Có thể dễ dàng nhận ra, đây là một cánh cửa được ghép và hàn lại bởi nhiều tấm thép. Cánh cửa có độ dày đáng kinh ngạc, bên trên được đóng bởi những chiếc đinh tán to bằng ngón tay cái, nó được gia cố bằng khung thép và xi măng ở bên ngoài, khó có thể ước lượng được người ta đã phải đổ bao nhiêu xi măng sắt thép vào đây. Ở chỗ then cửa, bốn phía đều chèn các thanh sắt, toàn bộ cánh cửa bị ép trong các khung sắt dày dặn và nặng nề. Chúng tôi trèo cả lên trên mà nó không hề rung lắc hay ọp xuống.
Đây là loại cửa có hai cánh, ở giữa có ba thanh sắt xoay chèn ngang, nhưng nó đã được hàn chết vào đó, ngay cả đến khe cửa cũng bị hàn chặt không lộ ra kẽ hở nào, lay thử cũng không hề động đậy.
Đội phó đưa mắt nhìn cậu lính bên cạnh, chẳng hiểu có ý gì, cậu lính nọ thử ấn mạnh vào cánh cửa một cái, sau đó nói thì thầm: “Cửa chuyên dụng chống bom mìn, phía sau cánh cửa sắt có chèn các lớp bông và lò xo cơ khí.”
“Xem ra những người Nhật này không có ý định quay trở lại đây”, Vương Tứ Xuyên đứng bên nói một cách nhát gừng.
Chúng tôi đều gật đầu, điều này là hiển nhiên rồi.
Căn cứ vào tình hình lúc này có thể thấy đường đi tiếp theo của chúng tôi chắc đã bị chặn ngay sau cánh cửa sắt này, với kiểu chặn chắc chắn và kiên cố này thì không có cách nào để mở được nó.
Thế nhưng nếu cứ như thế này thì đến đây chúng tôi không còn đường nào khác, vậy chuyện của Viên Hỷ Lạc sẽ giải thích thế nào đây? Những người đã đi cùng cô ấy đang ở nơi đâu? Giả sử chết rồi thì cũng phải thấy xác chứ, hoặc cũng phải có tí dấu vết nào chứ, thế nhưng trên suốt chặng đường đi, tại sao chúng tôi không phát hiện ra bất cứ điều gì?
Lẽ nào chỉ mình cô ấy vào đây? Điều này tuyệt đối không thể xảy ra được.
Thế nhưng không biết có phải do nghĩ ngợi nhiều không mà lúc đó tôi lại có một cảm giác chắc chắn rằng người Nhật làm chiếc cửa sắt chặn ở đây không phải có mục đích ngăn chúng tôi đi vào mà là họ không muốn những vật giấu trong đó bị trôi ra ngoài.
Dựa vào kinh nghiệm khảo sát của chúng tôi lúc trước ở vùng núi Nội Mông, nếu người Nhật muốn bịt chặt chỗ này thì cách làm của họ sẽ quyết liệt hơn nhiều. Họ sẽ không chỉ phá hủy con đường dẫn vào khu vực này mà sẽ dùi một lỗ trên vách đá để đánh sập vòm đá xuống, nhằm phá sạch hoàn toàn khu vực này. Làm thế mới ngăn ngừa tư liệu và vật dụng của họ lọt vào tay đối phương, mới hủy bỏ hết giá trị của các đồ vật để đối phương không còn cơ hội sử dụng được.
Còn đây chỉ là bịt đường bằng một cánh cửa sắt, bên trên nó phủ lấp sơ sài một lớp đá mỏng, xem ra không giống cách làm thông thường của họ.
Tuy nhiên, trong lúc ấy có nghĩ nhiều cũng chẳng ích gì, bởi vì dựa vào những dụng cụ chúng tôi mang theo, thì không có cách nào có thể mở nổi cánh cửa này. Tin tôi đi, không chỉ chúng tôi mà cả những người lính kĩ thuật công trình địa chất chắc cũng phải bó tay, muốn mở được chiếc cổng này phải cần đến đèn khò chuyên dụng.
Ban đầu chúng tôi không quá bi quan, vẫn nghĩ rằng kiểu gì cũng có cách để mở chiếc cổng này. Nhưng đến lúc ngồi trên cánh cửa, gõ gõ dò thử và biết không thể nào mở được nó ra, thì mấy người hội tôi đưa mắt nhìn nhau, thất vọng không nói nên lời.
Cuối cùng, Bùi Thanh là người lên tiếng trước: “Giờ biết làm thế nào? Lẽ nào cứ thế này mà quay về ư?”
Chúng tôi cười cay đắng, không về thì phải làm sao? Cái vật chình ình này không có cách nào để xoay chuyển, chúng tôi không thể tiến lên trước được nữa, coi như nhiệm vụ khảo sát lần này đến đây là kết thúc.
Vậy là chúng tôi làm các thủ tục kết thúc giống như mọi cuộc khảo sát trước đó, sưu tập mẫu đất và mẫu nước, rồi vẽ lại cánh cửa sắt để chuẩn bị quay về.
Mấy cậu lính chắc đã phát ngán với công việc thăm dò ở nơi này nên đến lúc về thấy tích cực hẳn lên, các cậu ấy còn giúp chúng tôi đeo ba lô, rồi quay trở lại đường cũ.
Thế nhưng mới đi được vài bước thì đột nhiên một người trong đoàn bỗng cảm thấy dưới chân mình khang khác, lúc đó chúng tôi vẫn chưa kịp phản ứng gì, nhưng đội phó đã kịp nhận ra, tôi thấy cậu ấy cúi xuống chân rồi kêu lên: “Chết rồi!”
Chúng tôi đều cúi xuống nhìn, cùng lúc phát hiện ra mực nước từ dưới những kẽ đá bên dưới lòng sông bỗng chốc dâng cao dần lên, tới ngang các hòn đá, dần dần tới gót chân chúng tôi.
Mấy người cùng nhìn xuống dưới chân, mặt ai cũng trở nên trắng bệch, vì đều là những người làm nghề khảo sát địa chất và lính chuyên dụng nên chúng tôi rất hiểu sự việc phát sinh những lúc khẩn cấp – nước dưới con sông đang dâng cao.
“Chạy!”, không biết người nào đó đã hét lên, tất cả chúng tôi vội vàng vứt hết những gì đeo trên người xuống, bắt đầu chạy thục mạng lên phía trên cao. Tôi sợ đến lạnh cả sống lưng, ngay từ đầu, tôi đã dự cảm một điều chẳng lành là vị trí chúng tôi đang đứng quá thấp.
Bất kì ai làm nghề khảo sát địa chất hay thám hiểm, thậm chí bất kì những chuyện có liên quan đến hệ thống sông ngòi hay hệ thống thoát nước cũng đều được cảnh báo phải chú ý đến việc lũ dâng, đặc biệt là ở vùng cao nguyên Vân Nam và cao nguyên Quý Châu. Đây là vùng có lượng mưa rất cao hàng năm, hễ mưa là lượng nước ở trong lòng các hang động lập tức thay đổi ngay, tất cả các luồng nước tập trung chảy vào các khe đá, lượng nước ngầm trong động dâng cao rất nhanh, lúc này nó trở nên cực kì nguy hiểm.
Chỉ có điều là tại nơi này, tôi thực sự không thể ngờ rằng lại gặp phải chuyện này, tại mảnh đất Nội Mông, ngày chúng tôi bước chân vào trong động, là một trong những ngày khô ráo cực điểm của những năm 60 thế kỉ 20, bầu trời xanh cao lồng lộng, ai ngờ chúng tôi đi được mười mấy tiếng đồng hồ thì đột nhiên trời đổ mưa. Có lẽ nước đã tràn qua các khe đá để chảy vào đây, nên lượng nước trong dòng sông ngầm này đột ngột dâng cao mà không báo trước, điều này thật khủng khiếp.
Nghĩ đến đây, bỗng nhiên tôi nhớ lại âm thanh như ai đó gõ ngón tay xuống mặt đá phía sau cánh cửa sắt nghe được lúc nãy, tôi liền vội nắm chặt bàn tay lại, trời ạ, đó không phải là âm thanh lạ lùng gì, đó đơn giản chính là tiếng nước dâng lên trong động khô! Lúc trước sao tôi lại không nhận ra điều đó cơ chứ?
Lượng nước ở trong động bỗng dâng lên rất nhanh, khiến cả bãi đá rộng lớn bỗng chốc bị thu hẹp dần, tiếng đá va vào nhau khi bị nước đẩy đã sinh ra âm thanh quái dị đó, điều này trên thực tế chúng tôi đã từng được nghe, thế nhưng từ trước tới nay chưa được tận mắt thấy trường hợp này, nên lúc ấy không kịp nghĩ đến cách chạy trốn.
Lúc đó thực sự chúng tôi đều rất hoảng loạn, những ai từng sống ở ven biển, đều biết thủy triều dâng nhanh đến mức nào, nhưng ở đây, nước trong con sông ngầm này còn dâng nhanh hơn gấp bội. Ban đầu, vừa chạy được mười mấy bước vừa tưởng tượng rằng mình sẽ thoát khỏi được tình thế hiểm nguy này, nhưng lúc sau, chúng tôi bắt đầu có thể thấy mực nước đã dâng lên giữa các khe đá.
“Chạy về phía mấy cái lồng sắt!”, Vương Tứ Xuyên tăng tốc chạy về phía trước, hét lên với chúng tôi, “Nước không thể dâng qua được phía ấy!”
Trong đầu tôi bỗng lóe lên một ý nghĩ, chắc chắn bây giờ không kịp nữa rồi, chỗ này đường rất khó đi, chúng tôi không thể chạy kịp tới chỗ ấy. Một khi hai chân của chúng tôi không còn chạm xuống đáy nước được nữa thì sức lực của chúng tôi lúc đó sẽ không thể đấu tranh nổi với tốc độ của dòng nước.
Thế nhưng tôi vẫn lao về phía trước, bất chấp mọi thứ xung quanh, giá như lúc đó tôi đứng lại giở áo phao ra, chuẩn bị đối phó với dòng nước, đó là cách hay nhất, thế nhưng lúc đó trong đầu tôi chỉ có duy nhất một từ “chạy”.
Tôi chỉ biết điên cuồng chạy, cũng không biết mình đã chạy được bao xa, nước lúc này đã dâng tới mắt cá chân. Đây là điểm đầu nguồn cao nhất nên không thể nhìn thấy đá dưới nước. Vương Tứ Xuyên bị ngã cú đầu tiên, đó không phải là cú ngã bình thường, lúc đứng dậy đầu cậu ta đầy máu, vậy mà cậu ấy vẫn không dừng lại, vội vàng lao về phía trước, sau đó trong nhóm chúng tôi tiếp tục có vài người bị ngã, nhưng họ lại đứng dậy chạy tiếp.
Bây giờ tôi nhớ lại dường như lúc đó sau mỗi cú ngã, đứng dậy được chúng tôi lại càng hang hái hơn, dù đầu gối, hai bàn tay đầy máu nhưng cảm giác không biết đau là gì.
Tuy vậy, với tình cảnh lúc đó, tốc độ của chúng tôi cũng không ăn thua gì, vì tốc độ nước dâng bắt đầu nhanh dần lên, chúng tôi không đứng vững được nữa, chỉ biết cứ lao đi, bỏ lại dòng nước dâng ở phía sau. Song hoàn toàn không có viễn cảnh sáng sủa nào chờ đón chúng tôi ở phía trước.
Cuối cùng, kẻ đi đầu đầy nhiệt huyết là Vương Tứ Xuyên cũng phải bám lấy vách đá bên cạnh, men theo đó mà đi, chúng tôi hiểu được cách của cậu ấy, cũng hiểu luôn thời khắc vô vọng đã bắt đầu tới, vậy là cả bọn cứ thế lần theo vách đá mà đi.
Đi được tới chỗ đó có tảng đá, lúc này mực nước đã dâng tới ngang lưng, mỗi bước đi trở nên vô cùng khó khan, bên tai chỉ độc mỗi tiếng nước rào rào, bì bõm, giữa không gian nhỏ hẹp đó, giữa tiếng ồn ào bì bõm của dòng nước, chúng tôi phải hét to lên mới nghe được tiếng của nhau, đầu tiên phải đẩy được Vương Tứ Xuyên lên trên hòn đá trước, sau đó cậu ấy mới kéo từng người chúng tôi leo lên được.
Cuối cùng chúng tôi cũng leo được lên chỗ cao hơn, nhìn xuống con đường lúc nãy cả bọn chạy qua, toàn bộ đã trở thành vùng nước mênh mông.
@by txiuqw4