sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chúng ta là những Kẻ dối trá - Phần II - Chương 16 -17 - 18

PHẦN HAI

Vermont

16

KHI TÔI LÊN tám, bố đã tặng cho tôi một chồng sách truyện cổ tích làm quà Giáng sinh. Chúng có những cái bìa sắc màu: Cuốn cổ tích Vàng, Cuốn Cổ tích Xanh lục, Cuốn Đỏ thắm, Cuốn xanh lá, Cuốn Xám, Cuốn Nâu, và Cuốn Cam. Bên trong là những câu chuyện kể từ khắp nơi trên thế giới, đa dạng những câu chuyện quen thuộc khác nhau.

Đọc chúng và bạn như nghe thấy tiếng vọng của câu chuyện này lồng trong câu truyện kia, rồi vọng trong câu truyện khác lồng trong câu truyện kia nữa. Rất nhiều truyện có cùng câu mở đề: ngày xửa ngày xưa, có ba.

Có ba cái gì đó:

ba chú lợn,

ba con gấu,

ba anh em,

ba người lính,

ba chú dê.

Ba nàng công chúa.

Kể từ khi tôi từ Châu Âu về, tôi đã tự mình viết vài truyện. Khác nhau.

Tôi có thời gian, nên hãy để tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện. Một phiên bản khác, tôi phải nói là vậy, của một câu chuyện trước đây bạn đã từng được nghe về.

NGÀY XỬA ngày xưa có một vì vua và ba người con gái xinh đẹp.

Khi ông già đi, nhà vua bắt đầu tự hỏi ông sẽ để đứa con nào thừa kế vương quốc, bởi chưa người nào đã kết hôn và ông không có người thừa kế. Nhà vua quyết định yêu cầu ba cô con gái của mình biểu lộ tình cảm của họ đối với ông.

Với cô công chúa cả ông bảo, “Nói cha biết con yêu cha như thế nào.”

Cô yêu ông nhiều như kho báu trong vương quốc.

Với cô công chúa thứ ông bảo, “Nói cha biết con yêu cha như thế nào.”

Cô yêu ông với sức mạnh của sắt thép.

Với cô công chúa út ông bảo, “Nói cha biết con yêu cha như thế nào.”

Cô công chúa nhỏ nhất này nghĩ ngợi một lúc lâu trước khi trả lời. Cuối cùng cô nói rằng cô yêu ông như thịt yêu muối.

“Thế thì con không hề yêu ta,” nhà vua nói. Ông đuổi cô ra khỏi lâu đài và rút cây cầu đằng sau cô để cô không thể quay về được nữa.

Giờ đây, cô công chúa nhỏ nhất này tiến vào rừng với không có ngay cả đến một chiếc áo khoác hay một ổ bánh mì.

Cô lang thang qua mùa đông khắc nghiệt, trú mình dưới những tán cây. Cô đến một quán trọ và được thuê phụ nấu nướng. Hàng ngày và hàng tuần trôi qua, cô công chúa học được cách nấu nướng. Cuối cùng tài bếp núc của cô đã trội hơn cả người chủ và thức ăn của cô được khắp vùng biết đến.

Nhiều năm trôi qua, và cô công chúa cả cũng đã tới lúc kết hôn. Đầu bếp ở quán trọ được giao nhiệm vụ nấu ăn cho đám cưới.

Cuối cùng một con heo nướng lớn được dọn ra. Đó là món ăn yêu thích của nhà vua, nhưng lần này nó được nấu mà không nêm muối.

Nhà vua ăn nó.

Rồi lại ăn nó.

“Ai lại dám phục vụ một món nướng dở tệ như thế này trong đám cưới của nữ hoàng tương lai hả?” ông hét to.

Cô công chúa-đầu bếp xuất hiện phía sau cha của mình, nhưng cô đã thay đổi nhiều đến nỗi ông không hề nhận ra cô.

“Thần đã không bỏ muối vào thức ăn cho ngài, thưa Bệ hạ,” cô giải thích. “Bởi có phải là ngài đã không đày cô con gái út của người vì đã nói rằng nó giá trị như thế không?”

Nghe những lời này, nhà vua nhận ra rằng cô không chỉ là con gái ông — mà cô thật sự còn là người con gái yêu ông nhất.

Và thế rồi sao nữa?

Người con gái cả và thứ đã sống bên nhà vua suốt. Một người được yêu quý trong một tuần, và người còn lại trong tuần tiếp theo. Sự so sánh liên tục của nhà vua đã dần đẩy họ đi xa. Giờ đây khi nàng công chúa út đã trở về, nhà vua giật phắt vương quốc khỏi cô con gái cả, người mới vừa kết hôn. Sau cùng thì cô cũng không được làm nữ hoàng. Hai cô chị nổi cơn thịnh nộ.

Ban đầu, người con gái út tắm mình trong tình yêu thương của người cha. Tuy vậy, cô sớm nhận ra nhà vua là một người loạn trí và lạm quyền. Cô bị buộc phải chăm sóc một gã bạo chúa già điên loạn trong suốt những tháng ngày còn lại. Cô sẽ không từ bỏ ông, dù cho ông có trở nên bệnh hoạn như thế nào.

Cô ở lại vì cô yêu ông như thịt yêu muối?

Hay cô ở lại vì giờ ông đã hứa sẽ trao cho cô vương quốc của mình?

Thật khó cho cô để phân biệt.

17

MÙA THU SAU chuyến đi đến Châu Âu, tôi bắt đầu một dự án. Mỗi ngày tôi lại cho đi thứ gì đó của mình.

Tôi gửi cho Mirren một con Barbie cũ với mái tóc cực dài, thứ mà chúng tôi từng đánh nhau để tranh giành khi còn bé. Tôi gửi cho Johnny chiếc khăn quàng cổ kẻ sọc tôi từng đeo rất nhiều lần. Johnny thích kẻ sọc.

Với những người lớn trong gia đình — Mẹ, các dì, Ông ngoại — việc tích lũy những món đồ đẹp đẽ là một mục tiêu trong đời. Bất cứ ai chết với món đồ đẹp nhất sẽ thắng.

Thắng cái gì? Là điều mà tôi muốn biết.

Tôi từng là người thích những thứ xinh đẹp. Như mẹ, như tất cả những người nhà Sinclair. Nhưng đó không còn là tôi nữa.

Mẹ chất đầy căn nhà Burlington của chúng tôi với những đồ bạc và pha lê, những sách bàn cà phê[22] và những tấm chăn len casơmia. Những tấm thảm dày che phủ từng centimet sàn nhà, và những bức tranh từ nhiều họa sĩ địa phương mà mẹ hay lui tới xếp dọc các bức tường. Mẹ tôi thích đồ sứ kiểu cổ và trưng bày chúng ở phòng ăn. Mẹ thay chiếc Saab vẫn còn chạy được ngon lành bằng chiếc BMW.

[22]Sách bàn cà phê: một loại sách khổ lớn, thường là bìa cứng, được trưng trên bàn để tiêu khiển nhằm truyền cảm hứng cho những cuộc nói chuyện.

Chẳng có thứ nào trong đám đồ tượng trưng cho sự giàu có và có khiếu thẩm mỹ này hữu dụng cả.

“Cái đẹp có hạn sử dụng,” Mẹ biện minh. “Nó tạo cho ta cảm giác về vẻ độc đáo và đặc biệt cho nơi chốn, cảm giác rằng nơi chốn ấy cũng có cho mình một lịch sử riêng. Thậm chí cả niềm vui thích nữa, Cadence ạ. Con có từng nghe về niềm vui thích chưa?”

Nhưng tôi nghĩ Mẹ đang nói dối, với tôi và với chính mình, về lý do tại sao Mẹ lại đi mua những thứ đồ ấy. Sự choáng váng khi tậu đồ mới khiến Mẹ cảm thấy uy quyền, dù rằng chỉ trong chốc lát. Tôi nghĩ việc sở hữu một căn nhà đầy những món đồ đẹp đẽ, mua những bức tranh hình vỏ sò mắc tiền từ những người bạn nghệ sĩ của mẹ và những chiếc muỗng của hãng Tiffany là một tình trạng. Những tấm thảm mang phong cách nghệ thuật cổ Phương Đông nói cho người khác biết rằng có lẽ mẹ tôi là một người chăn nuôi chó từng bỏ học Bryn Mawr, nhưng mẹ có quyền lực — bởi vì mẹ có tiền.

CHO ĐI: GỐI NGỦ. Tôi mang nó khi đi làm vài việc lặt vặt.

Có một cô gái đang dựa vào bức tường bên ngoài thư viện. Cạnh mắt cá chân cô là một chiếc cốc bằng giấy bồi để đựng tiền lẻ. Cô gái ấy cũng chẳng lớn hơn tôi là bao.

“Cậu có muốn chiếc gối này không?” tôi hỏi. “Tớ đã giặt bao gối rồi đấy.”

Cô ấy nhận lấy và ngồi lên nó.

Đêm đó giường tôi không thoải mái, nhưng đó là tốt nhất.

CHO ĐI: BẢN BÌA MỀM của Vua Lear tôi đọc cho năm lớp 10 ở trường, tìm thấy dưới gầm giường.

Tặng cho thư viện trường.

Tôi không cần đọc nó lại nữa.

CHO ĐI: ẢNH CỦA bà ngoại Tipper tại bữa tiệc Farm Institute, khoác chiếc áo dài mặc buổi tối và tay ôm một chú lợn con.

Tôi ghé qua Goodwill[23] trên đường về nhà.

[23] Goodwill (Ý định tốt): thuộc chuỗi cửa hàng phi lợi nhuận nhằm phục vụ cộng đồng. Đồ quyên góp được bán tại cửa hàng hoặc đấu giá trên mạng và tiền kiếm được sẽ dùng để gây quỹ đào tạo nghề và tìm việc làm cho người trong cộng đồng.

“Ơ này, Cadence,” anh Patti đứng sau quầy nói. “Chỉ tạt qua thôi hả?”

“Đây là Bà ngoại em.”

“Quả là một quý bà xinh đẹp,” anh Patti săm soi. “Em có chắc là mình không muốn lấy tấm ảnh ra chứ? Em có thể chỉ quyên góp cái khung cũng được.”

“Em chắc.”

Ngoại đã mất rồi. Có ảnh của bà cũng chẳng thay đổi được gì cả.

“CON LẠI GHÉ qua Goodwill nữa à?” Mẹ hỏi khi tôi về nhà. Bà đang gọt đào với một con dao cắt hoa quả đặc biệt.

“Vâng.”

“Con đã tống khứ thứ gì đi rồi?”

“Chỉ là một bức ảnh cũ của Bà ngoại thôi.”

“Với con lợn con á?” Miệng mẹ co rút. “Ôi, Cady.”

“Nó là của con nên con có quyền cho nó đi.”

Mẹ thở dài. “Con cho đi một trong những con chó và con sẽ không bao giờ ngừng nói về nó.”

Tôi ngồm xổm xuống ngang tầm mấy con chó. Bosh, Grendel, và Poppy chào mừng tôi với tiếng sủa nhẹ nhàng trong nhà. Chúng là chó của gia đình tôi, đẫy đà và cư xử đúng mực. Những chú chó săn dòng thuần. Poppy có một bầy con cho việc buôn bán của mẹ tôi, nhưng đám chó con và những chú chó giống khác sống tại trang trại đối tác của Mẹ ở ngoại ô Burlington.

“Con sẽ không bao giờ làm thế,” tôi nói.

Tôi thì thầm vào đôi tai mềm mại của chúng rằng tôi yêu chúng như thế nào.

18

NẾU TÔI GOOGLE chấn thương não bộ, hầu hết các trang web sẽ cho tôi biết rằng chứng quên có chọn lọc là một di chứng của nó. Khi não bộ bị tổn thương, việc một bệnh nhân quên đi mấy chuyện cũng không phải là điều bất thường. Cô ấy sẽ không thể lắp ghép những chuyện đau buồn đã xảy ra thành một câu truyện mạch lạc được.

Nhưng tôi không muốn người khác biết tôi cũng bị giống như thế. Vẫn bị giống như thế, sau tất cả những cuộc hẹn và rọi hình não và thuốc thang.

Tôi không muốn bị dán trên người cái nhãn ốm yếu tàn tật. Tôi không muốn thuốc thang gì thêm nữa. Tôi không muốn các bác sĩ hay những giáo viên đầy vẻ quan tậm. Có Chúa mới biết, tôi đã chịu đựng đủ với các bác sĩ rồi.

Những gì tôi nhớ, từ mùa hè khi tôi gặp tai nạn, là:

Đem lòng yêu Gat bên cánh cửa bếp của căn Red Gate.

Đóa Hồng Nhật của cậu dành cho Raquel và cái đêm tôi chìm mình trong men rượu, lảo đảo đầy giận dữ.

Cư xử bình thường. Làm kem. Chơi tennis.

Chiếc s’mores ba lớp và cơn tức giận của Gat khi chúng tôi bảo cậu câm mồm.

Bơi đêm.

Hôn Gat trong căn gác mái.

Nghe câu chuyện về Cracker Jack và giúp Ông ngoại bước xuống cầu thang.

Chiếc lốp xe đu, tầng hầm, vành ngoài. Gat và tôi trong vòng tay nhau.

Gat nhìn thấy tôi chảy máu. Hỏi han tôi. Bịt miệng vết thương cho tôi.

Tôi không nhớ lắm về những chuyện khác.

Tôi có thể thấy tay của Mirren, lớp gel làm bóng móng tay màu vàng của cô bạn, tay cầm một bình ga dành cho những chiếc thuyền máy.

Mẹ, khuôn mặt cứng đờ, hỏi dò, “Những viên ngọc trai đen?”.

Chân của anh Johnny, từ Clairmont chạy nhào xuống cầu thang đến nhà thuyền.

Ông ngoại, tay vịn vào một cái cây, khuôn mặt được ánh sáng rực rỡ từ ngọn lửa mừng chiếu sáng.

Và cả bốn Kẻ Dối Trá chúng tôi, cười như điên đến choáng váng và phát bệnh. Nhưng cái gì mà buồn cười đến thế?

Đó là chuyện gì và chúng tôi đang ở đâu vậy?

Tôi không biết.

Tôi có từng hỏi Mẹ khi bản thân không nhớ ra phần còn lại của mùa hè thứ mười lăm. Sự đãng trí của chính mình khiến tôi sợ chết khiếp. Tôi sẽ đề nghị ngưng đơn thuốc của mình, hay thử một đơn thuốc mới, hay gặp một thầy thuốc khác. Tôi sẽ khẩn thiết muốn được biết về những gì mình đã quên. Rồi một ngày cuối thu — mùa thu tôi dành trọn để trải qua những cuộc xét nghiệm tìm kiếm những chứng bệnh chết người — Mẹ tôi bắt đầu khóc. “Con cứ hỏi mẹ suốt. Con chẳng bao giờ nhớ những gì mẹ đã nói.”

“Con xin lỗi.”

Bà rót cho mình một ly rượu khi nói chuyện. “Con bắt đầu hỏi mẹ vào cái ngày con tỉnh dậy ở bệnh viện. ‘Chuyện gì đã xảy ra? Chuyện gì đã xảy ra?’ Mẹ đã nói sự thật cho con biết, Cadence, mẹ luôn làm thế, và con lặp lại điều ấy với mẹ. Nhưng ngày tiếp sau đó con lại hỏi mẹ.”

“Con xin lỗi,” tôi lặp lại.

“Con vẫn hỏi mẹ gần như mỗi ngày.”

Đúng thế, tôi không hề có ký ức nào về tai nạn của mình. Tôi không nhớ được những gì đã xảy ra trước và sau đó. Tôi không nhớ những cuộc viếng thăm của bác sĩ. Tôi biết chúng hẳn đã xảy ra, bởi dĩ nhiên là chúng đã xảy ra — và giờ tôi ở đây với một phiếu chẩn đoán bệnh và những đơn thuốc — nhưng gần như mọi trị liệu y học của tôi đều là một sự trống trải.

Tôi nhìn Mẹ. Nhìn vào khuôn mặt lo âu đến phát bực, đôi mắt mọng nước và sự uể oải chếnh choáng của miệng bà. “Con phải ngừng đặt câu hỏi đi thôi,” mẹ nói. “Dù sao thì, các bác sĩ nghĩ sẽ tốt hơn nếu tự thân con ghi nhớ chúng.”

Tôi khiến mẹ phải kể cho tôi nghe một lần cuối, và ghi lại câu trả lời của bà để tôi có thể nhìn lại chúng khi tôi muốn. Đó là lý do vì sao tôi có thể kể cho bạn nghe về vụ tai nạn khi bơi đêm, về những tảng đá, sự giảm thân nhiệt, sự khó thở, và chứng chấn thương não bộ chưa được xác nhận. Tôi chưa từng hỏi lại mẹ về bất cứ điều gì nữa. Có rất nhiều việc tôi không hiểu, nhưng làm thế này thì mẹ sẽ vẫn giữ cho mình khá là điềm tĩnh.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx