sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 127: Vĩ Thanh

Thật không ngờ được mình có thể thoát chết trong gang tấc như vậy.

Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau thở hổn hển, cảm giác như tất cả mọi chuyện vừa rồi chỉ như một cơn ác mộng. Bàn Tử mặt trắng bệch thúc tôi rời đi ngay lập tức, nguy hiểm vẫn còn sau lưng, một khắc cũng không được dừng lại. Toàn bộ quá trình đuổi bắt rồi trốn chạy vô cùng hoảng hốt, cho tới tận khi ra được tới ngoài tôi vẫn không tin mình còn sống. Chuyện rất dài dòng nên dưới đây tôi chỉ kể lại những chi tiết mấu chốt mà thôi.

Chúng tôi chạy không ngừng nghỉ một mạch ra khỏi hồ nước tới cửa đường hầm, từ đó chọn một hướng rồi men theo thạch bích tìm đường ra khác. Trong khoảng sáu giờ liên tục cả ba người may mắn phát hiện cửa thoát mạch nước ngầm. Chịu đói chịu khát, một mạch bỏ chạy không ai nói câu nào để tránh tiêu hao thể lực.

“Trong hai ngày không ăn gì cơ thể sẽ tự tiêu hao mỡ để duy trì hoạt động, mọi người chịu khó một chút!” Bàn Tử nói, ”tôi từng trải qua tình trạng này rồi, nhẫn nại một chút thì sẽ ổn cả thôi.”

Ban đầu tôi còn nghĩ mình sẽ không thể sống mà đi ra ngoài, tới lúc đó bản thân liền hiểu ra vì sao Chú Ba nói rằng tiến vào trong đường hầm rồi thì coi như là không có đường về. Không chỉ vì nó quá nguy hiểm mà còn vì lộ trình vừa dài vừa khó đi, một người lưng đeo đầy đủ trang bị cũng không chắc đã có thể dùng được, chú đã đoán được quá trình tiếp theo sẽ vô cùng gian khổ nên mới nhắn lại như vậy.

Trên đường hành quân Bàn Tử tính là chỉ trong một ngày là sẽ ra được bên ngoài, nhưng đi lên trên mất sức hơn đi xuống rất nhiều, hơn nữa hai ngày liền không có gì vào bụng, tôi thực sự đã không thể chịu thêm được nữa. Mọi người liền dừng lại cân nhắc biện pháp khác. Những thứ có thể dùng làm thức ăn trong đường hầm này vô cùng ít ỏi, chỉ có rễ cây khô và lũ sinh vật sống dưới nước. Tôi nhớ từng đọc qua một sách thám hiểm có ghi, nếu muốn tồn tại trong môi trường tự nhiên mà không còn thực phẩm thì gặp gì ăn nấy, như tôi thấy thì chỉ có ăn mấy con sinh vật kia là an toàn nhất. Quyết định như vậy nên chúng tôi bắt tay ngay vào vớt chúng nó lên ăn thử, nhưng khốn nỗi là những sinh vật này bơi rất nhanh, lại nhỏ chỉ bằng hạt dưa, cả cái cả nước mới lèn được đầy bụng.

Muộn Du Bình vẫn hoảng hoảng hốt hốt nhưng xem chừng cũng đã có tiến triển tốt hơn rồi, tuy là cái gì cũng không nhớ. Tôi hỏi anh ấy xem trong vẫn thạch đã có chuyện gì, Muộn Du Bình chỉ lắc đầu ngây ngô không nói gì cả. Cũng may là giờ anh ấy đã tự đi được nên chúng tôi cũng không cần thay phiên nhau cõng nữa.

Chúng tôi cứ thế vừa đi vừa ăn cá hạt dưa được ba ngày thì cuối cùng cũng thấy được những mảng rễ cây bám trên trần và vách đá. Bàn Tử đoán là nơi này cách mặt đất trên kia không còn xa nữa, ai nấy xốc lại tinh thần, hứng khởi tiến lên phía trước. Loanh quanh mất nửa ngày cũng ra được một miệng cống. Bàn Tử ngó lên, ngay lập tức anh ta phát hiện ra đây là thạch tháp mà chúng tôi đã nhìn thấy khi đi qua đầm lầy vào rừng mưa.

Miệng giếng này tương đối nhỏ, chúng tôi không thể chui qua được nên Bàn Tử đã dùng súng bắn thủng lỗ chỗ trên tường rồi dùng sức xô đổ cả miệng giếng. Vừa lách người ra, trước mắt tôi nước đã rút rất thấp, trơ ra những tầng rễ cây chồng chéo, bao trùm toàn bộ đầm lầy là lớp bùn đất đen sánh kinh người. Ánh nắng mặt trời chiếu qua tán cây thành từng chấm li ti trên mặt bùn, trời vừa sáng nên toàn bộ lũ rắn đã về tổ, thời điểm này tương đối an toàn để di chuyển.

Nắng chiếu dài trên những tàng cây, cảnh sắc xung quanh trở nên tươi vui sống động, tràn ngập trong không khí là mùi hoa cỏ thơm mát đủ khiến tâm hồn tôi gần như đã thoát li khỏi bóng đen của những ngày khổ cực vừa qua. Mắt thấy bốn phía đẹp như một bức tranh tiên cảnh, nhưng trong lòng biết rõ sự bình yên của nơi này chỉ là một bức màn giả dối, càng yên bình lại càng không thể dừng chân.

Theo như tính toán của chúng tôi thì tới khi trời tối cũng chưa thể đi ra khỏi khe núi được, nhiều nhất thì cũng chỉ có thể đi được nửa đường, nếu không may gặp phải bất trắc gì chưa chắc đã duy trì được đủ quân số khi tới sa mạc. Ba chúng tôi đều đã trải qua vô vàn khó khăn mới có thể sống sót được tới đây, tôi không muốn lại có người phải hy sinh nữa, nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là suy nghĩ mà thôi, ra được hay không còn phải nhờ vào vận số, trước mắt cứ dốc hết sức mà đi đến đâu thì đến. Cũng may đi tới bìa rừng thì rắn cũng không nhiều, hơn nữa trên người ai cũng trát đầy bùn, có thể nói là tương đối yên tâm rồi.

Đoạn đường tiếp theo không cần phải kể nữa, thực ra đó là khoảng thời gian tôi không muốn nhớ lại. Ba người di chuyển vô cùng cực khổ, vừa đi vừa vật lộn với cơn mệt và đói, toàn thân lại dính đầy thương tích. Còn chưa nói tới bị bọn thảo tử trùng bám chi chít mà không có thời gian để xử lý, cứ thế hành quân suốt đêm xuyên rừng, nếu bên tai nghe thấy có động phải lập tức tăng tốc.

Hơn một ngày một đêm lao tâm khổ tứ cuối cùng chúng tôi cũng đã ra khỏi khe núi, vừa đặt chân lên lớp cát nóng bỏng của sa mạc tôi đã thấy thấp thoáng bóng xe và người của Định Chủ Trác Mã đang đợi ở xa xa. Cảm giác như mình vừa được sinh ra lần thứ hai trên đời này vậy, vui mừng khôn tả. Bàn Tử vừa bước được vài bước bỗng gục xuống ngất lịm đi, Định Chủ Trác Mã bên kia thấy ba chúng tôi thất thểu bước từ khe núi ra thì tựa như không tin vào mắt mình nữa.

Chúng tôi được nghỉ ngơi và bồi dưỡng tại sa mạc ba ngày, cả ba đều trong tình trạng kiệt quệ cả về tinh thần lẫn thể chất. Ba ngày không nghĩ được gì, cũng không có một cảm giác gì, tất cả đều trì trệ, chỉ có ngủ là nhiều, gần như tôi đã thiếp đi hơn một ngày mới có thể ngồi dậy được. Hơn nữa đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình được ngủ thoải mái như vậy, phía trước tất cả chỉ như một cơn mê, nhắm mắt lại là coi như cởi bỏ hết những ý niệm nặng trĩu trong đầu, không còn vướng bận gì nữa.

Muộn Du Bình không có chút tiến triển gì hơn nữa, hoặc là ngồi thơ thẩn trong lều hoặc là dựa vào nham thạch ngẩng đầu nhìn trời, im lặng. Chúng tôi cũng không biết làm gì hơn, ai nấy thở dài có chút tiếc nuối. Không ngờ rằng anh ấy đã đi được đến cuối cuộc hành trình rồi nhưng kết quả lại là chỉ như một con số không tròn trĩnh.

Phan Tử là do Trát Tây cứu về, hiện đang nằm trong một trại khác tình trạng khi mê khi tỉnh, tôi cũng không dám nói với anh ấy chuyện Chú Ba. Trát Tây nói Văn Cẩm có nhờ bọn họ một việc, làm thế nào để đề phòng rắn độc, rồi khi nào thấy có tín hiệu thì tiến vào cứu. Lúc bọ họ tiến vào doanh địa cùng lúc với chúng tôi rời đi, tìm trong thần miếu thấy Phan Tử vẫn còn sống nên đã mang ra ngoài.

Ngẫm lại thì hôm đó chúng tôi rời đi đuổi theo bắt Văn Cẩm, nếu như tối hôm đó ở lại thì có thể gặp được Trát Tây, tình hình sẽ hoàn toàn thay đổi. Chỉ là chuyện đã qua rồi nên cũng không buồn nhắc lại.

Nghỉ ngơi thêm hai ngày, Trát Tây nói với chúng tôi chuẩn bị xuất phát, theo như trí nhớ của cậu ta thì chúng tôi hiện đang dừng chân ở trong một quỷ thành, những tảng đá được sắp xếp thành một cơ quan tĩnh vô cùng kỳ ảo, chúng tôi cần có người hướng dẫn chính xác mới có thể đi ra ngoài được. Sau khi ra khỏi đây thì thẳng hướng xuyên qua sa mạc, phía trước sẽ gặp một đường quốc lộ, chúng tôi chỉ cần tới được đó là sẽ có cứu viện. Tới lúc này tôi vẫn không có thông tin gì về Chú Ba và Hắc Nhãn Kính. Trát Tây nói bọn họ có thể đã ra ngoài từ đường khác hoặc vẫn bị lạc bên trong, nhưng đã quá muộn để chúng tôi hành động.

Không có xe nên chỉ có thể đi bộ, chúng tôi lại chuẩn bị hành trang lên đường, vì lúc trước Chú Ba cùng đại đội nhân mã tới đây mang theo rất nhiều đồ đạc mà lúc rời đi phải để lại không ít. Đâu thể vác hết tất cả trên lưng nên chúng tôi chỉ lựa vài món cần thiết để mang theo người, quãng đường phía trước cũng tương đối dài, nhiều nhất là phải có nước để uống.

Bàn Tử nói giảm đồ ăn, không cần mang theo lều trại, có bao nhiêu chỗ trống thì để đựng nước hết, ăn ít thì cùng lắm là về sau bồi bổ được, không đủ nước thì chắc chắn không thể về được đến nhà.

Vì thế lúc lên đường chúng tôi chủ yếu vác theo nước, vượt qua lưu vực, quá trình đi cũng không tránh khỏi khổ cực, nhưng so với phải hành quân trong rừng mưa vẫn thú hơn một trời một vực. Đi suốt một tuần cuối cùng chúng tôi cũng ra được đường quốc lộ. Trong số người đi cùng chúng tôi có rất nhiều tàn quân của A Ninh, bọn họ dùng điện thoại để liên lạc với người của Cầu Đức Khảo, đại khái sau đó ba mươi giờ công ty của A Ninh cũng cho xe tới cứu chúng tôi.

Khi đã an vị trên xe mọi người mới có thể cảm nhận được niềm vui của sự sống, có người thậm chí đã bật khóc, hành trình này đối với họ coi như là cũng đã hoàn thành, không toàn vẹn nhưng cũng không quá bi đát. Bàn Tử ngồi bên cạnh tôi bỗng hát lên một câu:

”Trèo lên ngọn gió vọng cố hương

Cát vàng ngời sáng vạn dặm đường

Xa xa vang vọng hồn ai gọi

Tiếng ca xao động cõi vô thường…”

Có tiếng người khen chê vang lên, trong lòng tôi bỗng dâng lên một niềm xúc động nghẹn ngào, sống mũi lại cay cay, hai mắt nhòe đi, cảm giác như muốn bật khóc. Tất thảy đều thoáng hiện lên trước mắt tôi như một giấc mộng, tai vẫn văng vẳng những âm thanh cười nói, nhưng tâm hồn đã để lại trong sa mạc kia rồi.

Sau khi trở lại Cách Nhĩ Mộc, tôi cân nhắc mãi mới quyết định gửi một email cho chú Hai, kể cho chú nghe toàn bộ sự việc diễn ra tại Sài Đạt Mộc. Nửa giờ sau chú Hai gọi điện cho tôi nói rằng chú thực ra đã biết hết, chuyện này trăm ngàn lần cũng không cần nói cho bất cứ ai biết, chú còn dặn tôi không được xen vào, để mình chú xử lý là được, còn nhiệm vụ bây giờ là tôi phải về Hàng Châu ngay lập tức.

Nhưng tôi không thể nghe chú mà trở về bây giờ được, Bàn Tử, Muộn Du Bình và Phan Tử phải nằm trong bệnh viện một thời gian dài để chữa trị.

Bàn Tử là do bị kiệt sức nên chỉ cần truyền vài chai thuốc bổ là ổn định được sức khỏe. Phan Tử phúc lớn mạng lớn, sau khi đã tương đối hồi phục tôi mới ngồi lại kể cho anh ấy chuyện Chú Ba, anh đau lòng vô cùng, thể chất tôi vẫn còn rất yếu nên cũng không nghĩ nên an ủi anh điều gì. Phan Tử nghe xong liền đòi trở về Trường Sa, nói là muốn ở đó đợi tin tức của Chú Ba. Tôi bảo nếu có tin tức gì thì hãy báo ngay cho tôi biết.

Nghiêm trọng nhất vẫn là tình trạng của Muộn Du Bình, sau một thời gian nằm viện anh ấy đã khôi phục được ý thức, nhưng không còn nhớ một cái gì trong đầu. Bị kích động mạnh đã làm cho thần kinh của Muộn Du Bình tổn thương nghiêm trọng, tư duy vô cùng hỗn độn, bác sĩ bảo phải để anh ấy lại trong viện theo dõi.

Vốn dĩ những chuyện anh ấy nhớ lại trước cũng không được nhiều, giờ thì coi như sạch bách cả, đến tôi là ai anh cũng không nhận ra. Tôi nhìn anh ấy như vậy mà thật sự không đành lòng, bất giác quay đi.

Tôi là người cuối cùng trở về nhà, sau khi thay giặt tắm rửa sạch sẽ, chẳng biết làm gì nên tính ra hòm thư xem. Vừa mở hòm ra tôi thấy ngay một phong thư của Chú Ba gửi tới.

Trong lòng chợt động, nhìn ngày trên phong bì, xung quanh không có dấu bưu điện, tôi lập tức mở ra xem, trong thư viết rất dài.

Tiểu Tà.

Khi cháu đọc được bức thư này thì chắc chú cũng đã hoàn thành đại sự của mình, hoặc có thể cũng đã chết ở một nơi nào đó.

Chú không biết cháu đã hoàn toàn biết được chân tướng sự việc hay chưa nhưng vẫn muốn tự mình kể lại tất cả cho cháu.

Sau khi viết bức thư này chú phải đi xa một chuyến, đây là do số mệnh sắp đặt không thể nào tránh được. Chú nghĩ đây sẽ là lần cuối cùng chú cháu ta còn nói chuyện với nhau, vì việc đó mà chú đã lựa chọn hủy hoại hoàn toàn sự nghiệp của mình, nếu như sau hết thảy vẫn chưa thể tìm ra được đáp án thì cũng đồng nghĩa với việc chú chọn cái chết để kết thúc tất cả.

Những chuyện mà cháu muốn biết, chú sẽ viết lại thật chậm rãi cho cháu hiểu. Những gì cháu coi là kỳ quái mà chú đã phải giấu, phải tìm mọi cách để lừa cháu, sau khi đọc xong lá thư này cháu sẽ hiểu. Bởi vì ngay tới thân phận của chú cũng là một phần bí mật của sự việc này.

Thật có lỗi, nhưng cho dù cháu cảm thấy thế nào thì đối với chú Tiểu Tà vẫn mãi là một thằng cháu không biết nghe lời. Lần này cháu nhất định phải tin chú, tất cả những gì chú Ba này làm đều là vì muốn bảo vệ cho cháu. Chú chưa bao giờ có ý định làm hại tới cháu, càng không nghĩ sẽ gây chuyện bất lợi cho Ngô gia.

Có lẽ chú đã muốn mình là một phần của gia tộc này, hoặc là do thân mang mặt nạ lâu rồi nên không muốn gỡ bỏ xuống.

Cũng phải xin lỗi cháu vì trong bức thư này chú không thể nào giải thích chi tiết toàn bộ sự việc, có thể nói là tất cả những chuyện phát sinh từ trước tới giờ đều vì một nguyên nhân tất yếu, mà chú chính là một phần trong đó. Chỉ vì lúc đó không may tạo ra một sai lầm khiến cho hết thảy sự việc phát sinh, cho tới khi chú đã rơi vào quá sâu rồi thì không còn cách nào để quay đầu lại. Thực ra chuyện ở Tây Sa còn ẩn giấu một bí mật lớn hơn rất nhiều, mà sự mất tích của Văn Cẩm cũng không chỉ đơn giản như vậy. Sau khi đó chú đã điều tra lý lịch của từng người, phát hiện ra trong bọn họ có vài người rất bất thường, không biết là họ từ đâu tới hay trước đây họ từng làm gì.

Tiếp tục điều tra sâu hơn cháu sẽ hiểu đằng sau đội khảo sát này còn có một thế lực bí ẩn nữa, mọi chuyện tiếp diễn sâu xa khôn lường. Cho nên sau khi bị cuốn vào giữa những vấn đề đó, chú có trách nhiệm phải tìm cho ra kết cục của nó, phải truy tìm đến cùng những bí mật này cho dù có phải trả giá nào đi chăng nữa.

Chú hi vọng là nơi chú sắp tới kia sẽ có đáp án để kết thúc tất cả. Sau khi cháu biết được chân tướng, cháu hãy cứ tiếp tục làm những việc cháu muốn, đừng tham gia vào chuyện này. Chú biết cháu xem xong toàn bộ sự tình sẽ phát hiện ra rất nhiều câu hỏi, nhưng chúng đã không còn liên quan tới cháu nữa rồi.

Cuối cùng trước khi chia tay chú muốn nói với cháu một câu, cháu phải nhớ cho rõ, ông nội của cháu từng nói:

Đáng sợ hơn cả quỷ thần đó là lòng dạ con người.

Tiếp theo là một đoạn miêu tả toàn bộ câu chuyện ở Tây Sa, những gì chú viết hầu như đều tương đồng với lời kể của Văn Cẩm. Tôi yên lặng đọc cho tới hết lá thư, sau khi gập lại hai mắt không biết từ khi nào đã ướt nhòe, từng giọt nước mắt cứ chảy dài trên má…


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx