sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Của Chuột và của Người - Chương 6 (Hết)

VI

Trời về, chiều, dòng nước Salinas ngủ lặng lờ, sâu thẳm và xanh. Ánh mặt trời đã rời khỏi thung lũng và leo lên sườn dãy núi Gabilan,và đỉnh núi đỏ hồng ánh nắng.

Nhưng, gần mặt nước chìm đọng, khoảng giữa những cây sung nổi vân, mọi vật chìm đắm trong bóng râm êm mát.

Một con rắn nước trườn ngược dòng sông một cách mềm mại. Đầu nó, như một kính viễn vọng nhỏ, quay sang phải rồi sang trái và nó nhoài qua suốt dọc hồ nước đọng rồi chúi vào giữa chân một con diệc đang đứng rình, im lặng, ngay khoảng chỗ nước nông. Cái đầu và cái mỏ nhoài ra không tiếng động quắp con rắn, và đầu con rắn bị nhét vào mỏ chim, trong khi cái đuôi cọ quậy loạn xạ. Một tràng súng dội lại từ xa và cơn gió lay động các chòm cây như một đợt sóng. Đám lá sung phô ra mặt ánh bạc. Dưới đất, đám lá vàng bị thổi bay vài thước. Và từng cơn một. những luồng gió nhẹ khẽ làm gợn làn nước xanh.

Gió tắt cũng vội như khi nổi dậy và cánh rừng thưa lại trở nên tĩnh mịch. Không nhúc nhích, con diệc vẫn chờ đợi.

Một con rắn nhỏ khác trườn ngược dòng sông, quay sang phải rồi sang trái cái đầu giống như một tấm kính viễn vọng nhỏ.

Bỗng, Lennie từ đám bụi rậm hiện ra. Nó tiến lên, lén lút như một con gấu đang bò. Con diệc vỗ cánh, rồi lắc mình nó tuôn lên khỏi nước và bay đi, là trên mặt sông. Con rắn nhỏ biến mất trong đám lau sậy bên bờ.

Lennie im lặng bước lại gần bờ nước. Nó quỳ xuống và uống nước, khẽ chạm môi vào mặt nước. Đột nhiên đằng sau lưng có tiếng xào xạc vì một con chim nhỏ đi qua, nó ngẩng phắt đầu lên, mắt chăm chú nhìn và tai lắng nghe cho tới khi nó nhận ra con chim. Tức thì nó lại cúi đầu xuống nước và tiếp tục uống.

Uống rồi, nó ngồi xuống bờ, ngồi chéo để có thể coi chừng con đường nhỏ đi vào. Nó co đầu gối vào trong hai tay và tì cằm lên đầu gối.

Ánh sáng lên dần, dưới đáy thung lũng đã bắt đầu tối, và cùng một lúc trên ngọn các đỉnh núi sáng cháy ngọn hồng.

Lennie nói nhỏ nhẹ:

- Mẹ kiếp, mình cũng bảnh lắm chớ, đâu có quên. Trốn vào bụi rậm và chờ anh George tới.

Nó kẻo chụp mũ xuống mặt:

- Anh George rồi ảnh chửi cho coi. Rồi ảnh cằn nhằn là sao không ở một mình, sao lại có mình quấy rầy ảnh hoài.

Nó quay đầu và nhìn đỉnh núi sáng chói. Nó nói:

- Mình có thể lên trên kiếm một cái hang mà ở chớ. - Rồi nói tiếp, buồn thảm:

- Đừng có nói chuyện ăn xốt cà chua nữa nhé... Nhưng, đây cóc cần. Nếu anh George ảnh chán mình rồi... mình sẽ đi… mình sẽ đi mà.

Và rồi, ở đầu óc Lennie hiện ra một bà già mập mạp. Bà ta đeo đôi kính dày, mặc một chiếc áo choàng len có túi, dáng sạch sẽ và phốp pháp. Bà ta đứng trước Lennie, chống tay lên hông và nhíu lông mày nhìn nó có vẻ trách móc.

Và, qua giọng Lennie, bà ta cất lời:

- Tao đã nói đi nói lại với mày hoài mà. Tao đã bảo mày là “mày phải nghe lời George, bởi vì nó rất tử tế và nó lúc nào cũng yêu thương mày.” Nhưng mày đâu có thèm nghe. Mày chỉ làm bậy làm bạ.

Và Lennie đáp:

- Dì ơi, cháu cố hết sức mà. Cháu đã cố hoài. Mà rồi cũng không chừa được.

Bà ta tiếp qua giọng Lennie:

- Mày không bao giờ chịu nghe lời George cả. Còn nó thì suốt đời lo lắng cho mày. Có một mẩu bánh nó cũng chia cho mày một nửa, lại còn nhường phần lớn cho mày nữa. Ăn mà có thức ngon nó cũng nhịn hết được cho mày.

Lennie nói một cách thiểu não:

- Cháu biết mà. Cháu đã cố mà, Dì Clara à. Cháu đã cố hoài, mà dì.

Bà ta ngắt lời:

- Lẽ ra nó sung sướng biết mấy, nếu không vướng mày. Nó có thể làm được đồng nào giữ lấy đi nhà điếm chơi bời hoặc xuống quán bi-a ngồi tán gái. Nhưng lúc nào nó cũng phải chăm theo mày.

Lennie rên rỉ buôn tủi:

- Cháu biết mà, dì Clara à. Rồi cháu đi lên núi và kiếm một cái hang mà sống, như vậy cháu hết làm phiền anh George nữa.

Bà ta nói giọng xẵng:

- Đấy là mày chỉ nói thôi. Mày nói hoài mà mày dư biết không khi nào mày dám làm cả. Rồi mày vẫn ở đấy mà báo đời nó.

Lennie nói:

- Chi bằng đi khuất mà hay đấy. Anh George không để cho mình nuôi thỏ nữa đâu.

Rồi bà dì Clara biến đi và từ trong đầu óc Lennie, hiện ra một con thỏ không lồ. Con vật ngồi trước mặt nó, rung tai và nhăn mũi. Và nó cũng nói qua giọng của Lennie một cách khinh miệt:

- Nuôi thỏ à? Mày đần thấy mẹ. Mày liếm chân cho chúng cũng không xứng nữa là. Rồi mày quên, mày để cho chúng chết đói. Đấy, nuôi với nấng. Rồi bác George bác biểu cho mày?

Lennie cao giọng:

- Không, nhất định không quên.

Thỏ nói:

- Quên hay không thì đi đến đâu. Có giết mày đi cũng không bõ công. Có trời biết là bác George đã cực nhọc hết sức để gỡ mày ra khỏi mương nước mà rồi có ích gì đâu. Mày tưởng là bây giờ mà bác George còn để cho mày nuôi thỏ nữa thì thật là mày khùng hơn một bậc nữa. Bác mà gặp mày, bác còn nện cho mày một chầu cây nữa là!

Lần này thì Lennie cãi lại:

- Cái đó nhất định là không rồi. Chả bao giờ anh George đánh tôi cả. Tôi quen với anh George từ... tôi không nhớ rõ bao lâu... mà chưa lúc nào anh George dọa đánh tôi cả. Ảnh thương tôi lắm. Không vì vậy mà ảnh lại đánh tôi đâu.

Thỏ trả lời:

- Ừ nhưng mà bác ngán mày tới tận cổ rồi. Bác mần mày một trận, rồi bác ấy đi, bỏ mặc mày cho coi.

Lennie la kinh hoảng:

- Không. Không, ảnh không làm thế đâu. Tôi biết ảnh mà. Tôi với ảnh hai người kết bạn với nhau mà.

Nhưng con thỏ vẫn lập lại hoài, giọng nhỏ nhẹ:

- Bác ấy sẽ bỏ mặc mày, đồ chết bằm! Bác bỏ mày bơ vơ một mình. Bác ấy bỏ mặc mày, đồ chết tiệt!

Lennie lấy hai tay bịt tai:

- Không. Tao bảo nhất định là không.

Và nó thét lên:

- Trời ơi. Anh George ơi, anh George à! Anh George!

Từ trong lùm cây George bình thản đi ra, và con thỏ bỏ trốn vào trong óc Lennie.

Geoge hỏi bình thản:

- Chuyện gì mà mày rống lên vậy?

Lennie quỳ thẳng lên:

- Anh không bỏ mặc tôi chớ anh George? Tôi biết là anh không bỏ tôi bơ vơ.

George bước cứng nhắc lại gần và ngồi xuống cạnh nó.

- Không.

- Biết mà. - Lennie reo lên - Anh đâu phải hạng người làm vậy.

George ngồi im lặng. Lennie nói:

- Anh George à?

- Cái gì?

- Tôi lại làm chuyện bê bối nữa rồi.

- Không sao. - George trả lời. Sự im lặng lại trở về.

Chỉ trên tít đỉnh ngọn núi còn có ánh mặt trời. Dưới thung lũng, bóng tối mát dịu và xanh. Có tiếng người gọi nhau vẳng từ xa, George quay đầu, lắng nghe tiếng gọi.

Lennie nói:

- Anh George à!

- Gì thế?

- Anh không chửi tôi chứ?

- Chửi mày?

- Ờ chửi như mấy lần trước. Như là: “Tao không vướng mày, mỗi tháng tao kiếm được năm chục đồng.”

- Mẹ kiếp mày Lennie. Mày làm chuyện động trời thì mày không nhớ, mày chỉ nhớ từng chữ tao nói thôi.

- Thế anh không nói cho nghe à?

George chuyển người và nói một cách miễn cưỡng:

- Nếu tao một thân một mình, đâu có đến nỗi vất vả thế này.

Nó nói với giọng nhợt nhạt, buôn tẻ:

- Tao có thể kiếm việc làm dễ dàng và không khi nào bị rắc rối.

Nó ngừng lại. Lennie nói:

- Tiếp đi... và cuối tháng thì...

- Cuối tháng, lãnh năm chục... đi bắt các em...

Nó lại dừng lại.

Lennie nhìn nó say mê:

- Nói nữa đi, anh George à. Anh không rầy tôi nữa sao?

- Không.

- Vậy, tôi đi vậy. Tôi lên mãi tít trên kia, trên chóp núi kiếm một cái hang nếu mà anh chán tôi rồi.

George lại chuyển người. Nó nói:

- Không. Tao thích mày ở đây với tao kia.

Lennie được thể:

- Vậy anh nói như mấy lần trước đi.

- Nói gì bây giờ?

- Mình với tụi kia khác nhau thế nào ấy?

George tiếp:

- Dân cày như mình, không gia đình tứ-cố-vô-thân. Làm được ít tiền là ăn xài cho kì hết. Chẳng có đếch ai trên đời này để ý tới họ cả…

- Nhưng riêng hai ta thì không vậyx - Lennie sung sướng kêu lên - hai ta thì sao, anh kể tiếp đi!

George im lặng trong chốc lát rồi nói:

- Riêng hai ta thì không vậy.

- Bởi vì...

- Bởi vì tao còn có mày và...

- Và mày có tao. Mình luôn luôn ở bên nhau để lo lắng cho nhau, đấy đúng không. - Lennie kêu lên đắc thắng.

Gió chiều thổi nhẹ trên khu rừng thưa gợn lướt trên mặt nước xanh thẳm. Và lại vẳng có tiếng người kêu, lần này thì gần hơn.

George cất mũ ra. Nó nói thoáng run run trong giọng:

- Lennie à, cất mũ ra. Trời mát rồi.

Ngoan ngoãn, Lennie bỏ mũ ra và đặt xuống đất trước chỗ ngồi. Trong thung lũng bóng chiều trở nên sẫm hơn, và màn đêm xuống nhanh. Gió đem lại tiếng chân xéo trong lùm cây.

Lennie nói:

- Anh kể tiếp nữa rồi ra sao coi.

George đã nhận ra tiếng động từ xa. Trong một lúc nó nói như bàn tính chuyện làm ăn:

- Lennie à, mày hãy nhìn phía trên mặt sông. Để tao kể thật hay cho mày hình dung thấy được như thật nhé.

Lennie quay đầu và nhìn qua mặt sông, trên sườn tối thẳm dãy núi Gabilan.

George bắt đầu:

- Mình sẽ có một cái trại nhỏ.

Nó thọc tay vào áo choàng rút ra khẩu súng Luger của gã Carlson. Nó nhấc cái hãm cò ra, đặt tay vào súng xuống mặt đất, sau lưng Lennie. Nó nhìn vào gáy Lennie, đúng cho xương sống nối liền với sọ.

Về phía trên có tiếng người gọi và tiếng người khác đáp lại. Lennie nói:

- Anh kể đi chứ.

George nhấc khẩu súng lục lên, và tay run run rồi nó lại để tay và súng xuống đất.

Lennie nói:

- Nào. Chuyện ra sao ấy nhỉ. Mình sẽ có một cái trại nhỏ.

- Mình sẽ nuôi một con bò sữa - George tiếp - và có lẽ mua được cả một con heo và một đàn gà... và trong vườn trồng một khu cỏ linh lăng.

- Cho thỏ ăn. - Lennie thét lên.

- Cho thỏ ăn. - George gặp lại.

- Mà chính tôi được lo cho thỏ.

- Ừ, chính mày được lo cho thỏ.

Lennie hít hà khoái trá.

- Và mình sống như chủ trại.

- Ừ.

Lennie quay đầu lại. - Không Lennie à. Mày nhìn ra kia kìa, trên mặt sông ấy đấy hình như mình thấy được cái trại thật rồi nhé!

Lennie tuân lời, George đưa tầm mắt xuống khẩu súng.

Bây giờ tiếng người bước trong âm cây đã rõ. George quay lại và nhìn về phía có tiếng chân.

- Anh kể tiếp đi, anh George à. Chừng nào thì mình mua được à?

- Cũng sắp rồi.

- Hai anh em mình.

- Ờ hai anh em mình. Rồi mọi người đều tử tế với mày. Mình sẽ không còn bị rắc rối nữa. Mình rồi không làm phiền nhiễu ai cả, không trộm cắp gì ai cả.

Lennie nói:

- Anh George à, vậy mà tôi cứ tưởng anh giận tôi chớ.

- Không - Geolge trả lời - không giận, Lennie à. Tao không giận mày đâu. Tao cũng chưa bao giờ giận mày cả, bây giờ cũng vậy. Tao muốn mày hiểu rõ là vậy.

Tiếng người nghe rõ dần. George nhấc khẩu súng lên và lắng nghe tiếng gọi.

Lennie khẩn khoản:

- Ta đi liền đi. Ta mua liền cái trại ấy đi.

- Ừ, tức khắc. Tao làm liền. Anh em mình làm liền.

Và George, nhấc khẩu súng lên, giữ chặt và gí nòng súng ngay vào gáy Lennie. Tay nó run bần bật, nhưng tức thì mặt nó nghiêm lại và giữ vững lại. Nó bóp cò. Tiếng nổ vang dội cao lên đồi núi và vững xuống lại. Lennie giật bắn người, rồi gục xuống nhẹ nhàng, mặt úp trên bãi cát, và nằm duỗi ra không run rẩy.

George rùng mình và nhìn khẩu súng, lôi nó quăng ra đằng sau thật xa trên bờ, gần đống tro cũ.

Khu rừng hình như vang dậy tiếng hò la và tiếng chân rảo chạy. Tiếng Slim hú lên:

- George à, bác đấy phải không George?

Nhưng George vẫn ngồi im thẳng cứng trên bờ sông, và nó nhìn bàn tay phải vừa quăng khẩu súng ra xa. Tốp người tuôn ra từ khu rừng, dẫn đầu là Curley. Hắn nhìn thấy Lennie nằm trên bãi cát.

- Mày mần nó được rồi hả trời!

Hắn tiến lại gần và nhìn Lennie, và quay người lại nó nhìn George. Hắn nói khẽ:

- Ngay giữa gáy à.

Slim đi thẳng đến trước mặt George và ngồi bên cạnh, sà bên cạnh. Hắn nói:

- Thôi, chớ buồn làm gì. Có nhiều chuyện, không muốn mà đôi lúc cũng phải làm vậy.

Nhưng Carlson đứng nhìn vào George. Gã hỏi:

- Anh mần nó cách sao vậy?

- Thì mần chứ sao. - George giọng mệt mỏi.

- Nó có lấy khẩu súng của tôi chứ?

- Ừ, có lấy.

- Và anh tước súng, giữ lấy và bắn nó à?

- Ừ, đúng thế. - Giọng của George chỉ còn là một tiếng thì thầm. Nó không rời mắt khỏi bàn tay phải đã nắm khẩu súng.

Slim cầm khuỷu tay George kéo dậy:

- Thôi về, George à. Hai ta đi nhậu một ly đi.

George vịn vào bạn để đứng dậy.

- Ừ, đi nhậu vậy.

Slim nói:

- Thế nào cũng phải làm vậy, George à. Tôi cả quyết với anh thế nào cũng phải làm vậy. Ta đi thôi.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www. - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Gã kéo George tới chỗ đi vào con đường mòn và cả hai người trèo lên con đường lớn. Curley và Carlson nhìn theo họ. Và Carlson nói:

- Tụi chúng thắc mắc chuyện gì ấy nhỉ, cậu biết không?

HẾT

LỜI BẠT VỀ CUỐN TRUYỆN “CỦA CHUỘT VÀ NGƯỜI”

Cùng với cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Chùm nho phẫn nộ” của nhà văn Mỹ John Steinbeck, nhà xuất bản Tác phẩm Mới đã ấn hành tiếp cuốn “Của chuột và người” (Of mice and men) của ông. Khi cho in tập sách, Steinbeck có nói với bạn bè của ông là “để giải trí”. Nhưng hoàn toàn không phải thế, cùng với “Chùm nho phẫn nộ”, “Của chuột và người” nằm trong ý đồ của ông nhằm thông qua những tác phẩm văn học, qua số phận của những người nô lệ làm vườn của các trại chủ Mỹ, dựng lại những nét khốc liệt trong sự hình thành lịch sử nước Mỹ. “Của chuột và người”, viết vào khoảng năm 1933. John Steinbeck, muốn nêu lên cảnh trớ trêu của những số phận trong xã hội đương thời là:

Từ ước muốn đến hiện thực người ta đều vấp phải những hoàn cảnh, những trở ngại cay đắng của đời thường, không thể nào thực hiện được. Những nhân vật trong cuốn “Của chuột và người” này đều là nhân chứng của câu thơ của Robert Burus mà John Steinbeck lấy làm chủ đề tư tưởng:” “Những dự tính hoàn hảo của chuột và người thường không thực hiện được”

But Mousie, thou art no thy lane

In proving foresight may be vain:

The best laid Schemes o’mice an’ men.

Gang aft a-gley

An’ lea’e us nought but grief an’ pain

For promised joy

Ai đã đọc “Chùm nho phẫn nộ” hẳn cần phải đọc thêm “Của chuột và người” để thấy được sự bi thống, thảm thiết của lớp người nông dân nô lệ, những con người đầy những đặc tính bản chất tốt đẹp bị đẩy vào những bước đường cùng. Làm sao họ có thể có được một trang trại nhỏ? Làm sao họ có thể chung sống êm ấm với nhau, với sự yêu thương thật sự trong khi họ là kiếp làm thuê? Kiếp người trôi nổi theo sự nghèo khó.

Có một giai thoại xảy ra xung quanh tác phẩm này. Sau lần xuất bản đầu tiên (1937), “Của chuột và người” đã có tiếng vang lớn. Sau đó tác phẩm được chuyển thể thành kịch và được diễn rất lâu đến mức kir lục trên sân khấu và được khán giả yêu thích đòi hỏi diễn lại trong nhiều năm, thì cũng là lúc bản thảo gốc của nó, bị con chó Roby vốn được Steinbeck rất chiều chuộng nhai nát nhừ.

Steinbeck đã đùa, nói hóm hỉnh tâm sự với một người bạn: “Con Toby của tôi quả là nhà phê bình sâu sắc nhất về tác phẩm này!” Nhưng các nhà nghiên cứu văn học Mỹ lại đánh giá “Của chuột và người” là “Khuôn mẫu kì diệu nhất của tiểu thuyết Hoa Kỳ trong thập niên 1930-1939”.

John Steinbek nhận giải Nobel về Văn chương năm 1962.

NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên :

Xù Risan – Du Ca – trangchic

(Tìm – Chỉnh sửa – Đăng)


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx