sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 9 -

Me tôi bày mấy bó rau muống ở trên nền gạch hoa và nói với chị Phượng.

- Con tắt ngọn đèn trong phòng đi, ra đây chẻ rau muống với me.

Tôi cũng đến ngồi bên me tôi: Me để con giúp với. Me tôi cười bảo: Ừ tập ăn tập làm đi thì vừa... Ý me tôi muốn nói tới câu làm dâu làm con người ta, nhưng me tôi đã giữ lại kịp. Me tôi sợ tôi buồn, tôi nói thầm: cảm ơn me hết sức, nhưng con không buồn đâu. Ba tôi lôi ra một tờ báo, chị Phượng hỏi ngay: tờ Tiền tuyến phải không ba? Truyện đi đến đâu rồi ba? Truyện đây là chị muốn nói tới truyện Kiều Phong A Tỷ đăng trên nhật báo nầy. Ba tôi nói là để tao đọc xong rồi kể cho mà nghe. Me tôi kêu trời ơi, rồi lấy kính đeo vào mắt, lúc nào ba con các ông cũng Kiều Phong A Tỷ, Kim đang đứng táy máy bên chiếc ra dô nghe me tôi nói, hắn cười: Đọc truyện cũng hay nhưng hao nước mắt lắm. Nhớ hồi nhỏ đi xem cải lương với me, tới cảnh thảm me khóc mà em cứ tưởng trời mưa. Khi ra khỏi rạp me sút có tới ba bốn ký lô. Thôi con xin can me. – Quỉ đâu đó. Me tôi trừng mắt dọa thằng Kim. Thằng Kim làm bộ cuối xuống lau ra dô và khúc khích cười. Chị Phượng nói: Không biết mình chẻ rau trước mai rau có nát đi không? Me tôi nói: bỏ vào tủ lạnh thì hằng hai ba ngày cũng được. Rồi me tôi than chiếc tủ lạnh dạo nầy có vẻ dở chứng quá. Chị Phượng nói để Nghĩa và anh Phan về sửa cho, dạo con làm hư cái bàn ủi điện, Nghĩa và anh Phan tháo tung ra sửa, vậy mà tốt ra phết đó me ạ. Me tôi nói tụi nó về để cho tụi nó đi chơi chứ bắt chúng làm thợ tội nghiệp. Chị Phượng nhúng hai tay vào thau nước, tôi nhìn thấy những sợi gân xanh nổi lên làn da trắng nuột, những ngón tay búp măng của chị đã kém tròn. Tôi nhìn chị, mắt chị Phượng trũng sâu và da mặt hơi xanh, chị gầy đi nhiều.

Sự chờ đợi làm mỏi mòn nhiều quá. Tôi nghĩ tới mai đây tôi cũng sẽ rơi vào chờ đợi, lo âu như chị Phượng. Tội nghiệp, vậy mà lúc nào chị cũng cố vui cố cười để tạo cho không khí gia đình đầm ấm. Me tôi nói: con Phượng chẻ rau đi chứ, lớn rồi mà ngồi nghịch nước mãi. Chị Phượng lại thoăn thoắt chẻ rau. Hôm nay me tôi vui mừmg ra mặt. Còn chị Phượng nét chờ đợi như đã chín già. Ngày mai, gia đình tôi chắc chắn sẽ hưởng một ngày vui trọn vẹn nhất. Me tôi nói:

- Không biết mai tụi nó về sáng hay chiều.

Chị Phượng nói:

- Mình dọn chiều đi me, các anh ấy có về sáng cũng phải nghỉ ngơi ăn mới ngon. Mà có về chiều cũng không lỡ bữa.

- Nhưng không biết ngày mai trời có mưa không?

Chúng tôi buồn cười quá mà không dám cười lớn, chỉ nhìn nhau thôi.

Mưa hay nắng thì có can dự gì đến gia đình chúng tôi đâu. Me tôi thật lẩm cẩm. Câu nói của me tôi buồn cười vậy mà không thấy ba tôi nói gì hết.

Ông đang cắm đầu vào tờ báo. Tôi nói coi xong chưa ba: ba tôi nói gần rồi, ly kỳ lắm. Một lát ba tôi la lớn:

- Ly kỳ, ly kỳ, hay tuyệt.

Ba tôi la lớn quá làm me tôi giật mình. Me tôi gắt:

- Trời ơi, tôi tưởng người ta xuống đường chứ, la gì mà la dữ vậy. Tôi suýt bị dao đâm phải tay đây nầy.

Ba tôi vội giảng hòa:

- Ấy chết, tay bà có sao không? Đứa nào lấy băng, thuốc, băng tay cho me đi. Khổ quá, tại cái miệng nầy.

Ba tôi đưa tay bịt lấy miệng. Chúng tôi cười, ba tôi cũng cười.

Chị Phượng nói:

- Tới đâu rồi ba. Ba tôi nói tụi bây đọc tới đâu rồi.

Me tôi nhất định không cho ba kể. Me tôi nói:

- Không nghe chuyện luyện chưởng đâu. Cái gì mà đẩy một chưởng mà núi bay cây gãy. Nói láo.

Rồi me tôi lại nhắc tới Nghĩa và anh Phan. Me tôi hỏi ba tôi xem báo có tin gì lạ không, ba tôi nói không có gì lạ hết. Gia đình tôi vẫn có thói quen hay thức khuya, dạo ở Hà Nội cũng vậy, khi anh Phan và chúng tôi học bài, ba tôi đọc sách. Me tôi cũng không chịu đi ngủ sớm, bà ngồi đan áo hoặc khâu vá.

Dạo đó me tôi cũng đã đeo kính nhưng me tôi chưa già và mập như bây giờ. Tôi nhớ me tôi còn chiếc áo màu hoàng yến, cổ thấp, may nút thắt theo kiểu Huế, chiếc áo đó may hồi me tôi vào Huế thăm một ông cậu làm quan ở triều đình và may một chiếc mang về. Chiếc áo đó me tôi đã mặc chật từ lâu, chị Phượng đem cắt may cho tôi một chiếc áo cánh, nhưng tôi không dám mặt đều, sợ nó rách hư mất một kỷ niệm đẹp của me tôi để lại.

Hai bó rau muống đã vơi dần, những cọng rau chẻ, mảnh mai xoắn tít trong thau nước thật xanh mát. Me tôi chẻ rau rất mau, ba tôi thường kể lại là hồi mới lấy nhau, me tôi chỉ có trổ tài chẻ rau muống, bởi thế bữa cơm nào ba tôi cũng là nạn nhân của rau muống chẻ. Nhưng ba tôi lại nói rằng, vắng món đó, ba tôi nhớ lắm và nuốt cơm không vô. Ba tôi nói đúng, chúng tôi đi ăn ở đâu, món rau muống chẻ trộn dầu dấm cũng không thấy ngon bằng dĩa rau muống chẻ trộn của me tôi làm cả. Thằng Kim đã lúi húi bỏ pin vào ra dô xong, nó vặn nghe nhạc. Me tôi nói thứ nhạc gì mà inh cả tai, thằng Phan nó có thích nghe mấy bản quỉ đó như thằng Kim đâu. Me tôi bảo Kim tắt máy và nói với chị Phượng:

- Phượng, thôi con rửa tay rồi vào lấy lá thư của anh Phan mầy vừa gởi cho con Phượng ra đọc lại cho me nghe đi.

Me tôi vẫn bắt chúng tôi đọc thư của anh Phan cho bà nghe hoài, dù lá thư đã được đọc đi đọc lại mấy lần. Nghe chị Phượng đọc lá thư anh Phan viết cho tôi. Thằng Kim phát ngôn trước tiên:

- Chắc anh ấy lăng nhăng với cô nào, rồi anh chị giận nhau. Bây giờ anh ấy mới nhờ chị Quyên giảng hòa đó.

Me tôi gắt lên:

- Bậy mà, còn con Hòa đó nữa chi.

Ba tôi cười:

- Có con Hòa thì con Hòa, biết đâu nó còn lăng nhăng với cô nào khác, con trai mà...

Me tôi nói lẫy:

- Ông suy bụng ta ra bụng người. Thằng Phan nó có giống ông đâu.

- Vậy nó giống ai vậy bà?

- Giống ai? Chúng bây xem, ba chúng bây ăn nói thế đó. Nó con ai thì giống người đó chứ. Nó giống tôi chứ giống ai?

- Không, tôi có nói lẫy bà đâu. Tôi ghen đó. Tại bà bảo nó không giống tôi. Bây giờ, tôi lấy quyền làm chồng để hỏi bà: Nó giống ai?

Me tôi trả lời không được phải để Kim đỡ lời. Nó chỉ lên cái ảnh hồi ba tôi còn trẻ trên tường:

- Anh Phan con giống cái ông đó kìa, ông đó đâu có xấu xí già cỗi như ba. Phải không me? Bây giờ thử ba theo tán me con xem me con có thèm không?

Câu nói của Kim làm chúng tôi cười ngất. Thế là huề, chúng tôi lại bàn về lá thư của anh Phan. Ba tôi nói:

- Hay nó và con Hòa giận nhau?

- Giận nhau? Ông nói còn vô lý nữa. Nó mà biết giận ai, thấy con Hòa sang là đỏ mặt tìm cách lỉnh mất. Biểu nó dẫn con nhỏ đi ciné, nó nói khéo làm sao mà gài con Quyên vào đi chung nữa.

- Tại nó chưa muốn lấy vợ.

- Thì tôi có ép nó đâu. Hôm nói chuyện con Hòa nó nói tùy me, con là phận trai me đặt đâu con ngồi đó. Nói chuyện cưới nó bảo để nó giải ngũ đã, tôi nghe nó nói cũng đúng. Vợ chồng trẻ mà sống xa nhau tụi nó buồn lắm.

Kim xen vào:

- Chừng nào anh ấy giải ngũ?

- Hai năm nữa. Me tôi nói. Kim kêu trời rồi nói tiếp rằng hai năm ai mà chờ đợi nổi, không khéo người ta có con trước ngày cưới mất. Me tôi mắng con nít mà nói nhảm. Ý me tôi nói rằng Kim còn nhỏ quá, chưa nên biết chuyện đó. Kim che miệng cười với tôi. Me tôi lại thắc mắc:

- Lạ thật, không biết chuyện gì mà rắc rối tình cảm, hay nó đổi ý muốn cưới gấp?

- Không phải đâu me, anh ấy có viết cho con rằng trong hoàn cảnh nầy anh ấy chưa thể cưới vợ được.

- Nó chỉ bày đặt tạo cớ nầy cớ nọ thôi. Me tôi hờn dỗi.

Ba tôi nói:

- Chắc nó muốn nhờ con Quyên làm mai cho nó một đứa bạn nào đó của con Quyên chớ gì? Tôi hiểu lắm mà...

Ba tôi nói xong cười ra vẻ mình đã đoán được hết mọi chuyện. Nhưng chị Phượng nghiêm trọng nói:

- Không phải vậy đâu. Thường thường anh ấy chỉ thích tự mình giải quyết mọi việc và mọi chuyện đối với anh đều khôi hài được hết. Chắc có gì quan trọng thật đó ba me ạ.

Câu nói của chị Phượng làm tôi giật mình. Có lẽ thế thật. Tính anh Phan tôi vẫn coi thường mọi chuyện, chuyện rắc rối tới đâu anh cũng đùa bỡn được. Chắc có gì anh không giải quyết được rồi nên mới nhờ tôi. Tôi định lên tiếng thì ba tôi nói:

- Thôi chuyện gì cũng gác lại, ngày mai nó về thì biết hết.

Tôi dặn dò:

- Nhưng ngày mai anh ấy về, ba me, chị Phượng và Kim đừng tỏ vẻ gì đã biết lá thư của anh ấy hết nhé.

Kim nói:

- Đã đành. Nhưng lỡ mai anh không về thì sao?

Me tôi kêu:

- Ơ, cái thằng nói nhảm nhí quá nhỉ? Con cái gì đâu mà mở miệng ra là nói dại rồi.

Kim nhất định không chịu câu nói của me tôi là: mở miệng ra là nói dại. Kim cãi rằng lá thư của anh Phan viết rõ ràng là đi hành quân gấp. Nhưng me tôi cãi lại là lá thư không đề ngày tháng. Vậy lá thư đó viết đã lâu sau đó định viết tiếp nhưng có giấy phép được về nên không viết nữa. Me tôi nói cũng có lý mà Kim nói cũng có lý. Tuy vậy chúng tôi vẫn đinh ninh chắc là anh Phan về. Và buổi chả giò ngày mai vẫn được bàn đi bàn lại mãi.

Me tôi dặn chị Phượng ngày mai đi chợ nhớ nhắc me tôi mua món nầy, món nọ. Me tôi để hết tâm trí vào buổi chả giò ngày mai làm chúng tôi vừa cảm động vừa bực mình. Đã chả giò lại còn phụ thêm các món ăn anh Phan tôi vẫn thích. Thật me tôi cưng con quá rồi quên là anh Phan cũng chỉ có một cái bao tử nhỏ xíu như chúng tôi thôi. Ba tôi thấy me tôi lăng xăng, ông không nói gì hết, chỉ im lặng mỉm cười. Đôi mắt ba tôi nhìn me tôi vẫn như độ nào, không thay đổi. Đôi mắt trầm ấm, thương yêu quen thuộc, và hình như càng ngày càng gần lại. Tôi chỉ muốn ôm hết ba me tôi, chị Phượng, anh Phan và Kim trong cánh tay. Nhưng cánh tay tôi nhỏ bé quá không ôm đồm hết nổi.

Rau muống đã chẻ xong nhưng cả gia đình chúng tôi vẫn còn ngồi ở phòng khách, không nói chuyện thì nhìn nhau, không nhìn nhau thì nói chuyện. Riêng chị Phượng khi thật vui, khi thật buồn. Tôi cũng sắp như chị. Tôi nghĩ đến bữa ăn ngày mai và một ít ngày vui sau đó nữa. Rồi anh Phan sẽ đi, anh Nghĩa sẽ đi và Hoàng nữa, Hoàng cũng xa tôi nữa. Tôi nhìn ba me tôi, chị em tôi, không, tôi không có quyền buồn khổ, chán nản. Tôi phải chia sớt mọi nỗi vui buồn với gia đình, mọi người trong gia đình cũng phải chia sẻ chung với tôi..

Đi ngủ đi con. Đi ngủ đi ba. Đi ngủ đi me, ngủ đi em, ngủ đi chị.

Ngọn đèn giữa phòng khách đã tắt.

Khi lên tới gác, chị Phượng hỏi tôi là có bảo Hòa ngày mai tới ăn cơm không. Tôi chợt quên là lâu lắm tôi không gặp Hòa và cũng không bảo Hòa tới. Chắc anh Phan cũng không tin ngày về cho Hòa biết đâu. Vài ba kỳ nghỉ phép anh mới thăm gia đình Hòa một lần, hoặc đi với ba tôi, với me tôi hoặc cả mấy anh em chúng tôi. Dù me tôi vẫn khen tính Hòa hiền, chăm chỉ, tôi cũng không thân với Hòa được. Tôi vẫn nghĩ Hòa không thân với tôi như bạn, nhưng làm chị dâu tôi thì rất tốt. Bởi Hòa vẫn hay yên lặng, hay mỉm cười mà không góp ý kiến. Hòa hiền, khó hiểu nhưng tôi cũng không bao giờ tìm hiểu làm gì. Tôi không thân với Hòa mà lại quý Hòa. Me tôi đã quý, đã chọn, chúng tôi không phải thắc mắc nữa. Tôi nói với chị Phượng là tôi không nói, quên nói. Như thế tiện hơn. Chị Phượng tiếp:

- Chắc có chuyện gì quan trọng lắm. Ngày mai anh ấy chưa gặp Hòa càng tiện cho anh ấy. Tôi không hiểu chị Phượng muốn ám chỉ gì, nhưng tôi cũng không hỏi.

- Quyên không cầm tờ báo lên đọc Kim Dung?

- Thôi ngủ đi chị. Ngày mai mới có sức mà mừng chứ.

- Quyên có tin ngày mai các anh ấy về không?

Dù hơi ngần ngại, tôi cũng trả lời:

- Tin chứ, chắc chắn các anh ấy về mà.

Chị Phượng lặng im. Tôi kéo chị bảo đi ngủ thôi. Hai chị em tắt đèn.

Trong bóng tối, tôi bỗng nhiên muốn nhìn rõ khuôn mặt chị Phượng, hình ảnh chị Phượng trong đêm tối lặng lẽ lạ lùng. Tôi muốn hỏi có phải chị khóc không mà không mở miệng được. Tôi lăn sát vào người chị, vòng một tay qua bụng chị. Chị Phượng nằm nghiêng, quay mặt vào phía tường. Chị cầm bàn tay tôi lắc lắc và cũng không hỏi tôi có ngủ được không, rồi chị nói đêm nay sao nghe tiếng súng như gần hơn. Tôi chú ý nghe và cũng thấy tiếng súng gần thật. Tôi rủ chị.

- Mình ra balcon coi đi chị.

- Đi.

Chị Phượng đứng dậy. Tôi theo chị ra phía ngoài balcon. Đêm tối vẫn mênh mông. Khu vực nhà tôi vừa bị cúp điện, đèn đường tối om. Chúng tôi nhìn phía xa, nơi tiếng máy bay rì rầm, những trái hỏa châu sáng chói một vùng, từ trên cao là xuống rồi tắt, những trái khác lại sáng. Cứ như thế, những trái hỏa châu tắt đỏ, những tiếng máy bay ì ầm, những đốm đèn xanh như mắt ma và đỏ như máu bầm. Nơi đó, tiếng súng, tiếng đại bác liên tiếp, dữ dội.

- Đánh đâu gần quá chị ạ.

- Ừ.

- Không biết ngày mai các anh ấy có về được không?

- Không biết.

- Nầy chị...

- Cái gì hở Quyên?

- Không, mà nầy, chị có thấy gì không?

- Không, chị cũng không biết nữa...

Không biết nữa. Tôi cũng vậy, cũng không biết nữa, không biết có những gì trong tôi mà ruột gan tôi cứ cồn cào, héo hắt.

- Làm sao ấy em ạ.

- Chắc tiếng súng làm chị khó chịu chứ gì?

- Không phải, nhưng chị thấy như mình buồn nôn. Không, không phải buồn nôn mà là buồn, người nó cứ nhói nhói cùng khắp. Ừ, sao chị...

Tôi bỗng hốt hoảng lên một giây. Tự nhiên chỉ một giây thôi. Tôi nghe ba tôi ho dưới nhà, ba tôi cũng chưa ngủ. Tôi cầm tay chị Phượng thật chặt và cười thành tiếng:

- Nhảm quá, đêm nay không riêng gì chị mà cả nhà không ai ngủ được đâu. Nhất là me, giờ chắc đang vừa cười vừa khóc ở dưới nhà ấy. Em nghĩ tới mai gặp anh Phan... ừ, em nhớ anh Phan quá chị ơi... Nhưng ngày mai chị mới là người mừng nhất, sung sướng nhất.

- Còn em. Quyên nầy, mấy bữa nữa...

- Không, chị đừng an ủi gì em hết. Gia đình mình không ai được quyền vui buồn một mình hết.

Nói xong câu đó tôi muốn lăn vào lòng chị Phượng mà khóc.

- Thôi mình đi ngủ, ngày mai đi chợ với me sớm chứ chị.

Hai chị em vào nằm và cũng không có ai hỏi nhau đã ngủ chưa nữa.

Tiếng đại bác như mỗi lúc một gần, mỗi lúc mỗi dội lớn trong tai tôi, trong đầu tôi. Nơi đâu có tiếng đại bác là nơi đó có anh Phan của tôi. Nơi đâu có hỏa châu là khuôn mặt anh Phan tôi ngời sáng ở đó. Lạy trời, Phật, gia đình con, gia đình tôi đừng bao giờ, đừng bao giờ... Tôi run sợ đến lịm người.

Tiếng đại bác vẫn không tha. Tiếng đại bác vẫn nổ.

Vẫn đi. Vẫn kêu réo. Ba tôi vẫn nói:

- Đừng sợ hãi một điều gì. Hãy sống cho hết mình và thương yêu cho hết mình. - - Thưa ba, con thương yêu hết mình, con đang yêu thương hết mình, yêu ba me, yêu anh chị em, yêu gia đình ta, tổ quốc ta, yêu tất cả mọi người, yêu cả tiếng đại bác kêu réo nầy nữa. Tôi chảy nước mắt và cầu nguyện mãi.

Trong giấc ngủ mơ màng với đại bác, với hỏa châu, tôi mơ thấy tuổi nhỏ của tôi, của anh em chúng tôi. Đó là một cánh đồng, những thảm cỏ xanh, và mùi thơm của phân bò, phân trâu ngây ngất, thân ái.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx