- Khi đến Sài Gòn chị sẽ tìm mua ngay một thứ rất đặc biệt của xứ đó, chị gửi cho ông Năm để ông Năm đem về cho bé. Chị sẽ mua nhiều sách truyện nữa chứ! Anh Khánh sẽ kể cho các bé nghe. Chị Diệu kể cũng hay nữa. Bé thích nghe ai? Hay là chị Thương? Chị sẽ viết thư cho bé, gửi cho nhà dòng, rồi khi nào ông Năm lên tỉnh mua sắm hàng tháng, ông Năm đem về, bé chịu không? Chịu đi nhé!
Cát Tường cầm bàn tay của Nhu Mì áp vào má mình. Nhu Mì vẫn nhìn không chớp trang giấy đang vẽ dở dang một ngọn đèn cầy. Đôi mi mắt như ẩn giấu một nỗi buồn, nhưng chiếc miệng đang cố gắng cười một nụ. Cát Tường thì thầm như nói cho chính mình nghe:
- Chị đi với ông Năm, với anh Trúc. Ông Năm đưa anh Trúc tới chỗ có đơn vị của anh ấy rồi đưa chị đến nhà dòng. Nhớ không, nơi mà Cha có một lần cho tụi mình đến thăm đó! Chắc bé không nhớ đâu, lúc đó bé mới ba tuổi, nhỏ xíu hà. Không hiểu gì hết hở? Chị nói chuyện khác nhé! Anh Trúc thương chị lắm, muốn chị về ở trong gia đình anh ấy. Sao kỳ vậy hở? Chị cũng không biết nữa. Chị thương anh ấy…
Đôi mi ngây thơ tự dưng chớp nhanh, Nhu Mì vẽ lên trang giấy một giọt nến chảy xuống. Một sự việc không liên quan gì đến thực tế nhưng cũng làm Cát Tường nghe nao nao trong lòng. Cát Tường càng nói khẽ hơn:
- Chị thương anh ấy, Nhu Mì ạ! Thương… không giống như thương bé Nhu Mì đâu! Bé hiểu không? Khác nhau thế này nè: thương bé, hay thương các bé, hay thương Cha, mỗi khi nhìn thấy người đó mình muốn đến nói chuyện thật nhiều, hỏi han thật nhiều. Còn… thương anh Trúc, mỗi khi thấy anh ấy… mình lại muốn bỏ chạy. A, mà chỉ cần nghĩ đến thôi, mình cũng đã thấy kỳ lạ trong lòng. Bé hiểu gì không? Khó hiểu quá hở? Khó cắt nghĩa quá! Thôi, bỏ chuyện ấy đi. Bé hãy vẽ cho xong.
Giọt nến đã chảy đến tận chân đèn, không lan ra, mà đứng yên ở đó. Hai con mắt bé Nhu Mì trở thành hai vũng nến lạnh. Tờ giấy bị gấp lại làm đôi. Bé Nhu Mì buồn bã đứng dậy, rời bàn học đi ra ngoài. Cát Tường bước theo. Ở ngưỡng cửa, hai chị em đứng lại. Không biết lời gì để nói. Cát Tường biết là sẽ buồn như thế này. Nhưng có làm gì hơn? Vì ngày mai, không còn thấy các bé, không còn thấy cha Đạo. Ngày mai bước chân đi, như bước chân ra đời. Lâu nay Cát Tường sống như nhà tu. Mặc dù chưa thuộc làu kinh sách, chưa phải khoác áo đen, nhưng tình cảm khô gọn có khác gì nhà tu. Ngày mai bước chân ra đời! Một điều thật nôn nao mà cũng thật buồn bã, vì biết khi đó không còn thấy lại các em thơ. Nhưng ta đã đến lúc được lựa chọn. Giữa một cuộc sống vốn đã bình lặng và một món quà mới lạ, ta phải lựa chọn. Chúa đã cho mình cái quyền được quyết định cho cuộc đời mình. Và cũng chính vì Chúa đã đem đến cho con – người ấy – món quà đầy tình thân. Chúa đã sắp đặt mà! Nếu không, sao lại cho người sống sót, sao lại khiến đàn trẻ đem người về, sao lại cho người thoát hiểm trong một đêm tối, sao lại cho người muốn nhận con vào gia đình người? Cám ơn rừng xanh. Cám ơn chiếc xe chở củi và đàn em nhỏ. Cám ơn Cha Đạo. Cám ơn Trời Đất huyền vi. Con đã thấy, trên mặt đất này, chẳng một ai bị bỏ rơi, dầu kẻ đó là con, sống ẩn giấu sau chiếc màn bằng cây lá.
