sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Con Gái Người Giữ Ký Ức - Chương 01-02

TUYẾT BẮT ĐẦU RƠI VÀI GIỜ TRƯỚC KHI NÀNG TRỞ DẠ. Lúc đầu chỉ một vài bông trên bầu trời xám xịt ảm đạm buổi chiều muộn, rồi những cơn lốc và gió xoáy vần vũ quanh bờ hàng hiên rộng trước nhà họ. Anh đứng cạnh nàng bên cửa sổ, ngắm nhìn những cơn sóng tuyết cồn lên mạnh mẽ, rồi xoáy tròn và trôi xuống mặt đất. Đèn đã sáng lên ở mọi nhà xung quanh, còn những cành cây trơ trụi thì chuyển sang màu trắng.

Sau bữa tối anh nhóm một đống lửa, xông ra ngoài trời để lấy củi – anh đã chất đống trước ga ra từ mùa thu năm trước. Bầu không khí sáng sủa lạnh toát phả lên mặt anh, tuyết trên lối vào đã ngập tới nửa bắp chân. Anh gom những thanh gỗ, rũ sạch những chỏm tuyết trắng muốt mềm xốp phủ trên chúng rồi bê vào nhà. Thanh mồi trên chiếc ghi lò sắt bắt lửa ngay lập tức, anh ngồi một lát trước lò sưởi, chân bắt chéo, cho thêm củi và ngắm nghía những ngọn lửa bùng lên, lưỡi lửa xanh biếc đầy mê hoặc. Ở bên ngoài, tuyết vẫn rơi lặng lẽ trong bóng đêm, sáng và dày như những hạt tĩnh điện trong luồng sáng đổ xuống từ những cột đèn đường. Khi anh đứng lên nhìn ra ngoài cửa sổ, chiếc xe của họ đã biến thành một ngọn đồi trắng toát xôm xốp đứng bên lề đường. Cả những dấu chân của anh trên lối vào cũng đã bị lấp đầy và biến mất.

Anh phủi bụi tro trên tay và ngồi xuống chiếc sofa cạnh vợ, chân nàng kê lên mấy chiếc gối, đôi mắt cá sưng phù bắt chéo nhau, cuốn Bác sĩ Spock đặt ngay ngắn trên bụng. Mải mê đọc, nàng vô thức liếm ngón trỏ mỗi lần giở sang trang. Bàn tay nàng mảnh mai, những ngón tay ngắn và cứng cáp, nàng khẽ cắn môi dưới một cách chăm chú khi đọc. Ngắm nhìn nàng, anh thấy lòng mình tràn ngập yêu thương và kinh ngạc: rằng nàng là vợ anh, rằng con của họ, chỉ trong vòng ba tuần nữa, sẽ sớm ra đời. Đây sẽ là đứa con đầu lòng của họ. Họ mới chỉ kết hôn được một năm.

Nàng nhìn lên, mỉm cười, khi anh quấn tấm chăn quanh chân nàng.

“Anh biết không, em vẫn thắc mắc không biết hồi đó ra sao,” nàng nói. “Ý em là trước khi mình được sinh ra ấy. Ta chẳng nhớ nổi tí gì, chán thật.” Nàng cởi nút áo choàng và kéo chiếc áo len mặc bên trong lên, làm lộ ra cái bụng tròn và rắn như quả dưa. Nàng đưa bàn tay xoa lên bề mặt bụng mềm mại, ánh lửa nhảy múa trên làn da, hắt ánh vàng hơi nhuốm đỏ lên mái tóc nàng. “Anh có nghĩ là giống như sống trong một cái đèn lồng lớn không? Trong sách nói là ánh sáng thấm qua cả da em cơ, rằng đứa trẻ đã có thể nhìn được rồi đấy.”

“Anh không biết,” anh nói.

Nàng cười vang. “Sao lại không?” nàng hỏi. “Anh là bác sĩ cơ mà.”

“Anh chỉ là bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình thôi,” anh nhắc nàng. “Anh có thể nói cho em về quá trình cốt hóa của xương thai nhi, nhưng thế là hết.” Anh nâng bàn chân của nàng lên, mỏng manh và phồng to trong chiếc tất màu xanh dương, và bắt đầu nhẹ nhàng xoa bóp: khúc xương cổ chân cứng cáp ở gót chân nàng, khối xương bàn chân và xương đốt chân, ẩn dưới làn da và những búi cơ xếp lớp dày đặc như một cái quạt chực xòe ra. Hơi thở của nàng tràn ngập căn phòng yên tĩnh, bàn chân nàng sưởi ấm tay anh, và anh mường tượng ra sự hoàn hảo, bí ẩn, cân xứng của những đốt xương. Đối với anh, lúc có thai nàng dường như vừa xinh đẹp lại vừa mong manh, những đường gân xanh biếc nổi lên lờ mờ qua làn da trắng nhợt của nàng.

Đó là một đợt thai nghén tuyệt vời, không phải kiêng cữ thuốc men gì hết. Kể cả thế, anh vẫn không được quan hệ với nàng trong vài tháng. Trái lại, anh cảm thấy mình muốn được bảo vệ nàng, muốn bế nàng lên cầu thang, muốn bao bọc nàng trong những tấm chăn, muốn mang cho nàng những cái bánh caramen. “Em có phải người tàn tật đâu,” lần nào nàng cũng phản ứng, miệng cười khúc khích. “Em không phải con chim mới ra ràng anh tìm thấy trên bãi cỏ đâu nhé.” Tuy vậy, nàng vẫn thấy vui vì sự quan tâm của anh. Đôi khi anh tỉnh dậy và ngắm vợ khi nàng ngủ: cơn rung động trên làn mi nàng, chuyển động đều đều chậm rãi của lồng ngực nàng, bàn tay nàng thõng xuống, đủ nhỏ để anh có thể nắm gọn trong lòng bàn tay mình.

Nàng kém anh tới mười một tuổi. Anh gặp nàng lần đầu cách đây chưa quá một năm, hôm đó là một ngày thứ Bảy tháng Mười Một xám xịt, nàng đi lên thang cuốn trong một trung tâm mua sắm trên phố đúng lúc anh đang mua cà vạt. Anh đã ba mươi ba tuổi và còn lạ nước lạ cái ở thành phố Lexington, Kentucky này, và nàng nổi lên giữa đám đông như một ảo ảnh, mái tóc vàng rực của nàng vấn gọn ở phía sau thành một búi duyên dáng, những hạt ngọc trai lấp lánh trên cổ và tai nàng. Nàng mặc chiếc áo choàng len màu xanh lục, làn da nàng sáng và tái. Anh bước lên thang cuốn, chen lấn giữa đám đông, cố gắng để giữ nàng trong tầm nhìn. Nàng đi lên tầng bốn, tầng bán đồ lót nữ và quần tất. Khi anh cố bám theo nàng qua những lối đi ken dày các giá treo váy lót, coóc xê và quần con, tất cả đều lấp lánh nhè nhẹ, thì một nhân viên bán hàng vận bộ váy màu xanh hải quân cổ trắng ngăn bước anh lại, mỉm cười, để hỏi liệu cô có thể giúp gì được chăng. Một cái áo choàng, anh nói, mắt quét khắp các lối đi cho đến khi bắt gặp mái tóc của nàng, bờ vai xanh lục, cái đầu nghiêng nghiêng để lộ đường cong duyên dáng của cần cổ trắng mát. Một cái áo choàng cho em gái tôi sống ở New Orleans. Anh không có cô em gái nào hết, tất nhiên, hay bất cứ người thân nào còn sống mà anh công nhận.

Cô nhân viên biến mất và một phút sau quay lại với ba cái áo choàng bằng vải bông dày. Anh chọn bừa, hầu như không nhìn xuống, lấy ngay chiếc ở trên cùng. Ba cỡ, cô nhân viên nói, và tháng sau sẽ có nhiều màu đẹp hơn, nhưng anh đã chạy dọc lối đi mất rồi, cái áo choàng màu san hô vắt trên tay, giày của anh gõ lộp cộp trên nền gạch khi anh nôn nóng luồn lách giữa những người mua hàng khác để đến được nơi nàng đứng.

Nàng đang loay hoay giữa các giá treo tất giấy đắt tiền, những sắc màu trong suốt lấp lánh qua lớp giấy bóng kính mỏng: nâu sẫm, xanh hải quân, màu hạt dẻ sẫm như tiết lợn. Cổ tay chiếc áo choàng xanh lục của nàng quét qua cổ tay áo anh và anh ngửi thấy mùi nước hoa của nàng, có gì đó phảng phất nhưng lan tỏa, chút gì đó giống như những cánh hoa tử đinh hương nhàn nhạt ken dày bên ngoài cửa sổ những căn phòng sinh viên mà anh từng sống ở Pittsburgh. Những ô cửa sổ thấp bè bè trong căn hộ tầng hầm của anh luôn phủ đầy bụi bặm, mờ đục vì muội và tro từ nhà máy thép, nhưng vào mùa xuân hoa tử đinh hương xòe nở, những chùm hoa trắng và tím phớt áp lên mặt kính, hương thơm của chúng tràn vào tựa như ánh sáng.

Anh dặng hắng – anh gần như không thở nổi – và giơ cái áo choàng vải bông lên, nhưng cô nhân viên đứng sau quầy thu ngân đang mải cười cợt vui đùa nên không để ý đến anh. Khi anh dặng hắng thêm lần nữa cô ta mới liếc nhìn anh, vẻ khó chịu, rồi gật đầu với khách hàng của mình giờ đang cầm trong tay ba hộp tất giấy mỏng trông giống như những lá bài khổng lồ.

“Tôi e là cô Asher đã đến trước rồi,” cô nhân viên nói, lạnh lùng và kênh kiệu.

Ánh mắt họ chạm nhau, và anh giật mình khi thấy mắt nàng cũng có màu lục sẫm như chiếc áo nàng mặc. Nàng nhìn anh săm soi – cái áo choàng vải tuýt thuần chất, khuôn mặt cạo nhẵn nhụi và đỏ ửng vì giá lạnh, móng tay tỉa gọn ghẽ. Nàng mỉm cười, thích thú và có phần khinh thị, ra dấu về phía chiếc áo choàng trên tay anh.

“Cho vợ anh đấy à?” nàng hỏi. Nàng nói bằng chất giọng mà anh nhận ra là giọng Kentucky kiểu thượng lưu, trong cái thành phố của những gia đình quyền quý lâu đời này thì những đặc điểm phân biệt kiểu đó rất có ý nghĩa. Chỉ sau sáu tháng sống trong thành phố, anh đã hiểu được điều này. “Không sao đâu, Jean,” nàng nói tiếp, quay lại phía cô nhân viên. “Cứ thanh toán cho anh ấy trước đi. Người đàn ông tội nghiệp này hẳn phải thấy bối rối và xấu hổ lắm, phải đứng đây với cả đống đăng ten thế cơ mà.”

“Cái này là cho em gái tôi,” anh nói với nàng, hết hy vọng đảo ngược ấn tượng tồi tệ mà mình vừa tạo ra. Chuyện này vẫn xảy ra thường xuyên với anh khi ở đây; anh quá tự tin hoặc thẳng thắn nên khiến người ta khó chịu. Chiếc áo rơi tuột xuống sàn và anh cúi người xuống nhặt, khuôn mặt đỏ bừng khi ngẩng lên. Găng tay của nàng nằm trên mặt kính, đôi bàn tay trần khẽ chắp lại bên cạnh. Vẻ lúng túng của anh dường như khiến nàng mềm lòng, vì khi anh bắt gặp lại ánh mắt nàng, trông nó thật dịu dàng.

Anh gắng gượng lần nữa. “Tôi xin lỗi. Hình như tôi không biết mình đang làm gì nữa. Với lại tôi đang vội. Tôi là bác sĩ. Tôi bị muộn giờ đến bệnh viện rồi.”

Nụ cười của nàng thay đổi ngay sau đó, trở nên nghiêm túc.

“Tôi hiểu rồi,” nàng nói, quay lại phía cô nhân viên. “Được rồi, Jean, thanh toán cho anh ấy trước đi.”

Nàng bằng lòng gặp lại anh, nàng viết tên và số điện thoại của mình với nét chữ hoàn hảo được dạy từ hồi học lớp ba, người dạy nàng, một bà xơ, đã khắc sâu những quy tắc viết chữ trong từng lời giáo huấn nhỏ nhặt của mình. Mỗi chữ cái có một hình dáng, bà nói với lũ trẻ, một hình dáng duy nhất trên đời và không có hình gì khác, và các trò có trách nhiệm phải hoàn thiện nó. Tám tuổi, nhợt nhạt gầy gò, người phụ nữ vận chiếc áo khoác màu xanh lục, người sẽ trở thành vợ anh, đã siết chặt những ngón tay nhỏ bé quanh cây bút và luyện viết chữ thảo một mình trong phòng riêng, suốt hàng giờ đồng hồ, cho tới khi nàng có thể viết với sự mềm mại tinh tế của dòng nước chảy. Sau này, khi nghe được câu chuyện đó, anh tưởng tượng ra hình ảnh đầu nàng cúi xuống dưới ánh đèn bàn, và anh kinh ngạc trước sự bền bỉ của nàng, niềm tin của nàng vào cái đẹp và vào giọng nói đầy quyền uy của bà xơ. Nhưng vào ngày hôm đó anh không biết chút gì về điều này. Ngày hôm đó anh mang mảnh giấy trong túi chiếc áo khoác trắng của mình qua hết phòng bệnh này tới phòng bệnh khác, ghi nhớ những con chữ của nàng trôi chảy từ chữ này sang chữ kia để tạo thành một khuôn hình hoàn hảo mang tên nàng. Anh gọi điện cho nàng ngay buổi tối ấy và đưa nàng đi ăn tối vào đêm hôm sau, và ba tháng sau họ kết hôn.

Giờ đây, trong tháng cuối cùng của thai kỳ, chiếc áo choàng màu san hô mềm mại vừa vặn như in với nàng. Nàng đã tìm thấy nó được cất kỹ và giơ ra cho anh xem. Nhưng em gái anh đã mất lâu rồi mà, nàng kêu lên, đột nhiên thấy bối rối, và trong phút chốc anh cứng đờ người, mỉm cười, lời nói dối từ cách đây một năm ào tới như một con chim bí ấn vút qua căn phòng. Rồi anh nhún vai, ngượng ngùng. Anh phải nói điều gì đó, anh nói với nàng. Anh phải tìm cách để biết được tên em. Khi ấy nàng mỉm cười, và đi ngang qua phòng ôm lấy anh.

Tuyết rơi. Trong vòng mấy tiếng sau đó, họ đọc sách và trò chuyện. Đôi lúc nàng nắm lấy tay anh đặt lên bụng mình để anh cảm nhận được cử động của thai nhi. Thỉnh thoảng anh lại đứng dậy để thêm củi vào đống lửa, liếc nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy chừng tám phân tuyết phủ trên mặt đất, rồi mười ba hoặc mười lăm phân. Phố xá êm ả và yên tĩnh, chỉ có chừng dăm ba chiếc xe.

Lúc mười một giờ nàng đứng dậy đi ngủ. Anh nán lại tầng dưới, đọc số mới nhất của Tạp chí phẫu thuật xương khớp. Anh vốn có tiếng là một bác sĩ rất giỏi về năng lực chẩn đoán và nổi danh vì làm việc bài bản. Anh đã tốt nghiệp với điểm số cao nhất lớp. Tuy nhiên, anh còn khá trẻ và – dù anh giấu rất khéo – khá tự ti về kỹ năng của mình nên vẫn chăm chỉ nghiên cứu trong từng phút rảnh rỗi, gom góp từng thắng lợi mà anh coi như một bằng chứng nữa có lợi cho mình. Anh cảm thấy mình là một kẻ lập dị, sinh ra với lòng đam mê học hỏi giữa một gia đình chỉ biết đắm chìm trong những cuộc vật lộn đơn thuần để sinh nhai, ngày qua ngày. Họ coi học vấn như một thứ xa xỉ phẩm không cần thiết, một loại phương tiện chẳng dẫn đến kết quả gì chắc chắn. Vì nghèo khổ nên tất cả những lần họ đi bác sĩ đều chỉ là đến phòng khám ở Morgantown, cách năm mươi dặm đường. Ký ức của anh về những chuyến đi hiếm hoi ấy vẫn sống động, người nảy lên nảy xuống ở phía đuôi chiếc xe tải nhẹ đi mượn, bụi bặm cuốn theo chân. Con đường nhảy nhót, em gái anh đã nói với ra như thế từ chỗ ngồi của cô trong buồng lái với bố mẹ họ. Ở Morgantown, phòng ốc thì lờ mờ tối với màu xanh u ám hoặc màu rêu của nước ao, còn các bác sĩ thì vội vàng, vồn vã với họ, đầu óc phân tán trên mây.

Trong tất cả những năm sau đó, vẫn có những khoảnh khắc anh cảm nhận được cái nhìn chòng chọc của mấy vị bác sĩ ấy và thấy mình như một kẻ lừa đảo sắp bị lột mặt nạ chỉ bởi một sơ suất nhỏ. Anh biết lựa chọn về chuyên ngành của mình phản ánh điều này. Anh không có hứng thú gì đối với chuyên ngành nội tổng quát hay những ca nghẽn động mạch tim nguy hiểm. Anh chủ yếu xử lý các ca chấn thương xương chi, chỉnh hình và xem hình chụp X-quang, ngắm nhìn các vết nứt vỡ tự hàn gắn chậm chạp nhưng phi thường. Anh thích một điều, đó là, xương là những vật thể cứng rắn chịu được sức nóng làm tan chảy cả kim loại như trong lò thiêu. Xương tồn tại lâu dài; quả là dễ dàng cho anh khi đặt niềm tin vào thứ gì đó thật rắn rỏi và dễ dự đoán như vậy.

Anh đọc say sưa đến quá nửa đêm, cho đến khi những con chữ lấp loáng vô hồn trên mặt giấy trắng lóa, sau đó anh quẳng tờ tạp chí lên bàn uống cà phê và đứng dậy đi ra chỗ lò sưởi. Anh dụi tắt mấy thanh củi đã cháy dở thành than, mở hết cửa chắn gió, và đóng tấm màn lò sưởi bằng đồng xuống. Khi anh tắt đèn, những đốm lửa còn lóe lên yếu ớt qua tầng tầng lớp lớp tro than, mong manh và trắng muốt như tuyết giờ đang chất đống cao ngất trên lan can hiên nhà và mấy bụi đỗ quyên.

Cầu thang kêu cọt kẹt dưới sức nặng của anh. Anh dừng lại nơi cánh cửa phòng dành cho đứa con sắp chào đời, nhìn ngắm hình dáng mờ ảo của cái cũi và chiếc bàn thay tã, của những con thú nhồi bông xếp trên giá. Tường phòng sơn màu xanh ngọc nhạt. Vợ anh đã thêu một bức tranh Mẹ Ngỗng[1] treo trên bức tường phía xa, khâu bằng những mũi chỉ nhỏ xíu, tháo tung cả bức thêu mỗi khi nàng phát hiện ra một điểm không hoàn hảo dù nhỏ nhất. Một dải đường viền hình những con gấu được tô ngay dưới trần nhà; cũng là do nàng làm.

Bị thôi thúc, anh bước vào căn phòng đứng trước cửa sổ, vén tấm rèm mỏng sang một bên nhìn tuyết giờ đã rơi dày gần hai mươi phân trên những cây đèn đường, hàng rào và mái nhà. Đó là loại bão hiếm khi xảy ra ở Lexington, những bông tuyết trắng rơi đều đều cùng với sự tĩnh lặng khiến trong anh tràn ngập cảm giác hứng khởi và bình yên. Đó là khoảnh khắc khi tất cả những mảnh vỡ tạp nham của cuộc đời anh dường như gắn kết với nhau, mọi nỗi buồn đau và thất vọng trong quá khứ, mọi bí mật khắc khoải và cảm giác thấp thỏm bị giấu kín giờ nằm dưới những lớp màu trắng mềm xốp. Ngày mai sẽ rất yên ả, vạn vật êm dịu và mong manh, cho tới khi những đứa trẻ nhà hàng xóm ùa ra phá vỡ bầu không khí yên tĩnh bằng những dấu chân của chúng, những tiếng la hét và niềm vui sướng. Anh còn nhớ những ngày như vậy của thời thơ ấu sống trên núi cao, những giây phút được giải thoát hiếm hoi khi anh vào rừng, tiếng thở được khuếch đại lên còn giọng nói không hiểu sao bị bóp nghẹt bởi khối tuyết nặng kéo những cành cây trĩu xuống, chất đống trên các lối đi. Cả thế giới, chỉ trong vài giờ ngắn ngủi, biến đổi hẳn.

Anh đứng đó rất lâu, cho tới khi nghe tiếng nàng cử động khe khẽ. Anh đi sang thì thấy nàng ngồi trên cạnh giường, đầu gục xuống, tay bấu chặt lấy nệm.

“Chắc là em trở dạ rồi”, nàng nói, mắt ngước lên. Mái tóc nàng buông xõa, một món tóc vương trên môi. Anh gài tóc gọn lại sau vành tai nàng. Nàng lắc đầu khi anh ngồi xuống bên. “Em không biết nữa. Em thấy lạ lắm. Cái cảm giác co thắt này, nó cứ đến rồi lại đi.”

Anh đỡ nàng nằm nghiêng xuống giường rồi sau đó cũng nằm xuống, xoa bóp lưng cho nàng. “Có thể chỉ là co thắt giả thôi,” anh trấn an nàng. “Dù sao cũng còn tới ba tuần nữa cơ mà, vả lại con đầu lòng thì thường ra muộn.”

Điều này là thật, anh biết, anh tin vào chuyện đó khi nói ra, và thực ra, anh chắc chắn đến nỗi chỉ một lát sau là chìm vào giấc ngủ. Anh tỉnh dậy thì thấy nàng đứng ở đầu giường, lắc mạnh vai anh. Tấm áo choàng của nàng, mái tóc nàng, trông gần như trắng xóa trong ánh tuyết kỳ dị đang tràn ngập cả căn phòng.

“Em đã tính giờ cơn đau rồi. Cách năm phút một. Nó mạnh lắm, em sợ.”

Lúc ấy anh cảm thấy ruột cồn lên; cả niềm hứng khởi và nỗi sợ hãi tràn qua anh như bọt nước bị xô đẩy bởi một cơn sóng trào. Nhưng anh đã được rèn luyện để giữ bình tĩnh trong những ca cấp cứu, để kiểm soát cảm xúc của mình, vì vậy anh đứng dậy được mà không chút hấp tấp, cầm chiếc đồng hồ, và đi qua đi lại trên gian sảnh cùng nàng, chậm rãi và điềm tĩnh. Khi cơn co thắt xuất hiện nàng siết lấy bàn tay anh, mạnh đến nỗi anh có cảm tưởng những mảnh xương trên ngón tay mình đang nóng chảy. Những cơn co thắt cách nhau năm phút một, đúng như nàng đã nói, rồi bốn phút. Anh vớ lấy chiếc vali ở trong khi, đột nhiên cảm thấy lóng ngóng trước tầm quan trọng của sự kiện này, những gì đã được mong chờ bấy lâu nay vẫn là một bất ngờ. Anh cũng di chuyển khi nàng di chuyển, nhưng quanh họ mọi vật chậm lại đến gần như bất động. Anh có thể cảm nhận rõ ràng từng hành động, hơi thở dồn dập trên lưỡi anh, bàn chân nàng lồng một cách khó khăn vào đôi giày duy nhất mà nàng còn đi vừa, những bắp thịt sưng vù nổi lên trên nền da giày xám sẫm. Khi đỡ lấy cánh tay nàng, anh có cảm giác khác lạ như thể chính bản thân mình đang lơ lửng trong căn phòng, ở đâu đó gần nơi treo đèn, ngắm nhìn cả hai người từ trên cao, để ý đến từng sắc thái và chi tiết: người nàng run lên theo cơn co thắt, những ngón tay của anh nắm lấy khuỷu tay nàng chắc chắn và đầy che chở. Ngoài trời tuyết vẫn trút xuống như mưa.

Anh giúp nàng mặc chiếc áo khoác len màu lục buông tà không cài khuy, để hở vùng quanh bụng nàng. Anh còn tìm thấy cả đôi găng tay nàng đã đeo khi anh gặp nàng lần đầu. Dường như việc thực hiện chính xác những chi tiết này cũng rất quan trọng. Họ đứng bên nhau trên hiên nhà trong chốc lát, sững sờ trước cả thế giới trắng xóa êm ả ấy.

“Em đợi ở đây nhé,” anh nói, và bước xuống bậc thang, tạo thành một lối đi giữa những đống tuyết. Mấy cánh cửa của chiếc xe hơi cũ kỹ đã đóng băng hết, anh phải mất vài phút mới mở được một cánh ra. Một đám hơi nước trắng toát bay lên lấp lánh khi cánh cửa bật mở, và anh bò vào sàn xe dưới ghế sau để lấy thanh cào băng và chổi. Anh nhìn thấy vợ mình đang ngồi dựa vào một cây cột trên hiên nhà, trán gục lên hai cánh tay. Trong khoảng khắc ấy anh hiểu rằng nàng đang đau đớn tới mức nào và rằng đứa bé sẽ thực sự ra đời, ra đời chính đêm hôm ấy. Anh cố kiềm chế ước muốn mãnh liệt được chạy đến bên nàng, thay vì thế anh dồn tất cả sức lực để phá băng cho chiếc xe, sưởi ấm một bên tay trần rồi tới tay còn lại dưới nách mỗi khi cơn nhức buốt vì giá rét trở nên quá sức chịu đựng, anh sưởi ấm tay nhưng không bao giờ ngừng nghỉ, quét sạch tuyết trên tấm kính chắn gió, cửa sổ và mui xe, nhìn chúng rã ra và biến vào cả một biển màu trắng xôm xốp xung quanh bắp chân mình.

“Anh chưa từng nói là nó lại đau đến thế này,” nàng nói khi anh chạy lại bên hiên nhà. Anh quàng tay quanh vai nàng và đỡ nàng đi xuống bậc thang. “Em đi được mà,” nàng khăng khăng. “Chỉ trừ những lúc cơn đau tới thôi.”

“Anh biết rồi,” anh nói, nhưng vẫn không rời nàng.

Khi họ đến được chỗ chiếc xe, nàng chạm vào tay anh và ra dấu về phía căn nhà phủ đầy tuyết, lung linh như một chiếc đèn lồng trong bóng đêm của khu phố.

“Khi quay trở về, chúng ta sẽ có con đi cùng,” nàng nói. “Thế giới của chúng ta sẽ không còn như vậy nữa.”

Mấy cây cần gạt trên kính chắn gió đã đông cứng lại, tuyết đổ tràn xuống ô cửa phía sau khi anh lái xe ra phố. Anh lái xe chầm chậm, thầm nghĩ Lexington mới xinh đẹp làm sao, cây cối và bụi rậm đều trĩu nặng tuyết. Khi anh rẽ sang tuyến phố chính, bánh xe nghiến phải băng và chiếc xe trượt đi rất nhanh, trơn tuột, lao ngang qua ngã tư, rồi dừng lại bên một đụn tuyết.

“Chúng ta ổn rồi,” anh thông báo, đầu ngó quanh. May thay, không có chiếc xe nào hiện lên trong tầm mắt. Chiếc vô lăng cứng và lạnh như đá dưới đôi bàn tay trần của anh. Thỉnh thoảng anh lại đưa mua bàn tay chùi lên kính chắn gió, cúi người để nhòm qua cái ô mà anh vừa tạo ra. “Anh đã gọi cho Bentley trước khi đi,” anh nói, nhắc tên đồng nghiệp của mình, một bác sĩ sản khoa. “Anh đã hẹn gặp anh ta ở phòng khám. Mình sẽ đến đấy. Chỗ ấy gần hơn.”

Nàng im lặng trong chốc lát, tay bấu chặt lấy mặt táp lô trong lúc thở dốc giữa một cơn co thắt. “Miễn sao em không phải sinh con trong cái xe cổ lỗ này là được,” cuối cùng nàng cũng cất nên lời, gắng pha trò. “Anh biết là em ghét chuyện đó thế nào rồi đấy.”

Anh mỉm cười, nhưng anh biết nỗi sợ hãi của nàng là thật, và anh chia sẻ điều đó.

Ngăn nắp, kiên định: ngay cả trong lúc nguy cấp anh vẫn không thay đổi được bản chất của mình. Anh dừng hẳn xe ở tất cả các chốt đèn đỏ, bật đèn xi nhan báo rẽ trên những con phố vắng tanh. Cứ vài phút nàng lại siết chặt tay trên mặt táp lô và thở dốc, điều đó khiến anh nuốt nước bọt và liếc sang phía nàng, cảm giác bồn chồn trong đêm hôm đó nhiều hơn bất cứ cơn lo lắng nào anh còn nhớ nổi. Bồn chồn hơn cả ngày đầu tiên ở lớp giải phẫu, cơ thể của một chàng trai trẻ bị lột trần để hé lộ những bí mật của nó. Bồn chồn hơn cả trong ngày cưới, gia đình nàng đứng kín một phía giáo đường, còn phía bên kia thì chỉ lèo tèo vài đồng nghiệp của anh. Bố mẹ anh đều đã qua đời, em gái anh cũng vậy.

Có duy nhất một chiếc xe trên bãi đỗ xe của phòng khám, chiếc Fairlane màu xanh lơ của cô y tá, bảo thủ, thực dụng và mới hơn chiếc của anh. Anh cũng đã gọi cho cả cô ta nữa. Anh vòng xe vào trước cửa và đỡ vợ ra ngoài. Giờ đã đến được phòng khám an toàn, cả hai đều hồ hởi cười vang khi bước dưới ánh đèn rực rỡ trong phòng chờ.

Cô y tá gặp họ ngay sau đó. Giây phút nhìn thấy cô, anh biết có điều gì đó không ổn. Cô có đôi mắt to xanh trên khuôn mặt hơi tái, có lẽ tầm bốn mươi nhưng cũng có thể chỉ mới hai lăm, và mỗi khi có điều gì làm cô phật ý, một nét sổ mảnh lại hằn lên trán cô, ở chính giữa hai mắt. Giờ nó đang ở đó khi cô báo cho họ biết tin: chiếc xe của Bentley đã bị lạc tay lái trên quãng đường quê chưa xới tuyết chỗ anh ta sống, bị xoay hai vòng trên mặt băng ẩn dưới lớp tuyết, và lao xuống một con mương.

“Cô nói bác sĩ Bentley sẽ không đến sao?” vợ anh hỏi.

Cô y tá gật đầu. Cô ta cao, gầy gò và xương xẩu đến nỗi dường như những đốt xương có thể đâm toạc da cô bất cứ lúc nào. Đôi mắt to xanh biếc của cô vừa nghiêm nghị lại vừa tinh anh. Trong nhiều tháng ròng, mọi người thường đồn đoán, trêu cợt, rằng cô đã ít nhiều phải lòng anh. Anh coi mấy chuyện đó như trò ngồi lê đôi mách không đâu chốn công sở, gây khó chịu nhưng cũng là lẽ tự nhiên khi một người đàn ông và một phụ nữ còn độc thân làm việc gần gũi đến vậy, hết ngày này qua ngày khác. Và rồi đến một buổi tối nọ, anh lỡ ngủ gục trên bàn làm việc của mình. Anh đã mơ về ngôi nhà tuổi thơ, thấy mẹ anh đặt những bình hoa quả sáng lung linh như đồ trang sức lên chiếc bàn phủ vải dầu kê dưới cửa sổ. Em gái anh, mới lên năm, ngồi ôm con búp bê trong cánh tay lỏng khỏng. Một hình ảnh đã qua, có lẽ là một kỷ niệm, nhưng là kỷ niệm khiến trong anh tràn ngập cả nỗi đau buồn lẫn cảm giác xót xa. Ngôi nhà là của anh nhưng giờ nó thật trống trải, hoang vắng khi em gái anh đã mất và bố mẹ anh cũng ra đi, những căn phòng mẹ anh đã lau chùi đến sáng bóng bị bỏ quên, chỉ còn nghe tiếng loạt xoạt của lũ sóc và chuột.

Khi anh mở mắt ra, đôi mắt anh đẫm nước, đầu ngẩng lên khỏi bàn giấy. Cô y tá đang đứng ở cửa, khuôn mặt dịu lại vì xúc động. Trong khoảnh khắc ấy cô thật đẹp, miệng hơi mỉm cười, không còn là người phụ nữ xốc vác vẫn làm việc lặng lẽ và bài bản bên anh mỗi ngày. Mắt họ chạm nhau, và dường như vị bác sĩ cảm thấy rằng anh hiểu cô – rằng họ thấu hiểu lẫn nhau – một cách sâu sắc và chắc chắn. Trong giây lát không còn bất cứ thứ gì ngăn cách họ; đó là một tình cảm gắn bó khăng khít đến mức khiến anh cứng đờ người, sững sờ. Khi ấy cô bỗng đỏ bừng mặt và nhìn lảng đi chỗ khác. Cô dặng hắng và đứng thẳng lên, nói rằng cô đã làm quá giờ hai tiếng và sắp ra về. Trong nhiều ngày, mắt cô không chạm mắt anh nữa.

Sau này, khi mọi người châm chọc anh về cô, anh chặn ngay họ lại. Cô ấy là một y tá giỏi, anh nói, một tay giơ lên phản đối trò đùa cợt, trân trọng khoảnh khắc đồng cảm mà họ đã cùng chia sẻ. Cô ấy là người giỏi nhất mà tôi từng làm việc cùng. Điều này là thật, và giờ anh rất mừng vì có cô bên cạnh.

“Thế còn phòng cấp cứu thì sao?” cô hỏi. “Hai người có đến kịp không?”

Vị bác sĩ lắc đầu. Những cơn co thắt chỉ còn cách nhau chừng một phút.

“Đứa bé này không đợi được đâu,” anh nói, nhìn sang vợ mình. Tuyết đã tan chảy trên tóc cô và lấp lánh như một chiếc vương miện bằng kim cương. “Nó sắp ra rồi.”

“Không sao đâu,” vợ anh nói, vẻ bình thản. Giọng nói của nàng giờ đã rắn rỏi hơn, đầy cả quyết. “Đây sẽ là một chuyện hay để kể cho thằng bé, khi nó lớn lên: thằng bé hoặc con bé.”

Cô tá mỉm cười, nét sổ giữa hai mắt cô vẫn còn hằn lên, dù vậy đã hơi mờ đi. “Thế thì để chúng tôi đưa chị vào trong,” cô nói. “Ta cùng làm gì đó giúp chị đỡ đau nhé.”

Anh qua văn phòng của mình để tìm chiếc áo choàng, và anh khi bước vào phòng khám của Bentley, vợ anh đang nằm trên giường chân đặt trên bàn đạp. Căn phòng có màu xanh lơ nhạt, chất đầy các dụng cụ tinh xảo bằng crôm, tráng men và thép sáng bóng. Vị bác sĩ đi tới chỗ bồn rửa và rửa sạch tay. Anh cảm thấy vô cùng cảnh giác, chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất, và khi anh thực hiện thủ tục thông thường này, anh có cảm giác nỗi hoang mang của mình trước sự vắng mặt của Bentley bắt đầu lắng xuống.

Anh nhắm mắt lại, cố ép bản thân tập trung vào nhiệm vụ của mình.

“Mọi việc vẫn bình thường,” cô y tá nói khi anh quay lại. “Tất cả có vẻ ổn. Tôi sẽ gây tê cho cô ấy khi nào tử cung mở được mười phân; anh thử kiểm tra xem tình hình sao rồi.”

Anh ngồi lên chiếc ghế đẩu thấp và luồn tay vào cửa mình ấm áp mềm mại của vợ. Túi nước ối vẫn còn nguyên vẹn, qua đó anh có thể cảm nhận được cái đầu của đứa bé, mượt và rắn như một trái bóng chày. Con anh. Lẽ ra anh đang đi đi lại lại trong phòng chờ ở đâu đó kia. Ở đầu kia căn phòng, những tấm mành rủ xuống ô cửa sổ độc nhất, và khi anh rút tay ra khỏi hơi ấm của cơ thể vợ, anh nhận ra mình đang nghĩ về cơn mưa tuyết, tự hỏi không biết nó còn tuôn rơi, bao trùm sự tĩnh lặng lên thành phố và các vùng lân cận hay không.

“Được,” anh nói, “mười phân.”

“Phoebe,” vợ anh nói. Anh không thể nhìn thấy mặt nàng, nhưng giọng nói của nàng thì rất rõ. Họ đã bàn về những cái tên trong hàng tháng trời mà vẫn chưa có quyết định gì. “Nếu con gái thì đặt tên là Phoebe. Còn nếu con trai thì Paul, giống tên ông bác của em. Em đã nói với anh chưa nhỉ?” nàng hỏi. “Em định nói với anh là em đã quyết rồi.”

“Mấy cái tên đó đều hay cả,” cô y tá nói, giọng dịu dàng.

“Phoebe và Paul,” vị bác sĩ nhắc lại, nhưng anh còn mải tập trung vào cơn co thắt giờ càng lúc càng mạnh lên trong từng thớ thịt của vợ mình. Anh ra dấu với cô y tá lúc này đã chuẩn bị sẵn khí gây tê. Trong suốt những năm làm bác sĩ nội trú, công việc thường ngày của anh là bắt người phụ nữ chịu đựng cơn đau đẻ tới tận khi ca sinh nở kết thúc, nhưng thời đại đã đổi thay – đó là năm 1964 – còn Bentley, theo anh biết, thì sử dụng khí gây tê thận trọng hơn. Gây tê sẽ tốt hơn để nàng tỉnh táo rặn đẻ; anh sẽ giúp nàng vượt qua giây phút đau đớn nhất của những đợt co thắt, của niềm vinh quang và việc sinh nở. Vợ anh gồng mình gào lên. Và đứa bé chuyển động trong ống âm đạo, phá vỡ túi nước ối.

“Nào,” vị bác sĩ nói, và cô y tá đeo mặt nạ cho sản phụ. Đôi tay vợ anh sã xuống, nắm tay thả lỏng dần vì khí gây tê đã ngấm, nàng nằm bất động, bình thản và vô thức, trong khi cơn co thắt này nối cơn co thắt khác chạy rùng rùng qua cơ thể nàng.

“Con so mà ra như vậy là sớm đấy,” cô y tá nhận xét.

“Phải,” vị bác sĩ nói. “Vẫn ổn.”

Nửa giờ sau trôi qua như vậy. Vợ anh tỉnh dậy, rên xiết và rặn, và khi anh cảm thấy nàng đã chịu quá đủ - hoặc khi nàng gào lên rằng cơn đau đã quá sức chịu đựng – anh lại gật đầu để cô y tá bơm khí gây tê cho nàng. Ngoại trừ việc trao đổi các chỉ dẫn một cách kín đáo, họ không nói gì cả. Bên ngoài tuyết vẫn rơi, chất đống quanh bốn mặt các ngôi nhà, phủ đầy những con đường. Vị bác sĩ ngồi trên chiếc ghế đẩu bằng thép không gỉ, thu hẹp sự tập trung chú ý của mình vào những sự kiện chính. Anh đã đỡ năm đứa trẻ trong suốt quãng thời gian học trường y, tất cả đều sống sót và thành công rực rỡ, và giờ anh tập trung vào những ca đó, lục tìm trong trí nhớ của mình những tiểu tiết của công việc chăm sóc. Khi anh làm vậy, vợ anh, nằm dài với hai chân đặt trên bàn đạp, bụng nhô cao đến nỗi anh không còn nhìn thấy mặt nàng, dần dần trở thành một trong những phụ nữ đó. Đôi đầu gối tròn, bắp chân thon mượt mà, mắt cá chân của nàng, tất cả giờ đang ở trước mặt anh, gần gũi và thân thương. Tuy vậy anh vẫn không nghĩ tới chuyện vuốt ve làn da nàng hay đặt bàn tay vỗ về lên đầu gối nàng. Chính cô y tá mới là người nắm lấy tay nàng khi nàng rặn. Đối với vị bác sĩ, khi anh tập trung vào những gì diễn ra ngay trước mắt mình, thì nàng không chỉ là chính bản thân nàng mà còn hơn thế nữa; một cơ thể như những cơ thể khác, một bệnh nhân có những nhu cầu mà anh cần phải đáp ứng bằng mọi kỹ năng chuyên môn mà anh có. Điều đó là cần thiết, cần thiết hơn mức bình thường để có thể giữ những cảm xúc của anh trong vòng kiểm soát. Khi thời gian trôi đi, khoảnh khắc kỳ dị mà anh đã trải qua trong căn phòng ngủ của họ lại hiện về trong anh. Anh bắt đầu cảm thấy bản thân mình bằng cách nào đó đã thoát ra khỏi khung cảnh ca sinh nở này, vừa có mặt ở đó lại vừa trôi nổi ở một nơi khác, dõi theo từ một khoảng cách an toàn. Anh ngắm nhìn chính mình thực hiện thao tác rạch âm hộ thật cẩn trọng, chính xác. Làm chuẩn lắm, anh thầm nghĩ khi máu phun ra thành một tia gọn ghẽ, không cho phép mình nhớ lại những lần anh đã chạm vào chính xác thịt đó với đầy cảm xúc tha thiết.

Cái đầu nhô ra. Sau ba lần rặn nữa nó ngoi hẳn lên và rồi cả cơ thể trượt xuống đôi tay đang đợi sẵn của anh, đứa bé khóc ré lên, làn da xanh lè của nó dần trở nên hồng hào.

Đó là một bé trai, với khuôn mặt đỏ hồng và những sợi tóc sẫm, đôi mắt lanh lợi, tỏ vẻ nghi ngờ trước ánh đèn và luồng không khí lạnh toát. Vị bác sĩ buộc dây rốn lại và cắt. Con trai mình, anh cho phép bản thân được nghĩ thế. Con trai mình.

“Nó xinh quá,” cô y tá nói. Cô chờ đợi trong khi anh kiểm tra thằng bé, nhận thấy trái tim khỏe mạnh của nó, đập nhanh và chắc chắn, bàn tay có những ngón dài, và món tóc sẫm màu. Sau đó cô đem đứa trẻ sơ sinh sang một phòng khác để tắm rửa và nhỏ nitrat bạc vào mắt nó. Tiếng khóc nhỏ vang vọng lại chỗ họ, người vợ anh run lên. Vị bác sĩ ngồi nguyên tại chỗ, hai tay đặt trên đầu gối nàng, thở vài hơi thật sâu, đón chờ cái nhau thai. Con trai mình, anh lại nghĩ.

“Con đâu rồi anh?” vợ anh hỏi, mở mắt ra và gạt tóc khỏi khuôn mặt đỏ bừng của nàng. “Mọi việc ổn cả chứ?”

“Là con trai,” vị bác sĩ nói, mỉm cười với nàng. “Chúng ta có một đứa con trai. Em sẽ nhìn thấy con ngay sau khi nó đã sạch sẽ. Thằng bé cực kỳ hoàn hảo.”

Khuôn mặt vợ anh, dịu xuống vì thanh thản và kiệt sức, đột nhiên khoặm lại bởi một cơn cơ thắt mới, và vị bác sĩ, vẫn chờ đợi bánh nhau thai, quay lại chiếc ghế đẩu ở giữa hai chân vợ và ấn nhẹ lên ổ bụng nàng. Nàng thét lên, chính trong khoảng khắc ấy anh hiểu điều gì đang xảy ra, bàng hoàng như thể một ô cửa sổ bỗng hiện lên giữa bức tường bê tông vậy.

“Không sao đâu,” anh nói. “Mọi chuyện ổn cả. Y tá,” anh gọi, khi cơn co thắt tiếp theo càng mạnh hơn.

Cô tới ngay không chậm trễ, tay ôm đứa bé giờ được quấn trong mấy tấm chăn trắng toát.

“Thằng bé này được tới điểm chín trên thang Apgar[2],” cô thông báo. “Thế là khá lắm đấy.”

Vợ anh đưa tay lên đón đứa bé và định nói gì đó, nhưng rồi cơn đau ập đến và nàng lại nằm xuống.

“Y tá ơi,” vị bác sĩ nói. “Tôi cần có cô ở đây. Ngay bây giờ.’

Sau một giây bối rối, cô y tá xếp hai chiếc gối xuống nền nhà để đặt đứa trẻ lên đó, và trở lại bên bàn đẻ với vị bác sĩ.

“Thêm khí đi,” anh nói. Anh nhìn thấy sự sửng sốt của cô và sau đó là cái gật đầu hiểu ý khi cô làm theo lệnh của anh. Tay anh đặt trên đầu gối vợ, anh cảm thấy sự căng thẳng trong cơ bắp nàng dịu dần xuống vì khí gây tê ngấm.

“Sinh đôi chăng?” cô y tá hỏi.

Vị bác sĩ, vừa tự cho phép mình nghỉ ngơi sau khi đứa bé trai được sinh ra, giờ lại cảm thấy bất an, và anh không còn tin tưởng vào bản thân nên chẳng làm gì hơn ngoài việc gật đầu. Bình tĩnh nào, anh tự nhủ, khi cái đầu tiếp theo nhô ra. Mày đang ở đâu đó, anh thầm nghĩ, quan sát từ một vị trí thuận lợi nào đó ở trên trần nhà trong khi đôi tay làm việc bài bản và chính xác. Đây chỉ là một ca sinh nở bình thường thôi mà.

Đứa bé này nhỏ hơn và trôi ra dễ dàng, trượt xuống đôi tay đeo găng của anh nhanh đến nỗi anh phải chúi người về phía trước, lấy ngực đỡ để chắc chắn nó không bị rơi xuống. “Là con gái,” anh nói, và ẵm nó như ẵm một quả bóng, mặt úp xuống, anh phát lên lưng nó cho tới khi con bé khóc ré lên. Sau đó anh lật nó lại để xem mặt.

Lớp màng màu trắng ngà bám xoắn lấy làn da mỏng mang của con bé, người nó trơn chuồi chuội với đầy nước ối và những vết máu. Đôi mắt xanh buồn bã, những sợi tóc đen nhánh, nhưng anh hầu như không để ý đến tất cả những điều đó. Thứ anh đang nhìn là những đặc điểm không thể nhầm lẫn, đôi mắt xếch lên như đang cười, nếp quạt dài chạy qua mí mắt, cái mũi phẳng tẹt. Một ca kinh điển, anh vẫn nhớ lời giáo sư nói khi họ khám cho một đứa bé cũng giống như thế nhiều năm trước đây. Một ca Down[3]. Cậu có biết như thế có nghĩa là gì không? Và vị bác sĩ, theo bổn phận, đã nhắc lại những triệu chứng mà anh ghi nhớ từ bài học: cơ thể ẻo lả, chậm phát triển và thiểu năng trí tuệ, có thể gặp các biến chứng về tim mạch, sớm tử vong. Ông giáo sư đã gật đầu, áp ống nghe lên lồng ngực trần mềm mại của đứa trẻ. Đứa bé tội nghiệp. Người ta chẳng thể làm gì được ngoài giữ cho nó được sạch sẽ. Họ nên tự giải thoát cho mình và gửi nó đến nhà cứu tế.

Vị bác sĩ có cảm giác như đang ngược dòng thời gian. Em gái anh đã sinh ra với một dị tật về tim và lớn rất chậm, hơi thở hổn hển và đứt quãng thành từng nhịp ngắn mỗi lần em cố gắng chạy. Trong nhiều năm trời, cho tới trước chuyến đi đầu tiên của họ tới phòng khám bệnh ở Morgantown, họ đã không hiểu có chuyện gì. Rồi họ biết, và chẳng thể làm gì được. Tất cả sự quan tâm của mẹ anh đều đổ dồn vào con bé nhưng dẫu vậy em vẫn qua đời khi mới mười hai. Vị bác sĩ lúc đó mười sáu tuổi, đang sống trên thành phố để theo học trung học, đang trên con đường đến với Pittsburgh, trường y và cuộc sống của anh hiện tại. Tuy vậy, anh vẫn còn nhớ nỗi đau đớn của mẹ anh sâu sắc và dai dẳng đến mức nào, cách bà mỗi sáng cuốc bộ lên đồi tới nơi đặt nấm mồ, hai cánh tay khoanh chặt trước ngực dù trong thời tiết nào đi nữa.

Cô y tá đứng bên cạnh anh nhìn ngắm đứa bé.

“Tôi rất tiếc, thưa bác sĩ,” cô nói.

Anh ẵm đứa bé sơ sinh, quên mất mình nên làm gì tiếp. Đôi tay nhỏ xíu của nó thật hoàn hảo. Nhưng khoảng trống giữ ngón chân cái và các ngón còn lại, nó ở đó, như một cái răng khuyết, và khi nhìn sâu vào mắt con bé, anh nhận thấy những nốt Brushfield[4], nhỏ li ti và rõ rệt như những đốm tuyết trong tròng mắt. Anh mường tượng ra trái tim nó, chỉ nhỏ bằng trái mận và rất có khả năng bị dị tật, và anh nghĩ tới căn phòng em bé, được sơn vẽ thật cẩn thận, với những con thú bông mềm mại và một chiếc cũi duy nhất. Anh nghĩ đến vợ mình đang đứng trên vỉa hè trước căn nhà phủ tuyết rực rỡ, mà nói Thế giới của chúng ta sẽ không còn như vậy nữa.

Bàn tay của đứa bé quệt vào tay anh, và anh giật mình. Anh bắt đầu thực hiện các quy trình quen thuộc một cách miễn cưỡng. Anh cắt dây rốn và kiểm tra tim, phổi của nó. Suốt trong khi làm anh chỉ nghĩ đến cơn mưa tuyết, đến chiếc xe màu bạc bị đâm đầu xuống mương, sự tĩnh lặng thấm thía của khu phòng khám vắng tanh. Sau này khi anh nhớ lại đêm ấy – và anh sẽ còn nghĩ nhiều đến nó trong nhiều tháng và nhiều năm sắp tới: bước ngoặt của cuộc đời anh, những khoảnh khắc mà tất cả các sự kiện còn lại đều vây quanh đó – điều mà anh ghi nhớ chính là sự tĩnh lặng trong căn phòng và cơn mưa tuyết đều đặn rơi ngoài trời. Sự tĩnh lặng thật thấm thía và bao trùm rộng khắp tới mức anh có cảm tưởng mình đang trôi lơ lửng ở một tầm cao khác, một điểm nào đó phía trên căn phòng này và rồi xa hơn nữa, nơi anh trở thành một phần bên cạnh cơn mưa tuyết, còn khung cảnh của căn phòng là thứ gì đó đang hiện diện ở một cuộc sống khác, một cuộc sống mà ở đó anh chỉ là khách qua đường, tựa như một cảnh tượng thoáng hiện qua ô cửa sổ chan hòa ánh sáng ấm áp khi ta đi trên một con phố tối tăm vậy. Đó là những gì anh sẽ còn nhớ mãi, cảm giác về khoảng không bất tận. Vị bác sĩ ở dưới lòng mương, còn ánh đèn trong chính căn nhà của anh thì cháy sáng ở một nơi xa xôi nào đó.

“Được rồi. Cô tắm rửa cho nó đi,” anh nói, chuyển cái cơ thể nhẹ bẫng của đứa trẻ sơ sinh sang tay cô y tá. “Nhưng cho nó ở phòng khác nhé. Tôi không muốn vợ tôi biết. Chưa phải lúc này.”

Cô y tá gật đầu. Cô biến mất và sau đó quay lại để đặt con trai anh vào cái nôi họ đã mang đến. Vị bác sĩ khi ấy đang mải tập trung vào đỡ mấy bánh nhau thai, chúng trôi ra dễ dàng, sẫm màu và dày dặn, mỗi bánh có kích cỡ bằng một chiếc đĩa con. Một cặp song sinh không cùng trứng, một trai một gái, một đứa hiển nhiên cực kì hoàn hảo, đứa còn lại thì hằn dấu ấn của một nhiễm sắc thể thừa trong từng tế bào của cơ thể. Tại sao lại có sự khác biệt đến thế cơ chứ? Con trai anh nằm trong nôi, hai tay thỉnh thoảng lại huơ huơ, uyển chuyển và ngẫu hứng như dòng chảy của nước ối trong tử cung. Anh tiêm cho vợ một mũi giảm đau, sau đó cúi xuống khâu vết rách âm hộ. Trời đã gần hửng, ánh sáng tụ lại yếu ớt trên những ô cửa sổ. Anh quan sát bàn tay mình di chuyển, thầm nghĩ những mũi khâu chạy gọn đẹp biết bao, nhỏ xíu như chính những mũi khâu vợ anh khâu, cũng tinh xảo và đều đặn như thế. Nàng đã tháo tung cả tấm chăn thêu chỉ vì một mũi khâu lỗi mà chính anh cũng không tài nào nhận ra.

Khi vị bác sĩ hoàn tất công việc, anh tìm thấy cô y tá ngồi trên ghế trong phòng đợi, vỗ về đứa bé gái trong vòng tay. Cô ngước lên nhìn anh mà không nói một lời, và anh bỗng nhớ lại cái đêm cô ngắm nhìn anh trong lúc anh đang ngủ.

“Có một nơi,” anh nói, ghi tên và địa chỉ lên mặt sau một tấm phong bì. “Tôi muốn cô đưa con bé đến đó. Ý tôi là khi nào trời sáng. Tôi sẽ viết giấy khai sinh cho nó, và gọi trước để báo cô sắp tới.”

“Nhưng còn vợ anh,” cô y tá nói, và từ một nơi xa xăm, anh nghe thấy sự ngạc nhiên và bất bình trong giọng cô.

Anh nghĩ tới em gái mình, nhợt nhạt và gầy gò, miệng thở hổn hển, còn mẹ anh thì ngoảnh mặt về phía cửa sổ cố giấu đi những giọt nước mắt.

“Cô không thấy sao?” anh hỏi, giọng yếu ớt. “Đứa bé khốn khổ này rất có thể bị dị tật tim nặng. Một dị tật chết người. Tôi chỉ đang cố giúp tất cả chúng ta thoát khỏi một nỗi đau khủng khiếp mà thôi.”

Anh nói với giọng chắc chắn. Anh tin từng lời mình nói ra. Cô y tá ngồi nhìn anh trân trân, nét mặt lộ rõ vẻ ngạc nhiên, nhưng lại pha trộn cả điều gì đó không thể đọc nổi, trong lúc anh đứng đó đợi cô đồng ý. Với tâm trạng lúc ấy, anh nghĩ cô không thể nào nói ra câu gì khác. Trong đêm hôm đó, và cả nhiều đêm sau này, anh không tưởng tượng nổi mình đã làm mọi thứ rối tung lên đến mức nào. Thay vào đó anh chỉ sốt ruột trước sự ngập ngừng của cô và đột nhiên cảm thấy vô cùng mệt mỏi, còn căn phòng khám, dù thân thuộc đến thế, bỗng trở nên xa lạ quanh anh, như thể anh đang bước đi trong một giấc mơ. Cô y tá nhìn anh chăm chăm bằng cặp mắt xanh khôn dò ấy. Anh nhìn lại cô, không chớp, và cuối cùng cô cũng gật đầu, một cử động rất khẽ đến mức gần như không thể nhận thấy được.

“Tuyệt,” cô thì thào, mắt nhìn xuống.

* * *

Nhưng đến giữa buổi sáng, cơn bão đã dần tan, và tiếng máy xúc từ xa vọng lại lạo xạo giữa thinh không. Đứng trên cầu thang, anh nhìn theo bóng cô y tá gạt tuyết bám trên chiếc xe màu xanh lơ của cô và lái xe hòa vào không gian trắng xóa êm ả. Đứa bé được giấu kín, nằm ngủ trong một cái hộp lót chăn, đặt trên ghế bên cạnh cô. Vị bác sĩ nhìn cô rẽ trái vào con phố và biến mất. Sau đó anh mới quay lại và ngồi xuống bên gia đình mình.

Vợ anh vẫn ngủ, món tóc vàng óng ả của nàng xõa ra trên gối. Có đôi lúc vị bác sĩ ngủ thiếp đi. Khi sực tỉnh, anh lại nhìn trân trân ra bãi đỗ xe vắng tanh, ngắm nhìn dải khói bốc lên từ những ống khói trên phố, chuẩn bị sẵn những lời anh sắp nói ra. Rằng đó không phải lỗi của ai cả, rằng con gái của họ sẽ được mang tới những bàn tay đáng tin cậy, tới những người giống như con bé, với tình yêu thương vô bờ bến. Rằng đó là giải pháp tốt nhất cho tất cả bọn họ.

Đến quá nửa buổi sáng, khi tuyết đã ngừng rơi hẳn, con trai anh khóc ré lên vì đói, và vợ anh bừng tỉnh.

“Con đâu rồi anh?” nàng hỏi, chống hai khuỷu tay để nhỏm dậy, gạt tóc vương trên khuôn mặt. Anh đang bế con trai của họ, ấm áp và nhẹ bẫng, rồi anh ngồi xuống bên vợ, đặt đứa bé vào vòng tay nàng.

“Chào em yêu,” anh nói. “Nhìn con trai xinh xắn của chúng mình này. Em dũng cảm lắm.”

Nàng hôn lên trán đứa trẻ, cởi khuy áo và đỡ nó sát vào bầu vú. Con trai anh ngay lập tức bám chặt lấy, và vợ anh ngước lên mỉm cười. Anh nắm lấy bàn tay kia của vợ, nhớ lại nàng đã bấu lấy tay anh chặt tới mức nào, in hằn cả những đốt xương ngón tay lên bắp thịt của anh. Anh nhớ mình đã muốn bảo vệ nàng vô cùng.

“Mọi việc ổn cả chứ anh?” nàng hỏi. “Anh yêu? Có chuyện gì vậy?”

“Chúng ta có một cặp sinh đôi,” anh nói chậm rãi, nghĩ về những mớ tóc sẫm màu, những cơ thể trơn chuồi chuội chuyển động trong đôi tay anh. Nước dâng đầy lên trong mắt anh. “Một trai một gái.”

“Ôi,” nàng reo lên. “Cả một đứa bé gái nữa ư? Phoebe và Paul. Nhưng con bé đâu rồi?”

Những ngón tay của nàng thật mỏng mảnh, anh thầm nghĩ, giống như những đốt xương của một con chim nhỏ.

“Em yêu,” anh dợm giọng.Tiếng của anh lạc đi, và những câu chữ anh đã nhẩn trước rất cẩn thận bỗng tan biến. Anh nhắm mắt lại, và đến khi anh có thể cất lời trở lại, những từ khác lại bật ra, hoàn toàn không lường trước.

“Ôi em yêu,” anh nói. “Anh rất tiếc. Con gái bé bỏng của chúng ta chết từ lúc mới sinh rồi.”

------------------------

[1] Mother Goose: một nhân vật trong truyện cổ tích phương Tây

[2] Chỉ số Apgar được xây dựng bởi bác sĩ Virginia Apgar vào năm 1952 nhằm đánh giá sơ khởi tình trạng của đứa trẻ mới sinh với năm tiêu chí về màu da, nhịp tim, nhịp thở, phản xạ, hoạt động của cơ bắp, để từ đó bác sĩ ra quyết định có can thiệp y khoa hoặc cần phải hỗ trợ chăm sóc đặc biệt cho bé hay không. Điểm cao nhẩt trên thang điểm Apgar là điểm mười.

[3] Hội chứng Down là bệnh lý gây ra do bất thường nhiễm sắc thế. Những trẻ bị Down lớn rất chậm, trì trệ về tâm thần và có thể gặp các bệnh về tim mạch, tiêu hóa…Trẻ bị Down cũng dễ tử vong trong năm năm đầu đời.

[4] Nốt Brushfield là những nốt trắng nằm ở mép ngoài tròng đen, thường thấy ở trẻ em. Những nốt Brushfield cũng là triệu chứng của hội chứng Down. Nốt Brushfield được đặt theo tên của bác sĩ Thomas Brushfield, người đầu tiên mô tả những nốt trắng này vào năm 1924

Chương 2

CAROLINE GILL LỘI BỘ NGANG BÃI ĐỖ XE MỘT CÁCH THẬN TRỌNG, VỤNG VỀ. Tuyết dâng ngập bắp chân cô, ở nhiều chỗ còn chạm tới cả đầu gối. Cô mang đứa trẻ quấn giữa hàng lớp chăn, nằm trong cái hộp các tông trước vẫn dùng đựng mẫu sữa bột cho trẻ sơ sinh gửi đến nhà cứu tế. Chiếc thùng được đóng dấu bằng nhiều chữ cái màu đỏ và những khuôn mặt trẻ sơ sinh non tơ, mấy tấm nắp thùng cứ bật lên hạ xuống theo từng nhịp chân đi. Có một sự yên bình giả tạo dâng lên khắp bãi đỗ xe hầu như trống không, một sự im lặng dường như sinh ra chính từ trong giá rét, lan rộng trong thinh không và tỏa ra mãi như những gợn sóng trên mặt nước khi một hòn đá được ném xuống. Khi cô mở cửa xe, tuyết cuộn lên khiến da mặt cô tê buốt. Theo bản năng, để bảo vệ, cô khom người che chắn chiếc hộp và lèn nó vào băng ghế sau, những tấm chăn hồng khẽ rơi xuống lần vải bọc đệm vinyl màu trắng. Đứa bé vẫn ngủ, một giấc ngủ dữ dội, say sưa, giấc ngủ của đứa trẻ mới chào đời, khuôn mặt con bé quặm lại, đôi mắt chỉ hơi he hé, mũi và cằm khẽ phập phồng. Bạn sẽ không biết được, Caroline thầm nghĩ. Nếu bạn đã không biết, bạn sẽ không biết. Caroline đã cho cô bé tới tám điểm trên thang Apgar.

Các con phố trong nội thành chỉ được xới tuyết rất cẩu thả nên khó mà xác định phương hướng cho được. Đã hai lần chiếc xe trượt bánh, và cũng hai lần Caroline tính quay về. Tuy vậy, con lộ liên bang lại quang quẻ hơn, và khi đã đi vào tuyến đường này Caroline thấy vững tâm, cô đi xuyên qua khu ngoại ô công nghiệp của Lexington và tiến dần vào vùng nông thôn thoai thoải nơi tọa lạc rất nhiều trang trại nuôi ngựa. Ở đây, hàng dặm dài hàng rào màu trắng hắt bóng loang loáng trên nền tuyết và lũ ngựa đứng ủ dột trên những cánh đồng. Bầu trời thấp trông càng thêm sinh động với những cụm mây xám to nặng. Caroline bật đài lên, dò sóng để tìm kênh, rồi lại tắt đi. Thế giới trôi vụt qua, như bình thường và rồi thay đổi hoàn toàn.

Từ giây phút khẽ cúi đầu trong một động thái tán đồng vô cùng mơ hồ trước yêu cầu bất ngờ của bác sĩ Henry, Caroline đã cảm thấy như cô đang rơi chậm rãi trong không trung, chờ đợi lúc hạ xuống đất và tìm ra nơi cô đang đứng. Việc anh nhờ cô – mang đứa con gái mới sinh của anh đi mà không nói với vợ anh về sự có mặt của con bé – dường như không thể diễn tả nổi bằng lời. Nhưng Caroline đã động lòng vì nỗi đau đớn và vẻ rối bời hiển hiện trên khuôn mặt anh khi anh khám cho con gái mình, bởi cách hành xử dường như chậm chạp đờ dại của anh sau đó. Rồi anh ấy cũng sớm tĩnh trí lại thôi mà, cô tự nhủ. Anh ấy đang sốc, mà ai có thể trách anh ấy cho được? Xét cho cùng, anh ấy đã phải đỡ đẻ cho chính hai đứa con sinh đôi của mình giữa một trận bão tuyết, lại còn thêm cả chuyện này nữa.

Cô lái nhanh hơn, những hình ảnh từ buổi sáng sớm loang loáng vụt qua đầu cô như một luồng điện. Bác sĩ Henry đã làm một cách thật điềm tĩnh, từng động tác của anh đều tập trung và chính xác. Đám lông đen giữa cặp đùi trắng muốt của Norah Henry và cái bụng khổng lồ của cô ta, rùng rùng theo từng cơn co thắt như mặt hồ động khi gió thổi. Tiếng rít khe khẽ của khí gây tê và khoảnh khắc bác sĩ Henry gọi cô, giọng nói nhỏ nhưng đầy căng thẳng, khuôn mặt anh u ám đến mức cô tin chắc rằng đứa trẻ thứ hai đã chết sau khi sinh ra. Cô đã đợi anh hành động, đợi anh làm gì đó để cứu sống nó. Khi anh không mảy may nhúc nhích, cô bỗng nghĩ mình nên đến bên anh, làm nhân chứng, để sau này cô có thể nói, Phải, đứa bé yếu lắm, bác sĩ Henry đã cố gắng, cả hai chúng tôi đã cùng cố gắng, nhưng không làm được gì.

Nhưng rồi đứa trẻ khóc ré lên, và tiếng khóc lại đưa cô về bên anh, nơi cô nhìn thấy và hiểu ra mọi việc.

Cô lái xe đi, bỏ lại những ký ức của mình phía sau. Con đường xẻ ngang qua núi đá vôi và bầu trời bị thu hẹp lại dần. Cô lái xe leo lên ngọn đồi thấp rồi băng xuống con đường dốc dài hướng về phía dòng sông ở tít xa phía dưới. Đằng sau cô, trong chiếc hộp các tông, đứa bé vẫn ngủ. Caroline thỉnh thoảng lại liếc qua vai, cảm giác vừa bình tâm lại vừa căng thẳng khi thấy con bé không hề động cựa. Một giấc ngủ như thế, cô tự nhắc mình, là bình thường sau cuộc vật lộn để đến được với thế giới này. Cô thấy thắc mắc về lúc chính mình được sinh ra, không biết cô có ngủ say sưa như thế sau khi được sinh ra không, nhưng cả bố và mẹ cô đều đã qua đời từ lâu rồi; chẳng còn ai để nhớ những giờ phút ấy nữa. Khi Caroline ra đời mẹ cô đã ngoài bốn mươi, bố cô đã sang tuổi năm mươi hai. Từ lâu họ đã thôi không mong mỏi có được một đứa con nữa, đã từ bỏ mọi hi vọng hay trông đợi hay thậm chí là nuối tiếc. Cuộc sống của họ thật ngăn nắp, yên ả, bằng lòng.

Cho tới khi Caroline xuất hiện một cách đầy bất ngờ, như một bông hoa nở xuyên qua lớp tuyết.

Họ đã yêu thương cô, chắc chắn rồi, nhưng đó là một tình yêu đầy lo âu, tận tụy và tha thiết, được gia cố bằng hàng lớp hàng lớp thuốc đắp, tất ấm và dầu hải ly. Trong những mùa hè êm ả nóng bức, khi bệnh bại liệt là một mối đe dọa đáng sợ, Caroline bị buộc phải ở lì trong nhà, mồ hôi đọng thành giọt trên thái dương khi cô nằm dài trên chiếc đi văng kê bên cửa sổ hành lang trên gác để đọc sách. Ruồi bay vo ve đập vào cửa kính và rơi xuống, chết lăn lóc trên bậu cửa. Ngoài trời, quang cảnh thật lung linh dưới ánh nắng và cái nóng thiêu đốt, còn lũ trẻ nhà hàng xóm, những đứa có cha mẹ trẻ tuổi hơn và vì thế ít lo xa về khả năng xảy ra tai nạn hơn, thì hò hét với nhau ở phía xa. Caroline áp mặt và đầu ngón tay lên mặt kính nghe ngóng. Thèm khát. Không khí lặng tờ và mồ hôi nhuốm ướt hai vai áo cô tông của cô, nhuốm ướt cả tấm đai là phẳng phiu thắt quanh chiếc váy cô mặc. Trong khu vườn xa xa dưới kia, mẹ cô, đeo găng tay, mặc chiếc tạp dề dài thượt và đội mũ, đang nhổ cỏ. Muộn hơn, khi trời chạng vạng tối, bố cô rời sở bảo hiểm trở về nhà, bỏ mũ xuống khi ông bước vào căn nhà yên tĩnh, kín bưng. Bên dưới áo khoác, chiếc sơ mi của ông bẩn lem nhem và ướt nhoẹt.

Giờ cô đang đi qua cầu, bốn bánh xe reo lên ù ù, sông Kentucky uốn khúc ở xa phía dưới và sức mạnh dồi dào của đêm hôm trước dần tan đi. Cô lại liếc về phía đứa trẻ. Chắc chắn là Norah Henry hẳn sẽ muốn bao bọc cho đứa bé này, ngay cả khi cô ấy không thể giữ được nó.

Chắc chắn đây không phải là việc của Caroline.

Nhưng cô không quay lại. Cô lại bật radio lên – lần này cô dò được một kênh phát nhạc cổ điển – và tiếp tục lái.

Đi cách Louisville hai mươi dặm, Caroline xem lại tờ chỉ đường của bác sĩ Henry viết bằng những con chữ sin sít dứt khoát, và rời khỏi đường cao tốc. Nơi đây rất gần với sông Ohio, các cành nhánh phía trên của những cây táo gai và sến phủ đầy băng sáng lấp lánh, mặc dù đường xá đều sạch sẽ khô ráo. Dãy hàng rào màu trắng bao quanh những cánh đồng tuyết phủ, và lũ ngựa lê bước buồn bã phía sau đó, hơi thở của chúng tạo thành những đám mây nhỏ trong không khí. Caroline rẽ vào một con đường còn nhỏ hơn, ở chỗ này đất thoai thoải, không có giới hạn nào cả. Chẳng mấy chốc, qua một dãy đồi lờ mờ, cô thoáng nhìn thấy khu nhà xây bằng gạch đỏ hồi đầu thế kỷ, với hai chái nhà kiểu hiện đại thấp tè ở hai bên trông chẳng hợp lý tí nào. Thỉnh thoảng khu nhà lại biến mất mỗi khi cô chạy xe theo những khúc quanh và đoạn dốc của con đường nông thôn, rồi lại vụt hiện ra ngay trước mặt cô.

Cô đánh xe vào đường xe chạy vòng tròn. Kề sát đó là ngôi nhà cũ kỹ có phần ọp ẹp đổ nát. Lớp sơn trên những họa tiết trang trí bằng gỗ đang tróc ra và trên tầng ba, một ô cửa sổ đã phải được gia cố thêm bằng ván, những tấm kính nứt vỡ được bịt một lớp gỗ dán. Caroline bước ra khỏi xe. Chân cô xỏ đôi giày bệt đã cũ, đế mỏng và sờn rách, vẫn cất trong tủ quần áo và được xỏ vội giữa lúc nửa đêm vì cô không thể tìm thấy đôi bốt của mình đâu cả. Sỏi rải đường nhô lên lổn nhổn trên mặt tuyết và đôi chân cô lập tức tê cóng. Cô khoác lên vai chiếc túi đã chuẩn bị trước đó – gồm có tã lót và một bình thủy tinh đựng sữa ấm, đoạn ôm chiếc hộp có đứa bé nằm trong bước vào tòa nhà. Những chiếc đèn bằng thủy tinh chì đã lâu không được lau chùi gần hai bên cửa ra vào. Một cánh cửa bên trong với ô kính đã mờ đục, tiếp đến là một căn phòng giải lao ốp gỗ sồi sẫm màu. Không khí nóng ấm, sực nức mùi nấu nướng – cà rốt, hành và khoai tây – ùa tới bao bọc cô. Caroline bước rất thận trọng, sàn nhà kêu cọt kẹt dưới từng bước cô đi, nhưng không một ai xuất hiện. Một tấm thảm cũ xơ xác chạy dài ngang mặt sàn lót ván to bản, dẫn ra khu phía sau nhà tới một căn phòng chờ có những ô cửa sổ cao và những tấm rèm xếp nặng nề. Cô ngồi xuống mép chiếc ghế đệm bọc nhung đã sờn, chiếc hộp đặt ngay bên cạnh, chờ đợi.

Căn phòng được sưởi ấm quá mức. Cô bỏ hết khuy chiếc áo khoác đang mặc. Cô vẫn còn bận nguyên bộ đồng phục y tá màu trắng, và khi sờ lên tóc cô mới nhận ra mình vẫn còn đội cả chiếc mũ chóp nhọn màu trắng nữa. Cô đã vùng dậy ngay khi bác sĩ Henry gọi, vội vã sửa soạn xống áo và phóng xe ra ngoài giữa đêm khuya khi bão tuyết còn đang vần vũ và kể từ lúc đó vẫn chưa ngơi nghỉ phút nào. Cô rút trâm cài, gấp chiếc mũ cẩn thận, và nhắm mắt lại. Từ phía xa vẳng lại tiếng đồ bạc va vào nhau lanh canh và những tiếng nói rầm rì khe khẽ. Trên đầu cô, tiếng chân người qua lại vọng xuống. Cô chập chờn mơ thấy mẹ mình đang chuẩn bị bữa ăn cho ngày nghỉ lễ trong khi bố cô cặm cụi làm việc trong xưởng mộc. Tuổi thơ của cô rất biệt lập, lắm lúc thật cô đơn, dẫu vậy, cô vẫn lưu giữ những kỷ niệm ấy: một tấm chăn đặc biệt luôn ở bên người, miếng thảm in hình những bông hồng đặt dưới chân, những giọng nói chỉ thuộc về cô mà thôi.

Ở phía xa, chuông reo vang, hai lần. Tôi cần cô tới đây ngay, bác sĩ Henry gọi, giọng căng thẳng và khẩn thiết. Và Caroline đã hối hả xếp mấy chiếc gối làm thành chiếc giường tạm, áp chiếc mặt nạ lên mặt bà Henry trong khi đứa trẻ thứ hai, bé gái bé bỏng này, trôi vào thế giới, đem tới luồng sinh khí cho một thực thể nào đó.

Sinh khí. Phải, nó không thể bị kìm nén. Ngay cả khi ngồi đây, trên chiếc sofa giữa không gian tĩnh lặng của nơi này, ngay cả khi đang chờ đợi, Caroline vẫn bị xao động bởi cảm giác thế giới đang tỏa sáng lung linh, rằng mọi vật đều không tĩnh tại. Đây sao? Câu hỏi ấy cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí cô. Là đây sao, sau ngần ấy năm?

Vì Caroline đã ba mươi mốt tuổi, và cô đã chờ đợi rất lâu cho cuộc đời thực sự của mình bắt đầu. Không phải vì cô từng tự ép mình phải trở thành một cái gì đó thật khác biệt. Nhưng ngay từ lúc nhỏ cô đã có cảm giác cuộc đời của mình sẽ không bình lặng. Một khoảnh khắc tới – cô sẽ nhận ra ngay khi gặp được nó – và mọi thứ sẽ thay đổi. Cô đã mơ ước trở thành một nghệ sĩ dương cầm vĩ đại, nhưng ánh đèn trên sân khấu trường trung học thật khác xa với ánh đèn ở nhà, và cô đã tê liệt trước ánh nhìn chăm chú của mọi người. Rồi cho đến tuổi đôi mươi, khi các bạn bè ở trường y tá của cô bắt đầu rục rịch kết hôn và có gia đình riêng, Caroline cũng tìm được cho mình những chàng trai trẻ để ngưỡng mộ, đặc biệt là một anh chàng có mái tóc sẫm, làn da trắng xanh và giọng cười trầm ấm. Nhiều lúc mơ mộng vẩn vơ, cô đã tưởng tượng rằng anh – và, nếu anh không tới thì một người nào khác cũng được – sẽ thay đổi cả cuộc đời cô. Năm tháng trôi qua, dần dần cô chỉ còn hướng sự chú ý của mình vào công việc, không chút chán nản tuyệt vọng. Cô có niềm tin vào bản thân và những năng lực của riêng mình. Cô không phải là kiểu người chỉ mới đi được nửa đường đã dừng bước, chỉ vì lo lắng nghĩ ngợi không biết có phải mình đã quên rút phích cắm bàn là không, chẳng biết nhà có bị cháy không. Cô chỉ cắm cúi làm việc. Cô đợi.

Cô đọc cả những tiểu thuyết của Pearl Buck[5], sau đó là mọi thứ cô tìm được về cuộc sống ở Trung Quốc, Miến Điện và Lào. Đôi khi cô để mặc những cuốn sách trượt khỏi tay mình mà mơ màng nhìn ra ngoài ô cửa sổ căn hộ nhỏ bé tuềnh toàng nằm bên rìa thành phố. Cô thấy mình bước vào một cuộc đời khác, một cuộc đời mới lạ, trắc trở, nhưng cũng thật viên mãn. Phòng khám của cô sẽ rất giản dị, tọa lạc giữa một khu rừng hùng vĩ, hay có lẽ là ở gần biển. Phòng khám sẽ có những bức tường màu trắng; nó sẽ lấp lánh như viên ngọc trai vậy. Mọi người xếp hàng dài ngoài cửa, ngồi xổm dưới tán dừa trong khi chờ đợi. Cô, Caroline, sẽ chăm nom tất cả, cô sẽ chữa bệnh cho họ. Cô sẽ thay đổi cuộc sống của họ và của chính cô.

Bị thôi thúc bởi viễn cảnh ấy, cô đã nộp đơn, bằng tất cả nhiệt tình và hứng khởi, xin được làm một tình nguyện viên y tế. Trong một ngày cuối tuần rực nắng giữa tiết hè muộn, cô bắt xe buýt tới St. Louis để tham gia phỏng vấn. Tên cô đã được đưa vào danh sách đợi tới Hàn Quốc. Nhưng thời gian trôi qua; nhiệm vụ bị hoãn lại, sau rốt bị hủy hẳn. Caroline lại được chuyển sang một danh sách khác, lần này là tới Miến Điện.

Và rồi, trong khi cô vẫn còn mải kiểm tra thư từ và mơ mộng về những xứ sở nhiệt đới, bác sĩ Henry xuất hiện.

Một ngày bình thường, không có gì để nói thêm. Lúc đó trời đã chuyển cuối thu, mùa cảm lạnh, căn phòng chật kín những người, đầy nghẹt tiếng hắt hơi và ho hắng. Ngay chính Caroline cũng cảm thấy những vết xước mờ tận sâu trong cổ họng mình khi gọi tên bệnh nhân tiếp theo, một cụ ông lịch lãm, bệnh cảm lạnh của ông sẽ còn nặng hơn trong mấy tuần kế tiếp, biến chứng thành bệnh viêm phổi có thể giết chết ông. Rupert Dean. Ông ngồi trên chiếc ghế tựa bọc da, vật lộn với cơn chảy máu cam, rồi chậm chạp đứng dậy, vo tròn chiếc khăn mùi soa đã lốm đốm những vệt máu đỏ tươi nhét vào túi. Khi đến được quầy lễ tân, ông chìa cho Caroline xem một tấm ảnh đóng khung bằng giấy bồi màu xanh sẫm. Đó là một bức chân dung đen trắng, hơi ố vàng. Người phụ nữ trong ảnh mặc một chiếc áo len màu hồng đào nhạt. Mái tóc của bà hơi gợn sóng, đôi mắt mang màu xanh sâu thẳm. Vợ Rupert Dean, Emelda, mất đã hai mươi năm nay. “Bà ấy là tình yêu của đời tôi,” ông tuyên bố với Caroline, to đến mức mọi người ngẩng đầu hết cả lên.

Cửa ngoài phòng khám bật mở, đập lạnh cạch vào cánh cửa ốp kính phía trong.

“Bà ấy thật đáng yêu,” Caroline nói. Tay cô run rẩy. Bởi vì cô xúc động trước tình yêu và nỗi đau của ông, bởi vì chưa từng có ai yêu cô tha thiết đến thế. Bởi vì cô đã gần ba mốt tuổi, và nếu cô có chết ngay ngày hôm sau, sẽ chẳng có ai thương xót cho cô như Rupert Dean vẫn thương xót người vợ của ông sau hơn hai mươi năm trời. Chắc chắn là cô, Caroline Lorraine Gill, cũng đặc biệt và xứng đáng có được tình yêu như người phụ nữ trong tấm ảnh của ông, dẫu vậy cô vẫn chưa tìm ra cách nào để có thể bộc lộ điều đó, cả mưu mẹo hay tình yêu hay thậm chí là thiên hướng mạnh mẽ đối với công việc của cô đều không thể.

Cô vẫn còn đang cố gắng trấn an bản thân thì cánh cửa giữa tiền sảnh và phòng chờ bật mở. Một người đàn ông bận chiếc áo choàng vải tuýt màu nâu đứng ngập ngừng ở ngưỡng cửa trong giây lát, mũ cầm tay, mắt dò xét lớp giấy dán tường thô ráp màu vàng, cây dương xỉ đặt ở góc phòng, chiếc giá kim loại đựng đầy tạp chí cũ. Anh có mái tóc nâu hơi ngả màu hung đỏ và gương mặt xương xương, vẻ mặt chăm chú, thận trọng. Anh không có gì nổi bật, nhưng có gì đó trong thái độ, cử chỉ của anh – một sự tỉnh giác kín đáo, một khả năng lắng nghe đặc biệt – đã tách anh khỏi những người khác. Trái tim Caroline đập rộn ràng và cô thấy da sởn gai ốc, một cảm giác vừa dễ chịu vừa đáng ghét, giống như khi cánh một con bướm đêm đột nhiên quét lên làn da vậy. Mắt anh gặp mắt cô – và cô biết. Trước cả khi anh đi ngang qua căn phòng để tới bắt tay cô, trước cả khi anh mở miệng để nói tên mình, David Henry, bằng tông giọng đều đều, chứng tỏ anh là người từ nơi khác đến. Trước tất cả những điều này, Caroline đã chắc chắn về một điều thật giản dị: người mà cô vẫn hằng mong đợi đã đến.

Khi ấy anh vẫn chưa kết hôn. Chưa kết hôn, chưa đính hôn, và không có mối quan hệ ràng buộc nào mà cô biết chắc. Caroline đã lắng nghe rất chăm chú, cả cái ngày anh đi tham quan phòng khám lẫn sau đó, trong bữa tiệc và họp mặt chào mừng. Cô thấy được những gì mà mọi người khác, bị lôi cuốn bởi cách nói chuyện lịch thiệp, bị phân tâm bởi tông giọng khác biệt và những tràng cười đột ngột của anh, không thấy: rằng ngoài việc thỉnh thoảng đề cập đến thời gian anh sống ở Pittsburg, một điều ai cũng biết qua lý lịch và văn bằng của anh, anh không bao giờ nhắc đến quá khứ. Đối với Caroline, sự kín đáo ấy đã bao phủ quanh anh một tấm màn bí mật, và sự bí ẩn càng khiến cô thêm chắc chắn rằng cô hiểu anh ở những khía cạnh mà người khác không biết. Đối với cô, từng khoảnh khắc họ đối mặt đều tràn ngập xúc cảm, như thể cô đang nói với anh qua chiếc bàn giấy, qua chiếc bàn khám, qua cơ thể đẹp đẽ hay không hoàn hảo của một bệnh này hoặc bệnh nhân khác, Em biết anh; em hiểu; em nhìn thấy những gì người khác đã bỏ qua. Khi cô tình cờ nghe thấy mọi người đùa cợt về tình cảm đặc biệt cô dành cho vị bác sĩ mới, cô đỏ bừng mặt vì ngạc nhiên và ngượng ngùng. Nhưng cô cũng thầm cảm thấy vui lòng, vì những lời đồn đại có lẽ sẽ đến được tai anh trong khi cô, vì xấu hổ, không dám tự mình bộc bạch.

Một buổi tối muộn, sau hai tháng lặng lẽ làm việc, cô bắt gặp anh đang ngủ gục trên bàn làm việc. Mặt úp lên tay, anh thở những nhịp nhẹ, đều đặn trong giấc ngủ say sưa. Caroline tựa mình vào khung cửa, đầu hơi cúi xuống, và trong khoảnh khắc ấy, những giấc mơ cô đã nuôi nấng bao năm ròng kết lại thành một khối. Họ sẽ đi cùng nhau, cô và bác sĩ Henry, đến một nơi xa xôi nào đó trên thế giới, nơi họ có thể làm việc cả ngày, mồ hôi rịn trên trán và dụng cụ trở nên trơn tuột trong bàn tay họ, nơi mà vào buổi tối cô sẽ dạo nhạc cho anh nghe trên chiếc piano đã phải chu du qua biển lớn, vượt những con sông dữ và những miền đất trù phú để đến được nơi họ sống. Caroline đã hoàn toàn chìm đắm trong giấc mơ đó, đến mức khi bác sĩ Henry mở mắt, cô đã mỉm cười với anh, cởi mở và thoải mái, như chưa từng làm thế với ai.

Sự ngỡ ngàng thấy rõ của anh đưa cô trở lại là mình. Cô đứng thẳng lên và vuốt tóc, lí nhí xin lỗi, mặt đỏ bừng. Cô biến mất, xấu hổ nhưng cũng cảm thấy hơi thích thú. Bởi vì giờ đây hẳn anh đã biết, giờ thì cuối cùng anh cũng hiểu cô như cô đã hiểu anh. Trong vài ngày, dự cảm của cô về những điều sẽ xảy ra tiếp đó mạnh đến nỗi cô cảm thấy thật khó lòng đứng trong cùng một căn phòng với anh. Và ngay cả khi nhiều ngày trôi qua mà không có gì xảy ra, cô vẫn không nản lòng. Cô thả lỏng mình và tự xuê xoa cho sự chậm trễ ấy và tiếp tục chờ đợi, không chút lo lắng.

Ba tuần sau, Caroline giở báo ra thì thấy tấm ảnh cưới trên trang xã hội: Norah Asher, giờ là bà David Henry, được chụp khi đang ngoái đầu lại, cái cổ thật duyên dáng, làn mi hơi uốn cong, như những mảnh vỏ sò…

Caroline giật mình, mồ hôi thấm ướt áo khoác cô. Căn phòng được sưởi ấm quá mức; cô đã gần như mê đi. Bên cạnh cô đứa bé vẫn ngủ. Cô đứng dậy đi về phía cửa sổ, những tấm ván lót sàn trơn trượt và kêu cọt kẹt phía dưới tấm thảm xơ xác. Những tấm rèm nhung dài lê thê quét xuống mặt sàn, dấu vết còn lại của thời xưa cũ khi nơi đây vẫn còn là một công trình nguy nga. Cô vén nhẹ tấm rèm mỏng phía dưới: vàng, giòn, bụi bặm đóng dày trên thớ vải. Phía bên ngoài, nửa tá bò đứng giữa cánh đồng tuyết trắng, dũi đất tìm cỏ. Một người đàn ông mặc chiếc áo khoác kẻ ca rô đeo găng tay sẫm màu đang lội bộ ra chuồng ngựa, mấy chiếc xô lủng lẳng trong tay.

Lớp bụi này, lớp tuyết này. Thật không công bằng, không công bằng chút nào, tại sao Norah Henry lại có nhiều thứ đến thế, sao cô ta lại có một cuộc đời hạnh phúc không chút tì vết như vậy. Sững sờ trước ý nghĩ ấy, trước nỗi cay đắng của chính mình, Caroline buông rơi tấm rèm và rời căn phòng, dấn bước về phía phát ra tiếng người nói.

Cô đi vào một hành lang, những chiếc bòng đèn huỳnh quang kêu ro ro trên trần nhà. Không khí đặc quánh mùi nước tẩy rửa, mùi rau dưa nấu chín, cả mùi nước tiểu khăm khẳm. Tiếng xe bò kẽo kẹt; những tiếng gọi nhau í ới và rì rầm nhỏ to. Cô rẽ vào một góc, rồi góc nữa, bước tiếp một bước và đi vào một chái nhà trông hiện đại hơn với những bức tường sơn màu ngọc lam nhạt. Ở chỗ này vải sơn được trải sơ sài trên sàn gỗ dán. Cô đi băng ngang vài cánh cửa, lướt qua những khoảnh khắc trong cuộc sống của bao người, những hình ảnh chớp nháy loang loáng như những bức ảnh: một người đàn ông nhìn trân trân ra ngoài cửa sổ, bóng tối bao phủ khuôn mặt ông, xóa nhòa dấu ấn tuổi tác. Hai y tá đang dọn giường, vung tay hất tấm ga giường nhạt màu lên khiến nó gần như chạm tới cả trần nhà. Hai căn phòng trống không, vải nhựa trải khắp nơi, những thùng sơn xếp đầy trong góc. Một cánh cửa đóng kín, và rồi đến cánh cửa cuối cùng, để ngỏ, bên trong là một phụ nữ trẻ mặc chiếc váy bông trắng ngồi bên mép giường, đôi tay hơi khép lại trên vạt váy, đầu cúi thấp. Một phụ nữ khác, người này là y tá, ngồi phía sau cô, kéo đưa loang loáng. Tóc rơi lả tả xuống tấm ga giường trắng tinh, để lộ cần cổ trần của người phụ nữ: thon nhỏ, duyên dáng, trắng nhợt. Caroline dừng lại trước ngưỡng cửa.

“Cô ấy bị lạnh đấy,” cô nghe thấy chính giọng mình nói, khiến cả hai người phụ nữ ngước lên nhìn. Người phụ nữ ngồi trên giường có đôi mắt to, tỏa ánh sáng u buồn lên khuôn mặt cô. Mái tóc cô ta, đã có lúc khá dài, giờ lởm chởm xơ xác, chỉ còn ngắn tầm ngang cằm.

“Phải,” cô y tá nói, đưa tay phủi mấy lọn tóc trên vai người phụ nữ, những món tóc rơi trong luồng ánh sáng nhờ nhờ và đáp xuống ga giường, xuống tấm vải sơn xám lốm đốm vết bẩn. “Nhưng việc cần thì vẫn phải làm thôi.” Đôi mắt cô ta nheo lại khi nhìn bộ đồng phục nhăn nhúm, cái đầu trần không đội mũ của Caroline. “Cô mới tới đây hả?” cô ta hỏi.

Caroline gật đầu. “Mới,” cô đáp. “Phải.”

Sau này, khi nhớ lại khoảnh khắc ấy, một phụ nữ cầm kéo còn người kia ngồi đó trong chiếc váy vải bông giữa món tóc tan tác của chính mình, cô thường nhìn những hình ảnh đó với tông màu đen trắng và nó khiến lòng cô tràn ngập một cảm giác trống trải cồn cào. Vì lẽ gì, cô cũng không biết chắc nữa. Những vạt tóc vương vãi khắp nơi, không thể lấy lại được nữa, và luồng ánh sáng lạnh lẽo chiếu xuống qua cửa sổ. Cô thấy nước dâng đầy trong mắt. Những tiếng nói vọng lại từ một hành lang khác, và Caroline chợt nhớ đến đứa bé, cô đã để nó ngủ trong chiếc hộp trên ghế đệm ngoài phòng chờ. Cô quay lưng và hối hả chạy về.

Mọi thứ vẫn y nguyên như lúc cô rời chỗ đó. Chiếc hộp với bộ mặt đỏ ửng vui tươi vẫn để trên ghế; đứa bé vẫn ngủ, tay nó hơi co lại thành những nắm đấm xinh xinh tì sát cằm. Phoebe, Norah Henry đã nói ngay trước khi cô ta mê đi vì khí gây tê. Con gái sẽ tên là Phoebe.

Phoebe. Caroline nhẹ nhàng giở lớp chăn ra và bế đứa bé lên. Nó bé xíu, chỉ nặng có hai cân rưỡi, nhỏ hơn anh nó dù tóc cũng dày và đen giống hệt. Caroline kiểm tra chiếc tã – vệt phân dính như hắc ín đã vấy bẩn lớp vải ướt – cô thay tã mới, và lại quấn con bé vào chăn như cũ. Nó vẫn không tỉnh dậy, Caroline ôm nó một lúc, cảm thấy nó thật nhẹ, thật bé bỏng, thật ấm áp. Khuôn mặt nó nhỏ xíu, nhưng nét mặt thật dữ dội. Ngay cả trong giấc ngủ, các cung bậc cảm xúc vẫn lướt qua từng nét mặt nó như những đám mây. Caroline thoáng thấy cái cau mày của Norah Henry trong khoảnh khắc này, rồi đến vẻ chăm chú lắng nghe của David Henry trong khoảnh khắc khác.

Cô đặt Phoebe vào lại hộp và nhẹ nhàng len chăn xung quanh con bé, cô nghĩ đến hình ảnh David Henry mệt mỏi rã rời, ăn vội một cái bánh sandwich kẹp pho mát ngay ở bàn làm việc, uống nốt cốc cà phê đã nguội ngắt, rồi đứng dậy mở cửa phòng khám vào những tối thứ Ba, một địa chỉ miễn phí dành cho bệnh nhân không có đủ tiền trả phí khám bệnh cho anh. Căn phòng chờ luôn chật cứng người trong những tối ấy, và thường thì anh vẫn còn ở đó ngay cả khi Caroline đã sửa soạn về nhà vào lúc nửa đêm, ngay bản thân cô cũng đã hoàn toàn kiệt sức đến độ không thể nghĩ gì thêm. Đó là lý do tại sao cô lại yêu anh, vì sự thánh thiện của anh. Tuy vậy chính anh đã chỉ cho cô đến nơi này với đứa con gái mới sinh của mình, nơi có người phụ nữ ngồi trên mép giường, từng món tóc rơi lả tả trong luồng ánh sáng lạnh ngắt ghê người của sàn nhà.

Chuyện này sẽ hủy hoại cô ấy mất, anh đã nói về Norah như thế. Tôi sẽ không để cô ấy bị hủy hoại.

Có tiếng chân bước lại gần, rồi một người phụ nữ với mái tóc bạc và bộ đồng phục trắng rất giống bộ Caroline đang mặc xuất hiện trên ngưỡng cửa. Bà ta có vóc người chắc chắn, trông khá nhanh nhẹn so với dáng người, khuôn mặt nghiêm nghị. Trong một tình huống khác, Caroline có lẽ đã có ấn tượng rất tốt về bà ta rồi.

“Tôi giúp gì được cho cô?” bà ta hỏi. “Cô đợi đã lâu chưa?”

“Vâng,” Caroline chậm rãi đáp. “Tôi đã đợi rất lâu rồi, đúng thế.”

Người phụ nữ cáu kỉnh lắc đầu: “Phải, cô này, cho tôi xin lỗi nhé. Tại cơn bão tuyết đấy mà. Chỉ vì nó mà hôm nay chúng tôi thiếu người làm. Ở đây tuyết cứ rơi dày hai phân là toàn bang tê liệt luôn. Tôi sinh trưởng ở Iowa, nên thấy chuyện đó chả có quái gì mà phải rộn lên cả, nhưng đấy là quan điểm của mình tôi thôi. Nào, xem nào. Tôi giúp gì được cho cô?”

“Chị có phải là Sylvia không?” Caroline hỏi, cố nhớ lại cái tên viết bên dưới những hình vẽ chỉ đường. Cô đã để lại mẩu giấy trong xe. “Sylvia Patterson phải không ạ?”

Nét mặt của người phụ nữ chuyển sang khó chịu. “Không. Chắc chắn không phải tôi. Tôi là Janet Masters. Sylvia không làm việc ở đây nữa rồi.”

“Ồ,” Caroline kêu lên, rồi im bặt. Người phụ nữ này không biết cô là ai; rõ ràng là bà ta chưa từng nói chuyện với bác sĩ Henry. Caroline, lúc ấy vẫn còn cầm chiếc tã bẩn, buông thõng tay xuống để giấu nó khỏi tầm mắt.

Janet Masters chống tay lên hông và nheo mắt lại. “Cô có phải nhân viên của cái công ty sữa kia không?” bà ta hỏi, rồi gật đầu ra hiệu về phía chiếc hộp đặt trên sofa, khuôn mặt trẻ con hồng hào nở nụ cười rạng rỡ. “Sylvia đã đi đêm với nhân viên đại diện, chúng tôi đều biết cả rồi, và nếu cô cũng đến từ cái công ty đó thì xin mời dọn dẹp đồ nghề mà cuốn gói đi giùm.” Bà ta lắc đầu dứt khoát.

“Tôi không biết chị nói thế là có ý gì,” Caroline nói. “Tôi sẽ đi,” cô nói thêm. “Hẳn rồi. Tôi đi đây. Tôi sẽ không làm phiền chị nữa.”

Nhưng Janet Masters vẫn chưa nói xong. “Xảo quyệt, các người đều thế hết. Đầu tiên bỏ lại các mẫu dùng thử miễn phí rồi sau đó lại gửi hóa đơn đòi tiền đến. Đây là nhà cứu tế dành cho bọn thiểu năng, chứ không phải do bọn thiểu năng quản lí đâu, nghe chưa.”

“Tôi biết rồi,” Caroline lí nhí đáp. “Tôi thành thật xin lỗi.”

Có tiếng chuông reo ở phía xa, và người phụ nữ buông thõng tay xuống.

“Năm phút nữa là cô phải cuốn gói khỏi đây đấy,” bà ta đe. “Cút đi, và đừng bao giờ quay trở lại nữa.” Rồi bà ta biến mất.

Caroline nhìn chằm chằm vào ngưỡng cửa trống không. Một đợt gió tràn vào quẩn quanh chân cô. Sau một lúc cô đặt chiếc tã bẩn lên giữa cái bàn ọp ẹp màu vỏ bánh nướng kê cạnh sofa. Cô lần tay vào túi áo tìm chìa khóa, rồi bê chiếc hộp có Phoebe nằm trong lên. Rất nhanh, trước khi cô kịp nghĩ xem mình đang làm gì, cô đã đi dọc xuống dải hành lang u ám và qua cánh cửa kép, luồng gió lạnh buốt từ bên ngoài đột ngột ùa đến khiến cô sững sờ như thể mới sinh ra.

Cô lại đặt Phoebe vào trong xe và lái đi. Không một ai cố ngăn cô lại; thậm chí chẳng ai thèm để ý. Tuy vậy, Caroline vẫn lái rất nhanh khi đi đến đại lộ liên bang, cảm giác mệt mỏi lan khắp người cô như nước chảy xuống mỏm đá. Trong ba mươi dặm đầu tiên, cô không ngừng tranh cãi với chính bản thân mình, có lúc nói to hẳn thành tiếng. Mày vừa làm gì vậy? cô chì chiết. Cô cũng tranh cãi cả với bác sĩ Henry nữa, cô tưởng tượng ra những nếp nhăn trên trán anh hằn sâu hơn, thớ cơ trên má anh giật giật mỗi khi anh gặp chuyện gì bực bội. Cô nghĩ gì thế hả? anh muốn biết, và Caroline phải thừa nhận là cô cũng chẳng biết mình đang nghĩ gì nữa.

Nhưng hơi sức chẳng mấy chốc đã bị tiêu tán sau mấy cuộc hội thoại ấy, và đến khi xe đi vào đại lộ liên bang thì cô chỉ còn lái theo phản xạ, thỉnh thoảng lại lắc lắc đầu để cố giữ mình tỉnh táo. Khi ấy đã là chiều muộn; Phoebe đã ngủ được gần mười hai tiếng. Chẳng mấy nữa con bé sẽ cần được cho ăn. Caroline chỉ biết hy vọng và hy vọng rằng họ sẽ về đến Lexington trước khi con bé tỉnh dậy.

Cô vừa mới đi qua con lộ cuối cùng dẫn ra khỏi Frankfort, cách nhà chừng ba hai dặm, thì đèn phanh của chiếc xe phía trước nháy liên hồi. Cô lái chậm lại, rồi chậm lại nữa, sau cùng phải phanh hẳn lại. Hoàng hôn đã bắt đầu phủ bóng, ánh dương chỉ còn là những vệt sáng lờ mờ trên nền trời xám xịt. Xe cô trườn lên đồi, một hàng dài xe đi phía trước đã ách lại, những chiếc đèn đuôi xe tạo thành một dải sáng dài ngoằng, bị buộc túm một đầu trong sắc đỏ trắng lấp loáng. Một vụ tai nạn: đâm xe dây chuyền. Caroline nghĩ mình sắp khóc mất. Bình xăng của cô chỉ còn chưa đến một phần tư, vẫn đủ để về tới Lexington, nhưng chỉ thế là hết. Với dòng xe dài dằng dặc thế này – họ có thể phải chết dí ở đây hàng giờ liền. Cô cũng không dám tắt máy, sợ hơi ấm sẽ tan đi hết, không, không thể như thế với một đứa bé sơ sinh ngủ trong xe như lúc này.

Cô ngồi thẫn thờ mất vài phút. Con dốc cuối cùng để ra khỏi Frankfort còn xa tới một phần tư dặm đường, bị ngăn cách bởi một hàng xe dài nối đuôi nhau. Hơi nóng bốc lên từ nắp thùng màu xanh lơ của chiếc Fairlane, bay lởn vởn trong bóng tối làm tan chảy vài bông tuyết vừa rơi xuống. Phoebe thở dài, khuôn mặt con bé hơi khoặm lại rồi dãn ra. Bị thôi thúc bởi một sức mạnh mà mãi sau này còn khiến cô phải kinh ngạc, Caroline bẻ gấp tay lái và đánh xe rời đường nhựa chuyển sang làn đường rải sỏi bên cạnh. Cô quay đầu xe ngược lại, chầm chậm lái qua dãy dài xe chết máy nằm nối đuôi nhau. Cảm giác ấy thật lạ, như đi qua một đoàn tàu vậy. Một người phụ nữ bận áo choàng lông; ba đứa trẻ con phùng mồm trêu nhau, người đàn ông mặc áo khoác vải phì phèo hút thuốc lá. Cô lái xe chậm rãi trong bóng tối nhá nhem, lướt qua dòng xe cộ nằm im lìm như một dòng sông băng.

Cô tới được lối rẽ mà không gặp trở ngại gì. Con đường dẫn cô đến tuyến 60, tới đây tuyết lại rơi trĩu cây. Trên dải đồng mênh mông đã lác đác xuất hiện vài ngôi nhà, lúc đầu chỉ hơi thưa thớt, càng về sau càng dày hơn, ánh đèn trên các ô cửa sổ đều đã sáng rực trong bóng chiều chạng vạng. Chẳng mấy chốc xe Caroline đã chạy vào con phố chính của Versailles, với những mặt tiền cửa hàng ốp gạch xinh xắn, cô lái xe lòng vòng, mong tìm thấy bảng chỉ đường nào đó có thể dẫn cô về tới nhà.

Tấm bảng hiệu của cửa hàng Kroger chợt hiện ra chỉ cách xe cô chừng một khối nhà. Tấm biển quen thuộc và những ô cửa sổ giăng đầy tờ bướm quảng cáo khiến Caroline thấy lòng dịu lại, và đột nhiên cô nhận ra mình đang đói ngấu. Mà hôm nay là thứ mấy nhỉ, thứ Bảy, đã đến tối chưa nhỉ? Đến mai thì tất cả các cửa hàng sẽ đóng cửa cả ngày, mà giờ ở nhà cô cũng chỉ còn rất ít đồ ăn thôi. Dù mệt, Caroline vẫn đánh xe vào bãi và tắt máy.

Phoebe, mới ra đời mười hai tiếng, ấm áp và nhẹ bẫng, vẫn nằm ngủ say sưa. Caroline khoác chiếc túi đựng tã lên vai và ủ con bé dưới lần áo khoác dày, con bé nhỏ xíu, nằm co tròn, người ấm sực. Gió vần vũ trên mặt đường, cuốn theo cả bụi tuyết và những bông tuyết mới rơi vào các ngóc ngách. Cô thận trọng bước đi trên lớp tuyết mềm, chỉ lo lỡ mình trượt ngã, con bé sẽ bị đau. Nhưng cũng ngay lúc ấy, cô chợt nghĩ giờ cô có thể bỏ con bé ở ngay một bãi rác, hay trên bậc thềm một nhà thờ, hay bất cứ nơi nào cũng được, dễ dàng quá. Cô có toàn quyền quyết định số phận sinh linh bé bỏng này. Cô bỗng cảm thấy mình phải có trách nhiệm với nó, và ý nghĩ đó làm đầu óc cô nhẹ nhõm biết bao.

Cánh cửa kính bật mở khiến ánh sáng và hơi ấm ùa ra. Cửa hàng đông nghẹt người. Người mua hàng đi lại như mắc cửi, đẩy những xe đồ cao chất ngất. Cậu nhân viên gói đồ đứng ở cửa nói luôn ngay khi cô vừa dợm chân bước vào:

“Chúng tôi chỉ mở cửa khi thời tiết tốt thôi. Khoảng 30 phút nữa cửa hàng sẽ đóng cửa.”

“Nhưng bão tan rồi cơ mà.” Nghe Caroline nói vậy, cậu nhân viên cười phá lên, vẻ khoái trá pha chút ngờ vực. Khuôn mặt anh chàng đỏ bừng vì hơi nóng đang tràn xuống qua những cánh cửa tự động và bị hút ra ngoài đêm tối mênh mông.

“Cô chưa biết sao? Tối nay sẽ có một đợt bão mới đấy, mà thế cũng tốt.”

Caroline đặt Phoebe vào một chiếc xe đẩy kim loại và bước đi giữa những gian hàng xa lạ. Cô đứng tần ngần trước một dãy dài xếp đầy các loại sữa bột, bình bú, bình sữa có núm vú đủ kích cỡ và yếm dãi. Xong xuôi, cô tính trở ra quầy thu ngân luôn, rồi chợt nhớ ra phải tự mua cho mình ít sữa, thêm cả tã giấy và ít đồ ăn nữa. Mọi người đi ngang qua chỗ cô đứng, nhìn thấy Phoebe ai cũng mỉm cười, thậm chí nhiều người còn đứng hẳn lại vén tấm chăn ra để xem mặt con bé. Ai cũng khen “Ô, đáng yêu chưa kìa!” và hỏi “Bé con được mấy tháng rồi? Hai tuần, Caroline đáp dối không chút nao núng. Một bà cụ tóc hoa râm nghe thế liền quở ngay: “Giời ơi, thời tiết thế này mà cũng đưa con bé ra ngoài sao. Chết chết, cô mang nó về mau lên.”

Sang gian hàng số 6, giữa lúc Caroline còn đang mải gom mấy lon xúp cà chua thì Phoebe bị giật mình, hai bàn tay nhỏ xíu của nó huơ đi huơ lại dữ dội, rồi con bé khóc ré lên. Caroline lúng túng mất một giây, sau đó bế ngay nó lên, tay vẫn ôm nguyên túi đồ lỉnh kỉnh và chạy vào khu nhà vệ sinh phía sau cửa hàng. Cô ngồi trên chiếc ghế nhựa màu cam đặt trong góc, lắng nghe tiếng nước nhỏ giọt tí tách trên vòi, vừa giữ con bé nằm yên trong lòng, cô vừa rót sữa từ phích giữ ấm vào bình. Phải mất vài phút con bé mới nằm yên hẳn, phần vì đã bị kích động khá mạnh, phần vì phản xạ bú của nó rất kém. Nhưng cuối cùng nó cũng chịu ngậm lấy núm vú và bú ngay trong lúc ngủ: bàn tay nó nắm chặt lại ngay dưới cằm, vừa dữ dội lại vừa chăm chú. Con bé vừa yên được một lúc sau khi đã bú no sữa thì có tiếng thông báo cửa hàng sắp đóng cửa. Caroline lại vội vã đẩy xe đến quầy thu ngân lúc đó chỉ còn một nhân viên đứng chờ, mặt mày phờ phạt và cáu kỉnh. Cô thanh toán thật nhanh, một tay ôm bao giấy đựng đồ, tay kia bế Phoebe ngay khi cô vừa bước ra khỏi cửa hàng, cánh cửa liền khóa sập lại sau lưng.

Bãi đỗ xe hầu như vắng tanh, chỉ còn lác đác vài chiếc xe nằm im lìm hoặc đang chậm chạp trườn ra phố. Caroline bỏ tạm túi đồ trên mui xe và đặt Phoebe trở vào chiếc thùng ở băng ghế sau. Tiếng rì rầm mấy nhân viên cửa hàng vang vọng ra tận bãi đỗ xe. Chỉ có vài bông tuyết rải rác bay phất phơ trên những ụ tuyết dưới chân mấy ngọn đèn đường, chẳng khác gì so với lúc trước. Chương trình dự báo thời tiết vẫn hay báo sai như thế. Tuyết đã rơi từ trước khi Phoebe ra đời – chỉ mới đêm qua, cô thầm nghĩ, vậy mà ngỡ như đã từ lâu lắm rồi – đến giờ vẫn chưa biết khi nào mới ngừng. Cô vớ lấy bịch giấy và xé bao một gói bánh mì, lấy ra một lát bánh. Cả ngày nay cô vẫn chưa ăn gì, bụng sôi lên vì đói. Cô vừa nhai vừa sập cửa xe, trong đầu chỉ tha thiết nghĩ đến căn hộ sạch sẽ và gọn gàng nơi cô sống, đến chiếc giường đôi trải ga trắng tinh, đồ đạc kê đặt đâu ra đấy. Đi vòng ra sau xe chưa được nửa đường, cô nhận ra đèn đuôi xe chỉ còn nhấp nháy một màu đỏ yếu ớt.

Cô dừng hẳn lại, đứng nhìn trân trối. Trong lúc cô đứng tần ngần giữa những gian hàng thực phẩm, trong lúc cô ngồi trong khu nhà vệ sinh xa lạ, lặng lẽ cho Phoebe bú sữa, thì cái đèn này đã nhấp nháy tuyệt vọng giữa tuyết rơi.

Cô thử khởi động xe, nhưng bugi thậm chí không đánh lửa nổi, bình ắc quy đã cạn đến nỗi không làm động cơ nổ máy được.

Cô bước ra khỏi xe và đứng bên cánh cửa để ngỏ. Bãi đỗ xe giờ trống không; chiếc xe cuối cùng đã đi mất. Cô cười lớn. Không phải là tiếng cười bình thường; chính Caroline cũng nhận thấy: giọng cô to quá, lạc hẳn đi, nghe gần như tiếng khóc. “Tôi có một đứa bé,” cô hét lên, sững sờ. “Tôi có một đứa bé trong xe.” Nhưng khu bãi đỗ xe trải dài trước mắt cô hoàn toàn im lìm, ánh đèn trên những ô cửa sổ cửa hàng thực phẩm in những khuôn hình chữ nhật lớn lên nền tuyết bẩn. “Tôi có một đứa bé ở đây,” Caroline lại hét lên, tiếng cô tan đi rất nhanh giữa không trung. “Môt đứa bé!” cô gào lên vào hư vô tĩnh lặng.

---------------

[5] Pearl Buck (1892-1973) (tên tiếng Trung: Trại Chân Châu): nhà văn nữ nổi tiếng người Mỹ, bà viết rất nhiều tiểu thuyết về đề tài Trung Hoa và đã nhận được giải Nobel Văn học năm 1938 cho các tác phẩm mô tả đời sống nông thôn Trung Hoa phong phú và xác thực. Bà cũng chính là người dịch đại danh tác Thủy Hử sang tiếng Anh (tên tiếng Anh: A’l men are brothers)


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx