Nghĩa địa nằm cheo leo trên một trái đồi. Đó đây, một vài cây thông trơ trọi, mấy cây đại lưa thưa, dăm ba thân ruối sù sì cằn cỗi, cành là khẳng khiu xơ xác.
Mặt trời không một cụm mây che, tỏa ánh sáng xuống trần gian, hắt bóng những cây thánh giá rõ như in trên mặt đất.
Huyệt đang đào, mới được chừng 40 phân, đã để lộ đất sét màu vàng nghệ. Người thợ đất phì nhổ luôn miệng nước bọt vào lòng bàn tay. Ý chừng để nắm cán cuốc cho chắc. Cứ ba bốn nhát bập lại có tia lửa xẹt ra từ những hòn cuội bị mưa, mặt đất khô nẻ, chai cứng như lòng bàn tay người thợ già đào huyệt. Trong khu giáo đường kế cận, giữa vòng rào sắt đã tróc cả sơn, Đức Mẹ Đồng Trinh đứng trên bệ cao, nét mặt đoan trang, nụ cười trên môi lúc nào cũng như bất chấp cả thời gian mòn mỏi.
Dưới chân đồi, cách chừng 300 thước, làng Trung Quyết còn đắm mình trong giấc ngủ say. Con đường đất đỏ lượn vòng như khúc rắn. Những mái nhà thấp quy tụ đông đảo nhất tại xóm chợ, quay máy nước. Chợ và máy nước, như bất cứ ở đâu cũng thế, là những nơi hay có đông người tụ họp nhất. Nhưng, buổi sáng nay, không thấy bóng một ai.
Dân làng, ngoại trừ một số đàn bà con trẻ, giờ này chắc vẫn còn say ngủ, còn đều đi đưa đám táng cả.
Sáu người âm công, quần áo đen viền trắng, giầy mũ cũng màu đen, ruỗi thẳng cánh tay đỡ bốn góc và hai cạnh chiếc quan tài, bước đi chầm chậm. Nẹp đồng viền cạnh và các góc hòm phản chiếu ánh mặt trời, sáng lấp lánh. Bó hoa huệ trắng, có lẫn cả mấy bông glaieul dại cũng màu trắng, đặt trên nắp hòm sơn màu xám nhạt, rung rinh, trôi dần ra mép gỗ, rớt xuống mặt đất. Một thiếu phụ mặt đồ trắng toát cúi xuống lượm, đặt lên chỗ cũ; kéo cây thánh giá tới sát bó hoa, chận nó lại.
Nắng xuyên qua đám mây trắng, tỏa ánh sáng dịu êm. Cảnh vật đẹp như vẽ, không một chút nào thích hợp với một đám tang. Mà lại là đám tang một cô gái, một cô gái băng trinh. Nhất là cô gái băng trinh ấy lại đẹp, lại có học, và trẻ, quá trẻ … tuổi mới vừa đôi chín.
Đám người đi đưa, xếp hàng thứ tự, theo chân nhau bước vào gian giáo đường tranh tối tranh sáng, nồng đượm mùi trầm. Qua ô cửa lớn, ánh sáng lùa vào soi rõ những phiến gạch tàu, lâu ngày đã rạn nứt, có chỗ mất hẳn một miếng lớn.
Ngoài sân, trong hồ xi-măng, hòn núi non bộ, trông như hình một ông cụ già áo quần tơi tả, đang khom mình cúi nhìn làn nước rung rinh từ một cái vòi ngầm, vọt lên cao rồi dội xuống ào ào như một trận mưa lớn. Phía sau màn hơi nước trắng xóa ấy, cô bé Chi Thoa đứng im lặng nhưng vẻ mặt có chiều nóng nẩy đợi chờ. Bàn tay phải cô gái 13 tuổi nắm chắc … một cây súng trường. Cây súng dựng đứng, cao gần bằng đầu cô bé.
Đôi mắt đỏ hoe lơ láo nhìn vị linh mục trong chiếc pháp y quá ngắn để lộ đôi giầy nhà binh đế đóng đầy đinh. Mỗi bước đi, dù cố gắng gượng nhẹ, tiếng giầy vẫn vang lên cộp, cộp. Ngay sau lưng vị tu sĩ là cha cô bé, mặc một bộ đồ lớn màu đen hơi chật, chỉ được thắng vào trong những ngày lễ lớn, những dịp đặc biệt. Trên đầu, ông Phi chụp hững hờ một chiếc mũ dạ xám để che nắng.
Chi Thoa chờ cho mọi người tập họp lại thành hàng lối gọn gàng đã, đồng thời chiếc quan tài màu xám lợt được đặt ngay ngắn trên vai sáu người âm công từ từ chuyển dịch, đám tang đi vào một cái ngõ hẹp, lúc đó em mới bước ra. Chiếc áo dài trắng khiến em trông lớn hẳn lên, lớn hơn cái tuổi 13 nhiều lắm.
Tay xách cây súng nặng, Chi Thoa bước đi chầm chậm. Em cũng biết mọi người hai bên đường đang chăm chú nhìn mình dữ lắm. Trước khi nhập vào đám người đi sau linh cữu, em đưa tay làm dấu, một đầu gối quỳ xuống, đoạn đứng lên thật nhanh. Rồi, vẫn im lìm, cả đôi môi cũng không mấp máy, cô bé đưa thẳng cánh tay, trao cây súng cho cha là ông Lê Phi.
Vị linh mục vừa đi vừa lẩm nhẩm đọc kinh, chợt cảm thấy có cái gì nhột nhạt phía sau lưng, nhà tu sĩ quay mặt lại. Mái tóc tu hành, theo thời gian, chỉ còn lại một vành tròn, trắng nhiều hơn đen. Nhưng bên trong tấm áo rộng, thân mình cha Mạnh lực lưỡng, to lớn, cân đối cũng như thân hình đám người đàn ông đi phía sau, các con chiên của ông. Linh mục Lâm Đức Mạnh sanh ra đời và lớn lên tại đây, tại làng Trung Quyết này.
Khẩu súng săn hai nòng đen bóng khoác trên vai, ngón cái bàn tay trái móc vào dây quai súng, ông Phi khẽ nghiêng mặt, né tránh tia mắt nhìn soi mói của cha Mạnh. Vị tu sĩ cất tiếng trầm trầm, ánh mắt quắc lên nghiêm nghị:
- Anh Phi! Điên rồi hả? Đưa cho con nhỏ đem “cái đó” về cất ngay đi!
- Không!
- Anh có biết rằng …
Giọng người đàn ông sắt lại, gằn từng tiếng, cắt ngang lời ông cha:
- Biết! Biết lắm chứ! Thưa cha! Tôi biết rõ là hiện thời con Chi Lan đang nằm trong cái hòm kia để không còn bao giờ thức dậy nữa. Nơi cha, con gái tôi đang chờ đợi những lời nguyện cầu cho linh hồn nó được sớm về với Chúa. Nơi tôi, nó đợi chờ.. cái khác..
- Anh Phi! Anh cũng thừa hiểu rằng tôi có quyền từ chối không ban cho nó thánh lễ trong giáo đường như vừa rồi chứ? Và bây giờ, nếu anh không bảo con nhỏ kia đem “cái đó” về, thì thôi, nhất định tôi cho dừng ngay tại nơi đây, không đi thêm một bước nào nữa đó.
Vị linh mục dùng hai chữ “cái đó”, “cái đó” để ám chỉ cây súng hai nòng. Ý chừng ông ý thức rằng, trong giây phút nghiêm trọng như thế này, danh từ “khẩu súng”, tên gọi cái võ khí có thể gây cái chết cho người ta trong nháy mắt kia là những tiếng không nên nhắc tới.
Ông Lê Phi, xương quai hàm bạnh lên, bướng bỉnh lắc đầu, tia mắc sắc lạnh như một ánh thép:
- Không!
Vị linh mục quay nhìn ra, quát lên:
- Đứng lại! Tất cả đứng lại!
Sáu người âm công, được dịp nghỉ mệt, sáng ngời ánh mắt, dừng ngay lại, đều tay hạ chiếc quan tài xuống, đặt chình ình ngay giữa lối đi chật hẹp dẫn tới nghĩa trang. Đoàn người phía sau ngạc nhiên tiến lên, sáp tới.
Người đàn ông tên Lê Phi hằn học cất tiếng nhưng lời nói vẫn lễ độ đúng mực:
- Cha tiếc là đã ban cho cháu thánh lễ?
Sau một tiếng “hừ” mệt mỏi, ông ta nói tiếp: - Một tên ác đức nào đó đã tròng dây siết cổ nó, đạp đổ chiếc ghế dưới chân nó, để con bé …. hừ!! … Đó! Cha coi! Cháu Chi Lan chết thảm thiết như vậy đó, thưa cha!
Nhà tu hành vẫn chậm rãi:
- Tôi công nhận lời anh vừa nói là đúng. Nhưng vậy là đủ rồi! Đừng đòi hỏi tôi điều gì thêm nữa chứ!
Lê Phi vẫn đều một giọng:
- Lúc linh cữu cháu nó còn quàn tại nhà, tôi cứ quanh quẩn bên nó không rời một bước. Tôi đã khóc con gái tôi mãi không thôi … Nhưng giờ đây, trước khi vĩnh biệt, tôi muốn con gái yêu của tôi biết rằng tôi sẽ …! Tôi đã khóc rất nhiều rồi. Nước mắt khô cạn hết rồi. Thời kỳ than van sầu thảm xong rồi. Và bây giờ …
Một con ngựa già gầy ốm, lông mọc lởm chởm, thẩn thơ đứng bứt cỏ bên bờ con đường đất đỏ. Lê Phi tiến lại bên con ngựa ốm. Một con bướm rất to, hai cánh đen mướt như nhung, điểm hai đốm đỏ trông như hai vệt máu tươi, sà xuống đậu lên bó hoa huệ trên nắp quan tài.
Tiếng một ông cụ già:
- Anh Phi nói đúng
Vị linh mục nhìn ông cụ:
- Anh Phi nói đúng hay không, tôi cũng chưa dám chắc. Có điều, có điều Chúa đã dạy: “phải biết tha thứ …!”, “các con nên tha thứ!”
Ông cha họ Lâm cứ nhắc đi nhắc lại mãi hai tiếng “tha thứ, tha thứ”. Nhưng giọng nói của nhà tu hành thiếu hẳn khả năng thuyết phục của người nghe. Tuy vậy, ông vẫn thản nhiên, hay cố làm ra vẻ thản nhiên:
- Ai đời đi đưa đám tang con gái mà lại xách súng theo bao giờ
Cánh bướm đen màu tang chế vụt bay lên. Con ngựa già lại quay về với đám cỏ gầy xơ xác. Cuộc bàn cãi tranh luận kéo dài khiến người cha đau khổ không còn chịu đựng nổi nữa. Lê Phi gầm lên:
- Trời ơi! Cha.. ngoan cố lắm. Tôi xách súng theo không phải là để vĩnh biệt nó, không phải để đưa đám tang nó, mà – ông ta rít qua kẽ răng nhưng lời nói nghe vẫn rõ ràng từng tiếng một – mà chính là để cho nó “nhìn thấy”, để cho nó “hiểu được rằng …”. Vậy đó. Từ hai ngày nay, cha biết dùm cho, tôi vẫn treo nó ở cái đinh lớn, bên lò sưởi. Hai ngày dòng dã, có tới hàng trăm lần, tôi đã định giật lấy, đem nó xuống rồi đó.
Mọi người vây kín chung quanh, lắng tai nghe. Chắc họ ngạc nhiên lắm nhưng vẫn giữ được trật tự, trật tự trong im lặng. Chỉ nghe những tiếng thở nhẹ và dài. Rõ ràng là họ đứng tất cả về phía ông Lê Phi.
Ánh mắt vị linh mục chợt dịu hẳn đi:
- Anh Phi! Nhưng cần phải biết chắc đã rồi mới ….
Ông Lê Phi vỗ nhẹ vào báng súng:
- Khi nào được xử dụng đến nó tất nhiên là phải biết chắc rồi chứ thưa cha. Rồi! Bây giờ cha tính sao đây?
Linh mục họ Lâm nhẹ nhún đôi bờ vai rộng. Ông rút chiếc khăn mùi soa đưa lên thấm thấm vầng trán hói. Và nhà tu hành tự nhủ: “Thôi! Bàn cãi tranh luận làm quái gì nữa!” Ông biết rõ hơn ai hết: dân làng Trung Quyết hết thẩy đều ngoan đạo, nghĩa là tất cả đều nhớ lời Chúa nói “Con hãy tha thứ …!” Không ai vắng mặt một buổi lễ chầu nào bao giờ …! Con hãy tha thứ! Ấy vậy mà nếu ông Lê Phi không đích thân bắn hạ, như người ta bắn hạ một con thú dữ nguy hiểm, tên hung phạm đã bức bách Chi Lan để đến nỗi em phải chết oan thì chắc chắn ông sẽ bị mọi người quay lưng lại, mỗi khi gặp mặt. Vị linh mục ngoảnh nhìn ra bên ngoài hô lớn:
- Lên đường!
Sáu người âm công lại bắt tay vào mép quan tài. Chưa được 10 bước, bó hoa huệ trắng lại rung rinh, trôi dần ra mép gỗ … rớt xuống đất. Lần này không ai buồn lượm lên nữa. Cánh hoa trắng đã héo tàn, rũ xuống. Đám người theo bước, trên nền khăn áo trắng lốp, chỉ nổi bật những đôi mắt đỏ hoe. Họ thẫn thờ đặt bước, xéo cả lên bó hoa khiến nó nát bét.
Trong lòng bàn tay đầy vết chai cứng ram ráp của ông Phi, nằm gọn mấy ngón tay thon nhỏ của cô bé Chi Thoa. Người đàn ông có cảm tưởng mấy ngón tay nhỏ đó như đang ngầm nói lên một sự đồng ý. Hơn thế nữa, một lời khuyến khích. Đúng như vậy. Cái bàn tay con nít gói ghém cả một cái gì quyết liệt, tuyệt nhiên không còn một chút gì gọi là ủy mị non nớt của một bàn tay măng sữa đang đi tìm hơi ấm của một sự chở che.
Chi Thoa, cô bé 13 tuổi, cũng như bà mẹ đang nghiến răng khóc thầm trong chiếc mùi xoa trắng toát kia. Cái bàn tay cầm mùi xoa đó, khi cần, cũng biết nhồi đạn, cũng biết lau súng giúp chồng một cách thành thạo ít ai bằng.
Trên cây bàng gần đó, giữa đám lá cành xơ xác, một con sáo đá ngước mỏ hót líu lo. Bướm trắng bay lượn la đà trên lá cây, ngọn cỏ. Phi lý hết sức! Quang cảnh một ngày đẹp như thế này thật không thích hợp với một đám tang một chút nào. Nhất lại là đám tang một cô gái mới 18 tuổi.
Hai sợi dây lớn thòng chiếc quan tài, đặt nằm vào lòng huyệt xong, khi rút lên, cọ vào thành gỗ, phát ra những tiếng khô khan: “kịch! kịch!”. Ông Phi cau mặt, thoáng rùng mình. Ông có cảm tưởng như người ta vừa làm đau đớn đến thân xác Chi Lan.
Khẩu súng trường khoác vai, người cha đau khổ nghiêng mình nhìn xuống lòng huyết lạnh. Đôi môi ông mấp máy. Người cha cầu nguyện cho linh hồn con sớm về với Chúa? Không phải đâu! … Ông vừa thốt ra một … lời thề.
Làm dấu thánh giá xong, người đàn ông quay nhìn, đưa tay rẽ đám đông bạn hữu, bỏ đi. Bước chân nện mặt đất kêu thình thịch. Tới vòng rào bào quanh khu nghĩa địa, ông dừng lại, ghếch một chân lên bờ đất, hạ khẩu súng xuống cầm tay, đợi chờ. Có tiếng người khẽ vang lên phía sau lưng:
- Có cần để tôi phụ một tay, anh Phi?
- Khỏi!
Lời nói cộc cằn thô lỗ, nhưng phản ảnh tính tình bộc trực ngay thẳng không khiến ông Hai Bé phật lòng. Trái hẳn thế! Sinh trưởng tại làng Trung Quyết, ông Hai Bé hiểu ông Lê Phi, cũng là dân Trung Quyết, hơn bất cứ người ngoài nào khác.
Người đến sau ông Hai Bé là … linh mục Lâm Đức Mạnh. Tấm pháp y gấp gọn vắt trên tay, ông ngó Lê Phi:
- Tôi nhìn rõ tâm trạng anh lắm. Và, nếu nhớ không lầm, thì tôi đã chứng minh cho anh thấy rõ điều đó rồi thì phải?
- Vâng, thưa cha, có thế. Và tôi cũng đã cảm ơn cha rồi. Giờ đây … tôi có … chờ đợi, không phải chỉ là riêng cho con gái tôi, mà là cho cả … cha nữa đó.
Hai bàn tay, có những ngón to lớn, chập vào làm một. Những ngón tay đan chặt vào nhau, vị tu sĩ trầm giọng thốt:
- Tôi nhắc lại để anh khỏi quên: “cần phải biết thật chắc đã” nghe. Anh hãy thề với tôi đi.
Ông Lê Phi ngẩng phắt đầu. Đôi mắt tròng nâu, một màu nâu huyền ảo, mất hẳn đi tính chất sắc lạnh. Những ai từng quen biết Lê Phi, hiểu ông nhiều, ắt phải nhận ra trong đáy mắt, nỗi buồn của người đàn ông không còn bút nào tả xiết. Ông ta mấp máy đôi môi. Tiếng nói phào ra như một làn hơi thở nhẹ:
- Vâng, tôi xin thề. Có ai lại đi buộc tội mà không nghe bị cáo tự biện hộ bao giờ.
Ngoảnh ra, đám người đã về hết, chẳng còn một ai. Lê Phi quay gót, hướng về phía làng. Bà mẹ cô gái chết trẻ, cô bé Chi Thoa, anh chàng Giậu, vị hôn phu của Chi Lan đi theo sau, cách khoảng 10 bước.
Khi cả bọn đi ngang cây bàng cằn cỗi, con sáo đá vẫn ngước mỏ hót vang vang.
° ° °
Võ Mạnh Tôn quát to bực bội:
- Cậu thừa hiểu một giờ quay của tôi tốn kém lắm chứ!
Tiếng trả lời nghe ôn tồn hơn:
- Biết rồi! Nói hoài!
Giám đốc kiêm đạo diễn hãng phim Hoàng Yến giơ thẳng hai cánh tay lên trời:
- Biết rồi! Cậu bảo biết rồi mà cậu vẫn cứ đi như thường?
Võ Mạnh Tôn đứng ngồi không yên, đặt bước chân nặng chình chịch đi đi lại lại giữa đám nhân viên đông đảo: chuyên viên thu hình, chuyên thâu thanh, chuyên viên bài trí sân khấu. Ai nấy ngồi im lặng đợi chờ. Trong không khí nặng nề chỉ có tiếng của Mạnh Tôn vang lên lồng lộng. Khi nói, Mạnh Tôn có cái tật nói cả bằng mắt và nói cả bằng hai tay.
Suốt một tuần lễ, anh đã sục sạo khắp trong khu vực, để rồi cuối cùng, dừng chân tại làng Trung Quyết này. Ở đây cũng mặt trời ấy, cũng ánh sáng ấy, nhưng màu sắc lại khác hẳn. Có nhiều màu xanh lá cây hơn. Rồi tất cả cái gì của con người tạo dựng lên ở nơi này đều mang một sắc thái nghèo mà kiêu, nghĩa là đúng cái bối cảnh Võ Mạnh Tôn cần đến cho cuốn phim của mình.
Tiếng trả lời hồi nẫy, vẫn ôn hòa như bao giờ, của chàng thanh niên tên Nguyễn Trọng Minh: “Một giờ có 60 phút chứ bao nhiêu …!”
Cha người Việt miền Bắc, mẹ là khách trú lai, Trọng Minh có một thân hình dong dỏng cao, da ngăm ngăm màu bánh mật. Mặt thật đẹp, nhưng là một vẻ đẹp rất… đàn ông. Số tuổi 29, ngót 30 đã vạch trên trán chàng vài nét nhăn. Thay vì khiến cho khuôn mặt già đi, mấy nếp nhăn đó lại làm tăng thêm vẻ nghiêm nghị chín chắn của tia nhìn từ đôi mắt dài hơi xếch.
Khi mới chập chững bước vào nghề, Trọng Minh đã gặp phải, cũng như các bạn đồng nghiệp, nhiều khó khăn trở ngại trong việc lựa chọn một vai trò thích hợp. Nhưng, giờ đây, thiên hạ thi nhau xây dựng những cuốn phim độc đáo quanh ngôi sao sáng chói của chàng. Theo đoàn lên tới đây, nội tâm chàng trai trẻ đã được hai động cơ thúc đẩy. Thứ nhất: được làm việc với người bạn thân, Võ Mạnh Tôn tức Giám đốc Hoàng Yến điện ảnh Công ty. Sau đến, là vai trò Dũng, người hùng trong chuyện phim “Đất Nghịch” trích ở cuốn tiểu thuyết “Đất Nghịch” hiện đang bán chạy nhất trong toàn cõi Việt Nam. Rồi tới khi đặt chân lên phần đất làng Trung Quyết này, Trọng Minh nhận thấy ánh sáng mặt trời, lọc qua màu xanh sắc lá cây, khác hẳn với ánh sáng mặt trời trơ trẽn tại Saigon. Và trong làn ánh sáng mát dịu màu lá cây ấy, chàng trai ngót 30 tuổi đã gặp được khuôn mặt vô cùng tươi đẹp: Chi Lan.
Võ Mạnh Tôn, cùng một quan niệm, cùng một khuynh hướng với tác giả cuốn “Đất nghịch” nên đã chọn làng Trung Quyết làm bối cảnh thực, trăm phần trăm có thực, cho cuốn phim “Đất Nghịch” của mình. Và để giải quyết vấn đề trụ sở cho đoàn chuyên viên dưới quyền, chỗ để đồ nghề, dụng cụ, Mạnh Tôn đã xin phép Chánh quyền địa phương hạ trại trên một cánh đồng cỏ rộng rãi mát mẻ tại khu phía Tây làng. Riêng chàng và hai tài tử cốt cán, Trọng Minh là một, thuê mấy căn nhà rộng của dân trong làng để tạm trú.
Cài nốt chiếc khuy “măng sét”, choàng chiếc “vét tông”, Trọng Minh bước ra khỏi căn lều vải, nhắm hướng nhà thờ có cái gác chuông kiến trúc hình vuông cao vượt hẳn những mái nhà, tường xây bằng đá xám. Chỉ còn non trăm thước nữa tới nơi, đã trông rõ đám người tụ tập trước sân giáo đường. Đột nhiên, Trọng Minh nhận ra viên hương quản Đặng Sâm đang săm săm tiến lại phía chàng. Đặng Sâm dừng lại giữa lối đi của chàng trai:
- Cậu Trọng Minh! Cậu đi đâu vậy?
Thường ngày, tay ủy viên cảnh sát xã này là một người rất vui tính, hay đến phim trường nói chuyện phiếm. Bữa nay, nét mặt y nghiêm trầm khiến nụ cười phác dở trên môi chàng trai tắt lịm:
- Hả? Đi đâu! Hôm nay sao ông Sâm lại phải hỏi kỹ thế? À.. tôi tới nhà thờ
Đôi mắt viên hương quản vẫn đăm đăm nhìn không chớp vào đôi mắt người đứng trước mặt:
- Đừng! Cậu Minh! Tôi ngại lắm. Xin khuyên cậu một điều: Đừng tới đó.
Sẵn trớn, chàng trai dợm chân đặt bước. Viên hương quản họ Đặng án ngữ ngay trước mặt. Lỡ đà, Trọng Minh hơi cáu:
- Ông Sâm định cấm cản tôi chắc?
- Tôi đâu có quyền cấm cản cậu. Cậu cứ nói quá. Có điều …. có điều, nếu cần, tôi sẽ cản cậu thật đấy. Cậu đừng nên tới đó thì hơn.
- Đừng nên tới? … Tôi quen với Chi Lan mà!
- Tôi biết. Nhưng chỗ anh em, cậu Minh. Cậu nên quay trở lại phim trường thì hơn.
Rồi, dứt tia nhìn khỏi đầu mũi giầy “bốt đờ sô” dính đầy bùn đất, Đặng Sâm ngó ngay mắt Trọng Minh, nói nhanh:
- Như vậy, đỡ nguy hiểm cho cậu hơn.
Chàng trai khẽ gật đầu, nhưng ánh mắt quắc lên:
- Ông tử tế lắm! … Nhưng tôi lại cứ thích đùa với nguy hiểm kia chứ. Tuy nhiên..
Hương quản Đặng Sâm ngắt lời Trọng Minh. Ngón cái và ngón trỏ bàn tay trái không ngớt mơn man viền râu con kiến nằm trên môi trông rất bướng:
- Chuyện đó đâu phải chuyện đùa hả cậu Minh? Hừ! Cái chết đột ngột của Chi Lan, rồi niềm đau xót của Lê Phi, cha con nhỏ. Đâu phải chuyện thường, cậu Minh? Mới chân ướt chân ráo tới vùng này, cậu chưa thể hiểu được chúng tôi đâu.
Chàng trai thầm giật mình. Phải rồi! Khi mới gặp mặt nhau, Chi Lan cũng đã từng nói với chàng như vậy. Nàng cũng dùng những chữ giống hệt như của Đặng Sâm vừa nói.
Một câu hỏi vuột khỏi vành môi chàng thanh niên:
- Vậy ra các đồng bào, dân làng ở đây không giống các người ở chỗ khác?
- Có thể như vậy đó cậu. Ở nơi hẻo lánh này, chúng tôi sống biệt lập. Đồng bào địa phương khác ít đi lại, ít biết đến chúng tôi. Mà có lẽ chúng tôi còn ít hiểu biết người ở nơi khác nữa đó.
Đưa tay quơ quơ chỉ về dẫy núi cao phía xa xa, nơi có những khoảng cây xanh và nâu lẫn lộn, hương quản họ Đặng “giải thích”:
- Cách đây gần 10 năm, cảnh sát vây bắt một tay cường đạo, tại kia, khoảng núi rừng âm u đó. Tay cường đạo ấy đã được chúng tôi tặng cho cái mỹ hiệu “thảo khấu anh hùng” ở cái điểm là y hay chọc phá tụi tham quan ô lại và bọn nhà giàu trọc phú. Có điều đáng tiếc là y đã phạm tội giết người. Một điều mà pháp luật không tha thứ. Có lẽ cậu đọc báo cũng có nghe tin chứ. Khi bị vây khốn, y đã ngậm nòng súng mà lẩy cò, lựa chọn cái chết tự do. Trong thời gian tay thảo khấu anh hùng trốn tránh, ẩn núp quanh đây, tụi tôi biết cả đấy, nhưng không nỡ tố cáo với nhà chứ trách…
Trọng Minh lại gật đầu:
- À, à. Tôi nhớ ra rồi. Hồi đó, qua tin tức trên báo tôi cũng được biết. Nhưng chuyện đó đâu có ăn nhập gì tới vụ Chi Lan?
- Cậu vẫn chưa nhận ra điểm “ăn nhập”? Đây này, Lê Phi, cha con bé, cho rằng không phải con gái y tự tử, mà nó bị chết vì một tên bất lương nào đó. Nói cách khác cho rõ hơn: Một tên nào đó đã hạ sát con Chi Lan. Do đó, Lê Phi phải báo thù cho con. Một mối tử thù. Hừ! Hắn đang đi tìm đối tượng của mối tử thù đó, tức là kẻ dính líu đến cái chết của con gái yêu của hắn. Tôi ngại cho cậu là vì thế.
Trọng Minh hơi cau đôi chân mày nét mặt:
- Ủa! Nhưng tôi có liên hệ gì đến cái chết của nàng? Tôi có trách nhiệm gì đâu? Ông hương quản đã nói thực thì tôi cũng xin không dấu diếm gì ông hết. Tôi không có một hành động gì trực tiếp hay gián tiếp liên hệ tới cái chết của cô gái đó cả. Trái hẳn thế …! Vì, tôi …tôi yêu Chi Lan mà.
Cả xóm làng như hãy còn say ngủ. Con đường đất đỏ uốn lượn nằm ườn. Mặt đường vắng hoe. Biết đâu đó lại chẳng chỉ là vẻ mặt bên ngoài mà thôi. Đúng thế! Cánh màn gió trên nhiều khung cửa sổ thỉnh thoảng lại lay động. Qua các khe cửa, vẫn có những con mắt chăm chú nhìn ra. Đúng thế! Danh dự, mối tử thù của người cha chết con cũng là danh dự, mối tử thù chung của mọi người dân làng Trung Quyết.
Giọng nói ông ủy viên Cảnh sát có vẻ mệt mỏi:
- Tôi tin lời cậu, cậu Minh. Từ ngày biết cậu, tôi vẫn tin lời cậu nói, nếu không, tôi đã không tới đây gặp cậu để nói một đôi lời. Và cũng vì tin cậu, quý mến cậu, mà tôi mong rằng cậu hãy rời khỏi nơi đây, càng xa càng tốt, càng sớm càng hay đó, cậu Minh. Tôi thành khẩn mong rằng khi Lê Phi khám phá ra sự thật thì … trong cái vòng sự thật hắc ám đó … không có cậu dính líu vào. Tôi thiết tha cầu mong như vậy. Mà không biết sự thật sẽ ra sao đây chứ. Còn bây giờ, cậu Minh, xin cậu hứa với tôi hai điều.
Một cách vô thức ông hương quản Đặng Sâm cũng cảm thấy vụ Chi Lan tự tử bằng cách treo cổ có nhiều uẩn khúc không dễ gì giải thích nổi. Và rồi thế nào cũng xẩy ra nhiều sự thật bất ngờ.
Trọng Minh cất tiếng hỏi:
- Những điều gì, ông Sâm?
- Thứ nhất: cậu chớ tới nhà thờ lúc này. Thứ hai: cậu phải hết sức đề phòng. Nói cho rõ hơn, chớ nên đi lang thang một mình tới những nơi vắng vẻ, ruộng bãi hoặc bìa rừng tịch mịch. Bụi cây nào cũng có thể ẩn dấu một cái nòng súng bên trong cả đó.
Chàng tài tử điện ảnh khẽ la:
- Vô lý quá!
Đặng Sâm cười nhạt:
- Cái chết của con Chi Lan chẳng vô lý đó sao? Và việc cần là phải tìm ra những cái vô lý đó. Tôi e rằng Lê Phi sẽ nôn nóng làm gấp đấy. Hừ! Dục tốc thì bất đạt. Sự đổ vỡ đáng tiếc sợ khó lòng tránh được… Nhưng, dù sao tôi cũng sẽ cố gắng can thiệp kịp thời …
Trọng Minh ngơ ngác:
- Ông hương quản nói lạ. Cũng còn có pháp luật chứ.
Đặng Sâm khẽ nhún đôi vai rộng. Ý nghĩa cái nhún vai ấy rất khó xác định. Nhưng, có thể tạm đoán là: “Hừ. Quan xa bản nha gần, làm sao cậu trai lạ này hiểu được”.
- Tôi cũng từng đặt câu hỏi như thế đó!.. Thôi, tới đâu hay đó. Bây giờ về đã, nghe cậu Minh. Anh em mình sẽ gặp lại nhau sau.
- Vâng! Tôi cũng mong gặp lại ông hương quản! … Có lẽ ông có lý, mà cả ông Lê Phi và các người kia họ cũng có lý lẽ riêng của họ. Nếu xét thấy cần phải điều tra tìm hiểu thì cứ việc điều tra tìm hiểu. Biết được cái gì tôi sẽ giúp cái đó, Chi Lan không đáng bị chết oan tức tưởi như vậy.
@by txiuqw4