sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 70: Tiếng Động Trong Sơn Cốc

Chúng tôi ngẩng đầu nhìn chợt thấy cột khói loãng ra, không biết bên kia có biến cố gì hay là do khói hết tác dụng, nhưng nhìn như thế cũng đủ biết là không thể duy trì cho tới khi chúng tôi tới được đó. Trong rừng rậm như này nếu không có tín hiệu khói chỉ dẫn, chúng tôi không có đủ điều kiện nắm bắt phương hướng, hẳn là sẽ không thể tới được vị trí kia.

Chúng tôi hỏi Phan Tử xem có cách nào không, Phan Tử lập tức trèo lên tán cây, lấy vị trí tín hiệu khói làm tiêu điểm, dùng vách đá bốn phía bên cạnh làm vật tham chiếu la bàn chỉ về phía bắc, rồi nói với chúng tôi chỉ cần đi về hướng giữa hai khối quái thạch là có thể tới được, tất nhiên có thể lệch ít nhiều. Nhưng cây cối dày đặc thế này cho dù có lệch đến mười thước thì vẫn coi như là gần đúng, cho nên chúng tôi nên cố gắng đi nhanh nhất đến đó trước khi khói tắt.

Không thể trì hoãn lâu hơn nữa, chúng tôi lập tức chỉnh đốn trang bị, đi theo Phan Tử về hướng bắc, tiến vào đầm lầy gấp rút tới nơi phát ra khói tín hiệu. Ban ngày đi vào trong đầm lầy khá dễ dàng, vì mưa lớn là mực nước trong này dâng cao, nước trong veo nhìn tận đáy, chúng tôi có thể đặt chân lên những tảng đá dưới đáy nước. Chỗ nào không có đá thì mới phải bơi qua, bằng thời gian hút được nửa điếu thuốc chúng tôi đã tiến qua khu ngập nước, bắt đầu thâm nhập vào bên trong rừng.

Nơi chúng tôi đang đi cây cối vẫn còn thưa thớt, địa thế nơi này còn cao nên có rất nhiều rễ cây đâm ra khỏi mặt nước, đan thành từng cụm với nhau như một hòn đảo nhỏ, có thể nhìn thấy rất nhiều phiến đá ngầm dưới bùn trồi lên, nhìn qua thì có vẻ mực nước rất nông.

Nhưng tiếp tục tiến vào thì sẽ phát hiện cây cối bên trong càng lúc càng dày đặc, đại khái là đi thêm vào 200 thước thì tán cây đã che hết ánh mặt trời. Rễ cây này quấn lấy rễ cây kia, trước thì tôi tính làm một cái thuyền độc mộc, như vậy có thể dễ dàng di chuyển trong nước, nhưng giờ nhìn cái cảnh này, đến chân lách qua còn khó nói gì đến ghe thuyền.

Xâm nhập vào trong rừng, ánh sáng yếu hơn nên nhìn xung quanh rễ cây vô cùng đáng sợ, có nhiều cây rễ mọc thành chùm rủ từ thân cây xuống nước, bề mặt phủ một lớp rêu xanh. Độ ẩm ở đây rất cao, nhiều chỗ cành và tán phủ sát mặt nước khiến cho cả đám phải cúi gập người lại mới có thể đi qua, cảm giác như đang đi trong một cái động rắn. Phan Tử chặt cây dọn đường, vì gần như toàn bộ rễ cây ở đây đều nối với nhau như dây thừng nên chúng tôi không phải đi lại nhiều trong nước, chủ yếu là di chuyển trên các rễ cây mọc ngoi lên trên mặt nước.

Khiến chúng tôi kỳ quái là trong rừng cây dày đặc như này lại vô cùng im lặng, ngoài âm thanh do chúng tôi phát ra thì không nghe thấy tiếng gì, im lặng tới mức bất thường.

“Tây Vương Mẫu quả là lắm chuyện quái đản”. Bàn Tử bước qua vài bộ rễ nói: “Con mẹ nó chứ ngay cả tiếng chim cũng không có?”

“Đâu chỉ có thế chứ, con mẹ nó nơi này giống như là không có tới một con chim nào!” tôi than thầm, sự yên lặng trong này khiến tôi không thoải mái, cảm thấy như mình đang rơi vào trong một ảo giác: trong rừng mưa này chỉ có duy nhất một thứ tồn tại được, đó là những cây đại thụ này.

“Có lẽ nơi này có nhiều rắn lắm, chim bị chúng nó ăn hết sạch rồi”, Phan Tử nói.

“Không thể nào, nếu ăn hết chim rồi thì chúng nó lấy gì mà sống tiếp?” nhớ tới rắn, mọi người lại bị một phen lạnh người, nhưng từ lúc đi vào trong này tới giờ, không thấy bóng dáng một con rắn nào, điều này khiến chúng tôi rất bất ngờ.

Thần kinh ai nấy đều căng như dây đàn, chúng tôi tiến thêm một đoạn thì phía trước đùn lên một đống rễ cây, nhìn kỹ thì là một di tích kiến trúc cổ đại bị rễ cây phủ lên. Vì chúng đã tồn tại ở đây lâu rồi nên những hoa văn điêu khắc trên tảng đá đã biến dạng tới mức không thể nhìn ra hình thù gì. Vô số rễ cây cùng rong rêu phủ kín các khe đá xung quanh, xen lẫn vào trong rừng mưa nên nhìn không rõ, chỉ tới khi đến gần mới phát hiện ra.

Đây là kiểu kiến trúc đỉnh chóp của hoàng cung, nên mới có thể ngoi lên mặt nước, vì nhìn không thấy hình dạng bên dưới nước nên không biết chỉnh thể của nó như thế nào, nhưng nhìn cái chóp này cũng có thể đoán ra hình dáng của tòa tháp. Chúng số lượng rất nhiều, cao thấp chằng chịt, lớn nhỏ không đồng nhất, nhìn qua còn giống những đỉnh tháp của các chùa chiền bình thường.

Từ lúc vào tới đây không thấy bất cứ một di tích nào của cung Tây Vương Mẫu, tới giờ mới thấy được một chút, cảm thấy cũng thỏa mãn phần nào, lúc trước tôi còn nghĩ chúng tôi đến nhầm địa điểm, dù sao trong khe núi cũng không có khắc mấy chữ như “thành Tây Vương Mẫu phía trước hai km, không có tín hiệu di động”. Nghĩ tới đó cũng thấy nực cười, nhưng trong hoàn cảnh này không có tâm tư đâu mà đùa như thế.

Chúng tôi không có thời gian dừng lại thăm thú di tích này, chỉ một mạch vượt qua, tuy rằng không có chút nghiên cứu nào về di tích lịch sử này nhưng đến những đoạn quanh co uốn lượn vẫn thỉnh thoảng nhìn xuống làn nước thấy thấp thoáng bóng dáng của di tích này hiện lên. Chợt tôi phát hiện nơi này dù trải qua hàng ngàn năm nhưng vẫn vô cùng kiên cố, chắc chắn, mà khiến cho người ta kinh ngạc là dưới những đỉnh tháp này còn có rất nhiều cửa vòm, hẳn là khi tôn tạo người ta đã cố tình làm ra chúng.

Những cửa vòm này không lớn nhưng cũng không phải nhỏ, ước chừng người lớn thì không qua được, nhưng nếu nhỏ hơn một chút thì có thể chui qua. Bàn Tử đưa mắt nhìn, lúc đi qua thuận tay lia đèn pin qua một chút bên trong xem, nhưng không thấy gì hết, chỉ nghe thấy tiếng nước chảy rất nhỏ bên trong, không biết nó thông tới nơi nào.

Phan Tử không đếm xỉa tới những thứ này, chỉ một mực thúc giục mọi người mau đi nhanh, Bàn Tử biết anh ấy đang rất nóng lòng, nên cũng chỉ liếc qua một cái rồi cũng đi qua. Sơn cốc này diện tích không lớn, càng đi càng thấy nước bùn giảm xuống rõ rệt, dưới nước các di tích cổ đại hiện lên rõ rệt, nhìn cũng nhận ra được đại khái là hình gì, khiến cho người ta không khỏi choáng ngợp vì sự đồ sộ của nó. Nước chỉ sâu tầm ba thước, vô vàn những bức tường đổ nát cùng với rễ cây đan xen với nhau, khiến tôi cảm giác mình chỉ cách thế giới bên dưới một tầng nước mỏng manh.

Cho tới lúc này tôi mới cảm giác là mình đang ở trong một cổ thành, nhìn những tàn tích này, trong đầu có thể mường tượng ra kinh thành năm xưa phồn thịnh như thế nào, nhưng qua thời gian, dù có là tiên cảnh thì cũng biến thành cát bụi. Trong lòng cảm khái, bỗng thấy dòng nước dưới chân biến đổi, hình như phía trước có chỗ dốc xuống.

Chúng tôi cẩn thận đứng lên, nơi này cây cối um tùm, trượt chân là có thể trọng thương được. Bước qua vài gốc cây đại thụ, Bàn Tử liền thốt lên kinh hãi, chúng tôi nhìn về bên trái trong chỗ rậm rạp tán cây có hiện lên một khuôn mặt rất lớn, cách chúng tôi không đến mười thước. Nhìn nó rất quái dị, kích thước bằng đầu xe tải nhỏ, trên mặt màu xanh rêu loang lổ, mắt to mũi cao. Giống với điêu khắc quái điểu trên vách đá ngoài khe núi chúng tôi từng thấy, hẳn đây cũng là một thạch điêu khổng lồ bị cây cối che phủ.

Bàn Tử bật đèn pin soi qua, toàn bộ phần thân của thạch điêu chìm vào trong đầm lầy, chỉ còn nhìn thấy mỗi cái đầu hòa làm một với cảnh sắc trong rừng. Phần thân chìm dưới nước hiện ra một tư thế ngồi hết sức kỳ quái, cảm giác như nó có thể đột nhiên giương cánh lên vậy. Nhìn vào thạch điêu khiến tôi liên tưởng đến một loài động vật đang rình mồi chuẩn bị tấn công.

Còn có thể nhìn thấy hình dạng bên dưới của thạch điêu có một bóng đen kỳ quái nữa, không biết trong nước còn giấu cái gì. Chúng tôi nhìn nhau, nhớ tới lúc trước nhìn thấy thạch điêu trên vách núi biểu thị cho người ngoài biết là đã tiến vào lãnh thổ Tây Lương Nữ Quốc, vậy còn thạch điêu đầu người thân chim ở đây là muốn biểu thị cho cái gì? Chẳng lẽ là một loại cảnh báo đặc biệt nguy hiểm.

Tôi theo bản năng nhìn về phía pho tượng giấu trong tàng cây, trong lòng thầm nghĩ thật sự thạch điêu này ở đây là để cảnh cáo bất cứ người ngoài nào cố tình tiến vào. Chẳng lẽ bên trong đầm lầy này còn có nguy hiểm gì đang chờ đợi những vị khách không mời như chúng tôi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx