sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chuyện bí ẩn thường ngày: Những câu chuyện kỳ lạ nhất - Chương 04 - Phần 3-4-5-6-7

3

Không hiểu có chuyện gì xảy ra? Chiếc kèn không giúp tôi giải quyết vấn đề của mình. Với cái đà này tôi sẽ không thể nào có được một cái cây mới cho bác Hardbristle. Bỗng tôi nhớ lại lời dặn của anh thanh niên tóc đuôi ngựa. Anh ấy đã bảo tôi: “Em hãy chơi bản nhạc của bản thân mình chứ không chơi nhạc của người khác, hãy chơi bản nhạc của em!”

Song tôi chưa hề sáng tác nhạc. Anh ấy nói như vậy nghĩa là gì nhỉ? Hay ta cứ thổi đại một làn điệu mà ta đang có cảm hứng. Tôi đi chậm rãi tới chỗ mấy cửa hàng, đặt mũ xuống đất và bắt đầu thổi kèn. Một bản nhạc buồn bã nổi lên từ đáy lòng tôi, tôi chưa bao giờ thấy có bản nhạc nào buồn hơn. Bản nhạc từ từ hiện lên trong đầu khi tôi thổi kèn.

Bài hát nói về nỗi đau đớn, buồn khổ của bác Hardbristle và về cái cây bị tôi làm khô héo. Những giọt nước mắt của tôi hiện lên trong bài hát này. Bài hát không kể thành lời câu chuyện một cô bé do vô tình đã gây nên tai họa và về lai lịch một cái cây bị chết khô. Bản nhạc thấm đọng, sâu lắng, nó có thể làm cho những người yêu nhau suốt đời yêu nhau say đắm, không thể chia lìa. Ông Windfall đi ra cửa ngơ ngơ như đi trong mơ. Ông dừng lại, nhìn tôi với con mắt trong suốt như thủy tinh. Đôi mắt đó đã nhìn thấy cái điều mà những người khác không thấy. Tôi dừng lại. Ông vội vàng tha thiết đề nghị tôi tiếp tục thổi. Ông lấy trong ví đồng hai mươi đô la đặt vào cái mũ của tôi. Tôi lặng lẽ mỉm cười nhìn ông và thổi tiếp.

Nhiều người khác kéo tới. Kia là ông Ralph, thầy giáo chúng tôi. Một nụ cười dịu dàng như bông hiện lên trên khuôn mặt đôn hậu của thầy. Sue Rickets và hai thằng ngỗ ngược học lớp Bảy dừng chân trố mắt nhìn. Sue Rickets là đứa vốn ghét cay ghét đắng tôi. Nhưng lúc này nó hoàn toàn khác. Tiếng nhạc đã làm nó hiền như một chú cừu non. Tôi nhìn hết người này tới người khác. Mọi người đang trong một chuyến đi rất đặc biệt. Tiếng nhạc đã đưa họ đến những nơi xa lạ mà trong điều kiện bình thường họ không bao giờ có thể tới được.

Cuối cùng bản nhạc cũng kết thúc. Tôi không thở được nữa. Cả nhóm đứng tần ngần, bất động. Rồi mọi người như bừng tỉnh vội vàng thả tiền vào cái mũ của tôi. Sự hồi tưởng về quá khứ đã chắp cánh cho tôi. Tôi đếm số tiền trong mũ, tổng cộng được tám mươi tư đô la.

Cứ cái đà này chẳng mấy chốc tôi sẽ kiếm được một nghìn đô la để mua một cây mới mà chẳng mất cái gì cả. Tôi nhìn đồng hồ và vội vã ra về vì còn phải bổ một đống củi to tướng trước bữa ăn tối. Thế là tôi ba chân bốn cẳng chạy về nhà.

Cơm tối đã xong. Bố mẹ ngồi bên cạnh lò sưởi. Bố mẹ rất thích nghe tôi chơi ghi ta bên ngọn lửa bập bùng.

Nhưng tôi không chơi ghi ta mà thổi kèn ácmônica. Bản nhạc tôi đang chơi không có tên mà cũng không có lời. Đó chỉ là những giai điệu toát ra từ đáy lòng tôi. Tôi thổi một bài hát về bà tôi, tôi thấy bà đang cù mình như hồi xưa. Đó là một giai điệu vui tươi thoải mái. Trong lúc thổi kèn tôi muốn cười vang. Mọi chuyện cứ như là thật, nỗi đau đớn vì bà đã ra đi như không còn nữa. Chúng tôi ai nấy đều vui mừng vì lại có bà ở bên cạnh. Tôi nhìn mẹ đang mỉm cười trìu mến và trong thâm tâm tôi thấy mẹ đang được bà ôm ấp như ngày xưa, khi mẹ còn bé tẹo tèo teo. Cuối cùng cả bố, mẹ và tôi ngủ thiếp đi bên lò sưởi ấm áp lúc nào không biết.

Sáng hôm sau, tôi thấy mẹ chưa bao giờ vui vẻ như hôm ấy. Chiếc ácmônica của tôi đã làm cho mẹ lâng lâng sung sướng. Tôi cảm thấy không thể rời cái kèn này. Chẳng biết anh chàng tóc đuôi ngựa có đồng ý đổi cái kèn lấy cây ghi ta của tôi không? Nhưng tôi cũng không thể xa cây đàn ghi ta này. Nếu không thì bố sẽ chẳng khi nào tha thứ cho tôi. Bố đã tặng tôi cây đàn này nhân dịp lễ Giáng Sinh.

Tôi nhặt nhạnh tám mươi tư đô la và cho vào bụng cây đàn ghi ta. Sau đó tôi đến trường.

Chiếc kèn này có thể giúp tôi kiếm được một nghìn đô la để mua một cái cây mới. Nhưng liệu từ giờ đến mười hai giờ trưa có còn kịp được không?

4

Trường tôi chỉ có một thầy và hai mươi trò. Tất cả chúng tôi cùng học chung trong một lớp. Học sinh lớn giúp học sinh nhỏ. Còn thầy Ralph thì chỉ bảo tất cả chúng tôi. Thầy là người rất hiền. Chẳng bao giờ tôi thấy thầy cáu kỉnh, gắt gỏng. Chúng tôi không ai là không kính yêu thầy.

Thầy nhìn tôi và nói:

- Em Nicole có tài thổi ácmônica mà kín tiếng quá.

Các bạn trong lớp đều đứng dậy. Thầy giáo lại bảo:

- Em thổi một bài cho cả lớp cùng nghe đi!

Tôi lại ngậm kèn và thổi, những điều suy nghĩ của tôi được thể hiện bằng tiếng nhạc. Các bạn gục đầu xuống bàn, mọi người đều nhìn thấy những điều tôi nhìn, mơ màng giấc mơ như tôi. Được như vậy là nhờ tiếng nhạc!

Tôi đưa các bạn cùng đi thuyền lướt trên biển bạc long lanh. Tôi cùng các bạn bay qua những tầng mây tít tận trời cao, cùng các bạn chiêm ngưỡng đáy biển sâu thăm thẳm và lên những đỉnh núi cao chót vót, không khí ở đây lạnh buốt đến tận cuống phổi mỗi khi hít thở. Tôi để thác nước tỏa muôn ngàn giọt nước li ti phủ lên thầy giáo và tất cả các bạn. Tôi để các bạn được ôm ấp trong vòng tay những người thân yêu đã chết từ lâu lắm rồi.

Tôi làm được những điều đó chính nhờ có cái kèn. Thời gian trôi qua thật nhanh. Phút chốc đã mười hai giờ trưa. Chuông báo giờ nghỉ trưa kêu leng keng. Nhưng tôi mới có vỏn vẹn tám mươi tư đô la. Mà tôi cần những một nghìn. Cái cây mộc lan mới, phải có đủ bảy năm tuổi. Mà một cây như thế thì rất đắt. Tôi chỉ có thể thật sự vui mừng khi nhìn thấy nụ cười hớn hở hiện lên trên ánh mắt của bác Hardbristle.

Tôi chạy nhanh khỏi sân trường và trốn trong rừng thông gần đó.

Anh chàng tóc đuôi ngựa tới cổng trường. Tôi ngồi trên cành cây và trông thấy anh rất rõ. Tôi thấy anh nhìn chằm chằm vào sân tìm tôi. Tôi nhìn thấy anh buồn bã thất vọng, quay lưng đi về phía bờ sông.

Tôi ngồi yên trên cây cho tới khi có tiếng chuông reo. Tôi chẳng thấy vui vẻ mấy vì vẫn còn giữ cái kèn, song tôi chỉ muốn làm một việc tốt. Tôi muốn dùng cái kèn để mua một cây mộc lan mới. Sau đó tôi sẽ trả lại. Chắc chắn là thế.

Nhưng có chuyện gì đó khang khác kể từ lúc tôi quyết định giữ lại cái kèn. Trong giờ học không ai đoái hoài đến tôi nữa. Thầy Ralph cũng không bảo tôi thổi để cả lớp cùng nghe nữa.

Tôi quyết định cứ thổi kèn mà chẳng cần chờ ai đó yêu cầu. Tôi lại ngậm cái kèn của mình. Của tôi ư? Đâu phải. Cái kèn này không phải của tôi. Tôi nắm chặt cái kèn giá lạnh. Nó có vẻ hằn học, ghẻ lạnh. Tiếng nhạc không phát ra nổi. Tôi cảm thấy ớn lạnh ở sống lưng. Với những ngón tay run rẩy, tôi ấn cái kèn vào mồm, tôi ra sức thổi phù phù và chỉ tạo ra một âm thanh rè rè ghê rợn.

Mọi người thở dài. Tiếng rè rè đó làm các bạn nhức tai. Tôi thử lại một lần nữa. Cái kèn như muốn cưỡng lại những ngón tay đang bấu chặt lấy nó. Cái kèn co rúm lại, giãy giụa cứ như nó là một sinh vật sống vậy. Nó muốn đi khỏi nơi này, còn tôi thì cố ghì chặt nó hơn nữa. Lúc đó một việc kinh khủng xảy ra. Tôi cũng không biết tại sao? Như thế nào? Tự nhiên cái kèn chui tọt vào mồm tôi rồi nằm ngang chành bành to tướng như quả chuối. Má tôi càng lúc càng căng phồng làm tôi cảm thấy đau nhói, nước mắt trào ra. Từ một nhạc cụ cái kèn trở thành dụng cụ tra tấn.

Tôi lảo đảo đứng dậy. Mỗi lần thở, cái kèn lại rít lên rất chói tai, khó chịu. Tôi rên rỉ, cái kèn cũng rên rỉ nức nở. Nó phát ra những âm thanh ghê rợn. Mọi người bịt chặt tai, không ai chịu nổi những tiếng chói tai, kinh hoàng đó. Không khí như run lên trong tạp âm hỗn độn chát chúa.

Những cái nhìn đau đớn, kinh hoàng dồn về phía tôi khi tôi lảo đảo chệnh choạng lết ra cửa. Tôi điên lên. Xét cho cùng tôi không có lỗi. Tôi chỉ muốn chuộc lỗi lầm về việc đã làm chết cái cây. Tôi chỉ muốn kiếm tiền để mua một cây mới. Tại sao bây giờ mọi người lai ghét bỏ, ruồng rẫy tôi? Tôi cũng căm ghét bọn họ.

Bản nhạc là một bài ca nói lên sự đau đớn, buồn tủi, nó làm cho người ta có thể nhìn thấy chân tướng của mọi sự xấu xa đồi bại. Đó là âm thanh của những trái tim tan vỡ, âm thanh của chiến tranh và bệnh tật, giết người và trộm cướp, trả thù và bất hạnh. Tôi nhìn thấy những cái đó trong ánh mắt thầy Ralph và các bạn.

Mọi người đến gần tôi, bao vây tôi và chĩa những ngón tay với móng sắc nhọn như vuốt về phía tôi. Tôi vội xách cây đàn ghi ta nhào qua đám đông cắm đầu cắm cổ chạy một mạch ra cửa.

5

Mặt trời đã lặn. Một ngọn gió lạnh phả vào khuôn mặt đầy nước mắt của tôi. Mưa rơi buốt giá. Khi tôi thở hổn hển cũng là lúc cái kèn rống lên. Cứ như thế tôi bước đi thất thểu trên sân trường.

Mặc dù tôi đã sợ hãi kêu rống lên, thầy giáo và các bạn trong lớp vẫn đi theo tôi. Họ đang muốn những giọt máu của tôi. Tôi đã biến họ thành những con vật hung ác dữ tợn. Tim tôi đập thình thịch như muốn vỡ lồng ngực, phổi tôi gào thét, van xin được bình yên. Cái kèn đang chơi bản nhạc về cuộc chạy trốn của tôi và mọi người đều nghe thấy.

Tôi lảo đảo chạy ra phố, cái kèn vẫn nằm chềnh ềnh trong mồm tôi. Tôi không tài nào lấy nó ra được. Những người bán hàng, những người chủ trang trại hòa vào đám đông đuổi theo tôi. Bài hát về sự đau khổ và nước mắt đã làm cho mọi người tức tối. Họ muốn làm tất cả để tôi ngừng thổi. Tôi chạy chệch choạc và đâm bổ vào cây mộc lan rồi ngã sóng soài trên mặt đất. Tôi đã kiệt sức. Mỗi lần tôi thở, lại phát ra những tiếng rít chói tai. Đám đông vây chặt lấy tôi.

Tôi không thể chịu nổi họ. Tại sao họ lại đối xử tệ với tôi? Tại sao họ không để tôi yên? Tôi nhìn cái cây bị chết và ước họ cũng như cái cây này, sẽ biến thành gỗ, trái tim của họ cũng hóa gỗ.

Với mỗi nhịp thở cái kèn lại phát ra âm điệu của bài ca thù hận. Bất thình lình bọn trẻ con, chủ cửa hàng, chủ trang trại và cả thầy Ralph đều trở thành cứng đờ, bất động. Bọn họ đã thỏa mãn ước mơ của tôi, tất cả đã hóa thành gỗ trước mắt tôi, mặt gỗ, quần áo gỗ và cả tóc cũng là gỗ. Tự nhiên tôi trở thành một người đơn độc giữa thị trấn toàn tượng là tượng. Giờ thì bọn họ không còn là lũ người khát máu tôi nữa. Họ đứng trơ trơ giữa trời mưa như những bia mộ. Họ đứng đó câm lặng, dữ dằn.

Trong khoảnh khắc, tôi như bị chết lịm đi. Tôi tìm cách lấy cái kèn ra khỏi đôi môi run rẩy nhưng không tài nào làm được, nó nằm trơ trơ không nhúc nhích, quyết không chịu ra khỏi miệng tôi.

Bỗng nhiên cửa bật mở. Bác sĩ Jenson xuất hiện. Ông sững người, há hốc mồm trước những pho tượng bất động trên đường phố. Ông đứng ngược hướng gió nên không nghe được bản nhạc khủng bố của tôi. Ông là bác sĩ, chắc ông có thể lấy cái kèn khốn khổ này ra khỏi miệng tôi. Ông rảo chân về phía tôi nhưng mới được vài bước ông bỗng đứng sững lại. Khi nghe những nốt nhạc đầu tiên ông cũng đã bị hóa thành gỗ.

Mãi tới khi chìm đắm trong không khí tĩnh lặng, yên ắng trong toàn thị trấn tôi mới thấu hiểu điều gì đã xảy ra. Tôi không thể về nhà bây giờ nếu không bố mẹ tôi cũng sẽ hóa gỗ. Tôi không nên lại gần những chỗ có người và cũng không ai là người có thể giúp đỡ, cứu vớt tôi.

Liệu có ai cứu được tôi không?

6

Liệu người thanh niên ấy còn ở bờ sông không nhỉ? Anh ấy là hi vọng cuối cùng của tôi. Cái kèn này là của anh ấy. Giá mà tôi có thể trả lại nó cho anh!

Tôi thất thểu ra khỏi thành phố, đi quanh trường học, qua cái hiên trơ trọi nhà bác Hardbristle, qua những bụi cây ra phía bờ sông. Tôi không thấy một chút dấu vết gì của anh ấy. Những cơn gió lạnh vô tình lùa vào mặt tôi. Tôi đi dọc theo bờ sông với niềm hi vọng tìm thấy anh ấy để có thể trả lại cái kèn. Tôi đi, đi mãi và cuối cùng cũng đứng trên một mỏm đá cao, từ đây tôi có thể phóng tầm mắt nhìn rất xa và con sông chỉ còn là một sợi dây ngoằn ngoèo dưới thung lũng.

Tôi phát hiện thấy anh ấy. Anh ấy kia rồi. Lưng anh quay về phía tôi, chân anh đang bước nhanh về phía rừng. Tôi cố gọi thật to nhưng không tài nào gọi được. Chỉ có những tiếng u a u ơ phát ra theo nhịp thở của tôi.

Tôi bỗng thấy sợ hãi. Điều gì sẽ xảy ra khi bản nhạc của tôi biến anh thành gỗ? Ai sẽ là người có thể cứu tôi? Tôi cố nín thở giơ cao cây đàn ghi ta vẫy anh, nhưng anh lại quay lưng về phía tôi. Tôi tuyệt vọng vô cùng. Trời ơi, ai là người có thể cứu giúp tôi đây! Tôi lại tìm cách vẫy anh một lần nữa, nhưng hoàn toàn vô vọng.

Tôi tìm một viên sỏi, một hòn đá, một cành cây. Tôi phải tìm một cái gì đó để có thể ném vào anh ấy, ra hiệu cho anh ấy nhưng tôi không tìm được một cái gì cả. Gió đã thổi sạch băng mỏm núi này. Giữa các kẽ đá chỏng chơ vài ba cái lá khô. Tôi tuyệt vọng, tung những cái lá nhưng gió đã cuốn phăng chúng đi.

Cái duy nhất mà tôi có là cây đàn ghi ta và tôi đã tung nó đi rất xa. Tám mươi tư đô la trong cây đàn rơi lả tả xuống nước. Tiền mất. Cây đàn như được ngọn gió đỡ, lướt bay bồng bềnh trong không khí. Tôi như thấy những ngón tay vô hình lướt trên phím đàn và nghe thấy tiếng đàn trầm bổng. Cây đàn ghi ta lộn mấy vòng trong không khí, bay vút lên cao rồi bỗng nhào xuống, đập vào một mỏm đá ngay cạnh chân anh ấy và vỡ tan thành muôn nghìn mảnh.

Anh ấy ngước mắt nhìn lên, nhận ra tôi và mỉm cười dừng lại chờ tôi.

7

Tôi phải đi mất một giờ đồng hồ mới tới được chỗ anh. Một giờ đồng hồ tôi bị hành hạ, bàn chân tôi rớm máu, tay tôi chai phồng. Một giờ đồng hồ tôi bị đày đọa bởi những âm thanh ghê rợn phát ra từ đôi môi căng phồng, méo xệch của tôi.

Cuối cùng tôi cũng đến được chỗ anh. Âm thanh khò khè phát ra từ nhịp thở của tôi hoàn toàn không ảnh hưởng tới anh. Anh không bị biến thành gỗ. Anh vuốt má tôi và nhẹ nhàng lấy cái kèn ácmônica ra khỏi mồm tôi. Anh bảo:

- Cái kèn giúp những người làm những điều tốt lành và trở thành tai vạ với những kẻ làm điều độc ác.

Nước mắt tôi trào ra lăn trên má, tôi nói với anh:

- Em chỉ muốn có tiền để mua một cái cây. Nhưng mọi việc đều không thành.

Tôi bỗng nhớ đến những pho tượng rải rác trong thị trấn.

Anh đưa tôi cái kèn. Cả hai chúng tôi biết cần phải làm gì và lặng lẽ đi vào phố. Mọi người còn đứng cả ở đấy, câm lặng, đờ đẫn. Tất cả vẫn là những pho tượng gỗ.

Tôi ngậm chiếc kèn ácmônica và thổi những làn điệu mà tôi yêu thích nhất. Đó là bài hát về sự ra đời của muôn loài, về sự hé nở của những bông hoa, bài hát kể về những giọt nước mắt của người mẹ thấm trên má đứa con mới lọt lòng, về những bước đi đầu tiên của chú ngựa non nớt, về cuộc đời mới đầy hứa hẹn trước mắt chúng tôi.

Mong ước của tôi thành sự thật, những pho tượng bắt đầu cựa quậy, những đôi môi bằng gỗ mỉm cười. Những con người đó đã trở lại thành người, họ đã được giải phóng khỏi bản nhạc cầm tù. Mọi người đều hớn hở vui tươi, không ai còn nhớ tới những bài hát đầy căm hận, với tâm địa tàn ác xấu xa. Họ vui cười theo nhịp bài hát mới của tôi và quên hết quá khứ buồn tủi.

Tôi ngước mắt nhìn lên cửa sổ nhà bác Hardbristle và thấy khuôn mặt bác sau tấm kính. Bỗng bác biến mất. Sau đó bác đi ra cửa, mắt dõi nhìn cây mộc lan. Những cái lá khô héo bỗng không còn khô héo mà trở nên xanh tươi mơn mởn. Bản nhạc của tôi đã làm cây mộc lan sống lại.

Anh thanh niên nhìn tôi mỉm cười, anh nhắc:

- Em còn phải thổi một bài hát nữa.

Tôi nhắm nghiền hai mắt, để chiếc kèn vào miệng và chỉ thổi những bài ca về tình yêu. Tôi không thổi bất kì một làn điệu nào khác.

Khi tôi mở mắt, tôi thấy bác Hardbristle đang mỉm cười. Mọi người đều hớn hở, vui sướng và cây mộc lan nở đầy hoa.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx