Kim xin phép đi từ bữa trưa và dặn không ăn cơm tối.
Nhưng bữa cơm tối đã xong, tới hơn chín giờ vẫn chưa thấy Kim về nhà. Me tôi là người xướng lên đầu tiên về sự vể trễ của Kim, bà lo lắng ra mặt:
- Hừ, thằng Kim đi biệt chưa về, dạo nầy giới nghiêm sớm đó. Đứa nào đi kiếm nó đi.
Ba tôi nhìn đồng hồ nói:
- Chắc nó bận việc họp hành gì ở trên công tác Hè đó mà, dạo nầy nó không ham chơi đâu.
Me tôi gắt:
- Nhưng đi đêm hoài tôi lo lắm, nhỡ ra…
Ba tôi cười:
- Nhỡ ra có cô gái nào bắt cóc mất thì phiền.
- Hứ, ông tưởng nó giống tính ông chắc, con trai tôi, nó giống tôi. Phượng và Quyên đèo nhau lên trụ sở tìm nó xem.
Tôi bàn:
- Con ngại quá, con gái mà đi đêm hôm, tụi cao bồi nó ưa dọa lắm.
Me tôi nói lẫy:
- Thế các cô xin đi ciné thì tối mấy cũng không sợ, đi tìm em một chút cũng lười. Thôi để tôi đi.
Chị Phượng nãy giờ ngồi im nghe cuộc bàn cãi, lúc nầy mới lên tiếng:
- Mười hai giờ mới giới nghiêm mà me. Bây giờ mới có gần mười giờ.
Chị Phượng vừa nói tới đó thì đã có tiếng xe gắn máy của Kim nổ ngoài ngõ. Me tôi chạy ra mở cửa, một lát cả tiếng Kim và me tôi nói với nhau. Ba tôi thấy mặt Kim đã nói lớn:
- Kim, còn đi đâu mà để me con lo mất ăn mất ngủ vậy.
Kim đưa tay vuốt mồ hôi trán, cười:
- Do mấy hôm nay ở chương trình con bận quá, có lẽ tuần tới chúng con phải đi về miền Trung.
Me tôi kéo tuột Kim vào phòng trong:
- Thôi đi ông tướng, mời ông đi rửa mặt, thay quần áo. Me có để cho con ly chè đậu to tướng trong tủ lạnh kìa.
Ba tôi nhìn theo me tôi và Kim, ánh mắt đầy hả hê. Tôi bỗng thấy cảm động hết sức, tôi muống khóc ngay lúc đó, và khuôn mặt ba tôi từ bao nhiêu năm nay vẫn không hề thay đổi, nhưng vầng trán như nhiều nếp nhăn hơn, bàn tay nhiều gân xanh hơn. Tôi rạo rực muốn ôm lấy bàn tay của ba tôi mà hôn, hay ôm lấy ba tôi mà khóc. Từ khi lớn, tôi bỗng nhiên mất mọi sự trìu mến bộc lộ của ba tôi, ông không còn ôm tôi vào lòng nữa. Ngày trước, hồi tôi lên mười một, mười hai tuổi, mỗi buổi chiều ba tôi còn tắm gội cho tôi, và những đêm trời hạ, ba tôi vẫn quạt cho tôi ngủ. Khi lớn lên, tôi ngủ chung với chị Phượng, và cũng nhận đủ sự trìu mến của chị. Nhưng tôi vẫn nhớ tiếc những ngày tháng cũ, tiếc mà không thể ao ước trở lại…
Kim đã tắm xong, đã ăn hết tô chè, và cũng me tôi trở lại phòng khách. Câu chuyện gia đình mỗi tối lại được khơi hàn, và trong câu chuyện, anh Nghĩa, anh Phan lại được nhắc đến. Lúc nầy thằng Kim mới kêu lên:
- Ấy chút xíu em quên, buổi sáng em nhận được thư anh Nghĩa, em bỏ vào hộc bàn rồi quên mất.
Chị Phượng vội vàng:
- Trời ơi. Cái thằng nầy. Vậy mà bây giờ mới nói. Đâu rồi. Thử gửi cho ai vậy?
- Không biết, em chỉ thấy thoáng chữ anh Nghĩa, rồi em vất vào hộc bàn.
Me tôi giục:
- Vậy vào lấy đem ra ngay đây, thằng nhỏ nầy thật giống ai mà như ốc mượn hồn. Cái gì cũng quên được.
Cả nhà đều hy vọng được đọc một lá thư dài và chắc chắn có cả thư Phan ở trong nữa. Nhưng khi Kim vầm lá thư ra, bóc bì và cầm đọc, cả nhà bu lại thì mới hay thư của Nghĩa gửi cho Kim. Me tôi là người trước tiên trườn tới chụp bức thư. Ba tôi nói để chị Phượng đọc là hợp lý nhất, nhưng Kim không chịu, nó giằng bức thư chạy núp vào sau tấm màn:
- Thư nầy anh Nghĩa gởi cho con, chỉ có con có quyền đọc thôi.
Tôi không nín được cười. Kim vậy đó. Thư anh Nghĩa gởi cho nó, đề tên nó, mà cũng không thèm nhìn xem trước khi cất đi. Mười bảy tuổi đối với tụi em bạn tôi đã biết nịnh đàn bà, biết dẫn đào đi rước đèn. Trái lại, Kim chỉ mê có hai thứ là đá banh và hoạt động xã hội. mấy cô choai choai hàng xóm có tới làm quen mượn sách thì Kim trợn mắt: “Úy, tui ghét tiểu thuyết lăng nhăng lắm, có mượn thì vào hỏi chị Phượng tui kia kìa.” Nói chưa dứt câu nó đã tìm cách chuồn mất.
Bây giờ Kim đứng trước mặt cả nhà, đưa lá thư ngang mắt và bắt đầu đọc.
Kim.
Anh cũng nhận được thư cả nhà, lá thư cũng dài, cũng hay, chỉ có lá thư của Kim, ngắn và nhanh như một đường banh lọt lưới. Bởi vậy anh phân vân mãi sau cùng nhất định phải viết thư cho Kim trước, bởi anh cũng hồi hộp chờ đợi cái chương trình công tác mà Kim hứa sẽ kể rất hấp dẫn ở thư sau.
Có thể trong tuần tới anh sẽ về phép, mà đã về thì phải có ngày Chủ nhật. Lần nầy anh sẽ dẫn Kim đi mua một bộ đồ sì po thật luych và mọi chuyện sẽ gác lại hết để dành cho hai anh em mình, kể cả chị Phượng…
Kim đang đọc, bỗng nhẩy dựng lên rồi cầm lá thư chạy khắp phòng:
- Hay quá, lần nầy gác cả chị Phượng lại đấy nhé. Ha ha có người đêm nay ức quá nằm khóc.
Chị Phượng đuổi theo Kim, sốt ruột:
- Thằng quỷ, có đưa thư cho người ta đọc tiếp không? Làm gì kỳ vậy.
- Có, có đoạn nầy gửi cho chị Phượng.
Chị Phượng giằng lá thư trên tay Kim. Nhưng sau đó chị đặt xuống bàn. Tôi lượm lên xem. Chỉ có một dòng ngắn ngủi sau đoạn Kim đọc: Anh phải đi hành quân gấp, hen. Ba tôi nhìn qua lá thư nói:
- Thằng Nghĩa đi hành quân, vậy thằng Phan cũng cùng đi rồi.
Giọng me tôi trầm ngâm:
- Chắc chủ nhật tụi nó cùng về chung.
- Dĩ nhiên.
Riêng chị Phượng càu nhàu:
- Vậy là anh ấy không biên thư kịp cho con rồi.
Nhìn khuôn mặt tiu nghỉu của chị Phượng, tôi đâm ra thương hại chị. Me tôi lại đề nghị, me tôi luôn luôn có đề nghị, luôn luôn có sáng kiến:
- Phải dời bữa chả giò lại một tuần nữa.
Kim phản đối:
- Trời ơi, buổi chả giò ly kỳ nhất thế giới. Ăn rồi không ăn, đợi mãi mỏi cổ quá.
Tôi nghĩ tới Hoàng:
- Con đã mời Hoàng ngày mai tới rồi mà me.
Me tôi ngẫm nghĩ:
- Ừ nhỉ. Thôi cũng được, mai cứ bảo Hoàng tới, mình ăn cơm thường vậy.
Kim xịu mặt:
- Lại mất ăn chả giò nữa rồi. Từ nay con không thèm mong nữa.
Me tôi cười:
- Không chả giò thì ăn món khác, mai me nấu giả cầy, Kim thích nhé.
- Cũng tàm tạm.
Mặc dù cả tôi, cả ba tôi và Kim phản đối, me tôi đã nói ra một điều là một điều. Ba tôi, lúc nào cũng vậy, ban đầu thì hăng hái theo phe chúng tôi, để rồi sau đó kết luận: Ờ, me chúng mầy nói cũng có lý. Me tôi bao giờ cũng có lý đối với ba tôi hết, chả thế mà gặp một người đàn bà nào, dù đẹp đến đâu, ba tôi cũng chặc lưỡi: Tiếc quá, cô ấy hay bà ấy không được mập mạp. Và chắc là đối với ba tôi người đàn bà đẹp phải là mẫu người như me tôi thôi. Tôi nghĩ khác, ba tôi nói thế để nịnh me tôi. Tất cả đàn ông ai cũng thích nịnh vợ một tí để yên cửa yên nhà, Hoàng cũng vậy, khi cãi với tôi xong lại cười: Em có lý. Hoàng nói thế để cho yên cửa yên nhà đó mà.
Chị Phượng thì không một tiếng phản đối nào hết. Chắc chị cũng đang nghĩ tới lá thư anh Nghĩa gởi cho Kim. Tôi nhìn chị hóm hỉnh cười, chị lờ đi không biết. Chị Phượng giữ lá thư đó. Kim lười biếng nói với chị: Chị trả lời hộ em đi nhé. Hay là cho em viết ké vài dòng. Ba tôi mắng Kim lười thì Kim cười: Con bận lắm ba ạ. Mầy bận đi xem đá banh phỏng? Kim trả lời: Không phải, tuần nầy con đi trại nhiều. Me tôi gắt: Không công tác công tiếc gì hết. Đi suốt ngày đêm rồi người cứ gầy nhom, sao con không lo học hành, ăn ngủ gì hết.
Ba tôi đỡ cho Kim:
- Nó cũng lớn rồi, để nó tự lo. Con trai phải hoạt động chứ?
- Hoạt động? Tôi mong nó học hành thôi, học và ở nhà để tôi lo cho nó.
Ba tôi cười, Kim cũng cười: Ôi, con hết bú lâu rồi mà me. Me tôi cũng cười theo. Kim pha trò ngay bằng cách kể tường thuật lại một buổi đá banh. Ba tôi gật gù thích thú lắm, còn chị Phượng thì gắt: Gớm, cả ngày Rổn với Rảng. Kim cười khà khà theo lối kiếm hiệp rồi đưa chân đá một đường banh tưởng tượng. Me tôi nhăn mặt: Có ngày gẫy chân con ạ. Tức thì Kim ngã ngồi bệt xuống nền nhà, ôm chân la bai bải. Cả nhà cười ầm, còn me tôi xanh cả mặt. Chị Phượng xách cổ Kim dậy: giả bộ hoài, lên nhà học bài không cho cái bạt tai bây giờ. Thằng Kim chạy vù lên gác.
Ba tôi lật chồng báo đọc vài tin chiến sự. Me tôi nói: Khủng khiếp quá. Còn chị Phượng thì nhìn ra ngòai cửa sổ đầy bóng tối.
Không khí bỗng buồn tẻ hẳn và trong lòng tôi xốn xang một điều buồn tủi. Giọng ba tôi đều đều:
- Mình ở đô thành không biết đó, chứ mỗi ngày biết bao tấn bom nổ có hàng trăm hàng ngàn người chết, mất tích.
Me tôi hầm hầm:
- Cộng sản, trời ơi mình để nhà để cửa, ruộng nương lại cho họ hết. Đi đến đây mà còn không yên nữa.
- Me mầy lại tiếc mấy gốc trầu không ngoài Hà nội rồi.
Ba tôi cố nói cho vui mà không ai thấy vui hết.
Trời bỗng chuyển giông ì ầm rồi tiếp đến những tiếng sấm chớp. Một tiếng sét nổ lớn dữ dội, chúng tôi giật mình. Tôi nghĩ tới những tiếng đạn réo ngoài mặt trận chắc còn dữ dội hơn thế. Và anh Phan, và anh Nghĩa, đang đi trên những bước may rủi của vận mệnh. Nhưng thật có sự may rủi không? Có số mệnh không? Số mệnh nào trùng hợp nhau cho cả nghìn người như thế? Hay là tất cả chịu chung một số mệnh?
Tôi nghĩ rất miên man cho tới lúc cơn mưa trút xuống ào ào. Tiếng mưa thật săn hạt, dội bần bật trên mái tôn, trên đất rồi thưa dần. Ba me tôi uể oải đứng lên đi vào phòng. Chị Phượng kéo tôi lên gác, chúng tôi đóng hết các cửa sổ, nhưng tiếng mưa vẫn lọt vào, rì rầm thủ thỉ. Chị Phượng hỏi tôi tới thăm Hòa chưa? Tôi sực nhớ là tôi chưa tới thăm Hòa.
Đêm mưa làm tôi nhớ lại những kỷ niệm nôn nao, kỷ niệm của tôi và Hoàng, của tôi và gia đình, học đường. Dạo còn ở Hà nội, tôi còn bé tí xíu, gầy lóc chóc. Anh Phan thường cõng tôi lên vai, trùm kín mít hai anh em bằng chiếc áo dạ của ông nội tôi, chạy băng trong mưa tìm mua những gói lạc rang. Kỷ niệm thủa nhỏ trong gia đình tôi đầm ấm, nhưng anh Phan đã đi xa và không có kẻ nào thay thế nổi. Còn Hoàng, Hoàng thân thiết với tôi từ thủa nhỏ, dạo còn ở Bắc, cho tới khi di cư vào Nam, chúng tôi lớn lên và như bây giờ. Kỷ niệm như khơi dậy bởi những giọt mưa nỉ non, mang qua thật nhanh từng khuôn mặt. Khuôn mặt của bà ngoại tôi bị dội bom chết sau vườn cau. Dạo đó tôi chưa được sinh ra, nhưng qua lời kể lại của những người thân, tôi có thể tưởng tượng ra được. Khuôn mặt của chị họ tôi bị Tây đen hiếp. Chị đẻ ra một đưa tây đen con, tuổi hắn cũng hơn tôi, và bây giờ không biết làm gì ngòai Bắc. Khuôn mặt của chú bác tôi, họ hàng trong gia phả theo lời của ba tôi kể lại, kẻ đã đi theo kháng chiến chết, người sang Tây sang Tàu biệt dạng, và nhiều khuôn mặt của bà con tôi ở Hà nội nữa. Có những đứa em con các chú tôi, bây giờ chúng như thế nào, tôi cũng có thể tưởng tượng rất phong phú. Tôi nói với Phượng.
- Chị có biết mặt chị Vạn không?
- Có phải chị Vạn đẻ ra thằng Đen?
Tôi nói phải. Chị nói có gặp một hai lần thằng Đen rặt dòng giống Tây đen. Và chị còn kể thêm nhiều giai thoại về thằng Đen và chị Vạn. Chị Vạn đẻ xong, hổ thẹn bỏ đi tu. Sau nầy, chính thằng Đen cầm đầu bọn tới phá chùa. Chị ra khóc lóc, hắn chỉ nhe răng cười. Tôi hỏi sao chị ấy không đi di cư. Chị Phượng trả lời chị ấy ở lại để đi tìm thằng Đen. Tôi bực tức: Tìm, đồ bất hiếu vậy mà còn tìm làm gì. Chị Phượng đặt tay lên vai tôi: Tụi mình đã làm me đâu mà biết được, phải không. Nhưng tôi cứ tức giận và cố không nghĩ tới chị Vạn nữa. Tôi lại nghĩ tới Đông, tới Mẫn, tới chuyến tàu đi qua buổi trưa với đoàn lính. Những khuôn mặt trên dưới hai mươi đó cũng ra khỏi nhà trường. Vậy mà bây giờ họ đã tới một trận tuyến nào đó. Tôi lười biếng nhặt tờ báo của chị Phượng vừa ném xuống để đọc những dòng tin từ thành tới tỉnh. Tin một vụ bắt cóc trẻ em, chọc thủng mắt bắt đi ăn xin, mụ đàn bà đã bị tóm cổ. Tim trộm cướp, tin chiến sự.
Tôi bực tức tới tưởng phát điên. Chị Phượng cầm tay tôi nhỏ nhẹ: Quyên, Quyên thật trẻ con. Tôi vùng vằng nôn nao. Anh Hoàng rồi anh cũng phải đi, nhất định đi chứ?
- Khóc đó hả Quyên?
Tôi đưa tay lên để lau một giọt lệ chực rơi. Tôi nói với chị Phượng:
- Em sợ quá.
Chị Phượng ôm lấy tôi, cả hai chị em ngã xuống giường. Tôi vùi mặt trong tóc chị Phượng.
Có tiếng ba tôi ho ở phòng dưới. Ba tôi chưa ngủ. Tôi đoán chừng ba tôi đang đứng ở mái hiên, nhìn mưa rơi. Tiếng đại bác càng về khuya càng giòn giã. Một cuộc vui nào trong đêm? Một đám cưới? Không, tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Tiếng đại bác vẫn đều, thân ái, nghẹn ngào. Bây giờ anh Phan tôi đang làm gì? Anh Nghĩa đang làm gì? Hoàng có nghe thấy không? Ba me có nghe thấy không? Tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Hãy nói cho tôi nghe đi mưa ơi, tiếng đại bác từ phương nào? Nó đang nói gì? Đang nghĩ gì? Và đang đi tới nơi nào vậy?
@by txiuqw4