Chiều đổ xuống từ phía rẫy khoai. Nắng vương vãi trên từng cọng cỏ. Không gian đang giành giật giữa màu vàng với màu xám. Lúc này Cát Tường mới nhận thấy một điều, là cảnh vật lúc nào cũng vui vẻ. Vui vẻ cả những lúc bóng tối đã bao phủ cả làng cô nhi. Thật thế, phải nhớ rằng xung quanh làng cô nhi - hay cái xóm cô nhi bé nhỏ này - còn có nhà cửa, có dân cư, dù chẳng thấy nhau nhưng mà có đó. Cũng như đêm đến là để chờ một sáng. Vì vậy, có phải đời lặng yên bao lâu nay là sửa soạn cho một chuyến đi ngày mai? Ôi! Chuyến đi! Vô vàn niềm cảm xúc chan hòa trong tim... Đêm hãy xuống mau, chờ mai sáng lên đường.
Khánh đến từ nhà cơm, nói:
- Chị Cát Tường, các bé đã tụ tập đủ. Chị với bé Nhu Mì qua ăn cơm luôn. Anh Trúc có ăn không?
- Anh Trúc còn ở bên nhà nguyện. Các em ăn trước với chị.
Quay sang Nhu Mì, Cát Tường nói:
- Đi, bé!
Nhận thấy vẻ ủ dột trên mặt Nhu Mì, Cát Tường ái ngại hỏi:
- Sao vậy? Không muốn đi với chị hả? Giận chị chuyện gì đây?
Nhu Mì lấy ngón trỏ phải vẽ lên lòng bàn tay trái. Cát Tường hỏi:
- Bé muốn vẽ nữa? Hay muốn viết. Đi ăn cái đã. Tối nay chị sẽ thức nhiều với bé. Còn bây giờ, chị muốn bé ăn món cơm thịt gà chị nấu chiều nay. Ngon lắm.
Ba chị em vào nhà cơm. Đàn trẻ đã ngồi yên trên ghế. Bước vào phòng, gặp ngay đôi mắt của Hậu nhìn Cát Tường không chớp. Một sự gì là lạ trong cái nhìn ấy. Cát Tường tự hỏi như thế rồi giải thích được ngay. Bởi vì những đôi mắt của Hiền, của Lương, của Ngoan, của Diệu, của tất cả… đều có vẻ là lạ. Nghĩ thế rồi Cát Tường tự cười mình. Chắc tại chính mình đã thấy lạ nên cái gì xung quanh cũng mang vẻ khác thường. Chờ cho Nhu Mì vào chỗ, Cát Tường nói lớn:
- Chiều nay các bé ăn món cơm gà của chị nấu. Sáng mai chị đi lên tỉnh, không còn ở đây nữa, các bé đã biết rồi. Vậy các bé ăn cơm đi, rồi chị em mình chơi trò chơi với nhau.
Trẻ nhỏ xôn xao hỏi:
- Anh Trúc đâu, chị? Quy-Li-Ve đâu?
- Anh ấy ở bên nhà nguyện, nói chuyện với Cha.
- Ông Năm đâu?
- Ông Năm chưa ăn bây giờ. Ông còn đang sửa xe để sáng mai đi. Các bé hãy ăn với chị.
Những đôi mắt nhìn nhau, rồi nhìn lên Cát Tường. Những hòn bi phản chiếu một sự chờ đợi. Rồi không thấy Cát Tường nói gì cả, những cái miệng tự động mở ra, hát:
- “Là nai đàn nên nhường nhau miếng cơm
Là chim bầy nên chia nhau miếng khoai
Giờ cơm đến rồi
Giờ cơm đến rồi….”
Lời hát ngân ra làm Cát Tường ngơ ngẩn: mình đã quên không bắt giọng và bắt nhịp cho các bé hát, nên chúng phải tự động cất tiếng. Những lời hát hỗn độn, không hòa hợp. Rồi sau đó, những mái đầu cúi xuống trên bát cơm nóng.
Bữa ăn qua nhanh, rồi nai đàn tụ tập trước sân, đứng thành hàng đôi. Cát Tường muốn nghĩ ra một trò chơi mới để vui với đàn trẻ. Nhưng cũng những đôi mắt là lạ ấy khiến Cát Tường bâng khuâng. Muốn biết các bé nghĩ gì từ lúc nghe Cát Tường sẽ đi. Tin loan ra vào bữa ăn trưa, do Cha Đạo nói. Trước mặt Cha khi đó, những gương mặt không dám biểu lộ gì. Nhưng buổi chiều nay, có một nỗi gì đè nặng không khí của bữa cơm. Chính Khánh, người ăn khỏe nhất, hôm nay cũng chỉ ăn có một chén. Có một sự ngầm đồng ý với nhau, là không nói gì hết - ở những đôi mắt kia, Cát Tường đã đọc được. Nhưng tại sao phải như thế? Nói đi các bé! Nói một điều gì đi, tỉ như: chị hãy mua truyện cổ tích gửi về cho anh Khánh kể… Sao những gương mặt linh hoạt kia đang trở thành nghiêm nghị, xa lạ với nhau? Ôi, một sự thay đổi lạ lùng quá! Chị không muốn thế.
- Các bé hãy nghe này! Chị dặn một chuyện: Chiều nay, tối nay, chị em mình chơi với nhau. Các bé muốn chơi trò gì chị cũng chìu hết. Mai sáng chị đi sớm lắm. Các bé cứ ngủ nhé, đừng thức dậy Cha rầy.
Cát Tường dừng lại, nhìn một loạt bầy trẻ. Cũng một sự im lặng kỳ lạ trải ra khiến không khí có vẻ căng thẳng.
- Chị sẽ về thăm các bé khi bãi trường. Chị sẽ tìm mua nhiều sách truyện gửi về cho Khánh, Diệu và Thương kể cho các em nghe. Chị sẽ…
Cát Tường im bặt. Sự im lặng của các bé đồng nghĩa với sự buồn bã. Nắng tắt hết trên ngàn cây lá. Một bầy chim lả tả bay về phía bên kia nóc nhà nguyện. Vài đứa trẻ ngơ ngẩn nhìn theo…
- Chị muốn chiều hôm nay, các bé hát cùng với chị tất cả những bài hát mà chị đã dạy. Nhớ không? Đầu tiên là bài “Cha em”, các bé hát nào, “Em thương Cha em lắm, người cha tóc trắng…”
Hai mươi hai cái miệng, hai mươi hai giọng hát cất lên. “Cha em như ánh nắng, chiếu ấm đời em. Cha mặc áo màu đen, nhưng tim Cha sáng hơn ánh đèn…” Cát Tường nhắm mắt lại, hồ như trong bóng tối thấy rõ được thời ấu thơ. Thời yên ấm đó chấm dứt khi con tim biết khóc gào những lời nức nở. Rồi Cha đến. Trên sân vuông vắn của viện cô nhi nhỏ bé, Cha hỏi: “Con muốn ở lại đây không?”…. Sáu năm trôi qua, đời sống là một trang giấy viết đều đặn như nét chữ của Nhu Mì. Rồi Cha hỏi: “Hiểu Cha không? Cha muốn con được sống bình thường như những người con gái khác”.
- Nhớ gì không các em? Sáng sáng anh Khánh dẫn các em đi lượm củi. Có bài hát gì nào? “Nào anh em kéo củi về làng….”
“Nào anh em, nào anh em….” Tiếng hát ở trên sân, mà như vang đến từ cuối rẫy. Mãi mãi không quên nghen các em! “Mặt trời lên lung linh ánh vàng. Dưới mặt trời, ta sẽ thấy đời bằng an”. Vì hôm đó, người đã đến – Quy-Li-Ve của chúng ta. Người mạnh mẽ, người khoan hòa và dịu ngọt lắm. Hát mừng người nhé! “Người đã đến như Quy-Li-Ve, giấc ngủ ngon. Người nào biết vây quanh, vây quanh, bầy tí hon…” Biết gì không? Từ lúc có người, bao nhiêu sự đổi khác đã xảy ra trong lòng chị. Cái dáng người ngồi, dáng người đi, dáng người cúi mình trên luống đất, dáng người cuốc xới dưới rẫy khoai, dáng người trầm mặc trong nhà nguyện… tất cả đều gây động như hình ảnh người mệt lả nằm trên chiếc xe chở củi. Biết gì không? Đó là hình ảnh của một người rất thân mến, tự thuở nào, hay chỉ bắt đầu hôm đó? Lẩm cẩm quá! Xa vời quá! Ngày mai chị bước chân ra đời, thật thế. Chị sẽ đơn độc lắm, nhưng chỉ một thời gian thôi, rồi sẽ mãi mãi bên người… Tiếng hát chấm dứt rồi nhưng tâm trí Cát Tường còn lâng lâng.
- Các bé nghe này! Từ ngày mai, các bé phải nghe lời anh Khánh như nghe lời chị vậy nhé! Buổi sáng khi anh Khánh dẫn các em trai xuống rẫy, các em gái phụ chị Diệu tưới rau, hay giúp chị Thương nấu cơm. Mỗi bữa phải nhớ mang cơm qua cho Cha trước, ông Năm cũng vậy. Ba ngày phải lau chùi nhà nguyện một lần. Phòng ngủ, phòng học, nhà cơm phải thường xuyên quét dọn sạch sẽ. Cần thưa việc gì cứ đến với Cha, nhưng tránh đừng xáo trộn giờ Cha tĩnh tâm. Phải khuyên nhủ nhau, đừng gây gỗ xích mích...
- Dạ.
Lũ trẻ thật ngoan! Cát Tường nghĩ thế, rồi tiếp:
- Xem nào… À, sáng thức dậy nhớ đọc lời tâm niệm trước khi ăn điểm tâm. Tối phải ngủ sớm. Chị giao tủ thuốc cho Thương. Bé nào bệnh phải nói ngay. Trợt té hay đứt tay phải nhớ xức thuốc.
- Dạ! Dạ!
Cát Tường ngẫm nghĩ… Những điều căn dặn đã quá tỉ mỉ, chắc như vậy cũng đủ rồi. Chỉ còn thiếu những điều như… ăn phải nhai, ngủ phải nhắm mắt nữa thôi.
- Bây giờ, các bé nghe nè! Chị em mình chơi một trò chơi. Các bé muốn chơi gì?
- Mèo bắt chuột.
- Chuyền vòng.
- Bỏ khăn.
- …
Chờ cho trẻ bớt xôn xao, Cát Tường nói:
- Ta chơi bỏ khăn vậy. Đợi chị một lát, chị vào phòng thuốc lấy cái khăn.
- Nhanh lên nghen chị. Bỏ khăn khăn bỏ khăn chuyền, ba cô bốn cậu đi tìm cái khăn.
Để lũ trẻ nhỏ đứng đó, Cát Tường chạy nhanh đi. Ở trong phòng thuốc, lúc một mình lui cui tìm mảnh giẻ làm khăn, Cát Tường nghe tiếng động sau lưng. Bé Hậu rụt rè đến bên cạnh. Cát Tường hỏi:
- Chi đó Hậu?
- Dạ… chị ơi….
- Em cần gì không?
Và nhìn lại, Cát Tường bắt gặp ánh mắt là lạ của thằng bé Hậu giống như lúc ở nhà cơm.
- Có chuyện gì đó Hậu? Em cứ nói đi!
- Chị…
- Sao em?
- Em nói… chị đừng rầy em nghen!
- Hả?.... Ừ, chị không rầy đâu. Nhưng có chuyện gì?
- Em… em muốn nhờ chị đưa giùm cho anh Trúc cái này. Chị nói với anh ấy là không phải em cố ý lấy cất giữ, mà tại vì… em không biết đọc chữ…
Cát Tường không hiểu:
- Mà cái gì vậy?
Bé Hậu ấp úng:
- Cái hộp…, em lượm được ở bìa rừng, chỗ anh Trúc nằm ngất đi. Hôm ấy, các anh kéo anh Trúc đi trước, em theo sau, lượm được cái hộp này. Em thấy nó đẹp, nhưng em không biết là của anh ấy, nên em cất đi.
- Rồi tại sao bây giờ…
- Chị ơi, hôm qua chị dạy em, em đánh vần được chữ “Trúc”, em mới biết. Trên hộp này có tên anh ấy. Chị đừng la em nghen! Tại … em dốt…
Cát Tường bật cười:
- A, chị hiểu rồi. Đó, chị khuyên em hoài, phải học đi, chứ có chữ “truyền” đọc cũng không ra, chữ “trúc” đọc cũng không ra. Đâu, đưa chị xem, cái hộp gì vậy?
Bé Hậu lấy một vật nhỏ trong túi áo ra, nhưng chưa chịu đưa, nói:
- Chị nhớ nói anh ấy đừng giận em nghen!
- Anh ấy không giận đâu. Đưa cho chị đi.
Hậu đưa cho Cát Tường một cái hộp nhỏ hình trái tim, rồi chạy ra ngoài. Cát Tường lẩm bẩm:
- Của anh Trúc!
Thật thế, trên nắp hộp có khắc tên của Trúc. Cát Tường mỉm cười, rồi mở hộp ra. Trong trái tim nhỏ nhắn ấy chỉ vỏn vẹn có tấm ảnh của một người con gái. Một khuôn mặt hiền ngoan nổi bật lên với màu áo vàng. Ở góc phải của tấm ảnh, hai chữ “Hồng Phước” được viết thật nhỏ. Khi Cát Tường chạm đến, chút keo dán lâu ngày tróc ra, làm bức ảnh lệch đi. Cát Tường lật sau lưng tấm ảnh, và đọc được một dòng chữ viết…
Chiếc hộp được đóng lại. Và trái tim nhỏ nhắn dễ thương ấy được Cát Tường nâng niu bằng bàn tay run rẩy, áp vào ngực, nơi đó có con tim của mình đang muốn khóc òa.
@by txiuqw4