sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bên Đời Hiu Quạnh

Khi tôi đến nơi, mọi người tề tựu đã khá đông. Thật đau cho chúng tôi cứ phải gặp nhau ở chỗ đưa người về cõi khác. Không còn chỗ nào để gặp nhau nữa sao? Hay chỉ có những nơi như thế này, mọi người mới thật thà đến và đưa nhau đi? Nhà quàn nằm ở giữa ngã tư Bolsa và Beach đã trở thành quen thuộc với tất cả chúng tôi. Một khu đất riêng có bóng cây cao mát, có hồ, có hoa, có bướm, có chim về hót quanh năm một bài ru dịu dàng. Quê hương của những người Việt đã chọn nơi này nằm xuống cùng anh em, bạn bè.

“Trưa nắng người về, người về đất, về đất. Trên cánh chim người quy cố hương.” (Hồ Đăng Lễ). Chúng tôi ra về, kẻ trước người sau, sau khi đã phủ lấp huyệt mộ. Nguyễn Tất Nhiên nằm tại đó cạnh ngay mộ em trai tôi và quanh đó là những người cùng màu da, cùng tiếng nói. Chắc hẳn cũng có cả những người đã từng đọc và yêu thơ của anh. Nguyễn Tất Nhiên ra đi rất bình thản như anh đang ngủ, giấc ngủ đẹp hơn tất cả những giấc ngủ trong khoảng thời gian 41 năm đã qua trên đời anh. Người vợ đã xa, những đứa con chưa lớn. Người thân cuối đời đã lo cho Nhiên một nấm mồ. Tất cả đã chẳng ai nghe anh nói một lời cuối cùng. Tôi nghĩ... Nhiên không hề đau khổ. Anh rất tỉnh và thản nhiên khi chọn cho mình con đường này.

Có nhiều cái chết mọi người cho là vô lý. Với tôi không hẳn vậy. Đôi khi là một lựa chọn khôn ngoan, chỉ phải cái... hơi ác... bởi đã để lại bao nhiêu ân hận cho người sống.... “Nỗi khổ còn đây người ở lại. Chén rượu nào vơi được nhớ thương”. (Hồ Đăng Lễ). Chẳng có gì vơi được. Chẳng bao giờ vơi được. Rượu sẽ hết mà sầu chẳng nguôi. Người đã chết chẳng bao giờ sống lại. Có uống đến ngàn chai. Có khóc đến cạn nước mắt đến chảy máu mắt, cũng chẳng còn kịp nữa. Đời người như cơn gió, như vạt nắng cuối chiều. “Một đời người sống là... đợi chết không may.” (Trịnh Công Sơn)

Dù đã quá quen với những mất mát nhưng ở mỗi cuộc chia tay, ngay cả với một người không quen biết, tôi vẫn thấy xót xa. Còn bao nhiêu người nữa sẽ nằm lại ở đây? Chúng tôi nhìn nhau thở dài. Tóc đã bạc rồi, một ngày sống là một ngày bước lại gần hơn huyệt mộ của chính mình.

Đầu óc tôi còn đầy ắp hình ảnh Nguyễn Tất Nhiên nằm bình thản trong chiếc áo cuối đời, tin buồn thì lại tới. Ca sĩ Anh Thoại trong lúc thâu băng đã bị stroke bởi một cơn đau tim, anh được đưa ngay vào bệnh viện và đã qua một đêm một ngày, anh vẫn chưa tỉnh. Ôi tại sao bất hạnh lại nhiều như thế. Nhiều và hay đến với những người vốn đã nghèo, đã kém may mắn. Tôi chỉ biết ngồi cầu nguyện cho Anh Thoại và ngồi trách trời gần, trời xa.

Có lúc tôi nghĩ Thượng Đế thật bất công. Nguyễn Tất Nhiên vừa nằm xuống. Anh Thoại đang mê man trên giường bệnh, họ là những người hiền lành, dễ thương và đáng sống biết bao. Thế mà... thế mà... Thật không thể nào hiểu nổi. Càng nghĩ càng buồn, càng buồn càng hận mà chẳng biết trút vào đâu cái buồn hận này. Người nghệ sĩ suốt đời mang lại niềm vui cho cuộc đời, khi hai tay buông xuôi, chẳng còn gì, chẳng còn gì. Nguyễn Tất Nhiên sau cùng

cũng đã có một căn nhà suốt đời anh mơ ước với tình thương của anh em, bạn bè. Giờ chúng tôi lại chia ra theo dõi, giúp đỡ Anh Thoại. Tinh thần cũng như vật chất.

Đêm 13-9 tới đây, ông Trầm Tử Thiêng cùng một số ca, nhạc sĩ tổ chức đêm văn nghệ cho anh Ngô Văn Quy. Quy là nhân viên của hội thiện nguyện USCC, anh cũng là huynh trưởng gia đình Phật tử Long Hoa. Tháng vừa qua, trước cổng chùa Việt Nam tại Los, gia đình anh đã gặp tai nạn. Một người Mễ sau khi đụng một chiếc xe, bị rượt bắt đã... tông vào xe anh khiến anh bị thương nặng. Hàm bể nát, phải giải phẫu, khâu lại, vợ anh gãy xương vai. Người lái xe kia không có bảo hiểm và xe anh cũng vừa hết. Ngô Văn Quy rất sốt sắng trong những buổi văn nghệ từ thiện, gây quỹ cho chùa, cho trẻ mồ côi tại các trại tị nạn. 17 năm qua ngoài công việc giúp đỡ bà con mới đến từ Việt Nam hoặc từ các đảo như chỉ dẫn lấy mê-đi-keo (bảo hiểm y tế), tiền trợ cấp, xin việc làm, Ngô Văn Quy dành hết thì giờ làm việc trong chùa, hướng dẫn các em trong gia đình Phật tử Long Hoa.

Ngô Văn Quy làm thơ, viết truyện ngắn đăng trên Hồn Việt, là tờ báo anh đã đóng góp công sức từ những ngày đầu cùng với Nguyễn Hoàng Đoan, Du Miên, Trọng Viễn, Huỳnh Công Phúc khi Hồn Việt còn ở trong một cái nhà kho ở San Diego. Quy cùng với Nam Lộc là hai trong số ít người Việt có việc làm ngay khi còn ở trại tị nạn. Vì anh giỏi cả hai sinh ngữ Pháp và Anh. Song đời công chức, đồng lương không bao nhiêu mà đời sống càng ngày càng khó khăn. Quy rất gói ghém không bao giờ làm phiền bạn bè, không mấy khi tham dự party nhưng vẫn giữ liên lạc với bạn, đặc biệt là giới ca, nhạc sĩ. Nếu anh có nhờ ai một việc gì đó thì cho nhà chùa mà thôi.

Chính ở tính tình hiền lành không bon chen nên anh không giàu. Tuy nhiên nhờ thế mà chúng tôi thương quý anh. Giờ anh gặp nạn mọi người xúm lại lo cho anh. Buổi văn nghệ này là một sự ngạc nhiên bởi Quy không hề biết. Anh ngại nhờ bạn bè, anh sợ tình nghĩa không trả được nhưng đầy đủ tấm lòng của những người anh đã giúp, muốn được trả lại một phần nào ân tình đó. Chúng tôi hẹn nhau có mặt tại Ritz ngày 13-9 sắp tới. Nhiều ít gì cũng là nghĩ đến nhau. Có còn hơn không Quy ạ.

Tôi thường hay nghĩ về cái Hội Nghệ sĩ chưa bao giờ có ở đây mặc dù văn, thơ, ca, nhạc sĩ đã kẻ trước người sau qua và ở tại Cali rất đông. Những người đi hồi 75 coi như đã... mồ yên, mả đẹp và những người đi sau rất bơ vơ, rất thiệt thòi, nhất là lúc gặp kinh tế tuột dốc như bây giờ. Đã cùng một nghiệp dĩ thì không nên luận sang hèn, lớn nhỏ. Đã cùng một xuồng thì chẳng nên phân chia. Đã cùng một cảnh ngộ mà còn bè phái thì thật đau lòng. Nghệ sĩ tuy đời sống có hơi khác thường nhưng vẫn tôn ti trật tự như thường. Vẫn có thể bảo nhau cùng ngồi lại với nhau chia vui, sẻ buồn. Vừa có thể giúp đỡ lúc hoạn nạn, vừa tạo thêm niềm thương mến trong lòng khán thính giả. Ngồi lại với nhau không có nghĩa là... ăn hết của nhau. Không có gì đẹp bằng cái hình ảnh vai sát vai của những người luôn luôn cống hiến cho đời những điều đẹp đẽ.

Qua văn, thơ, nhạc chúng ta thường thấy ca tụng tình yêu thương giữa người và người. Hình như tất cả những gì đẹp và lý tưởng nhất đều đã được ghi trên giấy người người đều đọc, đều nghe. Thế mà thực tế lại không hề đơn giản.

Như thế chẳng hóa ra chúng ta lừa bịp mọi người sao? Và lừa bịp cả ngay chúng ta nữa. Thật đáng buồn và đáng thương biết bao nhiêu nếu chúng ta cứ phải sống với nhau bằng những đều không thật.

Trở lại vài tháng trước đây khi Nhật Minh ra đi. Nếu không có linh mục Paul Chiếu, nếu không có những người không quen, xa gần cảm thương cho một đời nghệ sĩ, liệu Nhật Minh đã có một nấm mồ như đã có không? Và chúng ta có còn một nơi chốn để tìm đến, thắp cho Nguyễn Tất Nhiên một cây nhang, đặt xuống một cành hoa. Hay là cả Nhật Minh và Nguyễn Tất Nhiên đều sẽ tự nhiên về với cát bụi.

Vẫn biết chết là hết. Chôn hay thiêu cũng là chết. Đủ tiền thì chôn, nghèo thì thiêu. Mỹ hay thiêu bởi vì họ quan niệm còn phải lo cho người sống. Cũng có lý nhưng chúng ta theo quan niệm Á đông: sống có một mái nhà, chết cần một nấm mồ. Ngày xưa lúc còn ở bên nhà, tôi ít thấy cái vụ thiêu. Công giáo cũng không thiêu. Chỉ có ở đây mà thôi. Đôi khi giàu cũng thiêu chứ không cứ là nghèo. Khi em tôi chết, mẹ tôi nhắc lại lời Hải nói đùa một tuần lễ trước đó rằng nếu nó có chết thì thiêu chứ đừng chôn. Mẹ tôi muốn như vậy để có thể mang về nhà thờ cho gần gũi, mẹ tôi cũng đã lớn tuổi, bà sợ không thể đi thăm mộ thường. Tụi tôi nhất loạt phản đối và cùng hùn tiền lo cho Hải.

Tôi dứt khoát không chịu thiêu. Bất nhẫn quá. Đau lòng quá. Cứ nghĩ đến ngọn lửa hừng hực, hung hãn thiêu đốt xác thân anh em, tôi không chịu được. Một nấm mồ cũng vẫn hơn, dù đất đã lấp kín nhưng khi đặt một cành hoa, thắp một nén nhang, đốt một điếu thuốc, tôi vẫn cảm thấy rằng bạn tôi, em tôi dù cách xa ba tấc đất, vẫn là còn đó, vẫn ngửi được mùi thơm của hoa, của nhang. Khác hẳn với nhúm tro than trong bình. Song cũng có người không đủ phương tiện lo cho người thân một nấm mồ dù họ rất muốn. Trong đó có nghệ sĩ.

Tất cả những người mang danh là nghệ sĩ đều nghèo. Tôi chưa thấy ai giàu. Có thể là lo ít, lo nhiều thôi. Từ hồi nào đến giờ, từ khi khôn lớn biết suy nghĩ, tôi thấy đời sống ca nhạc sĩ Việt Nam khổ quá. Lúc sống, ngay cả lúc vàng son nhất, cũng chỉ đủ ăn đủ mặc không đến nỗi phải cấu véo bạn bè. Nhưng khi không làm hay đau ốm ở nhà một tháng là thấy đời nhau ngay. Nhất là ở đây. Tôi được nghe kể rất nhiều về đời của những nghệ sĩ cổ nhạc. Đa số là chết trong nghèo khổ và quên lãng của mọi người. Tôi thật không thể hiểu vì sao. Có người vì hút, vì cờ bạc. Ừ thì cho là vì như thế nên họ nghèo. Nhưng những người khác thì sao? Vậy mà tất cả gần như chung số phận. May mắn lắm mới có vài người thoát ra khỏi cảnh nghèo lúc cuối đời nhờ lấy được chồng khá, hoặc biết dè sẻn, buôn bán, có ra đi cũng ra đi trong êm ấm, đầy đủ. Cái chết của Thanh Nga là cái chết có một không hai.

Chúng tôi thường lo âu về tương lai mỗi khi gặp nhau. Ai biết được ngày sau sẽ ra sao. Ai biết được ngày mai sẽ thế nào. Mọi người thường nghĩ về chúng tôi qua hình ảnh rực rỡ, vui tươi trên sân khấu. Đèn tắt rồi, màn buông rồi, phấn son chùi rửa rồi, chúng tôi có chung với mọi người một khối lo. Có thể chúng tôi khổ hơn vì đôi khi phải cười mà trong lòng muốn khóc. Ôi đời cơm áo tàn nhẫn biết dường nào. Đời của một ca sĩ đáng thương biết là bao.

Vừa nghe tin Anh Thoại nằm bệnh viện, bài viết chưa xong, Trung Nghĩa báo tin... Anh Thoại mất rồi... Mới ở nghĩa trang về, lại sắp tiễn đưa người khác... Nghĩa nói: “Sao kỳ vậy chị Mai, sao toàn chuyện buồn không vậy, tại sao người ta không cưới nhau mà chết quá vậy...?” Làm sao tôi biết làm sao bây giờ. Chí Tài điện thoại: “Sao kỳ vậy chị Mai, ảnh mới rủ em đi ăn, em hẹn tuần này mà”. Việt Dũng cũng kêu: “Sao lạ vậy chị Mai, chắc chị phải làm một cái gì, cúng tổ đi chị, sao cứ nhè ca, nhạc sĩ không vậy?” Ông Thiêng nói: “Kỳ quá mới gặp hôm kia đây mà, gì mà kỳ vậy...”

Tôi ngây người ra. Tôi bỗng ngu hẳn lại. Tôi bỗng thấy một nỗi chán nản tuyệt vọng chụp xuống khiến tôi choáng váng mặt mày, không thở được. Thôi tôi ngưng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx