sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chủ Tịch Gia Đình

Ở đời có nhiều điều rất nhỏ. Nhỏ đến độ người ta không ai thèm để ý nữa. Tỷ như một hạt bụi bay trong không gian. Tỷ dụ như sợi tóc. Tỷ dụ như hạt mưa. Tỷ dụ như cơn gió thoảng. Tỷ dụ như giọt nước mắt.

Thật ra dù có thơ mộng thật, nó cũng chỉ là những điều nhỏ nhặt trong đời sống. Song có điều hạt bụi đôi khi làm ta chảy nước mắt, sợi tóc làm ta té cái đụi, giọt nước mắt làm tim ta đau nhói. Cho nên người ta cứ nhắc nhở đến những điều đó hoài và xem như nếu cuộc đời thiếu nó – những thứ đó – chúng ta sẽ chết lăn quay ra ngay.

Tôi cũng yêu thích những điều nhỏ nhặt đó. Nhỏ hơn thế nữa kìa. Nhỏ và lẩm cẩm bởi cái quan niệm của tôi, từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ, vốn đã không giống ai. Nên cái gì càng bị bỏ quên, lại chính là những cái tôi nhớ nhất. Không nhìn đâu xa cả. Ngay cạnh mình, trong đời sống mình, gia đình mình. Tất cả đều không lọt ra ngoài cái nhìn và sự suy nghĩ của tôi.

Chả là bà chị cả của tôi đi lấy chồng rất sớm. Chưa biết gì cả, chưa nhìn thấy người đàn ông thứ hai. Bố mẹ tôi đã gả đi mất tiêu, lúc chị vừa 16 tuổi. Ngày đám cưới, chị khóc như mưa. Mẹ tôi còn la mắng chị cho tới lúc người ta kéo chị đi. Lúc đó tôi 12 tuổi.

Chị tôi là một người hiền lành. Hiền đến gần như... đụt. Bao nhiêu cái hiền trong nhà, dường như đổ hết vào chị cùng những thiệt thòi. Nhưng chị rất giỏi. Công việc nấu ăn, rửa chén, giặt giũ. Một tay chị hết. Chị làm thoăn thoắt, từ việc này qua việc kia, không bao giờ ngơi tay. Thế mà lúc nào chị cũng cười. Chị chỉ biết khóc từ ngày bị lấy chồng.

Tôi dù nhỏ nhưng nhà đông người, cũng phải phụ chị và u già. Đến khi chị đi rồi, tôi mới cảm thấy sự có mặt của chị là quan trọng biết chừng nào, những lúc xách làn đi chợ, những lúc ngồi vò, xả hai chậu quần áo to đến nỗi tôi có thể nằm tắm trong đó. Tôi thù ghét cái bàn chải với những cổ tay, cổ áo đen ngòm. Rồi gấu quần, đũng quần. Chà mướt mồ hôi hột, rồi xả, rồi phơi, rồi xếp, rồi ủi. Ôi, phải chi đừng cần mặc quần áo gì cả, hoặc là quấn lá chuối, tôi sẽ đỡ khổ biết bao nhiêu. Tay tôi đâu đến nỗi to như lực sĩ cử tạ ngày nay.

Tôi lại thấy mẹ tôi, dù là chủ gia đình, có một bầy con dưới trướng mà nào có sướng gì đâu. Tối ngày bà la mắng, hết chuyện này tới chuyện nọ. Cái gì bà cũng không vừa ý. Nhìn và nghe mẹ. Tôi tự nhủ thầm không bao giờ tôi lấy chồng. Không bao giờ đẻ con. Bởi vì trong con mắt tôi lúc đó, có cái gì gọi là hạnh phúc gia đình như trong tiểu thuyết đâu.

Ấy rồi mà tôi bước theo vết xe đổ của chị tôi. Đến nỗi cho đến bây giờ, tôi còn ngạc nhiên vì cái nỗi tôi đã là chủ một gia đình. Cùng với những đứa con, những lo toan, những quay quắt giữa đám con và đời sống. Có điều tôi tránh được cho các con tôi những lời nặng nề mà ngày xưa tôi đã bị nghe và không bao giờ muốn lặp lại. Chẳng phải tôi... hay hơn mẹ tôi, nhưng hoàn cảnh mỗi ngày một khác. Cái gay gắt dứt da, dứt thịt Bắc kỳ đã bị Nam kỳ

hóa phần nào. Sau những năm đầu của cuộc di cư, đời sống tương đối ổn định hơn. Đó là cái thời tôi lớn, đã bị có con, biết đi làm kiếm tiền nuôi thân và nuôi con.

Tuy vậy tôi vẫn chưa đủ tiêu chuẩn để làm chủ một gia đình với hai đứa con. Lý do, tôi vẫn còn quá nhỏ. Lại nữa, tôi có một người giúp việc, một người trông con. Thực sự tay tôi chẳng mấy khi phải thò ra thái thịt, giặt quần áo như ngày nào. Cho tới ngày đứt phim. Ấy có đứt phim rồi mới biết đời nhau. Chứ cứ ngồi nhìn ra ngoài, phán như thánh phán, như con ếch ngồi dưới đáy giếng, thì còn chuyện gì để mà nói, còn biết cái gì mà nói. Kinh nghiệm xương máu hay không, phải chính mình trải qua, mới định được giá trị của nó, mới mở mắt ra để thấy rằng đôi khi mình không bằng cả một... hạt bụi.

Bây giờ thì tôi đang ở trong cái nỗi sợ của tôi ngày 16 tuổi. Làm chủ thực sự một gia đình. Có nghĩa là từ lọ nước mắm đến hạt muối. Từ cuộn giấy chùi đến cục xà bông. Từ cái nồi, cái chén, cái ly, cái ghế, cái giường. Từ chai thuốc gội đầu, kem đánh răng, khăn mặt đến thuốc rửa chén, chùi cầu tiêu. Cái giống gì tôi cũng... chõ mũi vào. Đây là tôi gạt chuyện dài các ông con, bà con để dành dịp khác, mà chỉ nói đến những công việc của một chủ gia đình kiêm sến nương.

Con gái ở Việt Nam ngày xưa, cỡ 10 tuổi là nhờ cậy được rồi, là đã đi chợ, rửa chén, lo việc nhà chết cha mồ tổ, cũng được đi học nhưng phải làm cái đã. Anh nào cũng phải làm cả. Mấy ai có diễm phúc như bác Lâu girl, chả bao giờ đụng móng tay, đi học còn có tài xế đưa mợ đi, đón mợ về. Cho đến lúc mợ... lỡ dại mê nét đẹp trai Bắc kỳ và tài tán gái có một không hai của bác Lâu boy.

Cơm nước, rửa chén thì tôi nói đã nhiều rồi, gợi lại vết thương lòng làm gì. Còn một công việc nữa, mà với tôi cũng là cơn ác mộng. Giặt quần áo. Đồng ý, ở đây chỉ gom đồ lại. Trắng ra trắng, đen vào với đen, thảy vào máy, đổ xà bông, vặn nút là xong. Nửa tiếng đồng hồ sau, lôi ra thảy qua bên máy sấy. Nửa tiếng đồng hồ nữa, lại lôi từ máy sấy lên nhà xếp lại. Giản dị, tiện lợi biết bao nhiêu. Hiện đại biết bao nhiêu. Văn minh mà.

Nhưng, bây giờ mới đến cái tôi định nói. Cái nhỏ nhất mà làm tôi bực mình nhất. Quần áo thì không nói làm gì nhưng hễ cứ đụng đen vớ (bí tất ấy mà) là không ổn rồi. Khi bỏ vào giặt, bỏ cả đôi. Giặt xong, mất mẹ nó một chiếc. Tìm hoài không ra. Một đống vớ, cái ông, cái con, cái ngắn, cái dài, cái đỏ, cái xanh. Thế có điên gà không cơ chứ. Tìm mãi mất thì giờ, đành gom một đống để đó, hy vọng tìm lại được đủ đôi đủ cặp.

Đống vớ cứ ngày càng nhiều, dĩ nhiên toàn là cọc cạch. Chờ hoài. Tìm hoài, cũng không ra. Không biết nó lọt đi đằng nào? Nó tàng hình được à? Nó bay được sao? Hay người hành tinh thiếu vớ, lén xuống vồ mất rồi. Mà chả lẽ cứ để hoài cái đống vớ đủ cỡ đủ màu đó. Đành bấm bụng liệng đi, thì ngay sau đó những chiếc vớ lạc loài, tìm đỏ con mắt bấy lâu, xuất hiện. Từng chiếc và từng chiếc. Làm gì bây giờ? Ăn nó à? Nói thật các bà thương, giá mà ăn nó được, tôi cũng nuốt lâu rồi.

Xong chuyện vớ, tới chuyện lược. Nhà nào lại không có lược. Anh chị nào lại không phải chải đầu, dù tóc ngắn, dài, quăn hay thẳng, đen hay bạc. Lược ở đây đủ kiểu, đủ size cho mọi kiểu tóc, nhưng hễ cứ thò cái nào ra là y như rằng nhiều lắm thì được hai ngày, đã

biến mất. Cũng không biết nó chui lỗ nào. Sáng sáng, nào là chồng hỏi lược, nào là con lục lọi tìm lược. Mà hễ khi biến mất, chúng biến mất tập thể. Bói không ra một cái.

Nội nhà tôi là bốn kiểu đầu khác nhau. Tôi thì dễ thôi, không lược lấy tay cào vài cái, cột lại hoặc bới lên cũng chẳng khác nào vừa chải. Lịch sự chán. Tóc Đoan ngắn, lẽ ra cũng... không cần. Vậy mà cứ loay hoay tìm. Cái lược của anh vừa để đây... hôm nọ, ai lại lấy mất rồi. Ai lấy? Nhà có bốn mống, vô lý ma nó lấy. Misa cũng gần như tôi là không cần lược, chị này đàn bà, con gái mà như đàn ông. Tóc ngắn lại ít, chải hay không chải, có gì khác đâu. Chỉ có Hố Nai. Sáng nào cũng tắm, gội, chải, sấy, uốn, ép cả tiếng đồng hồ trong buồng tắm. Cậu còn xịt keo nữa mới ghê các cụ ạ.

Nhưng mà cho dù có như vậy đi chăng nữa thì những cái lược nó cũng phải nằm đâu đó thôi chứ. Đằng này nó biến luôn. Và cũng như vớ vậy. Mất lược thì phải đi mua cái khác. Vừa mua xong, ở đâu nó lù lù hiện ra trước mặt. Rồi cứ như thế, hết vớ lại tới lược. Bây giờ những đôi vớ cọc cạch tôi không vứt đi nữa, để mang lúc tập thể thao. Ở trong phòng, ở trong giầy ai mà thấy. Cái viền xanh, cái viền vàng. Tôi cuộn nó xuống, thế là xong ngay. Mà có mang đi ngủ buổi tối, cũng không sợ ai giở mền mình lên để xem mình mang vớ gì.

Chưa hết đâu. Muỗng nữa. Muỗng là tiếng Bắc. Cái muỗng múc canh to hơn cái muỗng café, gọi là cái thìa. Và nĩa. Khi mua, đương nhiên ai cũng mua cả chục hoặc ít lắm cũng nửa chục, chứ có ai mua lẻ hai ba cái. Ăn rồi rửa. Rửa rồi cất vào ngăn kéo để muỗng, nĩa, đũa. Ấy vậy mà... chuột đầu đen cũng không tha. Nhưng mà nó chui ngõ nào? Nó đâu phải cái kim, sợi chỉ mà bảo là dễ lọt lỗ. Thế là dao, muỗng, nĩa cũng cọc cạch như vớ vậy và rồi cũng bất chợt thấy lại nó như khi bất chợt mất nó. Ly kỳ thật.

Có một cái rất cần. Ai cũng cần, lúc nào cũng cần. Đó là tăm thì đó lại là cái mà tôi hay quên mua nhất. Gần như ngày nào tụi tôi cũng đi chợ. Không chia nước ngọt thì vỉ trứng. Không bó hành thì hộp sữa. Không miếng thịt thì con cá. Nhưng mà tăm thì cứ quên. Nhất định quên là quên mặc dù ngay trước khi đẩy xe đồ ăn lại quầy tính tiền, tụi tôi dặn nhau nhớ lấy hộp tăm nhưng mà rồi về đến nhà lại vẫn là không. Thì tại đứa này ỷ y đứa kia sẽ lấy, nên sau cùng cả hai đều quên.

Đó, toàn là những chuyện nhỏ nhặt không đáng gì nhưng nó luôn luôn hiện diện làm mình bực bội không ít. Và cũng ít người nghĩ ra rằng chính vì nó có những điều chẳng đáng gì, mà nhiều khi lại thành lớn chuyện. Thì có gì đâu, tất cả đã là một thói quen gắn bó với đời sống của chúng ta. Không thể thiếu được, cũng cần thiết như da thịt, như tình yêu, như nghĩa vợ chồng đã ràng buộc, cột chung ta lại thành một khối. Và trong tình nghĩa vợ chồng, gia đình, mũi kim, sợi chỉ cũng không thể thiếu được.

Bây giờ thì tôi thực sự thấm đòn sau mấy chục năm làm chủ gia đình. Chủ đây xin hiểu theo nghĩa là sến. Tôi vẫn còn nguyên một số bất đồng ý kiến với mẹ tôi. Nhưng có những điều tôi có thể hiểu được, và trong những điều hiểu được đó, tôi thương mẹ tôi. Từ thương mẹ. Tôi thương tôi. Từ thương tôi, tôi thương tất cả mọi người đàn bà.

Nếu có kiếp sau, tôi cũng rất không ngoa xin tiếp tục làm... ca sĩ. Nhưng cái chức chủ tịch gia đình thì xin cho em kiếu. Ăn cái giải gì? Phải chi được lãnh lương cao, được ăn trên

ngồi trước, được chỉ tay năm ngón bảo là em còn ham, còn chịu đấm ăn xôi. Đằng này. Ăn gì? Ăn măng ấy à?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx