sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Sẽ Xảy Ra Điều Gì

Một trong những quãng thời gian lạ lùng nhất đời tôi là lúc tôi làm nhân viên nhà máy Alfred Wunsiedel. Bẩm tính tôi vốn thích suy nghĩ và sống nhàn hơn là làm việc, nhưng - bởi vì sống nhàn rỗi và suy nghĩ cho lắm cũng chẳng được tích sự gì - những khó khăn dai dẳng về tài chính buộc tôi thỉnh thoảng nhận cái gọi là công việc. Lại một lần xuống đến tận cùng như vậy, tôi phó mặc mình cho sở lao động và được gởi cùng bảy đồng bệnh khác tới nhà máy Wunsiedel để thử nghiệm khả năng.

Thoạt thấy nhà máy, tôi đã sinh nghi. Toàn thể nhà máy xây bằng gạch thủy tinh, và ác cảm của tôi đối với những phòng ốc sáng sủa cũng giống như ác cảm đối với việc làm. Tôi càng nghi ngờ hơn, khi ở cái căng-tin màu sắc tươi mát, sáng sủa, đồ ăn sáng được dọn ra ngay cho chúng tôi: những cô chiêu đãi viên xinh xắn mang trứng, cà phê và bánh mì nướng đến, nước cam đựng trong những bình thủy tinh đẹp mắt; cá vàng kê bộ mặt chán chường vào thành những bồn nước xanh nhạt. Các cô phục vụ vui vẻ đến tưởng chừng như sắp vỡ tung ra. Chỉ với quyết tâm cao - tôi có cảm tưởng ấy - các cô mới khỏi líu lo cả buổi. Tôi đoán ra ngay điều mà hình như các đồng bệnh không ngờ tới: bữa ăn sáng này cũng thuộc về bài thử nghiệm; vì vậy, tôi nhai thật kỹ, với ý thức đầy đủ của người đang đưa chất bố dưỡng vào cơ thể. Tôi đã làm điều bình thường không một quyền lực nào trên thế gian có thể bắt tôi làm: tôi uống nước cam lúc bụng trống, không đụng tới cà phê, trứng, phần lớn bánh mì nướng, đứng dậy đi tới đi lui, thèm khát hoạt động.

Thế rồi tôi là người đầu tiên được dẫn vào phòng thi có những cái bàn hấp dẫn và bản câu hỏi để sẵn. Tường phòng nhuốm màu xanh lục đẹp đến nỗi người đam mê việc trang trí nhà cửa phải khen là “tuyệt diệu”. Không thấy ai, nhưng tôi chắc mình đang bị quan sát nên làm bộ như người thèm khát hoạt động khi tưởng mình không bị ai quan sát: tôi sốt ruột rút viết máy ra, mở nắp, ngồi vào bàn gần nhất và kéo bản câu hỏi lại, giống như những thực khách nóng nảy lấy giấy tính tiền trong tiệm ăn vậy.

Câu hỏi đầu: Ông có cho điều người ta chỉ có hai tay, hai mắt và tai là đúng không?

Đây là lần đầu tiên tôi thu nhận kết quả suy nghĩ của mình và viết không chút do dự: “Kể cả bốn tay, bốn chân và bốn mắt cũng không đủ để thỏa mãn nhu cầu hành động của tôi. Con người được trang bị quá ít ỏi”.

Câu hỏi thứ hai: Ông có thể sử dụng bao nhiêu điện thoại cùng một lúc?

Trả lời câu hỏi này cũng dễ như giải phương trình bậc nhất. Tôi viết: “Nếu chỉ có bảy điện thoại thôi, tôi sẽ sốt ruột, phải với chín máy, tôi mới cảm thấy vừa sức mình”.

Câu hỏi thứ ba: Ông làm gì sau khi tan việc?

Câu trả lời của tôi: “Tôi không còn biết tới chữ tan việc nữa - lần sinh nhật thứ mười lăm, tôi đã gạch bỏ nó ra khỏi vốn từ vựng của mình, bởi vì hành động là trên hết”.

Tôi được chỗ làm. Thật vậy, ngay cả với chín máy điện thoại, tôi cũng chưa cảm thấy vừa sức mình. Tôi hô lớn vào ống nói: “Ông hãy làm gì đi! - Phải xảy ra điều gì - sẽ xảy ra điều gì - đã xảy ra điều gì - đáng lẽ phải xảy ra điều gì”. Nhưng phần nhiều, tôi dùng lối mệnh lệnh - vì nó có vẻ thích hợp với không khí nơi đây.

Những buổi nghỉ trưa ở căng-tin thật thú vị, khi chúng tôi - trong khung cảnh vui tươi im ả - dùng những thức ăn nhiều sinh tố.

Nhà máy Wunsiedel đầy dẫy những kẻ ham kể lý lịch của mình, điều mà những nhân vật năng động thường làm. Lý lịch của họ quan trọng hơn cuộc đời họ, người ta chỉ cần nhận nút, họ đã hãnh diện cho tuôn ra hết.

Ông phó giám đốc của Wunsiedel họ Broschek, vốn nổi tiếng vì lúc còn là sinh viên, ông ta vừa lao động vào buổi tối để nuôi bảy đứa con và người vợ tê liệt, vừa làm đại diện tích cực cho bốn hãng, thế mà còn đậu xuất sắc hai kỳ thi quốc gia trong vòng hai năm. Khi được phóng viên hỏi:

- Có khi nào ông ngủ không, ông Broschek?

Ông ta trả lời:

- Ngủ là một tội phạm!

Bà thư ký của Wunsiedel đã nuôi người chồng tê liệt và bốn đứa con bằng việc đan áo, đồng thời lấy bằng tiến sĩ tám lý học và địa phương học, nuôi dạy chó béc-giê và làm ca sĩ phòng trà, nổi tiếng với danh hiệu Vamp 7.

Còn chính Wunsiedel thì thuộc loại người chưa tỉnh hắn đã có quyết tâm hành động. “Tôi phải hành động”, họ nghĩ thế khi buộc chặt thắt lưng lại. “Tôi phải hành động”, họ nghĩ thế khi cạo râu và đắc ý nhìn những sợi râu cùng bọt xà phòng chảy xuống lúc rửa đồ cạo. Những sợi râu ấy là nạn nhân đầu tiên của lòng khát khao hành động của họ. Cả những việc thầm kín hơn cũng làm thỏa mãn hạng người này: giật nước, xé giấy. Điều gì đó đã xảy ra. Ăn bánh mì, đập quả trứng.

Ở Wunsiedel, cả những cử chỉ nhỏ nhặt nhất cũng có vẻ quan trọng: cách ông ta đội nón, cách ông ta - với năng lực dồi dào đến phải rùng mình - cài nút áo măng-tô, chiếc hôn ông ta tặng vợ, tất cả đều là hành động. Vào văn phòng, ông ta lớn tiếng chào bà thư ký:

- Phải xảy ra điều gì!

Và bà này vui sướng hô lên:

- Sẽ xảy ra điều gì!

Rồi Wunsiedel đi từ phòng này sang phòng khác, hô câu “Phải xảy ra điều gì!” vui vẻ. Mọi người đều trả lời: “Sẽ xảy ra điều gì!” Và chính tôi cũng hớn hở gọi lớn: “Sẽ xảy ra điều gì!” khi ông ta vào phòng tôi.

Trong vòng tuần đầu, tôi tăng số điện thoại mình phụ trách lên mười một máy, tuần thứ nhì lên mười ba máy. Và mỗi sáng trên xe điện, tôi hứng thú nghĩ ra những mệnh lệnh mới hay ném động từ xảy ra vào các thời, các dạng khác nhau, vào lối phụ thuộc, lối trình bày [1]; hai ngày dài, tôi chỉ nói mỗi một câu: “Đáng lẽ phải xảy ra điều gì!” vì tôi thấy nó thật hay, hai ngày sau, tôi lại nói: “Điều đó đáng lẽ không nên xảy ra!”

Đến khi tôi bắt đầu cảm thấy mình thật sự được làm hết năng lực của mình thì có điều gì xảy ra thật. Vào một sáng thứ ba - tôi chưa kịp ngồi xuống ghế - Wunsiedel đã chạy ào vào phòng, hô câu: “Phải xảy ra điều gì!” Nhưng có cái gì khó giải thích trên mặt ông ta khiến tôi do dự, không tươi tỉnh trả lời “Sẽ xảy ra điều gì!” như theo quy định. Có lẽ tôi do dự quá lâu vì Wunsiedel, bình thường ít khi la hét, quát bảo tôi:

- Trả lời đi, anh hãy trả lời như theo quy định!

Và tôi lí nhí trả lời, gượng gạo như đứa trẻ buộc phải nói: con xấu quá. Gắng sức lắm, tôi mới thốt nổi câu: “Sẽ xảy ra điều gì!”, và vừa dứt lời thì một điều xảy ra thật sự: Wunsiedel ngã vật xuống sàn nhà, lăn qua một bên rồi nằm chắn ngang cửa. Tôi hiểu ngay điều được chứng thực khi tôi chậm rãi đi vòng quanh bàn tới chỗ Wunsiedel nằm: ông ta đã chết.

Tôi lắc đầu, bước ngang người ông ta, chầm chậm qua hành lang đến phòng Broschek và vào phòng mà không gõ cửa. Broschek đang ngồi ở bàn giấy, mỗi tay cầm một ống nghe, miệng ngậm bút bi ghi chú, đồng thời dùng chân điều khiển máy đan đặt dưới bàn. Bằng cách ấy, ông ta góp phần vào việc ăn mặc của gia đình mình. Tôi nói nhỏ:

- Có một điều đã xảy ra.

Broschek nhả bút bi, để hai ống nghe xuống, ngần ngừ rời ngón chân ra khỏi máy đan. Ông ta hỏi:

- Điều gì đã xảy ra vậy?

Tôi đáp:

- Ông Wunsiedẹl chết rồi.

- Ồ không.

Tôi bảo:

- Thật, ông tới xem!

- Không, không thể như thế được.

Broschek nói, nhưng rồi cũng thọc chân vào dép và theo tôi qua hành lang. Khi chúng tôi đứng cạnh xác Wunsiedel, ông ta bảo:

- Ồ không, không, không!

Tôi không cãi lại, thận trọng đỡ cho Wunsiedel nằm ngửa rồi nhìn ông ta, nghĩ ngợi.

Tôi gần như có cảm tình đằm thắm với ông ta, và lần đầu tiên, tôi hiểu rằng mình chưa bao giờ ghét ông ta cả. Ông ta có vẻ gì giống những đứa trẻ nhất định giữ vững lòng tin ở ông già Nô-en, cho dù những lý lẽ phủ định của bạn bè có tính thuyết phục thế nào đi nữa. Broschek nói:

- Ồ không, không.

- Phải xảy ra điều gì.

Tôi bảo nhỏ. Broschek đáp:

- Đúng rồi, phải xảy ra điều gì.

Điều đã xảy ra: lễ đưa đám Wunsiedel, và tôi được chọn mang vòng hoa hồng nhân tạo đi sau quan tài, vì ngoài khuynh hướng trầm tư và sống nhàn, tôi còn được trời phú cho một thân hình và gương mặt hết sức thích hợp với quần áo đen. Chắc hẳn lúc theo sau quan tài Wunsiedel - với vòng hoa nhân tạo trên tay - tôi có dáng vẻ thật hay nên được một viện mai táng lịch sự mời làm người đưa đám chuyên nghiệp. Ông giám đốc viện bảo:

- Đúng là anh sinh ra để làm người đưa đám. Anh sẽ được cấp quần áo thích hợp. Gương mặt anh - thật tuyệt!

Tôi xin Broschek cho nghỉ việc với lý do là ở nhà máy, tôi cảm thấy không được làm hết sức mình, tài năng của tôi phần nào bị mai một, dù phải lo đến mười ba máy điện thoại. Ngay sau lần đưa đám chuyên nghiệp đầu tiên, tôi đã rõ: mình thuộc về đây, chỗ này là chỗ dành cho mình.

Tôi trầm tư đứng sau quan tài ở nhà nguyện nghĩa địa, tay cầm một bó hoa đơn giản, trong khi khúc Largo của Händel [2] trỗi lên, một nhạc khúc ít được để ý đến. Quán cà phê nghĩa địa là nơi tôi thường lui tới để giải trí giữa những lần diễn xuất, nhưng cũng có khi tôi theo sau một quan tài mình không phải tiễn đưa, mua hoa bằng tiền riêng của mình và cùng nhân viên tương tế bước sau quan tài một kẻ vô gia cư. Thỉnh thoảng tôi cũng thăm mộ Wunsiedel, bởi vì nói cho cùng, nhờ ông ta tôi mới tìm được nghề thật sự của mình, một nghề đòi hỏi phải có tính trầm tư và bổn phận sống nhàn.

Muộn lắm, tôi mới sực nhớ mình chưa bao giờ muốn biết nhà máy Wunsiedel sản xuất cái gì. Hình như xà phòng thì phải.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx