sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Dường Như Vắng Ai...

Chắc chắn ngoài trời phải lạnh lắm bởi nhìn qua cửa sổ, tôi chỉ thấy một màu tuyết trắng xóa che phủ kín những mái nhà. Long lanh. Long lanh dưới ánh đèn đường vàng vọt. Chưa khuya lắm đâu. Chiều vừa tắt nắng nhưng ngay cả tiếng xe cũng thỉnh thoảng mới nghe. Tiếng chân bước trên hè phố dường như không có. Tuyết trắng từng sợi như tơ đổ xuống từ trời cao ngay giữa tháng ba.

Trong căn lầu hai của anh chị Thích Tâm, tôi không thể đếm được là bao nhiêu người, thậm chí lại chẳng biết ai là ai. Anh đi quanh từng người cười nói dịu dàng nhỏ nhẹ, thăm hỏi đôi câu, tay vẫn không rời ly rượu. Hạnh phúc ngời trên khuôn mặt gầy. Anh luôn luôn tỏ lộ niềm vui sướng hân hoan với những người bạn anh thương và thương anh. Một nỗi mừng vui thật thà rất trẻ con. Nhìn anh đi quanh phòng nói chuyện với từng người, tôi chợt nhớ đến câu thơ (xin lỗi không nhớ tên tác giả, lại là một câu thơ làm cho người đẹp): “Em đi như vẽ trên đường nắng / Em nói như đàn trong miệng ai.”

Anh bao giờ cũng nhỏ nhẹ dịu dàng, chậm rãi từ tốn - từ những ngày quen biết đầu tiên, tôi đã thấy như thế - đó là bản chất của anh - cái này không thể học được. Không ai dạy ai được. Ông Giời cho thì được. Anh nói nhỏ, không nhỏ lắm nhưng đủ để người cần nghe, nghe rõ. Anh đi không bao giờ đi nhanh nhưng cũng chưa làm ai phải chờ. Anh ăn chậm rãi, nhai nhỏ nhẹ, không ai nghe tiếng. Không nghe tiếng đũa chấm bát, kể cả khi ăn xong cũng không ai nghe tiếng bát ăn để xuống đĩa. Mỗi ngày anh chỉ ăn chừng nửa chén cơm nhỏ cho cả hai bữa. Mọi người tiếp tục ăn, anh nhấc ly rượu uống một ngụm nhỏ, tay phải đặt xuống, tay trái cầm miếng napkin đưa lên chậm nhẹ lên miệng. Bát đũa của anh khác mọi người, loại gốm Bát Tràng màu xanh trứng sáo trên lạt dưới đậm màu hơn.

Căn lầu rất dài và rộng, chỉ có một cây dương cầm và hai cái sopha nhỏ. Bàn ăn được nối dài thêm, dài nữa mà vẫn không đủ chỗ cho mọi người. Chị Tâm luôn tươi cười quay trái, quay phải giữa đám nồi chảo bốc khói. Anh Thích luôn ngó chừng bàn ăn xem có thiếu gì. Chị Thúy, Ngân, Diệu, Trinh và tôi thuộc loại thợ vịn sẵn sàng chờ sai bảo bưng đồ ăn hoặc lấy thêm cái này, cái khác. Xong xuôi tất cả, chị Tâm hoặc chị Thúy lên tiếng... “Mời anh Sơn thời cơm...” Anh Thích tiếp theo. “Thôi mời cả nhà ăn kẻo đói.” Anh đến ngồi vào ghế đầu bàn và chỉ chiếc bên trái cạnh anh... “Mai ngồi đây.” Mọi người cùng ngồi. Anh ăn miếng đầu tiên vài hột cơm hoặc một cọng rau rồi để chén cơm xuống, lấy khăn giấy chậm miệng, nhấc ly lên... một tẹo. Anh không ăn liền sau đó, có khi anh nhắc tới một người bạn vừa gọi điện thăm anh, có khi anh nhắc người này, người kia... rồi sau đó anh mới lại cầm bát cơm, cũng chỉ dùng đũa để đưa mấy hạt cơm vào miệng, thêm một miếng cá kho đặc biệt kiểu Huế. Miếng cá cũng chỉ bằng cái đầu đũa. Cơm vài hột, thức ăn như làm cảnh trước mặt anh, do đó, rất ít ai thấy anh nhai. Sau miếng thứ hai anh lại đặt bát xuống, lặp lại từng ấy cử động của lần thứ nhất. Cái chén vốn nhỏ, cơm chừng một muỗng canh. Anh ăn xong chén cơm của anh bằng người khác ăn bốn chén.

Có khi đang ăn, nghe ai đó nói một điều gì vui, anh đưa khăn lên che miệng cười sảng khoái. Ăn ít, nói ít nhưng anh nghe nhiều. Ngồi ăn cạnh anh, tôi cứng người như ông phỗng đá, nhưng không bỏ qua một cử chỉ nào của anh. Thấy ly rượu anh hơi đậm, tôi rất tự nhiên sớt bớt qua ly của tôi. Anh biết hết đó nhưng lâu lâu lại làm bộ... “Răng mà rượu của Moi lạt rứa...” Ấy là tại tôi thêm soda cho lạt bớt thôi. Anh lại rót thêm rượu, tôi lại rình anh để sớt bớt rượu, thêm soda, và như vậy anh uống bao nhiêu tôi uống bấy nhiêu. Thường thì khi anh ăn xong, mọi người cũng xong, nhưng anh ăn quá ít mà chúng tôi người nào cũng mạnh nói mạnh ăn. Có một hôm tôi nghe anh nói với một người nào đó, tôi đã quên tên... “Răng mà ăn nhiều rứa...” Tội nghiệp người đó, thật ra mới có chén thứ hai. Thành ra cứ khuya, chờ lúc không có anh tôi mò xuống bếp kiếm đồ ăn, có hôm gặp anh Thích, chị Tâm, hai ông bà cười nhưng tôi không xấu hổ, vì tôi biết, nói gì thì nói cả nhà anh rất thương tôi.

Được anh tập hát cho ngay từ lúc bắt đầu, nhưng lúc nào tôi cũng sợ. Tôi sợ vì tôi dốt, tôi sợ bị anh biết mình dốt. Được cái Chúa Mẹ thương, bài nào của anh dù khó mấy, dù bao nhiêu thăng, bao nhiêu giáng, tôi cũng không ngán - bởi dốt nhìn bài hát cũng như xẩm sờ voi. Chỉ 5-10 phút coi như học trò đã làm bài xong. Có nhiều nốt, tôi hát sai nhưng anh không sửa, không nói gì, nên tôi cứ cho là mình đúng. Tới chừng nhạc in ra thì có người bảo tôi hát sai nhạc của anh. Thì đúng là tôi hát sai, nhưng có thể lúc đó, dẫu biết tôi sai, nhưng anh vẫn cảm thấy lọt tai, cũng được, hoặc anh thấy tôi say mê với cái sai của mình, anh không nỡ nói. Với tôi, tác giả không la rầy thì tôi cứ hát dù sau này học nhạc, biết là mình sai nhưng nhạc của anh đã trở thành máu thịt của tôi rồi. Anh đã chấp nhận. Khán thính giả đã chấp nhận. Một cái dốt có thể tha thứ được. Và đã được tha thứ.

Nhớ năm 1972-73, anh dạy tôi hai bài “Chưa mất niềm tin” và “Một cõi đi về”. Tôi vừa thâu thanh bài “Chưa mất niềm tin” thì anh lại tìm ra bài “Phôi pha”. Tình khúc này phê quá mà anh nỡ bỏ quên nó trong đống bản thảo 20 năm. Năm 1976 tôi làm cuốn băng cassette thứ ba có bài “Một cõi đi về” nhưng do chưa tập kỹ, không có bài, chỉ hát theo trí nhớ nên sai nhiều lắm. Anh có nghe nhưng không la rầy, chỉ nói tôi hát lại và trước khi thâu, tôi còn gọi điện thoại về cho anh để được anh cắt nghĩa rõ hơn về bài hát.

Khi tôi đi, anh đứng lại ở lề đường trông theo... Anh không ưa cảnh tiễn đưa... Tôi hiểu. Tôi đi mà nhớ mãi những điều anh nói với Đoan. “Lúc trước Moi không biết gì về Đoan, chỉ nghe người ta nói, Moi rất thương Mai, Mai khổ nhiều rồi. Moi không muốn Mai phải khổ thêm. Bây giờ thì Moi yên tâm vì biết chắc chỉ có Đoan mới làm được nhiều việc tốt cho Mai.”

Ai đó đã nói rằng hận thù là món ăn nguội, càng để lâu càng ngon. Cho phép tôi được đổi lại... sự yêu thương, lòng trân trọng thương tiếc là món ăn càng để nguội càng để lâu càng quý... Có đêm trời mưa, ngủ một mình và tôi khóc trong tiếng mưa rơi giữa đêm khuya lạnh lẽo. Anh à, bây giờ cũng là ngày cuối tháng ba, em nhớ tiếc những ngày có anh nhưng... “Lòng tôi có khi chợt như vắng ai. Nhiều khi muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà...”

Anh có chờ đợi ai không hay mọi người chỉ nghĩ rằng anh đang chờ đợi mà thật ra anh đang ngồi thảnh thơi, dõi mắt trông theo những hạt bụi nhỏ bé đang bay theo cơn gió cuốn với ước mơ hạt bụi nhỏ bé kia không vương vào mắt ai...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx