Chương 10: Cuộc săn vàng
Hiện nay, hình như hàng tuần đều có một số công ty hay những tập đoàn lớn tuyên bố là họ đã giành thắng lợi trong cuộc chạy đua để xây dựng xa lộ thông tin. Với những hi vọng sôi sục và các khoản đầu tư táo bạo, các nhà đầu tư đã tạo nên một không khí na ná như một cuộc săn vàng vậy, nhiều cá nhân và công ty lao vào cướp lấy mọi cơ hội với hi vọng sẽ là người vượt qua đích đến đầu tiên hoặc là cắm một cái mốc xí phần mà họ tin rằng nó sẽ đảm bảo cho sự thành công của họ sau này. Các nhà đầu tư đang sôi động lên với những khoản đầu tư liên quan tới xa lộ.
Các phương tiện thông tin miêu tả cuộc đua này như là cuộc đua chưa từng xảy ra bao giờ, nhất là họ cho rằng cả hai yếu tố công nghệ và nhu cầu đều chưa được chứng minh. Điều này hoàn toàn khác với những ngày đầu của ngành công nghiệp điện toán cá nhân. Hiện nay sự điên cuồng đó trở thành một điều vô cùng nguy hiểm, đặc biệt đối với những người hi vọng trở thành những đối thủ, nhưng sự thật thì mọi người tham dự cuộc đua này chỉ mới đặt chân được vào điểm xuất phát.
Cuối cùng, khi họ thực sự xuất phát thì sẽ có nhiều người chiến thắng, và trong đó có một số người thắng cuộc khá bất ngờ. Kết quả của cuộc săn vàng ở California là sự phát triển kinh tế rất nhanh chóng ở vùng Viễn Tây. Năm 1848, mới chỉ có 400 người bị cuốn hút tới vùng đất này. Hầu hết đều sinh sống bằng nghề nông. Chỉ trong vòng một năm, cuộc săn vàng đã hút tới đây 25.000 người. Và một thập niên sau đó, sản xuất hàng hóa chiếm phần lớn so với khai thác vàng trong nền kinh tế của California, và là vùng có thu nhập tính theo đầu người cao nhất của nước Mỹ.
Theo thời gian, người ta làm giàu bằng những chiến lược đầu tư đúng đắn. Nhưng cũng có khá nhiều các loại công ty khác nhau ra sức lừa bịp đề giành giật về mình những vị trí họ cho là quan trọng. Và phần lớn những mánh khóe lừa bịp của họ đều được che đậy dưới cái về của những tin tức quan trọng. Tôi giành chương trình này để trình bày những viễn cảnh sắp sửa diễn ra.
Trong cuộc săn đuổi hỗn hợp để xây dựng xa lộ thông tin hiện nay, chưa có người nào tìm thấy vàng cả, và có nhiều khoản đầu tư cần phải được thực hiện trước những người khác. Sự đầu tư được thúc đẩy bởi niềm tin rằng thị trường này rồi sẽ rất rộng lớn. Nhưng sẽ chẳng có xa lộ thông tin hoàn chỉnh và cũng chẳng có thị trường nào tồn tại trừ phi một mạng dải thông rộng được nối vào phần lớn gia đình và các cơ sở kinh doanh. Trước khi điều đó xảy ra, tất cả những gì gọi là nền tảng của xa lộ như: phần mềm, các ứng dụng, các mạng, các máy phục vụ và những thiết bị thông tin, phải được triển khai. Nhiều công đoạn của xa lộ sẽ chưa mang lại lợi nhuận trừ phi có được hàng chục triệu người sử dụng mạng. Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi phải làm việc cần cù, phải có tài năng về kĩ thuật, và phải có tiền. Tính chất sôi động hiện nay rất có lợi về phương diện này, bởi nó khuyến khích người ta đầu tư và tiến hành những cuộc thử nghiệm.
Chưa có ai biết một cách chắc chắn là công chúng muốn gì ở xa lộ thông tin. Bản thân công chúng cũng chưa thể biết được bởi họ chưa có kinh nghiệm gì về mạng video có khả năng giao lưu và các ứng dụng của nó cả. Hiện nay người ta đang thử nghiệm một số kĩ thuật ban đầu, nhưng chỉ với một số lượng rất ít. Những kĩ thuật đó tạo ra phim ảnh, vài phương thức mua sắm, và khá nhiều điều mới lạ khác nhưng rồi những điều mới mẻ đó sẽ nhanh chóng rơi rụng đi, kết quả là tất cả những gì học được trong thời gian qua cũng chỉ là những hệ thống giao lưu có giới hạn với những kết quả hết sức hạn chế.
Hiện nay, chúng ta chưa thể nào có một khái niệm đầy đủ về tiềm năng thực sự của xa lộ cho đến khi chúng ta có được ít ra là vài chục ứng dụng mới ra đời. Tuy nhiên, khi chưa có niềm tin vào một thị trường thì người ta cũng khó sáng tạo ra được những ứng dụng mơí. Nhưng khi chúng ta có được ít ra là một thử nghiệm có tiếng tăm, chứng minh được khả năng thu hồi khoản chi phí xây dựng hệ thống thì mới có công ty mạnh dạn đầu tư để xây dựng xa lộ. Tôi cho rằng xa lộ không phải là công trình đột biến, mà chính mạng Internet, cùng với những tiến bộ trong công nghiệp máy điện toán cá nhân và trong phần mềm của máy điện toán, sẽ hướng dẫn chúng ta tiến dần từng bước đến một hệ thống hoàn chỉnh.
Hiện có một số phán đoán không đúng về triển vọng; và do đó góp phần làm cho sự nhiệt tình đối với xa lộ thông tin lên một mức độ thái quá. Số đông khác lại đang phỏng đoán về phương hướng mà nền kĩ thuật sẽ diễn ra. Trong số đó có một số suy đoán không dựa trên cơ sở thực tế hoặc không tham khảo những gì công chúng đã từng biểu thị hoặc không thực tế về thời gian cần thiết cho các công đoạn của xa lộ được ghép nối lại với nhau, Hãy để cho mọi người được tự do suy luận, nhưng suy đoán cho rằng tác động to lớn của một xa lộ hoàn chỉnh đối với khách hàng sẽ diễn ra vào cuối thế kỉ này là hoàn toàn sai.
Những công ty đầu tư vào xa lộ hiện đang cố gắng thực hiện những suy đoán của họ. Những người bị quan viện nhiều lý do chứng minh rằng vì sao họ không nghĩ xa lộ thông tin sẽ là một công trình lớn lao và những nguy cơ may sẽ sớm xuất hiện như tôi nghĩ. Nhưng bản thân tôi tin tưởng vào sự nghiệp kinh doanh này. Mỗi năm, Microsoft đầu tư hơn 100 triệu Mỹ kim cho việc nghiên cứu và phát triển xa lộ. Chúng ta chắc sẽ phải đầu tư như vậy trong khoảng 5 năm nữa thì các kết quả của việc nghiên cứu và phát triển mới có thể đủ để thu hồi lại vốn và như vậy có nghĩa là chúng tôi đang đánh cuộc 500 triệu Mỹ kim.
Và cũng có thể chúng tôi sẽ thua cuộc. Những cổ đông của chúng tôi, dựa trên những thành công trước đây, đã cho phép chúng tôi làm như vậy nhưng đó không phải là điều bảo đảm. Tất nhiên là chúng tôi mong rằng chúng tôi sẽ thành công, và cũng giống như những đấu thủ khác trong cuộc đua này, chúng tôi có lý do để tin như vậy. Chúng tôi tin ở kĩ năng phát triển phần mềm và sự gắn bó của chúng tôi vào quá trình tiến hóa của máy điện toán cá nhân giúp chúng tôi thu hồi lại khoản vốn chúng tôi đã đầu tư.
Những cuộc thử nghiệm toàn diện trong việc nối dải thông rộng vào máy điện toán cá nhân và máy thu hình sẽ triển khai trong năm 1996 ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á do công ty tự nguyện chấp nhận rủi ro và hi vọng vào các cuộc thử nghiệm sẽ khuyến khích họ xúc tiến nhanh hơn. Một số các cuộc thử nghiệm được thực hiện với mục đích chia phần nhằm chứng minh rằng một người điều hành mạng đặc biệt nào đó có thể xây dựng và điều hành mạng dải thông. Mục đích cơ bản của các cuộc thử nghiệm là nhằm tạo ra một nền móng cho những người phát triển phần mềm xây dựng và khám phá các ứng dụng mới, kiểm nghiệm tính hấp dẫn của các ứng dụng và tính khả thi về phương diện tài chính.
Trước đây, khi Paul Allen và tôi nhìn thấy tấm hình chụp máy điện toán Altair, chúng tôi chỉ có thể đoán các nguồn ứng dụng phong phú mà nó có. Lúc đó chúng tôi biết rằng chúng tôi có thể phát triển những ứng dụng đó, nhưng chúng tôi không biết rồi chúng tôi sẽ ra sao. Có vài ứng dụng có thể tiên đoán được, chẳng hạn những chương trình có thể làm cho máy điện toán cá nhân có chức năng như là máy cuối cho một máy điên toán chính, nhưng những ứng dụng quan trọng nhất như ứng dụng bảng biểu VisiCals lại không đoán được.
Những cuộc thử nghiệm sắp tới sẽ tạo cơ hội cho các công ty tìm kiếm sự tương đương của bảng biểu và thiết lập mô hình tài chính để xúc tiến việc triển khai xa lộ. Người ta dường như không thể đoán được loại ứng dụng nào sẽ được cộng đồng chấp nhận và loại nào không. Nguyện vọng và nhu cầu của khách hàng rất đa dạng và mang tính cá nhân. Chẳng hạn, tôi hi vọng sẽ sử dụng xa lộ thông tin để cập nhật các tiến bộ về y học. Tôi muốn tìm hiểu những nguy cơ nào có hại cho sức khỏe của những người cùng lứa tuổi như tôi, và phương pháp để phòng chúng.
Tôi muốn được mạnh khỏe và muốn áp dụng những ứng dụng y học và các ứng dụng khác giúp tôi có thể nâng cao kiến thức của mình trong các lãnh vực tôi yêu thích. Nhưng đó là ý muốn của tôi. Liệu những người khác cũng quan tâm đến y học như tôi? Hay những trò chơi mới mẻ hơn? Hay phương thức giao tiếp mới? Hay ngồi ở nhà nhưng có thể đi mua sắm được? Hoặc đơn giản chỉ muốn có thêm vài bộ phim hay?
Các cuộc thử nghiệm sẽ quyết định những ứng dụng nào và những dịch vụ nào phổ biến nhất. Những cuộc thử nghiệm đó có thể cũng chỉ là những mở rộng đơn giản của những chức năng truyền thông liên lạc hiện tại như phim video theo yêu cầu và nối mạng các máy điện toán cá nhân với tốc độc cao hơn. Ngoài ra có thể có vài loại dịch vụ hoàn toàn mới lạ, thu hút sự thích thú của công chúng và kích thích sự sáng tạo, đầu tư và trình độ quản lý tổ chức của họ. Đó là những gì tôi đang mong đợi được nhìn thấy. Nếu những thử nghiệm ban đầu chưa hấp dẫn được khách hàng thì sẽ có thêm nhiều cuộc thử nghiệm mới khác, và việc xây dựng một xa lộ thông tin hoàn chỉnh sẽ bị chậm lại.
Trong khi đó mạng Internet, các máy điện toán cá nhân được nối mạng, và phần mềm của máy điện toán cá nhân sẽ tiếp tục được cải tiến và trở thành phần nền móng vững chải hơn. Giá của phần cứng và phần mềm tiếp tục giảm xuống.
Điều thú vị là chúng ta quan sát các công ty lớn ứng phó trước những cơ hội đó khác nhau như thế nào. Không ai muốn công nhận một sự mơ hồ. Các công ty điện thoại và các công ty cáp, các đài truyền hình và các công ty mạng, các công ty sản xuất phần cứng và các công ty sản xuất phần mềm của máy điện toán cá nhân, nhật báo tạp chí, các hãng phim và thậm chí cả các tác giả tư nhân, tất cả sẽ là những nhà vạch chiến lược. Nhìn chung kế hoạch của họ có vẻ na ná giống nhau, nhưng đi sâu vào chi tiết thì hoàn toàn khác nhau. Nó cũng giống như câu chuyện cũ về những người mù xem voi. Mỗi người sờ nắn một phần khác nhau của con voi, và từ những hiểu biết ít ời đó rút ra những kết luận hoàn toàn sai trái so với toàn thân con voi. Ở đây cũng thế thay vì cố gắng phán đoán diện mạo khổng lồ của con vật, chúng ta lại đang vào cuộc với hàng tỷ đô la đầu tư nhưng chỉ dựa trên sự hiểu biết mù mờ về hình dạng thực sự của thị trường.
Sự cạnh tranh mang lại lợi ích cho khách hàng nhưng lại là vấn đề hóc búa với những nhà đầu tư, nhất là đối với những người đầu tư về một ngành mà sản phẩm của nó chưa họ có mặt bao giờ. Hiện nay đang có một ngành kinh doanh không tồn tại, được gọi là ''xa lộ thông tin''. Cho tới nay nó chưa tạo ra được một đồng thu nhập nào. Việc xây dựng xa lộ sẽ là một quá trình học tập, và một số công ty rồi sẽ tán gia bại sản. Những gì hiện nay trông có vẻ béo bở có thể rồi sẽ tàn lụi trong thị trường cạnh tranh cao nhưng lợi nhuận lại rất thấp. Hoặc sản phẩm của họ hoàn toàn không được chấp nhận. Các cuộc săn vàng thường có xu hướng khuyến khích các cuộc đầu tư dữ dội. Số ít có thể xoay sở được, nhưng một khi cơn sốt qua rồi, chúng ta quay nhìn lại với những đổ nát hoang tàn với những hoài nghi và tự hỏi "Ai tài trợ cho những công ty đó? Họ nghĩ gì trong đầu họ? Liệu đó có phải là chứng cuồng loạn không?"
Công tác quản lý đóng vai trò lớn lao trong việc định hình phát triển của xa lộ thông tin, cũng tương tự như nó đã định hình ngành công nghiệp điện toán cá nhân. Chỉ có một số ít công ty sản xuất phần mềm chính yếu xoay xở chuyển sang sản xuất máy điện toán cá nhân. Những công ty thành công nhất là những công ty khởi sự với vốn ít ỏi trong tay, quản lý bởi những người có đầu óc tiếp nhận cái mới. Điều này rồi cũng sẽ đúng với xa lộ thông tin. Bởi vì đối với mỗi một công ty lớn, đang thành công bằng một ứng dụng mới nào đó sẽ có lối 10 công ty mới bắt đầu thịnh vượng còn hơn 50 công ty lớn khác sẽ phát lóe niềm vinh quang trong phút chốc rồi tan biến vào cõi hư vô.
Đây là điểm mốc của một thị trường quản lý đang ngày một phát triển; sáng kiến nảy nở rất nhanh trên nhiều lĩnh vực. Phần lớn trong số đó sẽ không thành công cho dù công ty lớn hay bé. Các công ty lớn có khuynh hướng ít bị rủi ro hơn, nhưng một khi đã bị rã đám thì sự kết hợp của sự ích kỉ và quy mô của nguồn lực của họ sẽ khốc liệt tựa như đào rộng thêm miệng núi lửa đang trở mình. Nếu đem so sánh thì chúng ta thấy rằng sự thất bại của một công ty nhỏ mới bắt đầu thường ít được người ta chú ý tới. Nhưng có điều thú vị là con người sẽ rút ra được những bài học từ trong thất bại lẫn thành công, và kết quả là sự tiến bộ sẽ đến nhanh hơn.
Bằng cách để cho thị trường quyết định những công ty nào và phương pháp tiếp cận nào sẽ thắng khiến cho nhiều con đường đồng thời được khai phá. Không có nơi nào mà lợi ích của những quyết định vì động cơ thị trường rõ ràng hơn là trong một thị trường chưa được chứng minh. Khi hàng trăm công ty cố gắng nhiều biện pháp liều lĩnh khác nhau để phát hiện mức cầu của thị trường thì xã hội sẽ có được những giải pháp đúng đắn nhanh hơn rất nhiều so với bất cứ hình thái kế hoạch kinh tế nào. Phạm vi của sự không chắc chắn của xa lộ thông tin rất rộng lớn nhưng rồi thị trường sẽ định ra một hệ thống thích hợp.
Chính phủ có thể giúp đỡ cho việc bảo đảm một khung cạnh tranh mạnh mẽ, và cũng nên sẵn sàng, nhưng không nên quá vồ vập, can thiệp vào nếu thị trường thất bại trong một số khu vực đặc biệt nào đó. Sau khi thu thập đủ lượng thông tin từ những lần thử nghiệm, họ có thể định ra một ''luật đi đường'', một khung hướng dẫn cơ bản để theo đó công ty cạnh tranh với nhau. Nhưng chính phủ không nên quyết định bản chất của xa lộ thông tin, bởi chính phủ không thể nắm được lợi thế hoặc quản lý các thị trường cạnh tranh, nhất là trong khi còn vấn đề sự lựa chọn của khách hàng và sự phát triển kĩ thuật.
Chính phủ Hoa Kỳ can thiệp sâu vào việc đề ra luật cho các công ty thông tin. Các quy chế của chính phủ liên bang ngăn chặn việc các công ty cáp và các công ty điện thoại muốn lập ra một mạng đa dụng vì nó có thể đưa họ tới chỗ cạnh tranh lẫn nhau. Điều đầu tiên hầu hết các chánh phủ phải làm là bắt đầu giúp cho xa lộ bắt đầu hoạt động bằng cách giảm bớt các quy chế trong thông tin liên lạc.
Biện pháp cũ mà đa số các nước đã áp dụng là lập nên những công ty độc quyền trong nhiều lĩnh vực của truyền thông liên lạc. Lý thuyết ủng hộ cho biện pháp này là các công ty sẽ không chịu đầu tư một số vốn lớn cần thiết để có thể triển khai hệ thống điện thoại đến với mọi người, trừ phi họ được khuyến khích là sẽ trở thành nhà cung cấp độc quyền trong tương lai. Chánh phủ đề ra các luật lệ buộc các nhà độc quyền đó phải hoạt động vì lợi ích công cộng với mức độ hạn chế nhưng điều cơ bản là được bảo đảm có lợi nhuận. Kết quả là họ thiết lập nên một mạng rất đáng tin cậy với các dịch vụ đa dạng nhưng sáng kiến mới vẫn còn áp dụng một cách rất hạn chế. Về sau, các quy định đó được mở rộng tới lãnh vực cáp truyền hình cũng như các hệ thống điện thoại địa phương.
Chính phủ liên bang và Chính phủ của các tiểu bang chấp nhận cho thành lập các công ty độc quyền và cho phép họ cạnh tranh để đổi lấy việc quản lý bằng pháp luật.
Theo luật pháp hiện hành tại Mỹ, thì một xa lộ không được phép vừa cung cấp dịch vụ điện thoại và vừa cung cấp dịch vụ video. Việc để cho các nhà kinh tế và các sử gia tranh luận về sự lợi hại của việc chấp thuận cho thành lập các công ty độc quyền là một ý kiến hay đề xuất từ năm 1934, nhưng hiện nay có sự nhất trí chung rằng cần phải thay đổi các luật lệ liên quan tới vấn đề này. Tuy nhiên, cho tới khoảng giữa năm 1995, các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa thể xác định được một cách chính xác là bao giờ mới triển khai và bằng những biện pháp nào.
Hàng tỷ đô la đang trong tình trạng nguy ngập, và các nhà làm luật nhận thấy rằng người ta dễ dàng lạc bước trong vô vàn những chi tiết hết sức phức tạp của vấn đề làm thế nào để cho cuộc tranh có thể bắt đầu. Vấn đề là phải hình dung xem việc chuyển từ hệ thống cũ sang hệ thống mới như thế nào trong khi phải giữ sao cho mọi người than gia trong cuộc cảm thấy yên lòng. Sự bế tắc này giải thích vì sao việc cải tiến truyền thông liên lạc bị đình trệ trong nhiều năm. Quốc hội bận túi bụi trong suốt mùa hè năm 1995 trong các cuộc tranh cãi, không phải cho vấn đề giảm bớt các định chế đối với ngành công nghiệp truyền thống liên lạc, mà là làm thế nào để có thể giảm bớt được các quy chế. Tôi hi vọng vào lúc bạn đang đọc quyển sách này thì xa lộ thông tin trở thành là phương tiện hợp pháp tại nước Mỹ!
Bên ngoài nước Mỹ, vấn đề trở nên phức tạp hơn vì tại nhiều nước, các công ty độc quyền lại là những tổ chức của chính phủ. Các tổ chức này quản lý các dịch vụ bưu điện, điện thoại, và điện tín (PTT). Tại một số nước, các dịch vụ PTT được phép xúc tiến và triển khai xa lộ thông tin, nhưng một khi các tổ chức của chánh phủ dính dáng vào thì công việc thường tiến triển chậm chạp hơn. Tôi nghĩ rằng tốc độ đầu tư và giảm bớt các định chế trên toàn cầu sẽ tăng lên trong mười năm tới bởi các chính trị gia đang nhận thức tính chất tối quan trọng của vấn đề này nếu họ muốn cho đất nước của họ có sức cạnh tranh lâu dài. Trong nhiều cương lĩnh hành động của các ứng cử viên trong các chiến dịch tranh cử đều có mục nêu rõ họ sẽ tạo điều kiện cho đất nước họ dẫn đầu trong việc thiết lập xa lộ thông tin. Việc đưa vấn đề này vào lĩnh vực chính trị sẽ càng làm cho nó trở nên khả thi hơn, và điều đó sẽ giải tỏa được nhiều cản ngại mang tính quốc tế khác nhau.
Những nước như Mỹ và Canada, nơi có một tỷ lệ khá cao gia đình sử dụng cáp truyền hình, có lợi thế hơn vì cạnh tranh giữa các công ty cáp truyền hình và các công ty điện thoại sẽ đẩy nhanh tốc độ đầu tư vào hạ tầng cơ sở của xa lộ. Tuy nhiên, nước Anh là nước sử dụng lâu nhất cho cả hai dịch vụ truyền hình và cáp. Ở đó các công ty cáp được phép thực hiện dịch vụ điện thoại từ năm 1990. Các công ty ngoại quốc, chủ yếu là các công ty điện thoại và cáp của Mỹ, đầu tư rất lớn vào hệ thống cáp quang cho hạ tầng cơ sở của Anh quốc.
Người Anh hiện nay có thể chọn các công ty cáp truyền hình làm dịch vụ điện thoại cho họ. Sự cạnh tranh đó đã buộc công ty British Telecom phải cải tiến tốc độ và dịch vụ của họ.
Nếu chúng ta nhìn lùi về trước khoảng mười năm, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy rõ mối tương quan giữa sự cải tiến hệ thống truyền thông liên lạc của mỗi nước. Không một nhà đầu tư nào lại muốn đổ tiền vào những nơi chưa có nhiều hạ tầng cơ sở về thông tin liên lạc. Tại nhiều nước các chánh trị gia và các người vận động hành lang đang cố gắng tạo ra các quy chế mới, và tôi chắc rằng tẩt cả những quy chế đó được đem ra thử nghiệm. Giải pháp đúng sẽ khác nhau trong chừng mực nào đó giữa các nước.
Có một lãnh vực rõ ràng các chánh phủ nên tránh là tính tương hợp. Một số người từng gợi ý rằng các chánh phủ nên đề ra các định chuẩn cho cách mạng, nhằm bảo đảm cho chúng có thể hoạt động tương tác với nhau. Năm 1994, người ta đệ trình một dự luật lên một tiểu bang của Hạ Viện Mỹ kiến nghị rằng phải sản xuất các hộp điều khiển sao cho chúng có tính tương hợp. Điều này đối với những người dự thảo dự luật đó, có vẻ như là một phát kiến vĩ đại.
Tính tương hợp là một yếu tố quan trọng. Nó làm cho các ngành kinh doanh điện tử gia dụng và máy điện toán cá nhân phát triển mạnh. Khi ngành công nghiệp điện toán cá nhân còn mới mẻ, nhiều máy xuất hiện rồi lại biến mất. Chiếc Altair 8800 đã bị chiếc Apple I qua mặt. Rồi lần lượt xuất hiện các chiếc Apple II IBM PC, Apple Macintosh. IBM PC AT, PC 386 và PC 486, Power Macintoshes, và Pentinum PC. Mỗi một loại máy này trong chừng mực nào đó đều tương hợp với các máy khác. Chẳng hạn như tất cả đều có thể dùng chung các hồ sơ văn bản gốc. Nhưng đồng thời lại có quá nhiều tính không tương ứng bởi vì các thế hệ máy tính kế tiếp đều muốn nêu bật những tiến bộ mang tính đột phá mà các hệ thống cũ không có.
Tính tương hợp của những máy trước đây, trong vài trường hợp, có tác dụng rất lớn lao. Cả hai loại PC - compatible và Apple Macintosh cung cấp vài tính tương hợp khá lạc hậu. Tuy nhiên, giữa chúng với nhau, chúng lại không thể tương hợp được. Và lúc chiếc máy điện toán cá nhân ra đời, nó không thể tương thích với các máy trước đó của IBM. Cũng tương tự như vậy, thế hệ máy Mac đã không tương thích với các máy Apple thời trước đó. Trong thế giới điện toán, kĩ thuật năng động tới mức bất cứ công ty nào cũng có thể sản xuất ra những loại máy mới họ muốn và để cho thị trường quyết định công dụng của nó.
@by txiuqw4