Hồi Hương dùng thùng gỗ nhỏ, đổ đầy nửa nước nóng, cho bầu rượu vào trong đó giữ ấm, lấy ba cái chén sứ khuyết góc rót rượu cho cha, đệ đệ và trường phu.
Tả Thiếu Dương thấy thế nói:
- Tỷ, lấy thêm hai cái chén nữa đi, tỷ và mẹ phải uống chứ.
Hồi Hương kín đáo nhìn bầu rượu, nuốt nước bọt, cười gượng:
- Tỷ không biết uống rượu.
- Thế sao được, Tết mà, không uống rượu sao gọi là Tết, đêm 30 mẹ cũng uống đấy.
Hầu Phổ vỗ vai Tả Thiếu Dương, "nói rõ nhỏ":
- Được rồi đại lang, đừng khuyên nữa, không cái bầu rượu này không đủ một mình tỷ tỷ của đệ uống đâu.
Toát mồ hôi, còn có chuyện này, khả năng cao, tỷ tỷ mình rất khác loài.
Hồi Hương trừng mắt lên với Hầu Phổ:
- Đừng nghe huynh ấy nói linh tinh, mọi người ăn cả đi không thức ăn nguội hết.
Hôm nay tâm trạng Tả Quý rất là tốt, vuốt râu cười:
- Lấy thêm hai chén nữa đi, mọi người cùng uống cho vui.
Hồi Hương nhoẻn miệng cười rất thục nữ:
- Thêm chén cho mẹ thôi ạ, con nhấp một ngụm trong chén Hầu Phổ là được.
Hầu Phổ hoảng sợ che ngay chén rượu của mình:
- Thôi đi ạ, nàng lấy chén riêng mà uống, nếu không ta làm gì còn giọt nào.
Cả nhà đều cười, Tả Thiếu Dương nhìn tỷ tỷ đỏ mặt mà hâm mộ, đây mới là cuộc sống gia đình, tỷ tỷ lấy được trượng phu thế này là thực hạnh phúc mỹ mãn, y cũng không cần nhiều, chỉ mong có thê tử tâm đầu ý hợp chia sẻ buồn vui như thế là đủ.
Lương thị đứng dậy lấy thêm hai cái chén nữa, Tả Quý nâng chén nói mấy câu đoàn viên cát lợi, uống cạn rượu, Hồi Hương không đợi những người khác cũng ngửa cổ đổ rượu vào mồm, ực một cái nuốt luôn, còn chép miệng lẩm bẩm:" Chưa thấy tí vị rượu nào đã hết rồi."
Tả Thiếu Dương ngồi cạnh nghe rất rõ ràng, dở khóc dở cười, uống rượu xong đứng dậy rót rượu cho tỷ tỷ, Hồi Hương vội lấy chén rượu cất dưới bàn:
- Thôi, đệ, tỷ không uống nữa, mọi người uống đi.
Hẩu Phổ và Tả Quý đều cười, cả hai không lạ gì tính này của Hồi Hương, Hầu Phổ nói:
- Đại lang, đừng rót cho cô ấy nữa, tiểu tức phụ uống một chén là được rồi.
Lương thị chỉ nhấp một ngụm, đưa chén cho Hồi Hương:
- Rượu cay quá, mẹ không quen, con uống hộ đi.
- Được ạ.
Hồi Hương có cớ hớn hở uống ngay, chỉ sợ người khác can, ực một cái lại hết rồi, còn liếm môi một cái.
Tả Thiếu Dương nhớ Tây Du Ký tới đoạn Trư Bát Giới ăn nhân sâm, phục tỷ tỷ mình rồi, y lần lượt nâng chén mời cha mẹ, tỷ phu, tỷ tỷ. Hồi Hương lại được uống một chén nữa, cười tới tít cả mắt.
Có vài chén rượu bụng ấm áp hơn, mọi người nói chuyện vui, mong năm mới mưa thuận gió hòa, vạn sự xuôn xẻ, không khí rất cao, hai đứa bé cũng có niềm vui riêng, thi thoảng lẻn về bàn, giật áo ngoại bà xin thêm thức ăn.
Hơi rượu dâng lên, Tả Thiếu Dương hỏi Hầu Phổ:
- Tỷ phu, nghe bảo nha môn công báo cổ vũ khai hoang, cụ thể thế nào?
- Ừ, sao, đệ muốn khai hoang à?
- Đệ thuận miệng hỏi thôi, phải xem thế nào đã chứ.
- Không được đâu.
Hầu Phổ giống Tả Quý, ăn uống thong thả nho nhã không hề giống bề ngoài của hắn, gắp miếng rau cho vào miệng, thong thả nhai, nhấp ngụm rượu, thưởng thức tư vị của nó, mới nói tiếp:
- Muốn khai hoang, trước tiên phải báo cho lý chính biết đất đai cần khai khẩn, lý chính dẫn người đi kiểm tra xác nhận là đất hoang chưa ai cày cấy sẽ đăng ký vào sách, báo lên hộ phòng nha môn. Đợi hộ phòng phê duyệt là có thể khai hoang rồi, có điều mỗi mười mẫu phải nộp 100 đồng tiền đảm bảo. Ba năm đầu miễn thuế, ba năm sau thu nửa thuế...
- Khoan, tỷ phu, còn phải nộp tiền đảm bảo à?
- Thì đương nhiên, không nộp tiền ai cũng đi đăng ký bừa bãi chiếm chỗ thì có mà loạn à? 100 đồng này sẽ trả lại thôi, nếu như đất hoang khai khẩn hết đem trồng cấy đủ ba năm, báo cáo với nha môn, nha môn xác nhận xong là phát khế ước điền sản, lúc đó sẽ lấy tiền về. Đương nhiên nếu như trong nhà khó khăn không nộp được tiền thì có thể tìm người đảm bảo là được. Mọi thủ tục khai hoang đều phải qua nha môn, nếu không được thẩm tra đã tự ý khai hoang, cứ theo đúng luật thu thuế như ruộng cày.
Hầu Phổ giải thích chi tiết:
- Ra là vậy, đúng là không đơn giản, mà ngoài thành còn đất hoang không?
Hầu Phổ hỏi ngược lại:
- Đệ hỏi làm cái gì? Thực sự không muốn làm lang trung nữa, đi khai hoang à?
Tả Thiếu Dương cười hì hì:
- Nói thật nhé, nếu như được, đệ muốn khai hoang một mảnh đất trồng thảo dược.
Mọi người đều ngạc nhiên:
- Trồng thảo dược?
- Đúng vậy cha, dù sao khai hoang ba năm đầu không nộp thuế, chỉ tốn chút công sức, trồng thuốc không giống cày cấy, không cần đất quá tốt, có đất là được.
Hồi Hương nhíu mày:
- Đệ, đây không phải trò vui đâu, phải nghĩ cho kỹ đấy, giống ở đâu ra? Ai bán chứ?
- Đệ đâu chơi, đệ còn định dựa vào nó kiếm tiền mà, hôm nay đệ và Bội Lan cô nương lên núi hái thuốc, phát hiện Thiên Nhận Sơn có rất nhiều loại thuốc, có thể trực tiếp đem về trồng. Mới đầu chỉ trồng loại dễ sống, không tốn nhiều công chăm sóc, khi kiếm được tiền rồi mới dần chuyển sang loại quý hơn, tích tiểu thành đại, con thấy rất được.
- Con thấy?
Tả Quý không biết vì sao đang vui vẻ lại không hài lòng, cười nhạt:
- Con thấy được là được à? Con biết trồng thuốc ra sao không? Đã làm bao giờ chưa?
- Có ạ, vị linh y kia dạy con...
Tả Quý xua tay ngay:
- Không phải cha không tin vị lão tiên sinh đó, nhưng cái này khác, làm nghề nông không phải dựa vào mấy thứ sách vở là được, cần có kinh nghiệm.
- Không thử làm sao biết không được ạ?
- Thử là được à?
Tả Quý hừ mạnh một tiếng:
- Con không tập trung học y đi, học tốt một nghề còn hơn vạn nghề. Hôm nay muốn bào chế thuốc, mai lại muốn khai hoang, con còn muốn làm cái gì nữa? Nói luôn cả ra đi.
Tả Thiếu Dương biết đây là xung đột về tư tưởng rồi, cúi đầu không nói nữa.
Lương thị thấy hai cha con có dấu hiệu cãi nhau rồi, Tết nhất mất vui, vội giàn hòa:
- Trung Nhi, nghe cha con đi, theo cha con hành y, nhà ta không ai có kinh nghiệm trồng cấy cả, chỉ e tốn công vô ích.
Hồi Hương lần này cũng không ủng hộ đệ đệ:
- Đúng đó đệ, đệ theo cha đi tuần y, nghiền ngẫm cho thành thạo bản lĩnh vị linh y kia dạy bảo, đâu thời gian trồng thuốc? Có câu tham nhiều nhai không nát.
Tả Thiếu Dương không cam lòng, làu bàu:
- Cũng không ảnh hưởng tới trồng thuốc mà, đâu phải hoa màu, không tốn công chăm sóc...
- Con hiểu cái rắm!
Tả Quý thấy nhi tử ương ngạnh, lửa giận bốc lên, vỗ sầm đũa xuống bàn:
- Trồng thuốc mà dễ như con nghĩ thì ai cũng trồng rồi, còn đợi con à?
Tả Thiếu Dương ngẩng đầu lên:
- Chiều nay con và Bội Lan đi bán thuốc, nghe Đổng Mập ở ngõa thị nói, thuốc của bọn họ đều do người ta hái trên núi xuống, gần như không có ai trồng...
- Không được.
Tả Quý lại cắt ngang:
- Nhà đã thành như thế này rồi, con không nghiên cứu y thuật cho tinh thông, kiếm tiền sau này còn thành gia lập thất, toàn muốn làm trò bàng môn tả đạo, muốn cha tức chết à?
- Đây không phải bàng môn tà đạo.
- Đệ.
Hồi Hương thấy cha tức tới giọng biến dạng rồi, khẽ kéo áo Tả Thiếu Dương:
- Đừng nói nữa.
- Đệ phải nói.
Tả Thiếu Dương đặt đũa xuống, nói liền một hơi:
- Cha, mẹ, đi làm linh y kiếm tiền từ những người cùng khổ, bọn họ đều là người nghèo khó, ai có tiền mua thuốc chữa bệnh. Mấy ngày qua nếu không gặp Giả lão gia thì gần như cha toàn lấy tiền thuốc giá gốc, không tính phí chữa bệnh, nói thẳng ra là lỗ vốn rồi, công sức chạy đi chạy lại không được đền bù chút nào, sống không nổi nói gì mở hiệu chứ? Cho dù Triệu Tam Nương lại hoãn cho chúng ta không phải trả tiền thuê nhà vào ngày 15 này thì về sau sống ra sao? Cha, chúng ta không còn tiền mà mua thêm thuốc đâu, dựa vào cái gì mà hành y, chưa cứu được ai thì bản thân đã chết đói rồi. Có câu “Thiên đạo thượng biến, nhân đạo thượng biến, cùng tắc tư biến”, chúng ta nghĩ mãi theo lối cũ, đến hành y cũng không thể nữa.
** Một câu trong triết học cổ, ý chung là trời đất và con người luôn vận động, biến đổi, khi tới điểm tận cùng thì phải thay đổi cách tư duy.
@by txiuqw4