sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cuộc Nổi Loạn Ngoạn Mục - Chương 03

Cuộc Nổi Loạn Ngoạn MụcChương 3

Cuối cùng ngày tôi phải đứng lớp đã đến. Cảm giác lần đầu tiên đứng trên bục giảng phía trước tấm bảng đen thật lạ lùng. Ngay cả lúc đang giảng bài tôi vẫn còn tự hỏi mình mà cũng có thể làm giáo viên à. Bọn học trò luôn ồn ào, láo nháo. Thỉnh thoảng có đứa bỗng hét toáng lên “thưa thầy” rất kỳ cục, làm tôi giật nảy mình. Lúc học ở trường Vật lý, tôi vẫn dùng từ “thầy” suốt, nhưng quả thật việc gọi người khác là thầy và nghe người khác gọi mình bằng thầy là hai chuyện khác nhau một trời một vực, nó khiến tôi sởn tóc gáy. Tôi chả nhút nhát gì, nhưng ngặt nỗi cũng không được gan dạ cho lắm. Hễ cứ nghe chúng “thưa thầy” là tôi hồn vía lên mây, giống như đang đói bụng mà nghe tiếng đại bác nổ trong cung điện hoàng gia vào giữa trưa. Tôi cố xoay xở rồi cũng xong tiết dạy đầu tiên ấy, không gặp phải rắc rối nào đáng kể. Khi trở về phòng giáo viên, Nhím hỏi tôi mọi việc thế nào, tôi chỉ gật đầu, có lẽ hắn nghĩ vậy là ổn.

Tiết học tiếp theo, tôi cầm phấn lên lớp, trong lòng cứ cảm thấy như đang đi vào trận địa quân thù vậy. Ở lớp này, học sinh hầu như đều cao lớn hơn tôi. Dáng tôi vốn đã mảnh khảnh thư sinh vì là dân Tokyo gốc, lại thêm thấp bé nên dù đứng trên bục giảng nhưng trông vẫn không oai lắm. Nếu là trong trận đánh nhau thì tôi sẵn sàng chiến đấu - kể cả với võ sĩ sumo - đàng này tôi phải đứng trước một lớp hơn bốn mươi học sinh to xác và phải giữ cho chúng trật tự, nề nếp chỉ bằng lời lẽ, điều đó vượt quá sức tôi. Tuy thế, tôi biết ngay từ đầu mà để cho bọn nhà quê ấy coi thường thì sau này chắc chắn chúng sẽ chẳng bao giờ tôn trọng mình nữa, vậy là tôi cố hết sức lấy giọng thật to, đúng chất Tokyo nhất để giảng bài. Thoạt đầu, bọn học trò như bị thôi miên, chăm chú lắng nghe. Thấy cách này khá hiệu quả, tôi bèn tiến lên, tuôn thêm hàng loạt những từ lóng khó hiểu của Tokyo. Ngay lúc đó cái thằng ngồi giữa bàn đầu, trông to lớn nhất lớp, bỗng đứng dậy và nói:

- Thưa thầy...

Có chuyện rồi đây. Tôi nghĩ bụng. Khi tôi hỏi nó muốn nói gì thì nó trả lời:

- À…ờ…thầy nói nhanh quá…ờ…chả hiểu được cái gì cả. Thầy nói chậm lại một chút đi, được không nhể?

Cụm từ “được không nhể” nghe hết sức vớ vẩn. Tôi bảo nếu giảng như thế là quá nhanh thì tôi sẽ nói chậm hơn, tuy nhiên vì tôi là người Tokyo nên không thể nói như giọng ở đây được; giờ chưa hiểu thì cố gắng làm quen dần đi rồi sẽ hiểu.

Cứ thế này thì giờ thứ hai còn suôn sẻ hơn cả mong đợi. Nhưng lúc hết giờ, tôi vừa định bước ra khỏi cửa thì một học sinh chạy đến mang theo bài toán hình học và nói:

- Thầy chỉ giùm cách giải bài toàn này với, được không nhể?

Bài toán hóc búa nên tôi không giải được. Tôi toát mồ hôi, trả lời qua loa rằng tôi chưa thể nghĩ ra ngay và sẽ giảng vào giờ sau rồi vội vã bước đi. Lũ học trò lập tức hét lên một cách vui thích, tôi còn nghe có đứa hò hát: Thầy không giải được! Thầy không giải được. Bọn quỷ sứ! Thầy thì thầy, thầy thì cũng không thể giải được bài quá khó chứ. Chả lẽ cái gì mình thật sự không làm được mà nói mình không làm được là một chuyện đáng cười lắm à? Nếu tôi giỏi tới mức giải nổi bài toán đấy thì việc gì tôi phải đến tận cái chốn quê mùa này để kiếm bốn mươi yên quèn mỗi tháng. Gặp tôi ở phòng giáo viên, Nhím lại hỏi tiết vừa rồi thế nào. Tôi cũng chỉ gật đầu, nhưng thấy như vậy là chưa đủ, tôi bèn nói thêm học sinh trong trường kém quá. Hắn ngó tôi, tỏ vẻ ngạc nhiên.

Giờ lên lớp thứ ba, thứ tư và một tiết buổi chiều cũng diễn ra tương tự. Mỗi giờ dạy của tôi ở các lớp trong ngày đầu tiên hầu như đều xảy ra việc này việc nọ. Đúng là làm giáo viên chả dễ dàng như mình tưởng. Dù đã dạy hết các tiết nhưng tôi vẫn chưa được về nhà. Tôi phải ngồi đợi đến ba giờ chiều để nghe học sinh lớp mình chủ nhiệm báo cáo sau khi chúng trực nhật xong. Không chỉ vậy, tôi còn phải đi xem xét lại phòng học, kiểm tra cẩn thận sổ điểm danh rồi mới coi như hoàn thành công việc trong ngày. Sao lại có thể chỉ vì mình bán sức lao động kiếm đồng lương mà họ được quyền bắt mình ngồi không đấy nhìn mấy cái bàn chứ? Nhưng nếu mọi người đều tuân thủ chẳng chút phàn nàn thì một người mới như tôi có muốn ca cẩm cũng đâu có tiện, đành chịu thôi. Lúc ra về, tôi trút cái sự bực tức với Nhím:

- Làm gì mà bắt người ta phải chờ đến ba giờ mới cho về, tôi thấy vớ vẩn lắm.

Hắn ta đồng ý:

- Ừ ừ, đúng thế. - Nói rồi hắn cười to, xong lại nghiêm giọng bảo tôi: - Cẩn thận nhé, đừng nói những điều cậu không thích về trường nhiều, có nói thì chỉ nên nói với tôi thôi. Ở đây có nhiều người kỳ lạ lắm.

Lúc đó đã đến ngã rẽ, chúng tôi đi theo hai hướng khác nhau nên tôi không còn nghe thêm được điều gì nữa.

Về đến nhà, tôi gặp ngay lão chủ nhà chạy sang hỏi có muốn uống trà không. Nghe thế, tôi cứ tưởng lão pha trà mời tôi, không ngờ lão tự lấy trà của tôi đem pha và ngồi uống rất thoải mái, tự nhiên. Trông thế cũng đoán được có lẽ lúc tôi đi dạy lão ta vẫn thường lấy trà của tôi pha uống.

Lão bảo lão rất say mê đồ cổ nên đã quyết định làm một công việc có liên quan đến chúng, đó chính là mở tiệm bán đồ cổ này. Lão nói với tôi:

- Nhìn thầy rất nho nhã, phong lưu, thầy có muốn làm một bộ sưu tập nho nhỏ cho vui không?

Thật là một lời nhận xét tôi chưa từng nghe trong đời! Cách đây hai năm tôi đã bị nhìn nhầm khi có việc đi vào khách sạn Hoàng Đế, nhưng là nhầm thành thợ sửa ống khóa; còn lần khác, lúc tôi đang lang thang gần tượng phật lớn ở đền Kamakaru, trên đầu trùm chiếc khăn, thì người phu kéo xe gọi tôi là “Ông chủ”. Tóm lại, từ trước đến giờ người ta tưởng tôi là này là nọ cũng nhiều, nhưng chưa có ai cho tôi là người nho nhã, tinh tế cả; chỉ nhìn bề ngoài và trang phục của tôi là biết. Một thư sinh phong lưu như ông ta nói, hẳn sẽ phải giống như trong các bức tranh cổ, nghĩa là đội khăn xếp trên đầu và luôn mang theo cả xấp giấy để chộp lấy thi hứng bất cứ lúc nào. Ai mà liệt tôi vào cái dạng người đó thì thật đáng nghi ngờ. Tôi bảo rằng trò sưu tầm cổ vật chỉ thích hợp cho những người già nhàn rỗi, còn tôi chả thích đâu. Lão cười lớn rồi bác lại. Theo lão đúng là ban đầu ít ai yêu thích nó, nhưng một khi quan tâm đến thì sẽ bị cuốn hút không dứt ra được. Vừa nói lão vừa rót trà uống bằng những động tác lạ lùng. Trà này là do tôi nhờ lão mua giùm vào tối qua nhưng không ngờ lão mua loại trà gì mà nặng và đắng kinh khủng, uống một cốc nhỏ bụng đã cồn cào. Tôi dặn lão lần sau mua loại ít đắng hơn nhé thì lão luôn mồm vâng dạ, và lại tự rót cho mình một tách nữa, dùng tay ấn giữ nắp ấm rất lâu để chắt lấy vị thơm ngon cuối cùng từ lá trà. Lão thuộc loại người mà hễ là trà của người khác thì sẽ uống cho kỳ thỏa thích mới thôi. Khi lão ra về, tôi liền chuẩn bị bài giảng cho ngày hôm sau rồi đi ngủ.

Từ đó, cuộc sống cứ trôi qua một cách đều đặn như trình tự đã được định sẵn: sáng tôi đến trường dạy, chiều về lại thấy lão chủ nhà đến chơi và rủ uống trà. Chừng một tuần thì tôi đã nắm được công việc ở trường cũng như hiểu khá rõ tính cách vợ chồng lão chủ nhà. Tôi có nghe các giáo viên khác kể khi họ mới đi dạy, tuần lễ hoặc tháng đầu tiên luôn khiến họ lo lắng không biết mình có gây được ấn tượng tốt hay không, riêng tôi chẳng hề có cảm giác như vậy. Trong lớp, nếu tôi gặp vấn đề gì thì tôi chỉ thấy buồn lúc đó, nhưng chưa quá ba mươi phút sau tôi đã quên sạch. Tôi không phải là người hay lo âu cho dù tôi có muốn đi chăng nữa. Tôi chả bận tâm những sai sót trong bài giảng của mình ảnh hưởng ra sao tới bọn học trò, không để ý nốt đến cả việc ông hiệu trưởng và hiệu phó nghĩ mình thế nào. Tôi từng nói mình không hẳn là người gan dạ lắm, nhưng một khi đã quyết định điều gì tôi sẽ rất dứt khoát. Trường này mà không cần đến sự có mặt của tôi, tôi sẵn sàng cuốn gói đi thẳng nên với tôi cái ông Lửng nọ hay tên Áo Đỏ kia chẳng thể khiến tôi e sợ. Đối với lũ học trò tôi càng không muốn giả vờ, mua chuộc để bọn chúng yêu thích mình.

Suy nghĩ theo cách đó nên tôi thấy mọi việc ở trường cũng chẳng đến nỗi nào. Nhưng ở nhà thì mọi chuyện lại không mấy đơn giản. Nếu lão chủ nhà chỉ lấy trà của tôi uống thôi thì đã đành, đằng này lão còn mang những thứ vớ vẩn đến giới thiệu cho tôi mua. Đầu tiên lão mang đến thứ gì đấy gọi là “inzai” hay đại loại như thế, chúng là những thanh đá dùng để làm dấu triện. Lão bày ra khoảng mười thanh và bảo sẽ để lại cho tôi với giá hữu nghị là ba yên. Nào tôi có phải là một họa sĩ lang thang hạng xoàng đâu mà cần phô trương tác phẩm của mình bằng những dấu triện buồn cười ấy - tôi trả lời thẳng với lão điều đó. Không bỏ cuộc, lão bèn mở một bức tranh ra - một bức họa hoa điểu cổ - rồi nói đây là tác phẩm của ông Kazan, Ka ziếc nào đấy. Lão treo bức tranh lên góc tường và trầm trồ:

- Thầy cũng thấy nó là một bức tranh đẹp tuyệt, đúng không?

- Chắc vậy. - Tôi đáp, chỉ cho có chuyện để nói.

Nghe thế, lão bắt đầu huyên thuyên một tràng giải thích dài dòng, nào là có đến hai họa sĩ tên là Kazan, một ông là Kazan gì gì đó, còn một ông khác là Kazan gì gì... nữa đó, và bức tranh là do ông Kazan này vẽ chứ không phải ông Kazan kia vẽ. Xong, lão gạ tôi mua bức tranh, cố thuyết phục thêm rằng chỉ có tôi lão mới bán với giá rất đặc biệt là mười lăm yên. Tôi nói tôi không có tiền thì lão khẳng định không sao cả, tôi có thể trả bất cứ khi nào cũng được, đơn giản là vì lão không muốn tôi từ chối. Cuối cùng tôi cũng tống khứ được lão ta bằng cách trả lời dứt khoát rằng nếu có tiền tôi cũng sẽ không mua.

Lần khác, lão lôi đến một cái nghiên mài mực to như miếng ngói úp trên nóc nhà và bảo:

- Đây là nghiên Tankei, nghiên Tankei cơ đấy thầy ạ!

Trước khi lão kịp lặp lại trò cũ một lần nữa, tôi định làm cho lão im miệng nên hỏi lão nghiên Tankei là gì, chẳng ngờ hỏi vậy chỉ tạo thêm hứng thú để lão thuyết một bài diễn văn dài. Lão kể Tankei được khai phá từ ba tầng đá khác nhau: tầng trên cùng, tầng giữa và tầng dưới; hầu như bây giờ người ta chỉ bán loại nghiên được khai thác từ tầng trên cùng thôi, nhưng cái mà lão đưa tôi xem là được lấy từ tầng giữa. Lão ta chỉ vào những điểm sáng trên cái nghiên đen kịch rồi nói tiếp:

- Hãy nhìn những con mắt này xem, thầy sẽ không tìm được một mẫu nào có ba con mắt thế này đâu. Khi dùng nó mài mực, thầy sẽ thấy rất thích, nào hãy thử xem.

Lão gí chiếc nghiên trước mặt tôi, tôi đành hỏi giá bao nhiêu, lão nhanh nhảu đáp:

- Người chủ nó mang từ Trung Quốc về, ông ấy nói rất cần bán nó, chúng tôi để rẻ cho thầy ba mươi yên thôi.

Lão này chắc mất trí rồi. Ở trường dù thế nào đi chăng nữa tôi cũng giải quyết được, nhưng quả thật với cái sự tra tấn của lão buôn đồ cổ thì không thể nào chịu đựng lâu dài nổi.

Rồi ở trường cũng bắt đầu có vấn đề xảy đến với tôi. Một đêm nọ, khi đang dạo quanh vùng Omachi bỗng tôi bắt gặp một cửa hiệu nhỏ cạnh bưu điện có bảng đề: “MÌ KIỀU MẠCH TOKYO”. Tôi vốn rất thích loại mì này. Lúc còn ở Tokyo, chỉ cần đi ngang qua tiệm mì, ngửi thấy làn hơi cay cay của mì đang sôi nóng hổi là tôi không thể cưỡng lại mà phải bước vào ăn ngay lập tức. Gần đây, đầu óc tôi chỉ toàn những thứ như toán học và đồ cổ nên quên hẳn mì, nhưng nhìn thấy bảng hiệu đó tôi liền quyết định vào tiệm ăn một bát. Vào trong mới thấy quang cảnh khác xa cái cảm giác do tấm bảng hiệu mang lại. Vì bảng hiệu có ghi “ TOKYO” nên tôi hy vọng đây là một nơi khá sạch sẽ, lịch sự, nhưng có lẽ do họ không biết Tokyo là thế nào hoặc họ không có tiền sửa sang hàng quán nên trông nó thật bẩn thỉu. Chiếu trải sàn đã ngả màu nâu xỉn vì dùng lâu ngày chưa thay, lại đầy những bụi cát dính vào. Tường ám khói đen ngòm. Trần nhà thì vừa xám xì do muội đèn dầu vừa thấp lè tè đến nỗi theo phản xạ tôi phải cúi mọp xuống. Thứ duy nhất có vẻ mới là bảng thực đơn liệt kê tên và giá của món ăn được viết bằng tay treo trên tường. Hẳn là người chủ chỉ mới mua căn nhà cũ này và mở ra buôn bán được vài ngày. Tôi nhìn thấy món đầu tiên ghi trong thực đơn là mì tempura (1).

- Cho một bát mì tempura. - Tôi gọi to.

Lúc đó, bỗng có ba người đang ngồi trong góc sì sụp ăn uống nhất loạt quay lại nhìn tôi. Lúc nãy vì tối quá tôi không để ý, nhưng nhìn thấy chúng, tôi nhận ra ngay đấy đều là học sinh trong trường. Bọn chúng cúi đầu chào tôi, tôi cũng chào lại. Món này rất ngon, hơn nữa đã lâu không được ăn nên tôi ăn luôn bốn bát, toàn là mì tempura.

-----

(1) Tempura: Một món ăn khá phổ biến ở Nhật Bản gồm hải sản, rau củ tẩm bột sau đó đem rán. Có thể ăn với cơm hoặc mì.

Hôm sau, vừa bước vào lớp tôi đã thấy ai đó viết trên bảng đen dòng chữ “THẦY TEMPURA” bằng những ký tự to đùng. Nhìn mặt tôi, bọn học trò nổ ra một trận cười ầm ĩ. Những trò này đúng là quá lố bịch. Tôi hỏi chúng chẳng lẽ người ta ăn mì tempura lại đáng cười đến thế cơ à thì một thằng đáp:

- Nhưng ăn đến cả bốn bát thì nhiều quá, phải không nhể?

Tôi bảo tiền tôi tôi ăn, bốn hay năm bát gì đấy đều là việc của tôi, không liên quan đến chúng. Sau đó, tôi giảng bài một mạch đến hết tiết rồi quay về phòng giáo viên. Mười phút sau tôi sang dạy lớp khác thì thấy trên bảng lại có dòng chữ “BỐN BÁT MÌ TEMPURA. TUYỆT ĐỐI CẤM CƯỜI”. Lần trước tôi không quan tâm lắm, nhưng giờ tôi thật sự thất vọng. Đùa một cách quá đáng cho dù là trong bất cứ trường hợp nào thì chỉ khiến sự việc trở nên tồi tệ thôi. Việc này giống như khi hấp bánh nếp quá lửa vậy, nó sẽ trở nên khô cứng và cháy thành than: đừng mong gây được cho ai ấn tượng gì. Nhưng bọn nhà quê nào có hiểu điều đó. Chúng cứ nghĩ muốn đùa bao nhiêu là tùy thích. Có lẽ vì chúng sống trong cái thị trấn nhỏ đến độ chỉ cần dạo một vòng thì không còn gì đáng để xem nên chúng nghĩ việc người ta ăn bốn bát mì tempura là một sự kiện gì đó kinh khủng lắm. Đơn giản là do chúng chả có chuyện gì khác để nói. Thật thảm hại! Với cách nuôi dạy như thế này, chẳng trách sao khi lớn lên chúng sẽ trở thành một lũ đầu óc thiển cận như cây phong kiểng bị gò bó trong chậu. Nếu chúng chỉ muốn đùa cho vui thì tôi sẽ cười cùng chúng, nhưng đây rõ ràng không phải là thái độ của những đứa trẻ ngây thơ. Trẻ con mà đã quá đáng như thế. Chẳng nói chẳng rằng, tôi xóa bảng rồi hỏi chúng có thật sự nghĩ đây là một trò vui không, hay nó rõ ràng là một trò đùa hèn hạ - nếu chúng hiểu hèn hạ nghĩa là thế nào. Lập tức, một thằng đứng lên và nói:

- Vậy nổi giận vì người ta cười cái chuyện mình đã làm thì không hèn hạ à, đúng không nhể?

Cả một bọn hỗn láo! Nghĩ mình phải từ Tokyo xuống đây để dạy lũ học trò như thế này, tôi thấy thật cay đắng. Tôi đe chúng không được cãi chày cãi cối nữa rồi bắt đầu giảng bài và dù sao cuối cùng cũng hoàn thành tiết dạy. Ở lớp tiếp theo, tôi đọc được trên bảng dòng chữ “ĂN MÌ TEMPURA LÀM MỘT NGƯỜI HỜN DỖI”. Thật hết cách! Tôi giận dữ tuyên bố sẽ không dạy lũ học trò hỗn xược này nữa và bỏ ra khỏi phòng ngay. Về sau tôi nghe kể lại là bọn chúng rất vui mừng vì được nghỉ học. Đến nước đó thì tôi nghĩ thà chịu đựng lão chủ nhà cùng những món đồ cổ còn hơn chịu đựng những việc ở trường.

Thế nhưng, sau một đêm ngon giấc, mọi sự việc chẳng còn ảnh hưởng đến tôi bao nhiêu nữa. Bọn học trò cũng đi học đầy đủ cả và ngồi đúng vị trí của mình như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Mọi việc diễn ra suôn sẻ trong ba ngày tiếp sau đó. Đến buổi tối ngày thứ tư tôi đi ăn bánh bao ở phố Sumida. Đó là một khu vực có suối nước nóng, cách thị trấn khoảng mười phút đi xe lửa hoặc ba mươi phút đi bộ. Ở đấy không chỉ có quán rượu, tiệm ăn, công viên mà còn có cả một xóm kỹ nữ nữa. Tôi nghe nói quán ăn nằm cạnh bên xóm kỹ nữ ấy có bán bánh bao rất ngon vì thế trên đường từ nhà tắm nước nóng về tôi ghé vào ăn thử. Lần này tôi không gặp đứa học trò nào nên cứ đinh ninh là không ai biết, nào ngờ sáng ngày hôm sau, khi tôi vào lớp dạy tiết đầu tiên đã thấy dòng chữ trên bảng “HAI DĨA BÁNH BAO - BẢY XU”. Đúng là tôi đã ăn hai dĩa bánh và trả bảy xu thật. Bọn này quả là một lũ ma xó của nợ! Đến tiết học thứ hai, tôi chắc chắn sẽ có chuyện, và quả nhiên như vậy, trên bảng lại thấy ghi “BÁNH BAO TRONG XÓM KỸ NỮ - NGON GHÊ!”. Không thể tin nổi.

Và chuyện bánh bao rồi cũng trôi qua, nhưng chúng đã tìm ra cái khác để đàm tiếu: đó là chiếc khăn tắm màu đỏ của tôi. Sự việc này mới đúng thật là vớ vẩn. Từ lúc đi dạy, tôi có thói quen tắm suối nước nóng ở Sumida mỗi ngày. Mọi thứ ở đây đều kém xa Tokyo, chỉ riêng suối nước nóng là được xếp vào hàng bậc nhất. Vì nó gần nhà nên tôi có thể đến đó tắm hằng ngày. Thế là hôm nào trước khi ăn tối tôi cũng thả bộ đến Sumida như một cách tập thể dục. Trên đường đi, tôi luôn mang theo một chiếc khăn tắm lớn. Chiếc khăn giờ đã phai bớt sắc đỏ vì bị ngâm trong nước, màu nhuộm ở những vân sọc cũng loang ra, nhìn từ xa giống như một chiếc khăn toàn màu đỏ vậy. Đi đi, về về, khi bằng xe, khi đi bộ nhưng trên tay tôi lúc nào cũng cầm chiếc khăn ấy nên tôi nghe bọn học trò gọi mình là ông Khăn Đỏ. Sống trong một thị trấn quá nhỏ bé, mọi người đều biết chuyện của nhau thật chẳng có gì thú vị. Mà vậy đâu đã hết! Nhà tắm vừa mới xây, có đến ba tầng. Nếu dùng phòng tắm hạng nhất, khách sẽ được cho mượn áo khoác bằng cotton và có người cọ lưng giúp. Giá của loại phòng này là tám xu. Đặc biệt, khách còn được một cô gái bưng trà tiếp đãi theo phong cách Trung Hoa lịch thiệp. Tôi luôn chọn phòng hạng nhất. Khi lũ học trò nghe phong phanh về chuyện đó chúng kháo nhau là tắm hơi ở phòng hạng nhất mỗi ngày thì quá xa xỉ với một giáo viên lương tháng bốn mươi yên - giống như một nhận xét dành riêng cho tôi vậy.

Và đó vẫn chưa phải là tất cả, lại còn chuyện khác nữa. Nhà tắm có bồn lát đá hoa cương rất rộng, diện tích khoảng hai mươi mét vuông, đủ cho mười hai, mười ba người cùng ngâm mình trong đó, nhưng đôi khi chỉ có một mình tôi. Nước trong bồn chỉ cao ngang ngực, rất thích hợp để bơi lội, vận động cơ thể. Tôi thường để ý canh lúc vắng người là lại thích thú bơi lội, quẫy nước tung tóe trong đấy. Đến một hôm, tôi hăm hở bước lên lầu ba đến phòng tắm với hy vọng hôm nay sẽ được bơi lội thoải mái thì thấy tấm bảng ghi dòng chữ màu đen đậm: “KHÔNG ĐƯỢC BƠI TRONG BỒN TẮM”. Tấm biển này chắc là để dành riêng cho tôi chứ có mấy ai bơi lội trong phòng tắm như thế đâu. Vậy là kể từ đó tôi không bơi trong bồn tắm nữa. Nhưng điều khiến tôi kinh ngạc nhất là ngày hôm sau đến trường tôi đã thấy trên bảng ghi: “KHÔNG ĐƯỢC BƠI TRONG BỒN TẮM”. Tôi có cảm giác tất cả học sinh trong trường đều theo dõi, giám sát tôi như một đội thám tử vậy. Tôi chán quá. Bất kể chúng có nói như thế nào thì cũng chẳng khiến tôi thay đổi hay từ bỏ những việc tôi muốn làm, nhưng mỗi khi tự hỏi sao tôi phải đến một nơi xa xôi, hẻo lánh với những con người tâm hồn ti tiện, đầu óc nông cạn này thì lòng tôi rất não nề. Vậy mà khi về nhà, tôi lại còn gánh thêm cái chuyện gạ gẫm mua đồ cổ của lão chủ nhà nữa chứ!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx