sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Lục Bát Yên

Trời hôm nay không nắng. Trời hôm nay cũng không mưa. Trời hôm nay, chẳng ra làm sao cả. Tôi chợt cảm thấy một chút gì bâng khuâng, xao xuyến. Không hẳn nhớ. Không hẳn thương. Không hẳn vui. Không rõ buồn. Cái cảm giác chợt đến lạ lùng lắm. Không biết phải nói ra thế nào. Không nói ra được. Nhưng rõ ràng, tôi cảm thấy chênh vênh hụt hẫng. Có hoang mang. Có một chút quạnh quẽ... Tôi đang ngồi một mình dưới hiên sau, trên tay là tập thơ của Ngô Tịnh Yên.

Tôi mường tượng dáng dấp người con gái tôi đã gặp qua một lần, rất vội. Yên, người mong manh, làn da không son phấn, hơi xanh xao. Tóc ngang vai, trang phục bình thường. Thoạt nhìn Yên, tôi có ngay cái cảm giác... không thường ở nơi người con gái ấy. Tôi gọi Yên là con gái bởi cô không có cái dáng dấp của một người đàn bà. Cái... không thường tôi cảm nhận được nơi Yên là những điều... tôi đọc được ở trong ánh mắt, trong cái nhìn của Yên. Đó chính là cái Lãng mạn năm 2000 tôi đang cầm trên tay.

Trước khi đi vào nhạc, tôi là một người yêu thơ. Yêu hơi sớm những bài thơ lục bát của nhà thơ Nguyễn Bính. Hơi sớm là bởi lúc đó tôi quá nhỏ, vừa qua tuổi lên 10. Yêu nhạc buồn. Yêu thơ sầu nên đời chẳng mấy lúc vui. Nhà thơ Nguyễn Đình Toàn dẫn đưa tôi vào thế giới của thơ... Đây Tao Đàn, tiếng nói của thơ văn miền Nam do Đinh Hùng phụ trách... Lúc đó tôi mới 14 tuổi, có thể là 13 không chừng. Đó là lúc tôi gặp ông Trần Dạ Từ người ngợm đen ngòm, quần áo xốc xếch, chân mang dép, cưỡi mô-by-lét. Mà tôi cũng chẳng đẹp hơn ông là bao nhiêu.

Cũng như khi bước vào nhạc, tôi chẳng hiểu vì sao cánh cửa nào cũng không nỡ vì tôi mà đóng lại. Trước Trịnh Công Sơn cả gần chục năm là Nguyễn Đình Toàn giúp tôi làm quen với cả thơ và nhạc. Chẳng hiểu ông nhìn thấy cái gì ở tôi, trong giọng ngâm, trong tiếng hát của tôi. Tất cả mọi thứ ở tôi đều thuộc loại... không hẹn mà đến... Tôi như một bài thơ sai vần, một bài hát lạc điệu của một người lần đầu tiên làm thơ, viết nhạc. Thế nhưng tôi lại không hề bị chối từ. Sự chấp nhận dù không nồng nàn cũng là chấp nhận. Cánh cửa dù chỉ hé ra một chút, cũng có nghĩa là cửa không đóng và tôi có thể bước vào.

Tôi yêu thơ vô cùng. Thơ trở thành bạn, một tình bạn thủy chung cho tôi gửi gắm niềm riêng, đặc biệt là thơ lục bát. Đặc biệt là thơ Nguyễn Bính. Sau đó nhiều năm, tôi thường ngâm cho Trịnh Công Sơn nghe và lần cuối tôi cũng ngâm câu lục bát của Nguyễn Bính ở nhà anh chị Lễ vào một đêm mưa mùa Đông đầu năm 75... “Mà sao giấc ngủ không dài. Mà đêm không ngắn mà trời cứ mưa. Ở đây tôi sống như thừa. Cố đem men rượu tẩm vừa lòng nhau...” Những người cùng ngồi với tôi đêm hôm đó, hiện đang ở rải rác khắp nơi. Chỉ thiếu một người. Một người không nên thiếu.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi. Tất cả đã là quá khứ, lặng lẽ và ngủ yên trong nấm mộ thời gian. Bốn câu thơ kia dẫu có ngàn năm nữa trôi qua, tôi cũng không hề quên mà mỗi lần ngâm lên, hình ảnh ngày xưa như mỗi lúc mỗi sáng hơn, rực rỡ, đẹp đẽ hơn. Tôi đã thử cố

quên nhưng lại... quên trong nỗi nhớ. Từ những sợi nhớ mong manh nhưng dằng dặc như mây trời, mềm mại nhưng bền chắc và bất biến theo với thời gian, tôi biết rõ một điều, tôi vẫn yêu thơ lục bát dù không phải của Nguyễn Bính. Cho đến tận bây giờ.

Cái xao xuyến bâng khuâng kia không phải tự dưng tôi cảm nhận được. Chính là từ Yên đó. Từ Ngô Tịnh Yên và Lãng mạn năm 2000. Những câu thơ lục bát của Yên có một nét đẹp... bất thường. Nếu tôi đã từng nghĩ rằng tất cả những hạnh phúc tôi nhận được ở cõi sống này đều là những hạnh phúc tuyệt vời, đẹp đẽ đến xót xa thì lục bát của Yên cũng nằm trong đó. Đọc thơ Yên, tôi không buồn bã, không đau đớn mà... xót xa. Cái cảm giác này tôi đã trải qua khi hát một bài hát của Trịnh Công Sơn. Bất cứ bài nào, ngày xưa hay bây giờ. Nỗi xót xa kéo dài gần 30 năm. Gần nửa đời người. Nếu ai đó đã từng sống với những xót xa suốt nửa đời người giống như tôi, sẽ cảm nhận được điều này. Sẽ hiểu vì sao có những người khóc mà lệ chảy trong lòng.

Tôi không hề muốn làm một so sánh giữa nhạc và thơ, dù cả hai đều cùng tôi rất gắn bó, dù thơ tự nó vốn đã là nhạc và nhạc Trịnh Công Sơn vốn đã là thơ. Tôi chỉ muốn nói ra rằng tôi luôn luôn nhìn thấy một điều gì đó của chính mình trong nhạc Trịnh Công Sơn và hôm nay trong thơ của Yên. Ngô Tịnh Yên. Hạnh phúc đắng cay và ai cũng muốn nếm thử ít nhất một lần trong đời.

Từ lâu rồi, tôi không còn tin ở câu... “Văn là người”. Không những không tin mà tôi còn thấy đó là một sự... khôi hài bi thảm. Nếu còn lại trong lòng tôi chút trân trọng để dành cho ai đó, thì điều đó vẫn còn nhưng không có nhiều người lắm... “Nhưng cuộc đời đã làm tôi sợ hãi. Người với người đã trở thành thiên tai”... Đó cũng là một trong những lý do vì sao niềm tin cứ ngày một hao hụt. Ở xứ lạ quê người, cứ thấy da vàng, tóc đen. Cứ nghe nói cùng một thứ tiếng, dù cho những ngày đông tháng giá, lòng bỗng ấm áp lạ thường. Cùng một thứ luân lạc bốn phương trời... Tương phùng hà tất tương thức... Thế mà những giây phút như thế, không hiểu từ lúc nào, đã trở thành những hạt bụi trong mắt. Đọc sách Mỹ. Có hiểu nó nói cái gì đâu. Ở Mỹ 22 năm rồi, vẫn Mỹ nói Mỹ nghe. Thôi ta đọc tiếng Việt cho... buồn chơi.

Tôi không hề nói rằng tập thơ lục bát Lãng mạn năm 2000 của Yên là số một. Cũng như chưa bao giờ tôi bảo rằng nhạc Trịnh Công Sơn là số một. Tôi đã yêu, đã đọc nhiều thơ của nhiều tác giả. Tôi vốn rất yêu thơ Du Tử Lê. Có điều nhạc Trịnh Công Sơn cho tôi một nỗi buồn êm ái. Thơ Tịnh Yên cũng cho tôi nỗi buồn êm ái. Cả hai, bước vào tim tôi, hồn tôi ngay phút đầu tiên. Đến và ở lại mãi mãi dài lâu trong niềm tin vốn còn lại rất ít.

A, người con gái ngồi chờ tôi trước sân và đến khi gặp, lại chỉ nói vội với nhau vài câu, ngày hôm nay bỗng trở thành một nỗi buồn êm ái trong lòng tôi. Ngày hôm nay bỗng trở thành cái... “bóng mát cho nỗi tan hoang... sơn cùng thủy tận” (Mai Thảo) của tôi, của nhiều người. Tịnh là Yên mà Yên cũng là Tịnh, cũng là Yên. Tên đã như thơ. Thơ đã là tên. Thơ có phải là người? Một người có cái nhìn rất lặng lẽ, thoáng một chút lạc lõng trong đời sống, thoáng một chút hồ nghi, sợ hãi với cuộc đời. Có phải đúng là nàng đó không, người con gái tôi đã gặp trong một thoáng vội vã và chỉ một lần.

Hôm nay là ngày đầu của một năm mới. 1997 rồi đấy. Ngày đầu của năm mới có gì lạ. Không có điều gì mới lạ xảy đến cho tôi, từ nhiều năm rồi. Tuy nhiên, vì là ngày đầu tiên của

364 ngày còn lại, tôi gội đầu bằng bồ kết. Lựa một cái áo mầu tím than. Đeo hạt trai. Tôi vốn thích hạt trai nên cũng chẳng có một lựa chọn nào khác ngoài hạt trai. Trắng và đen. Ngọc trai và ngọc thạch, cả hai đã chẳng từng tượng trưng cho sự trân trọng mà đơn giản đó sao. Tôi thích cả hai, vì như thế và hôm nay, tôi tự tay đeo cho mình rồi sửa soạn mặt mũi chỉnh tề. Không để làm gì cả mà cũng chẳng để cho ai ngắm bởi tôi hiện tại, đúng là chỉ một mình.

Một mình nhưng không tuyệt vọng. Trái lại, tôi có lúc lại cảm thấy hình như rất hài lòng với cái sự việc một mình này. Quanh tôi rất... Tịnh và Yên... Chỉ có tiếng hát của chính tôi cất lên một bài tình ca. Trong lòng tôi hát. Tiếng hát chỉ mình tôi nghe thấy quyện lấy những câu thơ lục bát, bất ngờ tạo một sự êm ả khiến tôi dường như thấy mình đang ở ngoài cuộc sống này. Những tàn tro bay lên từ những tờ giấy vàng đốt trước một phần mộ lẻ loi đâu đó ở một nơi rất xa mà cũng rất gần. Một khuôn mặt. Nhiều khuôn mặt chập chờn vừa rõ nét đã vỡ tan ra trăm nghìn mảnh cùng sương khói.

Đám lục bình nằm lặng lẽ trong vũng nước bên cạnh con đường nhỏ tráng nhựa dưới chân đèo Hải Vân. Mầu tím của hoa cũng lặng lẽ vươn lên trên mầu xanh của lá. Hai hàng phượng vĩ giao nhau tỏa bóng mát cùng với gió, thổi bay những tà áo trinh nguyên. Gió lên. Gió lên. Gió lên cao nữa đi. Hai hàng phượng vĩ quấn quýt đan lấy nhau như vòng tay những người tình siết chặt. Phượng bay như mưa dưới gót chân rất hồng. Phượng bay như mưa. Mưa hồng. Tiếng lá e dè chạm vào nhau. Tiếng phượng rơi nhẹ trên mặt đường, êm như tiếng ru. Có nhiều đời người không bao giờ muốn thoát ra khỏi tiếng ru êm ái đó. Tôi cũng vậy.

Lục bát của Yên cũng êm như tiếng ru. Cũng đẹp như những cành phượng hồng ở quê nhà. Cũng lặng lẽ như mầu tím của đóa hoa nhỏ nhoi bên đường. Lục bát của Yên là một góc phố nhỏ cho riêng hai người yêu nhau. Lục bát Yên là một cuối đường khuất bóng. Lục bát Yên là tình yêu cuồng điên thơm mùi gối chăn da thịt. Một thứ tình yêu nhỏ máu chứ không nhỏ lệ. Lục bát Yên là ân tình được ném ra từ một bàn tay, mất hút biệt tăm trong vô cùng vô tận.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx