bắt một chiếc taxi. Nhưng nửa đêm nửa hôm, lấy đâu ra taxi mà bắt? Khi tôi quay về nhà, không thấy bố tôi đâu cả. Người lớn nói với tôi rằng đã có xe nên bố tôi được đưa tới bệnh viện rồi. Họ đều chuẩn bị đến bệnh viện, bảo tôi vào phòng ngủ đi vì ngày mai còn phải đi học. Họ an ủi tôi rằng, bố sẽ không sao. Tôi bán tin bán nghi, vào phòng đi ngủ, nhưng cả đêm đó tôi không sao ngủ lại được.

Ngày hôm sau, khi tôi đi học về, mọi người nói là bố tôi đã nhập viện, lúc đó tôi mới hơi yên tâm. Bố tôi nằm viện trong tình trạng hôn mê nhưng bác sĩ vẫn chưa phát hiện ra là bệnh gì, thế nên đành phải để cho bố tôi chuyển viện khác. Cuối cùng bệnh viện kết luận là bố tôi vị viêm não. Bác sĩ nói, cho dù có chữa khỏi thì cũng để lại di chứng về sau. Đây đúng là một cú sốc lớn đối với mẹ tôi. Để chữa bệnh cho bố, mẹ đã phải vét sạch tiền bạc trong nhà, thậm chí chạy vạy vay khắp nơi.

Sau khi ra viện, bố không thể đi làm được nữa. Sinh hoạt của cả gia đình đều phải dựa vào ba, bốn trăm đồng tiền lương hằng tháng của mẹ. Người mẹ đã ngoài bốn mươi tuổi của tôi vừa phải vất vả kiếm tiền, vừa phải chăm sóc cho chồng, lại còn phải lo lắng đến chuyện học hành bài vở của tôi nữa. Tất cả những vất vả của mẹ tôi đều nhìn thấy và khắc ghi ở trong lòng. Một đứa trẻ trước nay không hiểu chuyện như tôi nay đã trưởng thành hơn rất nhiều, và cũng trở nên trầm tư hơn hẳn. Bây giờ bố tôi rất hay nổi cáu, vì trí nhớ của bố bị ảnh hưởng nặng nề, thường xuyên hỏi đi hỏi lại một chuyện mà vẫn không nhớ được. Bà nội và bác cả đều cảm thấy rất khó chịu với bố tôi. Mỗi lần bố tôi nói chuyện với họ là y như rằng họ lại đả kích bố, khiến cho bố không chịu nổi. Thỉnh thoảng bố lại hỏi tôi và mẹ có chuyện gì không, hai mẹ con còn chưa kịp trả lời thì bố đã nổi cáu. Mẹ tôi đành ngậm bồ hòn làm ngọt, ai bảo bố đáng thương như vậy chứ!

Một hôm, tôi đang chơi ở cửa nhà bà nội, đột nhiên tôi nghe có tiếng cãi cọ trong vườn. Hóa ra bà nội và mẹ tôi đang cãi nhau. Nguyên nhân là do bố tôi. Bố hỏi mẹ vài việc, mẹ chưa kịp trả lời thế là bố tôi liền nổi cáu đánh mẹ. Bà nội ở bên cạnh nhìn thấy hết nhưng không nói năng gì. Mẹ lấy tay đỡ đòn của bố, bố đứng không vững liền ngã lăn ra đất. Mẹ tôi cũng bị ngã theo. Cả hai người ngã vào một cái chậu nhựa của bà nội làm cái chậu bị vỡ. Bà nội tôi vô cùng tức giận, mắng mẹ tôi là kẻ hư hỏng, rồi còn tát bố tôi rất mạnh. Mẹ tôi rất ấm ức, mẹ lấy bố tôi đã bao năm nay nhưng vẫn luôn bị bà nội quở trách. Lần này, mẹ tôi không nhịn nổi nữa, liền bỏ nhà ra đi.

Sau khi mẹ bỏ đi, bà nội và bác cả đều mắng mẹ tôi là đồ hư hỏng, nói mẹ tôi đã muốn bỏ đi từ lâu, còn nói mẹ đã tìm cho tôi một người cha dượng rồi, thậm chí họ bảo tôi sắp phải đổi họ đến nơi rồi và không cho tôi ăn cơm ở nhà nữa. Trong cơn nóng giận, tôi đã cãi nhau với họ và bỏ đi tìm mẹ. Khi tìm thấy mẹ, tôi thấy mẹ trông suy sụp đi rất nhiều. Tại sao những người trong ngôi nhà đó lại có thể đối xử tàn nhẫn với một người phụ nữ hiền lành như mẹ cơ chứ?

Tôi ở với mẹ, nhưng mẹ vẫn không yên tâm về bố nên thường xuyên bảo tôi về thăm bố. Ban đầu tôi còn nghĩ mọi người sẽ đi tìm tôi và mẹ về nhà, thế nhưng, hai mẹ con bỏ đi đã chín tháng mà họ vẫn không hề đả động đến việc đón mẹ con tôi về. Vài ngày trước, lúc tôi về nhà, tôi lại cãi nhau với họ một trận, bởi vì họ không cho tôi mang quần áo đi (lúc bỏ đi, hai mẹ con đi vội nên chỉ kịp mang theo mấy bộ), cũng không cho tôi lấy chiếc đài cát xét (tôi dùng để nghe băng tiếng Anh) đi nữa. Cô, bà nội thi nhau mắng tôi. Họ mắng tôi ích kỉ, không có lương tâm, còn nói đến chuyện “ly hôn”, “ra tòa”... Họ không cho phép hai mẹ con tôi về thăm bố.

Trở về chỗ ở của hai mẹ con, tâm trạng tôi rất tồi tệ. Mẹ hỏi tôi tình trạng sức khỏe của bố nhưng tôi chẳng biết nói sao. Mẹ hỏi đi hỏi lại mấy lần, tôi liền bực mình đáp: “Con không biết!”. Mẹ tức giận, mắng cho tôi một trận. Tôi thấy rất ấm ức. Ở bên đó bị mắng, về đến đây lại bị mắng. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng kìm nén cơn giận. Tôi biết mẹ buồn phiền vì công xưởng ngừng sản xuất, đơn vị của mẹ lại không chịu phát lương, sau này chúng tôi sẽ ăn cái gì đây? Nghĩ đến đây, tôi thấy trong lòng rất xót xa. Mẹ thì vẫn đang mắng mỏ tôi, bắt tôi sang ở với bố. Mặc dù biết là mẹ chỉ nói thế vì đang cáu giận thôi, nhưng tôi vẫn bỏ chạy ra ngoài. Dì hàng xóm kéo tôi lại và nhẹ nhàng khuyên bảo tôi. Nghĩ đến việc mẹ rất yêu thương tôi nên tôi đã quay về nhưng vẫn không thực sự thoải mái. Tôi biết mẹ không chịu được cách cư xử của tôi, tôi cũng không muốn làm cho mẹ buồn hơn nữa, nhưng tôi không biết phải làm sao để có thể thân mật lại với mẹ như xưa. Tôi thật sự không muốn mọi thứ tiếp tục thế này.

Mỗi đứa trẻ phải lớn lên và đón nhận những bão tố trong cuộc sống. Mặc dù Hiểu Nghiên vẫn còn nhỏ tuổi nhưng hiện thực khắc nghiệt đã khiến cho cô bé phải trưởng thành trước tuổi. Đương nhiên, không phải là Hiểu Nghiên không hiểu được những điều này, nhưng cô bé vẫn chưa được chuẩn bị kĩ càng về mặt tâm lí, vẫn đang quen sống trong sự bao bọc của bố mẹ. Cô bé không thể nghĩ được rằng, một người mạnh mẽ và kiên cường như mẹ rồi cũng có lúc không thể gồng mình lên để chống chọi với mọi việc được nữa. Có những lúc mẹ cũng cần đôi bờ vai non nớt của con gái để cùng gánh vác trách nhiệm nặng nề trong cuộc sống.

Bố Hiểu Nghiên đang bị bệnh, đây chính là nỗi buồn phiền và lo lắng lớn nhất của mẹ cô bé. Hơn nữa, mẹ lại có mâu thuẫn với bà nội và cả gia đình đằng nội. Điều đó càng khiến cho mẹ Hiểu Nghiên cảm thấy nặng nề hơn. Bà nội và mẹ Hiểu Nghiên dễ nảy sinh mâu thuẫn là bởi giữa họ không có quan hệ huyết thống. Trong cuộc sống, nếu gặp những tình huống tương tự nên có một người có mỗi quan hệ gắn bó với cả đôi bên để điều chỉnh mâu thuẫn. Bố Hiểu Nghiên hiện nay xem ra khó lòng có thể đảm nhận được nhiệm vụ nặng nề này. Vậy thì, nhiệm vụ quan trọng trước mắt của Hiểu Nghiên là làm công tác tư tưởng cho cả hai bên, giúp cho hai bên có thể hòa giải với nhau.

Tôi rất hiểu tâm trạng bất bình thay cho mẹ của Hiểu Nghiên. Nhưng Hiểu Nghiên nên biết nhìn sự việc một cách sâu sắc, cần thuyết phục cả gia đình phía đằng nội chấp nhận mẹ một lần nữa để cả nhà cùng gánh vác trách nhiệm chăm sóc bố. Tôi tin rằng cả gia đình nhà bạn đều hy vọng có một kết cục như vậy. Bởi vì chỉ khi cả gia đình đoàn kết nhất trí mới có thể dễ dàng vượt qua khó khăn, thách thức trong cuộc sống!

Chương 38. Con nuôi

Mộc Tử, nữ, 15 tuổi, học sinh cấp ba

Tôi là một đứa con gái có tính cách hướng nội, thường ít khi giao lưu với bạn bè trong lớp, thích ngồi một mình nghĩ ngợi mông lung. Bây giờ tôi đang gặp phải một số vướng mắc, nhưng tôi không có bạn tri âm để chia sẻ. Vì thế không ai nói cho tôi biết phải làm sao.

Ngày 21 tháng 12 âm lịch năm ngoái là một ngày tai họa đối với gia đình tôi. Anh hai tôi vì mắc bệnh thận nên phải nhập viện. Cả nhà tôi: bố, mẹ, anh cả, chị dâu và tôi đều phải thay nhau vào viện chăm sóc anh hai. Anh hai là người có tính cách rất cởi mở nên cả nhà ai cũng yêu quý anh và mong anh sớm lành bệnh. Lãnh đạo cùng các đồng nghiệp ở đơn vị của anh hai đều rất quan tâm đến anh và cũng giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều. Thế nhưng hy vọng của tất cả mọi người đều không cứu sống được anh hai tôi. Đúng ba giờ sáng vào cái ngày bất hạnh đó, anh hai tôi đã qua đời. Tôi mãi mãi không bao giờ quên cảnh tượng đáng sợ đó. Sáng sớm hôm đó, tôi bị tiếng khóc lóc của mẹ đánh thức, mẹ đang nghe điện thoại của anh cả từ trong bệnh viện gọi về. Sau đó, cả nhà tôi ôm lấy nhau mà khóc...

Tôi càng không bao giờ ngờ được rằng, mình lại không phải người một nhà với họ.

Sau khi anh hai qua đời, lãnh đạo của đơn vị anh đến nhà tôi bàn bạc chuyện hậu sự cho anh. Bố mẹ nói chuyện với họ ở nhà ngoài, tôi ngồi làm bài tập ở phòng trong. Bỗng tôi nghe được một câu của bố vọng vào, như tiếng sấm nổ ngang tai. Bố nói: “... Con gái là tôi nhặt về đấy!”, bố chưa nói hết thì đã bị mẹ ngăn lại vì sợ tôi nghe thấy. Thế nhưng tôi đã nghe thấy dù tiếng bố rất nhỏ. Tôi sững sờ ngồi thừ người ra, trông chẳng khác gì một bức tượng đá. Một lát sau, tôi nghe thấy tiếng bước chân rất nhẹ của mẹ đang đi đến. Tôi vội vàng làm bộ như không hề hay biết chuyện gì. Mẹ nhìn tôi học bài, xoa xoa đầu tôi rồi nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng. Nước mắt tôi lăn dài trên gò má. Tôi ở lì trong phòng khóc rất lâu, đột nhiên cảm thấy mình thật nhỏ bé, cô độc, giống như đang một mình lạc giữa hoang mạc vậy!

Bước ra khỏi phòng, nhìn thấy mẹ đang cặm cụi trong nhà bếp, tôi thấy mẹ thật quen thuộc, thật gần gũi. Nhưng tại sao mẹ lại không phải là mẹ đẻ của tôi cơ chứ? Tôi định cất tiếng gọi mẹ quen thuộc nhưng không hiểu sao không cất lời lên được. Bởi vì tôi cứ cất lời là nước mắt tôi lại chảy dài trên má. Tôi rất muốn biết bố mẹ đẻ của tôi là ai, họ là người thế nào, hiện giờ sống ở đâu, tại sao họ lại nỡ vứt bỏ tôi? Nhưng tất cả những câu hỏi này tôi đều không thể tìm được câu trả lời. Tôi không dám đi hỏi bố mẹ, cũng không biết nếu tôi hỏi thì sẽ thế nào?

Vài năm trước, ở một gia đình khác, nghe nói có một cô bé nọ được mẹ nhặt ở ngoài đường, tôi cảm thấy rất tò mò và tội nghiệp cho cô bé đó, đồng thời tự thấy mình rất may mắn. Nhưng nay tôi mới biết hóa ra tôi cũng đáng thương như cô bé bị bỏ rơi kia. Chúng tôi đều không biết bố mẹ đẻ của mình là ai, chúng tôi đều là những đứa trẻ bị người ta ruồng bỏ.

Khi còn học cấp hai, kết quả học tập của tôi khá tốt. Bố muốn tôi học lên trung cấp, nhưng tôi nhất định muốn học cấp ba. Kết quả là tôi thiếu một điểm. Bố mẹ tôi trong hoàn cảnh túng bấn vẫn cố gắng bỏ ra sáu nghìn nhân dân tệ để lo cho tôi vào được cấp ba. Tôi vốn cảm thấy rất áy náy, giờ lại càng cảm thấy không xứng đáng với bố mẹ. Bố mẹ đối xử với tôi tốt như cha mẹ đẻ.

Sau khi lên cấp ba, thành tích học tập của tôi không được tốt cho lắm. Gặp phải một cú sốc lớn như vậy, tôi càng không sao học được. Nếu như sau ba năm học cấp ba, tôi không thi đỗ đại học thì sao? Tôi còn mặt mũi nào mà ở lại trong ngôi nhà này được nữa. Tôi làm sao mặt dày để bố mẹ phí công nuôi dưỡng cho đến tận năm tôi mười tám tuổi cơ chứ? Tôi từng nghĩ, ba năm sau, nếu như không thi đỗ đại học, cùng đường tôi sẽ tự vẫn. Nhưng tôi biết đến lúc đó, tôi sẽ không có đủ dũng khí để tìm đến cái chết. Bây giờ tôi thực sự rất buồn, rất đau khổ, rất muốn khóc! Tôi hy vọng mình có một người bạn lớn tuổi, đủ trưởng thành để có thể giúp đỡ tôi, dạy tôi cách đối mặt với tình trạng này?

Một mặt, nỗi đau khổ của Mộc Tử khiến cho người nghe cảm thấy xúc động và thông cảm. Bố mẹ sinh ra ta, cho ta một sinh mạng và một cơ thể hoàn chỉnh. Bố mẹ cũng giống như ngọn nguồn của dòng sông, gốc rễ của cây cối. Một khi phát hiện ra bố mẹ hiện nay không phải là bố mẹ đẻ của mình, tự nhiên chúng ta sẽ có cảm giác hụt hẫng, mơ hồ, đồng thời vô cùng hy vọng có thể biết được tin tức về người đã sinh ra mình.

Mặt khác, sự đau khổ trong lòng Mộc Tử có nguyên nhân chính từ tính cách hướng nội của cô bé. Những người có tính hướng nội thường không thể dễ dàng tháo bỏ vướng mắc trong lòng, thường để nỗi đau khổ giày vò, bao bọc lấy bản thân, khiến cho bản thân ngày càng đau khổ. Bố mẹ phải từ bỏ đứa con dứt ruột đẻ ra chắc là do bất đắc dĩ mà thôi. Đây quả thực là một bi kịch không chỉ đối với đứa trẻ bị bỏ rơi đó mà còn cả với người lớn. Tuy nhiên, nghĩ theo hướng tích cực thì Mộc Tử cực kì may mắn khi có được bố mẹ nuôi tốt bụng như vậy. Để duy trì tình cảm ruột thịt mà họ luôn tìm cách giấu Mộc Tử sự thật này. Mười mấy năm trời, họ chưa từng lạnh nhạt với Mộc Tử, khiến cho Mộc Tử có thể lớn lên khỏe mạnh trong sự chăm sóc của bố mẹ, chẳng khác gì những đứa trẻ khác. Công ơn của bố mẹ nuôi đối với Mộc Tử có khác gì tình cảm ruột thịt mà những đứa trẻ khác xung quanh Mộc Tử nhận được từ bố mẹ chúng?

Mộc Tử không những không phải là một đứa trẻ tội nghiệp, mà ngược lại, tôi cho rằng cô bé là một người may mắn. Chúng ta cần phải có lòng biết ơn đối với bố mẹ, với cuộc sống. Có như vậy thì sự vui vẻ mới thường xuyên ghé thăm chúng ta!

Tôi cho rằng, vào đại học không phải là con đường duy nhất. Nếu như Mộc Tử cảm thấy không thể đi trên con đường này, hãy thử tìm một con đường khác. Chỉ cần tìm được con đường thích hợp với bản thân, tôi tin rằng không chỉ bản thân Mộc Tử thấy vui vẻ mà bố mẹ của cô bé cũng sẽ cảm thấy hài lòng về con gái mình.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx