sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chờ Đợi Giọng Nói Của Em - Chương 41 - 42

Chương 41. Có nên tha thứ cho kẻ cắp?

Kiều Kiều, nữ, 18 tuổi, sinh viên trung cấp

Mùa thu ba năm về trước, tôi cầm tờ giấy báo trúng tuyển trung cấp tìm đến nơi này. Sau khi đến báo danh, thầy giáo phân tôi về phòng 201 trong kí túc xá. Khi tôi đang căng thẳng với cảm giác lạ lẫm, đẩy nhẹ cánh cửa bước vào phòng 201 thì một bạn nữ có đôi mắt to rất nhiệt tình chạy đến hỏi han tôi, giúp tôi sắp xếp giường chiếu, còn dạy tôi cách mắc màn nữa. Sự nhiệt tình cùng với đôi mắt to tròn long lanh của bạn ấy đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc. Bạn ấy tên là Quỳnh, người đầu tiên đến phòng tôi.

Về sau, phòng tôi có thêm Nhu, Hương, Toàn và cả Tịnh nữa. Chúng tôi đều mười sáu tuổi, đến từ các vùng miền khác nhau, thế nên Nhu bèn đề nghị đặt biệt danh chị cả, chị hai, chị ba, chị tư, chị năm và em út theo ngày sinh. Quỳnh, cô bé có đôi mắt tròn to là em út của chúng tôi. Quỳnh có giọng nói ngọt ngào, rất được lòng của năm “chị gái” trong phòng. Chúng tôi bèn đặt cho Quỳnh biệt danh là “em Mật”.

Sáu chị em chúng tôi tính cách khá giống nhau. Tôi viết thư về nhà báo cáo tình hình ở đây với bố mẹ. Biết được tình hình, bố mẹ tôi cũng bớt lo lắng. Bố nói với tôi: “Tục ngữ có câu, tu mười năm trời mới tìm được người cùng thuyền. Con có thể sống hòa thuận với các bạn cùng phòng, đó cũng là duyên phận. Con phải biết trân trọng và học cách nhường nhịn...”.

Lúc ngồi tán gẫu với nhau, chúng tôi thi nhau kể chuyện về gia đình, bạn thân, những chuyện ngày xưa, thậm chí còn kể về cả người yêu đầu của mình cho nhau nghe. Trừ chị Hương ra, tất cả chúng tôi đều đến từ các huyện lị, thành phố. Hương nói, mặc dù ở nông thôn nhưng nhà Hương rất khá giả, có nhà cao cửa rộng, trong nhà có đầy đủ tiện nghi. Tôi có cảm giác, mặc dù mọi người cư xử với nhau rất chân thành nhưng ai cũng tỏ ra sĩ diện, toàn nói tốt về gia đình mình. Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Ví dụ như: mẹ tôi chỉ là một nhân viên trong đội tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, nhưng tôi lại nói rằng mẹ tôi là bác sĩ; còn bố tôi, gần nửa đời người làm trong Sở trưởng tài chính ở quê, gần đây khó khăn lắm mới nhờ được người điều về làm hiệu phó một trường trong huyện, nhưng tôi lại nói rằng bố mình làm hiệu trưởng. Mọi người đều trầm trồ ngưỡng mộ tôi: “Oa, nhà cậu là gia đình trí thức đấy!”. Tôi nghe xong cười thầm trong bụng: Gia đình mình làm sao mà là gia đình trí thức được cơ chứ!

Tịnh là một người nhanh mồm nhanh miệng, tính cách hoàn toàn khác so với cái tên của mình. Tịnh liên tục hỏi Quỳnh: “Bố cậu làm nghề gì?”. Quỳnh nhẹ nhàng đáp: “Bố tớ qua đời rồi!”. Nghe vậy, cả lũ đều ngồi thừ ra. Kể từ đó, mọi người đối xử với Quỳnh tốt hơn.

Hằng ngày, chúng tôi tán gẫu hết chuyện này đến chuyện khác. Chủ đề được nói đến nhiều nhất vẫn là quần áo. Cứ rảnh rỗi là mọi người lại ngồi bàn nhau: “Cái áo này của cậu đẹp đấy!”, “Cái quần này không đẹp lắm!”, “Cái này lỗi mốt rồi!”... Tôi phát hiện ra rằng quần áo của Quỳnh không nhiều như chúng tôi. Bạn ấy không giống như chúng tôi, mỗi ngày thay một bộ quần áo, sặc sỡ như một con công. Quỳnh giải thích rằng mẹ bạn ấy rất nghiêm khắc, không muốn bạn ấy mất nhiều thời gian vào việc quần áo, mỹ phẩm, thế nên bạn ấy chỉ đem theo vài bộ quần áo. Quỳnh nói mẹ bạn ấy là trưởng khoa.

Không lâu sau, tôi phát hiện ra mình hay bị mất đồ đạc. Hôm thì mất một cuộn len, hôm thì mất một ít tiền trong ví. Sau khi loại trừ khả năng trộm cắp từ bên ngoài lẻn vào, mọi người trong phòng đều nghi ngờ kẻ ăn trộm là người trong phòng. Nhưng rốt cuộc thì người đó là ai? Người đáng nghi nhất là Hương, bởi vì chỉ có gia đình Hương là nông dân. Trong quan niệm của chúng tôi, chỉ có người xuất thân trong các gia đình nông dân mới dễ sinh thói trộm cắp vặt. Mấy đứa chúng tôi đều xuất thân trong gia đình trí thức, khả năng trở thành trộm cắp rất nhỏ.

Mọi người dần dần xa lánh Hương, bầu không khí vui vẻ như những ngày nào giờ đã không còn, thay vào đó là sự căng thẳng, một không khí bất an bao trùm lấy tâm trạng của mọi người trong phòng. Mọi người trong phòng đều trở thành các chuyên gia “cất giấu” đồ đạc. Bất cứ thứ gì, chỉ cần có chút giá trị là mọi người đều bỏ ngay vào tủ hoặc ngăn kéo của mình cất đi.

Nếu như không phải mẹ Quỳnh đột ngột đến tìm bạn ấy thì chúng tôi chẳng hề nghi ngờ người có mẹ là trưởng khoa lại như vậy. Hôm đó, Quỳnh đến chỗ người bạn đồng hương chơi. Bỗng nhiên có một người phụ nữ ăn mặc quê mùa, mặt đầy nếp nhăn đến gõ cửa phòng chúng tôi, nói muốn tìm Quỳnh. Khuôn mặt của người phụ nữ này có nét hơi giống Quỳnh. Chúng tôi cho một người đi gọi Quỳnh, những đứa khác nhiệt tình tiếp đón. Chúng tôi đều cho rằng đó là một người họ hàng thân của Quỳnh từ xa ghé thăm, thế nhưng người phụ nữ ấy nói bà là mẹ của Quỳnh. Mẹ của Quỳnh không chỉ ăn mặc quê mùa, mà cách nói chuyện cũng cho thấy là người ít học, ăn nói hơi thô lỗ. Chúng tôi không dám tin đây lại là một vị trưởng khoa. Tôi bèn cẩn thận hỏi dò: “Bác ơi, bác công tác ở đơn vị nào ạ?”. Mẹ Quỳnh nói: “Tôi bán hoa quả rong trên đường. Từ ngày lão già nhà tôi qua đời, tôi chẳng nhận được một đồng lương nào hết!”. Lúc này, mọi người mới tá hỏa, phát hiện ra rằng bấy lâu nay Quỳnh đã nói dối mọi người trong phòng.

Chẳng mấy chốc, Quỳnh hấp tấp quay về, nhìn thấy mẹ mình ngồi trong phòng, Quỳnh đờ người ra: “Mẹ đến đây làm gì?”. Mẹ Quỳnh tỏ ra rất hung dữ với bạn ấy: “Sao? Mày không hoan nghênh tao à? Sợ tao làm mất mặt à?...” rồi mẹ Quỳnh liền nói một câu rất tục tĩu. Mặt Quỳnh đỏ như gấc, bạn ấy vô cùng xấu hổ và ngại ngùng. Chúng tôi rất thông cảm cho Quỳnh, liền tìm cách dàn hòa cho hai mẹ con bạn ấy.

Sau khi mẹ Quỳnh về, bạn ấy trở nên trầm ngâm, không nói năng gì cả. Chúng tôi không tiện khuyên nhủ bạn ấy ngay trước mặt, chỉ dám bàn tán vài câu sau lưng thôi. Có một lần, bỗng có người nhớ đến chuyện trước đây, nói: “Liệu có phải là do Quỳnh làm không nhỉ?”. Mọi người nghe xong đều cảm thấy có chút hoài nghi. Ai cũng muốn gỡ cái nút thắt này nhưng không biết phải làm thế nào. Không lâu sau, cơ hội đến. Quỳnh đang định lấy quần áo trong hòm ra thì bỗng nhiên ở tầng dưới có người gọi bạn ấy xuống nghe điện thoại. Quỳnh vội vàng chạy đi quên không khóa hòm lại. Mọi người không hẹn mà cùng chạy đến kiểm tra cái hòm của Quỳnh. Không sai chút nào, dưới đáy hòm của Quỳnh là những món đồ mà chúng tôi đã bị mất.

“Làm sao bây giờ?”, mọi người quay ra hỏi chị cả là tôi. Tôi nhớ đến lời dặn của bố, liền nói với mọi người: “Đừng làm to chuyện, giữ cho Quỳnh chút thể diện, được không?”. Mọi người trong phòng đều đồng ý với ý kiến đó, bởi vì đã khá lâu rồi trong phòng không ai còn bị mất đồ nữa. Lúc Quỳnh quay về phòng, nhìn thấy bóng dáng của Quỳnh, tôi cảm thấy thương cảm nhiều hơn là thù ghét.

Thời gian dần dần trôi đi, sáu chị em chúng tôi vẫn sống với nhau rất hòa thuận. Chỉ còn nửa năm nữa là tốt nghiệp rồi, các bạn trong lớp đều trở nên đa sầu đa cảm. Bởi vì ai cũng thấy tương lai trước mắt mình sao quá mù mịt và chỉ nửa năm nữa thôi là ai phải đi đường nấy rồi. Đúng lúc này trong kí túc xảy ra chuyện. Sau khi nhận tiền trợ cấp học tập của cả lớp về, Tịnh chưa kịp phát cho mọi người thì bỗng nhiên số tiền đó không cánh mà bay. Tịnh khóc lóc nói với tôi: “Chị cả, đều tại chị cả đấy! Hai năm trước tại sao chị lại tha thứ cho nó cơ chứ!”. Tôi không biết phải nói với Tịnh như thế nào. Tôi đành nghĩ đến Quỳnh, nhớ đến sự nhiệt tình mà bạn ấy dành cho tôi trong ngày đầu tiên tôi đến kí túc, nhớ lại sự căng thẳng và bối rối của bạn ấy trước mặt mẹ mình. Tôi cảm thấy thương Quỳnh, không muốn để Quỳnh bị tổn thương.

Cô giáo chủ nhiệm đã tuyên bố sẽ mời công an đến điều tra. Tôi rất lo cho Quỳnh. Nhưng nhìn bộ dạng rất bình thản của Quỳnh, tôi lại hoài nghi không biết chuyện này có phải do Quỳnh làm hay không nữa.

Kiều Kiều nên suy nghĩ đến những điều mà Tịnh nói. Lương thiện không phải là sự tha thứ bừa bãi và cả nể quá mức. Nếu như mọi người thật sự muốn tốt cho Quỳnh, tốt nhất nên kéo bạn ấy lại từ hai năm về trước, khi bạn ấy còn chưa đi quá xa chứ không phải khoanh tay đứng nhìn và có tâm trạng nghi kị như vậy. Tật ăn cắp vặt cũng dễ gây nghiện như hút thuốc lá. Nếu có lần đầu tiên thì cũng có thể có lần thứ hai, lần thứ ba xảy ra, thậm chí lần sau còn nghiêm trọng hơn lần trước, rồi dần dần dấn sâu vào con đường tội lỗi. Đáng tiếc là Kiều Kiều và các bạn đã không sớm nhận ra điều này. Việc duy nhất mà Kiều Kiều có thể làm bây giờ là tìm Quỳnh và nói chuyện. Nếu như chuyện này đúng là do Quỳnh làm thì tốt nhất nên thuyết phục bạn ấy có thái độ thành khẩn nhận lỗi, có như vậy mới được xử nhẹ tội!

Chương 42. Bố ơi, hãy bỏ roi vọt xuống

Sở Sở, nữ, 16 tuổi, học sinh cấp ba

Bố mẹ tôi thuộc vào thế hệ những người phải học hành dở dang do cuộc Cách mạng văn hóa thời đó. Lúc đó, bố mẹ tôi còn trẻ nhưng đã phải gia nhập vào đội sản xuất và được đưa về các vùng nông thôn. Mẹ thường nhắc đến chuyện về nông thôn sản xuất, lúc đó mẹ cũng chỉ bằng tuổi tôi, mới mười sáu tuổi. Tôi không thể tưởng tượng được nếu mình phải xa gia đình đến một vùng quê nghèo thì cuộc sống sẽ ra sao? Tôi hiểu vì sao mẹ lại đem chuyện này ra kể cho tôi nghe. Mẹ muốn tôi biết trân trọng điều kiện học tập của tôi bây giờ.

Thời đó, bố mẹ tôi chỉ được học hết cấp hai, trình độ văn hóa không cao, thế nên khi quay về tỉnh cũng chỉ có thể làm công nhân phổ thông mà thôi. Lúc đó công xưởng làm ăn khá tốt, tôi được sống trong một căn phòng rộng rãi, đầy đủ tiện nghi. Tôi rất thích xem ti vi màu, nhưng bố chỉ cho tôi xem nửa tiếng phim hoạt hình, thời gian còn lại bố tiến hành “phát triển trí tuệ” cho tôi. Bố lấy ra đủ các loại tranh ảnh, hình vẽ và bắt tôi phải phân biệt các con vật. Lớn hơn một chút, các trường mầm non đã bắt đầu dạy phiên âm tiếng Hán và một vài phép tính đơn giản. Nhưng không hiểu sao tôi không tài nào học được. Cô giáo nói với bố tôi chuyện này, kết quả là ngày nào bố cũng kèm tôi học bài. Tôi lại không được thông minh cho lắm, ngay cả phép toán đơn giản một cộng một bằng hai tôi cũng không biết làm. Bố dạy tôi nhiều lần rồi hỏi lại: một cộng một bằng mấy, thế nhưng tôi vẫn trả lời sai bét, lúc thì nói bằng ba, lúc lại nói bằng bốn. Cuối cùng, bố tôi đã không thể kiên nhẫn được nữa, thế là bố bạt tai tôi một cái đau điếng. Tôi cảm thấy má mình tê dại, đó là lần đầu tiên bố đánh tôi. Kể từ đó, những trận đòn của bố cứ thi nhau giáng xuống người tôi.

Thực ra những phép toán và phiên âm mà tôi từng coi là khó nhằn này đến năm tôi lên lớp một cũng trở nên đơn giản hơn. Thế nhưng, tôi thường xuyên viết sai chữ. Trong bài kiểm tra, lúc nào tôi cũng bị cô giáo sửa lại, lúc thì thiếu nét, lúc lại thừa nét. Toán học cũng dần dần trở thành môn học mà tôi khó tiếp thu. Chính vì thế mà kết quả học tập của tôi không bao giờ được như mong muốn của bố mẹ. Bố tôi cầm bài kiểm tra của tôi và bắt tôi ngồi làm lại cho đúng. Mỗi lần sửa đến một chỗ sai là bố lại lấy đầu nhọn của bút chọc vào tay tôi, còn nói “để cho nhớ”. Tôi giống như một con thỏ nhút nhát, tim lúc nào cũng đập thình thịch. Tôi rất căm ghét chuyện học tập, thi cử. Nó làm cho bố tôi thay đổi, trở nên thật tàn nhẫn.

Nhưng sự hi sinh của bố mẹ đối với tôi vẫn làm cho tôi vô cùng cảm động. Mấy năm trước, công xưởng sản xuất làm ăn xuống dốc, mẹ tôi bị mất việc đầu tiên. Bố tôi dựa vào tay nghề kĩ thuật của mình, chạy đôn chạy đáo làm thêm để nuôi gia đình. Tiền kiếm được bố không nỡ tiêu một đồng nào mà đều gửi vào ngân hàng, nói là dành nuôi tôi ăn học. Để đảm bảo tôi có sức mà học tập, mỗi sáng bố mẹ tôi đều bắt tôi phải uống một cốc sữa và ăn một quả trứng gà. Còn buổi sáng bố mẹ tôi chỉ ăn một chút cháo loãng với dưa muối. Tình yêu thương mà bố mẹ dành cho tôi đã khiến tôi phải gánh trên vai một áp lực vô cùng nặng nề. Vì vậy tôi vô cùng thận trọng trong việc học tập.

Đáng tiếc là từ khi lên cấp hai, mặc dù tôi học hành chăm chỉ, cần cù hơn nhưng thành tích của tôi vẫn không như ý muốn. Bố tôi còn lo lắng hơn cả tôi; bố mua cho tôi rất nhiều sách giới thiệu phương pháp học tập như: Cách mạng học tập, Đợi em ở Đại học Bắc Kinh rồi bảo tôi lúc nào học mệt rồi thì giở ra đọc. Tôi biết những quyển sách này đều rất đắt, bố chắc đã tốn không ít tiền để mua chúng. Điều này càng làm cho tôi cảm thấy bất an và tự trách bản thân mình. Nhìn bạn bè trong lớp học hành nhẹ nhàng, không chăm chỉ bằng tôi mà vẫn học giỏi, tôi bắt đầu nghi ngờ, không biết do tôi ngu dốt bẩm sinh hay là do tôi bị bố gõ vào đầu nhiều quá nên não của tôi có vấn đề rồi? Nhà khoa học Edison đã từng nói: “Thiên tài là một phần trăm cảm hứng và chín mươi chín phần trăm mồ hôi và nước mắt”, tại sao những chân lí này không đúng với hoàn cảnh của tôi hiện giờ?

Kết quả kiểm tra đã có, tôi run run tìm tên mình trong danh sách rồi gióng sang cột xếp hạng. Tôi xếp thứ 38. Bố yêu cầu tôi phải lọt vào tốp 20 người dẫn đầu lớp, vậy là tôi đứng sau 18 người so với yêu cầu đó. Cô giáo yêu cầu chúng tôi ngày hôm sau phải mang bảng điểm nộp lại cho cô, kèm theo cả ý kiến và chữ kí của bố mẹ nữa. Lúc bỏ bảng điểm vào trong cặp, tôi lại như nhìn thấy cái bạt tai và những trận đòn của bố. Tôi cảm thấy người mình bỗng nhiên đau nhức...

Về nhà, mẹ tôi đang dọn ra những món ăn còn nóng hôi hổi. Trên bàn ăn còn có một con cá sốt cà chua thơm ngon. Bố nhìn tôi âu yếm rồi gắp cá vào bát cho tôi. Tôi cắm mặt vào bát cơm, không dám ngẩng đầu lên nhìn bố nữa. Ăn xong cơm, tôi rụt rè nói với bố: “Kết quả kiểm tra của bọn con có rồi bố ạ, cô giáo yêu cầu phải xin chữ kí và ý kiến của bố mẹ!”.

Bố lập tức trở nên nghiêm nghị: “Bảng điểm đâu? Mang cho bố xem nào!”. Tôi mang tâm trạng của một kẻ chuẩn bị bước lên đoạn đầu đài, run run đưa bảng điểm cho bố xem. Bố tôi cầm lấy tờ bảng điểm đọc: “Ngữ văn 80, Toán học 64, Vật lí 73...”. Càng đọc giọng điệu của bố càng trầm xuống. Mặc dù tôi đã chuẩn bị sẵn tư tưởng, nhưng khi nghe thấy tiếng bố quát, tim tôi vẫn như muốn nhảy ra ngoài. “Bố đã nói với con bao nhiêu lần rồi, môn toán rất quan trọng, tại sao con không chịu nghe? Nhìn xem, thi kiểu gì mà được có 64 điểm, suýt chút nữa là dưới trung bình rồi... Bố phải cho con một trận...”. Sau đó tôi bị một trận đòn dữ dội bằng cán chổi. Trong cơn hoảng loạn, tôi chỉ biết ôm lấy mặt và đầu của mình, bởi đó đều là những bộ phận không thể để cho bố đánh được. Tay, mông và chân của tôi bị bố đánh cho thâm tím, đau nhức. Lúc đó, đầu óc tôi đã trở nên mụ mẫm...

Cuối cùng vẫn là mẹ cứu tôi thoát khỏi cơn ác mộng. Lúc đó, tôi đã bị đánh cho tê dại, không thể đứng lên nổi nữa. Mẹ rớt nước mắt, nói rằng bố đã đánh tôi quá nặng tay. Bố hầm hừ nói: “Cái đồ vô dụng, đánh chết thì thôi!”. Tôi giống hệt như một con ngốc, không rên la thành tiếng dù toàn thân đã bị bố đánh đến bầm dập. Tôi thầm nghĩ, thà tôi chết đi còn hơn! Sống không bằng chết, đúng là sống không bằng chết!

Tối hôm đó, tôi được đưa vào bệnh viện, xương chân của tôi bị đánh gãy. Bác sĩ kinh ngạc hỏi tôi đã có chuyện gì xảy ra. Bố tôi ấp úng nói là tôi bị một bạn học cùng lớp bắt nạt. Lúc bác sĩ kiểm tra vết thương của tôi, lắc đầu thốt lên rằng: “Người gì mà ác thế, nỡ đánh người ta đến mức này!”. Bố tôi đứng bên cạnh, nghe thấy thế liền òa khóc.

Chân tôi phải bó bột, không đi lại được. Hằng ngày mấy bạn cùng lớp đến nhà giảng bài cho tôi. Nghe nói bố tôi đã nhờ cô giáo làm như vậy. Trong số các bạn đến giảng bài cho tôi có một người là bạn thân của tôi. Bạn ấy biết tôi thường xuyên bị ăn đòn; lần này nhìn thấy tôi bị đánh như vậy, cũng hiểu rõ nguyên cớ vì sao. Có người khuyên tôi nên ra tòa kiện bố tôi, còn nói bố tôi làm như vậy là phạm pháp. Mặc dù trong lòng tôi rất căm hận bố, nhưng cũng rất thương bố. Kiện bố ư? Tôi có thể làm như vậy sao?

Xét về mặt luật pháp, bố của Sở Sở là người đã vi phạm pháp luật; xét về mặt giáo dục con cái, hành vi của bố Sở Sở là hành vi cực kì tàn nhẫn; còn nếu xét về quan hệ cha con, roi vọt của bố Sở Sở khiến cho người ta cảm thấy đau lòng!

Tôi tin rằng không gì bao la bằng tình yêu thương của cha mẹ, bố của Sở Sở cho rằng mình làm thế chỉ vì tốt cho con cái. Vì thế bố của Sở Sở đã thẳng tay “ngược đãi” con gái mình. Thế nhưng, tôi nghĩ bố Sở Sở ngoài việc hy vọng con gái mình sau này có thể kiếm được một công việc tốt còn hy vọng bản thân mình được thơm lây lúc về già. Tôi biết tình cảm của cha mẹ đối với con cái là hết sức vĩ đại, thế nhưng cũng có khi, tình cảm cha mẹ có phần hơi ích kỉ, mang tính lợi ích cá nhân. Đây vốn không phải là một chuyện gì xấu xa, chỉ sợ có một số người làm cha làm mẹ đã lợi dụng danh nghĩa của tình“yêu thương” để cướp đi sự tự do, vui vẻ thậm chí là an toàn và sức khỏe của con cái mình. Đây chính là một hành vi trái pháp luật!

Nếu như bố của Sở Sở không rút ra được bài học sau chuyện này, vậy thì tôi tán thành việc Sở Sở nhờ đến pháp luật để bảo vệ chính bản thân mình.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx