sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bằng Cả Trái Tim

Hoàn thành một cuốn băng với ai thì tôi không biết. Riêng tôi, nó khó khăn, vất vả như đàn bà đẻ. Mà cũng có thể nói như vậy được. Ðây là một đứa con, đã cưu mang hơn 9 tháng 10 ngày. Gẫm lại thấy còn chậm hơn chứ không dễ dàng như khi bỏ cuốn băng vào máy, hay cho ra đời một đứa con.

Với một người đàn bà bình thường, cứ có bầu đủ 9 tháng là... xổ bầu. Nhẹ nhõm ngay. Ngay cả đến cái chuyện chẳng may phải mổ, hoặc vì muốn làm đẹp nên mổ chứ không sanh bình thường, cũng rất là mau lẹ. Xoẹt một cái là xong. Ở Mỹ, họ mổ như mổ gà vậy mà. Bốn ngày sau, sản phụ đi lại bình thường. Như tôi ngày xưa, cũng chỉ 4 ngày sau khi mổ, tay ôm bụng, tay ôm con, rửa chén, nấu cơm, đánh dấu bài, chùi nhà, giặt quần áo.

Ðó là chuyện của đàn bà, còn cái này, tuy cũng là chuyện đàn bà, nhưng đứa con tinh thần coi bộ hơi khó nuôi. Tôi thai nghén project “Thương Ca Chiến Trường” này đã hai năm nay. Ði lên, đi xuống phòng thâu không biết mấy chục lần rồi. Ðã phát hành bên Úc. Rồi lại thêm nhạc, mix lại. Chỉ thấy tiền ra, chưa thấy một xu nào về. Mong có tí tiền còm đặng trả nợ. Dù bạn không đòi song phải thấy nhột.

Nhờ ba tuần lễ ở nhà, tôi hoàn tất được 4 trong 15 projects đã thâu nhạc sẵn, có cái thâu hát lại. Hát phải có hứng mới hát ra. Không phải lúc nào cũng hát được. Thường tụi tôi hay về chiều chủ nhật, phải mấy ngày sau mới lại hồn, lại giọng. Thứ ba, phòng thâu kêu cho hay có giờ trống. Ðầu óc tôi còn quay cuồng với chuyến đi. Tai còn ù, giọng khào khào như vịt, hơi hám chạy đằng nào hết không biết. Phải thâu trong tình trạng đó có khác nào... cởi áo không cho la. Hát xong 12, 14 bài. Nghe lại, sao dở thế. Thôi để đó, sẽ thâu lại. Mà cứ đi hoài thì biết chừng nào mới xong.

Cái đám hỏi cô Hiền, em gái út của Ðoan, đã định ngày, nhưng ông anh nhớ lộn, làm tôi bỏ show ở nhà vì là dâu trưởng, nên mẹ tôi muốn tôi phải có mặt. Hiền nói...“Chị ráng ở nhà, một đời em có một lần”. Nhờ vậy mà tôi... bị ở nhà và nhờ vậy mà tôi có thì giờ hát lại đàng hoàng 4 projects. Cứ 3 giờ chiều, tôi ra khỏi nhà, có khi 4 giờ sáng mới bò về tới nhà. Ðoan thì lo mix cuốn Buồn Tàn Thu, 16 bài lọc lại còn 12 bài. Tôi chơi bạo thêm một cuốn nữa với hòa âm của thầy Thiêng. Tội nghiệp thầy Thiện, tối nào cũng ghé phòng thâu coi con nhỏ hát ra làm sao, mà đã chỉ cho hát ngay từ lúc thâu basic. Ðã ghi sẵn hết rồi, hát qua một lần rồi. Giờ thâu lại, thầy vẫn đến... “Có anh ở đó, ít ra khi em hát, có người hiểu em hát cái gì. John rất giỏi, tuy có thể thay anh chỉ dẫn những chỗ sai, nhưng người Mỹ, họ có biết mình hát cái gì đâu? Ðiều đó cũng làm tụi em không có fi-lình khi hát...”.

Ðối với những ca sĩ già (nói theo Lan Làng Văn), nhịp nhàng ở trong đầu chúng tôi, dù không giỏi nhạc, không tốt nghiệp ở trường (có nghĩa là... ít học như anh Trần Quang Hải đã viết trên báo). Song ông Trời cho chúng tôi cái lỗ tai cộng thêm mớ kinh nghiệm tròm trèm 30 năm. Ðưa bất cứ thể điệu nào chúng tôi cũng cân hồ ráo. Giọng hát có, nhịp nhàng vững. Chưa đủ. Không đủ. Phải hát bằng tất cả rung động của trái tim, như “Yêu anh bằng trái tim

em” vậy. Có thế người ca sĩ mới chuyển đạt được đến người nghe tất cả những ý, tình, người viết gửi gấm, ký thác ở tác phẩm của họ. Ca sĩ là cái gạch nối giữa người viết và người nghe.

Hát bằng cả trái tim mình. Thoạt nghe thì rất dễ, mà không phải vậy. Giọng hát hay, kỹ thuật cao, giỏi nhạc, tốt nghiệp ở một tỷ trường âm nhạc cũng không hay bằng một tiếng hát được cất lên từ một trái tim luôn rực lửa yêu và đam mê. Ðam mê đây là mê hát chứ không phải là mê... hoảng.

Như tôi thích nghe Tuấn Vũ, bởi trong giọng hát đó tôi “nhìn thấy”, cảm nhận được nỗi cô đơn buồn bã. Tiếng hát Carol Kim, tôi nghe như tiếng kêu thảm thiết, thống khổ của một kiếp người. Nỗi cô đơn buồn bã, nỗi thống khổ thê thiết kia ở trong tiếng hát, bung ra từ một trái tim, òa vỡ, tan biến vào tâm tư người nghe. Ðọng lại ở đó, thành một khối buồn, không bao giờ tan. Như khối buồn Trương Chi, song nước mắt Mỵ Nương của thế kỷ 20 này, nếu có, cũng không đủ sức làm tan vỡ.

Tôi rất thích nghe các bạn tôi hát. Và thật là kỳ quái, tôi không bao giờ nghe... tôi hát cả. Chỉ thỉnh thoảng, ở trên xe, nghe cuốn băng mới thâu, vừa mix xong để tìm khuyết điểm. Ðể bạn bè nghe, phê bình, trước khi phát hành rồi... thôi. Vì sao? Vì tôi nghĩ rằng tại sao như vậy? Tôi còn có thể... khá hơn được chứ. Và tôi làm lại. Cho dù cuốn băng đó được thâu từ năm 1985, giờ tôi thâu lại với lòng tự tin. Tôi sẽ hát... tới hơn, bởi giờ tôi đã... chín. Và như một ngọn đèn trước khi tắt bao giờ cũng bừng sáng dữ dội. Tôi yêu hát như chưa bao giờ yêu như thế.

Biết đâu chừng ngày mai, tôi không còn thức dậy nữa. Biết đâu chừng sáng mai tiếng hát từ giã tôi mà đi. Biết đâu chừng, sáng mai mọi người quay lưng lại tôi. Biết đâu chừng... biết đâu chừng. Ðiều gì cũng có thể xảy ra được. Thế cho nên ngày nào tôi cũng ôm nhạc đi. Ngày nào tôi cũng gân cổ, nhắm mắt, nhắm mũi lại mà hát. Như chưa bao giờ được hát. Như sợ không còn hát được nữa. Ôi, tôi yêu cái bài hát, cái micro, cái phòng thâu biết là bao nhiêu.

Trong suốt đời tôi, tôi chỉ có thể làm được một việc khả dĩ có thể được mọi người, mọi giới chấp nhận. Ðó là việc tôi đã bắt đầu và liên tục làm trong vòng 32 năm. Hát. Chưa một phút nào cảm thấy chán. Có phải con tim tôi còn mềm sau bao đoạn trường? Có phải tôi đã rõ cuộc đời vốn không thể khác, tôi đã trải qua khỏi bể oan cừu, qua khỏi bến mê? Có phải tôi đã sống trong cái tâm “...Buồn vui kia là một. Như quên trong nỗi nhớ” (Trịnh Công Sơn).

Không biết. Chỉ thấy tôi càng ngày càng tha thiết với mọi người, với cuộc đời. Dù ai đó có muốn gạt tôi ra bên lề cuộc sống chung, tôi vẫn tha thiết xin cho được sống cùng, sống cho, sống với. Tôi điên rồi sao? Không, tôi không bao giờ điên. Và chưa bao giờ tỉnh để nhìn rõ mọi sự việc như bây giờ. Lòng tôi thanh thản quá. Tâm tôi yên tĩnh quá. Không hề có một chút bối rối, vọng động.

Không hiểu tháng này là tháng gì mà sao lắm tin vui. Vui từ trong ra ngoài. Cái mặt tôi vốn đã khó nhìn, thấy mình cười toe trong gương, cũng đành phải công nhận là... khó ưa thật. Nhưng mà tôi vui thì phải cho tôi cười chứ vì dù sao thì, với tôi, cười cũng dễ chịu hơn là khóc. Xấu lắm và mau già nữa.

Tôi vui vì sau bao nhiêu cố gắng, bao nhiêu mệt mỏi, băng nhạc Thương Ca Chiến Trường của tôi đã hoàn tất, cùng một lúc với CD Tình Nhớ. Vui vì Ly Cơ rất chịu khó, tiếp tục học thêm, tiếp tục gọi về thăm mẹ. Giọng con tôi ngọt như đường cát, mát như đường phèn... “I love you mom...”, bao giờ cũng vậy trước khi cúp điện thoại. Cu Hố Nai thì đã quen trường, quen nếp sống nội trú hắc ám. Trước khi trở lại trường bao giờ cũng ôm hôn mẹ. Misa tối ngày đi học giáo lý, đi nhà thờ, và nghe nhạc đạo nhiều hơn. Hai mẹ con càng ngày càng trở thành hai người bạn thân thiết và nhiều cảm thông.

Còn Hố Nai lớn của tôi vẫn chịu khó chịu đựng con vợ... điên của mình, cùng sự mè nhèo của hai đứa con. Tụi nó muốn gì thì cứ nhè Ðoan mà đòi, tôi có biết thì cũng cười trừ mà thôi. Mình ăn thì hết, con ăn thì còn. Vui với con, vui vì có thêm hai người bạn nhỏ. Mà ở hai người vừa là con, vừa là bạn, tôi đã học được rất nhiều điều. Cái mà tôi thích nhất là sự hồn nhiên. Ðiều này tôi không có khi còn trẻ, song lại rất có lợi cho tôi ở tuổi này.

Tôi còn vui vì cái nỗi xách va-li lêu bêu hết phi trường này đến phi trường khác, đi thiếu điều muốn... lé mắt luôn. Thế mà vẫn cười. Thì đã gọi là... hồn nhiên mà lỵ. Vui mà cười là sự thường. Mệt cũng cười cho quên mệt. Cứ xem như không có gì... mệt cả thì sẽ không mệt. Cứ coi như không có gì khổ cả thì sẽ... sướng. Cứ... tưởng là mình giàu thì sẽ không nghèo. Cứ cho là mình... mù, điếc, câm thì cuộc đời lúc nào cũng đáng yêu, đáng sống.

Bây giờ, sau khi đã hoàn tất công việc, cứ coi như thế đi, tôi ngồi một mình gõ bài cho Thời Báo bên cạnh hai cái va-li nặng và to như gò Ðống Ða. Tôi sẽ đánh vật với chúng bằng hai cánh tay đã yếu dần theo ngày tháng. Vài tiếng đồng hồ nữa thôi tôi sẽ lên đường đi thăm lại phố phường Paris. Tìm lại một chút mơ mộng của cái thuở biết yêu lần đầu, trong một quán café bên sông Seine, tìm lại một góc Sài Gòn, một chút Huế, một tí Ðà Lạt trong buổi chiều heo hắt nắng, lành lạnh nhẹ. Một mình đôi lúc cũng chưa hẳn là buồn.

Thật vậy, có nhiều điều chỉ có mình “cảm nhận” được. Và chỉ “cảm nhận” được khi chỉ có một mình. Không có gì quan trọng cả, chỉ là những điều rất nhỏ, rất tầm thường trong đời sống nhưng lại rất cần thiết cho một người như tôi. Sống lãng đãng giữa đời. Tuy tôi ăn nói có đôi lúc rất... trần tục, nhưng lại luôn luôn thèm khát một cuộc sống thơ mộng, một tình yêu thanh thoát, đẹp đẽ, nên thơ. Ấy có thể vì tôi vào đời sớm nhưng lại biết yêu quá trễ. Giờ tôi cố gắng gìn giữ hạnh phúc nhỏ nhoi của mình, làm sao như ngày đầu. Lúc nào cũng như ngày đầu.

Không dễ gì mà làm nổi đâu. Ở một nơi như cái gì cũng vuông vức, cái gì cũng bấm bằng máy, tính bằng giờ. Nhìn quanh, thấy đời sống trần trụi như một người không mặc quần áo, khó khăn, vô tình như xa lộ nhiều ngả rẽ, những lòng sông quanh năm không có một giọt nước, nằm phơi lòng cạn cợt dưới chân cầu. Ôi, dễ gì có được một chút nhỏ nhoi yêu dấu kia.

Tôi đã mất 16 năm, tiêu xài trọn vẹn khoảng thời gian 16 năm và bây giờ tôi có thêm những người bạn không ai có thể thay thế được... Ðoan và các con tôi. 16 năm dài, quá dài để đợi cho được điều mình muốn. Ðoan luôn luôn là một người... tình, hơn là một người chồng. Dĩ nhiên không thể nào là người tình thuở 17, 18. Vẫn có cái khác lạ. Một người tình trong một người chồng.

Ðoan phải cho tôi điều tôi mơ ước. Thật không dễ dàng gì... cũng “hoàn cảnh” lắm chứ chẳng chơi sao. Song Ðoan đã làm được việc đó bởi chỉ có Ðoan mới thấy rõ những điều tôi giấu kín trong lòng, trong đó có điều tôi ước mơ. Tôi không hề đòi hỏi tiền bạc, nhà cửa, xe cộ hay những thú vui xác thịt. Tôi vốn lúc nào cũng yêu thích những điều tử tế, đẹp đẽ, dịu dàng, thơ mộng. Những điều này không phải trả tiền song đôi khi có tiền, cũng vô ích.

Sự tương kính cần thiết ngày càng gắn bó chúng tôi hơn. Chúng tôi và các con. Vợ chồng, con cái. Những người bạn. Sau 16 năm, chúng tôi chỉ có thể, bên cạnh một vài người bạn thật sự là bạn. Là bạn, là anh, là thầy, là em. Cuộc đời tôi đã ở trong một cái khung rất tròn, rất êm ái, rất đẹp.

Và tôi yên tâm, cái tâm tôi rất yên để giờ này ngồi đây tâm sự vụn với bà con khắp nơi. Những người đã yêu thương tôi qua bao dâu bể. Còn đúng 4 tiếng đồng hồ nữa, tôi lên đường. Ðoan dặn dò... “ráng cho hay nghe em...”. Bao giờ mà tôi chẳng ráng hết sức mình. Bao giờ cũng vậy. Trên sân khấu hay ở những cuộn băng. Người ca sĩ không đơn thuần là ca sĩ mà còn là một chiến sĩ trên cái chiến trường của mình. Không chiến đấu bằng súng đạn, không có kẻ thắng kẻ bại. Chỉ có những niềm vui san sẻ cho nhau, cho những mảnh đời nổi trôi, cho những trái tim còn đầy ắp tình người Việt Nam.

Bao giờ cũng thế, ở đâu cũng thế. Tôi luôn cố gắng trong tình thương của mọi người. Tôi làm tốt cái việc tôi đang làm. Không phải cho cá nhân tôi hay Ðoan, mà cho mọi người. Tôi bán băng chứ không cho không, thế thì phải làm cho hay, dù tốn kém bao nhiêu cũng được. Người ta bỏ tiền ra đi nghe mình hát, mua băng nhạc của mình, có nghĩa là chia cơm xẻ áo cho mình, bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt. Phải làm sao cho xứng đáng với lòng yêu thương của mọi người, khi mình cầm đồng tiền ấy. Biết ơn. Ðiều đó dĩ nhiên rồi, nhưng còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Ngày nào còn được thương, còn phải cố gắng nhiều hơn nữa.

“Nếu em không làm tốt đẹp cái việc em đang làm, nếu em không yêu cái việc em làm. Nếu em chỉ muốn dối gạt mọi người để có tiền thì tốt hơn em đừng làm nữa”. Chồng tôi luôn luôn nói với tôi như thế. Anh là một cố vấn tốt khi anh coi cái tên Khánh Ly không ra gì, mà chỉ chú trọng đến cái việc tôi làm. Nếu tôi thèm một cục hột xoàn, anh có thể từ chối, nhưng nếu một cuốn băng đòi hỏi anh phải chi thêm tiền cho hay, thì anh không bao giờ nghĩ ngợi. Vậy thì cái việc tôi yêu cầu anh đứng ở trong quần chúng thì cũng đúng mà thôi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx