sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Đặng Thái Sơn - Người được Chopin chọn - Chương 09

Chương 9: Cùng với cái tên “Thái Sơn” Tên của Sơn là do bố anh - ông Hưng - đặt cho. Thái Sơn là tên của một ngọn núi ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, với độ cao 1545m. Ở Việt Nam cũng có câu ca dao: Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Ông Hưng đặt tên cho con trai từ ý nghĩa đó. Vì Sơn lúc nào cũng chỉ đàn nhạc Chopin, nên bạn bè thường gọi anh là “Sơn Pin” hay là “Sơn Chopin”. Còn ở trong nhà thì anh thường được mẹ gọi là “quý tử”. Mẹ anh là bà Thái Thị Liên, sinh năm 1918 tại Sài Gòn, gia đình bà cũng rất đam mê âm nhạc. Bà biết nói tiếng Pháp và yêu thích các lĩnh vực văn hóa. Lúc bốn tuổi, bà Liên đi học ở trường dòng; ở đây bà được các xơ giáo dục rất nghiêm khắc. Bà cũng được học về âm nhạc nữa. Những năm 40, khi du học ở Pháp, lúc đó các nhóm hoạt động chính trị theo chủ nghĩa cộng sản ở Paris đang thực hiện nhiều vận động nhằm đòi lại độc lập, giải phóng đất nước khỏi tay thực dân; bà Liên, với tư cách là đại biểu của Việt Nam đã tham dự các cuộc hội nghị và đọc diễn văn. Trong các nhóm người này, rất nhiều người nổi tiếng trong lĩnh vực điện ảnh, giới trí thức, hay giới nghệ thuật, mà tiêu biểu là Picasso, hay Yves Montand. Và trong nhóm đó có một nhân vật mà sau này là chồng của bà. Vào năm 1948, hai người chuyển tới sống ở Tiệp Khắc. Năm 1949, hai vợ chồng có cô con gái đầu lòng sinh tại Praha, được đặt tên là Trần Thu Hà. Bà Liên theo học Nhạc viện Praha và lấy bằng đại học ở đây. Năm 1951, hai vợ chồng cùng cô con gái quay trở về Việt Nam, sống và làm việc tại chiến khu Việt Bắc. Khi bà mang thai người con thứ hai thì chồng bà hy sinh. Năm 1953, bà sinh một cậu con trai giữa chốn rừng núi, đặt tên là Trần Thanh Bình. Chị của bà Liên cũng là một nghệ sĩ piano, đó là bà Thái Thị Lan. Vào những năm 50, bà đi nước ngoài rồi vào học ở nhạc viện Paris dưới sự hướng dẫn của giáo sư Yves Nat. Bà Lan đã học hỏi được nhiều điều từ Yves Nat. Trong một lần trở về Việt Nam, bà đã quyết định sẽ sang định cư tại Pháp. Bố của bà Liên là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp trường đại học Aix en Provence của Pháp. Ông là một kỹ sư điện máy. Mẹ bà Liên là người rất đam mê opera. Bà thường dẫn các con đi nghe các chương trình opera. Cho đến bây giờ, bà Liên vẫn không thể quên những ấn tượng đầu tiên khi xem vở opera “Tosca” của Puccini. Và trong những điều đọng lại mãi trong lòng bà có những màn biểu diễn cello của Pablo Casals, và violon của Jacques Thibaud. Bà Liên kết hôn lần hai với ông Đặng Đình Hưng. Ông Hưng sinh năm 1924, lớn lên trong một gia đình gia giáo, khắt khe; điều này hoàn toàn trái ngược với tính cách của bà Liên. Bà Liên thì thích tự do, phóng khoáng, cởi mở, tính cách bà đã phần nào “Tây phương hóa”. Còn ông Hưng thì có lối suy nghĩ phong kiến hơn. Lúc ông Hưng và bà Liên kết hôn với nhau thì bà đã bốn mươi tuổi. Vì chồng muốn có thêm một người con, năm 1958, bà Liên sinh Đặng Thái Sơn. Lúc đó, cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc. Cuộc sống của mọi người cũng dần được cải thiện, xã hội dần đi vào ổn định. Đặng Thái Sơn không mấy quan tâm đến những người con trước của bà Liên. Vì bố của họ đã hy sinh cho Tổ quốc nên họ được nhà nước chăm sóc về mọi mặt trong cuộc sống. Chị của Sơn nhận được học bổng sang Trung Quốc học piano, anh của Sơn thì học chuyên về đàn cello suốt tám năm ở nhạc viện Hà Nội. Riêng Sơn cuộc sống khó khăn hơn. Vì bố không có việc làm ổn định nên anh không được bố mẹ trợ cấp tiền bạc đầy đủ. Tuy nhiên, Sơn rất được mọi người trong gia đình yêu thương, đặc biệt là chị Hà, người chị hơn anh chín tuổi. Chị Hà chăm sóc Sơn về mọi mặt, chị Hà cũng khá nóng tính giống như bà Liên, nhưng là con người luôn lạc quan, tin tưởng tương lai. Anh trai Trần Thanh Bình là người nghịch ngợm, chọc phá Sơn nhiều nhất. Những lúc như vậy Sơn chỉ biết khóc. Bố Sơn luôn nói rằng: “Là con trai thì phải mạnh mẽ lên.” Nhưng Sơn không thích chạy lòng vòng ngoài đường, không thích cãi vã lớn tiếng, không thích mấy trò đánh đấm. Sơn chỉ thích ngồi suy ngẫm một mình trong tĩnh lặng, thích đọc sách, thích được thư thả thưởng thức âm nhạc. Tính cách của anh hoàn toàn khác với bố và anh mình. Bố lúc nào cũng nghiêm khắc với việc Sơn thuận tay trái, mỗi khi ngồi đàn piano, người lúc nào cũng nghiêng sang bên trái, ông Hưng luôn nhắc nhở anh: “Sơn, ngồi như vậy là không được đâu đấy. Ngồi cho ngay ngắn xem nào! Lưng thẳng lên, đừng có vẹo sang một bên như thế chứ!” Đó là điều Sơn nhớ nhất về bố khi sống ở xa. Năm 1970, bà Liên được mời dự thính trong cuộc thi piano Chopin. Ba tuần sau, bà trở về Việt Nam, mang theo rất nhiều quà, trong đó có một đĩa nhạc thâu trực tiếp từ cuộc thi. “Thật là tuyệt! Cuộc thi piano Chopin quả là một cuộc thi số một thế giới. Trình độ của các thí sinh rất đáng nể, ban giám khảo toàn là những nhân vật nổi tiếng. Mỗi ngày đều được nghe nhạc của Chopin, thật hạnh phúc làm sao!” Từ lúc trở về nước, bà Liên chỉ toàn nói về chuyện của cuộc thi piano Chopin thôi. Người giành giải xuất sắc trong cuộc thi Chopin lần tám lúc bấy giờ là Garrick Ohlson, người Mỹ; người giành giải nhì là một thí sinh đến từ Nhật Bản, Mitsuko Uchida; giải ba là Piotr Paleczny, người Ba Lan; giải tư là thí sinh đến từ Mỹ, Eugen Indjic; giải năm là Natalya Gavrilova, người Liên Xô; giải sáu là Janusz Olejniczak, người Ba Lan. Sơn đã nghe đi nghe lại cái đĩa hát thu âm các phần trình diễn của những nghệ sĩ piano này, nghe muốn hư đĩa luôn. Mỗi lần nghe mẹ kể chuyện, anh mơ ước vào một ngày nào đó, anh cũng được đứng trên sân khấu Vácxava, hy vọng ước mơ đó sẽ thành hiện thực. Từ đó, anh cảm thấy yêu nhạc Chopin hơn, cảm thấy nhạc của Chopin thật gần gũi với mình, anh cảm thấy đồng cảm với nhà soạn nhạc tài ba này. “Đàn nhạc của Chopin, nghe nhạc của Chopin, tự nhiên thấy lòng mình lâng lâng, một cảm giác hạnh phúc làm sao!” Có thể nói, đối với Sơn, nhạc Chopin là lẽ sống, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc đời anh: “Mẹ ơi, con cũng muốn tham dự cuộc thi piano Chopin!” Sơn nói với mẹ mình như thế, mắt anh sáng lên, chờ đợi, thế nhưng bà Liên lại lạnh lùng đáp: “Không được đâu!”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx