sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cùng con trưởng thành - Chương 03 - Phần 3

Hầu như việc gì cần dặn dò chúng tôi đều dặn hết cả, dặn xong cũng đến giờ trưa. Sau khi ăn cơm xong, Y Y chào chúng tôi: “Con đi đây ạ!”. Mặc dù trời đang có mưa nhỏ, tôi vẫn đồng ý để con đi, để con bắt đầu chuyến hành trình của mình trong mưa.

12:40 ngày 22 tháng 5 năm 2004, Y Y mang theo năm nhân dân tệ và quyển sách Cẩm nang dành cho học sinh tiểu học bắt đầu cuộc hành trình. Trước khi đi, vợ tôi nhét vào tay con tờ giấy có ghi số điện thoại nhà và số di động của chúng tôi, dặn con lần nữa khi gặp những vấn đề mà bản thân không thể giải quyết, phải gọi điện cho cha mẹ xin trợ giúp. Nhưng Y Y nhất quyết không mang theo tờ giấy, con nói chắc như đinh đóng cột: “Những số này con đều đã thuộc lòng rồi, con không cần đến tờ giấy này nữa!”.

Ngoài trời mưa vẫn rơi, Y Y che ô và bước ra khỏi nhà. Khi con đóng cửa lại thì tôi và vợ bắt đầu hồi hộp và lo lắng. Hai vợ chồng đều đi ra ban công và nhìn theo bóng của con, nhìn chăm chú con đường không có mấy người qua lại, chờ đợi con xuất hiện. Ít phút sau, quả nhiên chúng tôi đã nhìn thấy con, bóng con nhỏ bé dưới chiếc ô, chúng tôi không nhìn thấy đầu và mặt con, chỉ nhìn thấy đôi chân nhỏ bé đang cẩn thận bước từng bước tránh những vũng nước đọng trên đường, lúc thì nhảy lúc thì nhón chân, chiếc ô to giống như được con cõng trên lưng vậỵ

Chẳng mấy chốc Y Y đã đến được bến xe bus có tuyến số 6, nhà chờ chẳng có ai, một mình con đứng ở đó, trông rất cô đơn. Vợ tôi bắt đầu lo lắng, cô ấy kéo tay tôi nói: “Cho con về đi anh, mưa to như vậy, lại là cuối tuần, người lớn còn không muốn ra ngoài, mình lại để con ra ngoài chịu khổ”. Tôi không nói gì, không rời mắt khỏi bóng con.

Lác đác có hai người cũng đến trạm xe bus đợi xe, Y Y lùi lại đứng ở phía sau, rất khó nhìn. Kết quả hai người lớn che mất con, chúng tôi rất khó để nhìn được con. Lúc này một chiếc xe bus tuyến số 6 đã dừng lại ở trạm xe, tầm nhìn của tôi hoàn toàn bị che lấp. Một phút sau thì xe chạy, không còn ai đứng ở trạm xe nữa, và cũng không nhìn thấy Y Y nữa. Lúc này tôi đột nhiên cảm thấy hoảng loạn, giống như trái tim đã bị ai đó cướp mất. Con gái Y Y đâu rồi? Đã lên xe chưa? Rõ ràng là lên xe rồi, nhưng tại sao tôi lại thấy lo lắng thế này? Vợ tôi cũng không yên tâm, kiễng chân nhìn một lượt xung quanh trạm xe, cảm giác như con đứng đâu đó và đột nhiên sẽ xuất hiện trở lại. Tìm một lúc, cô ấy cũng thất vọng, lại vừa khóc vừa nói với tôi: “Nếu Y Y mà có mệnh hệ nào, thì anh chết với em!”.

Tôi tự nhủ sẽ không có chuyện gì xảy ra cả, tôi rất hiểu con gái Y Y của tôi! Nhưng tôi vẫn an ủi vợ cho cô ấy yên tâm: “Nếu quá một tiếng đồng hồ (thời gian cả chặng của tuyến số 6 là 45 phút) mà Y Y không gọi điện về nhà thì chúng ta sẽ báo cảnh sát!”.

Khoảng thời gian sau đó tôi và vợ ngồi canh bên chiếc điện thoại, chúng tôi vẫn có thói quen ngủ trưa nhiều năm nay nhưng hôm nay thói quen đó cũng bị gạt qua một bên, đừng nói đến buồn ngủ, ngay cả chợp mắt thôi chúng tôi cũng không dám, sợ sẽ lỡ mất cuộc gọi của con. Buổi trưa hôm đó tôi cảm giác thời gian trôi chậm hơn so với ngày thường, chậm giống như một con kiến sắp chết đang bò ở chân tường. Vợ tôi chốc chốc lại đứng lên đi đi lại lại trong phòng khách, bồn chồn lo lắng nhìn chiếc đồng hồ trên tường hoặc là nhìn tôi với ánh mắt vô vọng khiến tôi cũng lo lắng theo.

Hay là xem tivi một lúc, như vậy cảm giác thời gian sẽ trôi nhanh hơn một chút. Tôi đứng dậy bật tivi lên, chưa kịp chuyển sang kênh yêu thích thì chuông điện thoại reo. Là Y Y! Nhanh như cắt tôi chạy về phía điện thoại, số hiện lên trên màn hình là điểm ở ga xe lửa! Đúng là Y Y thật! Không ngờ xe bus lại chạy nhanh như thế, chưa đến bốn mươi phút con đã đến được ga xe lửa một cách an toàn. Trong điện thoại con tuyên bố như một anh hùng vừa thắng trận: “Con đã đến đích thuận lợi ạ!”.

Vợ tôi xúc động nghe điện thoại của con: “Con mua chút đồ rồi mau về nhà, đừng lang thang ở đó lâu nhé!”. Y Y nói rành mạch với mẹ: “Mẹ yên tâm, con mua xong sẽ về nhà ngay ạ!”. Đặt điện thoại xuống, chúng tôi tạm thời yên tâm. Sau đó là một quãng thời gian dài chờ đợi. Tôi không thể ngồi im được nữa, tôi nói với vợ xuống lầu đến trạm xe đợi Y Y. Lúc này vợ tôi không còn lo lắng nữa, mà ngược lại rất yên tâm về con, vợ tôi nói nếu đã để con rèn luyện thì hãy rèn luyện “triệt để”, để con tự mình xuống xe, tự mình về nhà, để chuyến du lịch lần này là chuyến du lịch “một mình” đến cùng. Tôi thấy vợ tôi nói cũng có lý, mà cũng không cần thiết phải lo lắng quá mức đến vậy. Nhưng tôi vẫn thấy không yên, tôi nói với vợ tôi cứ xuống dưới nhà đợi, nhưng khi con xuống xe, tôi vẫn không xuất hiện, mà chỉ theo sau con về nhà. Vợ tôi chỉ còn cách gật đầu đồng ý.

Có cảm giác như đang nóng ruột gặp anh hùng mà mình đã ngưỡng mộ từ lâu, tôi vội vã xuống dưới lầu, chạy đến điểm cuối của tuyến xe bus số 6, nhìn về hướng xe sẽ đi đến, chờ đợi và chờ đợi. Nhìn từ xa thấy xe đang chạy đến, tôi kiễng chân nhìn theo, hy vọng sớm nhìn thấy Y Y. Nhưng khoảng năm, sáu lượt xe đi qua mà vẫn chưa thấy con xuống xe thì tôi hơi lo lắng. Đúng lúc tôi đang hoảng loạn thì lại một chiếc xe tuyến số 6 dừng lại trước mặt tôi, tôi chưa kịp phản ứng gì thì Y Y đã vui mừng nhảy từ trên xe xuống.

Tôi chạy ra ôm lấy con, quên mất lời hứa ban nãy với vợ là chỉ âm thầm theo sau con thôi.

Vợ tôi đã chờ sẵn ở cửa chào đón Y Y giống như chào đón một anh hùng, lúc này là 14 giờ 21 phút, Y Y đã hoàn thành chuyến “du lịch” hết một tiếng bốn mươi mốt phút. Y Y cho chúng tôi xem những thứ mà con đã mua ở ga xe lửa: một bắp ngô luộc, đã ăn hết chỉ còn lõi không và một gói kẹo cao su.

Sau này Y Y đã viết cảm nhận và những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến du lịch một mình như thế này:

Mình đi theo sau hai người lớn lên xe bus, nhét một đồng xu vào hộp, sau đó tìm một chỗ ngồi gần cửa sổ. Xe bắt đầu chạy, mình cảm thấy có chút lo lắng, và cũng thấy hơi lạnh, không có cha mẹ ở bên cạnh, một mình thực sự không quen. Mình cầm quyển sách mang từ nhà đi và bắt đầu đọc, như thế mình cảm thấy bình tĩnh hơn. Nhưng một bác ngồi bên cạnh đã nói với mình: “Cháu bé, ngồi trên xe bus đọc sách không tốt cho mắt đâu”. Nếu như bình thường, mình sẽ cảm ơn bác ấy nhưng hôm nay mẹ đã dặn mình là không được nói chuyện với người lạ, vì thế mình đã không nói gì cả, cũng không dám nhìn bác ấy, mình vẫn tiếp tục đọc sách.

Một lát sau xe đã đến ga xe lửa, mình xuống xe, đứng đó một lúc lâu, không biết phải đi về hướng nào. Sờ vào tiền trong túi mình mới sực nhớ ra là phải gọi điện về nhà trước tiên. Mình đến bốt điện thoại công cộng và nói to: “Cháu muốn gọi điện thoại!”. Cô trực ban ở đó đưa điện thoại cho mình, mình đưa cho cô ấy một nhân dân tệ, sau đó bấm số điện thoại ở nhà. Bình thường mình cũng hay gọi điện thoại nhưng đây là lần đầu tiên mình gọi bằng điện thoại công cộng, cảm giác rất mới lạ. Gọi xong điện thoại, mình đi xung quanh xem một chút, thật là náo nhiệt, có rất nhiều người đang rao bán đồ, mình thật sự muốn chơi ở đây lâu một chút nhưng sợ đi xa rồi không tìm được đường, càng sợ cha mẹ ở nhà lo lắng. Vì thế sau khi mua xong một gói kẹo cao su và một bắp ngô, mình lại đứng đúng chỗ vừa xuống xe để đợi xe bus số 6. Vì lo lắng sẽ bắt nhầm xe, nên mình nhìn đi nhìn lại biển chỉ dẫn. Cho đến khi nhìn thấy xe số 6 chạy đến mình mới thở phào nhẹ nhõm.

Xe chạy rồi, mình lấy bắp ngô vừa mua ra ăn, thật là ngon! Chẳng mấy chốc bắp ngô chỉ còn trơ mỗi lõi không. Mình lại ăn tiếp kẹo cao su, và còn đọc sách nữa, rất nhanh xe đã đến trạm. Khi trên xe vang lên tiếng: “Điểm cuối xưởng 228” mình nhìn ra ngoài, tất cả đều quen thuộc. Ôi, về đến nhà rồi! Mình đã đi du lịch về rồi!

Trẻ cần được chăm sóc và bảo vệ đến khi có thể độc lập, quá trình này vô cùng dài. Trong quá trình này, người làm cha mẹ nhất định phải biết “yêu con” như thế nào, không chăm sóc, quan tâm con quá mức mà phải có ý thức tạo cho con cơ hội để con rèn luyện tính độc lập tự chủ. Chỉ có cách là để con tự làm, tự nghĩ, tự mình nỗ lực, có như vậy dần dần con sẽ hình thành quan niệm độc lập, và có kinh nghiệm phong phú cũng như ý chí kiên cường để đối mặt với những thách thức.

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, dù muốn tạo cơ hội rèn luyện cho con nhưng tiền đề là phải đảm bảo được sự an toàn của con. Phạm Khương Quốc Nhất, bảy tuổi rưỡi thành công trong chuyến “du lịch” lần này không có nghĩa là tất cả những bạn nhỏ cùng tuổi đều có thể làm theo, từ nhỏ tôi đã rèn luyện cho con ý thức về việc này, hơn nữa phải không ngừng rèn luyện thì mới có lần “mạo hiểm” thành công này, vì vậy không có được những tiền đề trên thì nhất định không được tùy tiện cho con bạn thử sức.

Thả diều ở Thiên An Môn

Hai tháng sau khi hoàn thành chuyến “du lịch” một mình, chúng tôi bắt đầu những hoạt động của cả gia đình trong kỳ nghỉ hè, và trạm dừng chân đầu tiên là thủ đô Bắc Kinh.

Đối với rất nhiều người Trung Quốc, được đến Bắc Kinh, đứng trước quảng trường Thiên An Môn là một tâm nguyện thần thánh, vợ và con gái tôi cũng thuộc số đông ấy. Đặc biệt là con gái Y Y, từ khi biết đến “Bắc Kinh”, con đã đòi tôi đưa con đi Bắc Kinh để xem Thiên An Môn. Vì đã thấu hiểu những vất vả, khổ sở khi đưa con đi trong những chuyến đi dài lúc con còn nhỏ, và để con vượt lớp thuận lợi, tôi hứa với con, khi con lớn hơn, sau khi hoàn thành việc vượt lớp, tôi sẽ cho con đi. Để thỏa ước mơ của hai mẹ con, cả nhà chúng tôi đến Bắc Kinh.

Tôi đưa hai mẹ con lần lượt tham quan Tiền Môn, Đại Sách Lan(1), các ngõ xung quanh đó, tứ hợp viện, Đàn Thế Kỷ Trung Hoa(2). Chúng tôi còn tham quan Đại lễ đường Nhân Dân, Bảo tàng quân sự Nhân dân Trung Quốc; xem lễ kéo cờ ở quảng trường Thiên An Môn và vào nhà tưởng niệm viếng chủ tịch Mao.

(1) Những con phố thương mại sầm uất của Bắc Kinh.

(2) Công trình kiến trúc nằm trên đường Trường An Tây kéo dài, đối diện bến xe khách Tây Bắc Kinh, được xây dựng nhân dịp chào đón Thế kỷ XXI, hiện nay được dùng như là bảo tàng nghệ thuật thế giới, sưu tầm, trưng bày và nghiên cứu những tác phẩm nghệ thuật thế giới.

Còn một hoạt động không có trong kế hoạch, đó là thả diều.

Trong cuốn sách “Chơi cũng là một cách để trưởng thành” con gái tôi đã viết như thế này:

Rất nhiều người hồi nhỏ đều đã từng chơi thả diều, cũng rất nhiều người đến Thiên An Môn, nhưng những người đã từng thả diều ở Thiên An Môn thì không có nhiều. Trong số ít người đó có mình.

Từ khi mình bắt đầu nhớ được sự vật sự việc, cha thường đưa mình ra công viên hoặc quảng trường để thả diều. Từ xa có thể nhìn thấy những con diều nhiều màu sắc bay lượn trong không trung, có con diều hình máy bay, có con diều hình chim ưng, có cả con diều hình con bướm…

Dưới sự chỉ bảo tận tình của mẹ, mình đã vượt lớp thành công, để cổ vũ động viên mình, cha đã đưa mình đi tham quan Bắc Kinh.

Mùa hè năm 2004, mình cùng với cha mẹ thẳng tiến “thánh địa” Bắc Kinh.

Ở Bắc Kinh có rất nhiều nơi để thăm thú, trước tiên là xem lễ kéo cờ ở quảng trường Thiên An Môn. Để xem được lễ kéo cờ, cả nhà mình phải dậy từ rất sớm, trời vẫn chưa sáng cả nhà đã đến quảng trường Thiên An Môn rồi.

Khi trời sáng, mình phát hiện có rất nhiều con diều xinh xắn đang bay lượn trên không trung, nhìn thấy vậy mình bắt đầu thấy “ngứa tay”, vì thế mình xin mẹ tiền, mua một con diều lớn được làm từ mười con diều nhỏ có in hình chim én.

Khi đã có diều trong tay mình không chần chừ, lập tức chạy lấy đà cho diều bay lên, nhưng thử vài lần đều không thành công, cuối cùng cha phải giúp mình thả cho diều bay lên, gió càng lớn diều bay càng cao, trái tim mình cũng như đang bay nhảy cùng cánh diều.

Sau đó mình cầm dây diều, chạy một vòng trên quảng trường, mười con diều theo sự điều khiển của mình lượn đi lượn lại, mình nghiễm nhiên trở thành một vị chỉ huy và những chú chim én nhỏ kia chính là binh sĩ của mình…

Tôi không muốn con gái tôi có một tuổi thơ trống rỗng, vì thế tôi luôn cố gắng hết sức có thể để cho tuổi thơ của Y Y luôn phong phú đầy màu sắc, đây là nhiệm vụ mà tôi đặt ra cho mình. Có thể tôi không có đủ khả năng để mang lại cho con một cuộc sống vật chất đầy đủ, nhưng ngược lại tôi có thể mang lại cho con niềm vui và niềm hạnh phúc lớn nhất, để con gái sau này trưởng thành mỗi khi nghĩ lại tuổi thơ của mình đều cảm thấy vui vẻ. Sau này khi con gái lớn lên, trong ký ức của con vẫn lưu giữ hình ảnh thả diều ở Thiên An Môn, điều này thật là vui biết bao.

Khi tôi tiếp tục viết đoạn này thì con gái đang đi tập quân sự gọi điện về nhà, con kể cho tôi nghe những chuyện trong đợt tập quân sự, khi tôi nhắc đến chuyện thả diều ở Thiên An Môn, con nói với tôi con còn nhớ như in, hai cha con vui vẻ cùng hồi tưởng lại khung cảnh lúc đó và con nói đến kỳ nghỉ lễ Quốc khánh con về, cả nhà sẽ lại đi thả diều nhưng không phải ở Thiên An Môn mà là ở quê Đông Bắc.

Không làm bài tập, chơi nhiệt tình

Tôi từng xem ở đâu đó một bức tranh như thế này: Một cô bé thân hình gầy guộc đang ra sức chạy, mồ hôi lã chã, đuổi theo cô bé là một con hổ với đôi mắt trừng trừng, miệng há to, trên mình con hổ có ghi hai chữ “bài tập”. Tiêu đề của bức tranh là “Bài tập còn dữ hơn cả hổ”. Từ bức tranh này chúng ta có thể thấy rằng trong mắt trẻ, bài tập nhiều còn đáng sợ hơn một con hổ dữ.

Hơn nữa rất nhiều đứa trẻ phải thức đến tận hơn mười một giờ đêm để làm hết bài tập và ngày hôm sau chưa đến sáu giờ sáng đã lại phải dậy, không được ngủ đủ giấc, dẫn đến sức khỏe ngày một xấu đi. Một số trẻ ngoài việc phải hoàn thành bài tập thầy cô giao còn phải làm thêm bài tập phụ huynh giao. Một số phụ huynh thấy lượng bài tập ở trường của con không nhiều, lại đâm ra lo lắng, nếu cứ thế này thì con sẽ học được cái gì? Nếu cứ như vậy con có theo được các bạn hay không? Vì thế họ lại giao cho con bài tập để con làm, những đứa con của chúng ta lại phải bơi trong đống bài tập ở trường và ở nhà.

Tại sao các giáo viên lại giao nhiều bài tập đến như vậy? Tất nhiên là do nền giáo dục đối phó rồi. Mặc dù ngành giáo dục luôn nhấn mạnh là không nên cho học sinh luyện tập quá nhiều, nhưng dù sao thì “quen tay hay việc” sẽ có thể đối phó với những kỳ thi một cách hiệu quả, việc luyện tập nhiều lần, luyện đi luyện lại là một trong những cách để nâng cao thành tích của học sinh, vì thế trong tình trạng giáo dục không đáp ứng được điều kiện đặt ra của giáo dục tố chất như hiện nay, việc giáo viên và phụ huynh giao nhiều bài tập cho con trẻ đã trở thành một lựa chọn bắt buộc, không còn lựa chọn nào khác.

Thực tế, việc học đi học lại không nhất định sẽ tăng cường khả năng ghi nhớ của học sinh, bài tập về nhà quá nhiều, kết quả học tập cũng rất có khả năng sẽ giảm sút. Vì vậy, không nên mù quáng đi theo những lối mòn, khi thành tích học tập của con không tốt thì chỉ đơn giản tăng lượng bài tập để con cái làm mà không hề chú ý đến trẻ có hứng thú hay không và học có hiệu quả hay không.

Tôi luôn cho rằng để nâng cao được thành tích học tập của trẻ cần phải chú ý đến chất lượng học tập, giờ học trên lớp phải có hiệu quả chứ không nên dành quá nhiều thời gian làm bài tập. Nếu như trẻ được gợi mở để phát huy tính tích cực trong giờ học, sử dụng hiệu quả thời gian trên lớp thì không cần thiết phải giao quá nhiều bài tập cho trẻ, không cần bắt trẻ phải học đi học lại.

Con gái Y Y sau khi đi học cũng không tránh khỏi sự truy sát của “mãnh hổ bài tập”. Khi con học lớp ba, lớp bốn, ngoài bài tập buổi tối, bài tập buổi trưa, nhà trường còn bố trí thêm cả “bài tập buổi sáng”, vì thế mà thời gian biểu hàng ngày của con như sau: buổi sáng sáu giờ dậy, vội vàng vệ sinh cá nhân, ăn cơm, đến trường, vào phòng học thì trên bảng đã viết kín mít bài tập, đây chính là “bài tập buổi sáng” mà học sinh phải làm. Cắm cúi làm xong bài tập thì cũng đúng 8 giờ, bắt đầu giờ học buổi sáng; buổi trưa 11 giờ 20 phút tan học, vội vàng về nhà ăn cơm trưa, không dám nghỉ ngơi một chút nào, lập tức quay lại trường học, trên bảng lại chi chít những câu hỏi và bài tập, đây chính là “bài tập buổi trưa”. Sau đó con lại ngồi làm bài hùng hục, làm xong thì chuông báo giờ vào lớp cũng vang lên; buổi chiều tối khi tan học, các thầy cô lại lần lượt quay trở lại phòng học như đèn kéo quân, giao bài tập về nhà của từng môn…

Vì thế mà công việc của con hàng ngày chỉ có làm bài tập. Tôi cảm thấy rất phiền lòng, ở đâu ra mà lắm bài tập đến vậy? Hỏi ra mới biết không phải chỉ có bài tập trong sách giáo khoa, trong sách bài tập mà còn có các đề thi, làm đi làm lại các bài tập này. Môn ngữ văn thì là chép đi chép lại bài khóa và từ mới…

Điều khiến tôi ngạc nhiên đến sợ hãi đó là có giáo viên bắt học sinh chép năm mươi lần từ mới! Tôi không biết chép nhiều lần như vậy thì có ý nghĩa gì. Con gái nói với tôi bởi vì rất nhiều các bạn nhỏ đều biết một “tuyệt chiêu”, dùng một tay cầm nhiều bút, viết một chữ, viết một lần bằng mấy lần. Giáo viên vốn chỉ giao cho học sinh chép mười lần, nhưng khi phát hiện ra “tuyệt chiêu” này thì giáo viên tăng lên năm mươi lần.

Y Y nói những bài tập trong sách giáo khoa, ở trên lớp phải làm, sau giờ học cũng vẫn phải làm, làm ở vở luyện tập một lần, lại phải làm một lần nữa vào vở bài tập, mấy ngày sau lại phải làm ra giấy kiểm tra một lần nữa, có những bài làm nhiều lần quá các con đều quen thuộc đến nỗi chỉ nhìn đề cũng có thể nói đáp án. Theo như tôi hiểu, bọn trẻ khi phải làm đi làm lại một bài tập thì chúng sẽ cảm thấy chán nản vô cùng. Nhiệm vụ học tập càng nhiều thì thời gian học càng nhiều, mà những kiến thức học được thì không hề tăng lên, ngày hôm sau lặp đi lặp lại những công việc của ngày hôm trước, ngay cả Y Y từ nhỏ vốn được rèn luyện thói quen chăm chỉ học tập cũng vì thế mà mất đi hứng thú học tập.

Tôi nhận thấy đây là một tín hiệu xấu khi nhìn thấy con sáng đi sớm tối về muộn, phải giải quyết một đống bài tập đến gần mười giờ đêm. Nhìn khuôn mặt ngây thơ trong sáng của con lúc nào cũng căng thẳng, tôi cảm thấy rất khó chịu trong lòng, và tôi thấy đây là một cách học, cách rèn luyện đơn điệu, cứng nhắc, nó sẽ giảm bớt niềm vui trong khi học, tăng thêm áp lực học tập và gánh nặng bài tập cho con. Vì thế tôi quyết định Y Y không làm bài tập ở nhà nữa, cho con được giải thoát khỏi đống bài tập hỗn độn, lặp đi lặp lại một cách máy móc kia.

Tôi nói với Y Y: “Từ nay về sau chúng ta sẽ không làm bài tập về nhà nữa được không?”. Nghe không phải làm bài tập, con gái đã sung sướng vô cùng, nhảy cẫng lên nhưng rồi lại lập tức lo lắng: “Cha ơi, như vậy thì cô giáo có phạt con không ạ?”. Tôi trả lời con: “Không sao con ạ, nhưng con phải hứa với cha trên lớp phải chú ý nghe giảng, hiểu được bài ngay trên lớp, cô giáo hỏi con phải trả lời được, thi phải đạt kết quả tốt”. Con bé chớp chớp mắt suy nghĩ một lúc rồi ra sức gật đầu tỏ vẻ đồng ý, sau đó hai cha con đập tay một cái (Hồi nhỏ tôi và con khi hứa với nhau điều gì đó thường ngoắc tay, sau này khi con đi học thì đổi thành đập tay).

Ngày hôm sau tôi đến trường để gặp cô giáo của con. Chưa đợi tôi nói hết, cô giáo chủ nhiệm đã ngắt lời: “Học sinh làm bài tập mà khi kiểm tra còn làm bài không tốt, huống hồ là không làm bài tập. Hơn nữa để học sinh làm bài tập là tốt cho các em, không có gì hại cả. Làm gì có chuyện học sinh đi học lại không làm bài tập? Các phụ huynh khác đều đến gặp tôi vì giao ít bài tập cho các em, đằng này anh lại…”.

Tôi nhẫn nại giải thích: “Làm bài tập là để củng cố những kiến thức đã học, nếu như đã nắm được hết những kiến thức đã học thì không cần thiết phải làm bài tập. Kiến thức không chỉ ở sách giáo khoa hay sách bài tập, bọn trẻ cần có nhiều thời gian để khám phá thế giới ngoài sách vở. Khả năng tiếp thu của Y Y tương đối nhanh, cháu hoàn toàn có thể không làm bài tập nhưng vẫn học tốt, hơn nữa có thể đảm bảo thành tích của cháu sẽ không thấp hơn điểm bình quân của cả lớp”. Nhưng nói thế nào thì cô giáo chủ nhiệm cũng không đồng ý, cô còn nói từ trước đến giờ chưa từng gặp một phụ huynh nào cổ quái như tôi. Có thể là do tôi nói có lý, hoặc là khả năng diễn đạt của tôi tốt mà cuối cùng cô giáo chủ nhiệm chỉ chốt lại vỏn vẹn một câu: “Việc này tôi không thể quyết định được, anh cứ đi tìm thầy hiệu trưởng, nếu thầy hiệu trưởng đồng ý thì tôi cũng không có ý kiến gì”.

Sau khi từ biệt cô chủ nhiệm tôi lại đến văn phòng của thầy hiệu trưởng, ý kiến của thầy về cơ bản là thống nhất với ý kiến của cô chủ nhiệm, nhưng thầy cũng không nỡ để tôi phải tìm đến Phòng Giáo dục, thầy lại miễn cưỡng nói: “Như thế này đi, cứ thử xem sao, nếu con anh học không tốt thì lại phải làm bài tập như bình thường”. Tôi đã hiểu được ý của thầy, thầy không đồng ý mà chỉ cho tôi cơ hội để thử, vì thầy không tin vào cái lý luận kỳ quái của tôi: “Không làm bài tập vẫn có thể nâng cao thành tích học tập”.

Theo sự hiểu biết của tôi về tâm lý học trẻ nhỏ và tình hình của con gái, tôi vô cùng tin tưởng là con gái dù không làm bài tập về nhà thì việc học cũng không bị ảnh hưởng gì, hơn nữa lại có thể khuyến khích con tích cực học tập, nâng cao thành tích học tập. Vì thế nhìn thấy việc tốt, sao lại không làm, tôi rối rít cảm ơn thầy hiệu trưởng.

Khi cô giáo chủ nhiệm biết rằng thầy hiệu trưởng miễn cưỡng đồng ý cho Y Y không phải làm bài tập về nhà, cô còn thiện ý cảnh báo tôi: “Dù sao cũng là con anh, anh muốn làm thế nào thì làm, nhưng nếu thành tích học tập của con anh không tốt, đừng trách cô giáo”. Tôi nói với cô: “Cô giáo cứ yên tâm, sẽ không có chuyện như vậy đâu”.

Cô giáo và thầy hiệu trường thường lấy suy nghĩ của mình để áp đặt cho người khác, vì thế họ khó mà chấp nhận được những quan niệm giáo dục khác với quan niệm của mình, trừ phi đó là chỉ thị của Bộ Giáo dục, nhưng tôi cũng chỉ là một phụ huynh học sinh bình thường, muốn thay đổi quan niệm cũ của họ cũng không phải chuyện dễ dàng gì.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx