sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Trên con đường làng

Dòng đời trôi yên bình trên những thôn xóm hay cuồn cuộn hối hả trên những phố phường, có ai nghĩ rằng: được cảnh quê hương bình yên hôm nay thì đã có một thời quá khứ đau thương và mất mát. Biết bao anh hùng đã hy sinh cho quê hương được hồi sinh thắm đẹp. Chính nơi đây, quê hương tôi ở vĩ tuyến 17, thôn Hà Thượng, Gio Châu, Gio Linh, Quảng Trị đã có những người bạn của tôi đã vĩnh viễn nằm xuống trên mãnh đất yêu thương này.

Vào những năm 1960, chúng tôi là bạn học cùng trường, ở cùng thôn xóm. Trường học xa nhà nên chúng tôi ở lại trưa, cùng nhau ăn cơm trưa bới sẵn trong bẹ mo cau. Những ngày nghỉ học, chúng tôi cùng nhau chăn bò ở trên trạng, là một khu đất rộng có những gò đồi thoai thoải có những lùm cây lúp xúp. Chúng tôi vừa cho bò tự ăn cỏ vừa chơi tập trận đánh giặc hoặc thả diều giấy hay tìm bắt các tổ chim trong các vòm lá. Thỉnh thoảng chúng tôi lại đá banh bằng những quả bưởi quấn lá chuối khô. Đội bóng đá của chúng tôi được xếp hạng nhất nhì của làng. Những cầu thủ nhí chúng tôi từ 9 tới 13 tuổi ngày ấy thật hồn nhiên và vô tư...

Thế rồi, năm 1965 giặc Mỹ rải chất độc màu da cam, cây cối ở làng tôi vàng rụi. Đồn bốt mọc lên như nấm, xe tăng thiết giáp máy bay gầm rú suốt đêm ngày. Thanh niên làng tôi bị bắt đi lính nguỵ, hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra được dựng lên, làng tôi bị biến thành vùng chiến sự. Cuộc sống dân làng bị đảo lộn, ngày ngày người dân bị chết thảm bởi đạn pháo, bom mìn. Đó cũng là lúc chúng tôi bị tan đàn xẻ nghé. Đứa đi ra miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, đứa đi học C2 ở thị xã Quảng Trị, Huế,... Tôi bị ốm nên ở nhà với gia đình, và còn một thằng bạn nữa là Thu, nó hoạt động cơ sở thường bị địch bắt giam. (Nay Thu là Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước của thị trấn Gio Linh quê tôi). Trong số đi ra Bắc có Huỳnh - tiền đạo của đội bóng chúng tôi. Huỳnh ra Bắc cùng bố, còn mẹ và em Huỳnh ở lại quê nhà.

Vào những năm 1968-1970, Mỹ nguỵ bị thua nhiều trận trên chiến trường. Chúng ra sức càn quét dồn dân lập ấp. Nhưng du kích ngày thì vượt sống Bến Hải ra Bắc, đêm thì lại vượt sông trở về làng tôi để đánh địch. Huỳnh đã vào du kích theo những toán quân về hoạt động ở quê nhà. Năm 1970, lúc đó Huỳnh tròn 20 tuổi. Anh ra Bắc được sự giáo dục của cách mạng nên trưởng thành về mọi mặt, được đồng đội quí mến yêu thương. Đêm ấy, anh vượt sông về làng, treo cờ cách mạng (lá cờ nửa xanh nửa đỏ ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh). Anh leo lên ngọn cây cao ở đầu xóm để treo cờ, không ngờ bọn địch phục kích, chúng dùng loa kêu gọi anh xuống đầu hàng để bắt sống anh. Trong lâm nguy, Huỳnh bình tĩnh treo xong cờ và gài lựu đạn vào cán cờ. Giữa đêm khuya, tiếng loa của địch vang lên, dân làng ai nấy đều ngồi trong nhà mà lòng rối bời lo lắng. Vài tiếng súng chỉ thiên vang lên nghe rùng rợn. Trên ngọn cây cao, Huỳnh đắn đo suy nghĩ đã quyết định bấm cò súng nhả đạn về phía tiếng loa. Một vài tên bị thương, bọn giặc hoảng hốt chạy ra xa. Tên chỉ huy ra lệnh: Bao vây, bắt sống nó. Chúng tập trung lực lượng vài ba trung đội. Xem ra cuộc chiến không cân sức một chọi với cả trăm. Huỳnh vẫn không xuống đầu hàng. Trời gần sáng, anh vẫn nhả đạn về phía chúng. Cuối cùng tên chỉ huy ra lệnh: bắn hạ. Tiếng súng rền vang từng đợt, Huỳnh trúng đạn rớt từ trên ngọn cây cao xuống đất. Trời sáng tỏ, dân làng ra xem, thấy lá cờ tung bay kiêu hãnh trên ngọn cây, còn Huỳnh thì nằm dưới gốc cây. Bọn giặc háo thắng liền leo lên ngọn cây để tháo lá cờ, một tiếng nổ của lựu đạn nơi cán cờ vang lên, tên tháo cờ rớt xuống đất chết ngay. Vài tên ở dưới gốc cây bị thương nặng, bọn lính nhốn nháo, tên chỉ huy lại ra lệnh: đưa xác chiến hữu về quận lị. Xác tên lính được chúng đánh võng đi trước còn xác Huỳnh chúng kéo đi đằng sau, còn lá cờ thì bỏ vào ba lô đem về. Mẹ và em Huỳnh khóc thảm thiết vật vã lết theo bên lề đường. Dân làng la hét lên: Sống thù chết bạn. Các ông sao cáng xác kia mà kéo lê xác này. Bị thương vong nhục nhã trước một du kích anh dũng mưu trí, bọn địch dùng lời quát mắng đe dọa dân làng rồi rút về quận lị.

Tôi nhìn thấy Huỳnh bị kéo lê chính trên con đường ngày xưa chúng tôi thường đi học thì đau đớn xót xa vô cùng. Mấy năm xa cách nay gặp lại bạn đã chết thật rồi, không kịp một lời hỏi thăm. Huỳnh đã cho dân làng lần đầu tiên được thấy lá cờ cách mạng, như khắc ghi một niềm tin vào cách mạng. Hành động dã man của địch như đổ lửa vào lòng dân làng. Cái chết bất khuất của anh - thà hy sinh chứ không đầu hàng giặc khiến cho mọi người thán phục, tự hào. Từ những năm đó, dân làng tiếp tục ủng hộ cách mạng, cho con ra miền Bắc học tập, chiến đấu. Thu, bạn tôi tâm sự: tau ở lại quê, mày đi học đi để sau này còn phục vụ quê hương. Tôi gật đầu và tạm biệt bạn lên đường đi học.

Đã 40 năm rồi, tôi không thể nào quên hình ảnh cao đẹp của Huỳnh ra đi ở lứa tuổi 20 phơi phới. Hôm nay, những ngày tháng cuối của nghề dạy học, nhìn các em thơ cắp sách đi trên con đường làng tới trường, tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ đến tuổi thơ của chúng tôi. Nhìn các em mà cứ ngỡ như chúng tôi vừa mới hôm qua.

Bài dự thi Dấu ấn tuổi 20

Trích ngang tác giả:

Họ và tên: Nguyễn Như Thành

Sinh năm: 1952

Giáo viên trường tiểu học Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx