sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Vì Sao Tôi Hát Nhạc Tiền Chiến

Hát trở lại những ca khúc thời Tiền chiến, nói như nhạc sĩ Nguyễn Hiền là bình minh của nhạc Việt Nam, đối với tôi, còn là một sự trở về, tìm lại chính mình. Một thời đã qua, qua rất nhanh mà tôi không làm sao có thể quên được dẫu nỗi nhớ về đó, luôn luôn làm tôi đau lòng và chảy nước mắt.

Ngày xưa... ngày xưa... Bất cứ chuyện gì đã xảy ra, dù chỉ mới ngày hôm qua, thường được bắt đầu bằng hai chữ: Ngày xưa. Tưởng chừng như một câu chuyện thần thoại, cái ngày xưa ấy thoạt nghe có vẻ xưa lắm nhưng thật ra nó mới xảy ra cách đây... 40 năm và cái chuyện thần thoại đó là chuyện có thật. Tôi là người trong chuyện, bây giờ tôi kể lại chuyện đó nhưng sẽ không có bóng dáng của bà Tiên hay ông Bụt...

Trước ngày theo mẹ di cư vào Nam, thành phố Hà Nội tưng bừng với một hội chợ lớn. Tôi không nhớ rõ địa điểm là do ai tổ chức, hình như do người Pháp thì phải. Bởi lúc đó, người Hà Nội không gọi là hội chợ mà gọi là Kermesse. Cũng như tất cả các hội chợ ngày nay, với đủ tất cả trò chơi cho trẻ con và người lớn, tôi nhớ một sân khấu nhỏ được dựng lên cho một cuộc thi hát, kiểu tuyển lựa ca sĩ bây giờ. Lúc đó tôi được 9 tuổi. Mẹ ở xa, bà nội tôi thì hoàn toàn không biết gì về cái gọi là Kermesse bởi bà tôi vốn chân quê, không biết chữ. Làm sao tôi lọt được vào trong, tôi đi với ai, một thằng nhỏ cùng phố tên Đồng, và làm cách nào tôi có thể leo lên sân khấu để... hát. Hôm đó tôi hát bài “Thơ ngây”. Tôi không biết tác giả là ai vì tôi học lóm từ những cửa hàng trên con phố Hàng Bông những ngày cuối tuần trên đường từ nội trú về nhà bà nội. Tôi chẳng được giải gì cả.

Sau đó tôi vào Sài Gòn. Một Sài Gòn thật xa lạ đầy quyến rũ với các ly đá nhân xi rô xanh, đỏ và tờ giấy một đồng xé làm hai mà vẫn xài được, mỗi nửa gọi là năm cắc. Năm 1956, dượng tôi nhận việc tại Đà Lạt, gia đình chúng tôi ở khu Chi Lăng, trước đó được gọi là Saint Benoit, nơi đó có những biệt thự được xây cất giống hệt nhau. Gia đình tôi ở căn đầu tiên cạnh con đường đất nhỏ đưa đến hồ Chi Lăng. Cũng đầu đường đó nhìn qua nhà tôi là hotel Chi Lăng có cái giếng giả xây đằng trước. Từ nhà, tôi đi bộ khoảng một cây số hơn tới trường tiểu học Phan Chu Trinh.

Lúc đó, tôi không biết đọc tiếng Việt nên không đọc báo nhưng do đâu mà tôi biết được là ở Sài Gòn có một cuộc tuyển lựa ca sĩ nhi đồng và ai là người ghi tên cho tôi, thú thật tôi không nhớ. Song nhiều phần là ở bác tôi, bác Tuất là chị ruột của mẹ tôi. Bác trai là nhạc sĩ, bác sử dụng trompet hình như trong ban quân nhạc ở Hà Nội. Chị ruột tôi cũng hát, tên chị là Lệ Yến, hai người chị họ con bác Tuất cũng hát. Một chị là vợ ông Võ Lương, giám đốc trường Huấn luyện cảnh sát, chị Kim Lan hiện giờ ở Đức. Còn một chị Tuyết là vợ ông Thẩm Nghĩa Bôi.

Nghĩ lại là nhiều phần tôi đã nhờ gia đình bác Tuất ghi tên cho tôi đi dự cuộc tuyển lựa ca sĩ nhi đồng khoảng cuối năm 1956. Làm thế nào mà một con bé mới 11, 12 tuổi dám làm quen và xin quá giang một xe chở bắp cải về Sài Gòn, tôi nằm ngủ còng queo phía sau với

những chiếc bắp cải, rồi từ bến xe tôi tới nhà bác tôi. Ai cho tôi tiền để ăn dọc đường và về tới nhà bác Tuất, tôi không thể nhớ nổi.

Nơi có buổi tuyển lựa hôm đó là rạp Norodom do đài Pháp Á tổ chức. Tôi ghi danh với tên thật là Lệ Mai. Bài hát tôi chọn là bài “Từ giã kinh thành” nhưng bị bác. Lý do tôi còn nhỏ quá để hát một bài quá buồn, chỉ dành cho người lớn... “Ra đi một sớm buồn, sương mờ chập chùng buông...” thể điệu Boston. Ban giám khảo cho tôi hát bài “Ngày trở về” của nhạc sĩ Phạm Duy.

Tôi mặc cái quần sọc trắng, cái áo sơ mi ca rô của anh tôi, cắt tóc tém như con trai và tôi hát. Và tôi chiếm hạng nhì sau thần đồng Quốc Thắng.

Sau buổi hát, bác Tuất gái bắt tôi phải về Đà Lạt ngay, mẹ và dượng tôi đang nổi trận lôi đình với đứa con gái bất trị gan liền tướng quân. Tôi lại ra bến xe rau tìm đúng ông tài xế tốt bụng, nằm co ro sau xe giữa đống hàng hóa cần chuyển từ Sài Gòn về Đà Lạt.

Không cần phải kể lại, bất cứ ai trong chúng ta cũng biết cách trừng phạt con cái ngày xưa ở Việt Nam. Tôi chui xuống rãnh nước cạnh nhà ngồi khóc. Lúc đó tôi mới khóc, không phải vì đau mà là tủi, tôi nhớ bố tôi, ông đang ở đâu, còn sống hay đã chết như mẹ nói. Ông rất yêu tôi, ông sẽ không bao giờ đánh tôi vì chính ông đã từng ôm tôi và hát. Ông đánh đàn mandoline hát bài “Chiều vàng” của Nguyễn Văn Khánh, “Con thuyền không bến” của Đặng Thế Phong. Bố tôi chưa bao giờ đánh tôi, ông sẽ không bao giờ. Trái tim non dại của tôi không ngớt vang lên tiếng gọi xót xa... Bố ơi... Bố ơi...

Tôi chỉ thần tượng bố tôi, thế cho nên những điệu nhạc, những lời bài hát đã từ lúc nào xuyên vào tim tôi và ở lại đó. Tôi yêu tiếp những gì mà bố tôi đã yêu, trên hết là nhạc, bởi qua nhạc tôi như nhìn lại khuôn mặt của bố mình mà tôi biết rằng trên cõi thế, chẳng bao giờ tôi còn có thể gặp lại ông nữa. Ở một nơi nào đó, chắc bố tôi cũng không nghĩ rằng những bài tình ca ông hát trên bước đường ly loạn đã vô tình trở thành định mệnh. Một định mệnh đẹp đẽ nhưng nghiệt ngã dành cho đứa con gái xấu xí ông yêu thương nhất.

Trên sân khấu Anh Vũ ngày nào, ban ngày là quán cơm xã hội, với “Biệt ly” của Dzoãn Mẫn; “Lá thư”, “Gửi gió cho mây ngàn bay”, “Chuyển bến” của Đoàn Chuẩn – Từ Linh; “Chiều vàng”, “Con thuyền không bến”, tiếng hát của tôi chắc phải u uẩn lắm mới khiến cho ông Trung úy Không quân Lưu Kim Cương để ý. Ông khen tôi nhỏ mà biết chọn bài, ông khuyên tôi hãy cố gắng với những gì đã chọn lựa. Lúc đó mọi người chưa biết tôi là ai. Chưa mấy người để ý đến tôi. Họ đang chạy theo những thần tượng thời đó. Tôi mới 16 tuổi.

Những tình khúc người ta gọi là Tiền chiến đã gắn liền với tôi trong suốt năm năm trời ở Đà Lạt và sẽ mãi mãi về sau. Tôi vẫn luôn thắc mắc tự hỏi ở thời buổi loạn lạc, nhiễu nhương, thiếu thốn đói khổ, bằng vào những nguyên tố nào, các nhạc sĩ lại có thể gởi lại cho đời sau những tình khúc đẹp đẽ, trong sáng, lãng mạn mà vẫn thánh thiện. Một nét đẹp không hề vương một chút đời thường. Đẹp trên tất cả các vẻ đẹp, trong lành hơn cả nước mưa. Có buồn nhưng rất nhẹ, vừa đủ cho người hát và người nghe cảm nhận được nỗi buồn. Một nỗi buồn tự nhiên không son phấn.

Nhạc Tiền chiến tuyệt vời hơn nữa là ở bất cứ tuổi nào, bất cứ nơi nào, một mình hay nhiều người, cứ hễ cất lên tiếng hát, chúng ta đều cảm thấy lòng dịu lại ấm áp và bình an. Không có bóng đêm u tối, ghê rợn. Không có bóng dáng của tuyệt vọng, không có những đau đớn dìm con người vào nỗi chết. Nhạc Tiền chiến ngọt ngào dịu dàng. Giã biệt cũng là những giã biệt nhẹ nhàng.

Từ 1967 được biết đến qua nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi vẫn tiếp tục yêu “Biệt ly”, “Suối mơ”, “Anh đến thăm em một chiều mưa”, “Lá thư”, “Lá đổ muôn chiều”, “Hà Nội 49”. Phải nói rằng những tình khúc Tiền chiến là mối tình đầu của đời tôi mà đã là tình đầu, dẫu có thêm một kiếp sống nữa tôi vẫn không quên. Tôi lại còn tiếc sợ mình không còn lại nhiều thời gian để được hát. Chưa bao giờ tôi cảm thấy là đủ. Lúc nào cũng thèm được hát và nỗi say mê chỉ tăng dần theo thời gian và tuổi đời.

Trong tôi, nỗi say mê được hát lớn nhất, vậy mà tôi lại hết sức ngần ngại trong việc nhận lời hát lại những bài tình ca tôi rất yêu. Nửa muốn nhận, nửa muốn từ chối, tôi sợ, đúng tôi sợ. Vì rằng đã lâu, tôi có ít dịp trình bày lại những tình khúc Tiền chiến. Hát sao được trong không khí của buổi dạ vũ khi người tham dự chỉ thực sự muốn giải trí sau một tuần lễ làm việc căng thẳng, sở trường của tôi là nhạc Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên cạnh những bài hát có tính cách phổ thông dễ dãi. Nhạc Tiền chiến tạm vắng bóng trên những sàn nhảy, sân khấu, sòng bài.

Tôi sợ vì nhạc lý tôi vốn rất yếu, lại không quen bị gò bó trong một khuôn khổ nhất định của dàn đàn dây, thường đòi hỏi người hát kỹ thuật cao, nhạc lý giỏi, song cái chủ đề Tiền chiến lại quá hấp dẫn. Mối tình đầu phiêu bạt bấy lâu, bỗng chốc có cơ hội hồi sinh, có thể mang lại cái nhịp đập êm ái bình an cho trái tim của mọi người, qua bao nhiêu sóng gió. Đây là cơ duyên may mắn trong ánh hoàng hôn đời người. Tôi phải cố gắng vượt qua sợ hãi với cơ duyên may mắn. Đi tìm lại chính mình.

Tôi đặt tôi dưới sự điều khiển của người nhạc sĩ trẻ Thomas Ngô. Tôi bảo anh tôi dốt nhạc lắm, hãy giúp cho tôi nếu không xuất sắc lắm bên cạnh các chị Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao, Thanh Lan, Thái Hiền ít ra tôi cũng làm tròn được bài hát. Không đến nỗi phụ lòng các thính giả. Không đến nỗi rớt lên, rớt xuống làm phiền lòng các nhạc sĩ... Thomas Ngô cười bảo tôi: “Chị cứ khiêm nhường thế, dẫu lơi nhịp chị vẫn nhảy vào bắt kịp lại như thường.” “Không, đừng nói thế, khiêm nhường là một đức tính tốt nhưng ở đây chị thực sự cần sự giúp đỡ của Ngô và cả ban nhạc.” Tôi cười tiếp: “Chị dốt nhưng không ngu và chị rất biết vâng lời dẫu Ngô nhỏ hơn chị”.

Không khí trang nghiêm nhưng không quá cứng, Thomas Ngô vung tay, tiếng nhạc trỗi lên, các nhạc sĩ dường như quên đi chính mình. Nỗi say mê biểu hiện trên từng khuôn mặt, từng ngón tay và cả chân thân là nhạc. Tất cả chìm vào, hòa tan trong tiếng nhạc... “Biệt ly, sóng trên dòng sông ôi còi tàu như xé đôi lòng...” Tôi cất tiếng hát và như thấy lòng mình òa vỡ tiếng nấc nghẹn ngào... “Người yêu đương cách xa đành sống vui cùng gió sương...”

Sự trở về kỷ niệm, tìm lại chính mình bao giờ cũng trân trọng. Nếu không cuộc sống còn có ý nghĩa gì. Bao nhiêu năm qua, tôi luôn khắc khoải với những tìm kiếm vô vọng... Tối buông màn sương pha muối, xót xa lòng thêm trăm mối. Gió thu xưa không quên về, cớ sao

mà người cứ đi... Người đã đi vào thiên thu mang theo cả tình tôi một thời nồng nàn đằm thắm. Có phải chăng những người muôn năm trước đã thay chúng ta, viết cho chúng ta những ca khúc tuyệt vời. Người dẫu đã thiên thu nhưng gởi lại trong tâm hồn chúng ta giọt nước mắt hạnh phúc lấp lánh, lấp lánh ngời sáng mãi đến ngàn sau. Tôi ghi lại đây tâm sự riêng và cảm nghĩ của mình, nói lên sự biết ơn tất cả nhạc sĩ kính mến của hai thập niên 40, 50.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx