Tả Quý nghe vậy vuốt râu gật gù rất hài lòng. Nghê đại phu thì càng không biết phải làm sao, mặt ủ rũ, Tả Thiếu Dương rủa thầm trong lòng, ý ta là sau khi làm chứng xong các ngươi hẵng đưa, lúc đó các người đáp tạ, ai nói được gì.
Có điều Nghê gia đang rối ren, ai mà nghĩ sâu sa được như thế, trong phòng chìm vào im lặng, mỗi người theo đuổi một tâm sự riêng, không lâu sau có tiếng cồng gõ, Tả Thiếu Dương nói:
– Canh hai rồi, dứt cồng là giới nghiêm, nhưng đứa bé phải dùng thuốc suốt đêm, mọi người muốn ở lại hay mang thuốc về uống.
Nghê đại phu luôn cho rằng con mình không ai cứu được nữa, muốn con ra đi ở trong nhà mình, sau đó còn lo hậu sự, cho nên chắp tay nói:
– Đưa về thôi, sống chết có số..
– Không được.
Nghê mẫu dứt khoát nói:
– Trí Nhi ở lại đây, nhờ Tả lang trung tiếp tục điều trị, lão thân ở lại bên nó, các ngươi về đi.
Nghê phu nhân cùng thê tử Nghê Nhị cũng muốn ở lại, Nghê mẫu gật đầu:
– Vậy ba mẹ con ta ở lại chiếu cố tôn tử, không biết thế có tiện không?
Bệnh tình nguy cấp, bệnh nhân ở lại hiệu thuốc hay lang trung ở lại nhà bệnh nhân là chuyện bình thường, Lương thị vội nói:
– Có gì không tiện chứ, có điều nhà ta đơn sơ, không có bếp lò, buổi tối trời lạnh, chỉ e lão thái thái bị lạnh.
– Không hề gì, lão thân bảo người về lấy bếp lò là được.
Hồi Hương nãy giờ vẫn cay cú vì chuyện bầu rượu của mình bị đánh đổ, càng tức hơn nữa tiền vàng cả đống kia mà không ai nghĩ tới cái chuyện đền cho mình bầu rượu, lẩm bẩm:
– Chỉ e có đi không có về.
Mọi người ngớ ra, Lương thị không hiểu:
– Hồi Hương, con nói gì vậy?
– Cùng lắm một tuần trà nữa là hết kẻng rồi, nếu giờ về còn kịp, nhưng nếu muốn đi rồi quay lại thì thời gian không đủ, đó gọi là có đi mà không có về.
Tả Quý mắng:
– Nói linh tinh gì đó, con cũng không mau mau về đi.
Hôm nay có chuyện lớn như thế, khả năng liên quan tới “tiền đồ ” của Quý Chi Đường, mà Hồi Hương biết cha mẹ quá lành không làm được gì, một mình đệ đệ khó cãi lời cha, thế này vịt quay tới mồm sẽ bay mất, thế nên nàng lề mề không về, nghe cha giục, nói:
– Vừa rồi chỉ để ý nói chuyện, con cũng quên mất, thôi, sợ về không kịp, con cũng ở lại đây.
Với cái bát nước đã hắt đi này, Tả Quý hết cách lâu rồi, ai bảo hồi nhỏ chiều sinh hư, lẩm bẩm:
– Ở đây không có chỗ cho con ngủ.
– Không sao, con rải chiếu ra đại sảnh là được.
– Không có chăn.
– Thì con nhóm lửa, lần trước đệ đệ mua của Bội Lan cô nương một bó củi to, dư sức đốt tới sáng, mai còn đi mua bù vào là được.
Trong nhà này vất vả nhất là Lương thị, thường xuyên điều hòa giữa trượng phu cổ hủ, nhi tử cứng đầu và khuê nữ có hơi bất thường, vội nói lảng đi:
– Có củi là tốt rồi, vậy thì mọi người không phải về lấy bếp lò nữa.
Nghê mẫu gật đầu bảo Nghê đại phu:
– Thế là được, con về đi.
Nghê đại phu khom người nói:
– Mẫu thân đã ở lại, nhi tử sao dám về, mai cũng tiện cùng Tả công tử thăng đường. Tả lang trung, được chứ?
Tả Thiếu Dương biết ông ta thấy nhà mình không nhận lễ nên không yên tâm nên ở lại canh, cũng chẳng buồn nói ra.
Tả Quý vuốt râu nói:
– Vậy mọi người đều ở lại đi, có điều chỉ còn đại sảnh thôi, nhà không dư phòng cho các vị, thực sự xin lỗi.
Người Nghê gia rối rít nói không sao.
Lương thị và Hồi Hương mang củi từ bếp ra, còn tìm được cái chậu than đầy bụi dưới gầm giường, đốt củi lên, ấm thì có ấm, nhưng khói cũng mù mịt, phải mở cửa thông gió.
Hồi Hương trải cỏ ở chỗ trống trong bếp, Tả Thiếu Dương lấy chăn của mình cho tỷ tỷ đắp, Hồi Hương còn lẩm bẩm, nếu hôm nay có bầu rượu thì đã ấm áp rồi, Tả Thiếu Dương buồn cười lắm, hứa lần sau nhất định bù lại, Hồi Hương bấy giờ mới chuyển giận thành vui, nói không uổng công thương y từ nhỏ. Cứ thế ai về chỗ người nấy, để lại toàn bộ đại sảnh cho Nghê gia.
Tả Thiếu Dương sắc thêm một thang thuốc nữa, dặn Nghê phu nhân cứ khoảng cách bữa cơm thì cho đứa bé uống một lần, y cũng thi thoảng thức dậy xem xét tình hình.
Tới khoảng canh năm, tất cả mọi người đều mệt mỏi thiếp đi, đột nhiên Nghê phu phu nhân la hoảng:
– Lão gia, không xong rồi.
Câu này làm tất cả tỉnh lại, Nghê đại phu suýt nữa giật mình ngã từ ghế xuống:
– Sao, sao thế?
– Trí Nhi … Trí Nhi chảy máu mũi.
– Trí Nhi, Trí Nhi của bà, cháu làm sao rồi.
Nghê mẫu ôm lấy tiểu tôn tử khóc rống lên:
Thế nhưng Nghê đại phu thì vui mừng reo một tiếng đứng dậy, xô đổ cả mấy cái ghế:
– Tránh ra, tránh ra cho ta xem.
Ngồi xuống bên giường, nhìn màu máu chảy ra, luôn mồm nói:
– Tốt, tốt quá.
Tiểu tôn tử thành ra thế này, nhi tử còn nói hay, Nghê mẫu đang giơ quải trượng lên định đánh thì thấy nhi tử nắm lấy tay tiểu tôn tử xem mạch, vui mừng ra mặt, cũng khẩn trương nhìn.
– Tốt rồi, tốt quá rồi, Trí Nhi còn cứu được, ha ha ha ha … Hu hu hu …
Nghê đại phu vừa cười vừa khóc như kẻ điên, cứ nghĩ nhi tử chết chắc, giờ bống nhiên có cơ hội sống sót, bảo sao không mừng:
– Thật sao, Trí Nhi còn cứu được sao?
Nghê phu nhân nhìn nhi tử chảy đống máu cam không hiểu gì.
– Mau, mau đi mời Tả lang trung.
Ồn ào như thế thì làm sao Tả gia ngủ được, Tả Quý khoác áo chạy ra:
– Đứa bé sao rồi?
Nghê mẫu rốt cuộc vẫn lo:
– Chảy máu, màu đen, liệu có nguy hiểm không?
Tả Thiếu Dương cũng từ trên gác xuống, y phục còn chưa mặc xong đã hớn hở reo lên:
– Chảy máu rồi sao, tốt tốt tốt.
Tả Quý ngồi chẩn mạch xong, đứng sang bên nhường chỗ cho nhi tử:
– Mạch đã có dấu hiệu hồi sinh, thuốc phát huy hiệu quả rồi. Trung Nhi, xem cho kỹ đi.
– Vâng.
Tả Thiếu Dương ngồi xuống chẩn mạch, mừng ra mặt:
– Để con kê một đơn thuốc nữa cho đứa bé uống.
– Tốt quá.
Nghê mẫu thấy cả ba vị lang trung đều nói tốt, lòng vui lắm, nhìn Tả Thiếu Dương chạy đi bốc thuốc, hỏi nhỏ nhi tử:
– Sao Tả lang trung không tự bốc thuốc?
Trong mắt bà nếu Tả Quý bốc thuốc càng có hi vọng hơn.
Nghê đại phu là người trong nghề, nhìn cái là nhận ra rồi, nháy mắt với mẫu thân, nói:
– Cứ để tiểu lang trung chẩn trị, cậu ấy được chân truyền của Tả lang trung, y thuật tinh thâm, đủ trị bệnh cho Trĩ Nhi, mẫu thân yên tâm.
Nghê mẫu thấy nhi tử ra sức nháy mắt, dù không hiểu nguyên cớ, song vẫn biết ý nói:
– Vậy phiền tiểu lang trung rồi.
Tả Thiếu Dương bốc thuốc nửa chừng thì đứng lại ngẫm nghĩ:
– Thuốc này cần canh gà làm thuốc dẫn, nhưng bây giờ lấy đâu ra canh gà chứ?
– Canh gà?
Nghê phu nhân ngạc nhiên:
– Không có canh gà thì bắt gà cũng được mà.
Hồi Hương nghe thấy thì tức mình nói:
– Gà? Ngay cả lông gà lâu lắm rồi còn chẳng nhìn thấy nữa là gà.
Nghê phu nhân ngượng ngùng, bà không chú ý, nói theo thói quen thôi, vì hậu viện Huệ Dân Đường nuôi hơn chục con gà vừa để ăn vừa để lấy trứng.
Lương thị giật tay nữ nhi, cười nói:
– Con đường trước mặt có cái quán cơm, chắc họ có canh gà, có điều giờ đang giới nghiêm, không biết họ dám mở cửa tiếp khách không.
Lúc này còn sợ gì cái đó, Nghê đại phu nói ngay:
– Để ta đi.
Nghê mẫu can:
– Không được, con mà đi lỡ bị bắt, sáng mai thăng đường thì đệ đệ con làm sao?
Một lão bà tử nói:
– Để nô tỳ đi, cùng lắm đút cho chút bạc thôi.
Nghê mẫu gật đầu, bảo quản gia đưa lão bà tử đó ít bạc vụn, sai cả hai nha hoàn theo cùng. Hồi Hương mở cửa chỉ hướng, năm sáu người hồi hộp đứng cửa đợi.
Quả nhiên gõ cửa một lúc, chủ quán không mở, còn tuần thành khéo nhau tới, nghe tiếng quát tháo đằng xa ai nấy thấp thỏm, sau đó không ngờ lại có tiếng tuần thành đập cửa gọi hộ.
Có tuần thành giúp đỡ, cửa mau chóng mở, lão bà tử hai nha hoàn chẳng bao lâu sau mang cái giỏ trúc về, mọi người thở phào.
Lão bà tử vào nhà, hớn hở khoe:
– Lão thân gõ cửa không được, tuần thành tới tra hỏi, liền nói nguyên do đồng thời cho họ ít tiền uống rượu chống lạnh, không nghĩ bọn họ còn nhiệt tình ở lại giúp, cho nên chủ quán vội vàng ra mửa cở, gặp được người tốt bụng thật may mắn.
Không ai để ý rằng hai nha hoàn trông khá xinh đẹp mặt đỏ rực như tôm luộc, cúi đầu không dám nhìn ai.
@by txiuqw4