Mỗi khi chiều xuống, dẫy núi cao phía sau làng Trung Quyết lại đổi màu sắc, từ xanh tươi sáng đẹp biến thành tím sẫm âm u khiến người nhìn có cảm tưởng như đó là một con quái vật thời tiền sử nằm phục sẵn rình mồi. Nhất là lúc vầng kim ô từ từ lặn khuất phía sau, hắt làn ánh sáng còn sót lại, bao quanh quả núi, trông không khác một bộ bờm lông xù màu vàng choé của một con mãnh sư to lớn khủng khiếp. Đàn chim chiều bay thật thấp như có vẻ mỏi mệt sau một ngày vỗ cánh tìm mồi. Thoáng cái, chúng đã rúc kín vào trong những đám lá um tùm, ríu rít gọi nhau về tổ.
Màu khói xám như hơi sương, hoàng hôn màu vàng cam, rừng cây xanh đậm đã kích thích tâm hồn nghệ sĩ nơi Võ Mạnh Tôn. Nhà đạo diễn, trước cảnh đẹp mơ hồ huyền ảo, đã nghĩ ngay đến một “sen” lý tưởng. Hình một đôi nhân tình kề vai dựa má, in đậm nét trên nền trời sắc màu tuyệt diệu, trong khung cảnh thiên nhiên vô cùng vĩ đại. Chợt anh quay sang nhìn bạn:
- Thế nào, quyết định chưa? Có đi không?
- Thôi, đừng nhắc đến chuyện đó nữa, Tôn ơi!
Đôi bạn đứng trên bờ đường lặng ngắm cảnh chiều hôm. Mạnh Tôn không buồn giữ bạn ở lại nhà nữa. Chàng dư biết giữ Trọng Minh lại là một điều thất sách, mà nói cho cùng, giữ lại cũng chẳng được nào. Chàng chỉ thấy lo ngại cho bạn, loay hoay tìm cách bảo vệ bạn:
- Bây giờ thì tôi đã hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện. Tôi thông cảm cậu nhiều hơn, Trọng Minh ạ. Càng thông cảm, tôi càng lo cho cậu. Để Phiên đi với cậu, nghe. Phiên “được” lắm, khỏe mạnh, lại can trường.
- Cám ơn nhiều lắm Tôn à! Nhưng …..tôi thích đi một mình!
Mạnh Tôn nhìn bạn, lắc đầu buồn bã:
- Nghĩ cho cùng thì, kể ra, cậu ……có lý.
Và chàng đứng lặng ngó theo bóng bạn xa dần …..rồi mất hút.
Trên con đường đi vào làng đầy bóng tối chập chùng, Trọng Minh đĩnh đạc đặt bước. Một thiếu phụ đứng trước sân, đang vỗ tay bộp bộp xua đàn gà mái gà con vào chuồng. Mấy con gà mái mẹ vẫn thong thả nhón chân bước trong khi mấy chú gà con chạy le te, cần cổ vươn dài, cái thân mình tròn xinh lắc lắc. Hình ảnh thật đẹp, thật thanh bình. Trọng Minh bâng khuâng tự hỏi: “Mình đã thật tình yêu mến cái xóm làng Trung Quyết này từ bao giờ và vì đâu mình yêu mến nó?”. Và lại tự trả lời ngay: “Cũng nhờ Chi Lan!”. Chi Lan đã giải thích rõ cho chàng biết tính tình của người dân tại đây. Chi Lan đã cho chàng cái chìa khóa để mở cánh cửa bí mật đi vào một xã hội khác hẳn, vừa lạnh lùng vừa xa cách lại vừa lôi cuốn đón mời.
Chàng trai thản nhiên đặt bước, mắt nhìn thẳng phía trước. Chàng đâu ngờ, nơi đầu con hẻm nhỏ, một bóng đen đang ngồi phục, kiên nhẫn đợi chờ. Bóng Trọng Minh xuất hiện. Lập tức một nòng súng đen ngòm ngóc lên. Thân hình chàng trai đã lọt vào đường ngắm qua lỗ chiếu môn. Ngay lúc đó, tại chỗ bóng đen ngồi, một bóng đen khác thình lình xuất hiện. Có tiếng thì thào cất lên. Rồi … cái nòng súng đen ngòm thụt nhanh vào … biến mất.
Gã Giậu thốt một câu nguyền rủa. Đoạn, gã đi vòng ra đầu dẫy nhà, đặt chân lên gần mé đường cái lớn. Nhìn ngược nhìn xuôi. Mặt đường vắng hoe không một bóng người. Gã lẩm bẩm:
- Thôi được! Chờ nó trở ra vậy!
Trọng Minh gõ cửa. Cánh cửa bật mở tức thời! Ông Lê Phi hơi lộ vẻ ngạc nhiên, nhưng cũng né người lấy lối cho chàng trai bước vào.
Có tiếng bà Liên:
- Tôi biết thế nào cậu ấy cũng tới mà!
Thiếu phụ vẫn đứng ở chỗ cũ, vẫn thẳng người, vẫn bất động như muốn ôm nặng nỗi đau thương chỉ cho riêng một mình mình. Chợt ngó thấy bà, Trọng Minh tưởng chừng như buổi đêm qua đã kéo dài mãi cho đến tận bây giờ, không ngưng nghỉ, không phút giây nào gián đoạn. Thật thế! Vẫn bối cảnh đó! Vẫn chừng đó diễn viên! À, không! Thiếu một thì đúng hơn! Chàng điềm đạm:
- Dĩ nhiên! Tại sao tôi lại không đến nhỉ
Việc đi soát xét lại vựa rơm đã khiến người cha chắc chắn thêm được phần nào trong ý định. So với đêm qua, ông lại cảm thấy trái tim ông, rồi danh dự bị rướm máu nhiều hơn. Và cũng như đêm qua khẩu súng săn hai nòng bóng loáng vẫn nằm sẵn trên mặt bàn. Ông Lê Phi ngó Trọng Minh, trả lời câu chàng nói:
- Vì lẽ do cậu mà con Chi Lan chết!
Và hai bàn tay chai cứng, bất động, hình như khiến ông cảm thấy ngứa ngáy khó chịu:
- Và, nếu đúng là cậu …
Trọng Minh quắc mắt:
- À! Ông nói: nếu đúng là cậu! … nếu, nếu … hừ! Vậy, tôi xin nói ngay rằng không phải tôi, mà là một kẻ khác.
Ông Lê Phi giọng mệt mỏi:
- Coi chừng đó! Kết tội một người không phải chuyện dễ gì đâu. Hiện tôi đã biết được một vài điểm. Cần phải xét lại từ đầu mới được. Cẩn thận đó nghe! Đừng nói dối vô ích! Càng nói dối, càng bị ngờ vực. Tôi báo trước cho cậu biết. Bị ngờ vực là nguy đó! … Cậu đi về hướng vựa rơm, có người trông thấy rõ ràng. Đêm qua mọi người mới xét tới chỗ đó. Bây giờ còn gì cậu nói nốt đi.
- Giây phút này tôi có mặt tại đây! Như vậy chưa đủ là bằng chứng cho lòng tôi thành thật hay sao?
- Chưa đủ! Muốn tôi tin, cậu phải có cái gì thêm nữa mới được. Lúc đầu, tôi chỉ tìm hiểu lý do tại sao nó lại hành động như vậy. Bây giờ, tôi muốn biết đích kẻ nào đã làm ô nhục con gái tôi.
- Vâng tôi hiểu. Và nếu bây giờ, tôi mang lại cho ông bằng cớ xác thực.
Dứt lời, Trọng Minh lục tìm trong túi áo, lôi ra một vật nhỏ sáng lấp lánh, đặt vào giữa lòng bàn tay mở rộng.
- Thưa ông Lê Phi! Đây chỉ là một cái khuy áo. Ông có thể cho biết cái khuy này của ai?
Hơi sửng sốt ngạc nhiên, người cha cầm chiếc nút áo bằng đồng, trên mặt khuy nổi bật hình đầu một con hươu. Ông lật đi lật lại giữa mấy ngón tay, đưa cho vợ coi, thiếu phụ la khẽ:
- Áo vét của thằng Giậu có bộ khuy y hệt!
Trọng Minh:
- Có thể lắm, biết đâu! …. À, tại sao Giậu lại không có ở đây thế ạ?
- Không sao! Cậu cứ yên trí! Nếu cần, hắn sẽ phải giải thích …
- À, vâng! Tôi cũng chỉ mong muốn có thế
Phía bên kia, nơi sàn gác lửng, cửa phòng để hé, cô bé Chi Thoa lắng tai nghe.
Sau khi chạy bán sống bán chết, hụt cả hơi thở, về đến nhà, đôi má Chi Thoa nóng rực, đôi mắt đỏ ngầu. Nếu gặp ai, chắc hẳn em đã nói thức thời. Một lúc lâu sau mới lấy lại hơi thở đều hòa, tim bớt đập mạnh, bình tĩnh một chút. Cô bé vật người, nằm úp trên giường, òa lên khóc.
Em điên rồi chắc! Sao lại cho rằng Giậu có ý định giết em chết? …
Giậu, từ bao lâu nay vẫn tha thiết với Chi Thoa, bạn thân của em, bạn thân của Chi Lan rồi là chồng chưa cưới của Chi Lan, chị em mà! Có lẽ vì hàm râu lởm chởm chưa kịp cạo của Giậu đã khiến cô bé sợ quá đến nỗi nghi lầm người bạn lớn tuổi, người anh rể tương lai vẫn quý mến em từ thuở ấu thơ chăng? Nếu vậy thì, tốt hơn hết là em nên im lặng, không nói, không kể lại với ai câu chuyện ghê rợn tại hòn đá cháy vừa rồi. Kể lại, lỡ người nghe sẽ phá lên cười chế nhạo em là chỉ thần hồn nát thần tính. Anh Giậu nào lại nỡ đang tay đi … giết chết em?
Vì thế, đến trưa, ông Lê Phi đi đâu về, mặt đẫm mồ hôi, hai tay mỏi rã rời, hỏi em:
- Sao! Chi Thoa! Con làm gì suốt buổi sáng nay vậy?
Cô bé đã thản nhiên trả lời:
- Không có gì đâu ba! Như thường hà! Con nhặt rau, vo gạo, rồi sửa soạn bàn ăn …
Việc xảy ra tại hòn đá cháy em không hề đá động tới. Chi Thoa cho rằng cái sợ của em sẽ không được ai tin là có lý do chính đáng.
Ông Phi nhìn Trọng Minh:
- Tôi đã bảo cậu …..
Chàng trai ngắt ngang lời người cha:
- Chờ Giậu một chút đi ông. Không có anh ta ở đây, chúng ta sẽ không làm gì được đâu. Ông cho xin lại cái khuy đó!
Đút cái khuy vào túi áo, Trọng Minh lớn bước tiến ra phía cửa. Ông Lê Phi lao người đứng dạng chân, chặn trước mặt chàng. Ông nghi chàng định đào tẩu.
- Ông cứ yên trí! Tôi không bỏ đi đâu mà ông ngại. Giờ đây tôi còn nóng lòng muốn biết sự thật hơn cả ông nữa đó.
Ông Lê Phi thu chân lại. Trọng Minh mở rộng cánh cửa, thò đầu ra ngoài, gọi lớn:
- Ông hương quản! Ông hương quản có ở đó không?
Đặng Sâm xuất hiện.
Trọng Minh nói lớn:
- Ông hương quản! Tôi có cảm giác tay Giậu có vẻ khác ý lắm. Nhờ ông đi tìm hắn về giùm, ngay lập tức.
Hai ngón tay đưa lên khẽ vuốt hàng râu gọn mịn trên mép, tia mắt liếc qua vai Trọng Minh vào phía bên trong nhà, Đặng Sâm gật đầu bảo chàng trai:
- Được rồi! Để tôi đi tìm, bảo hắn về ngay!
Suốt ngày hôm nay, viên hương quản đã đặt nhiều giả thuyết, trông chừng theo dõi hết người nọ tới người kia. Ông đã tới nhà Giậu.
Việc này cũng chẳng có gì là bất thường, chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Bất cứ chỗ nào, bất cứ nhà ai, Đặng Sâm cũng thường đến … viếng thăm. Thế nhưng, bà mẹ Giậu đã tái xanh nét mặt. Khi trả lời viên hương quản, giọng nói của bà cũng đã run run:
- Thưa không! Suốt ngày hôm nay cháu nó đi đâu, tôi cũng chẳng biết.
Bà cụ đã nói dối. Lúc Đặng Sâm đi tản bộ tại gần bìa rừng thì chàng Giậu từ nhà chạy xồng xộc tới nhưng y không trông thấy ông. Bà cụ đã nói dối, ắt hẳn phải có lý do. Viên hương quản bước vào phòng trong, giơ tay chỉ hai cái đinh lớn hàng ngày vẫn treo khẩ súng săn của Giậu, quay nhìn bà cụ:
- Có, bà cụ biết hắn đi đâu mà!
- Không biết thiệt đó, ông hương quản!
Hỏi gặng nữa cũng vô ích, chắc chắn bà cũ sẽ không nói gì thêm đâu. Vả lại, bà cụ cũng không biết gì hơn nữa mà nói. Chỉ một tiếng đồng hồ sau, Đặng Sâm đã biết được Giậu nằm phục ở chỗ nào rồi.
Trọng Minh:
- Liệu có lâu không ông hương quản?
- Không lâu đâu cậu!
Vừa bước đi, viên hương quản vừa suy nghĩ. Ông ta tự đặt mình vào vị trí của Giậu, rồi đoán ra chỗ y ẩn nấp. Đặng Sâm đi vượt hết hai dẫy nhà, quẹo vào một lối đi hẹp, men theo một hàng rào râm bụt bao quanh khoảng vườn của nhà ai. Cúi khom người, êm nhẹ như một cái bóng, viên hương quản lướt đi trong khoảng tối đen dưới chân hàng rào. Trên bầu trời, mảnh trăng lưỡi liềm lấp ló sau một cụm mây xám.
Tia mắt tinh như mắt mèo bắt gặp ngay một ánh thép loáng nhanh trong đêm tối. Đúng Giậu rồi. Gã nằm phục chỉ còn cách có mấy thước.
Theo thói quen, Đặng Sâm đưa nhanh tay khẽ bật đầu khuy cài bao súng. Động tác máy móc đã khiến viên hương quản hơi thảng thốt ngạc nhiên.
“Làm gì mà như đi bắt cướp vậy?” Ông ta cất tiếng gọi, giọng nói cố gượng cho khi vang đi xa:
- Giậu!
Gã trai giật nẩy mình, quay mặt lại, nòng súng chĩa lăm lăm, ngón tay trỏ đặt sẵn lên cò. Dưới ánh trăng mờ ảo, Giậu cũng đã nhận ra viên hương quản, nhưng y vẫn giữ nguyên tư thế sẵn sàng …nổ súng.
- Lại ngay đây, Giậu!
- Kệ thây tôi!
Giọng nói hằn học, nặng trĩu đe dọa khiến Đặng Sâm sững sờ, đồng thời ông cũng phải đề cao cảnh giác. Bàn tay phải đặt lên bá súng lục, Đặng Sâm nhắc lại giọng quyết liệt, quát lớn hơn trước:
- Lại đây, đi với tôi, Giậu! Mọi người đang chờ anh ở nhà ông Lê Phi kìa.
- Để mặc tôi! Chờ gì! Còn gì nữa mà chờ với đợi!
Viên hương quản tiến lên một bước. Mắt vẫn đeo dính lỗ chiếu môn. Giậu khẽ nâng nòng súng, miệng kêu lớn:
- Nói cách nào ông mới chịu hiểu hả? Tọng mấy viên chì vào bụng nhé? … Ông cút đi!
- Tất cả đang chờ anh mà!
- Mặc! Tôi không đi! Ở đây khoái hơn!
Thường thường giọng nói hay tố cáo nội tâm. Âm thanh tiếng Giậu the thé như quất như vụt, chứng tỏ y dám bạt mạng làm liều. Nhưng Đặng Sâm vẫn điềm nhiên bước thêm một bước, rồi bước thứ ba, tự nhủ: “không, nó không bắn đâu! Nó không dám đâu!”
- Đi đi, Giậu. Nếu đúng Trọng Minh là thủ phạm, tất nhiên đêm nay hắn sẽ phải thú tội. Tôi hứa chắc với anh như vậy đó!
Giậu buột miệng:
- À, Trọng Minh! Hừ!
- Ừ, Trọng Minh hiện có mặt tại nhà ông Phi. Trông nó vẫn nghênh ngang khó thương lắm. Tụi mình về …., là hắn sẽ phải thú tội.
Mấy giây đồng hồ nặng nhọc trôi qua. Theo ông với mấy giây đồng hồ đó, cái mũi súng hai nòng từ từ hạ xuống, Đặng Sâm, tia mắt tinh lắm, nói tía lia:
- Nhất định hai anh em mình phải quần cho y bằng phải nói mới chịu.
Chẳng hiểu tại sao, Giậu lại chợt bật lên một tiếng cười khan. Anh ta bỗng hỏi một câu chẳng ăn nhập vào đâu cả:
- Ông có gặp con bé Chi Thoa không?
- Không! Không thấy! Cái con bé ranh ấy thì ăn chung gì kia chứ?
- À vâng, ăn chung quái gì đâu!
À, nếu vậy thì ra Chi Thoa vẫn ngậm miệng, chưa kể chuyện gì hết. Như thế, cũng còn hy vọng, may ra …
Viên hương quản bước thêm một bước, giơ tay nắm lẹ thân cây súng săn:
- Thôi, đi! Đưa súng tôi cầm cho!
@by txiuqw4