sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chuyện Đàn Bà

Đàn bà, con gái Việt Nam từ ngày rời xa quê nhà, sang xứ lạ thật đã chịu nhiều thay đổi, gần như toàn diện. Rất ít người được giữ nguyên bản chất ngày xưa của mình. Địa vị trong gia đình được nâng lên ngang với chồng, vốn luôn luôn là chủ gia đình. Được tham gia vào đời sống xã hội như tất cả mọi người... đàn ông. Trong gia đình, được chồng cho tham dự vào liên hệ kinh tế, được cùng chồng tham khảo, bàn tính về những dự tính làm ăn lớn, nhỏ hay những thay đổi nơi ăn, chốn ở. Được phép có ý kiến với chồng về việc giáo dục con cái. Đàn bà vẫn là... đàn bà. Nhưng không bị đè bẹp bởi người chồng với cái thành kiến trọng nam khinh nữ của người Việt Nam và đàn bà đã không còn đơn thuần là một cái... máy đẻ, một vú em, một con sen.

Được như vậy sau một cuộc đổi đời, kể ra cũng mãn nguyện lắm rồi. Riêng tôi, không còn một đòi hỏi nào. Song những thay đổi đó có tính cách... quốc gia đại sự. Cạnh đó là hằng hà sa số những thay đổi rất... đàn bà mà cũng rất là quan trọng. Đàn bà là một sinh vật được sinh ra để làm... đẹp cho cuộc đời, để an ủi người Adam, để sinh con đẻ cái gìn giữ cái... giống nòi. Người đàn bà là bóng dáng của hạnh phúc mà trong đó ấn chứa những... rắc rối của cuộc đời. Một ông Tây đã làm phim “Et Dieu créa la femme” (Và Chúa đã sinh ra đàn bà). Rồi các ông Tây lại suy diễn thêm từ đó “Et la femme créa la salade” (Và người đàn bà đã... làm ra đĩa sa-lát). Loại sa-lát trộn. Tùm lum thứ ở trỏng.

Người Mỹ luận về đàn bà ra sao, tôi không biết chứ ông Lâu thỉnh thoảng lại chép miệng. Đàn bà... rắc rối bỏ mẹ. Ông Thiện nhẹ nhàng... không biết được các bà ra làm sao. Ông Thiêng lắc đầu... đàn bà là một... thứ... tàn nhẫn nhất. Ông Lâu ơi, đàn bà không rắc rối không phải là... đàn bà, mà đàn ông các ông cũng chưa chắc không rắc rối như... đàn bà, có khi còn hơn... đàn bà nữa. Ông Thiện làm sao biết, làm sao hiểu được đàn bà. Nếu ông biết, nếu ông hiểu thì ông đã chỉ yêu mấy con ngựa bốn chân mà thôi chứ ông đâu có yêu vòng vòng cái kiểu... one way street như ông đã yêu. Còn ông Thiêng, tôi không thấy ai tàn nhẫn với ông, chỉ thấy ông dứt là dứt, hết là hết. Thấy cần, thấy nên là chấm dứt. Thế thì ông tàn nhẫn với đàn bà chứ đừng đổ thừa nghe ông thầy.

Tôi đồng ý hoàn toàn về nhận xét của ba ông, kể cả của thầy Thiêng vì nói thì nói chứ tôi cũng biết đàn bà lúc cần xuống tay là xuống đẹp. Không thương tiếc. Song dù gì đi nữa tôi vẫn bênh vực đàn bà bởi đàn bà... nhỏ bé, mong manh đáng yêu và đáng được... tha thứ mọi lỗi lầm rắc rối... nếu có.

Trong khi các ông lo việc... quốc gia đại sự, bù đầu vì họp hành bầu bán thì đàn bà chúng tôi cũng có những mối lo phải... lo, phải sợ. Sợ mập, sợ xấu, sợ già, sợ chửa đẻ, nuôi con ở xứ này. Sợ cao máu, sợ ung thư và sợ... rụng tóc. Trong tất cả các mối lo này, tôi sợ nhất là... mập và... rụng tóc.

Thời con gái, nghĩa là cách đây 30 năm, tóc tôi đẹp lắm. Dầy, đen và mượt. Nhìn vào chả được cái gì ngoài mái tóc rất dài. Lúc tôi mới ngoài 30, tóc vẫn còn dầy, còn đẹp, đó là nhờ

gội đầu bằng chùm kết, chanh và nước mưa, nước giếng. Mỹ làm gì có chùm kết, có giếng, mưa thì một năm được một ngày, mưa lún phún đến bực mình, hứng không đầy một bàn tay. Nhập gia tùy... thủ tục, ai sao mình vậy. Thuốc gội đầu đủ mọi hiệu bán đầy chợ, hiệu nào cũng quảng cáo là nuôi tóc, là mọc tóc. Mua đại, gội đại chứ biết tin vào loại nào bây giờ. Và kết quả là tóc cứ dần dần rơi rụng theo ngày tháng. Đổi cả chục loại thuốc mà mỗi lần gội đầu tôi muốn khóc. Gội cũng rụng, chải cũng rớt cả nắm... Uốn quăn cho nó có vẻ nhiều. Đoan không chịu. Misa không chịu và khổ nhất là đối với khán thính giả, tôi không thể thiếu mái tóc quen thuộc. Tóc và tôi từ bao năm nay đã là như thế.

Đội tóc giả chụp một cái hình cũng đã gây bàn tán xuýt xoa. Trẻ thì có trẻ ra nhưng không còn là... tôi nữa. Bà con không chịu. Lại cày cục đi tìm hỏi thuốc... bôi đâu mọc đấy, kẻo cái... phi đạo trên đường ngôi đã rõ nét quá. Ai chỉ thứ gì mua thứ đó. Mua gội rồi đổi mua thứ khác. Mỗi loại hai, ba chai, để đầy cả phòng tắm. Cũng không... ăn thua gì cả. Tiền cứ tốn mà tóc cứ rụng như thường. Phải nói là tôi quý, tôi thương mái tóc của tôi nhất vì như đã nói, ngoài mái tóc ra, tôi không có gì đẹp cả, và ngày nào tôi còn được đứng trên sân khấu, tôi còn phải giữ mái tóc rất... old fashion này, mái tóc rất nhà quê mà tôi rất yêu.

Tuy nhiên tôi cũng hiểu là khi tuổi đã lớn, không có gì bổ dưỡng (vì tôi diet tối đa) thì từ da mặt đến tóc cũng không thể nào tốt tươi như thời con gái. Mỹ phẩm tôi không xài. Mỹ viện tôi không tới. Thuốc bổ tôi không uống. Ăn toàn thứ độc hại như... cà, sầu riêng, hồng. Toàn những thứ để lại trên da mặt tôi những tàn phá. Da mặt... Đoan tốt hơn tôi. Tóc Đoan dầy không tưởng được. Cứ phải vuốt cho... rụng bớt vì nhiều tóc, nhiều tội. Và Đoan chỉ gội đầu bằng... baby shampoo trong khi tôi tốn biết bao công sức đi tìm thuốc mọc tóc.

Bây giờ, lần này là lần chót, tôi vào ngay tiệm thuốc Tây của người Việt Nam và hỏi mua thuốc gội đầu. Được hay không được như ý tôi cũng không bao giờ nghe ai để phải tốn tiền nữa. Kỳ rồi hát ở San Jose, Hà Cẩm Tú cho tôi một bộ tóc giả. Đội vào coi ngộ lắm. Lúc nào cần sẽ xài. Tuy vậy trong thâm tâm tôi vẫn mong là không đến nỗi và sẽ có một lúc nào đó, mọi người cho phép tôi đổi kiểu tóc vì chẳng lẽ đã gần năm bó rồi mà từ năm đến sáu bó không lâu lắm đâu, tôi cứ để tóc thề hoài.

Phải công tâm mà nói, tôi là cái... rắc rối nhất trong gia đình. Đoan, Misa, Cu đều công nhận. Nội cái vụ rụng tóc của tôi cũng đã làm khổ chồng con. Tóc rụng cùng khắp mọi nơi. Tóc làm hư luôn máy hút bụi và mỗi lần gửi băng đi, Đoan cứ cằn nhằn tóc tôi dính đầy băng keo dán trên thùng băng. Phải gỡ ra dán lại trông rất là... quái đản và bất lịch sự.

Khi nấu cơm, tôi bới hoặc cột ngược tóc lên như mấy bà... đánh ghen để mọi người khỏi ăn phải tóc tôi. Có lẽ đây là nỗi khổ tâm nhất của tôi từ mười mấy năm qua và các ông cho là... rắc rối.

Một trong những yếu điểm của đàn bà là hay lo. Lo cả những chuyện không đáng lo. Rồi từ chỗ đó làm khổ chồng con và làm khổ chính mình. Tôi lo cho các con tôi... lấy Mỹ. Lại ông Lâu. “Các bà cứ lo con bò trắng răng, tụi nó yêu ai thì cho nó lấy, có gì đâu, chứ bộ Mỹ nó không phải là... người à.” “Đồng ý nhưng giá mà tụi nó lấy... người mình thì được hơn.” “Vẽ. Người mình thì đã chắc gì hay, Mỹ thì đã chắc gì xấu.” “Ừ... nhưng...” “Không nhưng, không nhị gì cả, tụi nó lớn, nó ưng ai là quyền tụi nó, ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, giờ tụi

nó đặt đâu mình ngồi đó.” Tôi nghe mà cay đắng trong lòng. Đoan cũng phải chịu điều ông Lâu nói là đúng. Nhưng con tôi mà, núm ruột của tôi mà. Con tôi mà lấy chồng, lấy vợ Mỹ, Mễ, Tây, Tầu chắc chắn là tôi phải buồn. Cái này thì các ông không thể cấm chúng tôi được.

Hãy tưởng tượng trong nhà có ông rể Mỹ. Ra nó... vỗ đít bố vợ một cái “Hi Dad”, vào nó vỗ vai mẹ vợ “Hi Mom” thì chỉ... có thác. Mỹ nó tự nhiên mà, tụi nó coi chuyện đó là thường, với người mình thì không được. Đó là chưa kể tới cái màn trưa hè nóng nực, thằng rể chỉ trần xì một cái quần đùi nhỏ xíu, phơi nguyên bộ ngực lông lá như đười ươi trước mặt bố mẹ vợ. Chuyện đó cũng thường đối với Mỹ. Và nếu ở chung một nhà thì không thể không... điên lên được. Hoặc một cô con dâu Mỹ, đeo lấy bố chồng hôn chùn chụt “good morning”, xem mẹ chồng như người ở. Buồn buồn nàng... chơi một bộ bikini nhỏ bằng... nửa bàn tay, nằm chần dần giữa vườn phơi nắng. Phơi hết cả sự đời ra trước mắt bố mẹ chồng.

Ôi chỉ mới tưởng tượng thôi mà tóc tôi dù đã rất thưa, cũng dựng lên như gặp ma ấy thôi. Tôi là loại người không đến nỗi cổ lỗ sĩ. Trái lại là khác nhưng ở một điểm nào đó trong tình yêu của tôi dành cho các con tôi. Ước mơ của tôi là được ôm những đứa cháu nội, cháu ngoại cùng màu da. Tôi vẫn thấy “cái” tình nghĩa vợ chồng “nó” đằm thắm, thủy chung hơn. Tình yêu nếu chỉ đơn thuần là cái giường và kiểu tiền anh, tiền tôi thì đó chỉ là tình dục mà thôi. Như hai con thú tìm đến nhau. Mà Mỹ hình như đa số sống theo cái lối đó, đến với nhau theo lối đó. Đông và Tây muôn đời không bao giờ gặp nhau ở điểm này.

Tôi may mắn đã có cháu nội tóc đen, da vàng. Song còn hai trự nhỏ. Biết ra sao ngày sau. Tụi nó còn nhỏ nhưng rồi sẽ lớn, sẽ phải dựng vợ gả chồng. Biết có được như điều mình mong không. Nếu bảo rằng tôi quá lo hay quá sớm để mà suy nghĩ thì điều đó không đúng. Bởi tôi yêu con và dù tôi không được quyền tham dự vào gia đình hạnh phúc của con nhưng rủi mà có đứa khổ, bộ tôi vui được sao, tôi ngồi yên được sao. Có thể là khi con tôi đã có vợ có chồng, không cần đến mẹ nữa. Tôi chấp nhận mà vẫn nghĩ đến con.

Cái vấn đề là làm sao cắt nghĩa cho con hiểu điều mình mơ ước, làm sao hướng dẫn con trở về nguồn. Không dễ như có người đã nghĩ. Hoặc thôi thì nó yêu thương ai nó lấy người đó cũng như mình ngày xưa vậy. Khi yêu rồi, có ai nói mà nghe. Thời này không còn ai mỉa mai người lấy Tây lấy Mỹ nữa. Nhưng phải lấy những người tử tế kìa. Thì cũng chỉ cầu mong có nhiêu đó. Đời nó lấy cho nó chứ phải cho mình đâu mà... rắc rối.

Thế rồi, cuối cùng những lo lắng của tôi và các bạn tôi vẫn cứ... dậm chân tại chỗ. Chịu. Tụi nhỏ sinh ra và lớn lên ở đất nước này, chịu ảnh hưởng nhiều nền giáo dục ở đây. Đa số đã bị Mỹ hóa. Đó là điều không thể tránh. Vả lại, biết đâu mình chẳng... sai. Đã có những cặp vợ chồng Mỹ Việt sống rất hạnh phúc, rất nề nếp, đâu ra đó. Có thấy ai than phiền về dâu, rể Mỹ đâu. Xem ra người Mỹ lại có vẻ lấy làm hân hạnh được sui gia với Mít. Các anh chị Mỹ coi các đấng chồng vợ Mít như thần tượng hầu hạ kỹ lưỡng, thêm phần ga lăng hơn cái ông Mít.

Ai đúng, ai sai? Ôi người lớn có cái đúng, cái sai của người lớn. Tuổi trẻ có cái đúng cái sai của tuổi trẻ. Phải chăng tôi càng lớn, cái óc càng nhỏ lại nên mới có những suy nghĩ quá sức rắc rối về từng sợi tóc rơi rớt theo tuổi đời đến hạnh phúc của một thế hệ... không cần đến sự quan tâm của một người như tôi. Bác Lâu nói đúng. “Các bà chỉ lo con bò trắng răng.”

Tôi chưa bao giờ thấy răng con bò nhưng nhìn vào gương, cười với mình. Tôi nghĩ có lẽ răng con bò trắng thật. Ít ra cũng... hơn tôi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx