Tôi ngồi thụp xuống, cố gắng đọc mấy kí tự tiếng Anh này thêm lần nữa, nhưng vẫn không có kết quả. Những đường nét này quá mức lộn xộn, tuy có thể nhận ra nó chính là từ chúng tôi đã thấy ở cửa động vuông ban nãy, nhưng rốt cuộc hợp thành chữ gì thì không thể dịch ra nổi, khiến tôi thậm chí bắt đầu hoài nghi đây không phải chữ cái tiếng Anh.
Bàn Tử cũng tỏ ra hiếu kì, hỏi: “Anh chắc chắn cái này không phải do ông Ba nhà anh lưu lại chứ?”
Phan Tử gật đầu, tỏ ý khẳng định tuyệt đối: “Ông Ba không màu mè như thế, nếu phải lưu lại kí hiệu, bình thường chỉ cần nhìn một cái là đoán ra. Đây chắc chắn không phải ký hiệu do ông Ba để lại, tôi thấy nên cẩn thận một chút. Kí hiệu chưa chắc đã dùng để chỉ đường đâu.”
Tôi hiểu ý của Phan Tử, nếu kí hiệu này không dùng để chỉ đường thì có thể là một loại cảnh báo nguy hiểm. Nhưng lúc ở ngôi mộ dưới đáy biển kia, sau khi trông thấy mấy kí hiệu này cũng không xảy ra chuyện gì nguy hiểm. Hơn nữa hành lang có hai nhánh, không rẽ vào nhánh này thì cũng vào nhánh kia, cả hai đều không chắc chắn, chọn nhánh nào cũng như nhau cả, lúc này do dự cũng vô ích.
Vậy là Bàn Tử vẫn xung phong đi đầu, tôi bám theo sau, tiến vào hành lang. Bên trong rất rộng, đủ cho hai con xe cam nhông sánh vai tiến vào. Bàn Tử chui vào, nói đây là la đạo, chính là đường dành cho xe la kéo lúc xây dựng công trình. Khả năng này rất lớn, bởi vì tôi chưa bao giờ thấy mộ đạo nào rộng đến thế. Trên mặt đất còn có thể nhìn thấy lờ mờ những vết bánh xe từ thời đó, nhưng lạ thay bên trong hành lang này rất lạnh, nhiệt độ không biết đã giảm bao nhiêu nhưng lại có gió lạnh từ bên trong thổi ra, hình như nó thông ra ngoài trời. Chúng tôi đều biết cổ mộ nào cũng chú trọng sự kín đáo, vậy gió này từ đâu thổi tới?
“Đây là tự lai phong” Phan Tử cũng bị bầu không khí ở đây ảnh hưởng, hạ giọng nói với tôi: “Các cụ chúng ta ngày xưa gọi cái này là quỷ thở, trong những ngôi mộ lớn thường xuyên gặp chuyện này, không có gì nguy hiểm đâu.”
“Có căn nguyên gì không? Nó sinh ra như thế nào?” Tôi hỏi.
Phan Tử lắc đầu: “Từ xưa truyền lại chỉ có thuyết pháp, cũng chẳng ai nghiên cứu làm gì, hơn nữa mấy cái chuyện thế này tốt nhất đừng có nghiên cứu.”
Tôi thầm nghĩ cũng phải thôi, vào thời đó dân trộm mộ đều là vì miếng cơm manh áo, chỉ cần biết có nguy hiểm hay không, chứ còn các hiện tượng kì quái sinh ra như thế nào thì cũng không hơi đâu mà bận tâm.
Hành lang đoạn đầu còn bằng phẳng, một lúc sau đã bắt đầu phát hiện tình trạng sụt lún, mặt đá vỡ vụn. Vô số phiến đá đen lộ ra trên mặt đất, khiến con đường trở nên cao thấp nhấp nhô, đây là thiệt hại tự nhiên gây ra do sự vận động của vỏ trái đất. Hai bên hành lang cách một đoạn lại có một cái xà hình vòm gia cố, bên trên đều khắc hình rồng uốn quanh, rất nhiều cây xà đã bị rạn nứt. Tôi nghĩ nếu không có mấy cái trụ này gia cố thì hành lang đã sụp từ đời tám hoánh nào rồi.
Dọc đường không ai mở miệng, mọi người đều lặng lẽ đi hết bảy, tám mươi mét. Bỗng Bàn Tử đột ngột dừng lại, nói: “Cửa à?”
Chúng tôi dừng lại, chiếu đèn pin về phía trước, chỉ thấy cuối hành lang xuất hiện một cánh cửa mộ bằng đá đen. Mái cong và ngói úp bên trên cánh cửa đều trạm trổ hoa văn vân long, thảo long và song sư hí cầu. Bản lề cửa hình như làm từ kim loại, trên cánh cửa bên trái khắc hình một con dê, bên phải khắc hình một thứ gì đó không rõ tên. Đến gần ngắm nghía mới biết cửa đá đóng rất chặt, khe cửa lẫn chốt cửa đều dùng đồng lỏng bịt kín, nhưng trên bụng con dê ở cánh cửa bên trái đã bị người ta nổ ra một cái lỗ to bằng miệng chậu, gió lạnh chính là từ đây thổi ra.
“Đây không phải cửa.” Tôi đẩy thử: “Không mở ra được thì không phải cửa. Đây là phong thạch, chỉ là một khối đá lớn chồng lên chỗ này, sau đó dùng đồng nóng chảy bịt kín lại thành một khối hoàn chỉnh, tạo hình cánh cửa. Bàn Tử nói đúng, hành lang này là la đạo, xây rộng như thế để la dễ dàng vận chuyển những khối đá này.”
Bàn Tử ngồi thụp xuống, ngắm nghĩa cái lỗ bị phá ra trên cánh cửa. “Trong mộ đạo có phong thạch, xem ra mộ đạo này rất quan trọng, có thể thông đến trung tâm địa cung. Coi như chúng ta đã đi đúng đường, dấu hiệu kia có lẽ thật sự muốn chỉ đường cho chúng ta. Hơn nữa nổ ra một cái lỗ to tổ chảng thế này chứng tỏ bọn họ đã vào rồi.” Nói rồi thò nửa cái đầu vào, cầm đèn pin chiếu khắp xung quanh.
Chúng tôi hỏi hắn thế nào, bên trong có gì không?
Hắn nói: “Vẫn là đường đi thôi, bên trong còn một tảng phong thạch nữa, xem ra Vạn Nô hoàng đế từ nhỏ đã có cảm giác thiếu an toàn.”
Tôi nói: “Nhảm ruồi. Đến cửa nhà anh còn có ba lần khóa, phong thạch ít nhất cũng có ba khối, đó là ba nghìn thế giới, anh hiểu không?”
Bàn Tử không nghe thấy tôi nói gì, hắn ném cái đèn pin vào bên trong, co người chui qua cái lỗ, bước về phía tảng phong thạch trước mặt. Tôi nghe tiếng hắn lắp bắp một mình: “Đệch, lạnh sun người.”
Phan Tử đưa khẩu súng cho hắn cầm rồi cũng chui sang theo hắn. Tôi bám ngay sau Phan Tử, còn Thuận Tử đi sau cùng, cả đám chui hết vào động. Quả nhiên đằng sau vẫn là mộ đạo, nhiệt độ hạ thấp, người tức khắc có cảm giác run rẩy. Phía trước vẫn còn một khối phong thạch, nhưng khối đá này có vẻ đơn giản, không thấy mái cong trang trí bên ngoài. Trên mặt tảng phong thạch này cũng bị nổ ra một cái lỗ còn to hơn cái lỗ đầu tiên.
Chúng tôi không dừng lại, tiếp tục tiến tới, phía sau vẫn như thế, mộ đạo cứ thế kéo dài, trước mặt lại là một tảng phong thạch, bên trên có một cái lỗ lớn.
“Khốn kiếp. Con mẹ nó, vẫn chưa hết à.” Bàn Tử rủa xả.
Tôi đáp: “Chuyện thường thôi, phong thạch thông thường đều nặng bảy tám tấn, mộ đạo hơi dài một chút sẽ có sáu, bảy tầng phong thạch. Tình hình xem ra khá thuận lợi, độ dày phong thạch cũng chỉ có một nửa. Tổ tiên chúng ta ngày xưa không có thuốc nổ, gặp những cổ mộ có phong thạch chắn đường thế này thì chỉ có nước bó tay.”
Trong khi chuyện phiến, chúng tôi đã chui qua khối phong thạch cuối cùng. Trước mắt chúng tôi xuất hiện một ngã tư đường. Một mộ đạo khác cắt qua trước mặt, giao vuông góc với hành lang chúng tôi đang đứng, mà cái mộ đạo này rộng gấp rưỡi hành lang, chiều cao còn lớn hơn rất nhiều.
Chúng tôi lục tục đi đến giữa ngã tư đường, phát hiện mộ đạo này có màu đỏ hồng chứ không đen thui như vừa nãy, phía trên vẽ những bức bích họa rất đẹp, dường như nối liền với nhau, kéo dài đến những nơi mà ánh sáng đèn pin không chiếu tới được. Thậm chí trên đỉnh mộ đạo cũng là những bích họa màu sắc rực rỡ.
Tôi xuýt xoa tán thưởng: “Đây nhất định là mộ đạo chính thông thẳng đến quách điện rồi, cũng chính là trục đối xứng của cả tòa huyền cung dưới lòng đất, nếu không sẽ không trang trí hoa lệ cỡ này.”
“Đừng có vỗ tay tán thưởng. Chúng ta là trộm, vấn đề muôn thuở vẫn là đi hướng nào?” Bàn Tử hỏi: “Mau tìm xem quanh đây có dấu hiệu chỉ đường nào không?”
Sau mấy lần đi xuyên qua những đường hầm chật chội, chúng tôi đã sớm mất đi cảm giác về phương hướng. Muốn phân biệt mộ đạo chính này đầu nào thông đến trung tâm địa cung, đầu nào thông đến cửa mộ thì buộc phải dựa vào dấu hiệu của người đi trước, bằng không chỉ có nước tung tiền xu mà đoán hướng.
Chúng tôi chiếu đèn pin xẹt qua xẹt lại tìm kiếm kí hiệu, những bức bích họa màu đỏ phản chiếu lại một thứ ánh sáng khiến người ta có cảm giác hết sức bất an. Bích họa nơi này cùng một kiểu với tấm bích họa chúng tôi thấy trong khe suối nước nóng khi mới lên núi, tất cả đều là mỹ nữ cùng với xe tiên cưỡi trên mây, hình như không có ý nghĩa gì đặc biệt. Đương nhiên nếu mời nhà khảo cổ đến đây chắc chắn sẽ nói ra vài điều hay ho, nhưng dưới con mắt của chúng tôi, bích họa không có tính chất tự thuật thì đơn thuần chỉ để trang trí, cái ý nghĩa tượng trưng gì gì đó chúng tôi không nhìn ra nổi.
Mới tìm được một lúc, Phan Tử bên cạnh đột nhiên “ồ” lên một tiếng, gọi chúng tôi lại.
Chúng tôi vây quanh xem xét, quả nhiên phát hiện một kí hiệu khắc ở một góc tường mộ đạo.
“Con mẹ nó, chúng ta gặp đồng chí Lôi Phong sống (*) của giới đổ đấu rồi, thế là đỡ rách việc.” Bàn Tử nói: “Chúng ta cứ lần theo đường này là đến nơi.”
Tôi lắc đầu, bởi vì kí hiệu này trông không giống mấy kí hiệu chúng tôi đã tìm được trước đó.
@by txiuqw4