Suốt đó giờ, về hình vẽ bí ẩn này, tra thế nào cũng không ra được một chút manh mối. Giờ vừa nghe nói như vậy, Cầu Đức Khảo liền phấn chấn hẳn lên, lão lập tức gọi một ấm trà ngon, cung kính đưa lên mời vị học giả già kia kể rõ ngọn nguồn.
Vị học giả già kia vốn cũng không bận rộn gì, thấy lão có hứng thú đến vậy thì cũng hào hứng lây, liền kể cho Cầu Đức Khảo nghe sự việc mình đã trải qua ngày ấy.
Đó là chuyện từ ba mươi năm trước. Thời đó, ông cụ này còn làm giáo sư giảng dạy ở khoa Văn hóa Trung Hoa tại trường Đại học Bắc Kinh, là một Đảng viên Quốc Dân Đảng, còn con rể là một lữ đoàn trưởng[] dưới trướng Trương Linh Phủ. Sau khi sư đoàn chỉnh biên số 74[] bị tiêu diệt, tàn quân Quốc Dân Đảng tan đàn xẻ nghé, con rể ông liền dẫn tàn quân chạy vào núi Kỳ Mông[] làm thổ phỉ, lẩn trốn trong núi suốt ba năm. Về sau, quân Giải Phóng tổ chức một cuộc càn quét với quy mô lớn, con rể ông bị bức đến đường cùng, phải móc nối với đặc vụ của Quốc Dân Đảng, định trốn sang Mỹ.
Mua được một lối thoát rồi, người con rể liền đón ông cụ và gia đình vào trong núi chờ tin thuyền. Vì sợ tin đồn lan nhanh, mang gia quyến theo bên mình không tiện, cho nên trong khoảng thời gian này, người con rể đã thu xếp cho bọn họ ở trong một Đạo quán, giả trang thành đạo sĩ, chờ bên đặc vụ tiếp ứng.
Tuy mang danh Đạo quán nhưng thật ra đó chỉ là ngôi miếu dân gian thờ thổ địa của người địa phương mà thôi. Duy có một điều không giống với những ngôi miếu địa phương ở vùng núi khác, đó là tòa Đạo quán này được xây giữa hai vách núi cách nhau không đến năm mươi mét, mặt dưới lơ lửng giữa tầng không, vô cùng kỳ lạ. Cả tòa Đạo quán giống như một cái cầu thang khổng lồ, từng bậc từng bậc một, tổng cộng có bảy tầng. Bốn vách đều là tường đất phết sơn vàng, cực kỳ đơn sơ. Bốn tầng trên cùng chính là hai tấm ván gỗ gác giữa hai vách núi, ngay đến lan can cũng chẳng có. Trong mấy điện thờ đều đặt tượng Tam Thanh nặn bằng đất, cũng có tượng Quan Âm và thổ địa, rất đậm nét đặc sắc của văn hóa Trung Hoa.
Toàn bộ ngôi miếu Đạo quán chỉ do hai vị đạo sĩ già nua chăm nom, người cao tuổi là cha của người ít tuổi hơn. Năm đó đang thời chiến tranh loạn lạc, khói nhang thưa thớt, con rể ông bèn đưa bọn họ ít tiền, nhờ họ che chở giúp.
Thế là người giáo sư già liền sống trong Đạo quán suốt hai tháng trời. Nơi này nằm tít trong núi sâu, leo lên leo xuống bất tiện, cho nên ông chẳng có việc gì để làm, bèn bắt tay vào nghiên cứu những món đồ cổ bên trong Đạo quán. Chính vào lúc đó ông đã phát hiện ra một thứ rất kỳ quái. Trong Đạo quán này có rất nhiều đồ vật, đều là những sản phẩm địa phương thô sơ được sản xuất hàng loạt, chẳng có giá trị gì, tuy thỉnh thoảng có tòi ra vài món đồ cổ nhưng cùng lắm chỉ là đồ thời Minh. Ấy vậy mà, trên tầng cao nhất của Đạo quán lại có một cái lò luyện đan bằng đồng thau, hình dạng vô cùng kỳ lạ, trông như một búp sen bị lật úp, niên đại lại càng cổ xưa, hoàn toàn khác với những món đồ còn lại ở đây.
Vị giáo sư tuy không theo chuyên ngành lịch sử, nhưng những lão phu tử thời đó đều phải từng trải, từng tiếp xúc với những vấn đề như thế này không hề ít. Ông cảm thấy rất hứng thú, bèn hỏi vị đạo sĩ già xem lò luyện đan này đến từ đâu.
Vị đạo sĩ già kia liền khen ông có ánh mắt tinh đời. Lò luyện đan này quả đúng là không phải vật bình thường, mà là trong một trận địa chấn hồi trước Giải phóng, núi bị lở ra mới bắt gặp được đấy. Hồi ấy, cùng với nó còn có biết bao nhiêu là xương người chết cũng bị lở ra nữa. Người dân trong thôn thấy vậy mà sợ hãi, bèn khiêng cái lò luyện đan này lên đây để thần linh trấn yểm. Chuyện xảy ra đã sáu mươi năm rồi, hồi ấy ông vẫn còn nhỏ, tình hình cụ thể thế nào cũng không được rõ lắm.
Vị giáo sư nghe xong lại càng thêm hứng thú, song khi đó đang chiến tranh loạn lạc, thân phận của ông lại đặc biệt nên cũng chẳng có cách nào điều tra thêm được nữa. Ông ở trong Đạo quán nghiên cứu nghiền ngẫm trong một khoảng thời gian, nhưng vẫn không có kết quả gì. Có điều cảnh ngộ và điều kiện lúc đó khiến cho ông khắc ghi như in những ký ức về sự kiện này. Hình dáng và hoa văn của chiếc lò luyện đan kia ông cũng nhớ cực kỳ rõ ràng, cho nên vừa thấy Cầu Đức Khảo đưa cho mình xem là ông đã nhận ra ngay.
Ông cụ nói với Cầu Đức Khảo rằng, hoa văn này là ở cái nắp đậy phía trên lò luyện đan, giống hình vẽ nọ như đúc, không thể nhớ nhầm được. Nếu muốn biết nhiều hơn nữa thì có thể nghĩ cách đến Đạo quán kia tìm hiểu một phen. Chỉ có điều, bao năm trôi qua, vật đổi sao dời, hiện giờ chốn kia đã còn hay mất, còn phải trông vào duyên số của lão.
Cầu Đức Khảo sau khi nghe xong, vừa hưng phấn cũng lại vừa thất vọng. Hưng phấn vì rõ ràng những bí mật ẩn sau hình vẽ này còn phong phú hơn mình tưởng; còn thất vọng là vì nghe xong những lời kể kia, lão vẫn hoàn toàn không biết gì về hình vẽ này như trước.
Lão rất muốn được xem tận mắt cái lò luyện đan bằng đồng thau mà vị giáo sư già đã nhắc đến, nhưng chuyện này vào ngày đó gần như không có cách nào thực hiện nổi. Thời buổi ấy một người Mỹ muốn vào Trung Quốc đã là tương đối khó khăn rồi, chưa kể lão lại còn đeo trên người cái tiếng xấu là con buôn di vật văn hóa.
Song, cái lão Cầu Đức Khảo này một kẻ vô cùng tự phụ. Lão đã muốn làm chuyện gì thì đừng hòng có ai ngăn được. Lão vẫn nghĩ ra một biện pháp: bản thân lão không thể đến Trung Quốc, nhưng do hoạt động buôn bán cổ vật đã nhiều năm nên vẫn có một mạng lưới các mối quan hệ dày đặc ở đó. Lão bắt đầu tìm cách liên hệ với những mối cũ ở Trung Quốc, tìm người đến núi Kỳ Mông, vào tòa Đạo quán trong núi sâu kia xem xét để nắm bắt tình hình, mà tốt nhất là có thể trộm lấy cái lò luyện đan kia ra, vận chuyển sang Mỹ.
Lúc ấy là thời điểm Trung Quốc vừa phải trải qua mười năm tai vạ, ngổn ngang trăm thứ dở dang còn chưa được chỉnh đốn, những quan hệ cũ của lão đã không còn sót lại một mối nào. Trong cuộc thanh trừng sau Giải phóng, đám thổ phu tử thế hệ trước người thì chết, người chạy tháo thân. Toàn bộ mảng buôn lậu đồ cổ đều bị quét sạch nhẵn như chùi. Lão nhờ cậy cả quan hệ của mình trong Quốc Dân Đảng, chạy vạy gần hết các cửa mà vẫn không tìm nổi một người quen.
Trăm mối không lần được một, lão chỉ có thể liều mình mạo hiểm xin trợ giúp từ mấy tên tội phạm buôn lậu mà lúc bấy giờ lão không biết rõ, nhờ bọn họ giới thiệu cho vài nhân vật mới đang hành nghề ở Trường Sa.
Chuyến này lận đận đến những mấy lần, có điều, bỏ công mài sắt rồi cũng có ngày nên kim, mãi rồi lão cũng liên lạc được với một người Trung Quốc bằng lòng hợp tác với lão.
Người này, chính là Giải Liên Hoàn.
Giải Liên Hoàn làm thế nào mà bước chân vào cái nghề này, ngày ấy chú Ba nghĩ đến xoắn cả não vẫn không ra. Vì với hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ thì ngay đến ông cụ nhà họ Giải cũng còn chẳng dám đặt chân về nghề cũ, chỉ có thể sống bằng tiền dành dụm. Thời đó buôn lậu văn vật là tội nặng lắm, tương đương với tội buôn lậu thuốc phiện ngày nay, là chuyện đem tính mạng ra mà đùa với lửa, bình thường không phải cần gấp đồng tiền cứu mạng thì chẳng ai dám dính vào cái trò này.
Mà Giải Liên Hoàn ngày ấy lại là một công tử quần là áo lượt, là con nhà gia thế chính tông. Cụ ông nhà họ Giải có ý tẩy rửa nguồn gốc, từ nhỏ đã không cho hắn tiếp xúc với việc làm ăn trong nhà, cũng không cho hắn học này học kia, cho nên dù xét về đảm lược, tầm nhìn, kinh nghiệm hay những điều kiện khách quan khác, hắn đều khó có khả năng bước chân được vào cái nghề này, lại càng chẳng có lý do gì để dây dưa được với trùm buôn lậu người nước ngoài.
Nói nôm na một chút, muốn làm cái nghề buôn lậu văn vật này thì phải có bản lĩnh trong tay. Lấy hàng, giám định, ra giá, những kỹ thuật này không có hai, ba mươi năm tích lũy trui rèn thì sẽ chẳng luyện ra được cái kết quả gì sất. Mà nếu không có những khả năng này thì cho dù anh chủ tâm muốn bước vào nghề, cũng sẽ không có cách nào tìm được cửa. Người mua sẽ không thèm để ý đến anh đâu. Cho nên, nếu Cầu Đức Khảo có thể qua người trung gian tìm được Giải Liên Hoàn, thì chứng tỏ Giải Liên Hoàn đã thường cùng những người này lui tới làm ăn, hơn nữa lại còn được đối phương tín nhiệm. Chuyện này suy xét từ bản lãnh của Giải Liên Hoàn thì thấy thế nào cũng rất không khả thi.
Vấn đề này vẫn quấy nhiễu đầu óc chú Ba mãi cho đến tận khi chuyến đi đầu tiên đến Tây Sa trở về. Chú bắt đầu điều tra chuyện này, hỏi người đứng đầu Giải gia thì mới biết được một chút chân tướng sự việc. Có điều vấn đề này không liên quan đến vụ Cầu Đức Khảo nên cũng không cần nhắc tới ở đây.
Sau khi Giải Liên Hoàn và Cầu Đức Khảo móc nối được với nhau, Cầu Đức Khảo liền đem kế hoạch của mình gửi cho Giải Liên Hoàn. Đó là một tập tài liệu chi tiết, đính kèm bản phác họa chiếc lò luyện đan bằng đồng thau do cụ già kia vẽ, cùng một cái máy ảnh hiện đại. Lão bảo Giải Liên Hoàn trước tiên nhất định phải xác minh xem tòa Đạo quán kia còn tồn tại không – vào khoảng thời gian đó, đền thờ miếu mạo di tích là những thứ thuộc về “Tứ cựu”(*), có khả năng đã bị đốt bỏ mất rồi – sau đó là thu thập tin tức về chiếc lò luyện đan này, chụp ảnh gửi lại về Mỹ để xác nhận. Nếu như tất cả đều thuận lợi, vậy thì lại tìm cơ hội đem món đồ này tuồn lậu ra nước ngoài.
Giải Liên Hoàn tuy không thông thạo chuyện “xuống đất”, nhưng chỉ là đến một chỗ, nhìn xem đồ có ở đấy không, hỏi thăm dăm câu ba điều thì hắn vẫn làm được. Sau khi cầm tài liệu đi Sơn Đông, hắn căn cứ vào hồi ức của ông cụ ghi trong tài liệu mà tìm ra tòa Đạo quán cổ được xây trong núi này.
Phúc bảy mươi đời là tòa Đạo quán cực kỳ vắng vẻ lại ở nơi hẻo lánh nên không gặp phải rắc rối lớn nào, qua mười năm phong ba bão táp vẫn được bảo tồn như một kỳ tích. Có điều vị đạo sĩ già đã qua đời, chỉ còn lại người con trai, cũng đã gần đất xa trời rồi. Giải Liên Hoàn chụp lại tòa Đạo quán cùng chiếc lò luyện đan bằng đồng thau kia, gửi sang bên Mỹ. Cầu Đức Khảo giở hình vẽ đã giải mã được ra so thì quả nhiên ông cụ kia nói không sai, đồ hình trên nắp lò luyện đan bằng đồng thau và trên cuốn sách lụa giống nhau như đúc. Chẳng qua là lai lịch của chiếc lò luyện đan này, vì niên đại quá cổ xưa nên con trai của vị đạo sĩ già cũng chỉ có thể kể đại khái, nội dung so với những gì ông giáo sư già cung cấp cũng chẳng hơn được là bao, nên không tìm thêm được manh mối nào nữa.
Dù rằng như thế, Cầu Đức Khảo cũng đã quá đỗi vui mừng. Lão chỉ thị cho Giải Liên Hoàn bắt đầu chuẩn bị, tìm biện pháp giấu giếm tuồn lò luyện đan ra khỏi biên giới.
Thế nhưng, khi vừa bắt tay chuẩn bị thì Giải Liên Hòa liền phát hiện ra đây là một nhiệm vụ bất khả thi.
Điều Cầu Đức Khảo đã không lường được là: chiếc lò luyện đan này lớn hơn rất nhiều so với tính toán trước đây của lão. Thời thế đã đổi thay, một vật như vậy ở Trung Quốc thời buổi ấy không thể qua mặt hải quan mà vận chuyển ra khỏi biên giới được. Mà nếu dùng thuyền buôn lậu thì tất phải đi qua vùng Chiết Giang hoặc Quảng Đông trước, cũng rất mạo hiểm. Thời ấy, vùng duyên hải phía Đông Nam loạn lạc đến thế nào, người bình thường không thể nào tưởng tượng được đâu.
Bọn họ thử bao nhiêu cách cũng không có kết quả, ngược lại còn khiến cớm đánh hơi thấy mùi. Rơi vào bước đường cùng, Cầu Đức Khảo lại nảy ra một ý đồ rồ dại: lão bảo Giải Liên Hoàn đập vỡ cả cái lò luyện đan ra, cưa thành hơn bốn mươi mảnh, sau đó đánh số ở bên trên, trà trộn trong hàng tơ lụa bấy giờ được phép xuất khẩu mà tuồn ra ngoài.
Chuyện này đối với giới khảo cổ mà nói thì đúng là hành vi man rợ khiến người ta giận ứa gan. Nhưng Cầu Đức Khảo hoàn toàn không quan tâm, vì món đồ này có giá trị như thế nào, đối với lão mà nói đã không còn ý nghĩa. Cái lão muốn là thông tin ở trên đó kia.
Đây cũng có thể nói là một sự trùng hợp hiếm có. Giải Liên Hoàn trong lúc cưa lò luyện đan ra đã phát hiện thấy dưới đáy chiếc lò này còn có một cơ quan vô cùng xảo diệu. Chính là dựa vào cơ quan này mà bí mật của hình vẽ thần bí trên cuốn sách lụa thời Chiến Quốc rốt cuộc mới được đưa ra ánh sáng.
@by txiuqw4