sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Gã Thư Sinh Lỗ Mãng Cưỡng Đoạt Người Đẹp

Ta thành thực khuyên người đời hãy kìm nén xuân tình, đừng chơi bời lêu lổng, làm hư hỏng con gái người khác, mà âm đức của mình cũng bị hại. Cần phải biết rằng bản tính con người là vui mừng, giận dữ, buồn lo, thích thú, từ đó mà sinh ra biết bao sự sum họp, chia lìa, bi ai, vui sướng. Dưới đây ta không nói tới chuyện vui buồn, giận dữ, bi ai, li biệt, mà chỉ kể mấy chuyện vui. Chẳng hạn người ta toàn tích trữ thóc gạo củi đuốc, bạc vàng châu báu, trên mình mặc toàn lụa là gấm vóc, ăn toàn của ngon vật lạ, nhưng ta thì chạy vạy từng bữa, rau cháo qua ngày, ăn đói mặc rét. Loại người này có muốn vui vẻ cũng chẳng được. Nhưng lại có một loại người có đạo đức phẩm chất, có chí khí, an bần lạc đạo như Nhan Tửu giỏ cơm bầu nước, ở nơi ngõ nhỏ tồi tàn, Tử Hạ(1) quần áo tả tơi vá chằng vá đụp, song họ vẫn vui vẻ sống cuộc đời nghèo túng. Lại ví như có những quan văn làm tới chức tể tướng trong triều, quan võ làm tới chức đô đốc tổng binh, lúc nào cũng tiền hô hậu ủng, áo tía đai vàng, rất mực oai phong vô cùng tôn quý. Chỉ có riêng ta suốt đời không được phát đạt, thua kém mọi người, thì vui sao được? Lại có một loại người bụng đầy chữ, ăn to nói lớn, tuy danh không thành chí không đạt song vẫn dương dương tự đắc, coi thường mọi người, làm những đều vô liêm sỉ. Bởi thế nên có người không thích phú quý. Chỉ có sắc đẹp đối với con người cũng chẳng khác nào ong bướm tìm hoa, cứ sán vào hút nhụy, không chịu buông lơi. Cũng chẳng khác gì con thiêu thân lao vào đĩa đèn đến chết mới thôi.

(1) Nhan Tử (Nhan Uyên), Tử Hạ đều là học trò của Khổng Tử.

Xưa nay chỉ có người đàn ông nước Lỗ sống độc thân, là không hiếu sắc. Vào một đêm mưa to gió lớn, nhà người láng giềng đổ sập có một người đàn bà chạy sang trú nhờ, người đàn ông nước Lỗ này đóng chặt cửa không cho vào. Lại có một vị tú tài tên là Đậu Nghi, đọc sách đêm trăng, có một người đàn bà đến ve vãn, Đậu Nghi thẳng thắn chối từ, đấy mới đúng là người thấy gái mà không mê. Từ thời Bàn Cổ tới nay chỉ có hai người ấy. Còn như Liễu Hạ Huệ ngồi lòng không rối loạn, thì không viết được tờ cam đoan. Còn những kẻ đào tường khoát ngạch, dưới bộc trong dâu, thì không kể sao cho xiết. Người ta thường nói: Đàn ông muốn đến với đàn bà thì cách nhau một dãy núi, còn đàn bà muốn đến với đàn ông chỉ cách một tờ giấy mỏng mà thôi. Nếu như nhà người đàn bà kín cổng cao tường thì người đàn ông dù có trăm phương ngàn kế cũng chỉ là một giấc mộng xuân mà thôi. Thời ấy có một đôi trai gái phong lưu tuấn tú tằng tịu với nhau rồi thành vợ chồng, đó là Tư Mã Tương Như và Hàn Thọ. Nếu như con gái của Cổ Sung không nhìn thấy Hàn Thọ thì Hàn Thọ cũng không dám vượt qua bức tường cao phía đông nam để gian díu với nhau. Nếu như Tư Mã Tương Như phong lưu tài tử, ăn diện sang trọng mà con gái Trác Vương Tôn không được nghe khúc nhạc "Phượng cầu hoàng", thì Tương Như cũng không thể cùng nàng trốn đi để thành bạn tri âm bán rượu. Bởi thế trai gái tằng tịu với nhau đều do người con gái mà ra. Nếu cứ đổ lỗi cho người đàn bà thì lẽ nào người đàn ông phủi trắng tay. Người đàn ông vốn luôn có ý muốn hành dâm, khi con gái đầu mày cuối mắt đưa tình, hoặc buông ra những câu nói khêu gợi, kín kín hở hở, thì người đàn ông dốc hết công sức nghĩ ra trăm phương ngàn kế nay khơi mai gợi như lửa gần rơm, thế là họ tư thông với nhau. Dù cho thanh danh mất hết, tính mạng chẳng còn họ cũng chẳng quản, cho nên có thể nói, đàn ông quả là to gan lớn mật. Bởi thế chẳng người nào không dám dùng tài năng để đổi lấy sắc đẹp.

Vào những năm Vĩnh Lạc, huyện Lâm Quế phủ Quế Lâm, Quảng Tây, có một vị tú tài tên là Mạc Khả, tự Thúy Hà. Xưa kia nhà khá giả, cha là Mạc Khảo, suốt đời đi thi cốt mong được khoác chiếc áo xanh mà không được. Song Mạc Thúy Hà mới mười hai tuổi, đi thi lần đầu đã đỗ tú tài. Thời ấy có một nhà phú hộ họ Vương, mua một số lễ vật tới xin anh ta làm con rể. Thúy Hà vốn thông minh đĩnh ngộ, hiểu biết sớm, khôn ngoan hơn người, mới mười tuổi đã biết chuyện trăng hoa.

Những ngày nghỉ học thấy kẻ ăn người ở là ôm chầm lấy chúng làm tình. Khi lớn lên yêu đương cuồng nhiệt, đùa chúng đùa đảng la cà tới ngõ liễu đường hoa. Bọn gái làng chơi thấy Thúy Hà trẻ đẹp, tài tử phong lưu, đều muốn bỏ tiền ra để sống với Thúy Hà. Dần dà Thúy Hà trở thành người khinh bạc. Thấy Thúy Hà sống phóng đãng, cha mẹ đau buồn, đổ bệnh rồi lần lượt qua đời. Người chú họ định cưới chạy tang cho Thúy Hà, song gần đến ngày cưới thì con gái nhà họ Vương bỗng ốm nặng rồi chết. Thúy Hà nghe tin dữ rất đau buồn, đến khi tới khâm liệm thấy người vợ ấy rất xấu, mới nghĩ rằng mình gặp may. Từ đó trở đi Thúy Hà cho rằng phải trực tiếp chọn được người đẹp mới lấy. Bởi thế dù cho nhà họ Trương hay họ Lý đến xin làm con rể, nhưng Thúy Hà đều không ưng. Thời gian cứ lần nữa trôi đi, Thúy Hà lại quen thói tới nơi ngõ liễu đường hoa. Ngờ đâu đến năm mười chín tuổi lại đỗ rất cao, được xếp thứ nhì. Những gia đình danh giá giàu có đua nhau đến xin nhận Mạc Thúy Hà làm con rể. Thúy Hà dương dương đắc ý, bắc bậc kiêu kì, nghĩ rằng "Lần thi hội này dễ dàng như trở bàn tay", khoác lác chẳng chút xấu hổ, nói với mọi người rằng:

- Chờ đến ngày bia đá bảng vàng mới động phòng hoa chúc cũng chưa muộn.

Bởi thế tạm gác chuyện hôn nhân lại, vội vàng thu xếp trẩy kinh ứng thí, nhờ chú trông coi việc cửa nhà, cùng với mấy người bạn lên đường. Lúc ấy là giữa mùa đông, dọc đường mưa tuyết sương gió, trời rét căm căm. Sau khi thi đậu, Thúy Hà mặc sức trăng hoa, thân thể suy nhược, phong hàn rất dễ thâm nhập, nên bị ốm giữa đường. Tới Dương Châu thì ốm nặng, phải và quán trọ. Bạn bè mời thầy đến chạy chữa thuốc thang, mấy ngày sau bệnh có thuyên giảm đi đôi chút, nhưng không phải một sớm một chiều mà khỏi hẳn được. Thấy không thể thi Hội được, mọi người lên đường theo tiếng gọi công danh, để Thúy Hà ở lại, dặn Lai Nguyên là người nhà chăm sóc, rồi họ tới kinh thành ứng thí. Đúng là:

Gặp nhau không xuống ngụa

Lại vội vã lên đường.

Thúy Hà ốm ròng rã hơn một tháng trời, mãi đến trung tuần tháng Giêng mới khỏi hẳn, cũng chưa dám làm gì, chỉ ở đó nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Khi ốm Thúy Hà nằm mơ thấy Quan âm Đại Sĩ dùng cành dương liễu rảy nước vào mặt, từ đó khỏi bệnh rồi dần dần khỏe lên. Người chủ quán biết được nói:

- Chùa Quỳnh Hoa quê tôi xưa nay Quan âm rất linh thiêng, Bồ Tát luôn luôn hiển thánh, cứu nhân độ thế. Được Bồ Tát phù hộ Thúy Hà vô cùng cảm động, hứa sẽ đến đó thắp hương. Đến ngày mồng một tháng Hai, Thúy Hà sắm sửa vàng mã hương nến bảo Lai Nguyên mang đi rồi hai người thư thái lên đường tới chùa Quỳnh Hoa. Thấy trên đường phố cực kì hoa lệ, toàn là những nhân vật mũ cao áo dài, lại có cả những khách buôn bán thập phương tụ hội về đây, ngựa xe đông nghịt, đi lại như mắc cửi, quả là chốn phồn hoa đô hội. Thúy Hà ngắm cảnh dọc đường, vô cùng mãn nguyện, cảm thấy lòng lâng lâng sung sướng. Chàng nghĩ tới một câu thơ của người xưa "Tháng ba hoa khói xuống Dương Châu”, quả thực không phải là một câu sáo rỗng. Chẳng mấy chốc họ tới chùa Quan âm, trước tiên vào chùa thắp hương cầu nguyện, rồi sau đó tới các miếu thờ thắp hương lễ bái. Người Quảng Tây vốn rất sùng bái, nên Thúy Hà cũng vô cùng cung kính. Lễ Thần xong, đi thưởng ngoạn những di tích tại chùa Quỳnh Hoa, hoa quỳnh trồng tại đền Hậu Thổ trong chùa từ thời Đường xưa kia, nay không còn nữa. Người xưa thường làm thơ ngâm vịnh loài hoa này; nên nay mới biết hoa quỳnh đẹp.

Chẳng nơi nào có hoa quỳnh, mà chỉ ở Dương Châu mới có. Đến thời cuối Tống đầu Nguyên, hoa bỗng nhiên tàn héo, từ đó loài hoa này mất hẳn. Người đời sau trồng hoa bát tiên thay vào đó, quả thực đây không phải là hoa quỳnh. Xưa kia ngôi chùa này vốn có tên là Phiên Ly, chỉ vì hoa quỳnh mà nổi tiếng, bởi thế tương truyền gọi là chùa Quỳnh Hoa. Các danh nhân xưa nay thường tới đây ngâm vịnh.

Thúy Hà du ngoạn xong trở về quán trọ. Hai hôm sau lại tới thăm di tích Uyển Mê Lâu thời Tùy, rồi du ngoạn hết các danh lam thắng cảnh ở Dương Châu. Thúy Hà thấy tâm tình thư thái, tinh thần hồi phục, bản tính phóng đãng xưa kia trổi dậy, lại lân la tới chốn lầu xanh hái hoa thưởng nguyệt, mặc sức truy hoan.

Mới thoáng qua mà đã là trung tuần tháng Hai. Vốn là, hằng năm vào giữa tiết xuân, các nam thanh nữ tú lại tới chùa Quỳnh Hoa thắp hương cầu nguyện, rồi ra vùng ngoại ô chơi xuân. Thúy Hà biết được tin này, hằng ngày cứ cơm nước xong là tới chùa dạo quanh đây đó, mong gặp được duyên kì ngộ. Nào ngờ, đi mấy ngày liền mà chẳng tìm được chút thú vui nào. Vì sao vậy? Nếu con gái của những nhà quyền quý tới dâng hương thì theo sau kiệu là kẻ hầu ngươi hạ, tới cửa chùa họ đuổi tất cả các du khách ra rồi mới xuống kiệu, khi vào chùa thắp hương lễ bái thì nô tì theo sau đông nghịt, dù có người đẹp nhưng vẫn không sao nhìn thấy, Thúy Hà thẳng còn trông ngóng gì. Ngay những cô gái có chút ít nhan sắc, con cái những nhà trung lưu, sợ người ta chòng ghẹo nên bao giờ họ cũng tới chùa từ sáng sớm, khi mà du khách chưa tới. Những người như thế cũng khó mà nhìn thấy được. Còn những đám đông chen lấn nhau chẳng qua đều là những kẻ ăn người ở hay những cô gái quê mùa, Thúy Hà nghĩ rằng trong số đó chắc chẳng có ai là người đẹp, nên rất coi thường. Đến ngày mười chín tháng Hai, là ngày Quan âm Bồ Tát đắc đạo, những người tới dâng hương đông gấp mấy ngày thường. Họ chen lấn nhau mãi tới xế trưa, du khách mới thưa vắng dần. Mạc Thúy Hà thấy mệt mỏi, tới lầu Tử Đồng nghỉ ngơi.

Chùa Quỳnh Hoa có một số điện thờ: Trấn Vũ là phúc thần, đây là ngôi điện chính; Quan Thế âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn cho con người; Quan Thánh Đế Quân người Hoa và các tộc thiểu số đều thờ cúng, ba nơi này người ta tới thắp hương đông nhất. Còn Tử Đồng chỉ trông coi việc bút nghiên, trong ba trăm sáu mươi nghề, chỉ người theo nghề nghiên bút là ít hơn cả, cho nên trước bệ thờ Văn Xương, lèo tèo vài nén hương, thậm chí nhang tàn khói lạnh.

Mạc Thúy Hà ngồi đó một lúc lâu, rồi bước xuống lầu. Vừa ra khỏi cửa định trở về quán trọ, chợt thấy một cô gái xinh đẹp vào đền thắp hương, sau cô là một gái hầu. Nhìn thấy cô, Thúy Hà hồn vía chơi vơi, thầm nghĩ: "Đi rạc cẳng mấy ngày, hôm nay mới gặp được một cô gái đẹp, thật là may mắn".

Cô gái này là người như thế nào? Cha cô họ Khiết Tư, từng làm Viên ngoại lang. Tổ tiên vốn là người dân tộc thiểu số miền Tây Vực, nhập tịch tại Giang Đô. Vì họ kép khó gọi nên bỏ chữ Khiết đi, chỉ giữ lại chữ Tư làm họ. Tư Viên ngoại là người ngang ngạnh, không hợp với mọi người, bỏ quan về sống ở nhà. Ông chỉ sinh được một người con gái, tên là Tử Anh, người rất đẹp. Phu nhân của Viên ngoại là Bình Thị, ba năm trước đây bị ốm, tiểu thư Tử Anh cầu nguyện Phật phù hộ cho mẹ mình và hứa với Quan âm Bồ Tát sẽ thêu hai cành phan. Không ngờ mệnh trời đã hết, phu nhân ốm liệt giường rồi tạ thế, song Tử Anh vẫn mong mỏi được đền ơn Phật. Cô thêu xong hai cành phan, xin cha nhân ngày Quan Thế âm đắc đạo đến chùa hoàn thành ý nguyện của mình. Tư Viên ngoại vốn là người tôn sùng Bồ Tát, lại nghĩ rằng Tử Anh mới mười lăm tuổi, còn nhỏ nên đã cho phép cô đi. Vả lại vì buổi sáng người đông, ông dặn con đừng đi sớm. Tư Viên ngoại vốn là vị quan thanh liêm, bổng lộc ít, đến khi về nhà chẳng quan tâm gì đến việc dông dài, nhà cửa lạnh lẽo như băng giá. Mấy người gia nhân biết việc, không chịu được khổ sở buồn tẻ đều bỏ đến những nơi sung sướng đông vui, chỉ còn lại mấy người hầu nhà quê không thể đi được. Ông đã cho mấy người ấy theo tiểu thư đi thắp hương dâng cành phan. Mấy người đàn bà ấy trang điểm vào, tiểu thư Tử Anh trông thấy quá xấu xí rất buồn.

Nghĩ rằng: "Nếu để cho họ đi theo thì người ta sẽ cười đến vỡ bụng mất". Bởi thế chỉ để cho Liên Phòng, một cô gái trực tiếp hầu mình cùng với hai người nhà quê khiêng kiệu, hầu hạ tiểu thư tới chùa dâng cành phan, và tới dâng hương tại điện chính, nơi thờ Quan Thánh Đế. Sau đó tới lầu Tử Đồng, thấy nơi đây vắng vẻ, không có du khách lai vãng tới, hai người hầu đều bỏ đi chơi. Không ngờ tiểu thư đã lọt vào mắt Mạc Thúy Hà, chỉ hiềm một nỗi chàng không gần gũi trò chuyện với nàng được.

Vì thấy dáng vẻ, cử chỉ nàng thuộc lớp người quý phái, sợ tới gần nàng sẽ gây ra rắc rối. Thúy Hà nghĩ rằng sau Văn Xương lâu là đài Đổng Trọng Thư đọc sách, nơi đây không có người qua lại, có thể ngẫu nhiên tiểu thư tới nơi này du ngoạn, vậy tại sao ta không tới nấp tại đó, chờ cho nàng tới sẽ được nhìn thỏa thích. La cà ở đây suốt ngày, nên Thúy Hà rất thông thuộc nơi này, nghĩ thế, Thúy Hà bèn đến đài Đổng Trọng Thư ẩn nấp. Xưa kia Đổng Trọng Thư làm tướng của Giang Đô vương.

Giang Đô vương vốn là người ngạo mạn hiếu dũng, Đổng Trọng Thư dùng lễ để cảm hóa ông, Giang Đô vương đã sửa chữa lỗi lầm đi theo điều thiện. Bởi thế Dương Châu dựng đài thờ, noi theo tấm gương ông, đài thờ đó được đặt tên là đài Đổng Trọng Thư đọc sách. Chuyện này dân thường không biết, cho nên họ không đến. Nào ngờ nơi ấy đã xẩy ra cuộc gặp gỡ bất ngờ đối với Mạc Thúy Hà.

Tới Tử Đồng lâu thắp hương, tiểu thư Tử Anh thấy hương tàn khói lạnh, cũng là do tấm lòng của nàng đối với những bậc đại gia, nên nàng nói với Liên Phòng bảo những người theo hầu mang lửa tới, Liên Phòng vội xuống lầu gọi, nhưng chẳng thấy một ai. Đang lúc vội thì Liên Phòng muốn đi tiểu tiện.

Cô rẽ ra phía sau lầu, ngoặt qua một lối đi nhỏ, thấy một chỗ rất vắng vẻ, kín đáo. Nơi đây cây cối tre trúc um tùm, có mấy chiếc bể non bộ giả cảnh Thái Hồ lung linh tinh xảo, vừa cao vừa to bên núi có một cây mai cổ thụ. Liên Phòng nghĩ: "Trong vườn hoa nhà mình không có nhiều núi giả đẹp như thế, và cũng không có cây mai cổ thụ nào như thế". Thế rồi Liên Phòng lẻn vào cạnh núi giả đi tiểu tiện. Thời ấy học sĩ họ Đào từng làm một bài thất ngôn tuyệt cú, chẳng khác nào ông đã làm thơ vịnh Liên Phòng:

Đi tiểu tiện xong, Liên Phòng vội vã quay trở lại, chạy lên lầu thưa với chủ. Tử Anh chờ sốt ruột, trách Liên Phòng đi quá lâu. Liên Phòng nói:

- Không thấy một người hầu nào, ngay cả phu khiêng kiệu cũng đi hết cả rồi. Tiểu thư cứ đi lễ đi.

Tử Anh thắp hương trước đền thờ Văn Xương, lễ xong đứng dậy. Liên Phòng nghĩ tới phong cảnh phía sau, muốn dạo chơi một lát, nói:

- Thưa tiểu thư, đằng sau lầu có núi giả và cây cối rất thanh u tĩnh mịch, sao tiểu thư không tới đó dạo chơi?

- Sao ngươi biết? - Tiểu thư hỏi.

- Vì con đi tiểu tiện mới tới nơi đó. - Liên Phòng nói.

- Mày liều thật, - tiểu thư nói, - lỡ người ta biết thì ngượng chết đi được.

- Nơi ấy rất vắng vẻ tĩnh mịch, - Liên Phòng nói, - chẳng thấy bóng một người nào. Ngước nhìn thấy một tòa đài cao to, nhất định trên đó phong cảnh sẽ rất đẹp.

Vẫn còn tính trẻ con, Tử Anh thấy nói nơi đó đẹp, lại không có người lui tới, bỗng chốc ưng ngay, theo Liên Phòng xuống lầu, len lỏi qua lối đi nhỏ tới đài Đổng Trọng Thư. Quả nhiên thấy núi giả, cây cối, tre trúc um tùm, thanh u vắng vẻ, nàng rất vui thích. Rẽ sang núi Thái Hồ leo lên đài, thì thấy một ngôi miếu nho nhỏ, trong đó thờ một pho tượng. Ngoài miếu, phía bên trái là một chiếc lò hóa vàng hương, bên phải là một chiếc bể đá lớn thả sen. Vì Liên Phòng vừa đi tiểu tiện, nên tới đó rửa tay, nhìn vào bể nói:

- Tiểu thư, tới đây mà xem này, nước trong vắt, trông thấy đáy thật là thanh khiết, sao tiểu thư không tới rửa tay.

- Tay ta sạch, không cần phải rửa.

- Nước trong vắt thế này hãy rửa một chút đi.

Tử Anh nghe theo Liên Phòng, bèn tới bể rửa tay. Liên Phòng vội vã lấy từ trong tay áo ra một chiếc khăn lụa đưa cho tiểu thư lau.

Hai người đang quay vào bể lúi húi rửa tay vui đùa, ngờ đâu Mạc Thúy Hà rảo bước lên đài, thỏa thuê nhìn tiểu thư.

Tử Anh lau tay xong, quay lại, thấy một chàng trai đứng ngay trước mặt, giật mình thầm trách: "Mình là con gái, lẽ ra không nên nghe đứa hầu đến đây chơi", rồi khe khẽ giục Liên Phòng:

- Có người, ta đi thôi.

Đang định đi, thấy Mạc Thúy Hà đứng trước cản đường,

Liên Phòng nhanh trí nói:

- Tiểu thư tay sạch rồi, ta đi thắp hương thôi.

Thế rồi cô dẫn tiểu thư vào miếu. Tử Anh cũng không biết Đổng Trọng Thư là vị thần như thế nào, vội vã thắp hương, lễ xong bước ra. Lúc ấy Mạc Thúy Hà lòng những bối rối mẩn mê, chưa biết nên nói thế nào, chợt nghĩ ra một kế, nói:

- Tôi cũng phải rửa tay một chút rồi mới thắp hương được.

Chàng nhúng tay vào bể khuấy khuấy, vén vạt áo trước lên lau, để lộ ra chiếc áo đỏ bên trong. Vốn là mấy ngày liền cứ quanh quẩn đi dạo trong chùa, ước mong sẽ có một lúc nào đó được gặp người đẹp, cho nên chàng diện rất sang. Đầu chít khăn nhiễu màu lá sen rất thời thượng, chiếc áo lót bên trong bằng lụa trắng, làm nổi bật chiếc áo the màu đỏ, ngoài chiếc áo lót bằng lụa trắng là chiếc áo the mềm bằng tơ nõn. Những thứ này đều chuẩn bị sẵn ở nhà, nghĩ rằng nếu đỗ tiến sĩ sẽ mặc tới dự yến vua ban, tạ ơn thầy học, khoe khoang sự phong lưu với bạn bè. Nào ngờ, ốm không đi thi được, bèn thắng hộ tới chùa Quỳnh Hoa ve gái. Nếu như lúc ấy Tử Anh thắp hương lễ xong rồi ra về thì Mạc Thúy Hà cũng chỉ được nhìn thỏa thích mà thôi, chứ chẳng xơ múi gì. Nào ngờ, hằng ngày Tư Viên ngoại sống rất tiết kiệm, ăn mặc tằn tiện không ưa xa hoa lãng phí, tiểu thư cũng quen sống như thế từ nhỏ, nên khi ra khỏi miếu, thấy Mạc Thúy Hà vén áo lau tay, nàng cảm thấy xót ruột thầm nghĩ: "Vị tú tài này thật là phí của, chiếc áo mới thế mà lại đem lau tay, chắc rằng chàng không mang khăn lau đi". Điều ấy hoàn toàn không nên, tiểu thư quay lại bảo Liên Phòng đưa khăn tay cho chàng mượn. Thúy Hà lầm tưởng rằng tiểu thư có tình ý với mình, cầm lấy khăn lau tay mà hồn vía lên mây, nói:

- Phiền tiểu thư quá, tôi vô cùng cám ơn tấm lòng của tiểu thư.

Rồi chàng lấy từ trong tay áo ra một nén bạc đưa cho Liên Phòng, nói:

- Đây là chút nghĩa mọn, xin báo đền đức lớn.

Liên Phòng biết ý không dám nhận, định bỏ đi, song Thúy Hà lôi lại nhét bạc vào tay áo Liên Phòng, rồi anh ta chạy như bay xuống chân đài, gài chặt lấy cửa sau Tử Đồng lâu. Liên Phòng vội vàng quay lại nói với tiểu thư rằng, tú tài đã như thế, như thế. Tiểu thư nghiêm mặt quát:

- Đồ hèn, sao không nói thẳng với anh ta rằng, ta là người nhà của Tư Viên ngoại, cần gì số bạc của anh!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx